watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tây Sở Bá Vương Hạng Võ-Chương 9 (B) - tác giả Thường Vạn Sinh Thường Vạn Sinh

Thường Vạn Sinh

Chương 9 (B)

Tác giả: Thường Vạn Sinh

Trong những ngày gần đây, Lưu Bang cảm thấy trong lòng luôn không an tâm. Ông ta vốn có ý định chặn đại quân của Hạng Võ bên ngoài Hàm Cốc Quan để mình chiếm trọn vùng Quan Trung, nhưng Hạng Võ đã xua quân tấn công, rồi tiến thẳng vào, đóng quân tại Hồng môn. Ông biết tính tình của Hạng Võ cứng rắn ngoan cường, ghét kẻ xấu như ghét kẻ thù, nếu chọc ông ta tức giận, dẫn đại quân tràn tới tấn công thì làm thế nào đối phó? Ông ta vì nôn nóng muốn biết động hướng của Hạng Võ, nên đã khổ tâm suy nghĩ một phương sách để đối phó.
Giữa lúc ông ta thấy trong lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên thì Trương Lương bước vào. Trương Lương đem chuyện Hạng Bá đến Bá Thượng báo cáo với Lưu Bang. Lưu Bang nghe qua, người lạnh toát mồ hôi. Hạng Võ đúng như dự kiến, sẽ thực sự ra tay đánh nhau. Ông vội vàng hỏi Trương Lương:
- Chuyện đó có thực không?
Trương Lương không trả lời thẳng câu hỏi, mà hỏi ngược lại:
- Việc cử binh đóng giữ Hàm Cốc Quan, là ý định của ai vậy?
Lưu Bang đáp:
- Của Tưu Sinh. Ông ta nói với tôi Hàm Cốc Quan là một cửa ải hiểm yếu, nếu giữ Hàm Cốc Quan không cho chư hầu tiến vào bên trong, thì đất Tần sẽ thuộc về một mình tôi. Việc xưng vương ở Quan Trung là việc dễ dàng như việc lấy đồ trong túi, tôi cho rằng lời nói của ông ta rất chí lý, nên đã nghe theo.
Trương Lương lắc đầu cười, nói:
- Chính Bái Công đã sai lầm ở chỗ đó. Tôi luôn luôn cho rằng Bái Công là người sáng suốt, rộng lượng, có nhiều mưu lược cao kỳ nhưng không ngờ lại làm một chuyện hồ đồ như vậy? Xin Bái Công hãy suy nghĩ, ta chỉ có mười vạn binh mã, còn Hạng Võ thì nhiều gấp bốn lần ta, hơn nữa, họ là một đạo quân tướng giỏi binh mạnh, lại mới vừa đại thắng, nhuệ khí không ai chặn đứng được. Hàm Cốc Quan tuy là nơi có địa hìh hiểm yếu, nhưng làm sao ngăn chặn được quân của Hạng Võ? Bái Công không nghĩ tới hậu quả của chuyện làm đó sao?
Lưu Bang cúi đầu im lặng không trả lời, một lúc lâu sau mới nói:
- Chuyện đã thế rồi, vậy tướng quân có cách đối phó nào tốt không?
Trương Lương suy nghĩ một lát, nói:
- Thần hiện nay chỉ có một biện pháp, đó là mời Bái Công ra mặt, tự nhờ Hạng Bá nài nỉ với Hạng Võ, để xin ông ta đừng mở cuộc tấn công, nói rõ là Bái Công hoàn toàn không có ý muốn làm Quan Trung Vương, nếu Hạng Võ muốn thì ngài sẵn sàng dâng hai tay để nhường. Lưu Bang trong lòng không muốn như thế: vì việc xua quân tiến vè phía tây, suốt trên đường từng chiến đấu đoạt ải cướp thành, không phải là vì địa vị Quan Trung Vương đó sao? Nay lại phải nhường cho Hạng Võ thật là điều không nỡ tí nào. Nhưng suy nghĩ lại, phàm việc gì cũng phải nghĩ tới kế hoạch lâu dài, nay nói về binh lực thì rất khó giao phong với Hạng Võ, vậy nên lùi một bước trước, để tránh sức mạnh áp đảo của đối phương, rồi từ từ mưu đồ việc sau cũng không có chi gọi là bất lợi.
Sau khi suy nghĩ như thế, Lưu Bang quyết định làm theo ý Trương Lương, nhưng ông lo ngại Hạng Bá phải chăng có thể thuyết phục được Hạng Võ. Trương Lương thấy được tâm trạng đó bèn nói:
- Về Hạng Bá, Bái Công xin cứ an tâm. Ông ta là chú ruột của Hạng Võ, trong khi Hạng Võ lại là người rất tôn kính trưởng bối của mình, có nhân, có hiếu nổi tiếng. Trước đây khi Hạng Lương còn sống, Hạng Võ bao giờ cũng nghe theo ý kiến của Hạng Lương, không hề cãi lại. Nay Hạng Lương đã chết, Hạng Bá trở thành người trưởng bối duy nhất của Hạng Võ. Giữa thần và Hạng Bá có ơn cứu mạng, trước kia Hạng Bá giết người phải trốn đến Hạ Phi, được thần tìm cách cứu giúp, nên ông ấy phải hết sức cố gắng giúp mình.
Sau khi nghe Trương Lương nói như thế, Lưu Bang mới an tâm, bèn hỏi giữa Trương Lương và Hạng Bá ai lớn tuổi hơn. Trương Lương cho biết Hạng Bá lớn hơn mình mấy tuổi, thế là Lưu Bang bảo Trương Lương đi mời Hạng Bá đến và dùng cái lễ đối với người huynh trưởng để đối đãi với ông.
Hạng Bá được Trương Lương hướng dẫn tới trước mặt Lưu Bang. Lưu Bang hoàn toàn thay đổi tác phong ngạo mạn bình thường, tỏ ra hết sức nhiệt tình, tha thiết gọi Hạng Bá là huynh trưởng, và ra lệnh cho người hầu bày tiệc rượu, mời Hạng Bá ngồi vào ghế thượng khách. Ông không nói ngay vấn đề nhờ Hạng Bá đi nài nỉ Hạng Võ, mà chỉ nhắc lại một số câu chuyện khi khởi binh chống Tần. Ông nói, lúc ban đầu binh lực của ông rất ít, may mắn nhờ Hạng Lương cho mượn binh nên mới có được ngày hôm nay. Đối với đại ân đại đức của họ Hạng, dù cho tới già ông cũng không quên. Tiếp đó, ông lại nói tuy lần đầu tiên gặp được Hạng Bá, nhưng đối với Hạng Bá ông đã ngưỡng mộ từ lâu, vì Trương Lương đã nhiều lần nói tới tinh thần nghĩa hiệp và lòng tốt sẵn sàng giúp người của Hạng Bá cho ông nghe, riêng tình bạn giữa Hạng Bá và Trương Lương ông cũng được biết rất nhiều. Ông một mặt nhắc lại chuyện cũ tình xưa, liên tiếp dâng rượu mời Hạng Bá và hứa sẽ gả con gái cho con trai của Hạng Bá. Hạng Bá bị những lời vuốt ve của Lưu Bang nên sắc mặt lúc nào cũng tươi vui, bất giác đã uống nhiều rượu mà không hay.
Lưu Bang thấy Hạng Bá đã say ngà ngà, mới đi thẳng vào vấn đề chính. Ông làm ra vẻ chân thành, lại biểu lộ thái độ như người bị hiểu lầm, nói:
- Tại hạ kể từ ngày nhận được lệnh của Sở Hoài Vương, dẫn binh tiến về phía tây, đã trải qua trăm ngàn gian nguy, nhất là may mắn được sự hỗ trợ của Hạng tướng quân, nên đã vào được Quan Trung trước. Sau khi vào Quan Trung, tại hạ đã tiến hành lập bộ số của các quan viên cũng như của dân chúng ở tại đây, hơn nữa, đã niêm phong tất cả phủ khố của nhà Tần, giữ gìn kỹ lưỡng, không hề động tới tí nào, cung kính chờ đợi Hạng tướng quân tới để tiếp thu. Còn việc tại hạ phái một số ít tướng sĩ đóng giữ Hàm Cốc Quan, là nhằm đề phòng bọn giặc cướp lẻn vào và cũng nhằm bảo đảm không xảy ra những biến cố gì khác. Riêng đối với Hạng tướng quân thì tôi luôn luôn kính phục, đó là lời nói thật có trời làm chứng, tôi giữ gìn ở đây, ngày đêm trông chờ Hạng tướng quân đến để giao lại vùng Quan Trung cho Hạng tướng quân tiếp quản. Tôi nguyên là thuộc tướng của Hạng tướng quân, vậy làm sao dám phản bội? Mong Bá huynh nói lại giùm với Hạng tướng quân, để ông ấy thấy được nỗi khổ tâm của Lưu Bang này, cũng như lòng chân thành này không bao giờ làm trái với những ân đức xưa. Việc này tôi hoàn toàn nhờ cậy Bá huynh giúp đỡ.
Lưu Bang cố tỏ ra chân thành khi nói những lời trên. Đặc biệt lúc nói tới những vấn đề cảm động, đôi mắt ông cũng đỏ hoe. Hạng Bá cảm động nói:
- Đệ đừng lo, chuyện này tôi sẽ giúp đỡ!
Trước khi ra về Hạng Bá lại dặn dò Lưu Bang sáng sớm ngày mai phải đến Hồng môn để đích thân tạ tội với Hạng Võ. Lưu Bang gật đầu liên tiếp.
Một tiệc rượu của Lưu Bang đã làm cho Hạng Bá say sưa ngây ngất và biến ông ta trở thành người điều đình cho trận đại chiến sắp xảy ra, bằng lòng giúp đỡ cho Lưu Bang người "anh em" vừa mới kết giao, và hoàn toàn quên mất sự nghiệp của người cháu mình là Hạng Võ. Hạng Võ muốn dùng gươm và vũ lực để giải quyết chuyện rắc rối đầu tiên giữa ông với Lưu Bang, còn Lưu Bang thì lại dùng rượu, dùng mưu kế để tranh thủ cho mình một thuyết khách đắc lực. Cuộc đọ sức giữa rượu và gươm đã diễn ra giữa đêm khuya tăm tối.
Ngay trong đêm hôm đó, Hạng Bá đã trở về tới nơi đóng quân, liền vội vàng đi gặp Hạng Võ, đem lời nói của Lưu Bang truyền đạt và giải thích một cách tường tận với Hạng Võ. Ông lấy tư cách là người trưởng bối nói với Hạng Võ:
- Sống trong đời việc xử thế phải lấy chữ nghĩa làm đầu, phải đặt chữ tín lên trên. Binh lực của Bái Công có hạng, thế mà lại gánh vác trọng trách tiến quân về phía tây, trên đường đã đánh nhau với quân Tần không biết bao nhiêu trận, có thể nói là vào sinh ra tử. Nếu không phải Bái Công đánh tan quân Tần ở Quan Trung trước, thì tướng quân làm sao có thể tiến quân một cách thuận lợi vào Quan Trung? Hiện nay Bái Công đã đánh bại quân Tần để tiến vào Quan Trung, lập được đại công, thế mà chúng ta lại phát binh đánh ông ấy thì đâu phải là một hành động biết trọng chữ nghĩa, khó được người trong thiên hạ ủng hộ. Tôi xem Bái Công biết lễ nghĩa khiêm nhường, tánh tình nhân hậu khoan dung. Ông ta vốn có thể dựa vào lời hứa hẹn của Sở Hoài Vương xưng vương tại Quan Trung nhưng ông ta lại niêm phong phủ khố, bảo vệ tất cả tài sản quý báu, để nguyên ngôi vị Quan Trung Vương chờ tướng quân đến nhận. Một người như thế làm sao dễ tìm? Theo ý tôi, chúng ta nên cư xử tốt với Bái Công, biến can qua thành gấm vóc.
Hạng Võ mặc dù có tính kiên quyết, và dũng cảm, nhưng xử sự lại thường tỏ ra yếu mềm, thiếu quả đoán, dễ bị người khác làm cho thay đổi ý định. Hạng Bá là chú ruột của ông, cho nên nghe qua lời nói rất chí lý đó ông không khỏi cảm thấy mình quyết định phát binh là điều quá vội vàng. Ông hứa hẹn sẽ làm theo lời của Hạng Bá, đối đãi tốt với Lưu Bang. Hạng Bá sau khi hoàn thành được sứ mệnh của mình, cảm thấy trong lòng hết sức nhẹ nhàng. Đêm đó, qua niềm vui được Lưu Bang đãi rượu, ông ta đã ngủ được một giấc ngon lành.
