watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cọng Rêu Dưới Đáy Ao-Chương XVII - tác giả Võ Văn Trực Võ Văn Trực

Võ Văn Trực

Chương XVII

Tác giả: Võ Văn Trực

“Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì xin làm cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân’’. Anh nghĩ rằng cọng rêu đó còn có ý nghĩa tích cực đối với bản thân, với gia đình và với cộng đồng làng xóm. Cho nên, bên cạnh cọng rêu, anh giữ gìn một cách nâng niu và trân trọng tất cả những kỷ vật của một quãng đời rất đẹp: cuốn sổ ảnh các lãnh tụ cách mạng, cuốn an-bum riêng của anh, chiếc ca Điện Biên Phủ, huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, lý lịch quân nhân…


Khi cái cọng rêu đã bị xô đẩy xơ xác thì các kỷ vật cũng không còn lý do để tồn tại.


Các kỷ vật ấy là dư âm của một bài ca hùng tráng. Thời gian trôi qua, anh muốn giữ lại trong lòng mình dư âm của bài ca ấy. Nhưng trong thực tế dữ dằn, khắc nghiệt, dư âm ấy bị tắt dần tắt dần cho đến lúc tiêu tan hoàn toàn.


Trong buổi bình minh của chế độ mới, anh ra công sưu tầm ảnh các vị lãnh tụ cộng sản trong nước và quốc tế, dán riêng vào một cuốn sổ. Mỗi lần cho ai xem, anh tự giở ra, người đó chỉ được xem bằng mắt, không được sờ tay vào… Anh vẫn cất giữ trong ngăn kéo cuốn sổ đó. Thỉnh thoảng có ai đến chơi, anh bận việc, không thể ngồi trò chuyện được, anh lại đưa cuốn sổ ảnh cho họ xem. Đến người thứ tư, thứ năm, thì anh để hẳn cuốn sổ trên bàn, mọi người xem một cách tự do, thoải mái. Tiến đến một bước nữa: ai thích ảnh nào cứ tự nhiên bóc ra và đem về. ảnh mỗi ngày một thưa dần trong cuốn sổ. Cuối cùng còn tấm ảnh 4x6 Xta-lin đứng trước tấm bản đồ quân sự, tôi vội vàng bóc ra và giữ làm kỷ niệm riêng của tôi. Tấm ảnh ấy, gần bốn mươi năm rồi, tôi vẫn giữ.


Cuốn an-bum riêng của anh có nhiều ảnh anh chụp với bạn bè, đồng đội từ hồi đầu cách mạng cho đến thời cải cách ruộng đất. Có những tấm ảnh anh chụp với gia đình bần cố nông. Có nhiều ảnh của bà con họ hàng, làng xóm và nhiều anh chụp riêng với tôi… Lẫn trong chồng sách cũ có cuốn an-bum đó, tôi lục ra thì thấy nhiều ảnh đã ẩm mốc loang lổ. Tôi lau lại từng tấm ảnh, phơi nắng, rồi gói lại cẩn thận. Nhờ đó, tôi có ảnh chân dung cha mẹ, anh chị em trong gia đình cách đây ba, bốn chục năm. Những ảnh bà con, họ hàng, làng xóm, tôi đem chụp lại, phóng to, rồi biếu lại từng người. Tất cả ảnh của anh hồi chiến tranh và hồi cải cách ruộng đất, tôi đều nhờ thợ ảnh tô sửa lại, chụp lại, ép nhựa, cất vào một cái hộp. Dẫu sao đây cũng là kỷ niệm của một người anh…


