watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Võ lâm ngoại sử-Chương 2 - tác giả Tiểu Ngọc Tiểu Ngọc

Tiểu Ngọc

Chương 2

Tác giả: Tiểu Ngọc

Trong Bắc tông có một số đại hiệp tham gia sáng lập môn phái từ những ngày đầu, mọi người đều coi họ là tiền bối. Ngô Xuân và Huy Viễn là những người như thế, ngay từ trẻ đã tu luyện được tới thất thập nhị huyền công. Ngô Xuân và Huy Viễn là cặp bài trùng. Họ chơi với nhau, đi đâu cũng cặp kè như một cặp đồng tính, cả hai cùng lăn lộn trên chốn giang hồ để lập công danh. Về tư chất, Huy Viễn giàu thủ đoạn, chưởng lực của y vô cùng thâm hậu, thần diệu. Trong cung đình, y từng được giữ nhiều chức vụ quan trọng, từng đứng đầu và là một trong những bộ óc của môn phái Võ Đang Toàn Chân.
Võ Đang là một trong những môn phái võ được coi là chính thống. Toàn Chân nằm trong Võ Đang, cũng nằm trong cả nhiều môn phái võ khác nữa. Toàn Chân giống như một giáo phái hơn là một môn phái võ. Người của Toàn Chân là người của triều đình nên khi tham gia Võ Đang hay các môn phái võ khác thì bao giờ họ cũng giữ những cương vị chủ chốt. Có thể nói người của Toàn Chân mới thực sự nắm quyền lực ở trong Võ Đang cũng như trong các môn phái võ Bắc tông khác. Có người ví Toàn Chân như trái tim của các môn phái võ. Không phải ai cũng được tham gia vào Toàn Chân. Toàn Chân có những kỷ luật rất ngặt nghèo. Hai người bạn Ngô Xuân và Huy Viễn thân nhau là thế nhưng Huy Viễn ở trong Toàn Chân còn Ngô Xuân thì không, mặc dù họ đều là những người của Võ Đang và của Bắc tông cả.
Ngô Xuân là người tính nết thất thường, ưa tự do bay nhảy. Kiếm pháp của Ngô Xuân rất thần diệu, nhiều người tự nguyện bái Ngô Xuân làm sư phụ, môn sinh của y ở đâu cũng có. Những thanh niên còn trẻ tuổi rất mê kiếm pháp của Ngô Xuân. Y thường dùng một đôi song kiếm mỏng như lá lúa, một khi múa lên thì trùng trùng điệp điệp, biến hoá khôn lường, ai trông cũng thích, có thể lấy tính mạng người ta dễ như trở bàn tay.
Khi tiếng tăm của Trần Đăng Tài bắt đầu nổi lên, lại được bọn Phạm Dần tâng bốc, Ngô Xuân cũng định bụng về xem tận nơi. Dọc đường đi, y gặp trời mưa, lúc đó trời đã tối. Trận mưa to quá:

Từ đằng đông, mây đen cuồn cuộn,
Loằng nhoằng ánh chớp,
Thoắt cái là mưa.
Cá rô rạch ngược,
Lao vút lên bờ
Lộp bà lộp bộp
Mưa đúng là mưa!
Phồng mang ếch ộp,
Nhảy nhót búa xua.
Nước tràn đồng ruộng,
Năm nay mất mùa!

