Chương 14 (A)
Tác giả: Thường Vạn Sinh
Tháng mười năm 203 Tr. CN, Hạng Võ rời khỏi chiến trường phản kích Bành Việt giữa cơn gió mùa thu đang bắt đầu thổi, để tiến quân trở lại Huỳnh Dương, Thành Cao. Trên đường trở về, tâm trạng của Hạng Võ hết sức phức tạp. Trong những ngày gần đây mặc dù ông liên tiếp chiến thắng, nhưng những cuộc chiến thắng đó không mang đến cho ông một niềm vui nào cả, trái lại, trong lòng ông thường cảm thấy bực dọc, vì mình chịu sự điều động của người khác, cho nên luôn ở trong thế bị động, đội ngũ của ông chẳng khác nào như một toán quân chữa lửa, khi thì ở phía đông, lúc thì ở phía tây. Ngọn lửa chiến tranh ở phía đông vừa tắt, thì ở phía tây tình hình lại trở nên khẩn cấp, các chiến sĩ luôn phải bôn ba cực nhọc, bắt đầu thể hiện một tinh thần mệt mỏi. Cũng có người lén lút oán trách. Những lời oán trách đó thỉnh thoảng cũng lọt tới tai Hạng Võ, cho nên ông lấy làm lo ngại. Nhưng làm sao trách được các tướng sĩ của mình? Bản thân ông là một vị thống soái của quân Sở, chả lẽ đứng trước tình hình đó không biết tự trách hay sao? Khi nghĩ tới đây, Hạng Võ không khỏi nhớ tới một sự kiện trước khi ông rời khỏi Huỳnh Dương, Thành Cao, để kéo binh về phía đông.
Sự kiện đó đã xảy ra trước một hôm khi đại quân chuẩn bị lên đường. Tướng quân Chung Ly Muội tới doanh trướng của Hạng Võ và Hạng Võ đã trao nhiệm vụ giữ Huỳnh Dương cho ông ta, cho nên ông ta tới đây để xin ý kiến của Hạng Võ về vấn đề giữ ngôi thành đó, đồng thời, cũng thuận tiện tiễn đưa Hạng Võ lên đường. Hạng Võ dặn dò ông ta:
- Lần này tôi kéo quân sang phía đông để thảo phạt Bành Việt, chắc là chỉ trong vòng mười hôm hoặc nửa tháng là trở về đây. Bành Việt chỉ là một toán lưu khấu, không chịu đựng nổi một đòn tấn công của ta. Nay ta đã ra lệnh cho Đại tư mã Tảo Cửu giữ Thành Cao, vậy tướng quân nên phối hợp với ông ấy, cẩn thận trọng khi giao chiến với quân Hán, đảm bảo cho Huỳnh Dương và Thành Cao được giữ vững luôn!
Chung Ly Muội gật đầu nhận lệnh. Hạng Võ hỏi ông ta còn có gì để nói không. Chung Ly Muội nhìn qua sắc mặt của Hạng Võ, muốn nói lại thôi. Hạng Võ cảm thấy Chung Ly Muội như có điều gì trong lòng, bèn hỏi:
- Tướng quân có gì nói thêm không?
Đôi mắt của Chung Ly Muội nhìn chăm chú vào Hạng Võ, khẽ lắc đầu. Ông ta trầm mặt trong giây lát, bỗng hỏi:
- Đại vương không nghi ngờ mạt tướng chứ?
Trước đây ít lâu, do Lưu Bang phái Trần Bình dùng một số lượng vàng lớn để mua chuộc gián điệp loan tin thất thiệt trong quân Sở, khiến Hạng Võ có lần nghi ngờ Chung Ly Muội. Cái chết của mưu sĩ Phạm Tăng đã làm cho đầu óc của Hạng Võ tỉnh táo trở lại, biết mình đã trúng kế ly gián của Lưu Bang, cho nên thấy được những lời đồn đại trước kia là vô căn cứ, ông không còn nghi ngờ chi đối với Chung Ly Muội nữa, mà vẫn tín nhiệm như xưa. Giờ đây, Chung Ly Muội bỗng nhắc lại chuyện cũ, làm cho Hạng Võ giật mình. Ông tưởng rằng lại có người đồn đại để ly gián nội bộ của mình, nên vội vàng nói:
- Tại sao tướng quân lại hỏi như vậy? Nếu tôi hoài nghi tướng quân thì tôi đâu cử tướng quân ở lại giữ Huỳnh Dương? Phải chăng có ai đồn đại những tin thất thiệt gì, tướng quân cứ nói, tôi sẽ trừng trị thích đáng!
Chung Ly Muội đáp:
- Không có ai nói gì, nhưng do trong lòng mạt tướng lo lắng vậy thôi. Nếu Đại Vương không nghi ngờ mạt tướng, thì mạt tướng xin có lời này nói với Đại Vương.
Đôi mày của Hạng Võ không còn cau lại nữa, nói:
- Té ra là như vậy, làm tôi giật mình. Tướng quân có lời gì xin cứ nói ra!
