Chương 4
Tác giả: QUỲNH DAO
Tết dương lịch được nghỉ ba ngày, thời tiết thật dễ chịu. Nắng ấm luôn, trải qua những ngày gió lạnh mưa thưa, những ngày nghỉ Tết với thời tiết thế nầy thật hiếm có.
Trong ba hôm đó, so với ngày thường làm việc Bạch Phù còn bận rộn hơn. Nàng bận đến Thúy Phong liệu dưỡng viện quấn quít bên Quang Vũ. Nàng bận đi chơi với Lý Mang, đôi khi đi cùng cơm theo lời Viên mời. Và bận nhứt là phải tiếp Trình.
Để sống vui những ngày nghỉ lễ, Trình đã viết thơ cho Bạch Phù, báo tin là sẽ đến thăm nàng.
Trình đến Hương Cảng lần nầy là lần thứ hai trong vòng mấy tháng. Xa cách Bạch Phù chẳng bao lâu, nhưng Trình cảm thấy như không còn chịu đựng nổi sự cô quạnh trong lòng. Với chàng, hình như hai người đã xa cách nhau cả năm rồi vậy.
Hai người sẽ gặp gỡ, hàn huyên với nhau cho tới khuya rồi ai về phòng nấy nghỉ ngơi.
Không ngờ đêm đó, Trình ra bến xe mua vé, xe trưa đã hết, chàng chỉ còn mua được vé đêm. May là lần nầy Hương Cảng không đón chàng với khung trời mưa gió lê thê như độ nào. Một thất vọng khác đến với Trình là khách sạn độ nầy đầy những khách du lịch. Bỏ năm cũ bước qua năm mới, Hương Cảng tiếp rất nhiều du khách, Trình muốn tìm một căn phòng nhỏ yên tĩnh để cùng Bạch Phù hưởng lại chút kỷ niệm xa xưa cũng không được. Thế là mộng ước của Trình tiêu tan phần đầu.
Chàng còn lại cả một ngày trước mặt. Chuyện làm thứ nhứt của chàng là gọi điện thoại thẳng đến chỗ của Bạch Phù ở. Chàng không ngờ người tiếp điện thoại cho biết Bạch Phù của chàng đã đi vắng. Đi đâu? Không biết. Chừng nào về? Cũng chẳng ai hay!
Tin ấy đã làm Trình xuất mồ hôi, thời tiết dễ chịu ngày đầu năm đối với chàng không ăn chung gì. Lòng Trình buồn bực nặng nề, chàng ngồi sững sờ trong gian phòng nhỏ, lặng thinh. Nghĩ mãi vẫn không hiểu được sao Bạch Phù đi vắng. Tự nhiên mà Trình nghĩ đến việc Bạch Phù đi thăm ông anh rể.
Chàng không hận nàng, không hận Quang Vũ mà chỉ hối hận không xử dụng đúng thời gian quý báu của buổi đầu năm.
Trình càng nghĩ càng giận mình. Chàng chỉ muốn gặp Bạch Phù nên mới sang Hương Cảng. Nay không gặp nàng thì biết phải làm gì? Chàng mệt mỏi nằm dài trong phòng nhỏ. Ôm hy vọng mỏng manh. Chốc chốc, Trình lại điện thoại đến công ty Hương Hoa, gọi đến mấy lần, người tiếp điện thoại ở đầu dây bên kia phiền quá! Trình với giọng khẩn thiết báo cho biết số điện thoại của lữ quán, yêu cầu người bên kia đầu dây nói lại với Bạch Phù, nếu nàng về nhớ gọi dây nói cho chàng.
Trình dặn đi dặn lại mãi khiến người bên kia đầu dây phát gắt. Chàng đành nói lời cám ơn rồi gác điện thoại.
Thời gian chậm chạp trôi qua. Trình cảm thấy đói bụng. Bấy giờ Trình mới nhớ là mình chưa ăn sáng. Nhưng chàng sợ lỡ Bạch Phù gọi điện thoại đến không có người tiếp nên không dám rời đi. Trình chỉ uống đỡ mấy ly trà đắng dằn bụng.
Vừa mệt mỏi vừa đói, Trình không sao chống được cơn buồn ngủ. Trình năm nghiêng trên giường rồi từ từ thiếp đi.
Trình ngủ không được ngon, chỉ sợ lỡ có Bạch Phù gọi điện thoại lại. Trước khi đi ngủ Trình an ủi lấy mình:
- Cho dầu Bạch Phù có đi đâu thì ngày mai nàng cũng phải trở về.
Trình là một thanh niên hết sức thành thật nhưng lần nầy, trí óc chàng thật minh mẫn. Trình đoán đúng, Bạch Phù đến liệu dưỡng viện ở Thanh Sơn thăm Quang Vũ.
Thăm Quang Vũ đối với Bạch Phù là điều quan trọng nhứt. Hơn nữa, lại là một điều vui nhứt.
Từ khi đến Hương Cảng làm việc, hễ có rảnh rang là Bạch Phù không nề cực nhọc đi thăm anh. Nàng cứ đi, bất chấp trời lạnh hoặc mưa rơi. Nàng không cảm thấy gì hết khi đi, nhưng khi rời Quang Vũ, nàng mới cảm thấy tất cả sự lạnh lùng hoang vắng! Rời xa Quang Vũ nàng cảm thấy như thiếu mất một vật gì.
Nàng tưởng tượng có một ngày nào đó, Quang Vũ lành bịnh rồi cả hai sẽ như ngày nào ở Quảng Châu, kề cận bên nhau, sống chết bên nhau! Cả hai sẽ tạo một căn nhà có thể sẽ nhỏ hẹp hơn căn nhà tồi tệ trước kia, song trong nhà vẫn đầy đủ hạnh phúc và êm ấm.
Tuy nhiên, nàng vẫn biết điều đó là ảo tưởng, không mong gì thực hiện.
Hiện giờ, ngoài việc lo âu về sức khỏe lại còn không biết bao nhiêu điều khốn khổ khác đang âm thầm bủa vây Bạch Phù. Khốn khổ nghiêm trọng nhứt là vấn đề tiền nong. Chi phí của Quang Vũ đã vượt quá mức dự định của nàng một bực. Tuy là bịnh của chàng đã có mòi thuyên giảm, nhưng mỗi tháng kết toán, con số của y sĩ bịnh viện đưa ra thấy hết hồn.
Bạch Phù dành hết số tiền dành dụm chi dụng cho Quang Vũ trong vòng một năm. Song, sau đó phải biết làm sao? Còn tiền lương hàng tháng của nàng thì tháng nào như tháng nấy, chỉ đủ trả một phần tư tiền thuốc men cho Quang Vũ. Theo lời bác sĩ bảo đảm thì Quang Vũ sẽ lành mạnh sau một năm điều trị nên lúc ấy nàng mới đỡ lo hơn một chút. Quang Vũ ra bịnh viện lại có thể tìm việc làm. Lúc ấy, nàng sẽ dọn lại ở chung với chàng, lo tất cả chuyện nhà, tạo thành một tiểu gia đình.