Trời tối, gặp mưa, bụng lại đói, giữa đêm khuya Ngô Xuân không biết đi đường nào. Y đang loay hoay thì chợt nhận ra ở bên đường có một khu nhà thấp thoáng ánh đèn, bèn đến gần xem xét. Đến nơi, y nghe thấy ở trong nhà có tiếng huỳnh huỵch như người đang đánh đấm nhau. Ngô Xuân gọi cửa thì có một thanh niên trẻ tuổi đi ra mở cửa. Người thanh niên này rước Ngô Xuân vào nhà. Ngô Xuân ngạc nhiên thấy trong nhà người thanh niên có treo rất nhiều ảnh chân dung của mình. Y hỏi người thanh niên:
„Ngươi là ai? Sao lại treo ảnh người này trong nhà?“
Người thanh niên nói:
„Đệ là Văn Nhuận, nhà nghèo, mê võ công từ bé. Đệ theo học qua một vài sư phụ, cũng linh tinh lang tang cả, người thì ở môn phái Võ Đang, người thì ở môn phái Cái Bang... Hàng ngày đệ vẫn luyện công. Đệ rất ngưỡng vọng Ngô Xuân đại hiệp nên vẫn treo ảnh ông ta trong nhà để thờ.
Ngô Xuân lấy làm cảm kích, bèn rũ bỏ nước mưa, hỏi:
„Ngươi thờ Ngô Xuân mà không nhận ra Ngô Xuân sao?“
Văn Nhuận nhận ra Ngô Xuân, phục xuống lạy như tế sao, bái lấy bái để, miệng lắp ba lắp bắp:
„Sư phụ! Sư phụ! Thật là may mắn cho đệ tử quá chừng!“
Ngô Xuân đỡ Văn Nhuận dậy, bảo y:
„Vừa rồi, ở ngoài cửa ta nghe thấy tiếng huỳnh huỵch như người đang giã gạo, ta đoán là ngươi đang luyện tập võ công. Ngươi thử đi một vài đường quyền cho ta xem thử, để ta xem có thể thu nạp ngươi làm đệ tử của ta hay không?“
Văn Nhuận nghe lời, trổ hết tài nghệ biểu diễn các bài tập trong “tứ pháp võ công” của Võ Đang là thủ pháp, chưởng pháp, quyền pháp và bộ pháp, các động tác đều rất thành thục, chuẩn mực.
Ngô Xuân xem xong, lắc đầu nói:
„Tất cả những thứ võ vẽ của ngươi chẳng qua chỉ là những bài luyện công của một anh giáo làng hạng bét. Vứt đi hết! Đi ra giang hồ, ngươi mà nói tên ta ra là sư phụ của ngươi thì thật xấu hổ.“
Văn Nhuận khẩn thiết van nài Ngô Xuân thu nạp y, cho y đi theo. Thấy y thành thực, Ngô Xuân bảo:
„Ta xem tướng mạo, quyền pháp của ngươi, biết ngươi là hạng người trung thành, tính tình cẩn thận. Nếu có quan thày, ngươi có thể làm được tới chức tổng quản tại nơi nào đó ở trong một võ đường danh giá. Để ta nói với sư huynh ta là Huy Viễn, ông ấy là người ở trong Toàn Chân rất có thế lực, biết đâu ông ấy có thể thu xếp cho ngươi một nơi nào đấy yên thân chứ ở đây, một nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi, khỉ ho cò gáy thế này, rồi ngươi cũng chôn vùi cuộc đời của ngươi một cách vô ích mà thôi. Có điều, khi ra ngoài giang hồ, ngươi chớ có giở võ vẽ của ngươi ra thi thố, nếu không thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ!“
Văn Nhuận lạy tạ, sung sướng nói:
„Được đi theo hầu sư phụ, giống như Châu Sương đi theo hầu Quan Công, thực là thoả ý mãn nguyện với cuộc đời đệ! Dẫu có chết đệ cũng không thể bỏ lỡ cơ hội này!“
Văn Nhuận đi làm cơm khoản đãi Ngô Xuân. Sáng hôm sau, y phóng hoả đốt nhà, thề sẽ đi theo Ngô Xuân đến hết đời. Về sau, quả nhiên Ngô Xuân cũng thu xếp cho Văn Nhuận được làm tổng quản ở một trong những võ đường danh giá ở trên kinh thành. Chuyện này sẽ còn kể tiếp về sau.
Lại nói Trần Đăng Tài hàng ngày luyện tập võ công ở góc sân nhà, ai ai cũng coi là thần đồng. Một hôm, có một lão ăn mày đến xin ăn ở cổng nhà của Trần Đăng Tài, lão ăn mày này trông rất hôi hám, bẩn thỉu. Đúng là:

Tóc tai rối bời,
Áo quần hôi hám.
Xó chợ đầu đường,
Loạng chà loạng choạng.
Xuân thì đi hội đi hè, chỗ nào cũng một vài đám.
Hè lại nhởn nhơ duyên hải du lịch biển khơi.
Thu về phố thị nghỉ ngơi.
Đông qua nằm khểnh khắp nơi vỉa hè.
Đờ-la-hiên có mái che,
Ngàn sao thắp sáng,
Gió lộng bốn bề.
Trải từ thành thị ngõ quê,
Cái Bang chính thực ấy nghề xa xưa...

Lão ăn mày nói với Trần Đăng Tài:
“Thằng cu con! Ta đói đã mấy ngày rồi, có gì cho ta ăn với!”
Trần Đăng Tài thương hại, vào lục lọi trong nhà nhưng trong nhà y cũng chẳng có gì ăn, vét mãi mới được một nhúm gạo, bèn đem ra cho lão ăn mày. Lão ăn mày loạng quạng, làm đổ nhúm gạo xuống đống phân người cạnh đó. Trần Đăng Tài bực mình, nhưng vẫn cẩn thận chăm chú nhặt từng hạt gạo rửa sạch đi rồi nấu thành một nồi cháo loãng mang ra cho lão ăn mày.
Lão ăn mày nói:
“Thằng cu con, bản tính thật lương thiện, đúng là ngoan quá, vậy có muốn theo học nghề của ta không? Ta sẽ nhận ngươi làm môn đệ.”
Trần Đăng Tài cười:
“Học nghề gì chẳng học, học nghề ăn mày thì học làm gì?”
Lão ăn mày cười, lắc đầu bảo rằng:
“Thằng cu con! Đúng là chưa trải sự đời:

Ăn mày là ai, ăn mày là ta,
Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!
Thành công thì gọi ăn may,
Không thành thì gọi ăn mày, lạ chưa?
Ăn mày, ấy cũng có vua,
Từ quan tới lính túa tua ăn mày!
Ăn mày, ấy thực ăn may,
Võ công môn phái ăn mày lừng danh!

Trần Đăng Tài ngộ ra, bảo lão ăn mày:
“Ta hiểu rồi, ta cũng muốn học thêm vài chiêu của ngươi để phòng thân nhưng võ công của ngươi liệu có ra gì, liệu có đáng để cho ta học hay không?”
Lão ăn mày bảo:
“Xem ta đây!’’
Nói rồi rút cây thiết bổng đi dạo vài đường. Ngay lập tức, cây thiết bổng biến hoá thật khôn lường, kỳ diệu:

Này là cách ăn mày của vua của chúa,
Cách ăn mày của lính của quan.
Ăn mày cũng có học hàm,
Ăn mày tình cảm, tình tang ăn mày.
Xô thành, đổ luỹ, ngã cây,
Đảo điên đều đã mặt dày lắm phen.
Ăn mày cũng có sang hèn,
Cõi đời nhân thế đỏ đen ăn mày!

Trần Đăng Tài trông cách biến hoá của cây thiết bổng, vô cùng khâm phục lão ăn mày, bèn sụp xuống lạy. Lão ăn mày bảo:
“Ta biết ngươi là một thần đồng võ công, sau này sẽ còn làm nên nhiều sự nghiệp phi thường. Lại thấy ngươi bản tính lương thiện nên mới cất công đến đây dạy dỗ ngươi. Nhiều người coi Cái Bang là một môn phái võ nằm trong Nam tông nhưng thực ra không hẳn như thế. Tất cả những người thành công ở trong Bắc tông hầu như đều có ít nhiều học hỏi, áp dụng chiêu pháp của Cái Bang. Có điều, đa số người ở trong Bắc tông thường là bọn nguỵ quân tử, giỏi chính trị nên hay tìm cách xoá dấu vết vậy mới có thành kiến coi Cái Bang là thấp hèn, không ra gì. Ở những bậc đại hiệp, đại cao thủ, họ chẳng phân biệt gì cả, tiệm ngộ hay đốn ngộ cũng đều như nhau mà thôi, chẳng qua vì trình độ trí huệ nhận thức khác nhau nên mới phải phân biệt này nọ để phù hợp với từng cảnh giới. Ngươi có hiểu không?’’
Trần Đăng Tài tuy có quê mùa, chậm hiểu nhưng vốn là người có chân khí nên y cũng nhận ra. Lão ăn mày dạy cho Trần Đăng Tài sáu mươi tư chiêu pháp cơ bản trong võ thuật Cái Bang, sau đó nhặt những hạt gạo sót lại trên đất đặt lên bàn tay, bảo:
“Người học võ phải bắt đầu từ tinh thần. Trời có tam bảo là nhật, nguyệt tinh; đất có tam bảo là thủy, hoả, phong; người có tam bảo là tinh, khí, thần. Khi phát lực, phải huy động được cả nội công, ngoại lực nhưng đều bắt đầu từ tâm mà ra. Có câu: “Quyền phát động từ tâm”. Nếu tâm thành thì một hạt gạo khi tung ra cũng là một hạt linh đan, có năng lực thần chưởng.’’
Nói rồi cầm nắm hạt gạo tung ra, mỗi một hạt gạo chẳng khác gì như một viên đạn đại bác nổ, làm rung chuyển cả trời đất. Lão ăn mày đặt hạt gạo lên bàn tay Trần Đăng Tài rồi dạy y cách dụng công, tung chưởng, chẳng mấy chốc Trần Đăng Tài cũng làm được như lão ăn mày.
Khi Trần Đăng Tài say mê luyện tập, một lúc sau y quay lại thì không còn thấy lão ăn mày ở đâu nữa, chỉ thấy ở trên bờ rào có mẩu giấy đề mấy chữ “Vạn pháp quy tâm” và dấu ấn triện Cái Bang thì y biết rằng mình đã gặp được chưởng môn của môn phái Cái Bang, y vô cùng mừng rỡ, bèn sụp xuống nhìn lên trời cao mà vái lạy.
Khi Trần Đăng Tài ngẩng đầu lên thì y bỗng thấy Ngô Xuân đứng án ngay ở trước mặt. Y sợ hãi, trợn tròn xoe mắt. Ngô Xuân đỡ y dậy, cười nói:
“Không nhận ra ta sao? Ta là Ngô Xuân đại hiệp đây!’’
Trần Đăng Tài mừng rỡ, vái lạy:
“Đệ tử đã nghe tên của sư huynh từ nhỏ. Gần như không có ai ở trong giới võ lâm lại không biết đến sư huynh. Đệ tử thật hân hạnh được đón tiếp.’’
Trần Đăng Tài rước Ngô Xuân vào nhà ngồi ở chiếu trên, nhờ Văn Nhuận pha trà rồi chạy đi gọi mẹ và anh trai về. Bà mẹ Trần Đăng Tài là người thật thà, rất mực thương con nên khi nghe thấy có một vị đại hiệp lừng danh ở kinh thành về thăm thì sung sướng lắm. Anh trai của Trần Đăng Tài là Trần Đăng Tai cũng vậy.
Cơm rượu xong, Ngô Xuân ngồi nói chuyện về kiếm pháp với hai anh em họ Trần một lúc, hai anh em họ Trần cứ nhất định mời Ngô Xuân biểu diễn tài nghệ. Ngô Xuân bèn lấy đôi song kiếm ra múa. Đường kiếm của y thật lợi hại:

Nam bắc đông tây bốn phương tám hướng,
Kim mộc thuỷ hoả thổ, năm chất phi thường.
Ào ạt như sóng biển,
Thâm trầm tựa đại dương.
Đắm say như thể xuân hường,
Trùng trùng kiếm pháp,
Vằng vặc đài gương,
Tót một cái, vụt lên ngói mới!
Vèo một đường, sấu rụng cành cao!
Lẫy lừng đại hiệp anh hào,
Võ lâm ai cũng kính chào uy danh!

Nhảy từ nóc nhà ngói bên cạnh xuống đất, Ngô Xuân thu kiếm đưa cho Văn Nhuận cất giữ. Hai anh em họ Trần hết lời ca ngợi Ngô Xuân. Ngô Xuân bảo Trần Đăng Tài đi một bài quyền. Vốn trẻ con nên Trần Đăng Tài gật đầu ngay, lấy mấy hạt gạo làm binh khí, đi lại bài quyền mà lão ăn mày vừa mới dạy. Ngô Xuân trông thấy Trần Đăng Tài đi bài quyền, rất công phu, uyển chuyển, hai tay tung hạt gạo, trong lòng vô cùng sợ hãi:

Này là hạt gạo tầm thường làng ta,
Phát tâm từ tính thật thà,
Qua vòng tôi luyện đúng là linh đan.
Chưởng tung thần lực chẳng xoàng,
Hạt này cũng thể hạt vàng chẳng chơi!
Phúc điền ngồi mát thảnh thơi,
Kìa ai cũng được no xôi chán chè...

Ngô Xuân thấy tài nghệ Trần Đăng Tài phi thường, y tối tăm cả mặt mũi. Tính nết vốn hay ghen tị, y nghĩ bụng:
“Thằng lỏi con này mà lớn lên bọn võ lâm vớ vẩn ở trên giang hồ chắc chẳng còn có đất mà chôn! Nếu không sớm đưa nó vào trong khuôn khổ thì thật gay go. Ta hãy dụ nó đánh nhau với ta, nhân cơ hội này ta ra độc chiêu làm cho nó thui chột tài năng của nó. Thế là đắc sách!’’
Nghĩ vậy, Ngô Xuân bèn ngăn Trần Đăng Tài lại, rủ y cùng giao đấu. Trần Đăng Tài trẻ con, tính nết lại thật thà, manh động, nên không thể lường được thủ đoạn của Ngô Xuân.
Ngô Xuân đứng tấn, chuẩn bị ra chiêu:

Nhẹ nhàng uyển chuyển,
Nắn nót đường quyền.
Hấp tinh đại pháp,
Rõ ràng độc chiêu.
Nhẹ thì cũng tứ chi bủn rủn,
Nặng thì sống lưng đau sụn chẳng sai.
Mắt mờ, váng mặt, ù tai,
Chẳng thui cũng chột đến vài ba xuân...

Ngô Xuân chuẩn bị ra đòn thì ngay lúc ấy bà mẹ Trần Đăng Tài vội vàng ngăn lại. Bà cụ nói:
“Hãy khoan! Không nên đánh nhau giữa người lớn và trẻ con! Trời tối rồi, tốt nhất quý khách hãy nên tạm nghỉ!’’
May thay! Đúng là linh tính của người mẹ mách thầm, cũng là số mệnh của Trần Đăng Tài còn cao, chứ nếu không Ngô Xuân ra chiêu hấp tinh đại pháp thì ôi thôi sự nghiệp của Trần Đăng Tài đã dừng ngay từ lúc ấy.
Ít lâu sau, Trần Đăng Tài được lên kinh đô, được nhận vào học trong một võ đường oai danh nhất nước. Tại võ đường này, Ngô Xuân cũng hay đến giảng giải về kiếm pháp. Bất đắc dĩ mà Ngô Xuân trở thành sư phụ của Trần Đăng Tài. Trong võ đường, cũng có nhiều cao thủ của môn phái Võ Đang. Một chân trời mới mở ra với cuộc đời Trần Đăng Tài.
Thế là:

Bỏ lều gianh, lên gian díu với kinh thành
Sự nghiệp lớn, phải đua tranh nhiều tài trí

Muốn biết Trần Đăng Tài học hỏi ở những bậc thầy nào, bạn bè với những ai trong chốn võ lâm, xin đọc sang chương 3.
Võ lâm ngoại sử
Mục lục
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14 & 15