Chương 14
Tác giả: Võ Thị Hảo
DD - ói!
Có một người ngồi xổm, mắt lom lom nhìn Miên như nhìn một miếng thịt ngon, rán xong, tẩm nước sốt, gia vị và dọn sẵn trên bàn ăn.
Mắt ông ta đỏ đọc, nhoèn nhoẹt, những sợi lông mi chập vào nhau từng chùm.
Đôi hàm răng ông ta nhe ra vàng khè, rãi chảy ròng ròng.
- Đói!
Ông ta thét lên. Tiếng thét như tiếng còi tàu xé toác không gian lặng lẽ ngột ngạt của trại tâm thần đang ngủ thiếp trong một giấc ngủ dị dạng, nơi mà những ô cửa sổ vuông cỡ hai bàn tay, đen ngòm, chĩa ra cánh đồng mọc đầy cỏ lau và sỏi đá trước mặt. Thỉnh thoảng, mới thấy thấp thoáng đôi mắt đỏ của một người điên đang hung hãn hoặc ngây dại ngó mông lung ra ngoài, mong đợi một cuộc tháo cũi sổ lồng hoặc bắt gặp những ảo ảnh chạy điên đảo trong đầu họ.
Ban mai tù hãm. Một thung lũng người điên trong một thế giới người tỉnh. Một thế giới duy nhất mà ở đó, có những người ngây dại, điên rồ, nhưng không có những kẻ lưu manh.
Một cánh tay dài nghều ngào đã tuột khỏi dây trói, vươn ra, vươn dài lòng thòng như tay vượn, về phía Miên.
- Đói! Đói! Đói!...
Ông ta gào lên, quằn quại. Cánh tay nghều ngoào đã nắm được vào tay Miên, và giữ chặt lấy cô như hai gọng kìm thép.
Miên đang bị giam giữ cũng bởi một dây xích.
Cô bị xích ở đây từ hôm qua, khi cô đi vào trại tâm thần để thăm anh Lình. Bằng chút tiền dành dụm được, Miên thuê một căn nhà lá ở ngoại ô. Đêm đêm, hai anh em không thể ngủ vì Lình cứ hễ nằm xuống là thấy lại mình nằm dưới đống thịt người chết, bị những đôi chân và bụng bị bom cắt rời đè đến ngạt thở.
Đến bữa cơm, Lình không thể ăn bất cứ thứ thịt, cá gì vì hễ nhìn thấy thịt cá là nghĩ ngay đến mùi thịt người.
Anh Lình có tên trong danh sách nhập ngũ rồi vào chiến trường Quảng Trị cách đây ba năm. Lình đi vào đợt tuyển quân vội vào để bù đắp cho số bộ đội chết quá nhiều ở thành cổ.
Ba năm sau, Miên vẫn ở cho bà chủ hàng cơm. Ngày đón anh về, Miên gặp một người con trai gầy giơ xương, nửa điên nửa tỉnh. Lình đi lang thang, xé quần xé áo, thỉnh thoảng lại nằm lăn ra đất, đưa hai tay cào vào ngực. Hai tay Lình cào như tự xé toang lồng ngực để thở, rồi hét thật to:
- Không ăn đâu!
- Không ăn!
- Không! Không ăn!
- Thịt người tanh quá!
Miên nhớ, hồi mới giải ngũ, khi vừa về đến nhà, cởi bỏ ba lô, mặt mũi ngơ ngác như ngái ngủ, Lình đã nói:
- Có một điều này anh cần phải nói trước. Em đừng dọn thịt người cho anh ăn!
Miên tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại:
- Anh bảo cái gì? Anh muốn ăn thịt gì?
- Anh nói là anh không ăn thịt người! Đừng dọn món đó cho anh ăn.
Miên phì cười, tưởng ông anh mình đi bộ đội về học thêm được tính hài hước, nói:
- Anh đi bộ đội về, vui tính thật.
Ai dè ông anh trợn mắt:
- Anh thú thật, lúc bị bỏ đói mấy ngày dưới đống xác chết, anh nghĩ anh đã gặm hết thịt trên một cái cẳng tay đầy lông.
Lình ôm ngực để chặn một cơn buồn nôn:
- Anh no lắm. Không cần ăn gì nữa đâu!
Lình chạy thốc ra ngoài, rồi ôm bụng nôn oẹ.
Miên phải chạy theo, dìu Lình đang dặt dẹo như chiếc lá rũ ra dưới nắng vào nhà, tắm rửa cho ông anh rồi đổ sữa và cháo để ông anh khỏi chết đói.
Được một thời gian, Lình bị suy dinh dưỡng vì không thể ăn được bất cứ cái gì có chất bổ vào người. Anh cũng không ngủ được vì cứ hễ đặt lưng xuống giường là mơ thấy bãi chiến trường và đống xác chết tanh lợm đang chất lên thân mình.
Lình ốm rạc rài từ sau khi ra quân. Anh không thể ăn được gì ngoài rau. Cứ nhìn cơm, Lình cũng nghĩ ngay đến thịt người, chưa kể cá thịt.