Quang Vũ có cần nàng làm chủ gia đình hay không? Hay chàng sẽ chọn một người khác? Chẳng hạn như chàng chọn cô y tá họ Lục trong bịnh viện?
Mỗi lần nghĩ đến hoặc trông thấy cô y tá đó, không hiểu sao nàng thấy lòng bứt rứt khó chịu. Nàng không ưa người y tá đó và càng lúc càng thấy ghét đắng ghét cay.
Lợi dụng có ngày nghỉ, sáng sớm mùng một tây, Bạch Phù đến thăm Quang Vũ. Lẽ thì lòng nàng phải trong sáng như khí trời hôm ấy. Lúc nàng đến bịnh viện thì quả vậy, lúc nàng gặp Quang Vũ cũng vậy. Nhưng thấy mặt cô y tá họ Lục không hiểu sao tâm tình nàng thay đổi bất ngờ. Nàng thấy ở cô y tá có nụ cười ngọt ngào, tư dung dịu dàng uyển chuyển, có ma lực hấp dẫn đối với con trai. Chỉ nghe Quang Vũ nói chuyện với cô họ Lục hay cô ta cười với Quang Vũ là lòng nàng thấy làm sao ấy.
Lâu nay, nàng thường ngồi bên Quang Vũ trên băng đá để hứng nắng, có bé Bình kề bên.
Mẹ Bình hôm nay cũng tới thăm con. Bà và Bạch Phù rất quen mặt nhau, bà là người ốm yếu nhưng có cặp mắt có lúc rất buồn thảm. Bà ta có khuôn mặt dài nhưng tỏ ra không chậm chạp chút nào.
Mẹ Bình là giáo sư trung học đến Hương Cảng để tìm chồng. Thoạt đầu, bà phải xa chồng vì phải nuôi một mẹ già ở quê. Đến khi bà mẹ qua đời, tống táng đâu đó xong xuôi, bà mới đưa Bình đi lánh nạn, đi lần đến Hương Cảng. Thật không ngờ, ba Bình đã cưới vợ khác trẻ đẹp ngay trong thời gian loạn lạc. Mẹ Bình tuy đã học tới đại học song vẫn giữ đúng quan niệm tam tùng tứ đức, không buông lời trách cứ chồng. Bà tha thứ cho chồng, cho rằng mọi người cứ chọn nệp sống sao cho yên ổn thì thôi. Nhưng cuộc sống chồng một vợ hai như thế không được. Bà vợ sau tự cho mình còn trẻ đẹp, không sao chịu nhận kiếp chồng chung. Bà ta khóc lóc làm ồn lên. Trước tiên, bà ta cho là ba Bình đã gạt gẫm bà ta. Thứ đến, bà bắt ba Bình phải chọn một trong hai người đàn bà.
Mẹ Bình không muốn chồng khó xử, tự động đưa ra việc ly hôn. Ông chồng liền cấp một số tiền cho mẹ Bình. Từ đó, đoạn tuyệt luôn tình nghĩa.
Nhìn bề ngoài, mẹ Bình đối với tất cả những biến thiên không coi vào đâu, nhưng thật sự trong lòng bà đau đớn lắm.
Mẹ Bình bịnh một thời gian, cho tới khi lành, cố gắng phấn đấu giành lấy cuộc sống, mới hay là Bình bị bịnh lao phổi.
Bình là đứa bé can đảm, lãnh trách nhiệm biết lo lắng, đối với việc ly thân của cha mẹ, lòng cậu bị kích thích mãnh liệt. Bình nóng nảy, lo lắng, bứt rứt, xốn xang, biết rằng bịnh mình vì đó sẽ nặng thêm nên cự tuyệt việc thuốc thang của mẹ và y tá. Trong tuyệt vọng đó, mẹ Bình may có người chỉ cho viện bài lao nầy nên đem Bình đến gởi cho bác sĩ giám đốc.
Trường sở ở quận lỵ, đường đi rất xa, hơn nữa, mẹ Bình còn là người chịu trách nhiệm hướng dẫn chúng nên thật bận rộn. Chỉ có ngày chủ nhật bà mới đi thăm Bình được.
Mẹ Bình lo lắng cho con không thua gì Bạch Phù lo lắng cho Quang Vũ. Cho nên sáng sớm một một dương lịch, lúc Bạch Phù tới thăm Quang Vũ thì mẹ Bình cũng tới thăm Bình. Chỉ vì đường xa hơn mà bà tới trễ hơn thôi.
Lúc mới đến sống trong việc bài lao, Bình bực bội như là bị nhốt trong ngục thất. Mỗi lần mẹ đến thăm, Bình đều ôm lấy mẹ gào khóc. Lâu dần, Bình quên đi và rồi cũng sống dễ chịu hơn.
Mọi người trong bịnh viện đều ưu đãi Bình, nhứt là cô y tá họ Lục, Bình đã xem cô như một người dì hay cô. Rồi lúc Quang Vũ vào bịnh viện thì Bình mới tìm được một người bạn tri âm vong niên cho bé.
Quang Vũ có tánh chịu khó nuông chìu con nít. Chàng nói chuyện vãn với Bình cản ngày, nói chuyện đời xưa, đời nay. Chàng còn dạy Bình rất nhiều trò chơi. Ngoài những kiểu xếp thông thường hình chó, chim, Quang Vũ còn sáng chế ra các kiểu xếp phi cơ, đại bác trông rất đẹp.
Bây giờ, Bình đang ôm trong tay một "xấp" phi cơ. Bé đưa khoe với mẹ và Bạch Phù, cao hứng hỏi:
- Phi cơ nầy giống hệt phi cơ bay trên trời phải hông? Phải hông má? Phải không cô?
Bé nhìn hai người bắt buộc cả hai phải đồng ý với bé, bé mới chịu cười.
Rồi bé trịnh trọng quay lại hỏi Quang Vũ:
- Chú, phi cơ nầy là phi cơ gì?
- Phi cơ quân sự, loại lưỡi kiếm.
Quang Vũ chịu khó giải thích giúp cho trí nhớ của Bình:
- Cháu xem, hai cánh xếp ra sau như hai lưỡi kiếm!
- Thứ nầy bay dữ hôn chú?
- Tự nhiên là dữ rồi.
Quang Vũ xoa đầu bé Bình, bỗng không chàng buông tiếng thở dài.
Lúc ấy, Bạch Phù tuy có nghe mẹ con Bình nói chuyện, song tâm trí đã dành ra hơn phân nửa theo dõi lời lẽ và cử động của Quang Vũ.
Nàng biết vì sao chàng thở dài. Chắc là Quang Vũ bỗng nhớ đến con còn ở Đại Lục. Đồng thời, Bạch Phù còn biết sở dĩ Quang Vũ yêu mến bé Bình cũng là do đức tánh yêu mến con mình song không có chỗ phát tiết ra được.
Bạch Phù cho như thế là hay. Có Bình, Quang Vũ đỡ được phần nào cô đơn quạnh quẽ! Nàng cũng yêu mến Bình. Một cậu bé ngoan ngoãn, thông minh, lễ phép. Bình là đứa trẻ rất đáng yêu.
