Chương 10 (A)
Tác giả: Thường Vạn Sinh
Lưu Bang thoát khỏi buổi tiệc Hồng môn gay cấn an toàn, là nhờ vào trí thông minh của Trương Lương. Nhờ có mối quan hệ với Hạng Bá, biết trước được ý đồ của Hạng Võ, đã giúp Lưu Bang kịp thời đích thân đến doanh trại của Hạng Võ để nhận lỗi, kịp thời đập ngọn lửa chiến tranh sắp sửa bùng cháy. Trong buổi tiệc tràn đầy sát khí đó, Trương Lương đã khôn khéo xoay xở, giúp cho Lưu Bang thoát ra khỏi một hoàn cảnh hết sức nguy cấp. Trong sự kiện này, Trương Lương đã lập được một đại công đối với Lưu Bang.
Về phía Hạng Võ, Phạm Tăng là người đã sách hoạch mọi âm mưu trong buổi tiệc này. Thế nhưng ông ta không thành công, vì việc Lưu Bang tiến quân về phía tây và vào được Quan Trung, đích thực là người có công, cho nên Hạng Võ không đủ lý do để diệt trừ Lưu Bang. Ngoài ra, thời bấy giờ thế lực của Hạng Võ rất lớn, còn Lưu Bang thì yếu kém hơn nhiều, chưa đủ sức để trở thành một sự uy hiếp đối với Hạng Võ. Ông sở dĩ muốn tấn công Bá Thượng, là do muốn ngăn chặn không để Lưu Bang có thể xưng vương. Nay Lưu Bang đã đích thân đến tạ tội, ngỏ ý không dám tự xưng Quan Trung Vương, mà để trống địa vị này chờ Hạng Võ đến nhận, khiến sự phẫn nộ của Hạng Võ đối với Lưu Bang đã hoàn toàn tan biến. Sau buổi tiệc Hồng môn, vấn đề mà Hạng Võ quan tâm là: lúc bấy giờ vương triều nhà Tần đã diệt vong, các chư hầu đều tập trung về Quan Trung, vậy phải làm thế nào sắp xếp toàn cục trong thiên hạ, cho nên sau khi Lưu Bang chạy thoát khỏi buổi tiệc Hồng môn, Hạng Võ cũng không truy đuổi, và cũng không tổ chức một cuộc tấn công mới. Ông không có đủ thời giờ để chú ý tới Lưu Bang, vì ông cần phải kéo quân vào Hàm Dương, để chứng minh cho người đời biết ông là chủ lực trong quá trình tiêu diệt vương triều nhà Tần, là người thống lĩnh tất cả quân đội chư hầu.
Thành Hàm Dương là một đại đô thị, được đồn đại là có nhân khẩu năm chục vạn người, trong đó bao gồm tôn tộc của hoàng gia, cung nữ, tạp dịch, liệt hầu, phong quân, quan lại và gia đình của họ, ngoài ra còn có môn khách, thương gia, địa chủ, nông dân, quân trú phòng, nô lệ và một số dân chúng mà Tần Thủy Hoàng sau khi gôm thu được sáu nước đã di dời họ tới đây. Tất cả họ có khoảng mười hai vạn người, cư trú trong nội thành, và mười lăm vạn người gồm địa chủ, nông dân chiếm hơn một nửa nhân khẩu của đô thành này. Trong số thị dân có rất nhiều người giàu có, thương nghiệp và mậu dịch hoạt động rất sôi nổi, còn nông nghiệp, các ngành thủ công thì rất phát triển. Trên đường phố vẫn thường thấy những hoạt động văn nghệ thể thao như thổi kèn, biểu diễn các loại nhạc cụ như cầm sắc, đá gà, đua chó, đấu vật, v.v... Trên đường phố người qua kẻ lại đông đúc, chợ búa náo nhiệt phồn hoa. Trong những năm gần đây, do nhân khẩu gia tăng nhanh chóng, cũng như do quốc gia ngày một cường thịnh, cho nên thành Hàm Dương đã trở thành một đại đô thị, phồn vinh nhất của vương triều phong kiến đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Thế nhưng, chỉ mới trải qua mười lăm năm, thành Hàm Dương do sự diệt vong của vương triều nhà Tần, đang gặp phải một sự đảo lộn to lớn chưa từng có. Nó từ một đại đô thị phồn vinh cực điểm đã tụt dốc một cách nhanh chóng bất ngờ.
Mùa đông năm 206 Tr. CN, khí hậu rất lạnh, đây là một mùa đông lạnh lẽo nhất trong lịch sử của thành Hàm Dương. Những gọn gió bấc thổi ào ào làm cho mọi người thấy lạnh thấu xương. Bầu trời xám xịt và thấp lè tè, đang liên tục đổ tuyết. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy cảnh tiêu điều, thành Hàm Dương giống như một mệnh phụ quý tộc đang mặc áo đơn, thiếu son phấn, và đang run lẩy bẩy giữa mùa đông giá rét. Nơi cửa thành không còn binh sĩ đứng gác. Cảnh tượng uy nghiêm trước kia giờ đây cũng không còn. Người ta kẻ vào cửa thành đều hốt hoảng, hoang mang. Thỉnh thoảng có một cỗ xe chở đầy tài vật trong nội thành chạy ra, đó là những cỗ xe của nhà giàu đang chở gia đình họ chạy trốn. Họ chừng như dự cảm được thành Hàm Dương sắp sửa sẽ trải qua một tại hoạ lớn. Từ trong mui xe có rèm che, nghe văng vẳng tiếng khóc nức nở, và thinh thoảng lại có đàn bà trẻ con thò đầu ra ngó quanh, chứng tỏ họ vẫn còn lưu luyến thành phố này, và luôn than vắn thở dài. Họ không thể không bỏ đi, vì đối với họ thì nghĩa quân chính là đạo tặc, giờ đây vương triều nhà Tần không còn nữa, mà đạo tặc nói chung là những người chuyên giết nhà giàu để lấy của phân phối cho nhà nghèo, vậy họ không thể ngồi yên chờ đợi đạo tặc giết họ. Ngoài ra, còn có người đồn đại Hạng Võ là một hung thần giết người không chớp mắt. Dưới chân thành Tân An chính ông ta đã chôn sống và giết chết hai chục vạn hàng binh của quân Tần. Ông ta sắp kéo vào đây, vậy thành Hàm Dương chắc chắn sẽ bị ông ta san bằng! Những lời đồn đại ghê rợn đó đã tạo nên một không khí hãi hùng. Cho nên nhân lúc hỗn loạn, tranh tối tranh sáng, họ đã vứt bỏ tất cả để chạy đi nơi khác, tìm một con đường sinh sống yên ổn hơn.
Trong số người bỏ chạy có những quan lại cũ và gia đình họ, cũng có những tân khách. Vương triều nhà Tần có một bộ máy thống trị khổng lồ, quan viên đông đảo. Đa số họ đều thường trú tại Hàm Dương.. Ngoại trừ một bộ phận ngu trung, tuyệt đại đa số người khác đều không muốn chết theo vương triều nhà Tần, cho nên họ đã cải trang thành thường dân bỏ trốn. Những người làm nghề thủ công như đồ gốm, đồ mộc, đồ sơn mài, đồ gia dụng cũng như các loại thợ thuyền khác cũng kéo nhau tìm đến một địa phương khác mưu sinh. Có rất nhiều phường thủ công đã đóng cửa. Nhưng, riêng những người dân nông và các nô lệ thì không biết đi đâu, họ hoặc bình thản như xưa, hoặc đang che giấu một sự vui mừng thầm kín. Họ từng chịu đựng sự bóc lột tệ hại của vương triều nhà Tần, cho nên họ chỉ mong mỏi số mệnh của vương triều này sớm kết thúc. Nay tình hình đã thay đổi, họ tha thiết mong được chứng kiến một sự đổi mới của cuộc đời.
Quân Hạng Võ tiến vào Hàm Dương có thể nói không gặp trở lực gì cả. Quân Tần lớp đầu hàng, lớp bỏ chạy, hoàn toàn không còn sức chống trả nữa. Hạng Võ và tướng sĩ của ông không xem đây là một cuộc hành quân chiến đấu mà là một cuộc hành quân chiếm lĩnh của người giành được thắng lợi.
Sau khi quân Hạng Võ vào thành, liền chia toán ra đóng giữ khắp nơi. Nhân khẩu của thành Hàm Dương đột nhiên tăng lên bốn chục vạn trở nên hết sức chật chội. Những tướng sĩ mặc khôi giáp và quân phục có mặt khắp nơi. Hạng Võ đang cùng một số bộ tướng, tùy tùng tiến vào cung Hàm Dương.
Cung Hàm Dương là hoàng cung của vương triều nhà Tần, được xây dựng tại khu đất bằng ở phía bắc Hàm Dương, tức nằm về phía bắc con sông Vị. Cung điện lâu đài cao ngớt, hùng tráng. Khu đại điện tại trung tâm có cửa nhìn ra bốn hướng, trông chẳng khác nào một ngôi điện của thiên đế ở trên trời. Mọi đường lối chính sách của vương triều nhà Tần đều xuất phá từ nơi đây. Phía nam con sông Vị là Hưng Lạc Cung, có cầu bắc ngang qua sông để nối liền hai cung điện nói trên, trông giống như chiếc cầu ô thước bắt ngang sông Ngân Hà ở trên trời. Nhà thơ đời Đường là Lý Thương Ẩn từng có một bài thơ ca tụng:
Hàm Dương cung khuyết uất ta nga,
Lục quốc lâu đài diễm khởi la
Tự thị đương thời thiên đế túy,
Bất quan Tần địa hữu sơn hà.
Dịch nghĩa:
Cung điện ở Hàm Dương nguy nga đứng san sát,
Lâu đài được xây dựng theo kiểu lục quốc đều treo màn gấm lụa.
Nơi đây là nơi nhà vua đã sống trong cảnh mê say,
Không quan tâm chi đến giang sơn của nước Tần.
Hạng Võ thong thả đi khắp nơi trong cung Hàm Dương, không khỏi kinh ngạc trước kiến trúc xa hoa của các cung điện, phi tần và cung nga vẫn còn ở trong cung điện này. Tất cả họ đều đang run sợ nhưng vẫn cố mỉm cười để nghênh đón người chủ mới. Những cô gái xinh đẹp như bông hoa này đều được chọn từ các vùng nông thôn. Bức tường cao trong cung điện đã chôn chặt cuộc đời thanh xuân của họ. Giá trị của họ là để cung cấp cho nhà vua hưởng thụ. Trên thực tế họ là những nô lệ má phấn, môi son, áo gấm lụa là. Số phận của họ không do họ định đoạt, và hiện giờ họ cũng giống như tất cả những thứ đồ vật bị vứt bỏ khác, đang chờ đợi sự chiếm hữu của người chủ mới. Lúc ban đầu khi Hạng Võ vừa trông thấy họ, trong lòng ít nhiều cũng thấy đáng thương, nhưng nhanh chóng sau đó, thứ tình cảm này được thay thế bằng sự tham lam muốn chiếm hữu. Ông ra lệnh cho người dưới tay trông nom kỹ những cung nữ đó, và vô số những tài vật quý giá khác, chuẩn bị trích ra một phần để ban thưởng cho các tướng có công.
Sau khi Hạng Võ quan sát cung Hàm Dương cẩn thận, ông lại đi tới những cung điện khác.
Ông nhìn thấy một tòa kiến trúc của nước Sở. Cung nhân trong cung điện này đều ăn mặc theo người Sở, đó đây được trưng bày những bảo vật lấy từ nước Sở về, trên những bức bích họa cũng được vẽ cảnh vật và con người của nước Sở. Ngay đến gạch lát trên sàn nhà chừng như cũng được chế tác từ nước Sở mang về.
Phong cách đậm đà màu sắc nước Sở đó, đã làm cho Hạng Võ nhớ tới quê hương của mình và cũng nhớ tới nỗi đau vong quốc mà ông từng chịu đựng trong thời gian qua. Ông cảm thấy căm hận sự tàn bạo của vương triều nhà Tần, căm hận chủ nhân của toàn kiến trúc đó. Vì những cung điện này chính là tượng trưng cho sự thắng lợi của vương triều nhà Tần. Nhưng hôm nay đối với Hạng Võ, thì nó lại là một sự sỉ nhục không thể nào chịu đựng được.
Lòng tự trọng của Hạng Võ bị xúc phạm một cách nặng nề, và ngọn lửa phục thù cũng bắt đầu bùng cháy trong lòng ông. Ông tuốt nhanh gươm đeo ở cạnh sườn ra, rồi vung tay chém loạn xạ khắp nơi. Đi đôi với những tiếng đổ vỡ, một số bảo vật được trưng bày trong cung điện bị lưỡi gươm của ông chém nát, nhưng sự căm tức trong lòng của ông vẫn chưa nguôi, ông xuống lệnh cho binh sĩ phóng hỏa. Chỉ trong nháy mắt ngọn lửa bốc cao ngất trời và những bựng khói đen cuồn cuộn đã trùm kín cung điện mà vương triều nhà Tần đã xây cất theo kiểu mẫu từ cung điện của sáu nước xưa.
Cùng lúc đó Hạng Võ lại xuống lệnh thiêu hủy cung Hàm Dương. Cung điện nằm nối tiếp hai bên bờ sông Vị đã chìm trong biển lửa. Ánh lửa làm cho dòng chảy của con sông Vị nằm tại trung tâm quần thể cung điện của nhà Tần cũng phản chiếu đỏ rực...
Tại khu lâm viên nằm về phía nam sông Vị là A Phòng Cung, một tòa cung điện nguy nga hùng vĩ của vương triều nhà Tần. Nó được xây dựng sau cung điện Hàm Dương, nhưng quy mô và sự tráng lệ của nó hơn hẳn cung Hàm Dương. Sau khi Tần Thủy Hoàng chấp chính, nhà vua cho rằng Hàm Dương người đông, còn cung điện của các tiên vương xây đời trước thì quá nhỏ hẹp, nên quyết định xây dựng cung A Phòng, và xem khu vực phía nam của sông Vị là trọng điểm xây dựng thủ đô của đế quốc. Ông huy động đến mấy chục vạn lao công, và xây dựng suốt năm năm dài. Hiện nay tuy chưa hoàn thành toàn bộ, nhưng nó đã hoàn thành những công trình thuộc giai đoạn đầu, gồm có A Thành, Tiền Điện và Môn Khuyết. A Thành là nơi xây dựng cung điện A Phòng trong tương lai, gồm có Tiền Điện và những kiến trúc tương quan khác. Vì sách có câu Phượng Hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng, cho nên trong khu thành này đã trồng khắp nơi đến máy nghìn cây ngô đồng. Tiền điện là nơi tượng trưng cho sự uy nghiêm của hoàng đế, chiều rộng đông tây là năm trăm bộ (một bộ đời Tần tương đương với 1,998 mét, như vậy năm trăm bộ tương đương với 599 mét - ND), còn chiều nam bắc rộng năm chục trượng (một trượng đời Tần là 3,333 mét, năm chục trượng là 1.665 mét - ND) Phía trên điện có thể ngồi hàng vạn người, còn phía dưới cung điện có thể dựng cột cờ cao năm trượng, chung quanh điện có hành lang, từ phía dưới điện có thể đi thẳng tới núi Chung Nam. Phía trước cung điện này có dựng mười hai tượng đồng. Số tượng đồng này được vương triều nhà Tần thu gom tất cả binh khí trong sáu nước cũ đem về nấu chảy đúc ra. Riêng Môn Khuyết thì hết sức cao rộng, bên trên dùng nguyên súc gỗ để làm rường, cửa được làm bằng đá nam châm, để đề phòng thích khách giấu vũ khí trong người, đồng thời, cũng đề phòng những tên phản trắc trong nội bộ.
Tần Thủy Hoàng xây dựng cung A Phòng, chẳng những dùng để cất giữ nhu báo do họ thu gom được, mà còn dùng để tăng cường sự khống chế đối với vùng Quan Đông, củng cố quyền lực mà họ giành được cũng như uy hiếp các chư hầu và khoe khoang công đức. Công trình đồ sộ này đã gây nên một gánh nặng cho xã hội, và cũng gieo mầm oán hận trong nhân dân, nên nhân gian mới có câu ca dao: A Phòng, A Phòng, Thủy Hoàng tiêu vong.
Trước kia, Hạng Võ chỉ nghe người ta nói về cung A Phòng, còn giờ đây chính ông được chứng kiến tận nơi. Ông thấy cung điện này đúng là có quy mô lớn, được xây dựng hết sức xa hoa, đẹp đẽ, đồng thời ông cũng hết sức căm thù Tần Thủy Hoàng đã vận dụng hết tài nguyên của đất nước để tạo uy danh cho mình. Đứng tại Tiền Điện, nhìn quần thể cung điện mênh mông, và mười hai hình nhân bằng đồng khổng lồ, Hạng Võ chừng như thấy được Tần Thủy Hoàng đang đắc ý mỉm cười, ông tuyệt đối không thể nào tha thứ cho những cung điện mà Tần Thủy Hoàng từng sử dụng. Ông là người chiến thắng, ông phải xóa bỏ sạch tất cả những gì của vương triều nhà Tần. Thế là quầ thể kiến trúc nguy nga đó cũng chịu chung số phận với cung Hàm Dương: bị biển lửa nuốt chửng!
