Chương 14 & 15
Tác giả: Tiểu Ngọc
Sau khi công thành danh toại, một hôm Đồng Đức Tứ quay trở lại nơi xóm vắng, tìm đến ngôi nhà có pho tượng Phật ở giữa vườn. Y thấy phong cảnh ở đây cũng không có gì khác lạ so với mười, mười lăm năm trước. Chủ nhà niềm nở đón y vào nhà y hệt như xưa. Hai người nói chuyện.
Đồng Đức Tứ nói:
“Mười lăm năm trước, ta chỉ là một kẻ vô danh, đi đến đâu ai cũng coi thường, bụng lúc nào cũng lép kẹp như con sói đói, ấy thế mà vui. Ta nay công thành danh toại, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, lên xe xuống ngựa, sơn hào hải vị đủ mùi, ấy thế mà lòng lúc nào cũng buồn ngăn ngắt. Thế là thế nào? Chẳng lẽ cuộc đời con người vô nghĩa lý như thế hay sao?’’
Chủ nhà nói:
“Các hạ có bao giờ để ý đến chữ “thường” và chữ “vô thường” người ta vẫn nói hay không? Trên thế gian này mọi sự vẫn thường, sinh lão bệnh tử là lẽ tự nhiên. Con người muốn thay đổi nó, tìm cái vô thường, cuối cùng vẫn rơi vào cái thường nên lòng dạ chua xót. Thà rằng chấp nhận cái thường, ung dung tự tại, từ bi hỷ xả, vui vẻ thõng tay đi lại trong cuộc đời này, có phải hơn không?’’
Đồng Đức Tứ nói:
“Người cứ toàn nói những thứ khó hiểu. Khó nghe lắm! Khó nghe lắm! Mỗi người một cảnh, không thể ai cũng như nhau được!’’
Đồng Đức Tứ đứng dậy loay hoay đi ra bên ngoài pho tượng Phật, thấy có nhiều cây có bóng mát, bèn đến đấy ngả lưng... Y mơ mơ màng màng, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Đúng là:
Nhẹ nhàng giấc ngủ mê man,
Tĩnh tâm, dứt bỏ vọng niệm.
Tự tính chân như ấy chân Phật,
Mở mắt thấy Tà kiến, thấy Ma vương.
Trong tâm tà kiến sinh dữ độc,
Hai bên tranh đấu ấy không cùng.
Chính kiến tự trừ tâm dữ độc,
Ma biến thành Phật chẳng phải sao?
Giác ngộ bản tâm thấy tự tính,
Vạn pháp quy tâm chẳng phải nào?
Hỏi ai ra được vòng sinh tử,
Tử sinh, sinh tử có làm sao?
Dâm tính ấy là nhân tính đấy,
Trừ dâm chính đạo, tịnh vô nhiễm.
Tịnh vô nhiễm, xa lìa sắc dục,
Trở về tự tính, ấy là chân.
Cầu chân với chẳng cầu chân,
Nếu ở tâm mình tự thấy chân.
Giấc ngủ say sưa dứt vọng niệm,
Thõng tay vào chợ, đợi hoá thân.
Ung dung tự tại, từ bi hỷ xả,
Nếu thành tâm, ắt nhận ra chân!
Đồng Đức Tứ ngủ mơ màng, y thấy mình đi, đi mãi, đến một nơi thấy có rất nhiều người đang vác đất xây đắp cái gì đó, tất cả đều như các thợ đấu chuyên nghiệp, ai trông cũng lực lưỡng.
Y hỏi một người:
“Ở đây đang làm gì vậy?’’
Người kia bảo:
“Sư huynh không biết à? Ở đây đang đắp đất để võ lâm làm đàn tế trời.’’
Đồng Đức Tứ hỏi:
“Sao ta không biết?’’
Người kia bảo:
“Ai biết thì làm, không biết thì thôi.’’
Đồng Đức Tứ bảo:
“Để ta góp một tay.’’
Thế rồi cũng xắn tay áo vào đào đất, đắp đất như mọi người. Làm trong một tháng trời thì xong. Đó là một cái đàn tế hình tròn, có giật ba cấp, có cửa mở ra bốn phương tám hướng. Trước đàn tế có khoảng đất rộng, bằng phẳng, hai bên xây hai dãy nhà chờ để khám thịt tế với làm nơi chuẩn bị lễ vật. Trước đàn tế có cắm một lá cờ suý.