Bạch Phù cũng có ấn tượng tốt về bà mẹ của Bình. Bà ta hiền lương, hòa nhã, sống giản dị, chất phác, không điểm trang diêm dúa.
Bình đang chơi phi cơ giấy bỗng thấy cô y tá liền cao giọng gọi:
- Cô Lục! Đến coi máy bay của cháu đi!
Cô Lục dừng bước, mỉm cười với Bình. Nhìn thấy mẹ Bình và Bạch Phù, cô y ta cười vui lần nữa và gật đầu chào.
Bình đưa cao máy bay giấy khoe:
- Cô xem nè!
- Bình, cô ấy đang bận việc, đừng có kêu om sòm như vậy.
Bà mẹ lên tiếng ngăn con, nhưng cô y tá vẫn nói với Bình:
- Được rồi! Đợi chị một chút.
Đối với Bạch Phù, cô y tá là hình ảnh của một đám mây đen. Khi mây đen nổi thì trời không còn trong sáng nữa. Lòng nàng nằng nặng, tự nhiên mà có nỗi buồn len lỏi.
Ánh mặt trời chiếu sáng gương mặt rạng rỡ cười tươi của cô y tá. Do làm việc bận rộn, mặt cô ta ửng hồng, đầy vẻ hoạt động nhanh nhẹn của tuổi trẻ. Hơn nữa, cô ta mặc sắc phục trắng thẳng nếp, không vướng chút bụi, rồi cái mũ hồng thập tự che chừa cái lõm tóc đen huyền càng tăng thêm nét quyến rũ đáng yêu.
Bạch Phù nhìn Lục quan sát, tự nhiên nẩy sanh lòng tự ti, tự thấy mình bé nhỏ, thấp kém hơn. Cô y tá là hình ảnh của trời xuân, còn nàng là một buổi chiều đông lạnh buốt. Người nàng ốm yếu, da xanh xao, quần áo cũng một màu tối sẫm.
Cái áo dài mà nàng đang mặc là của Hồng Liên để lại. Màu áo không tránh khỏi nét cũ của thời gian. Bạch Phù không ân hận về việc mình đến Hương Cảng mà không mua sắm gì cả.
Nàng chỉ cảm thấy buổi sáng cần mặc áo dài, áo choàng ngoài, nên cứ lấy áo ra mặc thôi. Cái áo lông choàng mà Bạch Phù đang mặc đây lại là quà Noel của Lý Mang, nàng cứ mặc thành thói quen, bây giờ có hối cũng không kịp nữa.
Hôm nay là ngày đầu năm, mẹ Bình mặc áo ấm với màu vàng lúa chín. Sánh với cô y tá, Bạch Phù đã thấy mình kém khuyết, mà sánh với mẹ Bình, nàng cũng tự thấy mình chẳng bằng được bà ta.
Mẹ Bình không đẹp. Hơn nữa, vào tuổi bà thì không thể nói chuyện nhan sắc. Nhưng ở bà có một phong thái cao quý, dễ nhìn. Trong hoàn cảnh nào, mẹ Bình cũng có cái dáng dấp đoan trang, không như nàng, vừa nhìn thấy mặt địch thủ là đã sớm có nỗi buồn rầu chủ bại!
Bạch Phù ngồi yên lặng. Không một ai hiểu rõ tâm tình nàng. cũng không ai chú ý đến nàng, mọi người đều nhìn chăm chú các kiểu máy bay. Cô y tá thì luôn miệng khen tài sáng chế của Vũ, một mặt cứ tò mò hỏi thăm về cách xếp giấy cho thành hình. Cô học để về dạy cho cậu em.
Quang Vũ rất thành thật chỉ biểu cho Lục, mở phi cơ giấy ra, rồi xếp lại nhiều lần, sau đó mới nhường cho Lục xếp thử. Lục xếp đi xếp lại không thành thì cười, tự mắng mình ngu một cách vui vẻ. Bạch Phù nhìn tất cả với đôi mắt lạnh nhạt, muốn cho cô y tá sớm đi khuất cho đỡ tức.
Lục muốn đi thì Bình giữ lại, nên đành ở lại thêm một lúc. Đôi khi Lục nhìn sang Bạch Phù, cảm nhận được ngay sự lạnh nhạt đó. Cô hỏi qua Bạch Phù vài câu và Phù buộc lòng phải trả lời cho qua. Lục lại vui vẻ hướng về Bình và Quang Vũ, tiếp tục nói chuyện về những chiếc máy bay bằng giấy.
Bình yêu cầu mẹ lần sau nhớ mua thêm dụng cụ để chú Vũ làm cho nó một chiếc máy bay bằng sắt.
Mẹ Bình cẩn thận nhờ cô y tá hỏi qua giám đốc bịnh viện, xem có cho phép làm máy bay như vậy không. Bởi bà có thể vì lòng thương con mà làm bất cứ chuyện gì, miễn ông giám đốc cho phép. Bà rất tín nhiệm ông ta, vì sau nửa năm Bình được gởi vào đây trị bịnh, bịnh của bé đã bớt nhiều. Mục đích duy nhứt của bà là muốn cho Bình lành mạnh, cho dầu phải tốn hết số tiền dành dụm. Bà con là tín đồ Thiên Chúa nên luôn cầu nguyện Chúa Trời ban phước lành cho con mau bình phục.
Cô y tá bận việc đã đi rồi, Bình và bà mẹ vẫn còn bàn với Vũ về việc làm máy bay bằng sắt. Cả hai đều nhìn Quang Vũ với ánh mắt tôn kính. Bên ngoài, Bạch Phù tỏ vẻ lắng nghe, nhưng thật ra nàng không nghe biết gì hết. Nàng vốn biết khả năng và trí tuệ của anh rể mình không như người thường. Nếu như ban đầu, Quang Vũ chịu khó xây dựng một sự nghiệp gì thì có lẽ chàng đã thành công rồi. Nếu thuở còn thơ chàng cũng nghèo khổ như ai khác, thì chắc chắn bây giờ chàng đã là một con người khá lắm. Nhưng Quang Vũ đã trót giàu, và chính khung cảnh sang giàu đã làm hại chàng.
Đương nhiên, bây giờ Quang Vũ xây dựng lại cuộc đời cũng không phải trễ. Lúc cả hai còn sống chung, Bạch Phù đã từng bàn với Vũ một kế hoạch để thực hiện trong tương lai. Nàng hứa sẽ giúp chàng nghiên cứu phát minh và coi đó là một hứng thú lớn nhứt. Lúc đầu, Quang Vũ không muốn nghe và không trả lời gì cả. Lâu dần, chàng nhận thấy nàng có lý.
Con người muốn sống, tự nhiên phải nghĩ đến cách làm thế nào để sống, làm thế nào cho cuộc sống có ý nghĩa.
Bạch Phù, bà mẹ của Bình, Bình và Quang Vũ ngồi nói chuyện bên ngoài cửa thêm một lúc thì cô Lục trở lại thúc giục chích thuốc. Hai người bịnh đành trở về phòng.