Chung Ly Muội nói:
- Nay Bành Việt lại phá rối hậu phương, mạt tướng nghĩ rằng việc này phải có nguyên nhân, rất có thể là Hán Vương muốn dùng kế diệu hổ ly sơn. Xin Đại Vương nghĩ xem, Huỳnh Dương, Thành Cao chính là phòng tuyến cuối cùng của Hán Vương, nay bị ta đánh chiếm mà ông ta vẫn không tới để tranh giành, trái lại, phái Lưu Giả, Lưu Quán đi phối hợp với Bành Việt để gây rối tại vùng Bành Thành, đó là lý do gì? Vậy không phải muốn thu hút binh lực của Đại Vương đến đó để ông ta thừa dịp này cướp lại vùng đất cũ hay sao? Hán Vương đâu phải dùng kế này lần đầu tiên, vậy Đại Vương cẩn thận trọng.
Hạng Võ hỏi:
- Vậy theo ý tướng quân thì sao?
Chung Ly Muội đáp:
- Theo tôi, Đại Vương không nên rời khỏi Huỳnh Dương, Thành Cao một cách dễ dàng, vì xem chừng bị trúng kế của họ. Sở dĩ tôi không dám nói những lời này với Đại Vương, là sợ Đại Vương hoài nghi tôi không đem hết sức mình ra để giữ Huỳnh Dương. Kỳ thực tôi là bộ tướng của Đại Vương, tất nhiên phải tuân theo mệnh lệnh của Đại Vương, dù chết cũng không chối từ. Tôi chỉ sợ Hán Vương nhân cơ hội này mở cuộc tấn công, thì Huỳnh Dương, Thành Cao khó giữ được.
Hạng Võ nghe xong cảm thấy cũng có lý, nhưng ông ta làm sao có thể không chú ý tới tình hình chiến sự ở phía đông. Bành Thành là kinh đô của nước Sở, vạn nhất Bành Thành bị đánh chiếm thì đâu phải là chuyện nhỏ. Suy tới nghĩ lui, Hạng Võ cảm thấy dù đây là kế diệu hổ ly sơn của Lưu Bang đi nữa, thì ông vẫn phải làm như vậy. Huỳnh Dương, Thành Cao mặc dù là hai cứ điểm quan trọng, nhưng Bành Thành lại không thể không cứu. Mối đe dọa của Bành Việt tại bên trong nước Sở không thể không trừ. Thế là ông vẫn kiên trì kế hoạch cũ, dẫn quân đi tảo thanh vùng phụ cận Bành Thành trước. Chung Ly Muội thấy không thể thuyết phục được Hạng Võ, chỉ còn biết thở dài rồi rời khỏi doanh trướng.
Mọi việc xảy ra quả nhiên đúng như sự tiên liệu của Chung Ly Muội, Lưu Bang lại thực hiện kế hoạch cũ, thừa dịp Hạng Võ rút quân về phía đông thì ông ta liền đánh chiếm Thành Cao, gây thiệt hại nặng nề cho quân Sở. Như vậy, Hạng Võ không thể không kéo quân trở lại chiến trường phía tây.
Nhớ lại chuyện cũ, trong lòng Hạng Võ không khỏi không cảm thấy thật chua chát. Nhưng mọi việc đã đến nước này rồi, thì hối hận cũng vô ích. Hạng Võ ngồi trên lưng ngựa, vẫy mạnh một cánh tay như xua đuổi tất cả mọi ý nghĩ ở trong đầu, rồi sau đó tiếp tục thúc ngựa đi tới. Ông ta phải trả thù, phải trả thù cho cái chết của Tào Cửu và Tư Mã Hân, đoạt lại Thành Cao. Ông vững tin là mình có đủ khả năng làm chuyện đó.
Sau một cuộc hành quân cả ngày lẫn đêm, Hạng Võ đã trở lại chién trường phía tây, ông vừa mới đến phía đông của thành Huỳnh Dương, bỗng thấy cát bụi bay lên mù trời, cờ xí phất phới. Sau khi cho binh sĩ đi thám thính, ông được biết quân Hán đang hỗn chiến cùng quân của Chung Ly Muội. Quân Hán đang bao vây chặt Chung Ly Muội, tình trạng hết sức khẩn cấp. Hạng Võ nghe xong hết sức sốt ruột, ra lệnh cho quân đội tiến nhanh về phía trước, để kịp thời giải vây cho Chung Ly Muội.
Chung Ly Muội vốn đang trú đóng trong thành Huỳnh Dương, sau khi nghe tin Thành Cao thất thủ, ông ta sợ bị quân Hán bao vây tiêu diệt, nên chủ động rút ra vùng phía đông, nhưng mới đi không bao xa thì quân Hán đuổi theo kịp, và bao vây toán quân của Chung Ly Muội vào giữa. Thế là đôi bên bùng nổ một trận ác chiến.