Ngày rằm tháng Giêng võ lâm khắp nơi về tụ hội rất đông đủ. Ở tầng thứ nhất đàn tế, cắm 36 lá cờ tượng trưng cho 36 ngôi sao Địa sát, có 36 đồng tử cầm cờ. Ở tầng thứ hai đàn tế, cắm 36 lá cờ tượng trưng cho 36 ngôi sao Thiên cang, có 36 đồng tử cầm cờ. Trên tầng thứ ba đàn tế có lập đàn tràng, bàn thờ, cũng cắm 36 lá cờ thất tinh, có 36 đồng tử cầm cờ. Hai bên cửa có hai cái phướn đề chữ: “Nguyên khí giang san, Thế thiên hành đạo”. Xung quanh đàn tràng thắp nến, đêm đến sáng rực cũng như ban ngày.
Bắt đầu vào tế. Người xướng lệnh hô to:
“Mọi người vào chỗ, lo việc của mình!’’
Trống tế đánh ba hồi chín tiếng. Có 108 vị anh hùng ở trong võ lâm mặc lễ phục đứng vào chỗ trên hai bên bậc thềm tế.
Người xướng lệnh hô to:
“Tấu nhạc, nghinh thần!’’
Ngoài sân dàn nhạc tấu nhạc, tiếng đàn tiếng sáo, tiếng chuông tiếng khánh, tiếng trống tiếng kèn... hoà lẫn vào nhau rộn rã. Có 18 đồng nam, 18 đồng nữ múa theo tiếng nhạc rồi đứng dàn ra hai bên cửa đàn tế.
Người xướng lệnh lại hô to:
“Nhạc dừng lại!’’
Thế là âm nhạc dừng. Người xướng lệnh lại hô to:
“Chủ tế vào chỗ.’’
Thế là những người được cử ra dâng lễ đứng vào chỗ, theo lệnh của người xướng lễ lần lượt quỳ lạy dâng lễ ba lần. Các đồ hiến lễ gồm có: hiến tửu (dâng rượu), hiến ngọc (dâng ngọc), hiến bạch (dâng lụa), hiến tắc (dâng xôi), hiến soạn (dâng cỗ). Người chủ tế đọc văn tế. Sau khi lễ tất, lần lượt các vị anh hùng ở trong võ lâm đều đến dâng hương, cả thảy có 108 người. Trong số những người đó, Đồng Đức Tứ nhận ra Nghĩa Đô đại hiệp, Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi, Mã Khởi, Sáu Lùn, Nguyễn Nhuệ, Trần Đăng Tài, Lê Hựu, Hoàng Lão Quái v.v... và rất nhiều những người khác nữa, có người y biết tên, có người y không biết tên. Trong số ấy, thấy có cả Chế Tiểu Thư, con gái của Chế Giáo Đầu, vừa đi vừa sụt sịt mũi.
Đồng Đức Tứ đang rẽ đám đông đi ra thì bỗng có tiếng cười nói ầm ầm bên tai. Y đang đứng ở trên cầu nhìn xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy thì bỗng có người chen huých, đẩy mạnh y một cái khiến y ngã vật ra, giật thót mình, mồ hôi túa ra như tắm. Y giật mình tỉnh dậy thì thấy mình vẫn nằm dưới bóng cây bên pho tượng Phật.
Y vào nhà, kể lại giấc mơ cho người chủ nhà nghe rồi nằng nặc đòi ra đi.
Chủ nhà hỏi y:
“Xin hỏi các hạ, trong giấc mơ, các hạ thấy mình đứng ở chỗ nào ở trên đàn tế?’’
Đồng Đức Tứ nói:
“Ta không biết, ta chỉ cảm thấy có người bảo ta vào để ấn chứng rồi thay mũ thay áo cho ta, dắt ta lên đàn.’’
Chủ nhà hỏi:
“Xin hỏi các hạ, thế các hạ định sẽ đi đâu bây giờ?’’
Đồng Đức Tứ nói:
“Ta sẽ đi về chỗ bắt đầu của ta. Trở về với mẹ ta thôi...’’