Bạch Phù theo Quang Vũ về phòng, hài lòng vì có cơ hội được ở riêng bên chàng. Nàng không ngờ Vũ xem đồng hồ rồi nói:
- Mười giờ rưỡi, em không phải về sao?
Nàng cúi đầu nhìn mặt đồng hồ của Vân Trình mua tặng, không đáp.
Tuy biết Quang Vũ nói thế là do ý tốt, song nàng vẫn cảm thấy không chịu được với cảm giác bị xua đuổi. Hơn nữa, lòng nàng chưa lấy lại được thản nhiên, lời thật của Quang Vũ lại làm cho nàng nghĩ bắt quanh: Chàng cố đuổi nàng về là để có cơ hội nói chuyện với Lục!
Vừa rồi nàng đã chẳng nhìn thấy Lục vừa chích thuốc vừa nói cười vui vẻ với Vũ sao? Tính đến bây giờ, cả hai còn chưa có chuyện gì, nhưng ai biết trong ngày dài tháng rộng, giữa họ lại không phát sinh tình ái?
Nói thật mà nghe, Quang Vũ đâu có vụng về như Vân Trình. Cũng không có tướng mạo khó nhìn như Phương Khả Viên. Chàng có đầy đủ những ưu điểm để cho người con gái thoạt nhìn là có cảm tình ngay.
Bạch Phù biết Quang Vũ không phải là người buông thùa tình cảm. Nhưng sau khi bị Hồng Liên bỏ rơi, bao giờ Vũ cũng cảm thấy trống vắng, buồn tênh. Huống chi sức khỏe đang trên đường dần dần hồi phục, theo lý thì chàng cũng cần tìm lấy một người để gởi gấm tâm tình mai hậu.
Vũ thấy Bạch Phù không đáp, hỏi thêm một câu:
- Hôm nay em định đi chơi đâu?
- Không có ý định gì cả.
Nàng đáp gọn mấy tiếng. Nàng có định gì đâu ngoài việc đến thăm chàng. Cái gì nàng cũng không tính tới. Nếu như có thể được, thì nàng rất sẵn sàng ở lại đây, quấn quít bên chàng giống như ngày nào, cứ gặp ngày nghỉ là nàng ở luôn bên chàng.
Nhưng tại sao Quang Vũ lại đi hỏi nàng như vậy? Có phải là chàng muốn cho nàng đi chỗ khác chơi không? Hay là chính chàng muốn có cơ hội vui đùa với người con gái khác?
Quang Vũ lại hỏi:
- Nghỉ đầu năm, Vân Trình không sang Hương Cảng thăm em à?
- ...
Nàng nhìn chàng rồi lắc đầu.
Quang Vũ rất thông minh mà nghĩ đến việc Vân Trình đến thăm nàng. Đó là thái độ tự nhiên của người con trai đeo đuổi một người con gái, ai cũng có thể hiểu. Nhưng tại sao Bạch Phù ấp úng, lắc đầu nguầy nguậy mà không nói thật cho Vũ biết.
Nghĩ vậy, nàng mới mở miệng:
- Anh ấy có nói trước là định đến Hương Cảng, nhưng không mua được vé.
- Sao em biết?
- Anh ấy đánh điện tín.
Nàng trả lời, đồng thời nhớ lại phút nhẹ nhàng chiều hôm qua khi nhận được điện tín. Trong thơ gởi trước, Vân Trình tỏ ý muốn được nàng ra đón tại bến xe. Nàng cảm thấy thật khó. Bởi xưa nay nàng có đưa đón ai bao giờ đâu. Bức điện tín đã giải thoát cho nàng nỗi khó khăn đó.
Vũ không để nàng yên:
- Trình nói chắc là không đến à?
- Dạ.
Nàng dạ cách hàm hồ.
- Sao lại có thể như vậy được? Chuyến xe này mua vé không được thì mua vé chuyến sau. Nếu như Vân Trình thành thật muốn đến thăm em, thì không thể vì chuyện hết vé một chuyến xe mà bỏ việc đi Hương Cảng.
- Ảnh không báo trước là sẽ đến thăm em. Ảnh chỉ cho biết là sẽ đến Hương Cảng để du ngoạn.
Vũ nhếch miệng cười, cho rằng nàng giải thích với thần sắc trịnh trọng là thừa. Chàng nói:
- Anh nghĩ là Trình phải có mặt.
Vũ nghĩ gì mà đi nói vậy? Trình đương nhiên phải đến Hương Cảng. Trong điện tín chàng còn cho biết rõ sẽ đi xe đêm. Nhưng nào nàng có nghĩ đến chuyện đó? Bằng cớ là sáng sớm nàng đã đi Thanh Sơn liệu dưỡng viện.
- Nếu Trình đến, em nên tiếp cậu ta cho cẩn thận, đưa cậu ta đi chơi. Bạch Phù, thôi em về đị..
Câu nói của Vũ có một uy lực khó khống chế, khiến nàng dầu không muốn rời đi cũng không sao ở nán lại được.
Đi xe buýt về chợ thật là khổ vì người đi quá đông. Trời ấm trở lại đến phát nóng. Trong lòng không vui, nàng mang về tất cả giận hờn. Nhứt là khi nghĩ đến giờ này chắc Vũ đang nói cười với Lục.
Nỗi giận hờn của nàng lại biến thành nỗi uất ức không chịu được. Nàng cố gắng tự an ủi: Đừng có vì giận mà tự làm phiền mình. Ngày đầu năm đi thăm Vũ để tìm lấy sự Oán hận ư? Tại sao mình không như người khác, cứ nói cứ cười, cười cho qua các ngày nghỉ.
Nàng nghĩ miên man hết điều này sang điều khác. Nhưng dầu nghĩ ngợi thế nào cũng không ích lợi gì. Bởi mỗi lần nghĩ đến cô y tá là nàng không thể vui được.
Vừa xuống xe, Bạch Phù đi thoăn thoắt trên đường về hãng. Chính lúc nàng định vào cổng thì bỗng nghe tiếng gọi phía sau:
- Bạch Phù!
Quay đầu nhìn lại, nàng thấy Lý Mang và người bạn tên Lưu Sở ngồi trên hai chiếc xích lô đạp chạy trờ tới. Nàng càng khó chịu hơn. Nhưng không lẽ gặp bạn thân lại có bộ mặt đưa ma, nàng cố gượng cười tiếp bạn.
- Thiệt may! Tụi tôi đang muốn tìm chị đây. Trễ một chút không xong, sớm một chút cũng không xong.
Lý Mang vừa bước xuống xe vừa nói.
Bạch Phù không đáp chỉ có cười trừ và quan sát cách phục sức của Lý Mang. Mặc như Lý Mang hôm nay mới thật là ăn lễ đầu năm. Nàng cũng có vẻ là một cô dâu mới, mặc áo lông đỏ màu tươi chói mắt. Nếu cô y tá biểu hiện cho mùa xuân thì Lý Mang đây là ánh nắng trưa hè.