Hạng Võ đến thật kịp thời. Ông ta thấy quân Hán rất đông, có thể bao vây tiêu diệt quân của Chung Ly Muội, liền chỉ huy đội ngũ của mình đột nhập vào vòng vây của quân Hán, kết hợp với quân của Chung Ly Muội để cùng nhau tác chiến. Chung Ly Muội như gặp được cứu tinh, tinh thần phấn chấn trở lại, cùng quân cứu viện phản công mãnh liệt, Hạng Võ quyết tâm sẽ tiêu diệt quân Hán, để thỏa sự căm tức trong lòng từ lâu. Hạng Võ chia quân đội ra thành bốn toán, rồi cắt đứt quân Hán thành từng đoạn, để nhân lúc quân Hán rối loạn, ông ta sẽ tiến hành tiêu diệt từng phần. Đứng trước chiến thuật này của Hạng Võ, quân Hán hết sức sợ hãi. Họ không đủ sức chống trả trước sự chiến dũng mãnh của kỵ binh Sở, nên dần dần mất đi quyền chủ động lúc ban đầu, mặc tình cho quân Sở tàn sát. Lưu Bang thấy nguy, không dám tiếp tục đánh nhau, vội vàng ra lệnh đánh chiên thu quân. Quân Hán bị quân Sở tàn sát rất nhiều, cho nên họ cố gắng thoát ra khỏi vòng vây của quân Sở, hối hả bỏ chạy vào khu núi có địa thế hiểm yếu. Do quân Hán bỏ chạy quá nhanh, và quân Sở phải hành quân liên tục nhiều ngày nay đã mệt mỏi, cho nên Hạng Võ không truy kích mà chỉ lo chấn chỉnh đội ngũ để sẵn sàng tiếp tục đánh nhau.
Chung Ly Muội đến trước Hạng Võ với một nét mặt xấu hổ. Ông ta cho biết sở dĩ mình rút ra khỏi thành Huỳnh Dương là do bất đắc dĩ. Quân số thủ thành của ông ta không nhiều, trong khi quân Hán quá đông, lại vừa mới chiến thắng ở Thành Cao, sĩ khí đang hăng, cho nên ông sợ mình lại rơi vào tình trạng như Tào Cửu, Tư Mã Hân, nên mới mở cửa thành rút về phía đông. Ông xin Hạng Võ trị tội mình, và ngỏ ý sẵn sàng chịu chết chứ không oán trách chi cả. Nhất là khi đang gặp tình trạng nguy cấp mà được Hạng Vương kịp thời tới cứu viện, nên ông ta xem đó là một đại ân, dù có chết xuống cữu tuyền cũng không dám quên.
Nhưng Hạng Võ hoàn toàn không có ý khiển trách Chung Ly Muội. Vì Hạng Võ thấy sự kiện này bản thân mình cũng có trách nhiệm, do trước đây không chịu nghe lời khuyên ngăn của Chung Ly Muội nên mới bị trúng kế diệu hổ ly sơn của quân Hán. Hạng Võ còn khen ngợi sự phán đoán của Chung Ly Muội quả rất chính xác, riêng việc rút ra khỏi thành để chạy về phía đông, chính là muốn bảo toàn thực lực của mình, không để cho quân Hán tiêu diệt. Giờ đây mọi việc đã qua, không cần phải nghĩ tới nó nữa, mà chỉ cần từ này cùng hợp lực để đối phó với kẻ địch là được rồi. Lời nói của Hạng Võ đã làm cho Chung Ly Muội rất cảm động. Ông ta liền bày tỏ với Hạng Võ là mình tuyệt đối không bao giờ phụ ơn to của Hạng Vương, thề sẽ dốc hết sức mình cùng lo cho sự nghiệp lớn của Hạng Vương.
Lưu Bang sau khi bị đánh bại tại phía đông, thành Huỳnh Dương và chạy thoát được, liền dẫn quân vào vùng núi Quảng Võ nằm về phía bắc của Huỳnh Dương. Núi Quảng Võ còn có tên là núi Tam Hoàng, trên núi có xây dựng hai ngôi thành, phía đông là Đông Quảng Võ, phía tây là Tây Quảng Võ, mỗi ngôi thành chiếm một đỉnh núi, hai ngôi thành cách nhau hơn 100 bộ, ở giữa có một hố sâu. Lưu Bang rút lui tới thành Tây Quảng Võ, liền ra lệnh cho bộ hạ dựa vào địa thế hiểm yếu hạ trại, phòng thủ nghiêm ngặt. Hạng Võ dẫn quân đuổi tới núi Quảng Võ, thấy Lưu Bang cố thủ trong thành không ra, địa hình ở phía trước mặt lại không cho phép tiến thêm, nên đành dừng lại tại phía đông Đông Quảng Võ. Chong mặt với quân Hán, chờ thời cơ đánh địch. Hai bên cùng hình thành một cục diện ghìm nhau.
Bắt đầu từ tháng 10 năm 203 Tr. CN, đôi bên chong mặt tại núi Quảng Võ kéo dài suốt mấy tháng, trong thời gian này, Lưu Bang được tiếp tế lương thảo một cách đầy đủ, quân đội ăn no rồi nghỉ ngơi, lo việc chỉnh đốn. Trong khi đó thì Hạng Võ không được như vậy. Bành Việt ở hậu phương khi xuất hiện khi lẩn trốn và liên tục quấy rối, đặc biệt là ông ta tập trung phá hoại tuyến cung cấp lương thực của quân Sở. Làm cho quân Sở đóng tại núi Quảng Võ dần dần bị thiếu thốn lương thảo, hơn nữa, một khi thời gian kéo dài thì những khó khăn đó ngày càng nghiêm trọng thêm. Quân Sở buộc phải ăn uống theo chế độ phân phối lương thực, binh sĩ thường ăn không no, thế là họ bắt đầu than oán, càu nhàu, tỏ vẻ bực bội, thậm chí thất vọng, khiến cho sĩ khí của quân đội nói chung bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bầu không khí đó, các tướng lãnh cũng bị ảnh hưởng theo. Họ liên tục đem tình hình đó nói lại cho Hạng Võ nghe. Tất nhiên họ không nói đó là tinh thần của họ, mà khôn ngoan bảo đó là tinh thần của binh sĩ. Họ không quên thêm nhân thêm nhụy, làm cho tình hình càng trở nên nặng nề hơn, để trút đi tâm trạng chán chường của họ.
Hạng Võ hiểu được tâm trạng của các tướng sĩ, nhưng bản thân ông ta thì có khác gì hơn. Ông ta còn tỏ ra nôn nóng, sốt ruột hơn bất kỳ ai, vì nói cho cùng Hạng Võ là một tướng soái của quân đội Sở kia mà! Ông không những một lần phái người hướng về quân Hán để khiêu chiến, nhưng quân Hán vẫn không hề có sự động tĩnh gì, chừng như họ không nghe được những lời khiêu chiến đó. Để chọc giận quân Hán, Hạng Võ còn ra lệnh cho binh sĩ đứng cách bờ hố gọi thẳng tên Lưu Bang để chửi bới nhục mạ. Nhưng, phương pháp này vẫn không thu được hiệu quả. Lưu Bang không hề để ý tới họ và chừng như ông ta có một quả tim bằng sắt, cho dù quân Sở có đào mả tổ tiên ông ta lên chửi, ông ta vẫn không bao giờ xuất chiến.
Hạng Võ đành chịu bó tay. Suy nghĩ đủ cách nhưng vẫn không tìm ra cách gì đối phó.
Một hôm, Hạng Võ đang ngồi trong trướng uống rượu một mình để giải sầu, bỗng có binh sĩ tới báo người cha của Lưu Bang là Lưu Thái Công và phu nhân của Lưu Bang là Lữ Trĩ đang bị giam cầm trong quân đội lại la ó quấy phá, yêu cầu thả họ ra, và họ còn báo là ai không có cha mẹ vợ con, vậy Hạng Võ không nên bắt nhốt họ như vậy, nếu có bản lĩnh thì cùng Hán vương đánh nhau mới là người anh hùng!
Hạng Võ nghe báo vừa thẹn vừa giận, liền đứng phắt dậy, nói to:
- Bọn bây thật to gan, dám nhục mạ bản vương, vậy ta phải cho bây chết!
Cùng một lúc đó, bàn tay mặt của ông ta siết lấy cán gươm, mỗi lúc càng chặt, nhưng trong khi ông ta vừa mới bước đi thì bỗng dừng lại. Ông ta thấy Thái Công đang nôn nóng muốn gặp con mình, vậy tại sao không nắm cơ hội này để buộc Hán Vương xuất chiến?
Hạng Võ liền ra lệnh cho binh sĩ trói Thái Công và Lữ Trĩ lại, dẫn tới trước mặt ông. Ông cười nhạt nói:
- Bọn các ngươi không phải muốn thấy mặt Hán Vương sao? Giờ đây ta sẽ cho các ngươi gặp mặt ông ta!
Nói dứt lời, đưa mắt ra hiệu cho binh sĩ đứng hầu, dẫn hai người ra trước mặt trận. Ở đó đã đặt sẵn một tấn thớt to và một chảo nước sôi lớn. Hạng Võ bảo binh sĩ đè đầu Thái Công xuống mặt thớt rồi nhìn sang doanh trại của quân Hán bên kía la to:
- Bớ Hán Vương, hãy mau đầu hàng đi, không thì ta giết cha ngươi!
Lưu Bang nghe tiếng la bèn bước ra đầu thành nhìn xem, thấy quân Sở đang cầm dao trên tay chuẩn bị hành hình người cha của mình. Lưu Bang thấy lòng đau nhói, thầm trách tại sao mình lại để cho cha già phải bị liên lụy như thế này. Ông càng căm hận Hạng Võ, đã dùng thủ đoạn đê tiện này để uy hiếp ông. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng đè nén cơn giận, cố gắng giữ bình tĩnh. Ông tỉnh táo suy nghĩ: Hạng Võ muốn dùng cách này để khích tướng, nếu ta nhất thời bị mất lý trí vì phẫn nộ, thì sẽ lọt vào tròng của Hạng Võ. Bất luận thế nào ông cũng không thể làm thay đổi cục diện mà phải chong mặt giằng co, vì sự giằng co kéo dài là việc có lợi đối với quân Hán, trong khi đó thì quân Sở ngày càng mệt mỏi, chính là cách làm suy nhược chúng. Nay Hạng Võ muốn giết con tin, cho thấy ông ta đang gặp khó khăn không lối thoát. Suy nghĩ đến đây, Lưu Bang cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng. Ông thản nhiên nói to với Hạng Võ:
- Ta và ngươi cùng khởi binh chống Tần và từng kết nghĩa anh em, vậy cha ta chính là cha ngươi, nếu ngươi muốn bỏ cha ngươi vào chảo để nấu, thì hãy chia cho ta một chén canh!
