Chương 10
Tác giả: Võ Nghiêm Phương
– Cô Như ơi!
Bảo đánh xe ngựa đến, anh kéo sợi dây cương cho con ngựa đứng lại. Tú Như nhìn lại, mỉm cười:
– Anh Bảo!
– Cô lên xe đi, tôi cho quá giang về. Trời nóng quá, cô đi bộ đường dài chịu sao nổi?
– Tôi quen rồi. Giờ này anh về nhà nghỉ?
– Ờ, giờ này cũng trưa rồi, chứ bộ cô nói còn sớm sao. Thằng Thắng chắc cũng về rồi.
Nhắc đến con, Tú Như nao nao lòng. Mới tám tuổi đầu, nó đã biết nấu cơm, giặt quần áo cho mẹ và cho em gái, ngày chủ nhật đôi khi còn đi tát cá mang thức ăn về nhà. Con càng vất vả, Tú Như càng tự trách mình hơn bao giờ hết.
Đã năm năm hơn, sao những ăn năn vẫn giày vò cô xuống tận cùng.
Không nghe Tú Như nói gì, Bảo nhìn cô len lén. Ngày cô mới đến nơi này, cô thật sự nổi bậc và đẹp như đoá hoa hàm tiếu, vậy mà bây giờ, sự nghèo khổ khiến người ta già đi. Đôi lúc anh muốn nói với cô nỗi lòng của mình, anh sẽ phụ với cô nuôi con, nhưng rồi thấy cô nghiêm quá, anh lại ngại, để tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng, mà lời yêu vẫn chưa dám ngỏ.
– Cô Như này, có khi nào cô nghĩ đến chuyện về Sài Gòn không? Năm cái Tết rồi, cô không dẫn tụi nhỏ về thăm ông bà ngoại nó.
Tú Như cười gượng, cô đùa:
– Đời nghĩ ngộ thật, phải không anh, làm quanh năm suốt tháng mà nghỉ một ngày thấy đói. Cho nên có bao giờ tôi dám nghĩ về Sài Gòn đâu, thôi thì nhận nơi này làm quê quán của mình đi cũng được vậy.
– Cô ...không nghĩ đến chuyện đi thêm bước nữa sao?
Tú Như lắc đầu:
– Cuộc đời tôi bây giờ sống vì con và cho con. Tôi không mong gì hơn là nuôi con khôn lớn, thành nhân chi mỹ, tôi cũng đã già.
Bảo bật cười:
– Cô già gì mà già, mới ba mươi hơn. Ở Đức Huệ này, cô đẹp nhất, có ai hơn cô đâu.
– Anh nói như vậy chứ tôi xấu như ma mút ấy.
Xe về đến nhà, Tú Như kêu lên:
– Ngừng xe đi anh Bảo.
Bảo giật mình:
– Mãi nói chuyện với cô tôi quên luôn chớ. Kéo dây cương cho ngựa dừng lại, Bảo nhảy xuống xe, anh bỏ giống gánh xuống giùm Tú Như.
– Cô vào nhà nghỉ.
Tú Như mở túi lấy tiền, Bảo ngăn lại:
– Cô mà trả tiền tôi giận đó.
– Anh cứ chở giùm tôi hoài.
– Có gì đâu, tôi giúp cô cũng như giúp hai đứa nhỏ.
– Vậy cám ơn anh.
– Mẹ về, mẹ về!
Bé Tú Hoà ào ra, nó tíu tít:
– Chú Bảo ơi! Ngày mai con đi học, chú Bảo cho con ngồi xe ngựa với nghen?
– Được, ngày mai chú Bảo ghé chở con.
Bảo nhìn theo hai mẹ con Tú Như dắt nhau vào nhà. Anh ước mong, có một ngày mình sẽ vào căn nhà lá nhỏ đó, hai đứa nhỏ xinh xắn kia gọi anh tiếng “ba” êm đềm.
Nắng quá, Trinh Tường ngán ngẩm nhìn co đường. Cái nắng quả là khắc nghiệt. Anh tìm đến đây vì công việc và cũng kết hợp tìm Tú Như. Có phải chăng anh đã đi làm cái việc “dã tràng xe cát biển đông”, chim bay biển Bắc, mà anh cứ tìm mãi phương Nam.
Tấp vào quán, Trinh Tường gọi một ly cà phê ngồi uống. Vùng chợ biên giới heo hút, những mái nhà thấp lèo tèo, nói lên đời sống nghèo khổ của người dân quê.
– Chú ơi! Mua giùm con tấm vé số!
Thằng Thắng chìa tấm vé số ra mời Trinh Tường. Ngày hôm nay nó bán không được bao nhiêu, vì cứ phải trông chừng bọn thằng Tý sún, bọn nó chuyên ăn cắp vé số hay là chờ những đứa hiền lành như Thắng bán hết vé số là đi theo trấn lột.
Trinh Tường khoát tay xua nó:
– Chú không mua vé số đâu.
– Chú mua giùm con mấy tấm thôi, nghe chú!
Nét mặt thằng bé nom quen quen, như gặp nó ở đâu vậy, cũng khá ngồ ngộ, đôi mắt đẹp như mắt của Tú Như, bất giác Trinh Tường cầm cọc vé số, mà mắt cứ nhìn thằng Thắng.
– Mua đi chú! Số năm mươi tám là con mèo đó.
Trinh Tường phì cười, anh có cảm tình ngay với thằng Thắng. Nó dễ thương thật, dù nó đang mặc chiếc áo muốn mục ra. Trinh Tường thương hại cầm xấp vé số.
– Tất cả bao nhiêu tấm vậy?
– Dạ, năm mươi hai tờ.
– Là bao nhiêu tiên?
– Dạ, một trăm lẻ bốn ngàn.
Trinh Tường lấy ra ba tờ năm chục ngàn.
– Chú mua hết, cháu không cần thối.
Thằng Thắng tròn mắt, chưa có ai hào phóng như ông khách này. Nó mừng rỡ đến thành lắp bắp:
– Cháu ...cám ...ơn chú.
– Được rồi.
Cầm ba tờ bạc năm chục ngàn, bé Thắng bỏ vào túi quần, nó hớn hở chạy ù đi. Trả tiền cho đại lý vé số, nó còn đến bảy chục ngàn, có tiền đưa cho mẹ mua thuốc cho em Tú Hoà. Tú Hoà bệnh hai ngày nay, tốn của mẹ nó rất nhiều tiền.
Vừa băng qua ngã ba, nó hốt hoảng đứng lại, hai thằng nhóc cao hơn nó cả cái đầu ngáng nó lại. Nó lùi ra sau, hai tay giữ chặt túi quần.
– Nè, hôm nay tui không có đưa tiền cho anh được đâu. Em tui bệnh, mẹ tui không đi bán được, không có tiền, tui nghỉ học mấy bữa nay rồi.
Mặt thằng tóc vàng hoe hất hàm:
– Mày bỏ cái tay mày thẳng xuống cho tao coi!
– Không!
– Ương ngạnh với tao hả?
Bốp ...Bốp ...Hai tát tay nẩy lửa vào mặt thằng Thắng. Nó mím môi nén đau, tay nhất định giữ chặt lấy túi quần. Đó là tất cả gia tài mà nó có, có thể cứu nguy cho cả nhà nó, bằng bất cứ giá nào, cũng không để cho hai thằng “trời ơi”.
này cướp tiền của nó.
– Lì hả mậy?
Một cái đạp mạnh vào mông thằng Thắng, nó té chúi nhủi, mặt đập xuống đất, cát vào mắt nó tối tăm. Nhanh như cắt nó bị đè nghiến xuống, hai thằng côn đồ thọc tay vào túi quần nó.
– Đại ca, tới ba tờ lận.
Tên được gọi đại ca tóm ngay ba tờ giấy bạc cất vào người, nó không quên đạp mạnh vào ba sường thằng Thắng một cái:
– Đồ nhãi con! Mày dám chống lại ông hả, ông đập gãy ba sường của mày luôn.
Đau muốn tắt thở, thằng Thắng nằm nhẹp luôn.
– Hai thằng trời đánh kia, làm gì vậy hả?
Bảo phi xe ngựa tới. Anh giật mình khi nhìn thấy thằng Thắng nằm dưới đất.
Anh quật mạnh cây roi vào hai tên côn đồ:
– Cướp cạn hả, đồ khốn kiếp!
– “Dzọt” Tý sún ơi.
Hai thằng côn đồ phóng đi mất tiêu, không đuổi theo bọn chúng, Bảo vội bế thằng Thắng lên:
– Cháu có sao không Thắng?
– Chú ơi! Nó ...cướp ...cướp tiền của cháu. Chú bắt nó giùm cháu.
– Cướp tiền của cháu, bao nhiêu?
– Một trăm rưỡi. Chú ơi bắt lại giùm cháu!
Bảo lắc đầu:
– Nó chạy mất tiêu rồi, có bắt cũng khó mà bắt. Ở đâu mà cháu có tiền nhiều vậy Thắng?
– Bà Bảy lãnh vé số cho cháu đi bán, chú đừng có nói với mẹ. Em Hoà đau mấy ngày nay, mẹ không đi bán nên không có tiền mua thuốc.
– Rồi cháu bỏ học đi bán vé số?