Xuất phát từ tâm lý quyết tâm phục thù mãnh liệt, Hạng Võ lại cho tiến hành đào lăng mộ của Tần Thủy Hoàng tại núi Ly Sơn.
Lăng Ly Sơn được bắt đầu xây dựng từ khi Tần Thủy Hoàng mới lên ngôi. Nhà vua này đã huy động đến hơn bảy chục vạn người và đã xây dựng liên tiếp ba mươi sáu năm. Lăng mộ được xây dựng ở phía bắc của chân núi Ly Sơn, lấy chớp núi cao nhất trong các chớp núi là Vọng Phong làm trung tâm. Tương truyền nơi đây "bên phía mặt trời lặn có nhiều vàng, bên phía mặt trời mọc có nhiều ngọc quý", đó là một mảnh đất quý hiếm về mặt phong thủy. Trong số hơn bảy chục vạn người xây dựng lăng mộ, có một bộ phận người đi tới vùng đất Thục để đốn cây vận chuyển tới khu công trường, và một bộ phận người khác thì tới vùng phía bắc của sông Vị để chạm khắc các cấu kiện bằng đá. Những chiếc thuyền to chuyên chở vật liệu xây dựng tới lui nườm nượp, gần như làm nghẹt cả dòng sông Vị. Khu lăng mộ này bao gồm các bộ phận như Phong Thổ, Địa Cung, Tường Thành, Cửa Thành, Lăng Tẩm, Hồ Bối Táng... Phong Thổ là một mô đất cao năm chục trượng có hình như cái đấu lật úp để tượng trưng cho năm mươi tuổi của Tần Thủy Hoàng. Bên trên Phong Thổ được trồng rất nhiều cây cối để tượng trưng cho đẳng cấp và địa vị tối cao của nhà vua này. Chung quanh Phong Thổ có hai vòng thành bao bọc, tượng trưng cho hoàng thành và ngoại quách của một thành vua. Riêng sự cao to của Phong Thổ thì tượng trưng cho sự hùng vĩ và tráng lệ của cung Hàm Dương, cung A Phòng. Bên trong Địa Cung được kết cấu hết sức phức tạp. Nơi đây được đào sâu đến tầng đất thứ ba đến nơi đã có nước, rồi mới nấu đồng để đổ thành vách, kế đó, lại được ốp đá cẩm thạch, rồi dùng sơn mài để phủ lên, cuối cùng mới bôi sơn đỏ. Trên nóc Địa Cung được xây dựng thành hình vòm như bầu trời. Trong Địa Cung mô phỏng theo các cung điện mà lúc sinh thời Tần Thủy Hoàng từng cư trú. Ngoài ra, còn có nhiều tượng đất nung của bá quan và những đồ vật quý giá khác. Qua tác dụng của máy móc đơn giản, họ đổ thủy ngân vào trong đó để nó liên tục tuần hoàn, lấy đó tượng trưng cho dòng nước của các con sông và biển cả luôn luôn chảy. Ngoài ra, lại còn có những hạt dạ minh châu kết lại thành mặt trời và mặt trăng, và lấy mỡ của loài nhân ngư để làm đèn sáp, đốt cháy mãi không bao giờ tắt. Lúc sinh tiền, Tần Thủy Hoàng là chúa của thiên hạ, cho nên sau khi chết ông cũng tiếp tục là người uy nghiêm và cao quý.
Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, Tần Nhị Thế từng xuống lệnh cho tất cả những người cung phi chưa có con đều phải tuẫn táng. Cho nên có một số lớn phi tần bị đem chôn sống. Ngoài ra, còn có rất nhiều nô lệ, thợ thuyền cũng bị chôn sống theo. Sở dĩ họ chôn sống thợ thuyền là do sợ những người này tiết lộ bí mật, cho nên tất cả đều bị chôn sống dưới Địa Cung. Trong Hố Bồi Táng còn có một đội ngũ binh mã bằng đất nung, cũng như những cỗ xe ngựa bằng đồng, bằng gỗ, và nhiều thứ cầm thú quý hiếm khác. Các loại cầm thú quý hiếm là những sinh vật mà xưa kia Tần Thủy Hoàng rất yêu thích, còn những binh mã bằng đất nung được dàn thành thế trận, là muốn tượng trưng cho Túc Vệ Quân, thường xuyên vảo vệ lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng đã vắc óc suy nghĩ kế hoạch xây dựng lăng mộ của ông ta và sẵn sàng chi phí một số tài lực và vật lực khổng lồ. Nhưng ngày nay nó đã trở thành nơi để cho Hạng Võ trả thù. Hạng Võ đã sử dụng một số lượng lớn nhân lực tiến hành đập vào mộ Tần Thủy Hoàng, để lấy đi tất cả những của quý mà họ có thể lấy được, đồng thời, phóng hoả đốt sạch những kiến trúc trên mặt đất.
Hạng Võ một mặt phóng hỏa đốt cung điện, đào mộ Tần Thủy Hoàng, một mặt cho binh sĩ chiếm đóng trong thành Hàm Dương tha hồ đốt nhà, cướp của. Binh sĩ của ông ta giống như một bầy mãnh thú cứ xông vào nhà nào thì cướp sạch tài sản nhà nấy, rồi lại hiếp dâm phụ nữ, và thẳng tay chém giết.
Chỉ trong chốt lát, trong thành Hàm Dương đã đổ nát hoang tàn, ngập trong biển lửa, đâu đâu cũng nghe tiếng gào khóc, than oán ngất trời. Trên đường đi máu người loang đỏ, trong sân vườn nằm ngổn ngang bao nhiêu là tử thi, chó gà đều phải trốn chạy. Những người phụ nữ tóc bỏ xõa bị truy đuổi, bị chà đạp, những người đàn ông dù chống trả hoặc quỳ xin tha mạng đều bị giết hết. Nhà cửa của họ cũng bị phóng hỏa đốt rụi. Trong khi đó thì người chiếm đóng ngôi thành này lớp xách lớp mang, tha hồ muốn làm gì thì làm. Trong giờ phút đó họ đã hoàn toàn mất đi hình tượng của những dũng sĩ chống Tần, mà trở thành những tên ăn cướp, những kẻ giết người một cách man rợ.
Hoàng hôn đã xuống, ráng chiều đỏ rực. Trong hoàng hôn mau máu thành Hàm Dương đang khóc than, đang bị tắm máu, và cũng đang thét gào vì căm hận!
Cuộc tàn sát đốt phá của Hạng Võ tại thành Hàm Dương là nhằm trả thù đối với vương triều nhà Tần, nhưng trên thực tế thì đây lại là một sự phạm tội đối với nhân dân không thể tha thứ được trong lịch sử, đồng thời, còn để lại một hình tượng xấu xa, hung tàn cho bản thân ông ta mà không bao giờ xóa nhòa được. Ông ta được người Tần vốn trước đây đặt nhiều hy vọng vào ông, nay đã mất nhân tâm một cách đáng buồn, khiến cho sự nghiệp của ông ta bị trùm lên một bóng đen đáng sợ.
Trong khi ngọn lửa tại thành Hàm Dương đang cháy hừng hực, thì Hạng Võ nghĩ rằng mình đã trả xong mối thù cho nước Sở, cho gia đình, nên đã phá lên cười to. Chính vì thế mà ông đã trở thành "một danh nhân phóng hỏa" (lời nói của Lỗ Tấn), chịu sự khiển trách của muôn đời sau!
Phú quý thì phải trở về cố hương
Chiến tranh, con quái vật thúc đẩy loài người tàn sát lẫn nhau đó, có thể làm cho con người biến thành dã thú một cách kỳ lạ. Hơn nữa, sự tăng trưởng của tính dã nam hung tàn có thể dẫn tới chỗ làm suy yếu và chôn vùi nhân tính, để từ đó làm cho linh hồn con người bị méo mó, bị biến dạng, và trở thành một thứ người chỉ còn cái vỏ bề ngoài với một ý nghĩa đặc thù.
Cuộc đại thảm sát tại thành Hàm Dương, qua việc thẳng tay phóng hỏa, chính Hạng Võ đã trải qua một sự diễn biến như thế. Khi ông ta nhìn thấy từng đám đông người vô tội bị tàn sát, bị lăng nhục, thì vị tướng quân vốn đa sầu đa cảm này lại hoàn toàn không có một chút gì xúc động. Trong giây phút đó, ông đã hoàn toàn không còn tính yếu mềm nhu nhược mà thường ngày thỉnh thoảng ông đã thể hiện, thay vào đó là một lòng dạ sắt đá lạnh lùng.
Chính mắt ông nhìn thấy một cảnh tượng như thế này: một toán quân Sở lấy cớ họ phát hiện được trong một ngôi nhà nọ có một hiệu úy của quân Tần bị thương, nên đã bắt tất cả già trẻ bé lớn trong mười căn hộ ở chung quanh mang ra một bãi đất trống trói lại lần lượt giết chết như người ta làm thịt gia súc. Với mấy cô gái trẻ, họ lột hết y phục và thay nhau hiếp dâm giữa ban ngày, rồi mới dùng gươm mổ bụng họ ra. Một người đàn ông to tiếng mắng chửi, giãy giụa để lấy mạng đổi mạng với quân Sở, thế là quân Sở liền ném anh ta vào một đống cỏ khô rồi phóng hỏa đốt chết. Nơi lò sát sinh đó, vừa có tiếng cười rùng rợn một cách đắc ý của những kẻ đang bộc lộ thú tính. Hạng Võ nhìn thấy tất cả nhưng vẫn bình tĩnh như không hề trông thấy, trái lại, ông ta đã xem sự tàn sát, chà đạp mạng sống người dân ở đây chính là một sự trả thù đối với quan lại, tướng sĩ của vương triều nhà Tần cũng như gia đình chúng. Đối với số người đó cần phải giết cho hết, và dù có làm thế nào đi nữa cũng không gọi là quá đáng cả. Chế độ cai trị của vương triều nhà Tần bạo ngược hung dữ như cọp, làm sanh linh phải chịu bao nhiêu đồ thán, vậy mà giờ đây họ tiến hành trả thù không được hay sao? Chính giờ phút đó, trong nhận thức của Hạng Võ thành Hàm Dương là khuyển ưng của vương triều nhà Tần, không cần phải phân biệt tốt xấu gì cả. Do vậy, trong cuộc đại tàn sát này mặc dù có một số tham quan ô lại đã bị trừng trị, nhưng số đông hơn lại chính là những người dân vô tội. Họ đã ngã quỵ trước lưỡi dao chém giết của quân Sở mà không biết mình bị tội gì, còn quân Sở trong khi thẳng tay chém giết thì vẫn tự xem mình là người thế thiên hành đạo, cứu bá tánh ra khỏi nước sôi lửa bỏng, cho nên trên gương mặt hung hăng kinh tởm của họ vẫn hiện lên một nụ cười đắc chí!
Điều mà Hạng Võ cảm thấy hả hê nhất chính là phóng hỏa đốt cháy cung Tần, đào mộ Tần Thủy Hoàng. Ông cho rằng nơi đây chính là sào huyệt của chế độ cai trị tàn bạo của nhà Tần, chính là nơi ăn chơi hành lạc của Tần vương, chính là chứng cứ của sự xa hoa và tội ác của nhà Tần. Từng sắc luật và mệnh lệnh một nhằm tước đoạt mọi thứ quyền lợi đối với bá tánh đã được xuất phát từ đây, và mọi sự quyết định nhằm trấn áp quý tộc của sáu nước cũng xuất phát từ đây. Cho nên bây giờ mặc dù con người không còn nữa, cung điện đang trống không, nhưng lòng căm thù của Hạng Võ vẫn chưa hề suy giảm. Đứng trước ngọn lửa bốc cao ngất trời, đứng trước tiếng nổ to từ trong biển lửa phát ra, ông ta xem như một ngày lễ hội tưng bừng. Ông không hề nghĩ rằng mình đã thiêu rụi tất cả những kết tinh từ mồ hôi nước mắt của người dân trong khắp thiên hạ, là những bảo vật đáng quý báu huy hoàng. Trong tâm hồn ông ta lúc đó chỉ có hai chữ "Báo Thù". Lòng báo thù đã biến ông ta thành con người hoàn toàn mang thú tính, một hung thần dữ tợn, tàn bạo và đáng ghét!
Trước đây, Lưu Bang sau khi tiến vào Hàm Dương thì tuyên bố "Ước Pháp Ba Chương", nghiêm cấm binh sĩ nhũng nhiễu dân lành; còn Hạng Võ sau khi tiến vào thành Hàm Dương thẳng tay đốt nhà cướp của, sát hại người vô tội. Hai hình tượng đó đã đối lập tương phản, lưu lại cho người dân trong thiên hạ một ấn tượng khó thay đổi.
Trước đây, sau khi Lưu Bang tiến vào thành Hàm Dương, đã tiếp nhận sự đầu hàng của Tử Anh và giao Tử Anh cho người có trách nhiệm giam giữ; nay Hạng Võ sau khi tiến vào thành Hàm Dương, đã mang Tử Anh từ trong nhà giam ra chém đầu ngay tức khắc, không cần nói một lời nào. Ông ta đã xem tội ác của Tần Thủy Hoàng gắn liền với Tử Anh vừa lên chấp chính được ba tháng, nên mới xuống lệnh xử chém. Chúng ta không cần tìm hiểu phải chăng Tử Anh có những tội ác đáng chém, chúng ta chỉ cần nhìn qua hai cách đối xử của Lưu Bang và Hạng Võ đối với Tử Anh, cũng thấy được ai là người đắc nhân tâm và ai là người thất nhân tâm. Lưu Bang khi tiến vào thành Hàm Dương, do đã thi hành một chính sách chính trị hợp lý, nên dân Tần vui mừng; trái lại, Hạng Võ khi tiến vào thành Hàm Dương, do đã ban bố một chính sách cai trị bạo ngược, cho nên dân Tần đều oán. Hai thứ tình cảm đó được phân biệt một cách rõ ràng, nên đã tạo ra hai thứ ảnh hưởng khác nhau.
Giờ đây, thành Hàm Dương đã trở thành một đống gạch vụn, từ những cung điện xa hoa đổ nát đang tiếp tục bốc khói đen, Hạng Võ sau khi trải qua một cơn thịnh nộ đầy thú tính, đã bắt đầu hồi phục nhân tính dần dần. Một cảm thức hối hận lờ mờ đã sống lại trong lương tâm của ông. Đúng thế, những cung điện xinh đẹp kia, những thứ bảo vật quý giá kia, nếu như... Ông không dám tiếp tục suy nghĩ thêm nữa, vì quả tim của ông đã cảm thấy đau nhói, ông tự nhiên khoát mạnh một cánh tay, như muốn xua đuổi những ý nghĩ kỳ quái đó. Con người đúng là một sinh vật lạ lùng, trong giấy phút này, trong không gian này, và trong giây phút khác, trong không gian khác, lại có thể khiến họ hoàn toàn khác nhau. Sau khi quay về với nhân tính, Hạng Võ càng nghĩ đến quê hương của mình, quê hương xinh đẹp biết bao, dòng nước sông chảy đều quanh năm, những chiếc thuyền trương buồm trôi êm ả, mặt ruộng nước sáng như gương, và những điệu hát quê hương nghe thật là êm đềm. Tất cả những điều đó đã ăn sâu trong ký ức của Hạng Võ, chẳng những trong kiếp sống này không làm sao quên được, mà đến sau khi chết trở thành tro bụi, linh hồn ông cũng nhất định sẽ bay trở về Giang Đông.
Tình cảm nhớ quê hương của Hạng Võ sở dĩ sống mạnh trở lại là vì ông đang nghĩ tới vấn đề định đô. Sau khi kéo quân vào Hàm Dương, Hạng Võ cảm thấy vương triều nhà Tần đã kết thúc, và ông đã triệt để thắng lợi rồi, cho nên vấn đề định đô liền hiện lên trong trí não của ông. Trong những ngày chiến đấu kham khổ, ông chưa bao giờ nghĩ tới vấn đề đó, vì thiên hạ chưa yên, vấn đề định đô chưa trở thành vấn đề hiện thực được, và ông cũng không có thì giờ để suy nghĩ tới nó. Giờ đây, sự nghiệp đã hoàn thành, thì vấn đề định đô tất nhiên sẽ được nêu lên. Thế thì, phải định đô ở đâu? Ở Hàm Dương chăng? Không, ông không thích vùng đất này. Điều đó chẳng những vì Hàm Dương hiện nay đã trở thành một đống gạch đổ nát mà chính vì Hạng Võ không có cảm tình đối với vùng Quan Trung thậm chí ông còn chán ghét nó nữa. Quan Trung là vùng đất trung tâm về quyền lực của vương triều nhà Tần, vì ông ghét nhà Tần, nên ghét cả vùng đất này, ông tuyệt đối không muốn đi theo vết xe đổ của người Tần. Người Tần là kẻ thù của ông, vậy những gì mà kẻ thù đã dùng qua thì ông không bao giờ dùng tới nó, ngay mặt đất mà kẻ thù đã đứng, ông cũng muốn đào nó đổ đi. Hơn nữa, Quan Trung có gì là đẹp? Núi non khô cằn, sông ngòi quá ít, tới mùa đông bão, gió cát thổi vào mặt, khắp mặt đất đều trở nên khô khan, đúng là một vùng đất không có một chút gì gọi là cảm tình... còn ở Giang Đông thì ngọn gió đông luôn luôn mát rưỡi rượi, dòng sông đầy ắp nước trong, gạo cá dồi dào vô kể.
