Chương 14
Tác giả: Thành Quân Ức
1. Đem lòng yêu cô gái trẻ
Lại nói chuyện Lưu Bị thỉnh giảng ở Học viện Thương nghiệp quốc tế Đông Ngô, vì thái độ thiên kiến với phụ nữ đẹp nên khiến bao sinh viên nữ nổi giận. Sau đó học viện chiêu đãi Lưu Bị. Trong buổi chiêu đãi, một cô gái trẻ đẹp trách móc, vặn vẹo Lưu Bị vì sao ông không chịu nổi phụ nữ đẹp? Lưu Bị vội hỏi Kiều quốc lão ở bên, Kiều quốc lão giới thiệu đó là con gái cưng của giám đốc Học viện Thương nghiệp quốc tế Đông Ngô Tôn Thượng Hương, em của Tôn Quyền.
Lưu Bị xưa nay vẫn nghĩ con gái thời Tam quốc nhu mì như làn nước, yểu điệu như cánh hoa, ngờ đâu có người con gái xinh đẹp mà tư thái anh hùng, lòng Lưu Bị dậy sóng! Vừa trao danh thiếp, Lưu Bị vừa nói chân thành:
- Hy vọng sau này ta thành bạn tốt!
Ngô quốc thái cười:
- Chẳng phải cậu thống hận gái đẹp sao?
Lưu Bị vội tự cười cợt mình:
- Có hai loại phụ nữ làm tôi thống hận: loại thứ nhất tự kiêu nên tôi không thích, loại thứ hai tôi thích nhưng tán không được.
Ngô quốc thái hỏi:
- Vậy cô bé này?
Lưu Bị đáp tinh quái:
- Cô bé này thì tôi thích, nhưng không biết có thuộc loại thứ ba không? Tất cả đều cười.
Tôn Thượng Hương cũng cười:
- Hóa ra ông không ghét phụ nữ đẹp, mà chỉ ghét một số loại phụ nữ đẹp thôi.
Lưu Bị nói không chút ngượng ngùng:
- Đàn ông ai cũng thích phụ nữ đẹp, không thích tất phải có nguyên nhân. Tôn Thượng Hương trêu Lưu Bị:
- Ba anh em vườn đào, Quan Vũ mặt đỏ, Trương Phi mặt đen, duy có ông mặt dày mà không có màu, vì sao vậy?
Lưu Bị cười, đáp:
- Mặt đỏ vì xấu hổ, mặt đen là nóng nảy, còn mặt không màu sắc là che đậy âm mưu.
Tôn Thượng Hương hỏi:
- Che đậy âm mưu gì?
Lưu Bị đáp:
- Làm thế nào để tán cô. Tất cả mọi người đều cười, cho là Lưu Bị pha trò. Ngô quốc thái cũng cười, cảnh cáo Lưu Bị:
- Tính khí con gái tôi thất thường, sao anh dám trêu chọc thế?
Lưu Bị đờ ra, đáp:
- Tôi muốn dùng một câu hát bày tỏ lòng mình: Tôi yêu vì yêu, không oán không hối.
Lưu Bị cảm thấy đau đớn vì không ai cho rằng ông nói nghiêm chỉnh. Song ông hiểu rằng cơ hội chỉ đến với người hành động, thiên đường lãng mạn cần chính ông đến gõ cửa. Song ông cũng hiểu rõ ràng, mình phải nhìn thẳng vào hai vấn đề. Thứ nhất, ông đã gần 50 tuổi, còn tiểu thư Tôn đương thì; thứ hai, dù danh tiếng sản phẩm Hoàng Tộc đang lừng lẫy thị trường, thì công ty ông chỉ là làm thuê cho tập đoàn điện tử Kinh Châu mà thôi. Người con gái đẹp nhường ấy liệu có chịu theo thằng đàn ông nửa đời lưu lạc không?
2. So sánh ưu thế giữa trung niên và trai trẻ
Từ Học viện Thương nghiệp quốc tế Đông Ngô trở về, lòng Lưu Bị dâng lên nỗi buồn không dứt. Luận anh hùng là luận thành bại. Tào Tháo nay đã thành người giàu nhất cả nước, còn Lưu Bị đến một "nét mi" cũng không có. Lưu Bị đáng kính của chúng ta giờ đang hoang mang, không biết lấy gì làm vui.
Chớp mắt đã đến mùa xuân, tổng giám đốc tập đoàn điện tử Kinh Châu Lưu Biểu gọi điện thoại mời Lưu Bị dự hội nghị.
Xuất phát từ Tân Dã, chỉ hơn một giờ đi xe Lưu Bị đã tới Kinh Châu.
Đến Kinh Châu vừa kịp dự hội nghị, Lưu Biểu đang đọc báo cáo "Quản lý cũng là sức sản xuất". Lưu Bị tìm một chỗ ngồi, lắng nghe như một thính giả khiêm tốn. Báo cáo quá khô, nghe không nổi. Được hơn một giờ thì người nghe lỉnh gần hết, một số ngủ gật, một số chụm đầu trò chuyện. Duy có Lưu Bị vẫn ra sức lắng nghe, không ngủ gật cũng không chụm đầu trò chuyện. Cái bụng có chiều hướng phát tướng của ông bắt đầu ậm ạch, hai mắt ngầu đỏ.
Buổi tối, vào tiệc chiêu đãi, Lưu Biểu hỏi:
- Thần sắc cậu không tốt, chắc có tâm sự gì?
Lưu Bị đáp:
- Tôi nhớ lại những ngày thanh xuân, dù vất vả, gầy gò, nhưng vất vả mà vui, gầy mà có tinh thần. Nay làm công ty Hoàng Tộc, nhờ anh chiếu cố nên không còn long đong như trước. Song giờ tôi phát phì, chỉ sở hùng tâm tráng khí năm xưa tiêu thành mây khói. Làm thằng đàn ông mà sự nghiệp không thành, thật đau thương làm sao!
Lưu Biểu trầm ngâm:
- Xem ra cả bộ dạng và tinh thần cậu đều không ổn. Cậu phải nhanh chóng điều chỉnh trạng thái bản thân.
Tất nhiên Lưu Bị hiểu tình trạng bản thân, một nhà quản lý giỏi tất phải học cách khôi phục tinh thần tích cực. Người không biết tự khôi phục tinh thần, cứ chìm vào trầm muộn, tất sẽ bỏ lỡ những gì quý báu mà vận mệnh ban tặng. Chà! Báu vật của ông, đó là cô gái nhí nhảnh mà chỉ gặp một lần ông đã yêu thương!
Đêm, bóng tối che phủ, Lưu Bị trằn trọc trong nhà khách. Từ khi Mi phu nhân mắc bệnh qua đời, ông đã trải hơn 800 đêm cô đơn. Ông bật dậy, ấn công tắc đèn rồi lật tờ "Thời báo Kinh Châu". Báo có đăng một tin, đại ý "Chuyên gia quản lý học nổi tiếng Gia Cát Lượng giải bí mật của thời gian trong quản lý", v.v…
Lưu Bị kiên nhẫn đọc cả bài báo và chợt ngộ ra: Vấn đề ông cần giải quyết chính là thời gian. Nếu cô gái nhí nhảnh họ Tôn đem lòng yêu một chàng đẹp trai 28 tuổi, giả sử cô sống với chàng trai tới năm 70 tuổi, vậy chàng trai còn bao nhiêu năm dành cho cô gái nhỉ? 42 năm. Nếu cô gái đổi chàng đẹp trai lấy Lưu Bị? Chỉ còn 21 năm. Chỉ nhìn thoáng đã thấy chồng già cọc cạch với vợ trẻ. Song không thể xem nhẹ một điều: trong cùng một khoảng thời gian, mỗi cá nhân tạo ra giá trị khác nhau.
Lưu Bị làm một phép tính nhỏ để chứng minh giả thiết của mình. Ông ước tính năng lực sáng tạo của chàng trai trẻ 28 tuổi, cứ cho là 35.000 quan/năm; mỗi năm anh ta làm việc 224 ngày, mỗi ngày 8 giờ, mỗi giờ sẽ là 17,94 quan; như vậy 42 năm của chàng ta sẽ tạo ra 6.600.000 quan. Tiếp đó ông tự tính toán con số của mình, ước chừng là 85.000 quan/năm.
Mỗi giờ của ông trị giá 43,54 quan; 21 năm của ông sẽ có giá hơn 8.800.000 quan. Như vậy, rõ ràng Lưu Bị có ưu thế hơn chàng trai trẻ, và ông sẽ dễ dàng chiếm được trái tim cô gái.
Song thời gian của chàng đẹp trai trẻ tuổi đâu mãi mãi chỉ có 17,93 quan/giờ? Con đường trước mắt của chàng ta trải dài vô hạn! Chàng ta cũng có thể làm CEO lương hàng triệu/năm, thời gian của chàng ta có thể trị giá tới 500 quan/giờ! Ôi, trời ơi! Tìm đâu ra cẩm nang để làm tăng giá trị thời gian đây? Ông lật hết cả tờ báo cũng không thấy điều gì bổ ích.
"Để thời gian tạo ra giá trị! Phát biểu của Gia Cát Lượng mới hay làm sao, ông ta đúng là nhân tài!". Lưu Bị quyết tâm gặp ngay Gia Cát Lượng.
3. Điều kiện để thời gian tăng nhanh giá trị
Về đến công ty, Lưu Bị lập tức sai nhân viên văn phòng Tôn Càn soạn một "Giấy mời gặp mặt" gửi Gia Cát Lượng. Nào ngờ, hai tháng sau cũng không thấy động tĩnh gì. Lưu Bị ngẫm nghĩ, sau đó bảo Mi Trúc soạn một "Giấy mời làm việc". Một tháng sau cũng không thấy động tĩnh gì. Lưu Bị sốt ruột, quyết định tự mình đi mời Gia Cát Lượng xuống núi. Cuối cùng ông gặp được Gia Cát Lượng ở một nhà vệ sinh trong khu công nghiệp Ngọa Long, vì thế lịch sử gọi việc lần thứ ba mời Gia Cát Lượng là "Tam cố thảo lư".
Lưu Bị gọi "tiên sinh khu công nghiệp Ngọa Long" là "Ngọa Long tiên sinh":
- Xin ông giúp tôi với! - Ông ý thức được thời gian còn có thể tăng thêm giá trị nữa, tốt lắm! Thời gian của tôi cũng rất giá trị - Gia Cát Lượng thẳng thắn nói với Lưu Bị:
- Phí tư vấn của tôi là 500 quan/giờ. Ông muốn tư vấn việc gì?
- Tôi muốn hỏi làm thế nào để thời gian tăng nhanh giá trị? – Lưu Bị hỏi ngượng nghịu.
- Làm thế nào để thời gian tăng nhanh giá trị là một hệ thống phương pháp. – Gia Cát Lượng ung dung đáp:
- Bước thứ nhất, ông phải xác định rõ mục tiêu.
- Xác định rõ mục tiêu? – Lưu Bị sững người.
- Đúng vậy! – Gia Cát Lượng quả quyết:
- Xác định rõ mục tiêu, phương pháp khả thi cho đến kế hoạch thời gian, đó là ba yếu tố cụ thể phải có.
Lưu Bị hỏi:
- Nhỡ không đạt được thì làm sao?
Gia Cát Lượng nhìn thẳng Lưu Bị, nói nghiêm túc:
- Mục tiêu tất cần được tin tưởng, nếu không mục tiêu không phải là mục tiêu, mà là trò đùa. Ông cần hiểu: Nếu đặt ra mục tiêu cho nhân viên, tất phải làm cho nhân viên tin vào mục tiêu; nếu đặt ra mục tiêu cho bản thân, tất phải có tự tin.
