Chương 7
Tác giả: Võ Thị Hảo
DD
... ến nỗi tượng đó nói được và giết chết những ai không chịu thờ lạy mình...
(Kinh thánh - Tân ước)
Đến hạn cúng mở cửa mả cho mẹ trẻ Phượng.
Người ta nói rằng, sau những ngày mới chết, xác chôn xuống đất, hồn phách người chết vẫn quẩn quanh lưu luyến quanh mộ, không siêu thoát được. Hồn mà quẩn quanh bên mả, là hồn bị giam cầm. Nếu không làm lễ cúng mở cửa mả, hồn sẽ khốn khổ, không về cõi khác. Mà hồn không về cõi khác thì sẽ ở lại ám quẻ người sống ốm đau tai họa.
Ông Dậm và bà Cả vẫn ăn ngon ngủ kỹ, không nhắc nhở gì đến lễ mở cửa mả.
Thằng Hai, thằng Ba nhà ông Dậm, lúc mẹ trẻ còn sống thì mê mẩn vì sắc đẹp, nay mẹ trẻ chết thì vừa tiếc vừa ngẩn ngơ sợ hãi, khoảng canh ba là cứ mơ thấy mẹ trẻ về đánh đu trên cành tre, rồi trên đầu ổ rơm, xiêm áo rực rỡ tung lên trời như đám mây hồng mây tím, để lộ thân hình nõn nà óng chuốt, đôi chân xinh xinh với những chiếc móng tái nhợt, cổ lằn vệt dây thừng.
Hai anh em không ngủ được, vừa thích mơ thấy mẹ trẻ vừa sợ, đến ngày mở cửa mả không thấy bố mẹ nói gì liền luộc trộm một quả trứng và xới một nắm cơm giấu vào trong vạt áo, mang bát cơm quả trứng ra mộ mẹ trẻ ở góc Cồn Nhà, trong Bụi Thằng Quỷ.
Đến nơi, hai đứa nhìn quanh quẩn, thì thấy đang giữa ban trưa mà rặng ổi dại rậm rì xanh um như màu mực. Những đám cỏ mần trầu, cỏ tranh, cỏ tía ba lá, cây chua me đất, cây bìm dại leo vấn vít, mộ phẳng lì như chưa từng chôn mẹ trẻ Phượng, như không hề có một xác chết nào đã được chôn cách đây ba ngày.
Chỉ có đám ổi rậm rì trong Bụi Thằng Quỷ cứ kẽo kẹt hoài như than như khóc.
Thằng Ba hỏi thằng Hai:
- Mày có biết sao bố lại chôn mẹ trẻ ở đây ?
Thằng Hai mắng:
- Phải gọi tao là anh!
Thằng Ba bĩu môi:
- Xì, anh với chả iếc. Bố bảo đừng bắt chước cái lối điệu đàng của bọn tiểu tư sản.
- Thôi được! Chôn mẹ trẻ ở đây là để trị cái tội dám chống lại bố.
- Mẹ trẻ chết, còn chống cái nỗi gì chứ?
- Mày không biết à, bố hận mẹ trẻ tận xương.
- Vì sao? Bố làm mẹ trẻ khổ thế mà.
- Tao không biết. Chỉ nghe bà Cả Cháy nói làng này xưa nay, ai chết oan, chết vì đẻ, vì hủi, thì chôn ở Bụi Thằng Quỷ.
- Chôn ở đây thì khác gì ở bãi tha ma? Đằng nào cũng chỉ là một nấm đất.
- Đây là nơi ở của giống quỷ. Thế mới gọi là Bụi Thằng Quỷ.
- Có thằng quỷ thật à? Thằng quỷ đỏ hay đen, quỷ có phải đi đánh dậm không?
- Làm sao tao biết được. Chỉ nghe nói ngày xưa có một thằng bé chết đói, chết oan, bố mẹ chết đói cả. Nó lết đi xin ăn, cả làng không ai cho một miếng, thế là nó rúc đầu xuống hầm cá trê mà chết.
- Sao chỗ đáng rúc không rúc lại rúc đầu xuống hầm cá trê?
- Thì nó bé biết gì, thấy con cá, nó nghĩ là ăn được, rúc đầu xuống...
- Khiếp, rúc đầu xuống hầm cá trê thì ngạnh nó đâm cho cũng đủ chết điếng, đau lắm...
- Ừ, chết thảm lắm, chết không ai chôn, mối tự đùn lên, phủ kín xác, chỉ còn hai con mắt cứ mở trừng trừng. Rồi hai con mắt mọc lên hai cây ổi đỏ. Mỗi cành nghều ngào uốn dẻo như tay người.
- Cành ổi đỏ trong bụi này ấy à? Chuyện của mày nghe ghê chết! Thế rồi sao?
- Ừ! Thằng quỷ lúc sống bị người làng bỏ, chết đi, lúc nào cũng khóc. Mà không có ai ôm ấp, chết đành mọc cánh tay để ôm người khác...
- Thế thì có gì mà sợ?
- Mày lại gần đây. Bây giờ bỗng dưng có một mớ cành cây tự dưng quấn lấy người mày, thít chặt vào, mày có nổi gai ốc mà bỏ chạy không?
Thằng Hai nói thế, rồi bất thần giơ hai cánh tay nghều ngào quấn chặt lấy thằng em.
Thằng Ba bỗng nổi gai ốc, hét lên, cố gỡ tay thằng anh, đấm đá lung tung.
Thằng anh cười khanh khách như bị ma cù:
- Thấy chưa! Vì ai cũng sợ, nên mới chôn những người chết oan vào đây, cho Thằng Quỷ giữ chặt lấy họ, không cho ra ngoài lang thang oán trách người sống...
Thằng Ba bực tức càu nhàu:
- Chính mày là thằng quỷ thì có...
Thằng Hai đang co chân định đá phốc vào mông thằng Ba, thì rợn người vì tiếng gió, cẳng chân đang tung cao rơi hẫng xuống.
Tiếng gió đổi chiều, như từ giữa bụi cây vuột thổi ra, nghe như rên như khóc.
Những cành ổi dại màu tím đỏ, màu xanh đen, vỏ bong lở lói, đung đưa như những cánh tay đang vươn dài, vung vẩy, quấn chặt. Táo tợn như thằng Ba mà cũng thấy ghê sống lưng.
Tiếng động xạc xào, kẽo kẹt trong bụi cây càng vẳng ra, choán ngợp cả cánh đồng lêu hêu những xác rạ đen xỉn vừa bị trận lụt nước lợ ăn mòn nổi phập phồng trên mặt nước váng phèn chua.
Bụi Thằng Quỷ nổi rõ lên như một quầng tối thẫm màu đỏ và màu xanh đen, rậm rạp như một khuôn mày rậm cau lại giận dữ và oán hận, như một vết nhức nhối trên cánh đồng sầu thảm chỉ thấp thoáng những bóng người săn bắt vài con cua con ốc, nhặt mót vài bông lúa trời ngoi ngóp. Không thấy bóng người cày cấy. Nông dân còn mê mải đấu tố và chia “quả thực”. Những nhà khá hơn một chút, nghĩa là có vài sào ruộng, thì đang mê mải lấy lòng cán bộ đội để không bị lên thành phần.
Gió từ giữa bụi cây càng xoáy mạnh.
Những cành ổi dại rạp cả xuống mà đung đưa, quạt rạc rài trên mặt đất, xiêu dạt cả đám cỏ dại. Những cành ổi xanh đỏ như những bàn tay quờ quạng tìm kiếm.
Hai anh em lắng nghe, sững sờ nhìn những cành cây, cảm thấy không gian chung quanh như những giọt sương lạnh giá thấm vào tận xương.
Hai đứa xanh mặt nhìn nhau, vừa muốn bỏ chạy, lại cũng không cưỡng lại được ý muốn xem trong bụi cây có gì.
Thằng Hai lẩm bẩm:
- Mả mẹ trẻ đâu nhỉ? Rõ ràng hôm trước mới chôn ở đây, nấm mả còn nổi trên mặt đất, mà giờ không thấy đâu. Hay là ta nhớ nhầm chỗ?
Thằng Ba nói:
- Chắc mả mẹ trẻ trong này. Ta vào đây xem.
Hai đứa lội vào vài bước chân, vạch những cành cây ngó nghiêng.
Bỗng thằng Hai ngã lăn ra đám cỏ, cấm khẩu. Mồm há ra không nói được.
Thằng Ba bạo dạn hơn, cũng sợ đến líu cả lưỡi, tè cả ra quần. Nó cố lôi ông anh ra ngoài, tát vào mặt anh cho tỉnh rồi kéo xồng xộc dậy, chạy bán sống bán chết.
Hai đứa không rõ bằng cách nào, bò hay chạy, mình lấm bê bết, lảo đảo về đến cổng, thấy ông Dậm đang quàng chiếc xà cột vào vai, chuẩn bị đi họp thành phần cốt cán, liền hào hển nói không ra hơi:
- Mẹ trẻ... Mẹ trẻ sống lại không chết. Mẹ trẻ... đang ở trong Bụi Thằng Quỷ.
Ông Dậm cho mỗi đứa một bạt tai, khiến cái xà cột văng ra khỏi vai:
- Lũ mê tín dị đoan. Tuyên truyền giọng điệu phản động. Cấm khẩu chúng mày.
Thằng Hai, thằng Ba hai tay ôm má, miệng vẫn thề thốt:
- Thật mà bố. Chúng con nghe tiếng đưa võng, tiếng than khóc, chúng con mới nhòm vào. Thì thấy mẹ trẻ.
- Láo!
- Thật mà! Mẹ trẻ đẹp lắm. Đang đưa võng. Trên võng có thằng bé có con cu bằng quả ớt. Thằng bé có ba đầu sáu tay, mắt như đèn pha...
- Láo! Nhảm! Chết rấp cái lũ ngu chúng mày!
Ông Dậm lại quát.
Nhưng ông đã run rẩy trong dạ. Mắt ông huơ lên trời:
- Tao đi đốt cái Bụi Thằng Quỷ. Tao băm nát cái gồ mê tín dị đoan...
Ông nhặt xà cột bị văng xuống đất vì đã vung tay bạt tai hai thằng con dám đưa tin dữ. Ông đưa tay phủi bụi, nhổ nước bọt gột sạch chỗ bùn bám trên nắp xà cột, bước ra ngõ.
Đội cốt cán đang chờ ông.
Không có ông Dậm thì họp cũng bằng không.
Đêm nay họp để tố tội, quyết định lên thành phần cho năm nhà trong thôn.
Năm nhà đó cũng chỉ là hạng bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, quanh năm quần quật mới có miếng ăn, một năm chỉ được ba tháng không phải ăn rau ăn sắn độn. Nhưng thôn đang thiếu người làm địa chủ. Phải đủ. Nếu không, sẽ bị xếp loại là thôn yếu kém. Đủ cái gì nhỉ...? Ông Dậm lẩm bẩm, mãi không nhớ được cái mà cán bộ đội cải cách vẫn nhấn mạnh.
... À, đủ năm phần trăm. Nhất định phải tìm ra cho đủ năm phần trăm địa chủ để diệt tận gốc. Không đủ không xong, là chưa hoàn thành nhiệm vụ, là mất lập trường vô sản. Là đồng lõa và bao che cho bọn bóc lột, là liếm gót giầy Việt gian và làm ảnh hưởng hòa bình thế giới. Mà những loại bao che bóc lột, liếm gót Việt gian thì sớm muộn cũng bị đưa ra kiểm thảo hoặc đấu tố...
Cuộc lên thành phần đêm nay, dù định bắt đầu từ lúc đỏ đèn, nhưng ông Dậm đến muộn, cũng không ai dám giục họp trước, kể cả cán bộ đội. Cả đám mười hai người ngồi đập muỗi đen đét hoặc gãi lưng, nghe tiếng trâu đói thiếu rơm ăn, húc sừng vào dóng chuồng kêu cồm cộp, sốt ruột mà không dám kêu ca, dù đến nửa đêm vẫn phải chờ ông Dậm.
Nếu không có ông, thiếu những lời đấu tố bịa tạc vu cáo như thật của ông, với một niềm tin đinh ninh rằng ta muốn ai chết, kẻ đó phải chết, thì sẽ không ai đủ máu mặt để quy tội địa chủ cho mấy nhà nghèo lành như đất kia.
Khuya, những người kiên nhẫn nhất cũng đã bắt đầu sốt ruột. Cán bộ đội cải cách đã cau mặt lại, nghĩ rằng cái lão Dậm này càng ngày càng quá mù ra mưa. Bần cố nông đóng khố cởi trần mà lên làm chủ nhân ông được mấy bữa, giết được một số người là đã lên mặt không coi ai ra gì. Cứ đà này, có ngày lão đứng lên đấu tố cả mình là địa chủ cũng nên. Có gì ta phải phòng thân trước. Bây giờ, đâu đâu cũng thấy đấu tố, người ta tranh thủ trả thù nhau. Không biết thế nào mà lần.
Người cốt cán chuyên trông coi cọc trói, súng kíp và dây thừng xoay người nhìn sang chái nhà tối om.
Không nhìn thấygì trong bóng tối đen đặc. Ngọn đèn dầu lạc đã đốt lên trong cuộc họp chỉ đủ soi chập chờn những mặt người dữ dằn, hốc hác, tội nghiệp, đang hằn lên vệt đỏ bầm hằn học ganh tị, một quyết tâm hừng hực và cả một nỗi hoang mang.
Người cốt cán chuyên trông coi cọc trói và dây thừng không nhìn thấy gì trong bóng đêm nhập nhoà.
Nhưng anh ta đã duyệt lại đủ cả, thấy rõ mồn một trong đầu.
Ba chiếc vồ đập đất nay còn hai, một đã gẫy cán vì cuộc trừng trị tên địa chủ mới lên thành phần cách đây ba ngày. “Lão Uông thật cứng đầu. Đập đến gãy cả cán vồ vẫn còn thoi thóp! Bây giờ thì còn hai vồ, một súng kíp tậm tịt. Súng tậm tịt bắn mấy khi chết ai, chủ yếu để ra oai. Bắn vài phát để chứng tỏ ta đây là quân chính quy, có súng có ống, vũ trang có đẳng cấp quốc gia, bọn phiến loạn và bọn bóc lột, bọn phản động chớ coi thường.
Làm nhiệm vụ xử tử các tội nhân đã có những thứ không tốn kém gì, như vồ đập đất, cuốc và dây thừng hoặc bất cứ cái gì vớ được. Thừng còn tốt. Cọc thì cắm đâu vẫn đấy, không phải trông coi gì. Có các vàng cũng chẳng đứa nào dám sờ vào cái cọc ấy.
Đêm đêm, người trông coi súng và cọc bắn nhìn thấy những cái đầu ngoẹo gục xuống mỏm cọc, nhìn vào tận mặt anh ta mà cười, nhe răng đầy máu đỏ rồi đưa tay vuốt hờ lên mặt.
Có tiếng chân nặng trịch, dội thậm thịch đầu ngõ. Mọi người ngồi thẳng dậy. Không nhìn thấy gì trong bóng tối, mọi người đều biết ai đang đến.
Ông Dậm bước vào. Vai lủng lẳng xà cột. Từng bước chân như những chiếc vồ dận xuống đất. Đôi lông mày chổi xể cau gắt lại. Ẩn dưới đôi lông mày là đôi mắt lộ thần, nhìn bình thường mà như trợn trừng, phát tán một thứ ánh sáng như ánh sáng của mắt con rắn lục.
Mười hai người chờ họp thở phào nhẹ nhõm.
Chủ toạ bỗng trở nên tự tin, đứng lên xoa xoa hai tay, bắt đầu cuộc họp, mắt không rời đôi mày chổi xể của ông Dậm, tinh hoa của cuộc họp hôm nay.
Người trông coi cọc bắn thở dài.
Tối mai, cùng lắm là sáng ngày kia, sẽ phải đụng đến những thứ đang nằm im trong chái nhà.
Sẽ phải đụng đến ít nhất là ba cái đầu.
Rồi xem, sau cuộc họp đêm nay, ngày mai đấu tố, năm nhà kia sẽ phải nhận tội đã ăn xương hút tuỷ của bần cố nông, tội làm tay sai cho giặc, tội đã giàu có, tội độc ác đến mức đổ cả tấn gạo xuống sông trong khi nông dân chết đói.
Cuộc đấu tố sẽ tuyệt hảo, nếu khéo bố trí được vài bà đứng lên tố rằng thằng địa chủ này nọ đã hiếp bà trong đống rơm hoặc đã hủ hoá với chính mẹ mình.
Hôm nọ, chính lão Uông đã bị bà Mạ đứng lên xỉa xói, đập váy vào mặt vì cái tội đã hiếp mẹ bà ta vào tháng bảy năm ngoái.
Khi lão Uông khóc, nói rằng mẹ bà Mạ đã chết từ tháng tư năm kia, làm sao tháng bảy năm ngoái lão có thể gặp người chết mà hiếp được. Đám dân làng đang ngùn ngụt căm thù, nghe thế, cũng không nén được, liền cười ầm lên. Bà Mạ bẽ mặt, nhảy lên vả vào miệng lão, chửi xối xả, cho cả tông chi họ hàng nhà lão ăn đủ thứ bẩn thỉu.
Lúc đó, cán bộ đội thấy tình thế nguy hiểm, không chữa không xong, không đối phó kịp thì công vận động đấu tố bao nhiêu ngày này biến thành công toi, buổi đấu tố đã khởi động được đến thế, mà bây giờ có cơ biến thành trận cười, liền vội bước tới, dõng dạc:
- Chiến sĩ cốt cán Nguyễn Thị Mạ, nói thế đủ rồi. Ở đây không ai không biết tội ác của tên Việt gian địa chủ bóc lột này. Phải không, thưa đồng bào?
Đồng bào ở dưới bớt cười, nhưng không khí xìu hẳn.
Cán bộ đội lại lớn tiếng:
- Cái chuyện lão Uông hiếp mẹ cốt cán Mạ thì dù thời gian có chênh lệch, nhưng bản chất vấn đề vẫn là một. Dù mẹ bà Mạ có chết từ năm kia, nhưng cái chuyện mà hủ hoá thì nó kéo dài, không chỉ một lần là xong, nên chuyện bà Mạ nói vẫn là sự thật thôi.
Lão Uông uất nghẹn, đầu tiên còn tức giận, sau không nói nữa, mở to mắt chằm chằm nhìn người đàn bà trước mặt, nhìn lão Dậm, rồi nhìn cả đám cán bộ đội cải cách đang lãnh đạo đám đông đấu tố rầm rập chửi rủa gào thét dưới kia, thảng thốt.
Khi cán bộ đội cho lão nói lời cuối cùng, lão Uông chỉ nói:
- Ta đã mất một tay, họ hàng và đồng chí của ta nhiều người đã chết để giành đất nước, trao vào tay một lũ bỉ ổi thế này ư?
Thôi, ta chết đi là phải. Hồ Chí Minh ơi! Ông ở đâu?
Rồi lão Uông đập đầu vào cọc bắn. Nhưng sức yếu quá, đập đầu mà không chết, chỉ thấy máu chảy đầy mặt, máu che phủ không còn nhận ra đâu là hai con mắt.
Ông Dậm và cán bộ đội cải cách lập tức giơ vụt nắm tay lên, hô to:
- Đả đảo thằng địa chủ Việt gian phản động bán nước hủ hoá hiếp cả mẹ nông dân lại còn dám khinh rẻ đoàn thể và anh em bần cố nông!
- Đả đảo! Đả đảo
Đám đông như bị thôi miên. Nhiều người ngơ ngác hô vuốt đuôi vì có nhiều tiếng quá, không biết chọn tiếng nào để hô theo cho phải, đành cuống cuồng hô to:
- Hủ hoá! Hủ hoá!
- Khinh rẻ! Khinh rẻ!
Cán bộ đội nghe, nhăn mặt như ăn phải dấm. Nghĩ bụng: Nói nhiều lời với cái bọn này thì coi chừng hố to. Ai lại hô to “Hủ hoá, hủ hoá” bao giờ!
Rút kinh nghiệm, anh ta bèn hô một câu thật ngắn gọn:
- Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ!
Đám đông ở dưới giơ nắm tay lên phản đối rần rần. Người sẵn cuốc giơ cao cuốc. Sẵn liềm giơ cao liềm. Những chiếc cào răng gẫy lỗ chỗ cũng giơ cao.
- Bắn! Bắn chết cái thằng chó Việt gian phản động mà còn già mồm ...
Cán bộ đội và ông Dậm cùng thét lên điên cuồng.
Súng kíp nhả đạn. Loạt đạn đầu tiên đi chệch ra ruộng mạ.
Người bắn điên cuồng bóp cò. Người lão Uông giật lên, như đã trúng đạn, nhưng không phải.
- Hồ Chí Minh! Ông ở đâu?
Nghe nói, lão Uông là bạn hoạt động với bác Hồ. Lão là người lập những chi bộ cách mạng đầu tiên thời hoạt động bí mật những năm 29, 30. Nhà lão Uông không đơn thuần như nhà người ta. Trong vườn, dưới bụi tre, là căn hầm bí mật ba tầng mà cả nhà lão đã đào trong bao nhiêu đêm thì không biết, chỉ biết cả bố mẹ vợ con thay nhau đào như chuột chũi, bọc đất vào thắt lưng, gần sáng lẻn ra bờ ao đổ. Đào mãi thành ba tầng hầm, để nuôi giấu cả một tiểu đội cán bộ, sau này là lãnh đạo du kích khắp cả miền. Cơm có ba bát thì mỗi người trong nhà lão Uông nhịn đi một bát để nuôi giấu cách mạng.
“Lão Uông làm thế là ngu hay khôn nhỉ?”
Người trông coi vồ và cọc trói tự hỏi. Suy nghĩ của anh ta bị cắt ngang.
- Vồ đâu! Lập tức sử dụng vũ khí của cách mạng để xử tử tên địa chủ phản động, tên tay sai Quốc Dân Đảng...
Vồ đã ra tay. Vồ đã giơ lên cao. Vồ lại hạ xuống. Đôi mắt lão Uông hiện lên mờ mờ qua làn máu. Không oán hận, không giận dữ, mà thảng thốt ngạc nhiên.
- Nhà Cu Lương đấy ư? Sao con lại giết ta?
Vâng, tao là Cu Lương đây!
Tao không là Cu Lương thì là ai!
Cu Lương này hồi trước đã từng làm liên lạc cho lão Uông một thời gian.
Có lần Cu Lương bị rắn độc cắn, lão Uông, lúc đó đang ở dưới hầm soạn công văn, thấy Cu Lương ôm chân hét lên, thì bỏ bút, nghiêng mắt xem xét vết cắn, rồi bảo Cu Lương cố chịu đau, lão Uông lấy con dao nhíp rạch vết thương, nặn máu ra. Máu vẫn không chảy được. Lão Uông đành cúi xuống, ghé miệng vào, hút nọc rắn ra khỏi vết cắn rồi giở quyển sách chi chít chữ Nho ra đọc, rồi lấy thuốc gì không biết, rịt vào. Cu Lương sốt mấy hôm thì khỏi. Hú vía! Cùng là bị rắn cạp nong cắn, nhà Hoe Chít ở xóm dưới đã chết lăn chết lộn sau ba ngày khi bị rắn cắn cách đây vài năm...
Người trông coi cọc bắn biết rõ những nhà này. Ba người trong năm người là hàng xóm của anh ta. Con anh ta hay vác rá sang vay gạo nhà họ. Cũng có lần họ đã vay gạo của anh ta.
Năm người “được xét lên thành phần” bóc lột hôm nay, chỉ là những người chăm chỉ lam làm, không bị đứt bữa ngày giáp hạt nhưng mở nồi cơm nhà họ cũng chỉ thấy “cơm đỏ cơm xanh” vì độn khoai và rau.
“Ta chỉ làm cố lần này nữa thôi. Vợ đang có chửa. Bao nhiêu người rủa sinh quái thai...”.
Người giữ cọc bắn ngáp ruồi, vờ ngủ gật, nghe câu được câu chăng những lời quy tội lúc sang sảng, lúc ngập nghẹn như hóc xương xung quanh mình...
Hôm sau.
Ông Dậm hối thúc đàn con cùng bà Cả mang liềm hái, dao rựa, cuốc thuổng lao vào gốc ổi lớn nhất trong Bụi Thằng Quỷ.
Ông chọc tiết một con lợn con, đựng vào bát sành, đem giấu vào mớ rơm, nhân lúc không ai để ý, đem bát tiết lợn ra vẩy bốn phương tám hướng rồi lẩm nhẩm khấn.
Chôn cái bát sành xuống đất, nơi mà ông đồ rằng chính đó là cái huyệt chôn mẹ trẻ Phượng. Bây giờ thì chỗ đó phẳng lỳ. Nhưng ông nhớ rõ, mình không thể nhầm được, vì vết cây ổi non ông đạp gẫy trong khi cưỡng hiếp cái thi thể của Phượng vẫn còn ứa nhựa nguyên đó. Mảnh chiếu rách chôn chưa hết cũng nhô một góc lên cạnh gốc ổi.
Làm sao nhầm được!
Hôm đó ta còn lấp đất cẩn thận, nện chân lên khắp cái mả của nó, nhất là vùng đầu và mặt, để cho ngậm chặt cái mồm nguyền rủa nhà ta vô phúc. Làm sao nhầm được! Bóng cái mả còn lùm lùm nhô lên trong bóng tối, trông rõ mồn một sau những bụi cây, khi ta ngoái đầu nhìn lại một lần để chắc chắn rằng không có ai nhìn thấy ta đã hành sự những gì dưới đáy huyệt.
Thế mà bây giờ cả cái mả phẳng lì như chưa từng có Phượng nằm dưới đó.
Ông Dậm lẩm bẩm.
Chả lẽ ông lại đào cái mả này lên để xem thực hư?
- Tao đào cái mả này lên xem con này giỏi làm giống ma giống quỷ nào!
Ông nói thế, rồi nhăm nhăm cầm cuốc, chọn chỗ góc chiếu nhô lên, bắt đầu hùng hục cuốc.
Bà Cả sợ hãi:
- Ông làm cái gì thế? Bây giờ nó chết làm ma nhà ông. Ông đào mả nó lên là động đến cả ông bà tổ tiên nhà ông đấy. Động đến cả mẹ con tôi! Ông không muốn sống thì để mẹ con tôi sống.
Ông Dậm hơi chùng tay, nhưng vẫn nói cố:
- Tao đào để cho thằng Hai, thằng Ba đừng có ngoạc mồm ra mà nói là con mẹ trẻ không chết, đang ru con trong Bụi Thằng Quỷ, không thấy mả nó đâu.
- Chấp gì trẻ con. Tốt nhất là ông đốt quách cái bụi này đi. Hết Bụi Thằng Quỷ, hết tà ma ám quẻ...
Ông Dậm dừng cuốc, nhìn quanh, thấy đâu cũng âm u rờn rợn, chợt nghe lạnh toát hai tai, liền nói:
- Thôi được! Mày đi chuẩn bị mồi lửa vào bùi nhùi rơm. Mấy thằng mấy con kia, cầm thuổng cầm liềm vào chặt hết đám ổi này cho tao.
Ông tự tay cầm thuổng lao vào gốc ổi lớn nhất trong Bụi Thằng Quỷ.
Chợt một trận gió nổi lên từ phương Bắc, trong một tiếng thở dài não nuột đánh sượt xuyên qua bụi cây, trượt hẫng trên gáy những người đang đứng cầm bùi nhùi và cuốc thuổng gậy gộc, đánh thõng một vệt trên cánh đồng Cồn Nhà.
Bà Cả đang cầm liềm bứt những cành cây rậm rạp ven Bụi Thằng Quỷ. Bà lựa những cành và lá khô chất lại, bắt đầu thổi bùi nhùi để đốt. Đang đốt, bà bỗng rùng mình dừng tay:
- Kìa, nghe như có tiếng ai thở dài đánh sượt...
Đàn con cũng bảo nhau, mặt tái nhợt:
- Có tiếng thở dài. Mẹ còn nghe cả tiếng đưa võng chứ?
Bà Dậm hoang mang:
- Không! Tao không nghe tiếng đưa võng. Nhưng tiếng thở dài thì rõ mồn một. Như có ai tóm lấy gáy tao mà vuột một cái xuống tận thắt lưng. Tay lạnh buốt như lườn cá chạch ấy.
- Làm đi! Mẹ chúng mày thần hồn nát thần tính. Mau tay lên không ông đánh cho tuốt xác! Trưa nay đừng hòng có cái bỏ mồm!
- Bố! Có thịt con lợn con bố vừa mới giết mà.
Con Bảy ngây thơ ngước nhìn ông Dậm, chóp chép miệng.
Bà cả lườm:
- Mày giỏi tưởng bở nhỉ! Con lợn ấy chỉ đủ cho bố mày với vài ông hàng xóm nhắm rượu. Trưa nay, mày có khoai khô rồi con ạ.
Con Bảy khóc giẫy đành đạch. Ông Dậm không nói không rằng tiến lại cho nó một bạt tai lăn ra đất. Con Bảy thất kinh táng đởm, ngậm miệng khóc lặng.
Bỗng gió lại nổi. Lại có tiếng thở dài. Lần này tiếng thở dài lớn đến nỗi ông Dậm to gan lớn mật là thế mà cũng dựng gai lưng, mồ hôi vã ra như tắm.
Hình như ông còn nghe cả tiếng đàn bà hát ru con.
Ông Dậm xớn xác rải mớ rạ xung quanh Bụi Thằng Quỷ rồi vẩy dầu hoả, hối hả phồng má thổi cái bùi nhùi rơm cho lên lửa.
Những tia lửa quằn quại bốc lên theo khói. Ông Dậm vứt cái bùi nhùi rơm vào đám rạ ướt đẫm dầu.
Lửa bốc rần rật, vây lấy Bụi Thằng Quỷ.
Bỗng ông Dậm nghe có tiếng cười khanh khách ngay đằng sau lưng.
Ông giật mình ngoảnh lại.
Sau lưng ông không có ai, chỉ lửa và khói.
Tiếng cười khanh khách lại nổi lên ngay phía trước.
Ông lại ngoái đầu nhìn.
Cũng chẳng có ai, chỉ tiếng cười xoáy vào óc.
- Dị đoan. Ma quỷ à? Đứa nào giỏi hù doạ, ra đây tao băm chết.
Bà Cả và lũ con đã chạy bán sống bán chết ngay từ khi nghe thấy tiếng cười. Chỉ còn mình ông Dậm đứng chơ vơ bên Bụi Thằng Quỷ, bên đám lửa khói đã xơ xác tàn.
Cây ổi lớn vẫn đứng trơ trơ.
Tiếng cười lần này sằng sặc, khanh khách như mọc lên từ dưới chân ông.
Ông Dậm bỏ cả liềm hái cuốc thuổng, chạy thốc về nhà.
Trưa ấy lũ con ông Dậm ăn gần trọn nồi thịt lợn con.
Ông Dậm hôm nay chê rượu, nằm lơ mơ nửa ngủ nửa thức, không thèm đụng đữa.
Ngày hôm sau ông mới dậy, đủng đỉnh đi dạo quanh chuồng lợn.
Ngày hôm sau nữa, ông đã đỏ đắn trở lại. Ông lại trở về chỗ ngồi trên chiếc sập gụ khảm trai và chiếc điếu bát cẩn vàng.
Nhưng đêm đêm, cứ sau giờ Tuất, trong xóm lại văng vẳng tiếng than khóc. Quanh nhà ông Dậm thì rõ nhất là tiếng đàn, tiếng ru con và tiếng thở dài.
Tiếng thở dài như rút gan ruột người ta treo lên cây rồi để mặc, thả lõng thõng xuống.
Người trong thôn cả quyết rằng, đêm đêm, mẹ trẻ Phượng mặc yếm đào, áo mớ bảy mớ ba, dạo lướt trên các ngọn tre, vòng tay như ôm con mà trong tay rỗng không, hai trái tai chảy máu ròng ròng.
Mẹ trẻ Phượng đứng lắt lẻo đầu hồi nhà ông Dậm mà nhìn chằm chằm vào cái sập gụ khảm trai.
Láng giềng thì mất ăn mất ngủ nhưng vợ chồng ông Dậm thì trái lại. Họ ăn ngon ngủ yên. Da dẻ cứ đỏ hồng, láng mướt.
Cứ buổi trưa và đêm đêm, phát ra từ trong nhà tiếng rên rỉ khoái lạc của ông Dậm và bà Cả, như tiếng gào của lũ mèo đực và mèo cái động đực trên mái nhà.
Cuối năm ấy, bà Cả như cành cây đã khô nhựa từ ba năm nay, bỗng đẻ ra một đứa con trai. Thằng Tám.
Thằng Tám có một đầu, bốn tai và ba chân.
Cái chân thứ ba thực ra là do đốt xương cụt dài ra, thòng xuống mà thành chân.
Da mặt nó màu vàng nghệ. Đôi mắt to không một sợi lông mi.
Thằng Tám bị bỏ đói ba hôm.
Nó nằm cả ngày trên cái chõng đặt ở góc nhà, không khóc một tiếng. Bà Cả cực chẳng đã, đành ôm lấy nó cho bú sau khi qua cơn sợ hãi.
Từ đó, nó ở với mẹ trong góc buồng, dưới chái nhà để củi và cối giã gạo.
Mẹ con bà không được bén mảng lên nhà trên.
Hôm nào trở trời, khó ngủ, ông Dậm nửa đêm tỉnh giấc, cứ thấy thằng con ba chân màu vàng nghệ, bốn lỗ tai rách đang treo mình trên xà nhà như thạch sùng, nhìn mặt ông chằm chằm.
Ông thất kinh vùng dậy, mồ hôi đầm đìa.
Ông rón rén cầm gậy đi xuống chỗ chái nhà thì thấy nó đang ngủ ngon lành cạnh bà Cả.
Ông Dậm nghiến răng kèn kẹt, tóm gáy thằng con ba chân màu vàng nghệ xách ngược lên, mang quẳng ra ngoài sân.
Đứa con vàng nghệ lặng lẽ nhìn ông, không oán thán. Ánh mắt như cười cợt.