Người Lình cứ mỏi mòn như xác ve. Còn mỗi đôi mắt nhìn thô lố.
Có nhiều đêm chợt tỉnh giấc, Miên chợt thấy ông anh mình ngồi nhìn ra ngoài trời, co rúm lại vì sợ hãi, rồi chui tọt xuống gầm giường. Cái gầm giường thấp, chưa cao tới hai mươi phân, thế mà Lình cũng chui lọt. Lình lấy thân mình đội giường lên bằng một sức khoẻ kỳ lạ, rồi van xin:
- Tôi giết! Xin tha tội. Đừng chặt cổ tôi!
Rồi Lình làm động tác như cấu chân tay mình đặt vào người ai đó, vừa khóc vừa nói:
- Đây này! Này thì ăn đi! Tôi trả chân tay cho anh.
Những lúc như thế, Miên lại mất ngủ, lại đốt đèn lên, ôm lấy Lình dỗ dành. Cô khóc:
- Anh Lình! Đừng làm thế! Em sợ lắm!
Sau khi gầm gào vật vã đến mệt lử, Lình thiếp đi. Lúc tỉnh lại. Lình lơ mơ nhìn xung quanh, ngắm gương mặt Miên với vẻ ngưỡng mộ như ngắm một thiên thần. Lình khóc:
- Miên ơi! Khúc ruột anh! Em lớn, đẹp quá! Em giống hệt mẹ trẻ Phượng!
Miên mừng rỡ:
- Anh tỉnh rồi hả? Kể chuyện mẹ Phượng đi!
Mắt Lình mơ màng:
- Mẹ Phượng của em, không phải của anh. Mẹ Phượng anh phải gọi là mẹ trẻ. Mẹ trẻ đẹp lắm! Gót chân mẹ màu hồng, thấp thoáng như nụ hoa dưới chân váy lĩnh thâm. Môi mẹ cũng hồng, như môi em, miệng rộng. Mắt xếch dài và buồn hun hút...
Miên ôm vai anh, khóc ròng:
- Anh ơi! Mẹ mất, còn cha. Cha đâu? Anh phải đưa em về gặp cha! Phải đâu cha chữa được bệnh cho anh.
Gương mặt Lình bỗng co giật. Anh nằm lăn ra đất, ôm chặt lấy đầu như đang trong cơn đau đớn dữ dội:
- Không! Cha! Đừng đánh! Cha lại choảng gạch vào đầu con, vỡ đầu rồi !
Miên không hiểu gì về tất cả những cử chỉ kỳ quặc của Lình. Cô cảm thấy giá lạnh, nhất là những lúc như thế này. Cô lại khóc:
- Anh Lình! Làm sao thế? Em sợ lắm.
Sau cơn động kinh, khi tỉnh lại, Lình lại nhìn Miên xót xa:
- Em bé, đừng hỏi. Chỉ có hai anh em thôi, nương tựa nhau. Anh là anh em, thay cha của em. Anh đã hứa với mẹ trẻ Phượng, Ngày mẹ chết và anh mang em đi!
- Mẹ Phượng chết như thế nào, anh?
Mẹ trẻ Phượng chết thế nào ư?
Biết nói với em mẹ trẻ Phượng chết thế nào!
Biết nói thế nào về sợi dây thừng bằng lông lợn lủng lẳng trong chuồng nhốt con lợn nái, vào một buổi bình minh, khi cái xác của người đàn bà đẹp nhất anh từng thấy trong đời, đã đung đưa trong chuồng, trên ổ rơm của con lợn nái, gót chân trắng nhợt, mớ tóc xoã tung như một đám mây giận dữ, con lợn nái trong chuồng cũng phải hộc lên thương xót cho một đứa bé gái mới đầy tháng tuổi và bầu sữa căng tròn của người chết bỗng phun sữa trắng đục ướt đẫm cả đám rơm lót chuồng lợn.
Biết nói thế nào với em, về tiếng rú của mẹ trẻ Phượng. Về đôi chân thõng xuống của bà ngoại em, vào một ngày, nhỏ xinh đi hài gấm thõng xuống giữa bậc cửa.
Biết nói với em thế nào về Long - bác ruột của em, một cậu tú tài tài hoa vào bậc nhất trong vùng, đã cắn răng lên xỉa xói đấu tố kể tội cha mẹ mình là địa chủ bóc lột tàn ác, để không bị đưa đi xử tử, để không bị trói vào cọc tre và đập cho phọt óc trên ruộng mạ như ông ngoại!
Biết nói với em thế nào, về cảnh ông ngoại của em bị cha ta trói, treo hai chân ngược xuống từ xà ngang của đình làng ta, hai bàn tay bị vặn bằng kìm. Và cứ mỗi một lần khảo đả để buộc ông ngoại em phải nhận tội bóc lột hoặc để khai ra nơi giấu của, ông ngoại em lại rú lên một tiếng rồi ngất xỉu. Ông ngoại em vốn nhà nho gầy guộc. Ông khai, khai hết, khai hết những nơi bà chôn giấu vàng bạc. Ông em bình thường “quân tử viễn bào trù", đâu có biết nội tình tay hòm chìa khoá của bà, ông chỉ đoán mò. Vì thế ông càng bị đánh đập chết đi sống lại. Nền nhà và ngoài sân, góc cau chĩnh nước đều bị đào xới nát bấy.