– Dạ.
Bảo thương thắng đỡ nó đứng lên. Anh phủi cát trên mặt và trên người nó.
– Nhà không có tiền sao cháu không nói cho chú biết?
– Mẹ nói nhờ chú hoài nên mẹ không dám.
– Thật là ...
Bảo bế nó lên xe ngựa. Mặt mũi và tay chân thằng nhỏ trầy hết. Bon lưu manh thật tàn nhẫn.
Ngồi lên xe ngựa, thằng Thắng không màng đến vết thương trên người, mà nó chống tay rầu rĩ. Tiền ở đâu đưa cho mẹ, tiền ở đâu đưa cho bà Bảy?
Nhìn dáng người của nó, Bảo vừa đau lòng cũng vừa tức cười. Anh ôm nó vào lòng:
– Cháu đừng có rầu rĩ. Chuyện tiền bạc hãy để cho mẹ cháu lo, cháu phải lo đi học biết chưa. Mẹ cháu biết cháu nghỉ học sẽ buồn.
Lấy trong túi áo một trăm năm chục ngàn, Bảo bỏ vào túi áo nó:
– Cháu cất tiền này về đưa cho mẹ.
Thằng Thắng lúng túng:
– Chú ơi! Cháu không lấy tiền của chú đâu, mẹ biết mẹ sẽ mắng.
– Ai bảo cháu nói, nói là tiền bán vé số, rõ chưa?
– Dạ.
Đưa nó về đến đầu ngõ vào nhà, Bảo nhấc nó cho xuống xe, anh mỉm cười:
– Vậy cháu định nói với mẹ như thế nào về những vết thương trên mặt trên người cháu đây?
– Dạ ....cháu nói tại cháu ngã ạ.
– Nhớ nói mẹ xức thuốc khử trùng, kẻo làm độc biết chưa?
– Dạ, cám ơn chú.
Chờ cho chú Bảo đánh xe đi, thằng Thắng mới đi vào con hẻm. Nó đưa tay sờ lên vết thương trên mặt, bây giờ mới thấy đau rát vô cùng. Chắc chắn mẹ sẽ mắng nó đi đứng bất cẩn cho mà xem.
Rụt rè, Thắng đẩy cửa bước vào nhà. Chỉ có bé Tú Hoà đang nằm trên giường, nó rón rén lại gần bên. Thấy anh trai, bé Tú Hoà kêu lên:
– Mẹ đi tìm anh Hai đó, cô giáo nói anh Hai nghỉ học hai ngày nay rồi.
Thắng sợ hãi, vậy là mẹ biết chuyện nó nghỉ học. Nó cố trấn áp nỗi lo:
– Em bớt bệnh chưa?
– Đỡ rồi! Em còn nhức đầu với đắng miệng lắm.
Két ...Tiếng xe đạp phanh kít ngoài cửa, Thắng lo sợ đứng im. Tú Như bước vào nhà, giọng cô tức giận:
– Thắng!
– Mẹ ơi! Con xin lỗi!
Tú Như sửng sốt thay vì cô tức giận cô bước nhanh lại, rồi ôm choàng lấy nó.
– Tại sao như vầy hả con? Có đau lắm không?
Hơi yên tâm vì mẹ lo lắng cho mình, Thắng cúi gằm đầu:
– Mẹ ơi! Con đi té ngã, mẹ đừng la con nghen mẹ.
Đứt cả ruột vì lời của con, Tú Như nghẹn ngào:
– Chuyện lo tiền trong nhà là bổn phận của mẹ, con hiểu không? Lần này xem như mẹ tha cho con, nhưng nếu mẹ biết con còn bỏ học đi bán vé số, mẹ sẽ đánh đòn con.
Rụt rè, thằng Thắng lo le tờ giấy bạc:
– Mẹ lấy tiền này mua gạo với mua thuốc cho con Hoà nghen mẹ.
– Tiền này lại là chú Bảo đưa cho con phải không?
– Dạ.
Tú Như cất tiền vào túi áo, cô đi lấy bông gòn và oxy già rửa vết thương cho con. Thấy nó cắn răng nén cơn đau chớ không dám kêu, Tú Như đau xót cả lòng. Chính cô đã làm khổ cuộc đời của hai đứa con của mình. Làm sao để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. Cô phải về Sài Gòn và đem kiến thức của mình ra làm việc nuôi con hơn là chạy chợ, đồng tiền lời không có bao nhiêu, bao nhiêu năm nay rồi, cái nghèo cứ mãi đeo đẳng chẳng chịu buông tha.