Còn Bạch Phù? Nàng cúi đầu, ánh mắt rời khỏi bạn để nhìn lại thân thể mình, tay chân mình, nhìn đến đôi giày cũ của mình.
Lưu Sở trả tiền xe xong, chậm rãi bước tới, thật lễ phép nói:
- Chúc cô một năm vui vẻ.
- Chúc anh cũng thế.
Lúc đáp lời anh ta, tự nhiên mặt Bạch Phù phát nóng. Với bất cứ ai có vẻ mới mẻ đều khiến nàng thêm tự ti.
- Bạch Phu! Tụi này tính mời chị dùng cơm. Sau bữa ăn mình sẽ đi chơi lung tung. Trời bữa nay tốt quá! Đi chớ nhá?
- Tôi chưa nghĩ đến việc đó.
- Kìa, sao thế? Đi ăn cơm thì nhứt định phải đi rồi. Còn đi chơi ra ngoại ô cho thanh thản tâm hồn lại chẳng hơn rúc vô phòng buồn chết sao?
Nhìn thấy bạn cúi đầu do dự, Lý Mang liền nói riêng với Lưu Sở:
- Anh đợi chị em tôi một chút, chúng tôi sẽ trở lại.
Lý Mang liền kéo Bạch Phù đi vào cổng:
- Trước hết phải nghỉ ít phút, sau đó rửa mặt, thay quần áo. Cái áo lạnh màu xanh bộ chị không thích sao? Tại sao chị không mặc? Đầu năm phải mặc áo mới chớ!
Bạch Phù cũng đồng ý như vậy, nhưng theo nàng thì trang phục không cần thiết lắm. Khổ nỗi bên cạnh Lý Mang, nàng không thể để cho mình quá tệ.
Bước vào gian phòng nhỏ, Lý Mang lục hết trong rương số quần áo ít oi của Bạch Phù. Sau cùng mới chọn được một cái áo dài đen.
- Chị phải mặc bộ đồ nào hợp với cách xách tay. Đi chơi cũng cần xách theo một cái gì, để nếu cần thì có đồ đựng khi mình mua sắm. Mình có đằng nhà cách xách tay màu đen dùng được lắm. Để mình lấy cho chị.
Bạch Phù không nói gì hết, nhưng trong lòng thật cảm kích thái độ chăm sóc ân cần của bạn. Tại Lý Mang bày vẽ mà Bạch Phù bận rộn thêm. Sau đó, cả hai mới ra sân vừa khi Phát cũng xuống lầu dọn cơm.
- Ơ, ông Phát!
Lý Mang cười tiếp:
- Bữa nay mà cũng còn có người ở đây sao?
Nhìn thấy cả hai, Phát chưa kịp trả lời Lý Mang, đã sấn tới nói với Bạch Phù:
- Có người gọi điện thoại cho cô. Gọi từ sáng sớm cơ. Mới đây người ta còn gọi lại.
- Ai vậy?
Lý Mang nhìn Bạch Phù mà hỏi Phát.
- Dạ, ông ấy xưng tên là Trần Vân Trình.
Lần này Lý Mang hỏi thẳng Bạch Phù:
- Có phải anh Trình ở Quảng Châu tới không?
- Có lẽ anh ấy.
Lý Mang xoay qua Phát:
- Cái anh Trình ấy hiện giờ ở đâu? Ông có hỏi anh ta không?
- Dạ, ông ấy có cho số điện thoại. Tôi đã ghi ra giấy để trên bàn. Ông ta bảo nếu cô Phù về thì gọi liền điện thoại cho ông ta biết. Hai cô định đi chừng nào về?
- Không mau đâu.
Lý Mang lại kéo Bạch Phù vào phòng điện thoại:
- Người ta từ xa đến, tìm không gặp chị ắt thất vọng dữ lắm! Nhứt định nóng lòng chờ đợi đến chết được!
Bạch Phù vừa đi vừa nói:
- Thôi chị đi chơi đi. Chớ mình hổng đi đâu.
- Sao? Thì chị cứ gọi điện thoại cho anh Trình, bảo ảnh lại đây rồi bốn người cùng đi chơi có tiện không?
- Không.
Bạch Phù lắc đầu cương quyết:
- Mình không...
Lý Mang hiểu tánh bạn hay mắc cở nên vừa trách vừa như khuyến khích:
- Chị này ngoan cố ghê! Là chỗ bạn bè mời nhau đi chơi thì có quan hệ gì chớ! Sao lại coi việc ấy quan trọng dữ vậy? Nếu chị và anh Trình có cảm tình thì cứ bộc lộ công khai, tội gì lại sợ ai? Còn nếu chị và ảnh không có chi thì theo xã giao thông thường ngày nay, đi chơi như vậy cũng là chuyện tự nhiên thôi.
Bị bạn nói trúng ý, Bạch Phù không còn từ chối quyết liệt nữa. Song nàng hãy còn chưa an tâm nói:
- Mình không sợ làm phiền anh bạn của chị sao?
- Yên chí lớn, đừng lo. Mình rất ghét cái hạng đàn ông nhỏ nhặt. Nếu anh ta như vậy thì mình đã...
- ...Đã không làm thân, phải không?
Lý Mang cười, hỏi tiếp lời bạn:
- Thôi cái gì cũng gác lại. Để gọi điện thoại trước cái đã.
Bạch Phù quay xong số điện thoại thì mới biết nơi đó là lữ quán Hưng Thành. Nhưng người bối phòng cho biết Trình vừa đi đâu đó, mới đi chừng năm phút.
- Thật là phiền!
Lý Mang giậm chơn lo lắng:
- Hổng biết ảnh đi đâu vậy cà?
Nhưng Bạch Phù chừng như không quan tâm lắm. Nàng đáp bâng quơ:
- Có lẽ anh ấy đi ăn cơm.
Sự thật thì trong khi chờ đợi, Trình mê mê, mệt mệt ngủ thiếp đi đến gần trưa. Liên tiếp mấy đêm dự tính gặp gỡ Bạch Phù, chàng nôn nao đến không ngủ được. Đêm rồi, chàng lại mất ngủ luôn rồi lại tự nhốt mình trong lữ quán, một một, hai hai chờ đợi tin Bạch Phù, nên Trình không thể nào thức nổi nữa. Trình khóa cửa phòng ngủ vùi, nên người bồi phòng mới sanh nghi. Khách mướn phòng làm chỗ tự tử vẫn thường xảy ra. Mỗi lần như thế là mỗi lần gây không biết bao rắc rối, cho nên các ông chủ khách sạn cứ này một, ngày hai nhắc nhở nhân viên phải chú tâm theo dõi khách. Nhứt là theo dõi cử chỉ của những ông bà độc thân.
Tuy không ai nghĩ rằng đầu năm lại có người tự tử, nhưng cô bồi phòng vẫn có thói quen ái ngại khi thấy cửa phòng của khách đóng chặt. Để biết rõ hư thật, cô mạnh dạn gõ cửa phòng Vân Trình:
- Ông ơi! Ông...
