Chương II
Tác giả: Võ Văn Trực
Bạn bè trong làng cùng lứa tuổi với anh hồi ấy có mấy người chơi thân với nhau: anh Lộc, anh Huân, anh Hối. Lúc nhỏ các anh được cắp sách đến trường học chữ quốc ngữ, chữ Pháp và một ít chữ Hán. Cho nên khi bác Chắt Kế đại diện cho phong trào Việt Minh về tổ chức cướp chính quyền có gọi các anh vào “Hội kín” để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa trong toàn huyện. Bác giao cho mỗi anh một việc quan trọng. Anh Hiền đứng gác cho anh Tòng trèo lên cây phượng trước nhà thờ đại tôn cắm ngọn cờ đỏ sao vàng. Anh Lộc cầm cây mác đứng bên cạnh bác. Anh Huân dẫn đầu đội thanh niên vũ trang. Anh Hối cầm một tập giấy, thỉnh thoảng lại giở ra xem rồi gấp lại… Dân làng nhìn các anh với con mắt đầy kính phục, và gọi các anh là “người của bác Chắt Kế”. Hễ đi qua ngõ nhà ai, các anh cũng được mời vào ăn củ khoai luộc hoặc bát cơm nếp. Những gia đình được các anh cùng ngồi ăn cảm thấy thích thú và có phần vinh dự. Mấy thằng bạn nhỏ cùng xóm thường chơi với tôi, thỉnh thoảng lại gặp nhau khoe:
“Tối qua bác Chắt Kế với anh Lộc ăn cơm ở nhà tao”.
“Trưa nay chú Hiền với anh Huân ăn khoai ở nhà tao”.
“Hôm nhà tao cúng giỗ, mẹ tao mời bác Chắt Kế với cả bốn anh Hiền, anh Lộc, anh Huân, anh Hối đến uống rượu. Uống xong còn ngủ ở nhà tao”.
Tình yêu thương, kính nể của bà con làng xóm bao bọc các anh như kén bọc tằm. Những ngày tháng sau khi cướp chính quyền chẳng mấy khi các anh ở nhà, càng rất ít khi ăn cơm ở nhà mình. Chỉ riêng anh Huân là chưa lấy vợ. Còn ba anh Lộc, Hối, Hiền đã cưới vợ từ khi mười bảy mười tám tuổi. Nhưng đêm nào các anh cũng ngủ chung với nhau. Lúc thì ngủ ở nhà này, lúc thì ngủ ở nhà khác. Có đêm còn ngủ tập trung với dân quân, tự vệ. Mấy bà vợ ngủ một mình ở nhà, chẳng trách móc gì chồng. Trong các buổi họp chòm xóm, mấy bà chụm đầu nhau trò chuyện: “Các ông ấy là người của xã hội. Xã hội nuôi cho ăn thì phải lo công việc của xã hội”.
Trước kia, anh Hiền thường ở nhà dạy cho tôi học. Lúc rỗi rãi, hai anh em cùng ngồi dán diều hoặc gọt sáo diều. Mấy tháng nay anh đi biền biệt. Tôi cũng đi biền biệt. Chiếc giường tre hai anh em thường nằm ngủ bây giờ bỏ không. Anh thì đi ngủ tập trung với dân quân. Một hôm, tôi rủ thằng Bá, thằng Dần vào nhà tôi ngủ. Quá nửa đêm, bốn anh đi đâu về, lục sục luộc khoai ăn với cà muối, vừa ăn vừa thì thào nói chuyện. Tôi tỉnh giấc. Loáng thoáng nghe các anh nhắc đến tên tôi, tôi càng chăm chú lắng nghe:
“Thằng Dần choắt người, cho đi làm liên lạc. Choắt người càng dễ chui lủi”.
“Thằng Bá gan cóc tía, cho đi làm tình báo. Không may bị giặc bắt, đánh đập mấy nó cũng không khai”.
“Còn thằng Xí?”
“Thằng Xí lầm lì ít nói, kín mồm kín miệng,cũng là thằng gan cóc tía, cho vào đội quân báo”.
“Thằng Xí có học, giỏi chữ nghĩa, cho nó làm thư ký của Bộ chỉ huy”.
Được các anh nhắc đến tên Xí, cân nhắc Xí làm công này việc nọ, tôi mừng run cả người. Thế là tôi nằm thức cho đến sáng, chờ đợi các anh giao cho làm một công tác cách mạng gì đó…
*
Chỉ mấy ngày sau khi cắm ngọn cờ đỏ sao vàng trên cây phượng nhà thờ đại tôn, chính quyền ra lệnh “triệt để chống mê tín dị đoan, xây dựng đời sống mới”.
Công việc đầu tiên chống mê tín dị đoan là bắt ông thầy bói ở chợ Mới cùm trước cổng làng. Nghe nói thầy bói này quê ở Trung Hậu, mù cả hai mắt từ khi lọt lòng mẹ, không vợ con. Từ nhỏ cho đến nay đã ngoài năm mươi tuổi chuyên kiếm ăn bằng nghề bói toán. Ông đến ngồi ở chợ Mới gần mười năm rồi. Ngày thì xem bói. Đêm thì ngủ trong lều chợ. Phiên chợ nào các bà cũng xúm xít vòng trong vòng ngoài, nhờ thầy xem số… Chính quyền ra lệnh cho hai dân quân ra chợ bắt ông kéo về cổng làng, cùm hai chân bằng cùm gỗ. Hai ngày sau, ông đói lả người, bà Thân thương tình đem cơm nguội cho ông ăn. Ông cảm ơn bằng cách xem cho bà một quẻ. Chú dân quân phát hiện được, báo cho chính quyền. Chính quyền ra lệnh bắt cùm cả bà Thân về cái tội “chống chính sách xây dựng đời sống mới” của chính phủ. Thế là ở cái cùm đầu làng cùm chân một ông thầy bói và một bà già. Trông rất buồn cười. Nhiều người đi qua, thấy một ông già một bà già bị cùm gần nhau, bịt miệng phì cười. Bọn trẻ chúng tôi mỗi buổi chiều rong trâu về lại hát nghêu ngao:
Ông già cùm với bà già
Mắt lườm tình tứ thật là xứng đôi
Cơm hẩm ăn với thịt ôi
Nuốt vô khỏi cổ bụng sôi ầm ầm.
Công việc thứ hai “chống mê tín dị đoan” là phá đền ông Lãnh. Ngôi đền nằm trên cồn đất rộng chừng ba sào đất, cây cối um tùm, thân u và linh thiêng. Nghe các cụ truyền lại rằng:
Một nho sĩ nghèo gánh lều chõng đi thi, đến đây bị ốm nặng. Dân làng nấu cháo cho ăn và chăm lo thuốc men nhưng ông không qua khỏi. Trước khi tắt thở, ông nói: “Bà con đã thương ta, tận tình chăm sóc ta, nhưng số ta đến đây là tận. Ta mang ơn bà con nhiều lắm. Sau khi qua đời, ta sẽ trả ơn”. Dân làng tổ chức chôn cất chu đáo và đốt lều chõng bên nấm mộ. Tối hôm ấy cụ tiên chỉ nằm mộng từ ngôi mộ một vị ăn bận mũ áo đại thần bay lên trời. Sáng ra, thấy mộ và tro đã biến mất. Mọi người góp tiền của lập một ngôi miếu thờ. Qua nhiều đời, miếu được tu bổ ngày một lớn thành ngôi đền. Tên của nho sĩ đó là Lãnh cho nên ngôi đền được gọi là “đền Ông Lãnh”.
Sau khi đền xây xong, một bà trong làng bị mất trộm con lợn. Nhà bà nghèo rớt mùng tơi, không chồng con, chi chút góp tiền nuôi con lợn để làm vốn sống qua tuổi già. Lợn đã vỗ béo, sắp đến ngày bán thì bị kẻ trộm bắt mất. Bà mua hương ra đền Ông Lãnh khấn. Đêm, Thần về báo cho bà biết hiện nay con lợn đang ở đâu. Bà nói cho tuần đinh và nhờ tuần đinh bắt được lợn về.
Từ đó, tiếng đồn về đền Ông Lãnh rất thiêng lan ra khắp làng và cả các làng xung quanh. Ai mất trâu, bò, lợn, gà… đến khấn, Thần đều báo mộng cho biết để bắt về. Nạn mất vặt trong làng thưa dần. Bà con được sống yên ổn, ngủ ngon giấc.
Khi nghe lệnh phá đền, các cụ già tìm nhau thì thầm trao đổi chuyện trò tỏ ý bất bình nhưng không ai dám nói to, càng không có ai dám gặp chính quyền để bày tỏ ý kiến của mình. Cho đến buổi sáng dân quân tập trung để phá đền, các cụ chỉ đứng nhìn với gương mặt buồn thỉu buồn thiu. Lắm cụ cúi đầu lau thầm nước mắt… Lúc bác Chắt Kế giơ tay ra lệnh phá đền thì hàng chục nam nữ thanh niên đứng ngẩn người. Bác dõng dạc to tiếng ra lệnh cho anh Lộc, anh Hồi, anh Huân, anh Hiền: bốn người đứng bốn góc đền cầm búa đập nhát đầu tiên. Anh Hiền giơ búa lên đập vờ vào chân tường. Bác Chắt Kế chợt nhìn thấy, tức giận : “Chú Hiền! Đồng chí Hiền! Đồng chí còn thương tiếc cái thành luỹ mê tín dị đoan này à! Nghe lệnh tôi, tất cả thanh niên, tất cả dân quân xông vào phá đền!” Không ai dám chần chừ, mấy chục con gái con trai lực lưỡng giơ búa giơ cuốc đập phá. Tường đổ. Ngói đổ. Án thư đổ. Đồ tế khí cũng đổ ngả nghiêng. Chỉ trong một ngày, ngôi đền uy nghi bỗng trở thành đống gạch vụn.
Sau khi phá đền Ông Lãnh, một chiến dịch rầm rộ tấn công vào mọi di tích văn hoá cổ xưa mà người ta gán cho nó là “mê tín dị đoan”. Đền Bạch Y thờ một vị thần áo trắng đã cứu vua Lê Lợi thoát khỏi tay giặc. Đền Hàng Khoán thờ vị thần núi Hai Vai. Nhà Thánh hàng tổng. Nhà Thánh hàng xã. Chùa Hà. Mộ Hùng lễ bá Võ Phúc Tuy, một vị tướng của Lê Lợi. Mộ đức tổ triệu cơ họ Võ… Tất cả đều bị phá trụi, đều bị san bằng để trồng khoai, trồng mía, xây đống rơm đống rạ. Anh Huân, anh Hồi, anh Lộc, anh Hiền là những người thừa hành chỉ thị của chính quyền, huy động thanh niên và dân quân xông vào cuộc triệt phá này. Suốt hàng tháng trời, áo các anh đẫm mồ hôi.
Hôm phá cổng tam quan đền Bạch Y thần, anh Lộc bị một mảnh gạch văng vào trán chảy loã máu. Mẹ tôi tìm lá thuốc rịt vào và bắt nằm bất động trên giường. Anh Hiền nói đùa: “Anh Lộc bị thần phạt! Phải mua hương vàng ra cúng Thần thì sẽ khỏi ngay!” Không ngờ câu nói đó lọt vào tai bác Chắt Kế. Bác bắt họp Đoàn Thanh niên cứu quốc để kiểm thảo, anh Hiền phải cúi đầu thành khẩn nhận lỗi.
*
Anh Hối là em trai ông Giảng đã từng làm sếp ga thời Pháp. Anh được theo học trường Tây của tổng Thái Xá, rồi trường Tây của huyện Diễn Châu. Ngay sau ngày cướp chính quyền, anh được cử làm thư ký Uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Đi đâu anh cũng mang chiếc cặp da đựng đầy ắp các thứ giấy tờ. Chiếc cặp này ông sếp Giảng đã dùng hơn năm năm làm việc ở ga Diễn Châu, tuy đã sờn mép nhưng vẫn còn đẹp chán. Bây giờ anh Hối dùng, nhiều cụ già gặp anh xách cặp đi trên đường làng là cúi đầu chào lễ phép “chào thầy ký ạ”. Anh dừng lại, ôn tồn nói: “Cụ đừng gọi tôi là thầy ký như thời thằng Pháp thằng Nhật. Tôi là cán bộ của nhân dân thì nhân dân cứ gọi tôi là anh Hối, chú Hối”.
Người ta đồn rằng chữ anh Hối đẹp nhất xã Đồng Tâm. Anh viết rất nhanh và khi viết không cần nhìn vào giấy. Bà con lên trình bày với Uỷ ban việc gì, anh Hối có thể tiếp ba người một lúc. Anh vừa nghe vừa ghi vào ba tờ giấy khác nhau.
Lúc thay mặt Uỷ ban viết báo cáo triệu tập hội nghị, anh thường ký tên là “Võ Văn Hối”. Khi dấy lên phong trào Nam tiến, anh mơ trở thành một tráng sĩ, nên thay tên là “Võ Sĩ Hối”. Rồi anh tình nguyện gia nhập đoàn quân Nam tiến, vào chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên.
Anh Lộc là con trai bác Hoe Chu. Năm 1927, bác Chắt Kế tổ chức chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Bác Hoe Chu có chân trong hội kín này. Hồi phong trào Mặt trận Bình dân, thanh niên trong làng nô nức tập võ. Bác Hoe Chu mời một võ sĩ dạy riêng cho anh Lộc. Anh trở thành võ sĩ và đã tham gia đấu trên một số vũ đài trong tỉnh… Cách mạng tháng Tám thành công, anh được xem như một thần tượng của thanh niên làng. Tiếng tăm của anh cũng truyền sang các làng khác. Suốt ngày đêm anh dạy võ cho dân quân. Nhiều làng trong huyện cũng mời anh dạy võ. Những cuộc mít tinh, biểu tình có đông đảo bà con tham dự, ban tổ chức thưòng mời anh lên sân khấu biểu diễn một số bài côn. Anh đánh trần, ưỡn ngực, chân tay cuồn cuộn bắp. Mặt anh bình thường đã to quá cỡ, lúc này càng to và dữ như mặt hổ. Anh vung tay và đi những đường côn vun vút như gió rít. Hàng trăm người đứng im phăng phắc, theo dõi và chiêm ngưõng.
Võ sĩ Lộc đã tham gia Vệ quốc đoàn rồi! Cái tin đó truyền đi rất nhanh. Bà con đến nhà chào hỏi.Thường ngày, người ta gọi anh là anh Lộc, bác Lộc, chú Lộc, lúc này từ ngưòi già cho đến trẻ con đều gọi là Võ sĩ Lộc.
“Võ sĩ Lộc chuẩn bị lên đường Nam tiến rồi!”
“Võ sĩ Lộc sắp đi thật à?”
“Võ sĩ Lộc gia nhập Vệ quốc đoàn thì ai dạy võ cho dân quân?”
Gái trai làng túm năm tụm ba bàn tán về việc anh Lộc sắp “thoát ly”. Họ vừa tiếc là làng vắng một võ sĩ, nhưng cũng vừa sung sướng nghĩ rằng: nếu anh Lộc đi lính thì sẽ làm chỉ huy to, bà con làng xóm sẽ rạng mày rạng mặt.
Anh Huân và anh Hiền ngồi bàn với nhau đặt chữ lót cho tên mình:
“Thằng Hối, thằng Lộc đã “võ sĩ” rồi. Hai thằng ta lại “võ sĩ” nữa thì nhiều võ sĩ quá”.
“Thời chinh chiến càng nhiều võ sĩ càng tốt”.
“Nhưng nhiều võ sĩ quá, người ta sẽ gọi nhầm thằng này sang thằng kia”.
“Thôi, hay nhất là “Võ Quang”. Quang là sáng. Dân làng đi theo con đường sáng của cách mạng, ta cũng đi theo con đường sáng của cánh mạng”.
Sau một hồi bàn bạc, hai anh lấy tên mình là Võ Quang Huân, Võ Quang Hiền. Anh Huân được điều lên làm việc ở huyện đội, anh Hiền được điều vào quân địa phương của huyện.
Biết bốn anh thân nhau, mẹ tôi bày biện một bữa cơm để hoan tống anh Hối, anh Lộc vào chiến trường miền Nam và anh Huân, anh Hiền lên huyện. Theo tập tục của bà con làng xóm khi có giỗ chạp hoặc khách quý, gia đình mổ một con gà là sang trọng lắm rồi. Bữa cơm hoan tống này, dĩ nhiên mẹ cũng mổ gà. Thằng Bá và tôi cứ xóng róng bên cạnh các anh cả buổi chiều.
Anh Lộc nói “hai chú em có gì đãi anh không”? Tôi chưa biết trả lời sao thì Bá gật đầu “có chứ” . Thế là nó rủ tôi vác thuổng xách giỏ ra đồng để bắt lươn, tôi làm chân phụ việc cho Bá, chỉ chừng vài tiếng đồng hồ Bá đã bắt được sáu con lươn to.
Bữa cơm tối hôm đó thật là thịnh soạn. Mẹ tôi chia đôi con gà: một nửa luộc, một nửa kho mặn. Còn lươn thì mẹ kho mặn với củ chuối, rắc ớt đỏ lên từng bát lươn. Mẹ để dành một chai nước mắm ngon Vạn Phần, những lúc cần thiết như thế này mẹ mới đem ra dùng. Lươn kho với củ chuối thái từng miếng nhỏ, trộn vào một ít mật mía, ăn mới đằm miệng làm sao.
Sáng mai các anh đã lên đường nhập ngũ, nhưng tối nay không anh nào về nhà, mà ngủ lại nhà tôi. ổ rơm đã lót sẵn ở góc bếp. Cả bốn anh, thằng Bá và tôi nằm khoanh tròn ngủ một giấc ngon lành.