Bà tiếc của còn cố chịu đựng, nhưng đến khi cha ta cùng mấy cán bộ cốt cán đưa ông ngoại em về nhà, treo giật ông lên trên xà nhà và dùng kìm vặn ngón tay cái của ông trước mặt bà, thì bà rú lên, ngất xỉu. Cha ta đứng dạng chân đái vào mặt bà. Bà tỉnh dậy vì mùi nước tiểu, còn kịp nhìn thấy cái vật nhọ thủi của cha ta lủng lẳng ngoài quần đùi.
Bà ngoại em đã nôn oẹ và lẳng lặng khai ra nơi giấu đồ nữ trang, để ông được thả xuống.
Ông bị trói ngồi rũ trong góc nhà. Bà thì bị quật cán cào vào lưng, buộc phải nấu nướng dọn cỗ cho cha ta và cán bộ cốt cán chè chén no nê trước mặt ông ngoại, trong khi ông nhịn đói, mấy ngày chưa được ăn, trên cổ đeo nặng tấm biển được đẽo bằng ván áo quan bốc mả, đề dòng chữ lớn viết vội bằng vôi: “Đả đảo thằng địa chủ gian ác!”.
Ta làm sao biết phải nói với em thế nào, vì ta không biết được người đói khát bị trói trong góc nhà, phải nhìn vợ mình đem của cải nộp cho cha ta, nhìn vợ của mình bị bọn người vũ phu bắt nấu nướng phục vụ và chòng ghẹo, thì có thể nghĩ gì.
Ta không thể biết được!
Chỉ thấy ánh mắt ông ngoại em rực sáng như mắt mèo, từ trong xó nhà.
Miệng ông nở một nụ cười mệt nhọc và khinh miệt.
Cha ta không cho bà nhìn về phía ông ngoại. Hễ bà nhìn về phía ông là cha ta đưa tay vỗ vào ngực bà rồi cười hô hố. Bất chợt quay trở lại, trong khi đang cười, thì bắt gặp cái nhìn và nụ cười của ông, cha ta tắt ngay tiếng cười, bước tới:
- Thằng địa chủ gian ác kia! Mày có muốn ăn không?
Ông ngoại gật đầu. Mắt ông ngời một tia hy vọng.
- Mày lạy tao đi, rồi gả con Phượng cho tao, tao sẽ tha tội chết cho mày!
Mặt ông ngoại em cau lại. Một tiếng “xẹt”. Một bãi nước bọt của ông ngoại đã trúng vào mặt cha ta.
- Mày phải chết! Vợ con và của cải của mày thuộc về tao!
Cha ta không đưa tay chùi nước bọt, gào lên như hoá dại, lấy chân đá liên hồi vào ngực ông ngoại em.
Ông ngoại em thổ huyết rất nhiều, đỏ cả sàn nhà dưới chân. Ông thản nhiên nói:
- Thảm hại thật! Lũ lưu manh! Khốn khổ!
Hồi đó, ta chưa biết chữ, nên không biết lưu manh là gì.
Ngày hôm sau, ông ngoại em chết, óc phun vọt ra ruộng mạ.
Buổi đêm hôm ấy, bà ngoại em đã thắt cổ chết trên ngưỡng cửa, cạnh chiếc xà cha ta đã treo ông.
Và bác Long em, đã bị trói nhốt trong nhà giam, trước sau một mực bướng bỉnh và khinh miệt không nhận tội áp bức bóc lột, không chịu đấu tố cha mẹ, sau cái chết của ông bà ngoại em bỗng trở nên ngoan ngoãn, xin được đứng ra đấu tố kể tội hai tên địa chủ gian ác.
Ta không quên được, ngày hôm đó, bác em xung phong lên đấu tố cha mẹ mà như điên dại. Bác em nhảy chồm chồm, bắt chước đúng lối nhảy đấu tố của mấy bà nông dân, gán cho cha mẹ những cái tội tầy trời không ai tin được. Nhưng cha ta và đội cốt cán nghe khoái trá lắm.
Bác em lập tức được đổi chỗ giam giữ, chuyển xuống chái đình, ba vòng trói nới lỏng chỉ còn một.
Rồi đêm đó bác em tự cắt dây trói vào ngạch cửa đình, vượt tường trốn mất tích.
Bác em để lại một dòng chữ bằng máu viết rất cẩn thận trên tường: “Lũ phản phúc! Hãy nhớ! Ta sẽ trả thù!”
Ta nhớ, cha ta gầm lên, nói:
- Thủ đoạn của bọn địa chủ thật thâm độc, vờ vịt đấu tố cha mẹ mình, rồi trốn tiệt. Cẩn thận canh gác ngày đêm, nó bén mảng về làng là giết luôn.