Nghe tiếng gọi Trình nhảy vọt xuống giường, đi chân không đến mở cửa, cố nhướng đôi mắt còn chỉ đỏ hỏi:
- Chuyện gì vậy? Có ai gọi điện thoại cho tôi hả?
Cô bồi phòng thấy dáng dấp lính quýnh của Trình bắt tức cười thầm. Yên tâm được một bề, cô ta vui vẻ đáp:
- Thưa không. Tôi thấy trưa rồi, sợ Ông không ăn gì rồi đói nên kêu ông thức dậy đi ăn cơm.
Trình vừa thất vọng, vừa giận. Chàng trừng mắt thét:
- Thôi đi! Người ta đang ngủ, mắc ôn mắc dịch gì kêu réo om sòm vậy?
Chàng đóng cửa đánh rầm. Cô kia cũng bỏ đi một nước.
Phát tiết cơn giận xong giống như trái banh bơm cứng đã nổ, Trình ngồi bệt xuống giường mềm nhũn. Chàng để ý đến thời gian, không còn sớm nữa. Và bụng đói cồn cào. Bấy giờ, chàng mới hối hận theo lẽ mình không nên tỏ ra cau có, hung dữ với cô bồi phòng.
Tại sao Bạch Phù không gọi điện thoại tới?
Trình buồn rầu, nghĩ ra rất nhiều giả thuyết. Có thể là người ở đầu dây bên kia không ghi trúng số điện thoại của chàng. Có thể họ tiếp điện thoại của chàng xong lại quên nói lại cho Bạch Phù nghe. Chớ nàng đã đi trọn buổi sáng thì dầu gì cũng phải trở về nghỉ trưa chớ. Trình quyết định thử gọi điện thoại cho nàng một lần nữa xem sao?
Dầu chàng có lễ độ thế mấy, nhưng gọi riết cũng làm cho người nghe phải bực mình. Vừa nhận ra chàng, người ở đầu dây bên kia đã gắt gỏng:
- Cô Bạch Phù chưa về. Nếu cô ấy về bộ cổ không biết gọi dây nói tới ông sao?
Trình không biết làm sao hơn, đành trở về phòng như một con thú mất thuở vàng son, tiu nghỉu đứng trong chuồng. Sau cùng, chàng cho là nằm chờ sung rụng, ôm cây đợi thỏ không phải là biện phát tốt. Bạch Phù đã không về tức là buổi cơm trưa nàng cũng bỏ không ăn. Tội gì chàng lại khư khư ngồi ôm cái bụng đói?
Trình ghé dặn cô bồi phòng vài tiếng rồi khóa cửa phòng đi ăn. Cơ hội thường đến lúc người ta không ngờ không biết. Và cơ hội cũng giã từ khi người ta không ngờ không biết. Khi Trình dùng cơm ở quán nhỏ gần đó, thì chàng không làm sao ngờ được đúng lúc Bạch Phù gọi điện thoại cho mình.
Chàng chỉ để tốn ngày giờ nhai nuốt chén cơm một cách vội vàng rồi quay về. Chàng hy vọng gặp cô bồi phòng sẽ nghe cô ta nói:
- Thưa ông, vừa có người gọi điện thoại lại!
Nhưng khi gặp cô ta, Vân Trình nhướng mắt muốn hỏi, song chưa hỏi được thì cô ta đã quay đầu, ngoe nguẩy bỏ đi. Trình nhớ là cô ta đang giận mình, có hỏi cũng bằng thừa. Nếu bây giờ Trình hỏi: "Có ai gọi điện thoại cho tôi không?" Chắc cô bồi phòng cũng không nỡ giấu chàng. Ai bảo Trình không hỏi, thì đừng trách tại sao cô ta không nói. Vân Trình chỉ lỏ mắt ngó thì không thể trách cô ta không báo tin có người gọi điện thoại. Người gọi chàng còn dặn dò nên đến ngay nhà hàng Mỹ Nhi Khương.
Cô bồi phòng nhủ thầm:
- "Để cho ông ta nằm mộng đến Mỹ Nhi Khương!"
Xế trưa, Vân Trình đóng cửa phòng, nhốt mình với niềm sầu muộn riêng tư. Chàng không dám gọi điện thoại đến hãng nữa, cũng không dám rời xa lữ quán.
Tại quán ăn Mỹ Nhi Khương, Bạcn Phù và Lý Mang đợi Vân Trình không được nên cứ theo kế hoạch, ăn xong là kéo đi bát phố Hương Cảng. Đi chơi về chưa tới năm phút, Bạch Phù mệt mỏi quá, song cũng có nghĩ đến Vân Trình với tâm trạng mâu thuẫn. Nàng vừa muốn tình cờ gặp Trình, vừa cầu mong đừng gặp. Cho dầu thế nào, tận đáy lòng nàng vẫn còn có điểm áy náy. Đúng lúc Bạch Phù muốn gọi điện thoại cho Vân Trình, thì Phương Khả Viên lại đến.
Khả Viên nói không một chút rào đón giữ lễ:
- Đợi một chút mình đi ăn cơm nghen.
Viên nói như ra lịnh, không hỏi xem Bạch Phù có đồng ý hay không. Dường như Khả Viên cho rằng Bạch Phù có muốn không đồng ý cũng không được. Quả Bạch Phù không mấy khi từ chối. Tình thật mà nói, thì nàng cũng không ghét loại thù tạc này. Tuy kề cận bên Viên không mấy hứng thú, Bạch Phù vẫn xem như có dịp để tiêu khiển. Khả Viên ăn nói vô duyên, song cũng chưa đến mức đáng ghét. Ngoài ra, hãy còn một nguyên nhân tiềm ẩn trong lòng Bạch Phù, đó là điểm Viên có tiền, nàng sẽ có chỗ sở cậy. Tự nhiên, Viên có tiền chẳng liên quan gì tới Bạch Phù, song nhận lời mời của Viên, nàng không khỏi nảy sinh ảo tưởng. Vì đã lo lắng chuyện tiền nong, nên nàng thử tưởng tượng: "Nếu Viên hiểu rõ hoàn cảnh của nàng... Nếu Viên yêu nàng..."
Hiện tại thì nàng chưa biết chắc Khả Viên có yêu nàng không? Chỉ biết là Viên có nhiều mỹ cảm với nàng. Viên thường khen nàng và còn tỏ ý sẽ tìm một người hiền hậu để tính việc chung thân trong tương lai. Cứ cái đà ấy tiến tới, có thể Khả Viên sẽ cầu hôn với nàng. Nàng sẽ từ chối hay đồng ý? Nói riêng về Khả Viên thì nàng không coi cao hơn Vân Trình. Viên lớn tuổi, lớn hơn nàng những hai mươi tuổi, tướng mạo không kém lắm. Nếu tất cả điều đó không phải là khuyết điểm lớn thì Viên có vợ không khó khăn gì. Viên có ưu điểm duy nhứt là có tiền. Ưng lấy Viên, nàng sẽ có tiền giúp Quang Vũ. Về phần nàng, nếu phải làm vậy là hy sinh, sự hy sinh vô giá. Con đường hy sinh ấy, nàng tự nguyện bước tới. Nhưng không phải dễ dàng. Vì xét đi xét lại, nàng nhận được khuyết điểm của Viên là keo kiệt.
Hằng ngày, Bạch Phù có nghe anh chị em trong sở nói sau lưng Viên, song nàng không tin lắm. Nàng cho là tại mọi người đòi hỏi Khả Viên hơi quá. Đợi đến lúc đi chung, nàng mới thấy rõ Viên hơn. Viên quen với giám đốc hý viện thì mời nàng đi xem xi nê khỏi mất tiền. Mời nàng đi xem xi nê xuất đêm thì trước đó khỏi phải mời nàng dùng cơm. Sau đó, khuya rồi, cũng khỏi phải mời nàng đi ăn đêm nữa. Chỉ có một lần Khả Viên mời nàng đi ăn cơm ngoài. Song đến nơi mới biết đó là tiệc đãi nhân dịp đính hôn của một người bạn của Viên trong thương giới. Viên đi biếu một món quà nhỏ cũng thấy đau lòng, tìm cách lấy lại hai khẩu phần ăn. Lần này, Viên mời nàng đi ăn ở tiệm ăn tồi tệ, chỉ đáng quý ở chỗ là Viên thật sự trả tiền.
Khả Viên tự tiện gọi món ăn, cũng không hỏi qua ý nàng. Viên không hỏi nàng thích ăn gì, mà gọi ngay cơm dựa vào chỗ nàng là cô gái phương Nam, còn Viên thì gọi miến ăn một mình. Bạch Phù nâng chén cơm, khó nuốt trôi. Ban trưa nàng đã ăn tiệc đãi quá no, chia vui với niềm vui của Lưu Sở và Lý Mang.
Lý Mang quả có mắt. Lưu Sở "bô trai", khẳng khái, rất giống Quang Vũ ngày xưa. Vân Trình không đẹp trai bằng, nhưng về phương diện khẳng khái thì cũng như vậy. Được cái là Trình luôn luôn tôn trọng ý kiến nàng, luôn luôn nghĩ đến nàng dù đã chia tay. Nói riêng về lúc dùng cơm, Vân Trình không như Khả Viên chỉ lo ăn một mình.
Bạch Phù càng nghĩ càng không vui, buông đũa.
- Sao không ăn cho rồi đi?
Viên chỉ hỏi nàng một câu, rồi thì ăn quơ hết phần còn lại. Bạch Phù nhìn cách ăn hùng hục của Viên với ánh mắt thù ghét. Hằng ngày, nàng chỉ cho là Viên keo kiệt, không ngờ bây giờ lại thấy Viên đáng ghét nữa. Nàng biết tại sao Viên bị Lý Mang chê nặng và biết tại sao Khả Viên không tìm ra bạn gái. Càng nghĩ, nàng càng hối hận, không muốn cùng Viên đi ra quán một lượt. Cơm xong, các hý viện quen đã đầy khách, Viên không xử dụng được khả năng "coi cọp" nữa, đành "đau khổ" mua hai vé. Xem cái cảnh đánh đập, đấu súng, đấu bò, nàng bỗng bồn chồn nóng nảy hết sức. Nàng không có lòng nào chăm chú nhìn lên màn bạc. Có lúc nàng nghĩ đến Quang Vũ. Có lúc nàng nghĩ đến Vân Trình. Nghĩ đến Trình, nàng lại xốn xang. Hôm nay không còn ngày giờ, nhưng nàng quyết định ngày mai phải gọi điện thoại cho Trình mới được. Hơn nữa, nàng phải bồi đãi Trình xứng đáng để tạ tội thất lễ của mình. Riêng Khả Viên cũng không quên người con gái kế bên. Đến đoạn nam nữ trong phim nói chuyện tình yêu, Viên không ngăn được tay mình mò nắm tay nàng. Nhưng Bạch Phù kịp rút tay về. Bị phản kháng, Viên tỉnh bơ, làm như không chuyện gì xảy ra. Đồng thời, còn làm nghiêm phê bình:
- Lấy góc độ hôn như thế rất đẹp!
Nàng không trả lời trả vốn, song trong lòng "chúa ghét" thái độ ngụy quân tử ấy.
Rời rạp xi-nê, nàng trở về căn nhà nhỏ, thấy ngay tờ giấy nằm phơi trên bàn:
Bạch Phù thân mến,
Tìm em cả ngày không gặp, rất buồn. Chín giờ sáng mai, xin mời em đến quán cà phê Thanh Điệp, anh đợi Bạch Phù ở đó, cùng ăn sáng. Thân ái.
VÂN TRÌNH
Vân Trình đến để thơ lúc Bạch Phù vừa đi. Nàng đã ngăn không cho Trình đến sở khiến Trình thúc thủ vô sách. Tội nghiệp Trình thật thà quá! Nếu Trình đến ngay sở thì làm gì lại không gặp được nàng từ khuya!
Bạch Phù xem lại lời thơ, thấy nét đồ đậm con số chín giờ, sửa chồng lên con số tám. Có lẽ Trình sợ tám giờ còn sớm quá, nàng ngủ chưa đủ. Quả tình Trình đã thật sự lo lắng cho nàng.
Để thôi áy náy với Vân Trình, sáng hôm sau, nàng đến chỗ hẹn sớm nửa giờ. Nàng muốn đến trước để ban thưởng cho Trình niềm vui bất ngờ hạnh ngộ.
Thanh Điệp là bảng hiệu một quán cà phê nhỏ, ra đến đường là tới được ngay. Vân Trình chọn chỗ này tiện cho nàng biết bao nhiêu.
Bạch Phù bước vào quán lúc bên trong còn tối, người làm còn đang dời bàn để quét nhà. Đã bước vào, nàng không tiện thối lui, nên do dự một thoáng rồi tìm chỗ ngồi.
- Bạch Phù!
Có tiếng gọi nàng từ một góc quán. Rồi có bóng người đứng dậy.
Nàng giựt mình, thật không ngờ Vân Trình còn đến sớm hơn nàng.
- Bạch Phù!
Trình bước tới, bắt chặt tay nàng, nắm thật lâu. Tay Trình ấm hết sức, nhưng hình như có rịn mồ hôi, biểu lộ niềm vui rộn ràng trong lòng Trình. Ngoài việc gọi tên nàng, nhứt thời, Vân Trình không nói được thêm gì khác.
Ngược lại, nàng thật bình tĩnh. Nàng nhè nhẹ rút tay về, ngồi xuống ghế đối diện với Trình mới nói:
- Anh tới sớm quá!
- Thức giấc không chuyện gì làm, cũng chẳng biết chỗ nào đi, nên anh tới đây. Anh tới lúc còn chưa quét nhà.
Vân Trình hỏi luôn:
- Em dùng gì? Ở đây có bò kho, hột gà, sữa...
- Gì cũng được anh!