- Mục tiêu? Mục tiêu của tôi là... – Lưu Bị nói có vẻ ngại ngùng:
- Mục tiêu của tôi là yêu được cô Tôn Thượng Hương. Song tôi đã gần quá nửa đời, không cách gì sánh được với đám trai trẻ. Vì thế tôi cho rằng: Muốn có được tình yêu của cô Tôn Thượng Hương, cách duy nhất là tăng thật nhanh giá trị thời gian của tôi.
- Còn kế hoạch thời gian?
Lưu Bị nói hy vọng đến mùa xuân năm sau sẽ đạt được ước nguyện. "Có tiền hay không tiền, được vợ sướng như tiên" - Lưu Bị mơ mộng.
Gia Cát Lượng nói có phần giỡn:
- Nếu kế hoạch có vậy, thì mức độ tăng giá trị thời gian của ông không nhiều, không cần tôi tư vấn.
- Không! Không! Không! Tôi muốn giá trị thời gian của mình tăng hơn 100 lần.
Gia Cát Lượng nói:
- Tuy nhiên, giá trị của người đàn ông chỉ để đổi lấy tình yêu một cô gái thì không đáng bao nhiêu. Có lẽ mục tiêu của ông sai rồi, bởi mục tiêu đúng đắn là điều kiện tiên quyết để tăng giá trị thời gian.
Lưu Bị ngạc nhiên hỏi:
- Cứ theo giải thích của ông thì nếu tôi muốn tăng giá trị thời gian thì phải đặt mục tiêu khác?
Gia Cát Lượng nói:
- Nói chung, nếu một người mưu lợi cho xã hội thì giá trị thời gian của người đó cao; nếu người đó mưu lợi cho bản thân thì giá trị thời gian thấp. Thân phận của ông giờ làm giám đốc công ty, phải có trách nhiệm chấn hưng sản nghiệp dân tộc. Chỉ làm một hảo hán ghé vai gánh vác giang sơn mới thực sự tăng được giá trị thời gian.
Lưu Bị hỏi:
- Vậy tôi không cần tiểu thư Tôn nữa sao?
Gia Cát Lượng nói:
- Đến lúc đó, tiểu thư Tôn không muốn yêu ông cũng khó!
Lưu Bị chợt tỉnh ngộ:
- Ý ông tôi hiểu rồi. Nói cách khác là: đàn ông chinh phục thế giới để chinh phục đàn bà; đàn bà chinh phục đàn ông để chinh phục thế giới.
4. Chiến lược tăng nhanh giá trị thời gian
Gia Cát Lượng nói:
- Ông thông minh, nói một hiểu mười, thật hơn nhiều cái ông cộng sự Lưu Biểu của ông. Ông kia đúng là đầu gỗ, khiến tôi giờ vẫn "cong lưng cày ruộng xấu" mà không "khom lưng phục vụ quý nhân", vì thế tôi nhất định giúp ông, làm cho ông tốn phí tư vấn mà vẫn cảm thấy dễ chịu.
Lưu Bị hỏi:
- Ý ông bảo tôi là quý nhân?
Gia Cát Lượng nói:
- Ý tôi là, ai trả phí tư vấn cho tôi, người đó là quý nhân.
Lưu Bị hỏi:
- Giờ tôi phải làm thế nào?
Gia Cát Lượng nói:
- Tăng nhanh giá trị thời gian, nói một cách nôm na là kiếm được nhiều tiền trong một thời gian ngắn. Muốn đạt mục đích cách duy nhất là chiếm lợi thế, chiếm thành đoạt đất. Sở dĩ Tào Tháo trở thành người giàu nhất Trung Quốc vì ông ta chiếm công ty Hà Bắc của Viên Thiệu. Còn ông có thể tìm cách biến tập đoàn Kinh Châu thành của mình được rồi!
- Tiên sinh, một lời của ông mà phá giải cả thiên cơ! – Lưu Bị bừng tỉnh, vừa sướng đến phát điên, vừa có cảm giác bất an, hỏi tiếp:
- Ông nói đi, làm thế nào để nắm tập đoàn Kinh Châu đáng giá hơn năm tỷ quan?
