Chương 12
Tác giả: Tiểu Ngọc
Ngày ấy, ở đất An Hải có một hào kiệt là Đồng Đức Tứ, sinh ra đã khác mọi người. Y cao lớn, da như đồng hun, lông mày xếch, tính tình nỏng nảy, chất phác. Nhà nghèo, không được đi học, ngay từ bé y đã phải làm lụng hết sức vất vả, cực khổ. Mẹ y hàng ngày vẫn bắt y đi nhổ cỏ, bắt sâu, gặt lúa, chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp công việc trong nhà.
Cứ sáng sớm, mẹ y lại gọi:
“Đồng Đức Tứ!
Đồng Đức Tứ!
Dậy đi bắt sâu
Dậy đi nhổ cỏ
Theo mẹ ra đồng
Ngủ làm gì hử?’’
Đồng Đức Tứ quay mặt vào tường, y cằn nhằn:
“Nhọc lắm!’’
Nói xong y lại ngủ thiếp đi. Mẹ y lại gọi:
“Đồng Đức Tứ!
Đồng Đức Tứ!
Dậy đi ra đồng
Dậy đi gặt lúa
Lười nhác chảy thây
Lấy gì ăn hử?’’
Đồng Đức Tứ lại cằn nhằn:
“Nhặm lắm!’’
Nói rồi y lại ngủ thiếp đi. Mẹ y tức giận, lấy cái bồ cào thúc vào người, kéo y dậy.
Đồng Đức Tứ rất có hiếu với mẹ. Thấy mẹ vất vả, y bảo:
“Thân mẫu, bao giờ lớn lên tôi sẽ làm cho thân mẫu giàu có, không phải khổ nữa.’’
Mẹ y cười bảo:
“Con ơi, mẹ nhất định sống đợi đến ngày ấy!’’
Một hôm có một ông thày tướng nhìn thấy y, bảo rằng:
“Người này về sau nhất định không phải là kẻ tầm thường.’’
Y không biết thế nào là tầm thường với không tầm thường, bèn vặn hỏi:
“Thế nào là tầm thường với không tầm thường?’’
Ông thày tướng bảo:
“Thí dụ như người tầm thường chỉ có một chai rượu nhưng người không tầm thường có một trăm chai rượu. Người tầm thường nuôi một con chim nhưng người không tầm thường nuôi mười con chim. Người tầm thường nuôi một con chó nhưng người không tầm thường nuôi mười con chó... Cứ như thế suy ra, đại để thế...’’
Đồng Đức Tứ không nói gì nhưng ghi nhớ. Sau đó y lại hỏi ông thày tướng:
“Sao biết ta là người không tầm thường?’’
Ông thày tướng bảo:
“Xem tuổi, xem tướng thì biết.’’
Y hỏi:
“Ta tuổi gì, tướng thế nào?’’
Ông thày tướng bảo:
“Ngươi tuổi chuột. Con chuột thế nào thì tướng của ngươi thế ấy.’’
Đồng Đức Tứ không hiểu, cứ bắt ông thày tướng giảng giải, nếu không giảng giải thì đánh. Ông thày tướng cực chẳng đã đành phải giảng giải cho y về từng loại chuột.
Trước hết là chuột đồng:
“Chuột đồng thì ở ngoài đồng,
Suốt ngày suốt tháng chạy rông.
Tháng ba ngày tám rã họng,
Mùa về ấy lại chơi ngông.
Nông phu hun khói giết thịt,
Lá chanh, riềng mẻ thơm lừng.
Vợ chồng lắm con nhiều cháu,
Tình tang chuột chạy tứ tung.
Đúng nòi ăn tàn phá hại,
Làm cho bao kẻ khốn cùng!’’
Sau đó lại nói đến chuột trong nhà:
“Sống nơi gầm giường, khe tủ,
Lục lọi dưới bếp, trong rương.
Chui lủi như tên ăn trộm,
Gian giảo, tai quái khác thường.
Suốt ngày sợ mèo tóm gáy,
Chuyên gia đào ngạch khoét tường.
Ông hoàng ở nơi cống rãnh,
Mang lại bao nỗi tai ương!’’
Rồi sau đó lại nói đến loại chuột cung đình:
“Nghênh ngang lên xe xuống ngựa,
Suốt đời no đủ vung vinh.
Thừa tướng Lý Tư [1] ngày trước,
Khác chi như chuột cung đình?
Một mình khuynh đảo thiên hạ,
Nổi danh tên tuổi thất kinh.
Đến cả sơn hà xã tắc,
Chẳng qua cũng chỉ cái đinh!’’
Đồng Đức Tứ ghi nhớ, không nói gì.
Lớn lên, Đồng Đức Tứ quyết tâm đi tầm sư học đạo. Y thấy người ta đánh đấm thì cũng hoa chân múa tay bắt chước theo. Lận đà lận đận, đến già nửa cuộc đời mà y vẫn còn nghèo khó, trong giang hồ không ai biết đến tên tuổi của y. Y rất tức giận, thấy ở đâu có cao thủ thì đều tìm đến học hỏi nhưng hầu như không học hỏi được gì. Một hôm, chẳng hiểu sao y lạc vào một xóm vắng, bụng lại đói, y thấy có một ngôi nhà có pho tượng Phật ở giữa vườn bèn đến hỏi chủ nhà xin tá túc. Chủ nhà đón y vào, niềm nở mời cơm, tiếp chuyện y.
Y nghĩ bụng:
“Liệu nhà này xây tượng Phật có phải là tu tại gia không? Tại sao có câu: “Phật Phật Ma Ma. Ma Ma Phật Phật”? Thế nào là tu tại gia? Tại sao lại nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Nói thế là có ý gì?’’
Y nghĩ như thế nhưng không tiện hỏi. Chủ nhà thấy thế bảo y:
“Mỗ thấy các hạ có vẻ băn khoăn, có gì xin cứ nói.’’
Y bèn hỏi:
“Ta thấy nhà này như thể thờ Phật mà lại như không thờ Phật, thậm chí có lẽ còn làm ra vẻ phàm phu? Sao người ta nói tu tại gia là khó? Đại để như thế, như thế... Toàn là những điều xa lạ với ta.’’
Chủ nhà bảo:
“Các hạ hỏi thế là đụng đến những điều cơ bản của đại pháp Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật. Mỗ chỉ xin nói lại đôi điều mà các đại sư ngày xưa vẫn giảng giải cho người đời nhưng rất ít người hiểu được. Bát-nhã là gì? Bát-nhã chính là bản tính tự nhiên của mình. Khi ta nhìn thấy hư không mà không biết bản tính thì ích gì cho ta? Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là “trí tuệ lớn đến bờ bên kia”. Đấy chỉ là lời trong kinh Bát nhã để người ta đọc ra nơi cửa miệng. Đọc không ích gì, thực hành trong tâm mới khó. Tâm khẩu ứng đồng, chẳng phải ai cũng làm được. Tu tại gia cũng vậy, tu chợ cũng vậy, tu chùa cũng vậy. Ma-ha là lớn. Kinh Phật nói: “Tâm lượng rộng lớn, như cõi hư không, không có bờ lề, không có vuông tròn, không có to nhỏ, không có màu sắc xanh vàng đỏ trắng, không trên không dưới, không giận không mừng, không phải không trái, không thiện không ác, không bắt đầu không kết thúc. Ở trong vương quốc chư Phật tất cả đều hư không”. Kinh Phật lại nói: “Diệu tính chân như của người đời vốn là không, không có một pháp nào có thể đắc được”. Hiểu ra cái không tiền kiếp để mà không chấp nệ vào cái không ấy. Thế giới hư không bao hàm tất cả vạn vật, núi sông biển cả, người thiện người ác, mặt trăng mặt trời, tất cả các núi Tu di. Diệu tính chân không của người đời bao hàm vạn pháp như vậy nên gọi là lớn. Tâm lượng rộng lớn khắp các pháp giới, khắp các sự kiện hiện tượng. Khi ấy mọi pháp tức là một pháp, một pháp tức là mọi pháp, đi lại tự do, tâm không ngưng trệ. Đó là Bát–nhã. Trí Bát-nhã đều phát ra bởi tự tính, không phải đem từ bên ngoài vào. Bát-nhã là trí tuệ. Rời bỏ hư vọng về với chân tính thường hành trí tuệ gọi là hạnh Bát–nhã. Chỉ một giây nghĩ hư vọng là mất hết Bát–nhã, một giây nghĩ sau có trí tuệ là Bát-nhã lại sinh ra. Bát-nhã không có hình tướng, cái tâm trí tuệ chính là nó vậy. Ba-la-mật là gì? Ba-la-mật là “đến bờ bên kia”, tức là giác ngộ, tức là lìa khỏi sinh diệt. Tâm mà chấp nệ vào hoàn cảnh thì ý niệm về sinh diệt sẽ nảy sinh, như nước có làn sóng, tức là “bờ bên này”. Tâm lìa khỏi hoàn cảnh thì không sinh diệt, như nước thường lưu chảy, gọi là “bờ bên kia”, giác ngộ. Mỗi một giây nghĩ trong tâm đều thực hành trí Bát-nhã thì đó tức là Phật vậy. Không làm được như thế thì là phàm phu. Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề. Giây nghĩ trước còn mê, là phàm phu, giây nghĩ sau tỉnh ngộ, tức là Phật. Giây nghĩ trước còn chấp nê hoàn cảnh, là phiền não; giây nghĩ sau lìa bỏ hoàn cảnh, tức là Bồ -đề...
Thưa các hạ, đại để như thế, hiểu được như thế thì ở đâu cũng sẽ là tu, chẳng cứ tu tại gia, tu ở chùa hay tu ở chợ...’’
Chủ nhà nói xong nhìn lên thì đã thấy Đồng Đức Tứ lăn ra ngủ từ khi nảo khi nào rồi. Chủ nhà mỉm cười, đắp cho y một cái chăn mỏng rồi tắt đèn đi ngủ.
Thế mới gọi là:
Chữ nghĩa bề bề chẳng bằng một giấc
Phàm phu tức Phật, Phật tức phàm phu.
Cũng có thể:
Nào ai biết chuột hay mèo đấy nhỉ?
Số giời kia ai biết thấp biết cao?
Muốn biết số phận Đồng Đức Tứ rồi sẽ ra sao, đọc sang chương 13.