Nàng cúi xuống, nhìn tờ thực đơn lộng dưới kiếng, cảm thấy bụng dạ trống trơn. Nàng chợt nhớ đến bữa ăn không no hôm qua.
Vân Trình thân thiết với nàng hơn Khả Viên nhiều. Nếu Trình cũng có tiền như Viên, chắc chàng sẽ giúp nàng thoải mái, sung sướng. Nếu có thể được, chàng dám mua cả chợ Hương Cảng tặng nàng.
Nhân lúc Vân Trình căn dặn bồi bàn, nàng quan sát lại chàng. Ngoài việc cạo râu, hớt tóc mới, Vân Trình vẫn vậy. Vẫn vậy cho đến cả bộ đồ tây và đôi giày cũ. Nhưng cả hai vật ấy không che giấu được tâm hồn lương thiện, khẳng khái của Trình. Chàng rất khắc khổ với mình, nhưng đối với nàng thì thật rộng rãi.
Bồi bàn đi rồi, đến lượt Vân Trình ngắm nàng. Màn trời còn tối, Vân Trình không thấy rõ khí sắc của nàng, không thấy rõ nàng mập hơn hay ốm hơn. Chàng chỉ cảm nhận nàng đẹp hơn so với ký ức. Nàng thoa môi hồng, choàng áo lông, thả tóc buông xõa bờ vai. Cuộc sống phồn hoa có phần ảnh hưởng đến nàng, Trình vừa cảm nhận được an ủi, vừa sợ.
Nàng chuẩn bị nghe Vân Trình trách móc chuyện ngày hôm qua để xin lỗi. Không ngờ Trình chẳng mở miệng, mà chỉ có nhìn nàng.
- Anh nhìn em gì dữ vậy? Bộ hổng biết hả?
- Không phải đâu. Anh muốn xem em có thay đổi gì không?
- Có không? Lại ốm tong ốm teo chắc.
- Không. So với lúc trước, trông em có vẻ có thần hơn.
- Có thể đúng đó, anh. Vì bây giờ không có quá mệt như lúc trước. Hồi trước, lớp nào đi học, lớp nào làm công việc nhà, giặt giũ, nấu cơm. Còn bây giờ, khỏe hơn nhiều.
Vân Trình gật đầu, muốn hỏi về sức khỏe của nàng, song không nói ra. Bởi Trình có xem qua hai tấm hình phổi của nàng và có nói chuyện với bác sĩ. Chàng hiểu được tầm quan trọng của nhu cầu tâm lý. Ngoại trừ bịnh nhân ưu sầu, chán nản, người ngoài không nên gợi ra bịnh trạng của họ.
Quán đông khách dần. Tiếng chuyện vãn, cười nói ồn ào, tạo nên "tình điệu" cho một quán cà phê sáng.
Vân Trình và Bạch Phù lặng lẽ nhìn nhau. Đồ ăn thật nhiều. Bạch Phù không có gì để nói. Còn Vân Trình có không biết bao điều muốn nói, song không chọn được điều nào cần nói trước, và cũng không điều khiển được đầu lưỡi vụng dại của mình.
Ngồi hoài coi cũng kỳ, nàng mới hỏi:
- Bây giờ ra sao anh?
- Cũng vậy. Chỉ khác trước là căn nhà em ở hồi đó đã đổi chủ.
- Bộ anh có tới đó hả?
- Tới mấy lần.
Vân Trình cố nại ra lý do để che giấu lòng mình:
- Đi làm về, thường đêm không có chuyện gì làm, tự nhiên anh tản bộ qua đó. Địa điểm ấy tốt quá, yên tịnh nhứt trong xóm. Nếu có tiền, anh sẽ mua lại chỗ đó, hy vọng có ngày em trở về ở.
Câu ấy gợi lại cho Bạch Phù bao nhiêu khổ sở. Nàng cau mày:
- Nhưng em không thích căn nhà ấy.
Bạch Phù không muốn trở về. Về để làm gì? Nàng không có ý định kết hôn với Vân Trình mà!
Vân Trình vẫn không hiểu ý nàng, vẫn vui vẻ nói:
- Không thích căn nhà đó thì mình tìm căn khác. Cả hai chúng ta cố tìm thì có thể có chớ!
"Cả hai chúng ta"? Nàng lạ sao Trình có gan nói như vậy.
Vân Trình bỗng rời chỗ ngồi đối diện, đến ngồi kề bên nàng:
- Phải, chúng tạ.. Bộ em không biết em có quyền lực lớn lắm đối với anh sao? Khi em đi rồi, Quảng Châu đối với anh như bãi tha ma. Nói thật em nghe, anh cố tìm hết cách sang Hương Cảng làm việc nhưng không được như ý. Gia đình anh cũng không hài lòng, bởi thế anh không sang Hương Cảng, mà em nên về Quảng Châu. Anh tin như vậy cho đến ngày em hiểu được lòng thành thật của anh.
Bạch Phù cúi đầu, bấu chặt khăn tay. Tuy lời Vân Trình không hoàn toàn đập mạnh vào lòng nàng, song đầu tiên là không làm cho nàng có cảm giác ghét bỏ. Vân Trình dám nói thẳng trước mặt, so sánh với Khả Viên lén lén mò tay thì lỗi lạc hơn nhiều. Ý kiến của Trình đơn thuần là vì chàng không biết hoàn cảnh của nàng chăng?
Trình không ngu muội đến mức không nhìn ra sắc diện của người khác. Chàng nhìn nàng một lúc mới tiếp:
- Nhưng muốn làm gì cũng phải chờ yếu tố thời gian. Hạnh phúc đến quá sớm vẫn chưa phải là hiện tượng tốt. Anh có thể chờ, có thể đợi, đợi chờ cho đến ngày em cảm thấy cần một mái gia đình.
Cần một mái gia đình? Thì ngay bây giờ, Bạch Phù cần một mái gia đình! Song không phải với Vân Trình.
Trình chờ, Trình đợi, bộ tưởng nàng không chờ đợi sao? Sẽ có một ngày Quang Vũ lành bịnh, nhận ra điều cần thiết của nàng. Chỉ cần Vũ hỏi một cầu: "Bạch Phù em, em có bằng lòng thay thế ngôi vị của chị em không?" thì tất cả là xong.
Vân Trình vẫn nói:
- Bây giờ bàn đến việc đó thì có hơi sớm. Em chưa tròn trách vụ, vả lại, em cảm thấy tuổi hãy còn nhỏ. Năm nay, năm tới, những năm sau, thời gian sẽ làm cho em lớn lên không nói được. Chỉ cần em tỏ ra không ghét anh, thì vĩnh viễn anh vẫn lạc quan. Nhưng người ở chờ thường sớm bị già đi. Một năm có khi họ lại thấy như dài bằng thế kỷ, dần dần rồi em sẽ biết.
Bạch Phù gật đầu:
- Có thể. Người sống lạc quan thường trách thời gian quá ngắn. Nhưng người sống bi quan thì lại thấy ngày dài.
Chẳng những đã đồng ý với Vân Trình, nàng còn hiểu được những chứng thật trong tương lai của đời mình nữa.