- Có mục tiêu rồi, sau đó ông phải sắp đặt chiến lược – Gia Cát Lượng nói: - Để tôi kể chuyện "Lạc đà vào lều", may ra gợi ý cho ông.
Trên sa mạc cát mênh mông, lạc đà đi khắp nơi tìm chỗ trú ẩn. Cuối cùng lạc đà cũng tìm thấy một ngôi lều, song lều lại của người khác – giống cảnh ngộ của ông hiện nay, đúng không?
Đầu tiên, lạc đà cầu xin: chủ nhân, đầu tôi lạnh cóng rồi, cho tôi thò đầu vào trong lều ấm áp nhé! Thương lạc đà, chủ nhân đồng ý. Được một lúc, lạc đà lại nói: chủ nhân, vai tôi tê cóng rồi, cho tôi thò thêm người vào nhé! Thương lạc đà, chủ nhân lại đồng ý. Rồi không ngớt van xin, lạc đà tiến dần vào, cuối cùng cả người chui gọn vào trong lều.
Chủ nhân hơi băn khoăn, một mặt vì hơi thở lạc đà hôi quá; nhưng mặt khác sa mạc mênh mông quá, ông ta cũng cần một người bạn để qua cơn lạnh và chế ngự nguy hiểm. Bấy giờ lạc đà đã chiếm nhiều không gian hơn trong lều, chủ nhân không xoay nổi người nữa. Đến khi lạc đà khỏe khoắn trở lại và hoàn toàn khống chế ngôi lều, nó chẳng ngại ngần nói: Chủ nhân, ngôi lều này quá nhỏ, tôi xoay xở rất khổ, ông hãy cút cho tôi nhờ!
Gia Cát Lượng nói:
- Thị trường đang cạnh tranh kịch liệt, Tào Tháo là cơn gió sa mạc lạnh run người. Vì sao ông không dùng binh pháp lạc đà, tay không lấy cơ ngơi ức tỷ? Chỉ cần muốn, lấy được tập đoàn Kinh Châu rồi, ông có thể dùng cách đó chiếm luôn Ích Châu. Rồi tùy cơ ứng biến, ông có thể tranh đoạt vị trí của Tào Tháo! Đến lúc đó, ông nghĩ xem, tiểu thư Tôn Thượng Hương có thể không liếc mắt, đưa tình ông không?
Nghe như say như mê, rồi như say như mê mà tỉnh, Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng đầy khâm phục:
- Cứ theo lời tiên sinh thì lấy thiên hạ dễ như lấy đồ trong túi, huống hồ gì là lấy một người con gái!
Gia Cát Lượng nói:
- Giờ thì ông phải lấy ví ra, trả phí tư vấn cho tôi đi!
Lưu Bị sờ túi, nói ngượng nghịu:
- Tôi không mang tiền. Không sao, đến khi tôi giàu nhất nước sẽ trả ông gấp trăm gấp nghìn lần, được không?
Gia Cát Lượng hỏi thất vọng:
- Nói vậy tôi phải giúp ông kiếm tiền thì ông mới có tiền trả tôi, đúng không?
Lưu Bị làm bộ ngơ ngẩn, gật đầu lia lịa.
5. Thủ thuật quản lý khiến thời gian tăng nhanh giá trị
- Để giúp ông trở thành người giàu nhất nước, tôi còn một chiêu này - Gia Cát Lượng trầm tư rất lâu, sau đó ngẩng lên:
- Có mục tiêu, có chiến lược, anh vẫn phải hiểu rõ làm thế nào để thực hiện chiến lược.
Lưu Bị nghĩ bụng: may quá mình chưa trả phí tư vấn, nếu không nửa đường hỏng việc. Ông bèn hỏi:
- Làm thế nào để thực hiện chiến lược đây? Gia Cát Lượng nói:
- Thực hiện đường đi nước bước của chiến lược là một công trình lớn, ông phải xử lý rất nhiều sự vụ, vì thế ông tất phải có thủ thuật quản lý thời gian. Lưu Bị gật đầu lia lịa, nói:
- Đúng, đúng rồi, ngày nào tôi cũng bị xoay như chong chóng, lấp chỗ này lại hổng chỗ kia.