Chủ nhà không nói gì nữa, tiễn y ra cổng, hai bên cứ lưu luyến mãi không rời.
Thế là:
Trở về với mẹ ta thôi
Trở về đúng chỗ, đúng nơi bắt đầu.
Ngoài kia bãi bể nương dâu
Bóng chim tăm cá, còn đâu anh hùng?
Muốn có cái nhìn khái quát về võ lâm ở trên giang hồ và biết thêm những chuyện ái, ố, hỷ, nộ gì nữa, xin đọc chương 15.
Chương 15
Võ lâm danh bất hư truyền
Chung cuộc từ bi hỷ xả
Đời con người ta nói dài thì là dài, nói ngắn thì là ngắn. Có người nói đời nên có danh lợi, lại có người nói đời không nên có danh lợi v.v... Đại để như thế. Tất cả những chuyện như thế đều là những chuyện thị phi, loanh quanh về hoạ phúc, thiện ác, hữu vô... Có ý nghĩa gì đâu so với sự trường cửu của Trời Đất?
Lão Tử xưa cho rằng Trời Đất vẫn thường thản nhiên vô tình đối với số phận con người: “thiên địa bất nhân (không có lòng nhân), coi vạn vật như loài chó rơm”. Trời Đất sở dĩ dài lâu vì đã không sống cho mình. Các bậc thánh nhân, các bậc anh hùng nhiều khi họ có được tên tuổi dài lâu cũng chẳng qua vì họ đã “để thân ra sau mà thân ở trước, để thân ra ngoài mà thân đặng còn”. Cái đức tính “quên mình” mà thành được mình vốn là lẽ tự nhiên mà thôi. Trò đời, khi “lộ thân” cũng là lúc con người đứng ra làm bia đỡ cho hòn tên mũi đạn, làm trò cười cho thiên hạ. Lão Tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Không biết được! Không biết được! Gọi hay cũng là hay! Gọi dở cũng là dở! Chỉ có điều cuối cùng vẫn là “vạn pháp quy tâm”, thế mới trở thành những câu chuyện kể trên đầu môi chót lưỡi của người đời mãi mãi.
Tiểu thuyết là những câu chuyện thị phi, không đáng tin cậy, vào lỗ tai ra lỗ miệng. Người này được gọi là anh hùng ư? Là quân tử ư? Người kia được gọi là tiểu nhân đê tiện ư? Quan trọng không phải ở chỗ đó. Quan trọng nhất, không phải những gì trong sách nói với mình, mà là những gì trong sách đã khêu gợi được ở nơi lòng mình.
Có bài tự thán sau đây:
Nhớ năm xưa, thời thế đổi thay, vận hội đến!
Ta vốn là thường dân, nào đâu có chí gì hơn người.
Chớp thời cơ, qua sông gí tốt,
Lòng cứ đau đáu không thôi.
Xấu hổ, mấy phen ngâm ngợi,
Múa may, cũng lắm trò cười!
Giữ mình thế nào?
Cứ nhớ lời Lão Đam dặn Lão Nhĩ mà lo sợ [2]
“Chờ được vạ, má đã sưng”.
Ai hiểu cho lòng ta đau đáu,
Ngày đêm cuồn cuộn khôn nguôi.
Nay ta già rồi,
Tóc bạc rồi.
Ê chề nơi giang hồ...
Nhờ phúc tổ tông,
Đất Trời xui khiến,
Thần linh bảo trợ,
Phật độ hàng ngày.
Thật là may, thật là may!
Gặp người tri kỷ,
Hiểu tấm lòng ngay.
Chịu ơn tri ngộ,
Giúp rập bấy nay!
Thoả chí bình sinh,
Không còn vọng niệm.
Từ bi hỷ xả, tâm giữ thường ngày.
Vậy nên:
Chép chuyện hay, làm vui thiên hạ
Lòng thành tâm, xin tạ chúng sinh.
Kìa trông non nước hữu tình,
Soi gương lại thấy bóng mình trong gương...
Viết tại Hà Nội từ ngày 25/7 đến ngày 25/8/2005
[1]Thừa tướng của Tần Thủy Hoàng
[2]Lão Đam (Lão Tử) từng khuyên Lão Nhĩ (Khổng Tử) rằng: “Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình