Chương 10
Tác giả: Tiểu Ngọc
Từ khoảng năm Bính Thìn, các anh hùng võ lâm lục tục kéo vào phương Nam lập nghiệp cũng nhiều. Bọn Sáu Lùn, Nguyễn Nhuệ cùng với nhóm Võ Đang Công Thần khuynh đảo giang hồ, quyền sinh quyền sát. Độc chiếm các võ đài, bảo hoàng hơn vua, bọn đệ tử của Võ Đang Toàn Chân xưng hùng xưng bá chẳng khác gì các sứ quân ngày xưa. Lẫn lộn trong đoàn quân đó, cũng có những bậc đại hiệp uy danh lừng lẫy như Mã Khởi, Sáu Lùn, Nguyễn Nhuệ, Nguyễn Mạnh, Bùi Minh v.v... nhưng cũng có cả những tên lưu manh đầu đường xó chợ chen vào.
Thời ấy, làn sóng “hành phương Nam” làm cho võ lâm xao xuyến, kẻ đi người ở, kẻ khóc người cười, vui buồn lẫn lộn.
Đúng là:
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Tráng sĩ hề! Ra đi không về!
Nước lạnh ghê
Lòng buồn tái tê...
Nào phụ mẫu, nào phu thê!
Lích kích đồ đạc,
Lủng củng tàu xe.
Cô, dì, chú, bác,
Nước mắt dầm dề.
Chí lớn hề! Tiêu hoang cho hết!
Mắt đỏ hề! Rồi sao hãy hay!
“Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say” [1]
Đất trời dài rộng,
Chan hoà nước mây.
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Thôi cứ liều mình như chẳng có,
Trông chờ số phận rủi may.
“Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” [2]
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Tráng sĩ hề! Ra đi không về!
Có người làm nên danh phận,
Còn được mát mặt thoả thuê.
Công lênh dồi dào hiển hách,
Gia thế cũng lại đề huề.
Có người lỡ lạc bước,
Tay trắng lại trắng tay.
“Hỡi ơi nhiếp chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây” [3]
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Kẻ cười người khóc
Tráng sĩ hề! Ra đi không về!
Anh hùng ai tỉnh ai mê?
Ai thua, ai được, ai huề, hỡi ai?
Làn sóng “hành phương Nam” ấy còn kéo dài tới mười, mười lăm năm sau, chừng khoảng hai thập kỷ. Các anh hùng võ lâm rồi cũng dần dần ổn định. Tuy nhiên, trong giang hồ cũng không có xáo động gì nhiều, trừ dăm ba cuộc thư hùng của bọn Nguyễn Mạnh, Nguyễn Nhuệ, Bùi Minh... đại để hình dung giống như một người đàn bà đang vật mình vật mẩy khó chịu hoặc như con rắn đang lột xác.
Vậy thế nào là người đàn bà vật mình vật mẩy khó chịu?
Đấy mới thực là:
Thiếp đang ốm dở,
Chớ có đụng vào.
Công thiếp rất lớn,
Chàng đãi bạc sao?
Thiếp đâm thiếp chém,
Thiếp khóc thiếp gào.
Cơm chẳng buồn nuốt,
Đi ra đi vào.
Lành thì làm gáo,
Vỡ thì làm muôi!
Thiếp đang sốt tiết,
Như thùng dầu sôi!
Ly thân cũng được,
Thôi thì chia tay.
Bát nước hắt xuống,
Trăm đắng ngàn cay.
Trời nghiêng đất ngả,
Thoả cơn hận này!
Vậy còn thế nào là con rắn đang lột xác?
Đấy mới thực là:
Khôn ngoan lanh lợi,
Nham hiểm khôn lường.
Nanh nọc cực độc,
Chui lủi, tránh đường.
Thận trọng, ý tứ,
Rúc vào rãnh mương.
Từ từ lột xác,
Da dẻ nõn nường.
Tựa như trẻ lại,
Như thời cốm hương.
Quên phắt quá khứ,
Chẳng thèm vấn vương.
Xác khô vứt bỏ,
Lại nguyên vẻ thường.
Vung vinh trưởng giả,
Trông thật dễ thương.
Ra điều hiền hậu,
Như ăn chay trường...
Với thời gian, rồi cũng chẳng ai nhớ đến vị anh hùng nào đánh đấm cái gì, hay dở được mất cái gì... Vật mình vật mẩy, nửa cười nửa khóc, nhiều người cũng muốn quên đi chính mình... Tuy thế, trong giang hồ, cũng có những bậc anh hùng kỳ nhân mà dù thời cuộc thay đổi, biến thiên thế nào đi nữa người ta vẫn cứ còn nhắc tới. Một trong những người như thế là Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp tiền bối.
Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp tiền bối sinh thời luyện chưởng mười lăm năm với đàn dê núi, gọi dê là sư phụ. Y hay vác cây đại thiết bổng đi khắp các nơi. Y không đánh nhau với ai, chỉ tự mình đánh nhau với cái bóng của mình suốt cả ngày đêm. Trò đời ở trong giang hồ, đánh nhau với mình là khó nhất. Vì sao vậy? Vì mình rất hiểu ta, vì ta rất hiểu mình, tẩu hoả nhập ma như bỡn.
Thế mới gọi là:
Ta cũng định làm như người thiên hạ,
Sực nhớ ta lại chẳng phải là ta!
Ta xin phép hỏi ta là gì nhỉ?
Giữa miên trường, ta đánh một mình ta!
Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp không thu nạp đệ tử, học trò, kiếm pháp của y vì thế thất truyền. Sau này cũng có người muốn học theo nhưng không làm sao học được, vì muốn như thế ắt phải ở với dê núi, dễ gì đã ai ở được?
Cho nên:
Tự đánh mình, nào đâu phải dễ
Kiếp phù du, cái thế mà chi?
Trong giang hồ còn có thay đổi thế nào, ai còn ai mất, xin đọc sang chương 11.