Gia Cát Lượng bỗng nhiên gọi to thư đồng, sai cậu ta chuẩn bị đá tảng, đá dăm, cát mịn, nước và một xô sắt.
Lưu Bị ngạc nhiên hỏi:
- Ông cần những thứ này làm gì?
Gia Cát Lượng cười bí hiểm:
- Kẻ quê mùa này có việc dùng. Ông nói đi, ông dùng cách gì để quản lý thời gian?
Lưu Bị nói:
- Tôi đã nắm một kỹ thuật quản lý thời gian rất tốt, đó là giao quyền. Bên tôi, văn có Mi Trúc, Tôn Càn; võ có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, bọn họ gánh vác rất nhiều việc cho tôi. Song, những công việc sự vụ cứ mọc kìn kìn như cỏ dại, không có cách gì nâng hiệu quả làm việc thêm được. Vốn chỉ có tôi là con ruồi không đầu, giao quyền xong thì thành bầy ruồi không đầu.
Gia Cát Lượng nói:
- Về kỹ thuật quản lý thời gian, đại khái có thể chia làm ba bậc cao, vừa, thấp. Bậc thấp là thuật quản lý thông qua điều ước và ghi nhớ, nó nhấn mạnh việc tự điều phối thời gian và sức lực. Bậc vừa là thuật quản lý thời gian và tiến trình công việc, nó nhấn mạnh tới tính quy hoạch. Bậc cao là thuật quản lý biết xử lý phân loại sự vụ, tùy theo mức độ quan trong hay cần kíp mà giải quyết. Tùy theo lực lượng lao động và yêu cầu chuyên nghiệp, cả ba tầng bậc đó đều có vấn đề giao quyền.
Lưu Bị nói:
- Nếu theo đó, tôi vẫn chỉ quản lý thời gian ở tầng thấp, thông qua điều ước và ghi nhớ. Vậy làm sao tôi nắm được thuật quản lý thời gian ở bậc cao hơn đây?
Khi đó, thư đồng đã chuẩn bị xong xuôi đá tảng, đá dăm, cát mịn, nước và một xô sắt. Gia Cát Lượng cười, nói:
- Thuật quản lý thời gian ở bậc cao chính nằm trong xô sắt.
6. Bí mật trong xô sắt
Gia Cát Lượng nói:
- Lòng chiếc xô sắt này tượng trưng cho khoảng thời gian làm việc của một người. Đá dăm tượng trưng cho việc vừa quan trọng, vừa khẩn cấp; đá tảng tượng trưng cho việc quan trọng nhưng không khẩn cấp; cát mịn tượng trưng cho việc khẩn cấp nhưng không quan trọng; nước tượng trưng cho việc không khẩn cấp cũng không quan trọng.
Gia Cát Lượng vừa nói vừa bày các thứ ra trước mặt Lưu Bị.
Khẩn cấp Không khẩn cấp
Quan trọng A. Loại việc "Đá dăm" - Nguy cơ - Vấn đề khẩn cấp - Kế hoạch phải hoàn thành B. Loại việc "Đá tảng" - Khai phá cơ hội mới - Thiết lập kế hoạch - Cải tiến năng suất - Tạo quan hệ - Đề phòng rủi ro Không quan trọng C. Loại việc "Cát mịn" - Tiếp khách không mời - Trả lời một số thư, điện thoại - Dự vài cuộc họp D. Loại việc "Nước lã" - Vài việc làm hay không cũng được. - Vài cuộc tiếp đãi vô bổ
7. Thực nghiệm thú vị
- Ông thường giải quyết loại việc nào trước?
Lưu Bị đáp không do dự:
- Tất nhiên là loại A.
Gia Cát Lượng hỏi tiếp:
- Vậy còn việc loại B?
Lưu Bị đáp:
- Tôi cũng biết loại B quan trọng không kém, nhưng không còn thời gian để làm nữa.