Phải trở về Sài Gòn rộng lớn, có lý nào cô lại gặp Trinh Tường, mà dù có gặp đi nữa, chắc chắn anh cũng không nhận ra cô, cuộc sống khó khăn bào mòn thân xác lẫn nhan sắc, bây giờ nhìn mình trong gương, Tú Như còn không nhận ra mình. Hai má hóp vào và rám nắng, đôi mắt long lanh xinh đẹp ngày nào, mờ theo tháng ngày lận đận. Quần áo lùi xùi nhếch nhác. Tôi là ai đây?
– Mẹ ơi! Sao bé Nam có bà ngoại ông ngoại, bà nội ông nội mà mình không có hả mẹ?
Tú Như cắn mạnh đôi môi mình lại. Một câu hỏi bình thường nhưng lại chẳng dễ dàng trả lời chút nào.
Thằng Thắng trừng mắt với em gái của nó:
– Em không được hỏi bậy bạ hiểu chưa?
Bị anh trai mắng, bé Hoà phụng phịu:
– Em hỏi như vậy không được sao?
– Không.
Tú Như vội ôm cả hai con vào lòng.
– Con muốn về thăm ngoại?
– Dạ. Ngoại ở đâu hả mẹ?
– Nếu bây giờ mẹ đưa con về ngoại con có đi không?
Bé Hoà reo lên:
– Con đi!
Thằng Thắng nhăn mặt:
– Mẹ ơi! Con không đi đâu. Con đi thăm ngoại phải bỏ học, cô giáo mắng phải không mẹ?
– Không đâu. Ngày chủ nhật mẹ con mình mới đi, con đâu phải nghỉ học.
– Hoan hô mẹ!
Thằng Thắng nhảy tưng lên, thích chí bé Hoa cũng nhảy tưng theo, nói nói ngọng nghệu:
– Hoan hô mẹ ....
Trời sáng rõ dần, ngọn đèn đường cuối cùng vừa tắt phụp, nhường cho ánh sáng của một ngày vừa mới lên. Sương buổi sớm phả vào xe mát lạnh. Tú Như bồi hồi nhìn hai bên đường. Sài Gòn và Đức Huệ đâu có xa, vậy mà mới đó cô xa Sài Gòn những sáu năm ...Sáu năm có biết bao gian truân và nỗi buồn, Tú Như cũng chưa một lần trở lại. Ngày trở về, bao nhiêu là cảm xúc.
Bé Hoa thích thú đưa mặt qua khung cửa kính đón gió:
– Mẹ ơi! Có nhiều nhà đẹp quá hả mẹ?
Thằng Thắng say mê nhìn những căn nhà san sát:
– Mẹ ơi! Mai mốt con học giỏ, cất nhà đẹp mẹ con mình ở hả mẹ?
Tú Như phì cười, ôm cả hai con vào lòng. Sáu năm qua, cô vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi hai con khôn lớn, những buổi chiều trong căn nhà tranh chỉ có ba mẹ con và bữa cơm đạm bạc. Khi con tép rang, dĩa rau muống luộc, hôm nào sang có một dĩa thịt kho. Cô đã để cuộc đời bé Thắng khổ những sáu năm, nếu như ngày nào đó nó lớn lên và hiểu biết, liệu nó có còn yêu kính cô nữa hay không?
Xe vào thành phố, Tú Như đón xe về nhà. Con đường hẻm vào nhà lạ hoắc.
Tú Như cứ đứng ngơ ngẩn một lúc. Bé Hoà nắm tay Tú Như dặc dặc:
– Mẹ ơi! Ngoại ở nhà nào hả mẹ?
– Để mẹ nhớ đã, bây giờ lạ quá!
Con số hẻm ba mươi ba, không thể nào lầm. Tú Như dắt con đi sâu vào hơn.
Kia rồi! Cây bàng ngày Tú Như đi lấy chồng còn nhỏ xíu, bây giờ cao to, che mát. Tú Như đi nhanh hơn, cô xô cánh cổng rào bằng sắt cũ bước vào.
Tú Phương vừa đẩy xe ra, cô bé mười hai tuổi năm nào, bây giờ đã thành thiếu nữ, ngạc nhiên nhìn khách.
– Chị tìm ai?
Câu nói chưa tròn câu, Tú Như bật khóc nghẹn ngào:
– Phương!
Tú Phương ngớ người ra, cô vụt kêu lên:
– Chị Như!
Hai chị em ôm chầm lấy nhau:
– Sao đến bây giờ chị mới chịu về nhà vậy? Lúc má sắp mất, má cứ hỏi chị đâu sao không về. Má cứ đợi chị cho đến khi mòn mỏi dần hơi rồi đi, đôi mắt tiếc nuối vẫn không chịu khép lại.
– Trời ơi!
Tú Như đau đớn. Cô đúng là một đứa con bất hiếu, sáu năm qua đi miệt mài, cho đến mẹ mất cũng không biết.
Sau phút cảm xúc, Tú Phương kêu ầm lên:
– Ba ơi! Chị Hai về!
Ông Hai đi ra, Tú Như nghẹn ngào:
– Ba!
Cô ôm lấy ông:
– Ba ơi! Tha thứ cho con.
Bàn tay run run ông Hai vuốt tóc Tú Như:
– Sao đến bây giờ con mới chịu về nhà vậy con, mỏi gối chồn chân rồi hay sao? Còn hai đứa nhỏ nào đây?
Đến lúc này chực nhớ, Tú Như mới quay lại. Cô chùi nước mắt nhìn hai đứa con đang đứng ngỡ ngàng:
– Thắng! Hoà! Mau chào ông ngoại với dì Út đi con!
Thằng Thắng nhanh hơn:
– Thưa ông ngoại, thưa dì Út.
Bé Hoà cũng bắt chước chào theo. Tú Phương ôm bé Hoà vào mình:
– Con mấy tuổi bé Hoà?
– Dạ, sáu tuổi.
Ông Hai vui vẻ:
– Thôi, vào nhà hết đi! Còn con Phương, đi học đi con kẻo trễ, trưa về rồi chị em gặp nhau.
Tú Phương bịn rịn:
– Chị đừng đi nữa nghen chị Hai.
Cô định nói thỉnh thoảng Trinh Tường vẫn đến thăm, sáu năm rồi anh vẫn đến, xem như đây là những người ruột thịt của anh, rồi lại thôi. Sáu năm nay biết đâu chị của cô lại bước thêm bước nữa.
Tú Như gật đầu:
– Chị chưa đi đâu, em cứ đi học đi!
Tú Như ôm em gái lần nữa rồi mới buông ra.
– Em đang học gì vậy Phương?
– Dạ, em đã học năm thứ hai đại học ngoại thương rồi.
Tú Như mỉm cười nhìn em gái. Nhìn Tú Phương cô lại nhớ tới thời con gái của mình. Thoắt đó mà đã thật xa.
Chờ Tú Phương đi, Tú Như mới đóng cổng rào quay vào. Ông Hai đang hỏi thằng Thắng:
– Con học lớp mấy rồi Thắng?
– Dạ, con học lớp ba, thưa ngoại. Em Hoa mới đi lớp một.
Tú Hoà khoe:
– Ngoại ơi! Con biết đọc báo nữa đó ngoại.
– Giỏi lắm!
Ông Hai xoa đầu nó chua xót. Ba mẹ con chắc sống khổ, quần áo đã cũ. Còn Tú Như nữa, nó già đi nhiều quá.
Ông ngước lên nhìn Tú Như:
– Con lại thắp cho mẹ con nén nhang đi. Có chuyện gì đi nữa cũng phải về nhà chớ con, có đâu mà đi biền biệt năm sáu năm trời.
Ông đưa tay chùi nước mắt, giận hờn của năm nào tan theo thời gian nhớ thương.
Tú Như rút ba cây nhang, cô đốt và cắm vào bát nhang trên bàn thờ mẹ, xong lạy bà. Không ai bảo, thằng Thắng và bé Hoà cũng đến quỳ theo.
Đôi mắt bà Hai trong ảnh nhìn Tú Như như hờn giận. Tú Như gục đầu trước bàn thờ mẹ, lòng cô đau đớn lẫn ngậm ngùi.
Ông Hai lên tiếng phá tan sự tĩnh lặng:
– Rồi con có định về nhà ở hay là đi nữa? Nhà này bây giờ có ba với Tú Phương thôi. Thằng Hưng lấy vợ đi ở riêng hai năm nay, nó vẫn nhắc con, không hiểu đã lưu lạc nơi nào.
Ngừng lạ để lau nước mắt, ông nghẹn ngào:
– Lúc mẹ mày còn sống, cứ chiều ba mươi Tết là bả ra trước cửa ngóng bây về nhà. Hết đêm ba mươi, rồi mùng một mùng hai cho đến hết tháng giêng.
Nước mắt Tú Như trào ra, cô nhoài người ôm chân cha.
– Ba ơi! Con có lỗi với ba.
– Vậy thì ở lại nhà này đi. Mấy năm nay chắc là sống khổ lắm hả con? Tha phương cầu thực nuôi hai đứa con, đâu phải dễ dàng gì.
Thằng Thắng bắt chước Tú Như quỳ bên cạnh:
– Mẹ ơi! Mình ở lại nhà ông ngoại đi mẹ há. Con không về Đức Huệ nữa đâu, bọn thằng Tý sún dữ lắm, nó đánh con đau muốn chết luôn.
Tú Như khẽ lắc đầu cho thằng Thắng đừng nói nữa, cô không muốn cha phải đau lòng vì những điều sai lầm của cô.
Ông Hai chép miệng:
– Thằng Tường đã ly dị vợ nó năm năm nay, cứ đều đặn một tuần hay mười ngày đến đây hỏi thăm tin của con. Con Phương đi học cũng có sự giúp đỡ của nó. Ban đầu ba đâu có chịu, thấy nó kiên nhẫn bền chí ăn năn nên cũng nhận.
Tú Như lặng người. Ngày nào anh bỏ rơi cô, rồi điều gì đã khiến anh chung thuỷ với cô?
Trinh Tường rút cọc vé số ném lên bàn cho Việt Hưng:
– Cậu dò giùm anh coi! Hôm tuần rồi anh đi Long An xuống Đức Huệ, thấy thằng nhỏ bán vé số dễ thương, nên mua giùm nó, nó nói năm mươi hai tờ tất cả.
Việt Hưng phì cười, nói đùa:
– Biết đâu làm phước gặp may thì sao phải không? Trúng độc đắc cái coi!
Vẫy tay gọi người bán vé số lại, Việt Hưng cầm cọc vé số của Trinh Tường lên. Có mười tấm vé số lẻ, còn bao nhiêu là số 53.958, anh kêu lên sửng sốt, vì này lô đặc biệt của tờ kết quả là con số 53.958 rõ ràng. Việt Hưng kêu lên, không tin vào sự thật trước mắt mình.
– Anh Tường, xem nè, tôi có nhìn lầm không?
Trinh Tường ghé mắt nhìn vào, đến phiên anh sửng sốt:
– Trời đất! Cậu ...cậu- Trinh Tường thành nói cà lăm ngang xương- Cậu xem có bao nhiêu tấm lận Hưng.
– Để xem!
Việt Hưng đếm:
– Một ...hai ...bốn mươi hai tấm trúng đặc biệt, anh Tường ơi. Nói đùa mà lại thành thiệt sao trời?
Hai anh em gần như nhảy tưng lên vì mừng:
– Anh cho cậu năm tấm, ba ở nhà năm tấm. Còn bao nhiêu là của cô ấy ...
Đang vui, Trinh Tường lại buồn:
– Sáu năm rồi, anh đi tìm cô ấy mòn mỏi, không biết đã lưu lạc nơi nào. À!
Anh còn trở lại Đức Huệ đi tìm thằng bé ấy cho nó một tấm nữa chứ.
...
– Chú Hai tìm ai?
Trinh Tường lúng túng, anh xuống Đức Huệ và hết một buổi sáng ngồi từ quán cà phê này sang quán cà phê nọ, hy vọng tìm ra thằng bé bán vé số, nó đã vô tình cho anh một số bạc kếch xù.
– Thằng bé ấy trắng, mặt bầu bầu mặc áo có phù hiệu trường Nguyễn Trường Toản. Nó bán vé số ở đây.
– À!- Dì Bảy kêu lên- Chắc là chú nói thằng bé Thắng. Nhưng nó đâu còn ở đây, mẹ nó dẫn nó về Sài Gòn rồi. Mà chú tìm nó chi vậy?
– Hôm đó nó bán cho tôi bốn mươi hai tờ vé số độc đắc.
Dì Bãy trợn mắt:
– Vậy ...vậy chú muốn cho nó tiền. Trời đất ơi! Có uổng chưa, có phước mà không được hưởng. Nó về Sài Gòn luôn rồi.
Trinh Tường tiếc thầm. Anh muốn đền ơn nó mang đến cho anh sự may mắn, nó đi rồi đành thôi chứ biết sao bây giờ.
Rút tấm danh thiếp cùng một trăm ngàn, Trinh Tường đưa cho dì Bảy:
– Nếu bà có gặp đưa giùm tấm danh thiếp này cho nó, bảo nó đến tìm tôi, tôi sẽ cho nó tiền.
Dì Bảy vui mừng:
– Chú thật tử tế, chứ có người mua vé số trúng họ đi luôn. Tôi sẽ đưa lại cho nó.
Trinh Tường quay về Sài Gòn. Việt Hưng đón Trinh Tường mặt tươi tắn.
– Anh có chuyện song hỷ.
– Song hỷ?
– Ừ. Nhưng khi nào gặp ba, ba sẽ nói cho anh biết.
Trinh Tường cười khẽ:
– Cậu lại định bí mật với anh? Sáng nay anh đi Đức Huệ tìm thằng bé bán vé số, định cho nó một tờ, người ta bảo mẹ nó đưa nó về Sài Gòn ở.
Việt Hưng kêu lên:
– Ủa! Sao trùng hợp dữ vậy. Chị Hai ...
– Cậu nói chị Hai nào?
– À, không! Chị Hai Nam ...mà anh nói là anh đi Đức Huệ?
– Ừ. Không gặp, anh đành để lại tờ danh thiếp cho nó đi tìm mình.
– Bây giờ anh đi đâu?
– Cậu tìm anh định đãi anh phải không?
– Đâu có. Ba bảo anh cho ba những năm tờ vé độc đắc, nên ba cũng muốn cho anh một niềm vui bất ngờ.
– Bất ngờ gì vậy?
Việt Hưng cười bí mật:
– Đến nhà mới nói được.
– Vậy thì đi!
Trinh Tường không thấy nụ cười hóm hỉnh của Việt Hưng, anh bận nghĩ đến điều của trái tim mình. Làm sao để tìm thấy Tú Như và hai con. Đã sáu năm trôi qua, sao cô vẫn chưa chịu một lần quay về.
Bình hoa trên bàn, trong nhà như nhộn nhịp hẳn ra và nhiều thức ăn quá, thằng Thắng kêu lên:
– Ngoại ơi! Ngoại cúng bà ngoại phải không?
Ông Hai cười vò đầu nó:
– Ừ, cúng bà ngoại và cũng mừng ngày nhà mình đoàn tụ. Thắng này! Con muốn có ba không?
– Dạ muốn. Mà mẹ nói ba chết rồi lúc con mới hai tuổi.
– Người chết không phải là bằng ruột của con.
Thằng Thắng nhíu mày:
– Không phải là ba ruột, vậy là ba ghẻ hả ngoại?
– Con không nên phân biệt ba ghẻ hay ba ruột, vì ba Hoàn Vũ rất yêu con.
– Vậy ba ruột của con là ai hả ngoại?
– Suỵt!
Ông Hai đưa một ngón tay lên miệng.
– Con khẽ chứ! Ông ngoại muốn dành bất ngờ cho mẹ con. Một lát nữa, ba của con mới về đây với cậu Hưng, người đó mới chính là ba ruột của con, đã đi tìm con năm sáu năm nay. Con nhớ phải giữ bí mật không được nói với mẹ con.
Bí mật!
Ông Hai nháy mắt, thằng Thắng thích thú trước trò chơi thú vị nên nháy mắt đáp lại, nó thì thào:
– Một lát ba ruột của con đến hả ngoại?
– Ừ. Bí mật đó.
Cả hai ông cháu nhìn nhau cười. Tú Như đi ra, cô châm nước trà vào những tách nước cúng trên bàn thờ.
– Ăn mừng con về đơn giản thôi, ba làm tốn kém quá, lại còn mua cả một con heo quay nữa.
– Có sao đâu con, ý của thằng Hưng đó.
Đám cháu nội và cháu ngoại đùa sau nhà ầm ĩ. Chưa bao giờ ông Hai thấy vui như vầy. Ông kêu lên khi thấy Tú Như vẫn còn mặc bộ quần áo cũ.
– Con nên thay quần áo khác cho lịch sự lên chứ!
Ngắm Tú Như, ông Hai nhăn mặt:
– Con ăn mặc lùi xùi quá. Đừng quên sáu bảy năm trước, con từng là người hướng dẫn chương trình ở đài truyền hình, xinh đẹp, duyên dáng. Còn bây giờ chính ba còn phải chê con.
Tú Như cười khẽ:
– Con già rồi mà ba, hơn ba mươi tuổi rồi còn gì.
– Con mới ba mươi hai, già gì mà già. Có người ở tuổi bốn mươi vẫn còn trẻ trung. Nghe lời ba vào trong thay bộ quần áo Việt Hưng mua cho con ngày hôm qua. Đi đi con!
Tú Phương cũng phụ hoạ:
– Phải đó chị Như, chị tiếc làm gì mấy bộ quần áo cũ. Ăn theo thuở, ở phải theo thì. Lúc trước ở Đức Huệ là chỗ quê mùa, về Sài Gòn là phải khác chứ.
Nhìn chị, em không dám tin chị là chị của em, chứ đừng nói anh ...Hưng.
Bị ông Hai trừng mắt, Tú Phương nói trớ đi, cô nắm tay Tú Như dắt đi vào.
– Em làm đẹp cho chị.
Tú Như phì cười:
– Em làm như hôm nay là ngày trọng đại lắm vậy?
– Sao không, chị đi biền biệt đến sáu năm trời, mới chịu về nhà, còn nói ...
Lấy cho Tú Như bộ quần áo, Tú Phương bắt Tú Như phải thay. Cô chảy mái tóc dài của Tú Như.
– Chị còn trẻ, ai lại tự dìm cuộc đời mình xuống. Sống là phải vươn lên chớ chị.
Tú Như nhìn mình trong gương, cô như tìm thấy lại mình của gần mười năm về trước.
Tú Phương hài lòng:
– Bây giờ mình xuống nhà đi, có lẽ anh Hưng sắp tới rồi.
Một chiếc xe đỗ xịch trước nhà. Việt Hưng bước xuống trước, Tú Như đi ra mừng Việt Hưng:
– Hưng!
Cô đang sững người vì còn một người nữa đang ngồi chỗ tay lái, anh mở cánh cửa, rồi cũng vụt sững sờ:
– Tú Như!
Trinh Tường bước nhanh xuống. Anh quá xúc động, thì ra điều song hỷ mà Việt Hưng nói là sự trở về của Tú Như. Anh nghẹn ngào:
– Em chịu trở về rồi sao? Mấy năm nay anh cứ đi tìm em, bỏ hết công việc.
Tú Như cúi đầu:
– Anh tìm em làm gì. Cũng chính vì biết anh đi tìm, em phải đi trốn.
– Em ác thật.
Thằng Thắng tuôn ra. Nó đã nhớ mặt ông khách mua năm mươi hai tờ vé số, đã đưa cho nó đến một trăm chục ngàn, nó nắm tay ông Hai:
– Ngoại ơi! Ông này đã mua của con năm mươi hai tờ vé số, ổng cho con bốn mươi sáu ngàn.
Trinh Tường nhìn lên. Đúng là thằng bé bán vé số mà anh đi tìm. Anh ngây người nhìn nó. Anh đã nhận ra tại sao anh cảm thấy quen với nó, chính vì điều này mà anh mua hết vé số của nó để có sự may mắn kỳ diệu.
Ông Hai đẩy nó tới trước:
– Người này mới chính là ba của con.
– Ba của con.
Trinh Tường nghẹn ngào:
– Thắng phải không con? Ba mới là ba của con, không ngờ cha con gặp nhau mà không biết.
– Ba!
Thằng Thắng lao vào vòng tay Trinh Tường. Trinh Tường ôm chầm lấy nó và hôn. Bé Tú Hoa đứng trong một góc, không ai nói tới nó, nó tủi thân lại bên Tú Như:
– Mẹ ơi! Con có ba không?
Trinh Tường quay phắt lại. Con bé giống Tú Như quá, anh vươn tay kéo nó lại, âu yếm:
– Con cũng có ba. Ba là ba của con.
Vòng tay Trinh Tường dang rộng, ôm cả hai con vào lòng.
...
– Tú Như!
Tú Như không quay lại. Trinh Tường bước gần, anh ngập ngừng đặt tay lên vai cô:
– Đừng đi nữa có được không em? Các con cần có cha, có một gia đình để được ăn học tử tế. Anh thật sự không ngờ là mình gặp con ở một nơi xa lạ, nó đi bán vé số.
– Em đâu có cho con làm điều đó, tại bé Hoà bệnh ...
– Nó là đứa con hiếu thảo, cho nên em không có quyền chỉ nghĩ đến em mà để khổ cho con. Anh tin rằng bên kia thế giới, anh Vũ cũng hiểu mà tha thứ cho chúng ta. Sáu năm rồi, em biết không, anh luôn thương nhớ em và mong có một ngày đoàn tụ.
Nước mắt Tú Như rơi lặng lẽ, trong lúc vòng tay Trinh Tường trên vai cô nhẹ siết lại, kéo cô thật sát vào anh:
– Chúng ta đã chịu quá nhiều đau khổ, nên nghĩ đến chúng ta em ạ.
Không có lời nói nào chỉ có giọt nước mắt đoàn tụ và nụ hôn ấm nồng rời trên đôi mắt đang đầy lệ.
– Anh vẫn yêu em và yêu mỗi mình em ...
Nắng mùa thu nhảy nhót trên bậc thềm, nhưng chiếc lá vàng bay tơi tả dưới đất. Nhưng từ nay mùa thu, mãi mãi lá không vàng, vì đã có cuộc hội ngộ ....
Nơi một vùng biên giới, chiều nay Bảo ngồi thẫn thờ. Người ấy đã đi rồi. Cô hiện diện bên anh năm năm, chỉ có bao nhiêu đó thôi rồi ra đi, để lại cho anh một trời thương nhớ.
Chiều nay sao lặng thế kia.
Mang theo tiếng hát, em đi mất rồi.
Vắng em, tôi hiểu lòng tôi.
Tôi ngồi thầm gọi: em còn về nữa không?
Hết