Lại một buổi sáng sớm đã tới, ánh bình minh chiếu rọi một màu hồng rực rỡ lên những cây thông mọc trên đồi và cũng chiếu rọi khắp cả mặt đất một ánh vàng kim lóng lánh. Giữa ánh nắng sớm, một đội kỵ binh chừng hơn một trăm người đang chạy bay tới vùng Hồng môn. Đó là Lưu Bang và các tùy tùng của ông ta. Ông ta làm theo lời dặn dò của Hạng Bá, đến đây để tạ tội với Hạng Võ. Sau khi tiến vào cổng doanh trại, Lưu Bang đã thấy một bầu không khí đại chiến sắp sửa diễn ra. Ông nhìn thấy những con chiến mã đứng trong tàu ngựa đã ăn cỏ no nê, đã được bắt kế và lắp yên, còn các binh sĩ ai nấy đều nai nịt sẵn sàng, hỏa đầu quân đang bận rộn nấu cơm, làm thức ăn, các doanh trại đều thấy khói bốc lên nghi ngút, trong không khí cũng ngửi thấy được mùi cơm canh. Lưu Bang thầm vui mừng: cũng may là ta đến sớm, nếu không thì quân đội của Hạng Võ dùng cơm xong chắc chắn sẽ lên đường mở cuộc chinh phạt, đến chừng đó thì hậu quả thật khó lường.
Lưu Bang và các tùy viên đứng ở bên ngoài giây lát để chờ binh sĩ vào trong bẩm báo lại với Hạng Võ, rồi mới được đi vào. Gặp Hạng Võ, Lưu Bang đã cố trấn tĩnh và dùng một giọng thành khẩn nói:
- Tôi và tướng quân cùng hợp sức đánh Tần. Tướng quân chiến đấu ở Hà Bắc, còn tôi chiến đầu ở Hà Nam. Tướng quân đã đánh đại bại Chương Hàm, khắp chư hầu và cả thiên hạ đều khiếp phục. Nói về công lao thì tôi thật ra nào dám sánh với tướng quân, và chính tôi cũng không ngờ là mình đã xua quân vào Quan Trung trước, đánh bại nước Tần và đã hạ trại để chờ đợi gặp tướng quân. Thái độ ở đời của tướng quân tôi biết rất rõ; còn tình bạn giữa tôi và tướng quân đâu phải mới một sớm một chiều. Tôi nghĩ rằng có một kẻ tiểu nhân nào đó làm cho giữa chúng ta có sự hiểu lầm nhau, mong tướng quân khoan dung đại độ, đừng tin những lời nói xấu tôi của bọn đó, nguôi bớt cơn giận, tha thứ cái tội thiếu chu đáo của tôi. Quan Trung là của tướng quân, tôi chẳng qua là một thuộc hạ của tướng quân mà thôi. Ngôi vị Quan Trung Vương là của tướng quân, tôi sẵn sàng cúi mình xưng thần. Ân đức của tướng quân mênh mông vậy chả lẽ chẳng tha thứ được những thiếu sót của tôi hay sao?
Trong khi Lưu Bang vừa nói những lời nói đó thì ông ta cũng vừa rơi lệ. Nói đến những câu sau cùng, gần như ông nghẹn ngào nức nở, không thể nói thành tiếng nữa. Hạng Võ là người lòng dạ yếu mềm, và không chịu đựng được trước những lời nói nhún nhường của bất cứ ai, đặc biệt là càng không thể chịu đựng được thái độ hạ mình nhận lỗi của người khác. Điều đó so với sự thô bạo hung hãn bề ngoài của ông, trở thành một sự tương phản rõ rệt. Đêm qua sau khi nghe Hạng Bá nói những lời hơn thiệt, ông đã thay đổi ý định, đang muốn ra lệnh cho toàn quân ngưng việc phát binh giờ đây thấy Lưu Bang đích thân đến nhận tội, nên cơn giận trong lòng ông đã hoàn toàn tiêu tan, ý định phát binh trừng trị Lưu Bang cũng không còn nữa. Ông an ủi Lưu Bang đừng quá áy náy, vì ông đã hiểu và rất cảm kích trước những nỗi khổ tâm của Lưu Bang. Ông nói cho Lưu Bang biết sỡ dĩ ông định làm như vậy là vì bị Tả tư mã Tào Vô Thương khiêu khích, nếu không thì ông cũng tuyệt đối không bao giờ muốn dùng binh nhung để đối phó nhau. Vừa nghe cái tên Tào Vô Thương, Lưu Bang không khỏi giật mình, mắng thầm: "Khá khen cho tên gian tế nhà ngươi, ta cư xử với ngươi đâu có sai sót gì thế mà nhà ngươi dám đến đây tố cáo ta, làm hỏng việc lớn của ta. Vậy nhà ngươi hãy chờ đợi, ta tuyệt đối không buông tha cho nhà ngươi đâu."
Thế là hai kẻ thù qua đó đã trở thành đôi bạn. Hạng Võ liền truyền lệnh xuống binh sĩ giải trừ vũ trang toàn quân, xóa bỏ hành động chiến đấu, ăn cơm sáng xong thì nghỉ ngơi chờ lệnh. Hơn nữa, ông còn ra lệnh dọn bàn tiệc để cho Hạng Võ khoản đãi Lưu Bang một cách thịnh tình.
Sau khi bàn tiệc dọn xong, Hạng Võ và Lưu Bang nắm tay nhau bước vào. Hạng Võ và Hạng Bá ngồi nhìn về phía đông, Phạm Tăng ngồi nhìn về phía nam, Lưu Bang nhìn về phía bắc, Trương Lương ngồi nhìn về phía tây.
Thức ăn trong bàn tiệc hết sức thịnh soạn, trong tô và mâm đặt trên chiếc bàn sơn mài đều đựng đầy ắp thức ăn, nào là cá chưng, thịt heo hầm, thịt thỏ hầm, thịt chim trĩ hầm, bò nướng, heo nướng, sườn chó nướng, thịt dê lạp, bào ngư chưng. Ngoài ra còn có tương thịt, tương cá... những món ăn chưng và hầm đều chín mềm, lại được gia vị bằng quế, gừng, muối, nên rất thơm. Có những món ăn phần nước đã thấm hết vào món ăn, cũng có những thức ăn vẫn còn nóng, hương thơm ngào ngạt. Các loại thức ăn nướng đều làm bằng thịt. Sau khi thịt đã làm sạch, mới dùng que tre xiên lụi nướng trên lửa than. Cách làm thịt dê là lấy thịt dê đã làm sạch, nướng trên lửa cho chín, rồi mới đem phơi khô. Bào ngư được chưng trong thố. Riêng món canh thịt cũng có đến mấy loại khác nhau. Có loại nấu bằng đầu bò, có loại nấu bằng thịt chó, có loại nấu bằng thịt dê. Ngoài ra, còn có món cá sống được chế biến rất tinh tế. Đó là món ăn nơi quê hương của Hạng Võ dùng để đãi khách quý hôm nay cũng có mặt trên bàn ăn dùng để chiêu đãi Lưu Bang.