Do bởi thứ quan niệm quê hương đó thôi thúc, Hạng Võ quyết định sẽ nhanh chóng rời khỏi Hàm Dương, dẫn quân đi trở về phía đông và xây dựng kinh đô tại Bành Thành. Ấn tượng của Bành Thành trong lòng Hạng Võ thật là tốt đẹp. Nơi đó khí hậu ôn hòa, giang sơn gấm vóc, giao thông tiện lợi, vật sản dồi dào. Một điều quan trọng hơn ấy là Bành Thành từ lâu đã trở thành một trọng trấn quân sự mà điều kiện thiên nhiên đã tạo sẵn. Bốn bên đều có núi bao bọc, kết hợp với sông Hoàng Hà, sông Khuê Hà tạo nên một cảnh trí hiểm yếu thiên nhiên "núi là thành, sông là hào", trong khi muốn đi hướng bộ hoặc đường thủy đều tiện lợi, cá và muối đâu đâu cũng có, sẵn sàng cung cấp cho quân đội. Ý định của Hạng Võ đã quyết, bèn nhanh chóng chuẩn bị trở về phía đông. Ngày hôm đó, Hạng Võ đang say sưa nghĩ tới cái đẹp của quê hương, thì bỗng thị vệ vào báo:
- Có một vị tự xưng là Hàn Sinh, muốn xin vào ra mắt Đại vương.
Hạng Võ quay trở về với hiện thực, lơ đễnh nói:
- Mời ông ta vào!
Hàn Sinh là người Quan Trung, ngoại hình không có gì đặc sắc, ông bình tĩnh bước tới trước mặt Hạng Võ và tự giới thiệu:
- Tôi sinh ra và lớn lên tại đất Quan Trung, gia cảnh bần hàn, từng đi làm thực khách, sống nhờ vào người ta. Hiện nay tôi trôi dạt khắp mọi nơi, dựa vào việc xem phong thủy để mưu sinh. Tôi ngưỡng mộ ngài là người dũng cảm tài ba, khâm phục sự nghiệp tiêu diệt nhà Tần của ngài, nên mạo muội tới đây xin hiến kế.
Hạng Võ tuy có lúc nóng nảy, nhưng do xuất thân từ gia đình quý tộc, có giáo dục, nên phần nào ông biết dùng lễ nghĩa để đối xử với người chung quanh, không giống như Lưu Bang ăn nói thô lỗ. Hạng Võ đã mời Hàn Sinh ngồi vào ghế, rồi ôn tồn hỏi:
- Ông tới đây định hiến kế gì?
Hàn Sinh không trả lời thẳng câu hỏi của Hạng Võ, mà hỏi ngược lại:
- Nghe nói Đại vương định quay trở về đóng đô ở Bành Thành ư?
Hạng Võ gật đầu một cách tự tin, đáp:
- Đúng như vậy.
Hàn Sinh lại hỏi:
- Đại vương không xưng vương tại Quan Trung này sao?
Hạng Võ đáp:
- Quan Trung là nơi núi non khô cằn, nguồn nước thiếu thốn đâu đâu cũng thấy toàn đất vàng, làm sao sánh bằng Bành Thành của tôi?
- Ý kiến của Đại vương chưa hẳn là đúng. Bành Thành mặc dù có sự bảo vệ của núi non và sông ngòi, đúng là nơi có địa thế hiểm yếu, nhưng từ xưa tới nay vẫn thường bị ngập lụt, thường bị chiến tranh tàn phá, hơn nữa, nó lại nằm rất xa về một góc, nếu chiếm vùng đó mà muốn khống chế Quan Trung thì e là rất khó khăn. Tại hạ nghe nói, người thành công trong sự nghiệp đế vương không bao giờ lấy tình cảm quê hương làm trọng, mà phải xem tình cảm quốc gia là trên hết. Sự nghiệp của Đại vương hiển hách như thế này, đủ sức để ra lệnh cho thiên hạ, tự mình xưng đế xưng vương, cho nên cần phải có tầm nhìn rộng khắp toàn quốc, lựa một nơi có địa thế tốt để xây dựng đô thành. Đất Quan Trung thời cổ thường xem là vùng đất "có đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm", là một "thiên phủ chi quốc", là một vùng đất quý báu về mặt phong thủy. Núi ở đây vừa cao vừa hùng vĩ, chồng chất lớp lớp, hiểm yếu vô cùng, có thể lấy đó làm tấm bình phong thiên nhiên, còn sông thì chảy quanh co uốn khúc, chia thành nhiều vùng phụ lưu, vừa tiện lợi cho việc chuyên chở đường thủy, lại tiện lợi cho việc tưới tiêu. Sông Vị là con sông lớn nhất tại Quan Trung, nối liền với sông Hoàng Hà, trở thành tuyến giao thông đường thủy quan trọng với Quang Đông. Riêng vùng Quan Trung đất đai phì nhiêu, đồng bằng rộng rãi, khí hauaj ôn hòa ẩm ướt, rất thích hợp cho mọi sự sống. Châu Văn Vương từng dựng đô tại bờ tây của con sông Phong Hà, liên kết thành một quần thể. Sau bao nhiêu năm xây dựng, đã trở thành đại đô thị lớn nhất trong thời bấy giờ. Người Tần cũng phát triển từ Quan Trung, rồi sau đó mới chuyển sang Quan Đông, để cuối cùng thống nhất cả thiên hạ. Đối với vùng đất như thế mà Đại vương lại không trân trọng, muốn rút trở về quê hương, tại hạ thật cảm thấy hối tiếc cho Đại vương!
Những lời nói của Hàn Sinh là rất thành thực, xuất phát từ sự quan tâm đầy nhiệt tình đối với bá nghiệip của Hạng Võ. Nhưng Hạng Võ nghe không lọt vào tai. Ông ta nghĩ bụng: "Mọi người ai cũng yêu quê hương của mình, ai lại không nói tốt cho quê hương? Anh là người Quan Trung, tự nhiê anh cho Quan Trung là nơi không đâu sánh bằng." Nhưng ngoài mặt Hạng Võ vẫn làm ra vẻ cảm kích, nói:
- Ông từ xa tới đây để hiến kế cho tôi, thật là đáng khen ngợi. Tôi sẽ tặng ông một món quà trọng hậu, để đa tạ ông.
Hàn Sinh mỉm cười, nói:
- Tại hạ xin yết kiến Đại vương, không phải mong được Đại vương ban thưởng, mà chỉ muốn Đại vương xây dựng được bá nghiệp tại Quan Trung để ổn định thiên hạ, vậy mong Đại vương suy nghĩ kỹ!
Tiếp đó, ông ta lại nói rõ về địa thế của vùng Quan Trung chính là một vùng đất quan trọng về quân sự, cũng như nói rõ việc nước Tần đã dùng Quan Trung để làm căn cứ địa tiêu diệt sáu nước, và khuyên Hạng Võ nên tiếp nhận ý kiến của mình.
Hạng Võ cảm thấy bực bội, nói:
- Phú quý mà không trở về quê hương thì cũng như người mặc áo gấm mà đi đêm, vậy ai biết ta trở thành phú quý? Nay ta đã tiêu diệt được vương triều nhà Tần lớn mạnh, có được cả thiên hạ trong tay, cho nên cần phải mặc áo gấm trở về quê hương để cho phụ lão ở quê hương trông thấy!
Hàn Sinh không còn cách nào thuyết phục được Hạng Võ nữa, bèn thở dài rồi đi. Ông ta từ chối lễ vật ban thưởng của Hạng Võ, và cũng không muốn ở lại trong quân ngũ của Hạng Võ. Ông ta cảm thấy Hạng Võ tuy là người đánh giặc giỏi, nhưng tầm nhìn quá ngắn, quá nông cạn, lúc nào cũng tha thiết nghĩ tới quê hương, như vậy sẽ khó hoàn thành sự nghiệp lớn. Ông ta đau đớn nói:
- Người ta bảo người Sở giống như con khỉ đội nón, quả là đúng!
Câu nói đó hàm ý người Sở là những con người nông cạn, thiếu chí lớn.
Hàn Sinh không ngờ câu nói bực bội của mình đã nhanh chóng truyền đến tai của Hạng Võ. Hạng Võ tức giận ra lệnh tìm bắt Hàn Sinh trở lại, rồi xử tử ông bằng cách bỏ vào chảo nước sôi. Khi Hàn Sinh bị trói giật cánh khuỷu và đẩy tới bên cạnh chảo nước sôi, ông ta không hề lên tiếng oán trách, cũng không hề van xin, mà chỉ buồn cho mình quá ngu dại. Hạng Võ tuy là người đánh giặc giỏi, nhưng thiếu mưu lược, lại từ chối những lời khuyên can đúng, không biết chọn cái phải cái hay mà theo, vậy đi hiến kế cho một người như Hạng Võ, há chẳng phải ngu dại lắm sao? Hôm nay gặp tai hoạ như thế này, chính là do tự mình tìm lấy còn biết trách ai! Điều mà ông cảm thấy đáng tiếc là không thể nhìn thấy ngày kết cuộc sau cùng của một con người tàn bạo như Hạng Võ. Khi đến gần chảo nước sôi, ông quay lại nhìn Hạng Võ với ánh mắt khinh bỉ, rồi mỉm cười nhảy vào chảo nước.
Một sinh mệnh trung thành đã kết thúc một cách im lặng. Những lời nói chân thành của ông ta đã bị gió thổi bay đi hết, giờ đây chỉ còn lại tiếng sôi ùng ục của chảo nước sôi!
Sau khi Hạng Võ xử tử Hàn Sinh, thì lại nghĩ tới trước kia Sở Hoài Vương có giao kết, ai vào Quan Trung trước thì làm Vương. Ông tuy không vào Quan Trung trước, nhưng xét về công lao tiêu diệt nhà Tần thì ông là người đứng đàu, như vậy ông phải được làm Vương. Cho nên ông quyết định phái một người đi về Bành Thành trước, để mang đến cho Sở Hoài Vương một phong thư, có ý xin Sở Hoài Vương thay đổi lời giao kết trước kia, dựa vào công lao to hay nhỏ để xưng vương, chứ không dựa vào việc vào Quan Trung trước hay sau nữa. Sau khi sứ giả ra đi, Hạng Võ đã đắm chìm trong sự nôn nóng chờ đợi. Ông chờ đợi Sở Hoài Vương thay đổi ý định, mà cũng chờ đợi ngày mai trở về quê hương với hình tượng của một người phú quý.
Lúc bấy giờ quan niệm cũ kỹ, ý thức hẹp hòi, tình cảm nhớ quê hương quyết liệt đã chiếm hết toàn bộ tư duy của người anh hùng trẻ tuổi này. Ông mơ ước đến sự nghiệp hùng vĩ được xưng vương trong thiên hạ nhưng lại không thoát ra khỏi cái vòng nhỏ hẹp đang buộc chặt ông. Ông mơ ước đến một sự uy nghi vương giả, nhưng lại xem việc trở về quê hương qua hình tượng phú quý là sự thỏa mãn lớn nhất của đời mình. Sự tương phản rõ rệt đó đã đưa mọi quyết sách của Hạng Võ đến chỗ sai lầm nghiêm trọng. Ông phải trả một cái giá rất trầm trọng cho sự sai lầm đó.
Từ nay không còn chiến tranh
Sứ giả do Hạng Võ phái đi đến Bành Thành, nơi Sở Hoài Vương đóng, vào một ngày của tháng Giêng. Sở Hoài Vương xem qua phong thư không khỏi suy nghĩ thật lâu.
Bản ý của Sở Hoài Vương là tuyệt đối không muốn để cho Hạng Võ lên làm Quan Trung Vương. Ông ta và một số lão tướng đều cho rằng Hạng Võ hung hăng nóng nảy, đi tới đâu thì tàn sát tới đó, không thích hợp làm Vương. Lưu Bang trái lại là người lớn tuổi làm việc gì cũng cẩn trộng, tánh tình lại khoan hậu, thoáng đãng, là người có phong độ của một bậc đế vương. Cho nên, Sở Hoài Vương mới phái Lưu Bang tiến vào phía tây để vào Quan Trung, mà phái Hạng Võ đi lên phía bắc cứu nguy cho Cự Lộc. Sở Hoài Vương còn có mộto sự suy nghĩ khác, đó là lo ngại khi Hạng Võ xưng vương thì sẽ xem dưới mắt không người, đối với ông cũng rất bất lợi. Ông biết bản thân mình chẳng qua là một vương tôn đi chăn dê, được chú cháu của Hạng Võ đưa lên ngôi vương. Họ Hạng có thể đưa ông ta lên ngôi vương, thì cũng có thể truất phế ông ta được. Chính vì vậy, nếu để Hạng Võ xưng vương thì sẽ uy hiếp tới bản thân ông ta, vậy chi bằng tạo điều kiện cho Lưu Bang lên giữ ngôi vị Quan Trung Vương. Ông ta tin rằng một khi Lưu Bang trở thành Quan Trung Vương thì sẽ không bao giờ phụ lòng tốt của ông ta cả.
Việc Lưu Bang trước tiên tiến vào Quan Trung là điều tiên liệu của Sở Hoài Vương. Ông biết vũ lực của quân Tần đang tập trung ở vùng Cự Lộc, nên trên đường tiến về phía tây sẽ không bao giờ gặp cường địch. Khi tin tức Lưu Bang trước tiên tiến vào Quan Trung được truyền về, ông ta không hề cảm thấy ngạc nhiên, đồng thời, cũng thầm vui mừng cho kế hoạch của mình đã được thực hiện. Nhưng, có điều không ngờ được, đó là Hạng Võ sau khi tiêu diệt được quân Tần do Chương Hàm chỉ huy, thì cũng xua quân tiến vào Quan Trung, đốt thành Hàm Dương, rồi tranh giành địa vị Quan Trung Vương với Lưu Bang. Sở Hoài Vương cảm thấy thật khó xử, đồng thời cũng cảm thấy lo sợ: Hạng Võ là người tàn bạo như thế, một khi đoạt được chức Quan Trung Vương, thì cuộc đời của Sở Hoài Vương ta làm sao có được sự kết thúc tốt đẹp được?
Với một tâm trạng vừa lo sợ, vừa buồn rầu, vừa đố kỵ, Sở Hoài Vương có ý định: bất luận thế nào cũng không thể để cho Hạng Võ giữ địa vị Quan Trung Vương. Ông nói với người sứ giả là trong quân ngũ không bao giờ được nói đùa, những điều hẹn ước trước kia không thể thay đổi được, vậy ai vào Quan Trung trước thì người đó giữ địa vị Quan Trung Vương. Lưu Bang là người đầu tiên vào quan ải trước thì chức vụ Quan Trung Vương nhất định phải thuộc về ông ta. Người sứ giả nghe Sở Hoài Vương nói thế không khỏi kinh ngạc, nhưng anh ta không dám đề xuất ý kiến gì khác trước Sở Hoài Vương, mà vội vàng rời khỏi Bành Thành trở về báo cáo cho Hạng Võ biết.
Khi biết được tin đó, Hạng Võ hết sức giận dữ. Ông nói với các tướng:
- Sở Hoài Vương trước đây được nhà họ Hạng ta đưa lên ngôi, chứ có công lao gì mà lại nắm quyền trong thiên hạ? Lúc thiên hạ bắt đầu khởi binh, để tranh thủ lòng dân, nên bắt buộc phải đưa hậu duệ của Sở Hoài Vương lên ngôi tạm, để việc xuất quân phạt Tần có danh nghĩa. Ba năm qua chúng ta luôn mình mặc khôi giáp, tay cầm gươm giáo xung phong hãm trận, cuối cùng tiêu diệt được bạo Tần, ổn định được thiên hạ, nay đã thắng lợi thì đó là công lao của ta và các tướng lãnh chư hầu, chứ Sở Hoài Vương có giết được một tên lính Tần nào đâu. Chúng ta đã đưa ông ta lên ngôi, thế mà ông ta không biết tự lượng sức, dám nắm quyền ra lệnh, thật hết sức vô lý. Ông ta không xứng đáng là một vị chúa của thiên hạ, không có quyền cắt đặt cho Hạng Võ ta!
Các tướng cũng không xem Sở Hoài Vương vào đâu, nên đã nối tiếp nhau nói:
- Xin đại vương tự quyết định lấy, không cần để ý tới ông ta!
Hạng Võ gật đầu một cách tự tin, nhưng đến khi vấn đề làm thế nào để quyết định thì Hạng Võ không khỏi lúng túng. Trước đây từng có một số tướng lãnh chư hầu đề xuất, nay bạo Tần đã bị tiêu diệt thì nên cắt đất phong hầu, luận công ban thưởng. Đối với việc đó, Hạng Võ chỉ im lặng chưa trả lời là nên hay không.
Việc chia đất phong hầu là đem đất đai trên toàn quốc chia ra thành một số vùng, để cho chư hầu đến chiếm lấy vùng đó và xưng vương. Việc chia đất phong hầu bắt đầu từ đời nhà Thương, nhưng thực sự hình thành một chế độ hẳn hoi thì phải đến đầu nhà Châu. Thời bấy giờ giới thống trị Tây Châu đang đứng trước một vấ đề khó khăn, đó là làm thế nào để xử trí giới quý tộc Ân Thương cũ vừa mới thất bại nhưng lại có ý phục quốc, để từ đó khống chế một cách hữu hiệu vùng cương thổ quá rộng lớn. Châu Võ Vương sau khi bàn bạc với người em là Châu Công, quyết định phong anh em chú cháu trong vương thất, và phong các quý tộc cùng một họ, các thân thích (bà con họ ngoại), khác họ cũng như các nguyên lão trọng thần đến các địa phương xây dựng một số nước chư hầu, để thống trị một số khu vực mới chiếm được, đồng thời, làm rào giậu cho trung tâm thống trị của vương triều nhà Châu. Các nước chư hầu được phong, căn cứ theo bà con gần xa với vương thất nhà Châu mà phong đất rộng hay đất hẹp, cũng như chia thành tước vị và phục đẳng khác nhau. Tước là địa vị cao thấp, còn Phục là việc cống nạp nặng hay nhẹ. Việc Châu Vương phân đất phong thì Châu Vương gọi là "Kiến Quốc". Mỗi một nước chư hầu được phong thì Châu Vương phát cho họ một tờ văn cáo gọi là "Sách Mệnh", trong đó nói rõ ranh giới của vùng đất được phong, số dân trong khu vực của họ cai trị, số lượng đất đai cả vùng, và việc cấp cho họ bao nhiêu quan lại, nô bộc, nô lệ, lễ khí, binh khí, xe ngựa, cờ xí, v.v... để nêu rõ quyền lực thống trị và đẳng cấp quyền lực của nước chư hầu được phong. Các nước chư hầu này phải có nhiệm vụ bảo vệ, cống nạp, triều bái đối với vương thất nhà Châu. Châu Vương đối với họ có quyền thưởng phạt và truất phế. Việc chia đất phong hầu đầu đời nhà Châu đã tăng cường cho mối liên hệ với các nước và các bộ lạc ở chung quanh, bước đầu hình thành được một cục diện thống nhất, về mặt khách quan đã xúc tiến được sự phát triển xã hội và kinh tế.
Việc chia đất phong hầu đầu đời nhà Châu đã củng cố khá hữu hiệu đối với việc thống trị của vương thất nhà Châu. Nhưng, nếu ngày nay lại làm theo cách đó, đem đất trên toàn quốc cắt ra chia cho các chư hầu thì Hạng Võ hoàn toàn không muốn. Ông cho rằng, lực lượng của ông ta tiêu diệt được nhà Tần, thiên hạ thuộc về ông, người khác tuy cũng có công lao lớn nhỏ khác nhau, nhưng nếu phong hầu, phong tước cho họ thì ông cảm thấy không muốn. Hạng Võ là một người như thế này: bình nhật đối với mọi người đều tỏ ra thân thiết và có lễ phép, nhưng sau khi chiến thắng thì không muốn kể công của người khác, giành được đất đai thì không muốn chia lợi ích cho người khác. Tính ích kỷ và hẹp hòi đó có lẽ cũng là một nhược điểm khiến ông không thể sử dụng tốt nhân tài, không thể quy tụ một lực lượng mạnh mẽ cho mình.
Nhưng, Hạng Võ cũng không thể không nhận thấy, khắp cả thiên hạ ngày nay, các chư hầu và tướng lãnh thật ra đều là những người chống Tần cách độc lập, và họ đã trở thành người thống trị thật sự trên mảnh đất của họ. Họ đều thừa nhận nhau là vương, mỗi người xưng bá một địa phương. Hạng Võ còn thiếu sức mạnh để thống nhất họ, vậy biện pháp duy nhất là phải thừa nhận những việc đã rồi, vì như vậy sẽ có lợi hơn việc các chư hầu đứng lên làm phản.
Hạng Võ còn nhận thấy việc "xóa bỏ chia đất phong hầu để thành lập quận huyện" là biện pháp thống nhất của Tần Thủy Hoàng. Dư luậ nói chung đều cho rằng chống Tần Thủy Hoàng là phải lật ngược tất cả những gì mà Tần Thủy Hoàng trước đây đã thực hiện, vậy nếu mình không chịu cắt đất phong hầu thì chẳng hóa ra mình đi ngược lại với nguyện vọng của các chư hầu hay sao? Hơn nữa, nếu làm như vậy thì sẽ bị mọi người cho rằng mình đi theo vết xe đổ của Tần Thủy Hoàng. Đó là điều Hạng Võ tối kỵ. Đối với Tần Thủy Hoàng, ông căm thù đến tận xương tủy, tự nhận mình là người số một trong hàng ngũ đứng lên chống Tần, vậy ông tuyệt đối không muốn đi theo con đường cũ của Tần Thủy Hoàng.
Suy nghĩ về vấn đề này như vậy, cuối cùng Hạng Võ cho rằng: cắt đất phong hầu là một phương sách tốt duy nhất. Thế là ông đứng ra chủ trì, dựa trên cương thổ cũ của sáu nước, ông ta chia thành mười tám vương quốc nhỏ.
Khi tiến hành phong hầu, điều làm cho Hạng Võ cảm thấy đau đầu nhất là Lưu Bang. Lưu Bang là người xua quân tiến vào Quan Trung trước tiên. Theo lời hứa hẹn của Sở Hoài Vương, ông ta phải được phong làm Quan Trung Vương. Nếu không để cho ông ta làm Quan Trung Vương, thì sẽ đi ngược lại với lời hứa hẹn trước, tức sẽ bị mất thanh danh. Nhưng, Hạng Võ lại không muốn để Lưu Bang làm Quan Trung Vương. Ông bèn đem vấn đề này vấn kế Phạm Tăng, được Phạm Tăng nói thẳng:
- Đại vương công cao hơn ai hết, vậy làm Quan Trung Vương không ai dám phản đối đâu!
Nhưng, Hạng Võ vẫn sợ thiên hạ cười chê, nên không dám tiếp nhận ý kiến đó. Phạm Tăng là người có nhiều mưu kế hay, bèn nghĩ ra một biện pháp khác: chia vùng đất Quan Trung ra thành ba khu vực, để phong vương cho ba chư hầu, đồng thời tuyên bố vùng Ba Thuc cũng thuộc về đất Quan Trung, phong cho Lưu Bang đến nơi đó làm Hán Vương. Như vậy, trên danh nghĩa vẫn thực hiện đúng nhừ lời giao kết của Sở Hoài Vương, Lưu Bang vẫn được xem là Quan Trung Vương, nhưng trên thực tế thì đó là đày ông ta đến một vùng đất hẻo lánh, giao thông bất tiện, trước đây chỉ dùng làm nơi lưu đầy tội phạm, để cho ông ta bị cô lập ở đấy, và cũng sẽ chết già ở đấy.
Nghe Phạm Tăng đưa ra ý kiến đó, Hạng Võ vỗ tay khen hay. Ông đắc ý nói:
- Vậy thì ta không phụ lời giao ước trước kia, mà vẫn có thể đày Bái Công vào một vùng đất cô độc. Kế của Á phụ thật hết sức hay!
Thế là Hạng Võ an trí được phần của Lưu Bang, phong ông ta làm Hán Vương.
Việc xử lý Sở Hoài Vương thì tương đối dễ hơn. Hạng Võ từ lâu đã không xem Sở Hoài Vương vào đâu, đồng thời, cho rằng ông ta là người không có đủ tư cách để làm vị chúa trong thiên hạ, vậy phong ông ta một chức vương là đủ lắm rồi. Thế là Hạng Võ liền nâng danh nghĩa của Sở Hoài Vương lên thành Nghĩa Đế, và buộc ông ta phải dời tới đất Sâm.