Hạng Võ tuyệt đối không thể tưởng tượng được Lưu Bang lại là người vô lại đến mức đó, đứng trước việc người cha sắp chết mà hoàn toàn không có xúc động gì. Hạng Võ nghĩ bụng: "Hôm nay ta sẽ giết cha ngươi trước mặt ngươi, thử xem nhà ngươi có xúc động hay không?" Thế là, ông ta xuống lệnh cho binh sĩ hành hình. Lúc bấy giờ, Hạng Bá đang đứng bên cạnh không còn im lặng được nữa. Hạng Bá trong buổi tiệc Hồng môn đã kết huynh đệ với Lưu Bang, và hứa sẽ làm thông gia với nhau, vậy chả lẽ không can thiệp vào. Ông ta bèn lên tiếng khuyên ngăn Hạng Võ:
- Chuyện trong thiên hạ sẽ diễn tiến ra sao, trong nhất thời vẫn chưa tiên liệu được. Người tranh thiên hạ đều không nghĩ tới gia đình, vậy Đại Vương có giết cha ông ta đi nữa, đối với mình cũng là đièu vô bổ, mà chỉ gây thêm hận thù mà thôi. Vậy chi bằng để ông ta sống, và dùng ông ta để kềm chế Hán Vương.
Hạng Võ không hiểu được nguyên do chân chính trong lời khuyên của Hạng Bá, ông ta chỉ biết Hạng Bá là chú ruột của mình, vậy lời nói của chú thì cần phải nghe theo. Ông ta thở dài ra lệnh áp giải Thái Công và Lưu Trĩ trở về chỗ giam.
Tiếng kêu la đã êm hẳn, tất cả đều đã trở lại tình trạng bình thường, đôi bên vẫn đắp lũy chong mặt nhau giữa một cái hố sâu ngăn cách.
Thà là đấu trí chứ không đấu lực
Suốt mấy ngày qua, Hạng Võ lúc nào cũng đứng ngồi không yên, ông thường đi một mình đến bờ vực Quảng Võ ngăn cách với quân Hán, thẫn thờ đưa mắt nhìn doanh trại của quân Hán ở phía bên kia. Những doanh trại đó chẳng khác gì những nấm mồ yên lặng. Binh sĩ của quân Hán đang đi lại một cách ung dung, hoàn toàn không tỏ vẻ gì là họ đang đứng trước một kẻ địch mạnh hơn họ hết. Chừng như họ không cần biết bên kia bờ vực đang có mặt quân Sở, và cứ thản nhiên làm những việc cần làm của họ. Ngoại trừ một thiểu số binh sĩ có nhiệm vụ canh gác, còn tất cả những binh sĩ khác đều ở trong doanh trại nghỉ ngơi, hoặc đi tản bộ ở bên ngoài một cách tự do. Họ không hề cảnh giác đối với việc bị quân Sở đột kích, vì cái vực sâu chắn ngang giữa họ và quân Sở đã buộc kỵ binh của quân Sở phải dừng bước!
Do đôi bên chỉ cách nhau có 100 bộ, nên tất cả mọi việc làm của quân đội hai bên họ đều trông thấy rõ. Cứ mỗi lần Hạng Võ nhìn sang doanh trại của quân Hán, là trong lòng ông lại càng thêm tức giận và sốt ruột. Ông muốn bay ngang vực sâu để sang bên kia sát phạt quân Hán cho thỏa cơn giận trong lòng. Có một lần ông không dằn được sự tức giận, nên đã to tiếng la:
- Bọn tàn quân bại tướng của quân Hán! Bọn các ngươi có dám ra đánh nhau không? Bọn bây suốt ngày chui rúc trong doanh lũy thì nào phải là chuyện hay ho gì!
Tiếng nói vang rền của Hạng Võ vượt qua vực sâu Quảng Võ, truyền đến doanh trại của quân Hán, gây ra tiếng vang âm liên tục trong các vách núi. Nhưng không có ai trả lời, và cũng không có ai xuất hiện. Tất cả quân Hán đều không để ý chi tới ông ta, mà chỉ có tiếng vang bay lăng lẳng trên bầu trời, chừng như đang chế giễu, chọc tức Hạng Võ.
Hạng Võ bỗng thấy đó là điều sỉ nhục đối với mình, nên từ tay một binh sĩ đứng hầu ở bên cạnh, lấy một chiếc cung và một mũi tên bắn thẳng lên bầy chim đang bay vần trên bầu trời. Sau một tiếng kêu đau thương, con chim trúng tên từ trên trời rơi xuống tận đáy hố sâu, nhanh chóng bị dòng nước chảy xiết dưới dấy hố nuốt chửng. Lúc bấy giờ tâm trạng yếu mềm của Hạng Võ càng yếu mềm hơn, ông hối hận vì đã giết chết một con chim vô tội. Ông lắc đầu như trách móc sự tàn nhẫn crua mình, mà cũng như hối hận trước hành động lỗ mãng đó. Nhưng , khi ông đưa mắt nhìn sang bên kia bờ vực, thấy quân Hán đang dựng lều trại thì tất cả những tình cảm yếu mềm đó liền bay đi mất và thay thế vào đó là một thứ tình cảm nôn nóng muốn quyết chiến với quân Hán.