Tất cả những giấy tờ linh tinh khác như lý lịch quân nhân, thẻ phục viên, giấy khen, bằng huân chương đều đã mục nát cùng với mớ giấy lộn. Trong đó, tôi tiếc nhất là cuốn nhật ký của anh hồi kháng chiến. Nội dung của nó không có giá trị gì lắm. Nhưng nó là kỷ vật thiêng liêng với những dòng chữ rất đẹp của anh - xen vào giữa những dòng tiếng việt là những câu tiếng Pháp. Gáy sách đã mục hoàn toàn. Còn nguyên từng tờ giấy. Tôi nhẹ nhàng gỡ ra và nâng lên thì tờ nào cũng vụn nát. Người tôi thừ ra, đờ đẫn, xót xa, nhức buốt. Nhìn những vụn giấy tan trên mười đầu ngón tay, tôi rùng mình thương cuộc đời anh cũng đang vụn nát…


Còn chiếc ca “Chiến sĩ Điện Biên Phủ’’? Ngày mới bước chân về nhà vui thú điền viên, anh đã bọc giấy cất vào hòm. Sau đó anh đem ra dùng, bỏ lăn lóc trong bếp. Tôi nhặt lên, lau chùi lại, để vào góc tủ. Ông cậu đến chơi, đem ca ra uống nước, anh cho luôn. Tôi thấy tiếc, mua một cái ca nhôm cầm lên cho cậu để lấy cái ca Điện Biên Phủ về. Nhưng cậu đã đánh mất!


Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ’’ cũng không còn nữa! Sau nhiều biến động của xã hội và gia đình, chiếc huy hiệu quý báu ấy cũng phiêu bạt đi đường nào. Nắng mùa hè oi bức, tôi đánh trần lục lọi khắp mọi ngóc ngách hòm tủ để tìm cho kỳ được. Chẳng lẽ cả quãng đời oanh liệt của anh không giữ lại được cái gì ư? ít ra là cai huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ’’: con cháu nhìn vào biết được một thời kỳ rực rỡ của ông cha, biết được trong gia đình mình, gia tộc mình có một người con đã đóng góp vào chiến công lừng lẫy ấy… Biết tôi đang tìm gì, anh trở mình mệt mỏi, chống tay ngồi dậy, cuộn điếu thuốc lá sâu kèn, uể oải châm lửa: “Lần đầu khám nhà, họ lục lọi tanh bành, chẳng hiểu cái huy hiệu ấy rơi mất đâu…’’


Mất tất cả rồi! Mất tất cả rồi! Gian nhà hẹp bỗng như ruỗng ra và rộng tênh, không còn lưu lại một chút gì ấm áp của một thời đã qua. Tôi lững thững đi ra cổng làng, mong được nhìn lại cây phượng, nơi anh đã theo bác Chắt Kế và bạn bè cắm ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở vùng nam Diễn Châu. Vừa đi tôi vừa nảy ra ý định: bàn với chi bộ huy động thanh niên lấy đất bùn ao đắp quanh gốc cây phượng, rồi xây một vòng gạch xung quanh bồn. Phải giữ lại cây phượng này để làm chứng tích của một cuộc Cách mạng long trời lở đất… Nhưng ra đến nơi không thấy cây phượng đâu cả. Tôi vào chơi nhà cố Lưu ở cạnh đó, cố cho biết: “Cây phượng già quá rồi, nó chết được vài ba tháng thì bác Chắt Kế cũng chết’’. Thế là mất sạch, hết sạch! Trong làng có mười ba cây cổ thụ, có cây đến ba trăm năm, năm trăm năm, người ta đã chặt mười hai cây ngay sau ngày cướp chính quyền. Còn lại một cây phượng, cây phượng chết già…
* * *
Thấy cảnh gia đình và họ tộc điêu đứng kéo dài, hồi còn sống cha tôi nhờ thầy địa lý xoay lại hướng ngôi mộ của ông nội táng ở Đồng Cống, khi đó chưa tập trung mồ mả. Cha già yếu, không trực tiếp làm việc này. Anh Hiền đứng ra xắng xở lo toan. Chẳng hiểu anh có tin vào việc động mồ động mả hay không, chỉ thấy anh ngoan ngoãn làm theo lời cha. Có thể anh muốn cho cha yên lòng. Có thể anh tin thật, tin là có một thế giới vô hình song song tồn tại với thế giới hữu hình, thế giới vô hình hoặc phù trợ hoặc tác hại thế giới hữu hình. Chiều tối hôm trước, anh mời các bác các chú sang nhà ăn cơm và bàn chuyện ngày mai xoay hướng mộ cho ông nội.