Riêng Hạng Võ thì quyết định mình sẽ cai trị chín quận của đất Sở cũ, gồm có: quận Nam Dương, quận Kiềm Trung, Đông quận, quận Tứ Thủy, quận Hội Kê, quận Đăng, quận Sở, quận Ký và Nam quận. Chín quận này của đất Sở cũ là do Hạng Võ đích thân bình định cho nên ông rất cả cảm tình. Ông còn nghĩ rằng sống trên vùng đất chính tay mình bình định, thì quân đội sẽ an tâm, bá tánh sẽ dễ quen. Các chư hầu cũng không thể chỉ trích là ông đã chiếm một vùng đất quá rộng, vì vùng đất này là do Hạng Võ xua quân bình định được, vậy người khác có lý do gì để nói này nói nọ!
Hơn nữa, vùng đất này lại rất phì nhiêu, có địa hình hiểm trở do núi sông tạo nên, cá, gạo rất dồi dào, đồng thời, cũng là một khu vực quân sự quan trọng, chắc chắn sẽ có sự phát triển tốt trong tương lai. Hạng Võ quyết định lấy Bành Thành làm kinh đô. Vùng đất cũ có tên Giang Lăng được gọi là Nam Sở, vùng đất Ngô cũ được gọi là Đông Sở, Bành Thành được gọi là Tây Sở, nên ông lấy hiệu là Tây Sở Bá Vương.
Nghi thức phong vương được cử hành tại ngoại ô Hàm Dương vào tháng 2 năm 206 Tr. CN. Hạng Võ triệu tập các chư hầu tướng lãnh đến tham gia. Việc cắt đất phong hầu mọi người đều không có ý kiến gì khác, vì đại đa số họ đều thỏa mãn đối với quyền lợi mà họ có được, cho nên, sau khi nghi thức kết thúc thì họ lần lượt rời khỏi Hàm Dương, đi đến kinh đô mới của mình.
Hạng Võ trước khi trở về Bành Thành, đã phái người đi báo cáo với Nghĩa Đế, mời ông ta dời về đất Sâm, nhường Bành Thành lại cho Hạng Võ. Sứ giả nói với Nghĩa Đế:
- Ngày xưa người xưng Đế đều có đất rộng nghìn dặm, và cư trú tại đầu nguồn của một con sông. Ngài nay đã xưng Đế, thì xin mời đến Sâm thành ở Giang Nam vậy!
Nghĩa Đế nghe xong lấy làm không vui. Ông ta nghĩ ngoài mặt phong ông ta làm Nghĩa Đế nhưng trên thực tế thì muốn biểm trích ông, dụng tâm của Hạng Võ quả là ác độc! Vì ông sợ uy quyền của Hạng Võ, nên không dám từ chối trước sứ giả, nhưng sắc mặt thì lộ vẻ không vui. Ông đã đem sự phẫn uất trong lòng mình nói cho các thủ hạ biết. Có người khuyên ông:
- Hạng Võ là người có uy thế to lớn, hơn nữa, lòng dạ lại hiểm độc, nếu không làm theo ý ông ta thì sẽ bị ông ta hạ độc thủ. Chi bằng hãy dời về Sâm thành rồi hãy tính kế lâu dài về sau.
Nghĩa Đế bất mãn, càu nhàu một lúc, rồi cũng phải làm theo mệnh lệnh của Hạng Võ. Quần thần và bọ tả hữu trông thấy Nghĩa Đế phải di dời, đại cuộc đã hỏng, bèn đua nhau phản bội bỏ đi.
Sứ giả đem chuyện Nghĩa Đế không muốn tiếp nhận phong hiệu nói lại cho Hạng Võ nghe, Hạng Võ đùng đùng nổi giận nghĩ bụng: "Nhà ngươi chỉ là một vương tôn đi chăn dê, có gì cao quý hơn người khác đâu. Trước đây sở dĩ nhà họ Hạng ta đưa nhà ngươi lên làm chúa chung, là muốn mượn danh nghĩa của nhà ngươi để hiệu triệu thiên hạ, nay bạo Tần đã bị tiêu diệt rồi, nhà ngươi đâu còn giá trị gì nữa. Nhà ngươi được tôn xưng làm Nghĩa Đế là một việc tốt lắm rồi. Nay nhà ngươi tỏ ra không biết thời vận, thì ta sẽ không còn nể mặt nhà ngươi nữa!" Tháng 10 năm sau, Hạng Võ gởi một đạo mật lệnh đến cho Cửu Giang vương Anh Bố, Hành Sơn vương Ngô Nhuế, Lâm Giang vương Cộng Ngao, bảo họ trên đường đi hãy giết chết Nghĩa Đế. Thế là Nghĩa Đế đã bị kết thúc cuộc đời khi đi trên một chiếc thuyền tại sông Trường Giang. Tất nhiên đó là chuyện về sau.
Hiện giờ chúng ta hãy trở lại thời điểm tháng 4 năm 206 Tr. CN. Lúc bấy giờ Hạng Võ đã cắt đất phong hầu xong, bèn dẫn đại quân rời khỏi Hàm Dương, một ngôi thành gần như bị san bằng, để trở về Bành Thành.
Trong đạo quân chiến thắng này, chủ lực là tám nghìn tử đệ binh của Hạng Võ lúc khởi nghĩa. Vì trở về quê hương, nên các binh sĩ đều hết sức vui vẻ, suốt đường đi họ ca hát nghêu ngao, nói cười không dứt. Họ tỏ ra hết sức vui mừng, kể lại chuyện lý thú ở quê hương, kể lại nếp sống của người địa phương, và luôn hát những khúc hát ngắn của vùng đất Sở cũ. Họ cũng giống như Hạng Võ, có tâm lý vui mừng được mặc áo gấm trở về làng. Họ sung sướng vì mình là người chiến thắng. Đã ba năm qua, họ luôn luôn sống trong cảnh chinh chiến, chịu không biết bao nhiêu gian khó, hôm nay chiến tranh đã kết thúc, cuộc khởi nghĩa chống Tần đã thắng lợi đúng như sự mong muốn từ lâu của họ, vậy họ không vui mừng sao được. Họ đang tưởng tượng cảnh đoàn tụ với người trong gia đình, có nhiều tướng sĩ còn nghĩ tới kế hoạch mai sau khi được trở về quê hương. Trong số họ không ít người đã lập được chiến công, đó là niềm kiêu hãnh của họ, cũng là vốn liếng chính trị của họ. Họ tin rằng các phụ lão ở quê hương sẽ nhiệt liệt hoan nghênh các dũng sĩ chống Tần nay lại trở về.
Quả đúng như dự định, nhân dân tại Bành Thành đã đứng hết ra đường để hoan nghênh họ. Bá tánh người mang thức ăn, người mang bầu rượu ra tận mặt đường để khoản đãi họ. Sau khi Hạng Võ tiến vào thành, liền xuống lện cho quân đội nghỉ ngơi, và cũng cho phép quân đội cùng vui chung với bá tánh. Suốt mấy hôm sau, cả Bành Thành bừng như hội. Trên đường phố, trên những bãi đất trống, đâu đâu cũng thấy nhân dân và binh sĩ cùng múa hát. Có người đi cà kheo, có người biểu diễn trống hoa, cũng có người đánh đàn cầm, đàn sắc, đánh đàn trúc du dương. Trống hoa là môn biểu diễn được người Bành Thành ưa thích. Người biểu diễn nếu là nam thì đeo trống trên cổ, còn nữ thì cầm quạt lụa cả hai cùng nhảy múa, cùng giậm chân theo nhịp để ca hát, điệu múa được diễn biến rất đa dạng, tiếng trống cũng theo đó diễn biến theo. Bành Thành còn có tập quán thượng võ, nên một số các võ sĩ giỏi võ đã ra bãi trống biểu diễn múa đao, múa côn, tranh nhau trổ tài, được những người vây chung quanh xem không ngớt la ó tán thưởng.
Mọi người đều cho rằng chiến tranh đã kết thúc, kể từ nay họ sẽ được sống trong những ngày thái bình ê ả. Nỗi cuồng nhiệt của họ khi tham gia biểu diễn, nếu bảo là để hoan nghênh Hạng Võ tiến vào thành, thì chi bằng bảo họ chúc mừng cho một hoàn cảnh yên ổn, không còn giặc giã nữa thì đúng hơn.
Tây Sở Bá Vương Hạng Võ lại càng thấy mình là người đã hoàn thành một chiến công lớn. Ông cho rằng từ nay về sau sẽ không còn chiến tranh nữa. Nhưng ông nào biết được chính ông đã gieo hạt giống chiến tranh, và những gì chờ đợi ông ở phía trước chính là những ngày chém giết kéo dài.