Gia Cát Lượng nói:
- Có phải như thế này không? Rồi ông bỏ đá dăm vào xô, sau đó nhồi đá tảng vào nhưng không được.
- Đúng vậy đấy. – Lưu Bị gật đầu.
Gia Cát Lượng lại hỏi:
- Thử thay đổi cách thức xem nhé!
Gia Cát Lượng bỏ đá tảng vào xô, khi xô không thể nhét thêm hòn đá tảng nào nữa, ông dừng lại và hỏi:
- Có đúng là không cho thêm vào xô được nữa, đúng không?
- Đúng – Lưu Bị đáp.
- Thật không? Gia Cát Lượng hỏi. Sau đó, ông từ từ vốc đá dăm lên và san đầy miệng xô, và rồi lại vốc lên một vốc đá dăm nữa.
- Còn… có thể được – Rút kinh nghiệm, Lưu Bị trở nên thận trọng.
- Chính xác! Gia Cát Lượng vừa nói vừa vốc cát thả vào trong xô. Ông lắc lắc xô, nửa phút sau, lớp cát biến mất trên miệng xô.
Gia Cát Lượng hỏi lần nữa:
- Giờ xô đã đầy chưa?
- Còn… chưa.
Đáp vậy nhưng Lưu Bị cũng không chắc chắn lắm.
- Chính xác! Gia Cát Lượng vừa nói một cách hưng phấn vừa nhẹ nhàng rót nước vào xô. Rót xong, Gia Cát Lượng ngẩng đầu lên, mỉm cười và hỏi: - Thực nghiệm này chứng minh điều gì?
Một tia chớp lóe lên trong đầu Lưu Bị, ông nói kinh ngạc:
- Tôi hiểu rồi, đó là việc phân loại, ưu tiên giải quyết công việc mà ông vừa nói, đúng không?
- Đúng. Ông giỏi lắm. Ngừng một chút, Gia Cát Lượng nói:
- Thực nghiệm này cho chúng ta thấy rằng: Nếu xô sắt đã đổ đầy đá dăm, cát và nước thì không còn cơ hội cho đá tảng vào trong nữa. Song, nếu ông cho đá tảng vào trước tiên thì lòng xô vẫn còn rất nhiều không gian mà ta không ngờ tới để đổ thêm những thứ khác vào. Từ đó, muốn quản lý thời gian một cách hiệu quả, ông phải hiểu rõ điều gì là đá tảng, điều gì là đá dăm, điều gì là cát và nước lã? Sau đó đặt đá tảng vào vị trí số một.
- Nhưng… - Lưu Bị vẫn còn chút băn khoăn: - …Kết quả của việc chia thành bốn loại là như thế nào?
Gia Cát Lượng nói:
- Người suốt ngày lo việc "đá dăm" lúc nào cũng chịu áp lực, luôn phải đối mặt với nguy cơ và thu dọn chiến trường, vì thế tâm lực mỏi mệt. Người chú trọng giải quyết việc "cát mịn" thường thiếu sức kiềm chế, giỏi chạy việc vặt, thích hoa hòe hoa sói, quan hệ xã hội phù phiếm. Người hay làm việc "nước lã" thì không có chút trách nhiệm gì, đến nuôi miệng cũng khó. Lưu Bị hỏi ngay:
- Có sợ vì cứ giải quyết việc "đá tảng" mà lỡ mất việc "đá dăm" không? Việc "đá dăm" cũng rất cấp bách mà!
- Ông biết đá dăm từ đâu ra không? Chính từ đá tảng vở ra. – Gia Cát Lượng cười:
- Chú ý giải quyết việc "đá tảng", việc "đá dăm" sẽ giảm đi rất nhiều. Người chỉ lo việc "đá dăm", "đá dăm" sẽ ùn ra không ngớt.
Lưu Bị ngẫm nghĩ rồi gật đầu. Gia Cát Lượng nói tiếp:
- Chỉ người nào chú trọng giải quyết việc "đá tảng" mới là người thực sự có hiệu suất, người đó giỏi xét thời lựa thế, biết nắm chìa khóa của vấn đề, cần gấp thì gấp, quyết đoán hành động và phòng ngừa được tai họa; dù có gặp chuyện gấp gáp bao nhiêu cũng biết cách giải quyết tối ưu. Đó là loại người có tầm nhìn xa, biết giữ kỷ luật và kiềm chế bản thân, có cuộc sống điều độ mà vẫn làm nên đại nghiệp.
8. Mời quân sư vì cô gái
Lưu Bị bội phục "luận xô sắt" của Gia Cát Lượng. Ông nói:
- Cuối cùng tôi cũng hiểu vì sao từ khi sáng nghiệp đến nay hễ đánh là thua. Dù là danh tướng, Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân cũng chỉ thành một nhóm người tài lo việc vặt, làm sao có thể liên tục tiến bộ được? Mi Trúc, Tôn Càn, Giản Ung dù giỏi xử lý nội vụ, cũng không có tài xét thời lựa thế, đặt kế hoạch trùm cả thiên hạ. Mộng trở thành người giàu nhất nước của tôi chẳng hóa ra trò cười sao?
Lưu Bị nhìn Gia Cát Lượng, nói vô cùng chân thành:
- Hiện giờ, công ty Hoàng Tộc của tôi dù không nhỏ nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tập đoàn Kinh Châu. Mộng thành người giàu sang nhất nước, xin ông xuống núi giúp tôi. Tôi hiểu con đường sáng nghiệp dài dằng dặc, tất phải có một cao nhân chỉ lối rời bến mê.
Gia Cát Lượng nói:
- Tôi làm việc tự do ở khu công nghiệp Ngọa Long tốt biết bao, sao phải làm thuê cho ông?
Lưu Bị trả lời:
- Nếu ông không làm, e rằng tôi không bao giờ còn tiền nghe ông tư vấn nữa.
Gia Cát Lượng thở dài:
- Nếu vậy thì tôi làm cho ông, nhưng nếu ông không thành công thì tôi lấy gì mà đòi?
Lưu Bị đáp:
- Nếu tôi thành người giàu nhất nước, ông sẽ có tiếng là nhà tư vấn quản lý số một thiên hạ. Đó chẳng phải là sự nghiệp mơ ước của ông sao? Song, nếu tôi thành một điển hình thất bại, e ông chẳng còn cơ hội mở mặt với đời. Gia Cát Lượng vẫn còn khúc mắc:
- Hôm nay giúp ông là để ông có được một cô. Nếu nhận lời ông, tôi lại phải xa một cô. Ông sao nhẫn tâm vậy?
Lưu Bị ngạc nhiên:
- Ông cũng có một cô? Có đẹp như Tôn Thượng Hương không?
Gia Cát Lượng hỏi lại:
- Trong mắt kẻ si tình hiện Tây Thi. Ông nói sao?
Mãi không nói được gì, sau đó Lưu Bị xuất tuyệt chiêu của mình: Khóc. Ông nức nở:
- Ông nói thế là người no không hiểu kẻ đói rồi! Từ khi vợ mất đi, hơn hai năm nay tôi chưa được ôm phụ nữ. Cùng là đàn ông, ông giúp tôi đi!
Gia Cát Lượng nghĩ ngợi rồi an ủi Lưu Bị:
- Để xem tôi có thuyết phục được vợ không đã, rồi sau đó mới giúp ông lấy vợ.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Mỗi ngày thức dậy, ai trên trái đất này cũng đều có 24 giờ. Song nhìn từ góc độ kinh tế học, giá trị thời gian của mỗi người không như nhau.
Nói cách khác, thành công hay không thành công, cốt lõi chính là cách bạn sử dụng 24 giờ đó. Một điều quan trọng nữa của thời gian, đó là hiệu suất. Sống trong thời đại công nghiệp, thời gian quan hệ trực tiếp tới tiền bạc. Cách nhìn đó có vẻ "vị lợi", song bạn có thể học cách quản lý thời gian để nâng cao hiệu suất làm việc, tạo được cân bằng trong cuộc sống.