Và mẹ trẻ em bị giam lỏng ngay tại nhà, trở thành người chăn ba mươi hai con lợn nái và thành vợ lẽ của cha ta rồi sinh ra em.
Thế đấy!
Nếu ta kể cho em, ta có giết chết em không?
Ta nhớ ông ngoại em đã thản nhiên nói:
- Lũ kẻ cướp thảm hại! Bao giờ thì mới sống cho ra giống người?
Ta nhớ cha ta đã cười đắc thắng, cọ lưỡi búa vào mặt ông ngoại em:
- Giống người hay giống chó thì bây giờ lũ bóc lột chúng mày cũng sắp chết phọt óc!
Ta biết nói với em thế nào?
Trong người ta đang chảy cái dòng máu ấy đấy! Trong người em cũng vậy!
Em có biết, ta đã cố quên những lưỡi búa, những ruộng mạ đầy óc và máu. Cố quên những đầu người chết oan mắt mở trừng trừng trên những chiếc cọc bắn. Cố quên những viên gạch cha ta đập vào đầu ta những khi ông nổi giận. Cố quên dáng Phượng cùng bà ngoại em đi phát chẩn trong túp lều rách bên sông, quên những đấm đạp và hình ảnh ông ngoại em bị trói, nhịn đói nhịn khát trong góc nhà.
Nhưng không sao quên nổi. Đêm đêm những hình ảnh đó vẫn về. Nghiến ngấu ta.
Trong người ta đang chảy dòng máu đó. Ta ghê sợ dòng máu đang chảy trong người ta.
Ta ghê sợ gương mặt mà ta đang mang. Gương mặt giống ông Dậm cha ta, với chiếc mũi gồ, lưỡng quyền cao. Người ta nói rằng sở dĩ cha ta sống lâu, cho vào cối giã không chết vì ông ta có chiếc mũi gồ và căn cốt cao như vậy.
Em không biết đâu. Nhiều khi ta muốn cầm dao vạc vào mặt mình.
Vạc vào mặt. Từng nhát. Cho đến tận xương. Để gương mặt đó không nhắc ta phải ghê tởm cái dòng máu đang chảy trong huyết quản ta.
Ta sợ rằng nếu cứ mang mãi gương mặt đó, thể nào rồi có ngày ta cũng sẽ trở thành độc ác. Gương mặt đi tìm dòng máu. Dòng máu đi truy lùng gương mặt.
Làm sao để ta thoát khỏi ta?
Nói thế nào cho em hiểu nhỉ, vì ta đã phải chịu khổ hình.
Vì ta hầu như đã yêu mẹ trẻ Phượng. Thương xót, oan trái và đẹp!
Biết nói với em thế nào về mẹ trẻ Phượng, khi một ngày, ta, lấm lem, đóng khố, cởi trần, như cha ta với nắm khoai khô trong tay, bên cái lều của ta bên bờ sông, trong khi cha ta đang vá dậm trong lều, và nhìn thấy Phượng - hồi đó chưa phải là mẹ trẻ - đang là tiểu thư Phượng con nhà ông Cử. Thướt tha và quyền quý, trong chiếc áo tứ thân màu đen, váy lĩnh màu tía sẫm, yếm màu vàng rơm, đôi chân ẩn hiện trong gót hài và ẩn hiện dưới gấu váy lĩnh xếp nếp dài chấm gót. Tiểu thư Phượng má trắng xanh, gương mặt thon dài yếu đuối, mắt buồn như mặt nước sông buổi đêm. Phượng đi phát chẩn, cùng người tá điền đưa phát thuốc trị cảm cúm cho thằng em ta, đưa đến cho mẹ ta một xâu tiền đồng và năm đấu gạo.
Biết kể với em thế nào, khi ta quay lại, bắt gặp bố ta rụng rời buông thịch chiếc dậm rách đang vá dở, mắt loé lên thèm khát. Ta ngạc nhiên, và biết ông đang có một tham vọng khủng khiếp. Ngay lúc đó, ta biết ông sẵn sàng giết người để đạt được mục đích.
Biết nói sao, cái điều ta chợt nhận thấy ở trong ta lúc đó. Toàn thân ta như lên cơn sốt rét. Răng ta đánh vào nhau lập cập. Và cái vật đàn ông trong ta chợt trỗi dậy.
Ta bỏ chạy, mắt vẫn không thể không ngoái nhìn mẹ trẻ Phượng. Ta muốn giấu giếm điều đó. Ta định lao xuống sông. Nước sẽ che giấu cho ta. Nhưng chưa xuống sông thì ta đã vấp vào dây chuối và ngã sấp xuống. May mà ta ngã sấp chứ không ngã ngửa.
Cả nhà ta nhìn thấy, mà không ai đến đỡ ta dậy. Hoạ may ta có chết, thì bố ta sẽ đến, bó ta vào chiếu, vác lên vai mà mang đi chôn. Không bao giờ ông thèm nhìn đến một đứa con bị ngã. Ông ta chỉ nhìn thấy những con Miên trong dậm và bát cơm trước mặt. Trong nhà, ông bao giờ cũng ăn một mình một mâm, dù trong mâm có cơm hoặc chỉ có rau má, thân đu đủ luộc hoặc khoai khô và cà muối. Ông bao giờ cũng đi rà soát một lượt cái mâm cơm được dọn ra trên chiếc mẹt của mấy mẹ con ở bếp hoặc ở ngoài sân nếu trời không mưa. Mâm cơm của ông được dọn lên bao giờ cũng phải đầy, gấp đôi khẩu phần của mấy mẹ con. Và ông sẽ mắng chửi ngay trong bữa ăn nếu ông nghĩ rằng mấy mẹ con ăn quá khẩu phần, là phí phạm.
Một đứa con ngã, thậm chí đau đến chết giấc, hoặc một đứa con ốm, đối với ông, không có gì đáng quan tâm. Một con gà ốm còn phải lo mớm cho nó uống tỏi. Nếu khỏi bệnh thì nó tiếp tục đẻ trứng hoặc đem bán. Mà nếu chết thì còn giết thịt để ăn. Con lợn thì khỏi nói. Nhưng nhà ta chưa bao giờ nuôi được lợn, vì nhà ta chỉ có túp lều, nhặt nhạnh bòn mót được bữa nào thì đem đổi khoai, đổi gạo ăn bữa ấy, làm gì có cám mú mà nuôi lợn.
Và như thế, ta ngã sấp xuống đất, mồm cắn chặt lấy mớ lá chuối mục nát, ngực đau nhói. Giữa hai đùi cũng đau nhói, nóng bỏng như muốn vỡ tung.
Ta nằm úp mặt trên đất, lẫn cả bùn và lá mục. Mùi lá mục hăng và tanh nồng bùn.
Tiểu thư Phượng uyển chuyển đi đến, đỡ ta dậy và hỏi: "Có đau không?”.
Ta không dám bò dậy. Vì ta đang đóng khố. Ta không thể đứng như thế trước tiểu thư Phượng.
Ta nghĩ ra một cách.
Ta cứ thế, sấp mặt, lồm cồm bò mấy bước, rồi lao ùm xuống sông.
Tiểu thư Phượng đứng trên bờ cười khanh khách, thật ngây thơ.
Tiểu thư Phượng không biết rằng chuỗi cười của tiểu thư đã khiến cho ta có cảm giác thoả mãn cùng cực ở dưới sông. Một dòng âm ấm của thân thể ta phóng vọt ra, hoà vào nước sông.
Ta còn nhớ rất rõ, một phần thân thể ta đã mạnh mẽ rạch nước sông, như một lưỡi dao cùn chia cắt nứơc sông, như chia một miếng bánh đúc.
Và ta đã trở thành một người đàn ông.
Ta cũng đã kịp trông thấy, bố ta liếm mép nuốt nước bọt nhìn theo khi tiểu thư Phượng đi xa dần, Phượng sang túp lều bên cạnh để phát chẩn nhân dịp ngày rằm…
*
Lình đang bị giam trong căn phòng rộng bốn mét vuông.
Chân tay Lình đang bị buộc vào ghế. Những sợi dây điện mềm màu đỏ giữ chặt chân tay anh, giữ cứng cái đầu vào lưng ghế, ngăn không cho Lình dùng tay vạc vào mặt. Cũng không cho Lình đập đầu vào ghế.
Lình không gào thét, không chửi bới, nhưng mắt cứ dán vào cửa sổ bằng hai bàn tay, nhìn lom lom ra ngoài và hễ có cơ hội là đưa tay vạc vào mặt hoặc đập đầu vào bất kỳ cái gì.
Lình van vỉ:
- Mặt này không phải mặt tao! Thả tao ra!
Khi ai đưa thức ăn đến, Lình lại thét:
- Tao ăn thịt người no rồi. Tao không đói! Tao không ăn!
Tiếng kêu khe khẽ của Lình bị át đi bởi tiếng gào của người đàn ông bị trói ngoài thềm:
- Đói!
Ông ta đã nắm được bắp tay của Miên.
Miên cũng bị xích chân vào một sợi dây, cô không ngừng gào thét, giẫy giụa cố sức thoát khỏi sợi dây trói.
Người bảo vệ của trại tâm thần đã xích cô vào cây cột này, khi cô lang thang vào trại tâm thần để tìm Lình. Cô nhìn thấy người ta nhốt anh Lình trong phòng, thân chỉ còn da bọc xương, cơm canh vứt lổn nhổn mốc meo. Lình không thể ăn nổi vì hễ ăn là nghĩ đến thịt người. Anh cố đứng bên cửa sổ chỉ bằng hai bàn tay, nhìn ra ngoài, mong mỏi, đôi mắt mờ dại vô vọng và ướt đẫm nước mắt.
Nhìn thấy tình cảnh anh như thế, Miên không chịu nổi. Cô chạy đến cửa buồng bệnh nhân của Lình, lồng lộn dùng gạch đá ra sức đập phá để giải thoát cho anh.
Lình nhìn thấy em gái, mắt sáng lên, anh hò hét bên trong để cổ vũ cho em đập phá cửa buồng. Tiếng hò reo của hai anh em vang lên cả một góc trại tâm thần.
Những người điên trong trại nghe tiếng ồn ào, nhìn thấy cảnh đập phá, cũng bị kích động, đồng loạt reo hò hoặc rú lên những tiếng cổ vũ chói óc.
Đám bảo vệ trại ập đến. Họ lôi xềnh xệch Miên về một căn phòng ngoài cổng, xích cô vào một cây cột, chờ khám bệnh và hỏi lai lịch, cạnh người đàn ông điên hay kêu đói lang thang ngoài đường mới bị đưa vào sáng nay. Đây là phòng chờ dành cho người điên đi lang thang bị công an khu vực đưa vào hoặc những bệnh nhân tự tìm đến, không có người nhà gửi gắm và bảo vệ của trại tạm giữ lại chờ khám, phân loại bệnh để rồi quyết định đưa về các phòng bệnh hay trả về cho thân nhân hay công an địa phương.
Người đàn ông điên được công an trói chặt cánh khuỷu đưa vào lúc ba giờ chiều, chỉ trước Miên hai tiếng đồng hồ.
Miên đã đi tìm Lình khắp nơi, vào tất cả các trại tâm thần và đến đây thì mới gặp.
Chiều sẫm dần. Những bác sĩ của trại tâm thần đã quá mỏi mệt. Họ làm việc cạnh những bệnh nhân điên dại, bị ám ảnh bởi quá khứ, gương mặt luôn co giật đau đớn, nhiều người ở trong tư thế đánh trận giáp lá cà, sẵn sàng xông vào vật lộn với bác sĩ hoặc hộ lý, hoặc sẵn sàng đập vỡ bát đĩa, lấy mảnh vỡ để đâm vào cổ tự sát khi tỉnh lại.
Những bác sĩ của trại tâm thần với đồng lương khốn khổ, không đủ để nuôi chính mình chứ chưa nói gì đến chuyện nuôi gia đình.
Không ai quan tâm đến những trại tâm thần. Vì những người điên là những người đã bị gạt ra ngoài lề xã hội. Những dự án cho bệnh viện ngày càng teo tóp lại.
Người ta thích duyệt những dự án xây dựng, nơi rất khó tính đếm được có bao nhiêu tiền xi măng sắt thép và bao nhiêu tiền của đã chui vào túi của những người xây dựng và duyệt dự án.
Những bác sĩ đã quá mỏi mệt. Họ mặc kệ những người điên lai vãng gào thét tại những phòng tạm giữ.
Bàn tay người đàn ông điên như gọng kìm sắt đã siết chặt lấy bắp tay Miên. Ông ta cố sức kéo cô về phía ông ta, cái miệng há rộng, hai hàm răng đều đặn với những chiếc răng nhọn đầu và vàng khè như răng chuột. Rãi rớt chảy ròng ròng. Ông ta thét lên:
- Đói!
Cái xích sắt ở chân ông xoang xoảng đập vào cột. Ông ta khoẻ như một lực sĩ và cái sức mạnh đó được nhân lên gấp bội trong cơn điên. Ông ta luôn cảm thấy bị bỏ đói. Như lâu lắm rồi chưa bao giờ được ăn.
Người dân quanh trại tâm thần nói rằng ông ta đã ra vào đây nhiều lần, kể từ sau khi đi bộ đội từ chiến trường Lào trở về, khi người ta tìm thấy ông ta như một con thú sắp chết, gầy rộc, mồm xây xát chảy máu vì đang cố gặm một hòn đá vôi, bụng lõm sát tận xương ở gần một khe suối cạn. Ông ta bị lạc rừng trong nhiều ngày, lang thang và không có gì để ăn nên lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái đói. Sau khi vào trại tâm thần, ông ta đã được ăn no rồi xuất viện, nhưng khi về nhà, chỉ một lần không được ăn đúng bữa là bệnh tâm thần lại trở lại. Ông ta lồng lên, chạy khắp nơi, kiếm được bất cứ cái gì cũng bỏ vào mồm, gặp người nào hoặc con gì cũng nghĩ rằng đó là một miếng thịt có thể ăn được và nếu không có ai giữ lại thì sẽ đến, cắn ngập răng vào người đó.
Người nhà đưa ông vào trại tâm thần như bắt cóc bỏ đĩa. Trại tâm thần cũng đã quá mệt mỏi vì phải trông giữ ông ta và lẩn tránh mỗi khi người nhà cho ông ta uống thuốc ngủ, chở ông ta đến trên chiếc võng, dưới một chiếc đòn, mắc trên hai xe đạp.
Và bây giờ thì ông ta đã sắp dứt bỏ được sợi dây xích ở chân để nhào vào Miên.
Đêm xuống.
Trại tâm thần chìm dần trong màn đêm.
Cái mồm lởm chởm răng của người điên đã ghé gần cánh tay của Miên.
