Chương 13 (A)
Tác giả: Thường Vạn Sinh
Cảnh trí tháng 3 của mùa xuân thật là hấp dẫn, nhưng Sở Bá Vương Hạng Võ lại không có lòng dạ nào để thưởng ngoạn cảnh đẹp mùa xuân, lắng nghe tiếng chim hót vui vẻ. Tâm trạng của ông hết sức não nề. Ông cảm thấy chán chường hối hận, giận dữ và đáng tiếc. Những cảm xúc đó như từng sợi dây thừng đang siết chặt quả tim đau nhói của ông. Ông ăn không ngon, ngủ không yên. Ông không dám nhắc tới hai tiếng Phạm Tăng nữa, nhưng hình ảnh của Phạm Tăng lại luôn luôn hiện rõ trong đầu óc, luôn luôn chập chờn trước mắt của ông. Ánh mắt đầy mưu lược, hàm râu bặc trắng bay phất phơ, cũng như vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ của Phạm Tăng, như đang trách móc ông, đang oán hận ông, và cũng đang chất vấn ông một cách giận dữ.
Lần đầu tiên Hạng Võ cảm thấy không thể tha thứ được cho chính mình. Trước đây, tại buổi tiệc Hồng môn, Phạm Tăng sai Hạng Trang múa kiếm muốn thừa cơ hội đó đâm chết Lưu Bang, nhưng Hạng Võ cảm thấy Phạm Tăng quá nông nổi, hơn nữa việc tìm cách giết người ta giữa bàn tiệc là việc không hợp nghĩa khí. Người đại trượng phu nên đọ sức cao thấp với nhau ngoài chiến trường, chứ không nên dùng mưu kế để hãm hại người ta. Sau việc đó, cho dù Phạm Tăng thường trách móc ông là không nên cho Lưu Bang chạy vuột, nhưng Hạng Võ không cho đó là mình đã phạm phải một sai lầm gì lớn lao. Nhưng lần này thì lại khác, Phạm Tăng đã bị Lưu Bang ám hại, còn chính mình lại là người đã lọt vào tròng của Lưu Bang. Đối với một lão thần luôn luôn trung thành mà mình lại có lòng nghi kỵ, khiến cho ông ta ôm hận rời đi và bị bệnh chết dọc đường. Từ đó trong quân Sở đã mất đi một mưu sĩ quan trọng, và cũng mang đến cho Hạng Võ một sự hối hận sâu sắc. Nhưng, ông dù có hối hận, có tự trách cũng không còn kịp nữa. Tại sao ông lại vô cớ hoài nghi Phạm Tăng? Rõ ràng mình là người chỉ biết ban ân và tin theo một số người nào đso mà thôi! Sự oán hận và sự tự trách của Hạng Võ cuối cùng đã biến thành sự cay cú cực độ đối với địch thủ của mình là Lưu Bang. Ông thề phải lấy máu của Lưu Bang và quân Hán để bù đắp lại những lỗi lầm của mình, dùng việc đánh chiếm thành Huỳnh Dương để an ủi linh hồn của Phạm Tăng. Ông thầm nguyện trong lòng: "Hỡi Á Phụ! Hạng Võ này thật có lỗi với Á Phụ. Chính Hạng Võ này đã hại Á Phụ. Vậy nay tôi cần phải làm theo những lời khuyên của người, mở cuộc tấn công vào thành Huỳnh Dương một cách khẩn cấp. Nếu không đánh bại được quân Hán, tôi thề sẽ không làm người!"
Sau đó, Hạng Võ liền triệu tập các tướng lãnh Chung Ly Muội, Long Thả, Châu Ân, Hạng Trang, Hạng Bá, Chung Công, Hạng Thanh để bàn việc quân sự. Trước tiên, Hạng Võ với tâm trạng của một người có lỗi, nhắc tới cái chết của Phạm Tăng, rồi sau đó mới thành khẩn tự kiểm điểm những sai lầm của mình. Ông nói với các tướng:
- Trong khi Á Phụ còn sống, lúc nào cũng căm ghét những kẻ ác, hiến nhiều kế hay, lúc nào cũng không quên đánh bại quân Hán, nhiều lần khuyên tôi không nên dung dưỡng cho kẻ gian, và lại trách tôi là người thiếu kiên nhẫn, dễ nghe theo lời đồn đại, bỏ lỡ cơ hội tốt trời cho, và tôi đã làm cho một vị lão thần trung trực phải ôm hận mà chết. Tôi không thể tha thứ cho tôi, càng không thể tha thứ cho quân Hán! Vậy xin các tướng lãnh hãy trở về tập hợp ngay đội ngũ, để cùng tôi đánh chiếm Huỳnh Dương bắt sống Hán Vương!
Đối với quyết định trên của Hạng Võ, các tướng đều khen là hay. Vì họ bao vây lâu ngày dưới chân thành Huỳnh Dương, ai ai cũng sốt ruột, chỉ muốn đánh một trận chết sống với quân Hán, để sớm trở về Bành Thành. Chung Ly Muội nghe qua những lời nói của Hạng Võ, trong lòng không khỏi tự áy náy. Vì trước đó Trần Bình đã dùng một số lượng vàng lớn để mua chuộc gián điệp, tiến hành phao tin gây hoang mang đối với các tướng Sở. Cho nên Chung Ly Muội từng có lòng oán hận Hạng Võ, thậm chí muốn bỏ Sở quy Hán. Nhưng giờ đây khi nhớ lại, ông ta mới thấy mình trách lầm Hạng Võ, vậy là một tướng lãnh của quân Sở, ông phải trung thành góp công với Hạng Vương mới là phải lẻ.
Nhưng, Châu Ân thì không nghĩ như vậy. Ông không tin Hạng Võ thực sự thay đổi tính nghi ngờ của mình, chân thành tín nhiệm bộ hạ. Sự tuyên truyền từ gián điệp của quân Hán, đã gieo cho ông một ấn tượng quá sâu, cho nên ông không có cách nào xoá bỏ đi những thành kiến đối với Hạng Võ. Cho nên đứng trước những lời lẽ động viên hăng hái, sôi nổi, trước khi mở trận đánh, ông vẫn không nghe lọt vào tai, càng không hề cảm động. Ông chỉ ôm ấp một thái độ duy nhất, đó là sự hướng về Lưu Bang đang tiềm tàng trong tâm khảm của ông, mà chính ông cũng không làm sao giải thích được.
Sau khi Hạng Võ động viên các tướng xong, bèn bố trí việc tấn công thành Huỳnh Dương. Ông chia quân ra thành ba đội ngũ riêng biệt. Đội ngũ thứ nhất là bộ binh, chịu trách nhiệm vận dụng thang cao gọi là Vân Thê, máy bắn đá để tấn công thành; đội thứ hai và đội thứ ba là kỵ binh, sẵn sàng chờ khi chiếm được thì chia thành hai đợt xông vào bên trong chiến đấu. Các tướng chia nhau chỉ huy ba đội quân riêng biệt nói trên, còn Hạng Võ đi trước các binh sĩ để trực tiếp chỉ huy đội quân thứ nhất mở cuộc tấn công vào thành. Vì đội quân thứ nhất là đội quân chủ yếu trong cuộc chiến đấu, họ phải mở cho được đột phát khẩu mới mong đạt được thành công. Vì quân Hán dựa vào thành trì kiên cố để phòng thủ, chỉ khi nào mở được đột phá khẩu, thì kỵ binh mới có thể phát huy tác dụng.
Ngày hôm đó, trời quang mây tạnh, Hạng Võ cưỡi trên lưng con ngựa Ô Truy, dẫn quân Sở mở cuộc tấn công vào thành> Ông truyền lệnh cho các đội binh phải kiểm tra lại vũ khí, cũng như trang bị, rồi dẫn đội quân thứ nhất mở cuộc tấn công mãnh liệt vào thành Huỳnh Dương. Đội quân thứ hai và thứ ba cũng bám sát theo sau. Hạng Võ vừa kêu gọi binh sĩ vừa lấy bản thân làm mẫu mực, cho nên quân Sở ai ai cũng hăng hái và hết lòng chiến đấu, tranh nhau xung phong. Họ chẳng kể chi những trận mưa tên, những khúc gỗ và những tảng đá từ trên đầu thành tuôn xuống. Riêng đội kỵ binh ở phía sau thì giương cung bắn lên đầu thành để trấn áp quân Hán, yểm trợ cho bộ binh tiếp tục tấn công. Đôi bên ác chiến kéo dài được nửa ngày, trong khí thế tấn công của quân Sở mỗi lúc mỗi mạnh, còn quân Hán ở đầu thành thì có vẻ chống trả mỗi lúc một yếu, tình hình vô cùng nguy cấp, thì tướng chịu trách nhiệm giữ thành của quân Hán là Kỷ Tín thấy vậy, tỏ ra hết sức lo lắng. Ông ra lệnh cho quân thủ thành dốc hết sức mình ra chiến đấu với quân Sở, tuyệt đốii không được để cho quân Sở áp sát chân thành, đồng thời, dẫn một tên lính cùng đi báo cáo với Lưu Bang.
Lưu Bang luôn luôn tọa trấn trong thành để chỉ huy, cứ nửa tiếng đồng hồ thì có binh sĩ tới báo cáo tình hình một lần. Sau khi ông được biết sức tấn công của Hạng Võ rất mãnh liệt thì trong lòng nôn nóng như bị lửa đốt. Vừa thấy mặt Kỷ Tín tới nơi, ông vội vàng lên tiếng hỏi:
- Kỷ tướng quân, trên thành ra sao?
Kỷ Tín lắc đầu, đáp:
- Tình hình rất khẩn cấp, tôi xem thành Huỳnh Dương có thể bị hạ trong vòng đêm nay, vì binh sĩ rất khó cố thủ.
Lưu Bang nghe xong không khỏi giật mình, đôi mày cau chặt, chấp tay ra sau lưng đi tới đi lui có vẻ rất băn khoăn. Ông nói lẩm bẩm:
- Nếu thế thì biết phải làm sao? Phải làm sao mới được...
Kỷ Tín im lặng không nói gì, đứng trơ trơ một lúc thật lâu mới nói với Lưu Bang:
- Thần có một kế, có thể giúp cho Đại Vương vượt qua vòng nguy hiểm.
- Kế gì? Nói mau lên!
Kỷ Tín đáp:
- Hiện giờ thế tấn công của quân Sở rất mạnh, quâ ta chắc chắn khó chống trả, vậy chỉ còn cách là bề ngoài vẫn giữ thế phòng ngự như cũ, nhưng bên trong thì phải rút lui. Mạt tướng có thể thay thế cho Đại Vương ra mặt để đánh lừa Tây Sở, vậy xin Đại Vương nên thừa lúc rối loạn thoát ra khỏi thành để tìm cách đối phó sau.
Tiếp đó Kỷ Tín lại nói rõ dự định của mình cho Lưu Bang nghe.
Lưu Bang lắng nghe một lúc thì đôi mắt trợn tròn xoe, bước lùi ra sau một bước, nói:
- Kỷ tướng quân, tôi làm sao có thể để cho tướng quân thay toio làm việc mạo hiểm đó? Vạn nhất xảy ra điều gì bất trắc thì tôi làm sao an tâm được?
Kỷ Tín quỳ hai đầu gối trước mặt Lưu Bang nói:
- Mạt tướng kể từ ngày theo Đại Vương cho tới nay, lúc nào cũng được Đại Vương đối xử tốt, cho nên từ lâu tôi muốn tìm dịp để áo đáp ân đức của Đại Vương, và ngày hôm nay chính là cơ hội tốt cho tôi. Tín tôi nguyên là một tên võ phu thảo mãng, chết cũng không đáng tiếc, còn Đại Vương là người hiền quân minh chúa, sau này giành được thiên hạ không ai khác hơn. Đại Vương, chờ khi Đại Vương hoàn thành được sự nghiệp lớn mà vẫn còn nhớ đến mạt tướng, thì mạt tướng cũng được an ủi rồi.
Lưu Bang hết sức cảm động, vội vàng đỡ Kỷ Tín đứng lên, nói:
- Kỷ tướng quân luôn luôn trung thành với tôi, thực lòng tôi vô cùng cảm tạ. Trước đây trong buổi tiệc Hồng môn chính nhờ tướng quân Phàn Khoái, Hạ Hầu Anh, Cận Cường đã bảo vệ tôi thoát ra khỏi miệng cọp, từ chân núi Ly Sơn trở về đến doanh trại được an toàn. Ngày nay, tướng quân lại vì tôi mà phải xông vào cảnh hiểm nguy, thật tôi không biết lấy gì để cảm tạ tướng quân. Vậy mong tướng quân hãy thận trọng trong mọi việc.
Kỷ Tín đáp:
- Đại Vương không cần phải nói nhiều nữa, thời gian quá khẩn cấp rồi, vậy hãy mau chuẩn bị để thực hiện theo kế hoạch!
Lưu Bang bằng lòng. Ông lại cho gọi Trần Bình, Châu Hà, Tùng Công, Ngụy Báo đến để sắp xếp mọi việc, tiến hành đúng theo kế hoạch đã định.
Hôm đó, trời không có trăng mà cũng không có sao, cả bầu trời tối âm u. Đến giữa khuya thì cửa phía đông của thành Huỳnh Dương bỗng mở toang, và từ trong thành kéo ra một đội binh sĩ mặc áo giáp. Quân Sở đang bao vây thấy thế vội vàng gióng trống ầm ĩ, tức thì quân Sở ở khắp bốn bên liền kéo tới cửa thành phía đông. Họ đã tấn công suốt một ngày qua, giờ đây đang thấm mệt, bỗng thấy quân Hán tự nhiên mở cửa thành nên rất vui mừng, đua nhau kéo tới bao vây toán quân Hán vừa mới kéo ra, chuẩn bị tiêu diệt toàn bộ và xông vào trong thành. Nhưng, khi họ kéo tới gần thì thấy toán quân đó hoàn toàn không có vũ khí, không phải là một đạo quân sẵn sàng tác chiến. Giữa lúc họ còn ngờ vực, thì từ bên phía tay phải lại có một cỗ xe "huỳnh ốc", là chiếc xe đặc biệt của Hán Vương Lưu Bang thường dùng hằng ngày. Cỗ xe đó được dùng lụa vàng làm mui, phía tay trai cắm nhiều cờ biểu trưng cho một quốc vương, còn ở phía sau xe có người la to:
- Quân Hán đã cạn lương thảo, Hán Vương mở cửa thành ra đầu hàng!
Hán Vương đầu hàng ư? Tướng sĩ của quân Sở đều hết sức ngạc nhiên và vui mừng, lúc ban đầu họ không dám tin là sự thật, nhưng khi họ nghe kỹ thì rõ ràng có tiếng la như thế. Nhất là khi họ nhìn kỹ cỗ xe, thì không phải đó chính là cỗ xe của Hán Vương hay sao? Sau giây phút im lặng, tiếng hoan hô như sấm lại nổi lên:
- Quân Hán đầu hàng rồi! Chúng ta thắng lợi rồi! Vạn tuế!
Đi đôi với những tiếng la như sấm động đó, là những tiếng bàn luận ồn ào. Họ vỗ tay, nhảy nhót để đón mừng sự thắng lợi. Có người cho rằng họ luôn luôn mong mỏi có ngày hôm nay. Vậy từ đây không còn chiến tranh nữa, có thể kéo quân thắng lợi trở về phía đông. Cũng có người bàn tán về vấn đều luận công ban thưởng, tự đánh giá mình, cũng như đánh giá người khsc sẽ được ban thưởng ra sao. Một số tướng lãnh, hiệu úy còn hy vọng sẽ được thăng chức. Tóm lại, họ đều có chung một cảm tưởng: thành Huỳnh Dương đã bị chiếm, Hán Vương đã đầu hàng. Tin mừng đó đến quá đột ngột, nhưng không ai hoài nghi tính chân thật của nó cả.
Hạng Võ xuống ngựa, đi đến gần đội ngũ của quân Hán và cỗ xe huỳnh ốc. Lúc bấy giờ đã có mấy tên binh sĩ của quân Sở thắp đuốc sáng lên và hướng về cỗ xe nói lớn:
- Sở vương đã tới để tiếp nhận sự đầu hàng, vậy xin mời Hán Vương mau bước xuống xe!
Tất cả những ánh mắt của hàng vạn quân Sở đều tập trung về phía cỗ xe huỳnh ốc, chăm chú nhìn vào bức màn trước cỗ xe đang được ánh đuốc soi sáng. Tất cả họ đều chờ đợi phút thắng lợi sắp diễn ra.
Bức màn trước cỗ xe huỳnh ốc được vén lên, và từ trong xe thong thả bước xuống một người, nhưng người đó không phải là Lưu Bang, mà là Kỷ Tín. Hạng Võ không khỏi ngạc nhiên, còn các tướng sĩ của quân Sở thì đều ngẩn ngơ. Bao nhiêu cặp mắt của họ đều đổ dồn vào khuôn mặt của Kỷ Tín, Hạng Võ ngạc nhiên hỏi:
- Còn Hán Vương ở đâu?
Kỷ Tín ung dung đáp:
- Hán Vương đã từ một cửa thành khác ra đi rồi, giờ đây có lẽ đã đi xa!
Hạng Võ hết sức tức giận, toàn thân run rẩy. Ông ta lại nhìn kỹ đội quân mặc áo giáp từ trong thành kéo ra đầu hàng, mới thấy đó toàn là phụ nữ! Tất cả họ đều sợ sệt cúi gằm đầu, tấm thân yếu đuối của họ chừng như không thể chịu đựng nổi sức nặng của khôi giáp đang mặc trên mình. Có người còn để lộ mớ tóc dài từ trong chiếc mũ đội đầu ra. Hạng Võ quát to:
- Không xong! Chúng ta đã bị lừa rồi!
Ông liền ra lệnh cho tướng Long Thả canh giữ Kỷ Tín và số phụ nữa kia, còn chính ông ta và các tướng Chung Ly Muội, Hạng Trang, Hạng Bá thì chia nhau đi tới các cửa thành khác để tổ chức ngăn chặn. Nhưng hành động của họ đã quá muộn, Lưu Bang đã dần mấy chục kỵ sĩ từ cửa thành phía tây bỏ chạy từ lúc nào, và cũng không biết đi về hướng nào, không còn mong chi đuổi theo kịp. Hạng Võ hết sức hối hận, vì mình quá sơ suất nên để Lưu Bang trốn thoát. Ông ta đã trút hết sự giận dữ lên đầu Kỷ Tín, nghiến răng quát to:
- Bớ tên giặc Kỷ Tín, ta sẽ cho nhà ngươi tan xương nát thịt!
Ngoài cửa phía đông cửa thành Huỳnh Dương, Kỷ Tín đang bị trói chặt giữa đống củi khô. Khắp thân mình của ông đều là thương tích, hai chân đã bị chặt, lỗ tai, lỗ mũi đều bị cắt bỏ hết, gương mặt be bét máu tươi. Hạng Võ gằn giọng ra lệnh:
- Châm lửa!
Mấy tên binh sử dùng những bó đuốc đang cầm trên tay đốt cháy củi khô, ngọn lửa liền bùng lên, sáng rực cả bầu trời. Tiếng nổ lách tách của củi khô hòa lẫn với tiếng la thảm khốc của Kỷ Tín khiến cho cảnh tượng đêm khuya của thành Huỳnh Dương càng thêm rùng rợn. Không mấy chốc tiếng la thảm thiết đã im bặt, và ngọn lử cũng đã tan dần. Trong bầu không khí vắng lặng chỉ còn lại một đống tro tàn đang bốc khói.
Ba nghìn phụ nữ cải trang thành quân Hán, một phần lớn là các cô gái ở trong thành được tập trung, còn một số kia là thị nữ. Đó là ý kiến của Trần Bình giúp cho Lưu Bang, có mục đích dùng họ để che mắt cho quân Hán rút lui. Hạng Võ vốn có ý định giết chết ba nghìn phụ nữ đó, nhưng do có một số bộ tướng lãnh khuyên ngăn, nên Hạng Võ thấy được họ chỉ là những người dân thường vô tội và ra lệnh cho họ giải tán. Những người phụ nữ đang khóc lóc này, khi nghe được lệnh cho họ giải tán ra về, thì tất cả đều quỳ xuống đất tung hô vạn tuế. Sau đó, họ cởi bỏ áo giáp đang mặc trên mình, rồi mạnh ai nấy trở về nhà của mình.
Trong thành Huỳnh Dương còn Sử đại phu Châu Hà, Ngụy Báo, Tùng Công ở lại giữ thành, ngoài ra, còn một số binh sĩ không đủ thời giờ kịp chạy theo Lưu Bang. Trong khi Kỷ Tín ra cửa thành phía đông để trá hàng, thì Lưu Bang đã từ cửa thành phía tây bỏ trốn. Xong, họ liền đóng cửa thành trở lại, lo việc phòng thủ một cách nghiêm ngặt. Hạng Võ biết Lưu Bang không còn ở trong thành, nên cảm thấy cuộc tấn công Huỳnh Dương không còn ý nghĩa gì nữa, bèn ra lệnh cho toàn thể quân đội chuẩn bị để truy đuổi theo Lưu Bang.
Mấy tướng Hán ở lại giữ thành như Châu Hà và Tùng Công đều tỏ ra khinh bỉ Ngụy Vương Báo vừa mới đầu hàng quân Hán, cho rằng ông ta là một ông vua phản quốc, chắc chắn không thật lòng ở lại giữ thành với quân Hán, cho nên họ đã giết chết Ngụy Vương Báo, để đề phòng có thể xảy ra những biến cố bất lợi cho họ.
Đến đây thì cuộc chiến đấu tại thành Huỳnh Dương xem nhwu đã kết thúc một giai đoạn. Cuộc chiến đấu giữa quân Sở và Hán bắt đầu chuyển sang Thành Cao. Tướng Hán là Kỷ Tín trong giờ phút nguy cấp đã tình nguyện chết thay cho Lưu Bang, là điều chứng minh uy tín và sức hấp dẫn của Lưu Bang đối với các tướng lãnh dưới tay mình. Tất cả những điều đó sở dĩ có được, chính là nhờ ở hùng tài đại lược của Lưu Bang cũng như thái độ cư xử khoan dung đại lượng, biết sử dụng nhân tài của Lưu Bang mà ra, nhờ vậy, dưới cờ của ông mới có những mãnh tướng, những mưu thần đông đảo. Về mặt này Hạng Võ không thể nào sánh kịp Lưu Bang. Bên cạnh Hạng Võ, những người sẵn sàng liều chết như Kỷ Tín thật ra không nhiều, đó chính là nguyên nhân quan trọng khiến ông không thể hình thành được một quần thể tướng lãnh kiên cường được.