Sáng hôm sau gà gáy canh tư, cả nhà thức dậy. Bà con đến đông đủ. Mọi người thắp đèn đốt đuốc đi ra đồng. Đêm mùa đông sương giá lạnh gai da thịt. Tôi vừa đi theo dòng người vừa thầm khấn: “Ông ơi! Ông sống khôn chết thiêng, ông phù hộ cho con cháu được bình yên. Con cháu có làm điều gì sơ suất, ông xá lỗi…”


Đồng Cống nằm bên cạnh sông Bùng, phả hơi nước lên, sương trắng dày đặc. ánh đuốc sáng nhạt nhoà. Mồ mả nhấp nhô. Đom đóm chập chờn như ma trơi. Gió tạt vào những khóm cây bầu xua động lá lao xao. Tôi có cảm giác như đang đứng giữa thế giới âm phủ.



Cuốc bổ, thuổng đào, ngôi mộ bị san phẳng dần, rồi sâu hõm xuống. Tôi chăm chú theo dõi và bụng cứ khấn thầm: “Ông ơi! Con cháu của ông đang đứng quanh ông đây mà. Mấy năm nay cửa nhà sa sút, không giữ được gia thế như hồi ông còn sống. Cháu xin lỗi ông. Cầu mong ông ban phúc cho gia đình ta được êm ấm…” Anh Sửu Phúc lật nắp tiểu sành, hộp tiểu khô ráo, xương cốt ông hiện ra dưới ánh lửa khi mờ khi ảo. Thế là trong khoảnh khắc, trong gang tấc, thế giới bên này đã gặp thế giới bên kia. Tôi nhìn lại ông, mơ hồ hình dung một người ông gần nửa thế kỷ trước: râu tóc bạc phơ, cắp chiếc ô đi thăm bệnh cho thiên hạ khắp xứ Đông xứ Đoài. Sự hình dung ấy cứ đầy đặn dần như nhà nặn tượng đắp thạch cao để tạo dựng một nhân vật cổ xưa. Anh Hiền quỳ thụp xuống, chắp tay vái chân thành. Chưa bao giờ anh thể hiện cử chỉ tín ngưỡng bộc lộ hết tấm lòng thành kính của mình như thế. Có thể trong tâm linh anh đang dấy lên nỗi day dứt, ân hận về sự tính toán sai lầm của mình trên đường đời. Có thể anh thật lòng cầu xin, van lơn ông nội, van lơn các bậc tiền nhân ban phát cho mình một cuộc sống bình yên như rong rêu dưới đáy ao.


Anh Sửu Phúc, một bậc đàn anh trong họ: “Chú Hiền lui ra để tôi sắp lại hài cốt cho ông…” Đầu ông nghiêng về một bên. Sao mặt ông lại quay về phía Đông Bắc? Có lẽ ông đang chờ đợi cụ Thuỷ tổ Vũ Hồn ở tận Hải Dương một điều gì đó. “Nào, soi đuốc vào đây để mọi người nhìn cho rõ…” Hơn chục bó đuốc chụm vào. Hơn chục cái đầu người chụm vào. Im lặng… Im lặng đến tột cùng im lặng… Im lặng mênh mông… Nghe rõ tiếng lửa cháy lách tách trên từng bó đuốc…


Nghe nhắc đến tên ông Vũ Hồn, người tôi run lên như có một luồng máu từ thượng cổ dội về và len vào từng vi ty huyết quản. Cháu con làng Hậu Luật ai mà chẳng biết sự tích vị thuỷ tổ của mình. Đầu tiên, cụ lập nghiệp ở làng Châm Thượng, tổng Nam Sách tỉnh Hải Dưong từ thế kỷ thứ tám. Đến thế kỷ mười lăm, hậu duệ của cụ là ông Võ Phúc Sơn cùng với con là ông Võ Chính Đạo mang khăn gói vào phía nam và lập nên làng Hậu Luật. Nơi đây, thế đất cường thịnh, phía đông là biển cả, phía tây là núi Hai Vai. Dân cư làm ăn sung túc, đời nào cũng có người đậu đạt. Thế mà, bây giờ… Tôi cảm thấy mình có lỗi lớn với tổ tiên.