Miên thét lên. Cô sợ hãi cuồng loạn, nhìn đôi chân của ông ta đang căng sợi xích đã gần bong mất một khâu. Nếu khâu này đứt tung, thì ông ta sẽ nhào đến để “ăn thịt” Miên. Với ông ta, Miên chỉ là một miếng thịt ngon lành.
Trong phòng bệnh nhân, Lình không biết gì, không biết Miên đang ở đâu, cứ dán mắt ra ngoài cửa sổ, gọi khàn cả giọng vì kiệt sức:
- Miên ơi! Ở đâu thì về. Anh không đói đâu. Anh không ăn thịt người đâu!
Người gác đêm của trại tâm thần mới đổi ca, nghe ồn ào, bước tới phòng tạm giữ bệnh nhân.
Người điên khôn ngoan bỏ tay ra khỏi người Miên, trở nên ngoan ngoãn như không có gì xảy ra, hô:
- Em chào thủ trưởng. Một hai ba, đi đều, bước!
Biết là lời chào của một người điên, nhưng mặt người gác đêm cũng giãn ra. Anh ta bước tới ngó nghiêng.
Miên cuống quýt van vỉ khi nhìn thấy anh ta:
- Chú ơi! Cứu cháu! Làm ơn thả cháu ra! Cháu không điên! Ông này sắp ăn thịt cháu
Người gác đêm nheo mắt nhìn Miên. Quần áo cô nhàu nát, mặt mũi bơ phờ, thất thần. Ông ta quát:
- Im đi! Con điên.
- Cháu không điên! Ông này sắp tuột xích rồi! Lúc nãy ông ấy bắt được cháu. Ông ấy định ăn thịt cháu!
- Thôi ngay, đồ điên. Đứa nào vào đây mà chẳng nói rằng tôi không điên. Mày cứ ở đó, trại chật ních rồi, mai mới có chỗ.
Người gác khua gót giày bỏ đi, trong tiếng nức nở tuyệt vọng của Miên. Măt người điên ánh lên thoả mãn. Dù điên, nhưng bản năng rình mồi của anh ta tỉnh táo, khôn ngoan tinh tường như một con thú.
- Đói! Đ... o... ó... i!
Ông ta gào lên. Chân tay vung vẩy khiến xích sắt khua xủng xoẻng. Tiếng khua càng trở nên chát chúa và đe doạ trong đêm.
Người gác đêm ngán ngẩm chạy ra:
- Ngồi im, thằng điên kia! Mày mà chạy ra, một phát này là hoá kiếp cho cái kiếp điên khổ điên sở của mày. Điên thế này thì thà đi buôn hoa quả trên bàn thờ còn sướng hơn, mày ạ!
Người điên cười, nhe răng trắng nhởn, khành khạch khành khạch, nước dãi chảy ròng ròng nhểu xuống mép, mắt vẫn không thôi nhìn Miên:
- Đói, đói, đói!
Người gác đêm bực bội bỏ vào trong phòng, dáo dác tìm quanh, được một mẩu giẻ rách, quẳng cho người điên:
- Ăn đi! Ăn cho no đi. Rồi im cái mồm cho tôi nhờ.
Anh ta thở dài đánh sượt, than thở:
- Rồi đến thức trắng đêm vì cái lũ dở người này thôi.
Anh ta bỏ vào trong nhà, một lúc đã nghe vẳng ra tiếng ngáy khò khò, kệ cho người điên mặc sức nhai giẻ và đập xích sắt vào cột.
Bàn tay của người điên lại vươn về phía Miên, mặc cho cô giãy giụa trong tuyệt vọng.
Trong căn phòng nhỏ bằng bốn mét vuông, Lình vẫn dán mắt vào ô cửa sổ bé bằng ô bàn tay, ngẩn ngơ thì thầm:
- Miên, Miên ơi! Phượng ơi! Cứu anh!
Lình không biết rằng, ở ngoài kia, trong gian nhà chờ trống huếch và lạnh giá, người đàn ông điên đã giật tung được dây xích sắt trong một cú cựa mình dữ dội, khi nhận ra rằng giẻ rách không ngon như thịt và không có gì làm đã được cơn đói ám ảnh ông ta.
Xích sắt bật tung. Sau một tiếng thét dữ dội, người điên hoàn toàn tự do, đến bên Miên, và đôi hàm răng của ông ta đã nhay vào bắp tay của Miên.
Ông ta mân mê con mồi, cười khành khạch, nắn từng chỗ trên người Miên, như một người đi mua gà, nắn xem con gà gầy hay béo:
- Con này ngon. Con này ngọt. Chỗ này toàn xương. Chỗ này nạc... Ha ha ha ha...
Miên la thét kinh hoàng, gần ngất xỉu.
Người gác đêm nghe ồn ào, tỉnh giấc, ghé mắt nhìn ra ngoài, thấy người điên đang nhe răng chực ngoạm vào mặt Miên, dụi mắt tưởng mình ngủ mê. Rồi bật dậy, chạy ra, cố giằng Miên ra khỏi người điên, quát lên:
- Thằng rồ chó chết này! Loạn quá đi mất!
Đôi tay nghều ngào của người điên cứ khoá chặt lấy Miên. Cứ như Miên đã bị hàn dính vào đôi tay của ông ta.
Tất cả những người phục vụ ở trại tâm thần này đều biết về ông ta. Ông ta đã từng bị nhiều trận đói. Trận đói năm 1945, cả nhà ông ta mười một người chết đói hết chín, xác rải đầy trong vườn chuối đã bị nhai sạch đến cả bẹ chuối và lá khô. Người mẹ, cố cứu lấy ông ta là đứa con bé nhất. Bà dắt con, vừa bò vừa lết ra đến ga tàu thì cũng gục xuống hấp hối, còn kịp mở đôi mắt trắng dã đã lạc thần van vỉ một người ký ga cứu thằng bé.
Người ký ga cực chẳng đã, sợ linh hồn người chết vừa rời khỏi bộ xương khô về ám quẻ nên đành mang thằng bé về nhà nuôi. Nuôi thằng bé thì trong nhà thêm một miệng ăn nên người vợ suốt ngày kêu ca phàn nàn, ra ngấm vào nguýt, sợ chồng con mình cũng chết đói nốt nên trong nhà dù không đến nỗi thiếu thốn cũng chỉ dám ăn lưng lửng dạ. Thằng bé được cứu sống mà vẫn không thoát cảnh thòm thèm miếng ăn, vẫn đói triền miên.
Đợi lúc thằng bé vừa lớn, đủ tuổi đi bộ đội là tìm cách tống vào lính. Vào lính, điều sung sướng nhất của anh ta là được ăn no. Nhưng đến một hôm, anh ta cùng đơn vị đi đánh trận ở rừng Lào. Bị vây hãm đến mức không nhận được lương thực tiếp tế, rau củ đã đào sạch để ăn, cả một tiểu đội không ai chết nhưng gầy rạc rài như xác ve, cứ lần rừng mà đi không biết đó là đâu, là Lào hay Việt nữa, rồi lả đi vì đói ở gần bìa rừng thì có người tìm được để cứu.
Mang về bệnh viện, được ăn uống, cả tiểu đội đều sống nhưng tất cả đều trở thành tâm thần rồi chết dần chết mòn vì bị cơn đói triền miên ám ảnh, thấy cái gì cũng cho vào miệng. Còn riêng ông ta dù điên nhưng lại cứ thích quanh quẩn vào ra trại tâm thần nên đến giờ này vẫn còn sống.
Người gác đêm lẩm bẩm, cố dùng hết sức bình sinh gỡ tay người điên, trong tiếng gầm gào như sói đói của ông ta. Nước mắt ông ta rỏ ròng ròng, chảy xuống cả tay người gác đêm, hoà cùng rãi rớt.
Người gác đêm kinh tởm lùi lại, hét lên:
- Ghê quá! Thôi câm đi mày. Cả cái nước này đói. Đói rài đói rạc cả mấy ngàn năm nay rồi, đâu chỉ mình mày!
Ông ta cúi xuống, dùng lưỡi lê chích vào một cái huyệt dưới nách của người điên. Ông ta kêu thét lên và rụt lại, bỏ tay ra khỏi người Miên.
Người gác đêm nhìn Miên, thương hại:
- Khổ thân mày. Thôi! Trông mày cũng chưa điên bằng những đứa kia! Thôi tao tháo xích cho mày. Chạy đi con ạ. Đêm nay để mày ở đây, nhỡ cái thằng cha kia tuột xích, nó ăn thịt mày thì chết tao. Mà nếu mày chưa chết, mai người ta nhốt mày vào trại, thì mày mới trở thành điên nặng, cả đời không thành người được, con ạ!
Ông ta tháo xích cho Miên, lại lẩm bẩm:
- Khổ quá! Sao ngày càng lắm người dở điên dở khùng thế không biết. Trại đâu mà chứa.
Miên được tháo xích. Cô đã tỉnh lại, thấy vết răng của người điên vẫn rớm máu trên bắp tay. Cô sực nhớ lại tất cả, nhìn hàm răng đang nhe ra của người điên, cô vội bỏ chạy, lao vút vào bóng đêm.
Người điên cũng thừa cơ tuột xích, chạy theo cô, vừa chạy vừa hú hét man rợ.
Người gác đêm đuổi theo vài bước cho phải phép, rồi quay trở vào:
- Xong, thế là rảnh nợ! Giám đốc trại hôm nào chả ôm đầu than trời vì chật ních bệnh nhân, thuốc men thì thiếu mọi thứ, chỉ có xích và dây trói là thừa nhưng cũng sắp rỉ mục cả rồi. Nếu biết mình thả bớt bệnh nhân ra, ông ta không không trách mà còn cảm ơn mình.
Người gác đêm vào, lại rít một hơi thuốc lào, rồi trùm chăn ngủ.
Miên cứ nhằm đường mòn mà chạy. Chạy bạt cả vía. Cô mệt muốn đứt hơi, trong khi người điên cuồng nộ đuổi sát sạt sau lưng.