Cứ chong mặt nhau kéo dài từ ngày này sang ngày khác không phải là một cách hay. Ông ta không chịu đựng được trước tình hình đó. Về mặt tâm lý, về mặt tinh thần, ông ta cũng không thể nào chịu đựng được. Ông ta là một con người dứt khoát, chỉ muốn đánh nhau cho nhanh, để sau đó được sống một cách thoải mái, thậm chí được chết cũng thoải mái. Trái lại, nếu cứ kéo dài tình trạng không chết không sống, bất chiến bất hòa như thế này, thì rõ ràng là một cách tàn phá tinh thần. Ông không sợ đánh nhau, dù phải đánh nhau với một kẻ mạnh hơn ông cũng không sợ, dù tình thế có nguy hiểm tới đâu, ông cũng có thể ứng phó được, nhưng ông không muốn đánh kiểu giằng co như thế này. Vì đánh như vậy thì làm sao gọi là đánh giặc, mà đó chính là một sự đọ sức, một sự đối kháng bằng sức mạnh, không đọ sức mà chỉ đóng chong mặt kéo dài như thế này thì để làm gì chứ?
Một điều lo ngại và cũng là một thứ áp lực nặng nề hơn đối với Hạng Võ, chính là lương thảo của quân đội ngày càng thiếu thốn, từ đó tinh thần của binh sĩ bị tụt giảm. Ông không thể nào tiếp tục kéo dài tình trạng này, bằng không tinh thần của mấy chục vạn binh sĩ dưới quyền chỉ huy của ông sẽ bị sụp đổ. Ông phải tìm cách giải quyết dứt khoát.
Ngày hôm đó, Hạng Võ ra lệnh cho viên quân lại thảo một lá thư, nội dung vắn tắt, đại ý mời Lưu Bang bước ra khỏi doanh trại cùng đứng hai bên bờ vực nói chuyện với nhau, đồng thời, ông cũng hẹn rõ thời gian.
Lá thư được buộc trên đầu mũi tên bắn sang doanh trại của quân Hán. Lưu Bang sau khi tiếp được thư, ngồi suy nghĩ thật lâu. Trước đây, khi Hạng Võ muốn thả Thái Công vào chảo nước sôi là nhằm để khích Lưu Bang, Lưu Bang vốn có thể lánh mặt không bước ra, nhưng làm như vậy rõ ràng là người khiếp nhược, không có lợi đối với sĩ khí dưới quyền chỉ huy của mình. Đứng trước việc người cha già sắp bị bỏ vào chảo nước sôi, Lưu Bang không hề giận dữ xua quân ra đánh nhau với Hạng Võ, là vì đó là một thứ sách lược, tức một thứ sách lược bất nghĩa. Nếu xua quân ra đánh nhau với Hạng Võ, chẳng những không thể cứu được Thái Công mà trái lại còn có thể hao quân tổn tướng, thậm chí bị tiêu diệt cả toàn quân. Lưu Bang không bị khích, không tức giận, mà chỉ dùng mấy câu nói giản đơn để gán tội thí phụ bất hiếu cho Hạng Võ, tránh được một hành động quân sự mù quáng. Lưu Bang còn nhớ lại chuyện đã qua, cảm thấy việc đấu tranh với kẻ thù cũng phải có lý, có lợi, có mức độ và có sách lược. Nếu từ chối cái hẹn của Hạng Võ thì quân Sở sẽ chê cười và bộ hạ của mình cũng cho chủ soái của họ là kẻ bất tài, vậy nên bước ra để đôi bên đứng cách nhau một cái vực sâu cùng nói chuyện. Nhưng, cần phải giống như lần trước, là bản thân mình phải tự khắc chế tình cảm, không để bị những lời chửi rửa làm hỏng đi chính sách lớn của mình.
Cuộc nói chuyện từ hai bờ vực giữa Lưu Bang và Hạng Võ diễn ra vào một buổi sáng tốt trời. Đôi bên chỉ dẫn theo mấy người tùy tùng, từ hai bờ vực họ thấy nhau rất rõ, và do không có gió nên họ cũng nghe rõ tiếng nói của nhau. Hai người trước tiên vòng tay chào nhau một cách phải phép, sau đó Hạng Võ nói trước:
- Thiên hạ đại loạn đã kéo dài suốt mấy năm là do hai ta gây ra. Tôi bằng lòng một mình khiêu chiến với ông để so tài cao thấp, sống chết là do ý trời. Như thế mới có thể mau chóng kết thúc cuộc đấu tranh của chúng ta, giúp bá tánh trong thiên hạ tránh được đau khổ. Vậy Hán Vương thấy thế nào? Nếu ông bằng lòng thì thời gian, địa điểm, phương thức quyết chiến sẽ do ông chọn lựa!
Lưu Bang nghe xong trong lòng cảm thấy tức cười. Việc tương tranh giữa Sở và Hán chính là một sự tranh giành quyền làm chúa tể của quốc gia, tranh giành sơn hà xã tắc, chứ nào phải là một sự quyết đấu giữa cá nhân. Tên thất phu Hạng Võ quả là ngu xuẩn!
Lưu Bang tất nhiên không đồng ý cách quyết đấu giữa hai cá nhân của Hạng Võ. Vì ông hiểu rõ Hạng Võ là một thanh niên, có sức khoẻ hơn người, anh dũng vô song, nếu đọ sức tay đôi với ông ta thì làm sao giành được thắng lợi? Quyết đấu chính là sự mong muốn của Hạng Võ, nếu làm theo ý của ông ta thì sẽ lọt vào tròng của ông ta mà thôi. Chỉ có những người ngu dại mới làm như thế! Với một người giỏi đoán tâm lý như Lưu Bang, từ thái độ nôn nóng muốn đánh nhau của Hạng Võ, đã thấy được tình hình của quân Sở đang gặp rất nhiều khó khăn, bằng không thì ông ta đâu lại muốn quyết chiến để kết thúc cuộc đấu tranh này? Điều đó chính là điều mà Lưu Bang mong muốn. Cho nên ông không khỏi mừng thầm trong lòng, vì chính sách cố thủ không ra đánh nhau, rõ ràng là một sách lược sáng suốt làm cho tinh thần của quân Sở bị sụp đổ, nên Lưu Bang liền nói với Hạng Võ:
- Tôi không có ý muốn tranh hùng với đệ, tôi bằng lòng đấu trí chứ không muốn đấu lực.
Hạng Võ nói:
- Chiến tranh chính là đấu lực, nếu không đấu lực thì làm sao gọi là chiến tranh?
Lưu Bang cười đáp:
- Lão đệ nói sai rồi, binh gia có câu "Thượng binh phạt mưu" (quân giỏi đánh bằng mưu lược), ai nhiều mưu lược thì người đó thắng, không cần đánh mà vẫn khuất phục được người khác mới thực sự là người hiểu về binh pháp. Chỉ xem trọng việc dùng sức mạnh để giành thắng lợi, thực ra đó không phải là điều hay!
Kể từ ngày Trương Lương về với Lưu Bang, Lưu Bang đã học hỏi ở Trương Lương về phép dụng binh, nên cũng biết một ít vấn đề mưu lược. Nay đứng trên hai bờ vực nói chuyện với Hạng Võ, ông đã đem những gì học được trước đây ra dùng. Nếu so với một thất phu lấy cái dũng của mình để chiến đấu như Hạng Võ, thì Lưu Bang hiển nhiên như một nhà quân sự giỏi về thao lược, thuộc làu binh thư.
Về mặt này, Hạng Võ thực ra tự thấy mình không bằng. Hạng Võ rất ít đọc sách và cũng không tranh luận với Lưu Bang về một vấn đề mà theo ông là hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Ông ta chỉ muốn mau chóng quyết đấu với Lưu Bang, đọ sức với nhau bằng binh lực, xem ai cao ai thấp. Ông ta thấy sự khiêu chiến của mình không có hiệu quả, bèn cho ba tên tráng sĩ đứng ra khiêu chiến, đồng thời, giễu cợt và nhục mạ thẳng thừng Lưu Bang.
Lưu Bang không cho bộ hạ của mình ăn miếng trả miếng, mà âm thầm ra lệnh cho một thần xạ thủ là người bộ lạc Lâu Phiền, giương cung bắn về phía ba tráng sĩ của Hạng Võ, tức thì cả ba đều té quỵ xuống đất.
Hạng Võ nổi giận, mặc áo giáp, tay cầm kích sắt to tiếng khiêu chiến với quân Hán. Xạ thủ Lâu Phiên giương cung định bắn Hạng Võ, nhưng Hạng Võ kịp thời trông thấy, giương mắt tròn xoe, quát to một tiếng làm chấn động cả trời đất, khiến xạ thủ Lâu Phiên không dám nhìn thẳng, hai tay phát run, loạng choạng bỏ chạy trở về.
Sau đó, Hạng Võ nhắc lại yêu cầu quyết đấu với Lưu Bang, nhưg Lưu Bang không bằng lòng. Lưu Bang một lần nữa nhắc lại mình chỉ muốn đấu trí chứ không bằng lòng đấu lực, mặt khác, ông lại lớn tiếng kể tội Hạng Võ để chọc tức và làm nhục ông ta. Lưu Bang nhắc lại chuyện cũ, nói lại với Hạng Võ:
- Nhà ngươi tội trạng rất to, ông trời không bao giờ tha thứ cho nhà ngươi đâu! Tội thứ nhất, nhà ngươi đã làm trái với những điều mà Nghĩa Đế đã giao ước, đuổi ta vào đất Ba Thục, Hán Trung. Đó là đại bất nghĩa. Thứ hai, nhà ngươi giả mạo chỉ lệnh của Sở Hoài Vương, giết chết Khanh Tử Quán Quân Tống Nghĩa, và tự mình cướp đoạt tôn hiệu Thượng Tướng Quân. Đó là phạm thượng, là nổi loạn. Tội thứ ba, sau khi nhà ngươi đưa quân cứu Triệu, đáng lý phải trở về báo cáo với Sở Hoài Vương, nhưng ngươi lại tự ý chiếm lấy quân của các chư hầu, kéo vào Quan Trung. Đó là miệt thị sự tôn nghiêm của Sở Hoài Vương. Tội thứ tư, là từng có sự hạn chế, sau khi vào đất Tần thì không cho phép cướp bóc, nhưng nhà ngươi lại thiêu hủy cung điện của vương triều nhà Tần, đạo mộ Tần Thủy Hoàng lên để lấy những của cải quý báu bỏ túi riêng. Đó là nhà ngươi đã đi theo vết xe đổ của bạo Tần. Tội thứ năm, Tần Vương Tử Anh vốn đã quy hàng, thế mà nhà ngươi vẫn giết ông ta, đó là không kể gì tới chữ Tín, chữ Nghĩa. Tội thứ sáu, nhà ngươi đã giết hơn hai chục vạn hàng binh Tần, nhưng lại phong cho viên tướng của Tần là Chương Hàm làm vương. Sự tàn nhẫn như thế khiến ai ai cũng căm hận. Tội thứ bảy, nhà ngươi phong cho các tướng lãnh chư hầu từng theo ngươi làm vương ở những vùng đất trù phú, còn đất của Tề, Triệu, Hàn thì lại đuổi họ đi một cách vô lý, khiến bề tôi của họ tranh nhau nổi loạn. Đó là một sự bất công hết sức to lớn. Tội thứ tám, nhà ngươi đuổi Nghĩa Đế ra khỏi Bành Thành, và chiếm lấy Bành Thành làm kinh đô, lại cướp đất của Hàn Vương, sáp nhập đất Lương vào Sở. Đó là túi tham không đáy, hèn hạ. Tội thứ chín, nhà ngươi phái người bí mật đi ám sát Nghĩa Đế tại vùng Giang Nam. Tội thi quân đó càng là đại nghịch vô đạo. Tội thứ mười, nhà ngươi cai trị bất công, nói ra không biết giữ chữ Tín, mất hết nhân tâm, lẽ trời khó dung. Còn ta là một đạo quân nhân nghĩa, đã cùng với các chư hầu diệt tàn bạo, hành động đúng với lẽ công bằng. Một tội nhân như nhà ngươi ta chỉ dùng một số ít những kẻ tù tội được tha cũng đủ đánh dẹp rồi, hà tất phải nhọc tới ta phải đánh nhau với nhà ngươi!
Những lời nói của Lưu Bang chẳng khác gì những cây kim đâm vào quả tim của Hạng Võ. Mười tội trạng mà Lưu Bang nêu ra, đối với Hạng Võ là hoàn toàn bịa đặt, hoàn toàn vu khống, là đổi trắng thay đen. Việc đốt cung điện nhà Tần, giết hàng quân của Tần thì có tội gì đâu? Tần Vương đã vơ vét của bá tánh, làm cho cả thiên hạ đều phải chịu cảnh khổ thì tất nhiên phải chịu sự báo ứng đó. Còn việc giết Tử Khanh Quán Quân Tống Nghĩa đoạt lấy chức Thượng tướng quân chính là một việc làm bất đắc dĩ. Nếu không trừ đi cục đá vướng chân đó thì làm sao tiêu diệt được nhà Tần? Hạng Võ cũng cơ bản không thừa nhận đã giết Nghĩa Đế, còn việc cắt đất phong hầu cũng không có gì sai trái. Ông ta cho rằng những việc làm của mình đều hoàn toàn chính đáng, không có chi phải chỉ trích. Hạng Võ đối với mười tội trạng mà Lưu Bang nêu ra chỉ cười rồi bỏ qua. Ông không muốn phản bác Lưu Bang vì đó là điều hoàn toàn không cần thiết. Chỗ Hạng Võ tức giận Lưu Bang nhất, là những câu nói sau cùng. Ông ta nghĩ bụng: Tây Sở Bá Vương ta là anh hùng cái thế, đầu đội trời chân đạp đất, vậy nào chịu để cho Lưu Bang nhà ngươi khinh thường. Hôm nay ta phải cho nhà ngươi biết tay ta!
Hạng Võ bèn lắp tên vào cung và kéo cây cung thành một hình tròn, rồi nhắm thẳng vào Lưu Bang bắn vèo ra. Mũi tên đi thật chính xác, cắm đúng vào ngực của Lưu Bang, Lưu Bang hết sức đau đớn, suýt nữa buột miệng kêu lên thành tiếng, nhưng vì sợ bộ hạ của mình trông thấy khiến tinh thần binh sĩ bị hỗn loạn, nên giả vờ cúi xuống nắm lấy bàn chân, to tiếng mắng:
- Khá khen cho tên tặc tử, đã bắn trúng ngóng chân ta!
Lưu Bang bị thương ở ngực nhưng giả vờ bị thương ở chân, và không hề để lộ cho mọi người biết. Điều đó cho thấy Lưu Bang là một người vừa lanh trí vừa khôn ngoan, lại có tính kiên nghị ngoan cường. Năng lực ứng biến của ông không phải người thường có được. Lưu Bang biết Hạng Võ vì quá thẹn nên đổ quạu, đã dùng cung tên bắn ông là muốn giết chết ông. Vậy, nếu để cho Hạng Võ biết mình bị thương ở ngực sẽ khiến cho Hạng Võ vui mừng. Một người như Lưu Bang, dù bị đau đớn tới đâu cũng không muốn để cho kẻ thù căm thấy hả hê, lấy đó làm câu chuyện vui cười cho chúng, khiến chúng càng thêm lên mặt, cũng như khiến tinh thần binh sĩ của mình bị hoang mang. Hơn nữa, kẻ thù trước mặt ông chính là một kẻ thù không đội trời chung, có ta thì không có nó, dù cho mình có chết cũng không để cho Hạng Võ nhìn thấy thi thể. Những con mãnh cầm, những con mãnh thú trong trời đất, chẳng phải đều làm như thế hay sao? Một khi bị thương, chẳng phải nó vẫn thường tìm đến một góc xó nào đó mà kẻ thù không biết được để âm thầm chịu đưng nỗi đau khổ riêng của mình đó sao? Nhưng, nói cho cùng thì vết thương của Lưu Bang quá nặng, trong khi ông ta cắn răng cố giữ bình tĩnh trở về tới doanh trại, thì trước mắt đã tối sầm, ông té xuống giường hôn mê bất tỉnh...