Trước tiên, Hạng Võ đưa cao bầu rượu mời Lưu Bang cùng uống. Do phải gữ đúng lễ phép, Lưu Bang đã uống cạn một bầu nhưng thật ra ông cảm thấy rất khó nuốt. Đâu phải ông đến đây để uống rượu. Hạng Võ mặc dù bằng lòng ngưng việc xuất binh đến Bá Thượng, nhưng ai ngờ được là ông ta có thể thay đổi ý kiến? Hạng Võ là người ít mưu lược, nhưng Phạm Tăng lại là người mưu lược tinh thông. Nếu Phạm Tăng nói với Hạng Võ điều gì đó, thì không biết chừng Hạng Võ vẫn có thể gây ra những chuyện bất ngờ. Trương Lương thấy được tâm trạng của Lưu Bang, nên đã ra hiệu cho chủ, mình đã tới đây rồi thì đừng lo nghĩ gì nữa. Đồng thời, Trương Lương cố lấy thái độ trấn tĩnh của mình để gây ảnh hưởng tới Lưu Bang, muốn ông cứ bình tĩnh ăn uống.
Riêng Phạm Tăng đúng là đang có rất nhiều suy nghĩ. Hạng Võ không thương lượng với ông mà đã tự ý xóa bỏ kế hoạch tấn công, khiến ông phải đắn đo suy nghĩ, chắc chắn việc này đã có người thông báo tin tức cho Lưu Bang, bằng không Lưu Bang không thể tự động tới đây tạ tội. Ông rất căm hận một tên gian tế nào đó ở trong quân ngũ và càng bất mãn thái độ nhân từ theo kiểu đàn bà của Hạng Võ. Trong buổi tiệc Phạm Tăng đã mấy lấn nháy mắt ra hiệu cho Hạng Võ để Hạng Võ giết quách Lưu Bang đi, ông còn cởi chiếc khoen ngọc đeo thanh kiếm dài ở bên hông, để ra hiệu cho Hạng Võ. Nhưng Hạng Võ vẫn làm lơ, không có phản ứng gì.
Phạm Tăng rất tức giận, uống một hơi cạn bầu rượu, rồi dằn mạnh xuống mặt bàn bỏ đi ra ngoài.
Phạm Tăng tìm gặp Hạng Trang. Người này có võ nghệ cao cường lại có lòng dũng cảm, múa kiếm rất hay, là một tướng lãnh đắc lực dưới tay của Hạng Võ. Phạm Tăng trước tiên nói rõ mọi việc cho Hạng Trang nghe, rồi mới giải thích tiếp:
- Đại vương là người quá yếu mềm không nỡ xuống tay. Vậy anh hãy bước vào trong, trước tiên dâng rượu lên cho Bái Công, rồi sau đó xin phép múa kiếm để giúp vui, nhân đó giết chết Bái Công đi. Bái Công là một con người có hùng tài đại lược, lại có nhiều tham vọng lớn, vậy nhất định phải trừ ông ta. Đây là một cơ hội trời cho để chúng ta động thủ, nếu không làm như vậy thì sau này chúng ta sẽ trở thành tù binh của Lưu Bang hết!
Hạng Trang nói:
- Xin Á phụ yên tâm, mạt tướng sẽ làm đúng theo ý đó!
Thế là Phạm Tăng dẫn Hạng Trang bước vào trướng. Hạng Trang rót đầy một bầu rượu lớn, cung kính nói:
- Bái Công tiến quân về phía tây, lập được công lớn, nay mới được tương kiến, thật là vinh hạnh. Mạt tướng xin kính dâng lên Bái Công một bầu rượu này!
Hạng Trang đột ngột bước vào trướng, lại có thái độ cung kính dâng rượu làm cho Lưu Bang, một người biết nhận xét tế nhị không khỏi suy nghĩ: người này đến đây chắc là không có thiện ý đâu, không chừng anh ta muốn giở trò gì ! Nhưng Lưu Bang không tiện từ chối, nên đón lấy bầu rượu của anh ta đưa tới, rồi miễn cưỡng hớp lấy một ngụm. Hành động của Lưu Bang đều lọt vào mắt của Hạng Trang. Anh ta nói:
- Bái Công đúng là một người hào phóng, thật đáng kính, thật đáng kính! Nói tới đây anh ta vòng tay nói tiếp: quân Vương và Bái Công uống rượu, thế mà trong quân ngũ lại không có tiết mục gì để giúp vui, vậy xin cho phép tôi được múa kiếm để làm trò vui cho khách. Thế nào?
Lưu Bang lại suy nghĩ, nên một lúc lâu mà vẫn không lên tiếng trả lời. Riêng Hạng Võ trong lúc tửu hứng khi nghe đề nghị của Hạng Trang thì hết sức vui mừng, nói ngay:
- Tốt lắm! Tốt lắm! Hãy mau múa kiếm đi để giúp vui cho Bái Công uống rượu!
Hạng Trang lên tiếng vâng lời. Ông ta dùng hai ánh mắt liếc nhìn Phạm Tăng một lượt, thấy Phạm Tăng đang chú ý nhìn ông ta với sự chờ đợi. Ông ta khẽ gật đầu rồi bước ra khoảng trống giữa bàn tiệc, tuốt gươm bắt đầu múa.
Hạng Trang quả không hổ là hảo thủ giỏi về kiếm thuật. Tay phải của ông ta cầm kiếm, thân người cũng múa theo thanh kiếm xoay, bước chân nhanh nhẹn, lên xuống nhẹ nhàng, có lúc ông ta chồm tới như hổ vồ mồi, có lúc nhanh nhẹn như một con mãng xà thè lưỡi. Ánh sáng của lưỡi kiếm loang loáng như ánh điện, mà điệu múa linh động mang tới cho người xem một cái đẹp của sự hùng hồn. Mọi người trên bàn tiệc đều theo dõi một cách say sưa, từng cặp mắt đều bám sát bóng kiếm chập chờn, và tình cảm của mỗi người cũng cảm thấy lên xuống nhịp nhàng như điệu múa. Hạng Võ cầm yên ly rượu trong tay, to tiếng tán thưởng.
Điệu múa kiếm đã mang đến niềm vui cho buổi tiệc, mà cũng ấp ủ một sát khí đáng sợ. Gươm và rượu đã tựa vào nhau tạo thành một bầu không khí đặc biệt nơi buổi tiệc Hồng môn. Có người đang vui sướng, có người đang lo âu, và cũng có người hoàn toàn không biết gì. Hạng Trang dời bước chân càng ngày càng áp sát Lưu Bang.
Trong quá trình Hạng Trang múa kiếm, quả tim của Hạng Bá luôn luôn thấp thỏm không yên. Vừa rồi Phạm Tăng rời bàn tiệc đi ra ngoài, sau đó lại cùng Hạng Trang bước vào, như vậy biết đâu chừng giữa họ có âm mưu bí mật gì. Hạng Bá hiểu rất rõ về Phạm Tăng, cho nên đối với con ngòi được xem là túi khôn ở bên cạnh Hạng Võ này, ông ta cảm thấy không yên tâm. Chính vì vậy kể từ khi Hạng Trang bước vào thì Hạng Bá đã luôn luôn chú ý đến ông ta. Đến khi Hạng Bá trông thấy Hạng Trang dần dần chuyển tới gần Lưu Bang và đang tìm cơ hội để hạ thủ, thì ông ta cảm thấy quả tim của mình như muốn nhảy ra ngoài: rõ ràng Hạng Trang tìm cớ múa kiếm, để hạ thủ Bái Công. Giữa ta và Bái Công đã có sự giao ước về việc hôn nhân, hơn nữa, xưng hô với nhau là anh em, nếu để Hạng Trang thực hiện được mục đích của ông ta thì mình còn mặt mũi nào nữa? Suy nghĩ tới đây, gã gian tế Hạng Bá liền đứng lên, đến trước mặt Hạng Võ nói:
- Thưa đại vương, chỉ một người múa kiếm xem rất đơn điệu, vậy thần xin bước ra múa cùng Hạng Trang.
Hạng Võ đáp:
- Được! Xin mời thúc phụ ra múa đôi đi nào!
Hạng Bá liền tuốt kiếm ra khỏi vỏ để cùng múa với Hạng Trang. Hạng Bá cũng là người tương đối am hiểu kiếm thuật, vừa múa ông ta vừa dùng thân mình che lấy Lưu Bang. Hạng Trang mấy lần muốn đâm chết Lưu Bang nhưng không thể thực hiện được. Trong lòng Hạng Trang bắt đầu rối lên, từng chiêu kiếm một dần dần cũng trở thành rối loạn. Trong khi đó, thì Hạng Bá quay lưng về phía Lưu Bang, và liên tục xuất kiếm một cách mạnh mẽ để đẩy lùi Hạng Trang ra khoảng trống, cách xa Lưu Bang.
Tình hình đó được Phạm Tăng ngồi trong bàn tiệc trông thấy rõ ràng. Ông ta hết sức tức giận. Một mặt thầm trách Hạng Trang không đủ quả quyết, mà cũng giận dữ đối với thái độ che chở cho kẻ địch của Hạng Bá. Trong lòng ông ta nghĩ: ta tưởng tên gian tế nào, ngờ đâu chính là nhà ngươi! Ngươi đã hèn hạ chịu sự mua chuộc của Lưu Bang, phá hoại sự nghiệp của nhà họ Hạng, sau này còn mặt mũi nào để thấy tổ tiên ở dưới đất. Ông cũng thầm trách Hạng Võ quá hồ đồ, đầu óc quá đơn giản, đôi tay quá yếu, lòng dạ quá nhân từ. Ông muốn thét lên một tiếng to: hãy giết Lưu Bang đi, kẻo hậu hoạn khó lường! Ông cũng căm tức vì không thể đích thân xông ra kết liễu tính mệnh của Lưu Bang. Ông không thể làm như vậy, vì đây là một bữa tiệc được tổ chức theo nghi lễ đón khách kia mà!
Một buổi tiệc vốn có niềm vui nhiệt liệt bỗng lại bị trùm kín bở một bầu không khí căng thẳng. Giữa chủ và khách ai cũng có điều suy nghĩ riêng, ai cũng cảm thấy nôn nóng. Rượu và gươm mỗi thứ đều có nhu cầu riêng. Trong bầu rượu phản ánh bóng gươm. Dưới bóng gươm là một buổi tiệc thịnh soạn. Những lời chúc của rượu và những tiếng rít gió của gươm đã trộn lẫn với nhau bằng một khúc nhạc mở đầu cho một chương nhạc đại chiến!



Sự mỉa mai của hai món quà

Phàn Khoái đi theo Lưu Bang tới đây có nhiệm vụ đứng chờ đợi ngoài cửa quân môn. Ông ta đang đi tới đi lui vì cảm thấy sốt ruột.
Trương Lương từ trong bước ra, Phàn Khoái vội vàng hỏi:
- Chuyện hôm nay ra sao?
Trương Lương đáp:
- Rất căng thẳng, buổi tiệc bao trùm một bầu không khí chém giết nặng nề. Phạm Tăng dẫn tới một người tên gọi Hạng Trang, để ông ta múa kiếm giúp vui cho buổi tiệc, nhưng trên thực tế là họ có ý định muốn thừa dịp đó sát hại Bái Công!
Phàn Khoái nói:
- Sao lại thế được! Tôi phải bước vào, nếu vạn nhất có gặp bất trắc thì tôi bằng lòng chết chung với Bái Công!
Trương Lương nói:
- Tôi thấy tình hình bất ổn, nên vội vàng ra đây để mời anh vào. Anh nhớ phải bảo vệ cho tốt Bái Công. Nhưng cần chú ý tùy cơ hành động, phải quả đoán nhưng tránh lỗ mãng!
Phàn Khoái đồng ý, mang gươm và cầm một tấm mộc đi theo Trương Lương vào cổng quân môn. Hai vệ sĩ cùng đứng gác đưa chéo hai cây kích để ngăn Phàn Khoái lại. Nhưng, Phàn Khoái đâu xem việc đó ra gì, ông dùng tấm mộc che chở thân mình rồi dùng sức đẩy mạnh hai vệ sĩ ra, khiến họ té lăn quay xuống đất. Phàn Khoái rảo bước đi vào trong trướng. Ông dùng tay vén trướng bước vào rồi quay mặt về hướng tây, đôi mắt tròn xoe giận dữ nhìn thẳng vào Hạng Võ, tóc trên đầu như muốn dựng đứng cả lên. Ông ta không nói một tiếng nào, chỉ đứng im lặng như một pho tượng kim cương ở trong chùa, một tay cầm thanh gươm bén, tay kia cầm tấm mộc, trông rất uy nghi đáng sợ.
Không khí trong bàn tiệc vốn đang căng thẳng lại càng căng thẳng hơn, Hạng Võ cảnh giác đưa tay đề lên chuôi gươm, rồi nhóng người bằng cách quỳ hai đầu gối lên ghế, to tiếng hỏi:
- Người khách mới đến là ai vậy?
Trương Lương nhẹ nhàng lên tiếng bẩm báo với Hạng Võ:
- Đây là người hộ vệ tùy thân của Bái Công, tên gọi Phàn Khoái!
Đến chừng đó Hạng Võ mới bình tĩnh trở lại, ngồi yên xuống ghế như trước. Ông đưa mắt nhìn kỹ ông khách không mời mà đến này, thấy rõ ông ta có đôi mắt beo tròn xoe, có bộ râu quai nón, thân thể cường tráng cao to, cả thân người đâu đâu cũng toát lên sức khởe dồi dào. Hạng Võ nhìn thật kỹ và trong lòng bỗng cảm thấy ái mộ. Hạng Võ là người dũng cảm, ông tin rằng sức mạnh là trên hết, có thể chinh phục tất cả. Cho nên ông đối với các dũng tướng, các lực sĩ, đều đặc biệt yêu thích. Ông không ngờ bên cạnh Bái Công lại có một người thị vệ cao lớn khoẻ mạnh như thế này, nên trong lòng rất ái mộ. Ông buột miệng khen:
- Đúng là một tráng sĩ1 Đúng là một tráng sĩ tốt! - dứt lời ông quay sang tả hữu nói tiếp: Hãy ban cho tráng sĩ mới đến một nậm rượu!
Tức thì những người hầu đem tới một chiếc nậm có thể dựng được bống thăng rượu, rót đầy rượu vào, đưa tới trước mặt Phàn Khoái. Phàn khoái bái tạ, đứng thẳng người uống một hơi cạn nậm rượu.
Hạng Võ nhìn chăm chú, nghĩ thầm: "Tửu lượng tốt lắm!" Sau đó ông lại ra lệnh cho tả hữu:
- Hãy ban cho ông ta một cái đùi heo!
Người hầu lại mang đến một cái đùi heo còn sống, Phàn Khoái liền úp tấm mộc xuống đất, rồi đểu đùi heo lên trên, tuốt gươm ra xắt thịt heo ăn ngon lành, không chú ý tới ai cả.
Hạng Võ lên tiếng khen:
- Đúng là một tráng sĩ! Còn có thể uống rượu được nữa không?
Phàn Khoái to tiếng:
- Thần có chết cũng không sợ, một nậm rượu mà có chi phải thoái từ. Tần vương bạo ngược ác độc, lòng dạ như sài lang, giết người vô số, hình phạt khắc khe, người trong thiên hạ đều không thể chịu đựng nổi nên mới khởi nghĩa chống Tần. Sở Hoài Vương có hứa hẹn với các tướng: Ai đánh chiếm Hàm Dương trước thì sẽ được xưng Vương. Nay Bái Công là người trước tiên tiến vào Hàm Dương, nhưng hoàn toàn không ỷ mình có công lớn, đã niêm phong cung thất, bảo quản những tài sản quí hiếm một cách kỹ lưỡng rồi kéo quân trở về Bá Thượng chờ đại vương tới, còn việc phái quân đóng giữ tại Hồng Cốc Quan, chỉ là muốn đề phòng trộm cướp hoặc biến cố ngoài ý muốn. Một người có công lớn và từng chịu gian truân như thế, mà lại không hề được phong hầu, được ban thưởng. Hơn nữa, đại vương lại còn nghe theo lời nói của bọn tiểu nhân, muốn sát hại người có công, như vậy chẳng phải là nối tiếp con đường của vương triều nhà Tần đã bị diệt vong hay sao? Làm như vậy là không đúng! Đại vương từ lâu đã nổi tiếng là bậc anh hùng, biết giữ tín nghĩa, chả lẽ không sợ thiên hạ chê cười hay sao?
Tiếng nói của Phàn Khoái vang rền, làm cho cử tọa đều kinh ngạc. Ngoại hình của ông ta có vẻ người thô lỗ, nhưng khi nói chuyện thì lại có lý, có cơ sở, không tự ty mà cũng không tự cao, và cũng không có chỗ sơ hở nào để bắt bẻ. Sắc mặt của Hạng Võ khi thì đỏ bừng, khi thì trắng bệt, không có lời lẽ gì để đối đáp, chỉ biết nói với Phàn Khoái:
- Xin mời tráng sĩ ngồi, xin mời ngồi xuống uống rượu!
Từ đó Phàn Khoái mới nguôi cơn giận ngồi xuống bên cạnh Trương Lương. Trương Lương đưa ánh mắt khen ngợi nhìn Phàn Khoái như muốn nói: "Này Phàn tướng quân, ông làm như vậy là hay đấy." Trương Lương lại rót thêm cho Phàn Khoái một nậm rượu, và đẩy thức ăn đến trước mặt ông ta, đưa cao bầu rượu trong tay mời:
- Này, hai chúng ta cùng uống một bầu nhé!
Hai người hiểu ý nhau, cùng cười rồi ăn uống một cách thoải mái.
Lúc này, Lưu Bang thấy lòng dạ không yên. Khi Hạng Trang mới bước vào trướng là ông cảm thấy mọi việc sắp xảy ra rất là nguy hiểm. Đến khi Hạng Trang múa kiếm thì Lưu Bang lại càng lo sợ hơn. Khi thấy mũi kiếm dần dần kề sát bên mình, Lưu Bang không khỏi sợ hãi, nghĩ thầm; "Chả lẽ hôm nay ta bị mưu sát hay sao? Sự nghiệp của ta đến đây là chấm dứt hay sao?" Nhưng, Lưu Bang lại là một con người có ý chí kiên cường, nhất là ông tin ở số mạng của mình không thể gặp chuyện bất hạnh như vậy được. Sự nghiệp của ông mới bắt đầu, con đường tương lại còn dài. Ông lại nhớ trước kia có một cụ già xem tướng mình, bảo ông là người có tướng đại phú đại quý. Lời nói đó của cụ già nhất định là linh nghiệm, tời cao nhất định sẽ ban cho ông được phú quý. Suy nghĩ tới đây Lưu Bang mới tạn trấn tĩnh, cảm thấy vừa vui mừng lại vừa hết sức cảnh giác, theo dõi lưỡi kiếm của Hạng Trang, về sau cũng may có Hạng Bá bước ra che chở, Lưu Bang mới có thể may mắn thoát chết. Lưu Bang hết sức cảm kích ý tốt của Hạng Bá, càng vui mừng hơn vì ông thấy mình là người có phúc, có mạng lớn, nguy nan thì có cứu tinh đến. Rồi khi Phàn Khoái bước vào dám mạnh dạn nói lên những lời nói mà Lưu Bang đang muốn nói, khiến Lưu Bang cảm thấy rất hả dạ, nhờ đó mà tâm trạng của ông được tốt hơn. Nhưng, Lưu Bang dự cảm là nơi này không thể ở lâu vì biết đâu chốc nữa, đây lại xảy ra những điều nguy hiểm, vậy phải tức khắc rời khỏi để trở về Bá Thượng. Suy nghĩ như thế, Lưu Bang bèn lấy cớ cần ra ngoài đi tiểu tiện, đứng lên bước ra khỏi trướng.
Khi Lưu Bang sắp sửa bước ra khỏi trướng thì Trương Lương, Phàn Khoái cùng nói nhỏ với nhau mấy câu, cho nên khi thấy Lưu Bang vừa bước ra ngoài thì Trương Lương và Phàn Khoái liền vội vàng đi theo.
Việc cả ba người nối tiếp nhau rời khỏi bàn tiệc, làm Hạng Võ thấy lạ, sợ mình có điều gì thất lễ chăng. Ông vội vàng phái Đô úy Trần Bình bước ra ngoài gọi số người của Lưu Bang trở vào, Trần Bình gặp Lưu Bang, cho biết Hạng Võ tướng quân mời họ trở vào, Lưu Bang bèn nói với ông là chỉ trong chốc lát sau tất cả họ sẽ trở vào.
Sau khi Lưu Bang thoát khỏi Trần Bình, liền bàn với Phàn Khoái:
- Tình trạng hiện nay rất nguy kịch, ta không thể tiếp tục ở lại đây, mà phải tức khắc trở về, bằng không sẽ gặp chuyện rủi nhiều may ít. Nhưng khi ta bước ra đây lại không kịp từ giả Hạng Võ, vậy phải biết làm thế nào?
Phàn Khoái lắc đầu cười đáp:
- Bái Công quá cẩn thận đó thôi! Tôi thấy không cần thiết đâu. Tôi nghe nói khi làm việc lớn thì không cần phải quan tâm đến tiểu tiết; nay người ta đang là dao là thớt, còn chúng ta là cá, là thịt, đang đứng trước tình hình nguy hiểm, sắp sửa bị người ta làm hại, vậy thì còn từ giã làm gì? Tính mạng là điều quan trọng, nếu trở vào cáo từ thì chính là tự mình lại chui vào rọ đấy!
Lưu Bang khẽ gật đầu. Trước khi đi ông lại bảo Trương Lương trở vào để từ tạ Hạng Võ. Trương Lương biết đây là một chuyện làm rất nguy hiểm, nhưng ông luôn kính phục cách ở đời và tài năng của Lưu Bang, nên lúc nào cũng có lòng trung thành đã không ngần ngại nói:
- Xin Bái Công an tâm rời đi, chuyện ở đây sẽ do tôi ứng phó!
Với một người túc trí đa mưu như Trương Lương, giọng nói của ông tỏ ra hết sức kiên định. Lưu Bang nở một nụ cười cảm kích, rồi dặn dò thêm:
- Tướng quân nên làm cho tốt!
Trương Lương như bỗng nhớ ra điều gì, hỏi:
- Thưa Bái Công, hôm nay ngài tới đây phải chăng có mang theo những món quà gì?
Lưu Bang chợt nhớ ra, nói:
- Nếu không có tướng quân nhắc, thì tôi đã quên mất rồi. Tôi có mang theo một đôi bách bích muốn dâng lên cho Hạng Vương và hai ngọc dấu muốn tặng cho Ả phụ Phạm Tăng, nhưng vì thấy họ nổi giận nên chưa dám dâng tặng, vậy giờ đây tôi trao cho tướng quân, để tướng quân thay mặt tôi dâng tặng họ nhé!
Trương Lương nhận đôi bạch bích và ngọc dấu, thấy bạch bích hoàn toàn không có tỳ vết, trong veo và sáng lóng lánh, đúng là hạng thượng phẩm trong loài ngọc. Riêng cặp gọi là ngọc dấu kia chính là hai cái chung uống rượu làm bằng chất liệu thật tốt, chế tác thật khéo. Trương Lương dùng hai tay bợ lấy hai món lễ vật, nói:
- Mạt tướng sẽ làm đúng theo ý ngài!
Hồng môn và Bá Thượng chỉ cách nhau có bốn chục dặm, từ Hồng môn đi về phía nam không bao xa, có một cái hố nằm xéo, bên kia hố là chân núi Ly Sơn, theo con đường mòn này có thể tới Bá Thượng, rút ngắn một nửa lộ trình, cây cối um tùm kín đáo, có thể bảo đảm được sự an toàn, không bị người ta phát hiện. Lưu Bang vì muốn thoát thân cho nhanh, nên bỏ xe bên vệ đường rồi cưỡi ngựa tiếp tục đi tới. Phàn Khoái, Hạ Hầu Anh, Cận Cường, Kỷ Tín cũng đi theo bảo vệ cho Lưu Bang. Trước khi rời đi, Lưu Bang nói với Trương Lương:
- Tôi sẽ theo đường mòn để trở về, như vậy lộ trình xa chừng hai mươi dặm, tướng quân phỏng đoán tôi về đến nơi, tức Hạng Võ không còn đuổi theo kịp tôi nữa, thì tướng quân sẽ trở vào trướng tạ từ Hạng Võ giúp tôi.
Trương Lương nhận lời. Thế là bốn người của Phàn Khoái tay cầm kiếm, tay cầm mộc đi bộ, còn Lưu Bang thì cưỡi ngựa rời khỏi Hồng môn. Khi đi qua Chỉ Dương, họ theo đường tắt để về Bá Thượng cho nhanh, họ rảo bước thật nhanh để về tới doanh trướng thật sớm. Sau khi Lưu Bang đi, Trương Lương đứng nhìn theo một lúc lâu, phỏng đoán Lưu Bang đã trở về tới nơi, Trương Lương mới mang đôi bạch bích và ngọc dấu bước trở vào bàn tiệc.
Trong trướng, buổi tiệc vẫn còn tiếp tục, chỉ khác hơn là không khí đã dịu lại. Hạng Võ đã bắt đầu ngấm say, sắc mặt đỏ hồng, cứ thỉnh thoảng lại nhìn ra bên ngoài chờ đợi nhóm Lưu Bang trở vào. Phạm Tăng càng tỏ ra sốt ruột hơn, ông không thể uống rượu được nữa, mà lúc nào cũng cau chặt đôi mày, chìm đắm trong sự suy tư. Ông cảm thấy tiếc rẻ là để mất đi cơ hội giết chết Lưu Bang. Cứ thỉnh thoảng ông lại liếc nhìn Hạng Bá, trong lòng thầm mắng: "Tên gian tế nhà ngươi đã nhận kẻ thù làm bạn thân, thử hỏi Lưu Bang cho nhà ngươi được thứ gì?"
Sự xuất hiện đột ngột của Trương Lương, làm cho bao nhiêu ánh mắt đều đổ dồn về ông. Hạng Võ hỏi:
- Sao tướng quân bây giờ mới trở lại, hãy mau tiếp tục uống rượu đi! - dừng lại trong giây lát, Hạng Võ hỏi tiếp: Thế còn Bái Công sao không thấy trở lại?
Trương Lương với một thái độ ung dung và trầm tĩnh, cúi mình thi lễ rất sâu trước Hạng Võ, đáp:
- Bái Công vì quá say nên không thể nào tiếp tục dự tiệc nữa. Ngài sai mạt tướng thay thế ông ấy để tạ từ với đại tướng quân. Nay có một đôi bạch bích xin hiến dâng lên đại vương, và một đôi ngọc dấu xin dâng lên cho Á phụ.
Hạng Võ vội vàng hỏi:
- Bái Công bây giờ ở đâu?
Trương Lương đáp:
- Bái Công nghe nói đại vương có ý quở trách, nên ông ấy đã thoát thân rời đi rồi, có lẽ bây giờ đã trở về đến quân ngũ.
Câu nói đó của Trương Lương đã làm cho mọi người có mặt đều kinh ngạc đến há mồm, trợn mắt. Hạng Võ ngơ ngác một lúc lâu, chỉ còn biết nhận lấy đôi bạch bích để xuống trước bàn. Á phụ Phạm Tăng thì tức giận đến không thể dằn được, ông lấy hai chiếc ngọc dấu để xuống mặt đất, rồi tuốt gươm ra chém chúng bể nát. Ông tức giận thở dài, nói:
- Một bọn nông cạn vô tri, quả không xứng đáng để cùng hoàn thành đại sự. Kẻ sẽ đoạt thiên hạ của Hạng vương, nhất định là Bái Công. Chúng ta đều trở thành tù binh của hắn!
Một lũ nông cạn vô tri mà Phạm Tăng nói chính là muốn ám chỉ Hạng Võ và người thân tộc của ông ta là Hạng Bá, Hạng Trang... từ sự kiện đau lòng hôm nay, ông cảm thấy Hạng Võ là người quá thiếu quả quyết, là người có một tấm lòng yếu mềm như đàn bà, như vậy thì làm sao hoàn thành đại sự. Trong khi đó thì Lưu Bang lại là một con người có nhiều mưu kế quỷ quyệt, khôn ngoan ứng phó với những trường hợp nguy cấp, nên có thể thoát thân một cách an toàn. Qua đó đủ thấy ông ta không phải là người tầm thường. Phạm Tăng cúi gằm đầu chăm chú nhìn những mảnh vỡ từ hai chiếc ngọc dấu do ông chém khi nãy, rồi lại nhìn sang đôi bạch bích của Hạng Võ để trên bàn, hai khoé miệng thoáng hiện một nụ cười đau khổ. Đây quả là một sự giễu cợt chua cay! Điều đáng buồn hơn nữa là Hạng Võ không hề cảm thấy, và các thủ hạ của ông ấy cũng mù mờ không biết chi cả. Riêng con người vô liêm sĩ đi giúp đỡ kẻ thù như Hạng Bá, đúng là một sự bất hạnh lớn cho quân ngũ nhà họ Hạng! Ông cảm thấy không thể ở nán lại tiếp tục buổi tiệc này, vì không khí quá nặng nề. Ông thở dài rồi tức giận giũ mạnh tay áo bỏ đi.
Bữa tiệc Hồng môn chính là một trận giao phong đầu tiên giữa họ Lưu và họ Hạng. Trận giao phong này mặc dù không có máu lửa chém giết, nhưng chính là một sự kiểm nghiệm có tính thuyết phục về mặt lực lượng và tố chất của đôi bên, là hình ảnh thu nhỏ một trận đại chiến của thiên binh vạn mã. Đồng thời, cũng dự báo một cuộc đấu tranh giữa họ Lưu và họ Hạng là điều không thể tránh khỏi.
Hiện nay ở vùng Hồng môn thuộc huyện Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây vẫn có thể tìm thấy được di chỉ nơi diễn ra buổi tiệc Hồng môn. Đó là một đồi đất cao chừng hai mét, bên trên bằng phẳng, theo người địa phương nói thì tại đây chính là nơi diễn ra buổi tiệc Hồng môn thuở xưa. Đồi đất này nguyên rộng đến hai mẫu, nhưng do sự phát triển nông nghiệp, và do sự cải tạo địa hình, nên khu đồi này đã bị san bằng rất nhiều nay chỉ còn lại một bộ phận nhỏ để người đời sau chiêm ngưỡng, được gọi là "Thiết Yết Đài". Đứng trước khu thiết yết đài này, chúng ta có thể hồi tưởng lại cuộc đấu tranh quyết liệt trong buổi tiệc Hồng môn, và làm cho chúng ta rất nhiều liên tưởng phong phú.
Giờ đây chúng ta hãy trở lại buổi tiệc Hồng môn: do vẫn còn tửu hứng, Hạng Võ còn ngồi thẫn thờ tại một bàn tiệc với tâm trạng rất phức tạp. Ông làm thinh không nói một tiếng nào. Mấy người hầu rượu với ông cũng không uống tiếp nữa. Họ lén qua sát sắc mặt của Hạng Võ.
Còn Lưu Bang thì không cần phải nói, ông đã bình yên trở về Bá Thượng. Sau khi thoát nạn, việc làm đầu tiên của ông ta là giết chết Tả tư mã Tào Vô Thương để hả cơn tức giận trong lòng.
Tây Sở Bá Vương Hạng Võ
Lời dẫn
Chương 1
Chương 1 (B)
Chương 1 (C)
Chương 2
Chương 2 ( B)
Chương 2 (C )
Chương 3 (A)
Chương 3 (B)
Chương 3 (C)
Chương 4 (A)
Chương 4 (B)
Chương 4 (C)
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 7 (b)
Chương 8 (A)
Chương 8 (B)
Chương 9 (A)
Chương 9 (B)
Chương 10 (A)
Chương 10 (B)
Chương 10 (C)
Chương 11 (A)
Chương 11 (B)
Chương 12 (A)
Chương 12 (B)
Chương 13 (A)
Chương 13 (B)
Chương 14 (A)
Chương 14 (B)
Chương 14 (C)
Chương 15
Chương 15 (B)
Chương 16
Chương 16 (B)
Chương cuối