Trong giây phút thiêng liêng này, không ai nói với ai một câu. Dường như từng người đang lặng lẽ lắng nghe từng giọt máu, từng lời khuyên của tiền nhân nhỏ xuống hồn mình. Anh Hiền đăm đắm nhìn hai bàn tay anh Sửu Phúc xếp lại từng cái xương của ông nội. Người anh oằn xuống, tôi ngỡ như anh đang sắp sửa nằm nhoài xuống để ôm lấy bộ hài cốt của ông nội. Anh Hoe Thảo, anh Hoe Phác đứng hai bên giơ tay giữ anh lại…


Sau lần xoay hướng mộ ông nội, không những gia đình tôi, mà cả chi họ, các chi họ khác và cả dân làng Hậu Luật đều chờ đợi, chờ đợi một sự thay đổi… Một tháng, rồi sáu tháng, rồi một năm, rồi hai năm, gia đình vẫn nguyên trạng như thế. Làng xóm vẫn nguyên trạng như thế. Từ các cụ già đến thanh niên đều cho rằng chỉ xoay hướng mộ ông nội tôi thôi không ăn thua gì! Làng đã bị tàn phá từ cái gốc. Cái gốc không dựng lại được, mà chỉ sửa một chút cái ngọn thì chẳng động thấu đến thần thánh, tổ tiên.


Anh Hiền vẫn chờ đợi. Mặc dầu sự chờ đợi ấy rất mơ hồ, nhưng ít ra, anh vẫn còn hi vọng. Chút hi vọng le lói đó níu anh vào cuộc sống - dẫu là cuộc sống phẳng lặng và buồn tẻ. Nhưng nào có được sống phẳng lặng và buồn tẻ mà càng ngày càng dữ dội hơn, nghiệt ngã hơn.



Bơi giữa dòng nước xoáy, anh gồng hết sức mình để nhoi lên. Mỗi lần nhoi lên lại bị sóng dìm xuống sâu hơn. Anh lại cố nhoi lên và lại bị sóng dìm xuống sâu hơn nữa… Cứ như thế cho đến lúc toàn thân anh bã bời như tấm giẻ rách. Ngày ngày anh thắp hương cầu khấn một sự phù trợ của sức mạnh Siêu Nhiên. Nhưng Siêu Nhiên không mảy may ban phát cho anh một điềm lành. Anh buông xuôi tất cả! Bàn thờ lạnh nhang khói. Ngày giỗ, ngày tết, anh cũng không thắp hương. Mọi giác quan trên người anh như đã tê dại cả. Anh tồn tại như cái bóng mờ nhạt, không buồn, không vui, không ghét, không thương, không duy tâm, không duy vật…
* * *
Bệnh sốt rét và dạ dày hoành hành, phá huỷ cơ thể anh một cách tồi tệ. Anh nằm mê lịm trêng giường hàng tháng trời, mỗi ngày nuốt được dăm thìa cháo. Tiếng thở của anh nghe nặng nề như người gánh nặng vượt dốc cao. Anh vẫn còn muốn vượt dốc. Liệu có qua được cái dốc này không? Qua được, nhưng bên kia dốc là thăm thẳm hư vô…


Năm tháng nhọc nhằn đã bóp gương mặt đôn hậu của anh trở thành nhăn nhó, méo mó, dúm dó.


Nhà bên cạnh mở đài, vọng sang những bài hát kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến.


Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi… ra đi ra đi bảo toàn sông núi… ra đi ra đi thà chết chớ lui…


Người anh một thoáng rung lên. Đôi mắt anh mở to, chớp sáng.
Cọng Rêu Dưới Đáy Ao
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII