watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cọng Rêu Dưới Đáy Ao-Chương IX - tác giả Võ Văn Trực Võ Văn Trực

Võ Văn Trực

Chương IX

Tác giả: Võ Văn Trực

Tổ thông tin tuyên truyền công tác của làng tôi hoạt động sôi nổi hàng chục năm nay. Trong tổ, mấy đứa chúng tôi có mặt từ hồi đầu thành lập đến bây giờ vẫn tiếp tục tham gia. Thằng Bá, thằng Dần, thằng Hoàn… ngoài những lúc đi làm đồng và đi học chúng tôi say mê làm tất cả mọi việc để đưa tin chiến thắng và tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng: viết khẩu hiệu, đọc tin, sáng tác ca vè, biểu diễn những hoạt cảnh chèo kịch nói…
Hiện giờ thằng Bá làm tổ trưởng, Bá bàn với tôi:
“Chú Hiền viết chữ đẹp, mời chú vào tổ thông tin để viết khẩu hiệu”.
“Mày thử trực tiếp nói với chú ấy xem sao”.


Bá vừa đề xuất ý kiến, anh Hiền hưởng ứng ngay. Không ngờ anh lại tích cực làm mọi việc do Bá phân công. Hai việc chính của anh là: viết khẩu hiệu trên tấm cót to đặt ở cổng làng và thường xuyên viết tin tức lên bảng tin ở các cổng xóm. Những tấm lá cót dài bốn mét rộng một mét rưỡi luôn được anh thay đổi màu sắc và viết mỗi lần một kiểu chữ khác nhau để người xem đỡ nhàm. Lúc thì anh để mộc rồi viết chữ thường như thầy giáo viết bảng. Lúc thì anh quét vôi trắng lên, viết chữ son đỏ như rồng bay, phượng múa… Trên bảng tin, anh vẽ hình để minh hoạ: cụ già cắp sách đến lớp học bình dân, đôi trai gái tát nước bằng gàu dai, đoàn người gánh thóc đi nộp thuế nông nghiệp… Mỗi lần viết tin anh chuẩn bị rất chu đáo: một bát đựng than, một bát đựng son, một bát đựng hoàng thổ; ba đoạn tre non đập dập đầu để làm bút nhúng vào ba bát “mực”. Đứng trước bảng tin anh tô từng nét chữ, nắn nót từng nét vẽ. Bà con qua lại đều dừng chân xem anh tỉ mỉ uốn lượn bàn tay và thì thầm với nhau: “Từ khi có chú Hiền tham gia tổ thông tin, khẩu hiệu với bảng tin đẹp hẳn lên”.


Hồi còn tại ngũ, anh đã từng trình bày nhiều tờ báo liếp, báo tay của đơn vị. Sau một thời gian gia nhập tổ thông tin, anh đề nghị ra một tờ báo tường treo ở nhà thờ đại tôn để bà con đọc cho vui. Anh tập hợp bài, sửa bài và trình bày. Khổ báo rộng 1m x 1,2m, rực rỡ màu sắc. Trưa mùa hè, người làng ra nhà thờ nghỉ ngơi, hóng gió nồm, xúm xít trước tờ báo, vừa đọc vừa bình luận rôm rả. Anh viết một bài trên báo trong đó có câu: “Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì hãy làm một cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Theo anh nghĩ, cọng rêu đó không phải là biểu tượng một tâm trạng yếm thế, mà là một sự rút lui về quê quán để lo việc cửa nhà, đồng ruộng và cùng bà con lo việc xóm làng.
*
Uỷ ban hành chính xã triệu tập một cuộc họp quan trọng để nghe đồng chí chủ tịch huyện nói chuyện về xây dựng đất nước sau thời kỳ chiến tranh. Thông thường các cuộc họp do xã hoặc huyện triệu tập Bá thường cử anh Hiền thay mặt tổ thông tin đi dự vì “chú Hiền có trình độ tiếp thu, ghi chép đầy đủ để về phổ biến cho nhân dân nghe “.
Từ hai hôm trước, người ta đã đồn đại là trong cuộc họp này chủ tịch huyện đích thân làm chủ toạ và diễn thuyết, hẳn có nhiều điều hệ trọng. Cho nên từ sáng sớm cán bộ các chòm các thôn đã gọi nhau í ới, vui như trẩy hội. Cả hội trường chật ních người, phải ngồi tràn cả ra thềm. Sau lời giới thiệu của chủ tịch xã, ông chủ tịch huyện đứng lên:
“Thưa toàn thể các đồng chí đảng viên và các đồng chí cán bộ. Ngồi dự hội nghị ở đây là những thành phần cốt cán của xã ta, cho nên tôi nói hết, tôi không giấu giếm một chút gì. Những điều tôi nói toàn là những vấn đề lạc quan cách mạng. Các đồng chí nghe rất sướng tai. Để mở đầu sự lạc quan này, tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô…”
Cả hội trường nổ ra tiếng vỗ tay và tiếng “Hoan hô… Hoan hô… Hoan hô…” vang dội. Đồng chí chủ tịch giơ cánh tay phải. Hội trường im lặng.
“Chúng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta, toàn Đảng ta đã lạc quan đánh giặc thắng lợi, bắt địch phải kí với ta hiệp định Genève. Như thế là kẻ địch đã phải công nhận chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một chính phủ đàng hoàng đứng ngang hàng với tất cả các chính phủ trên thế giới. Lạc quan đánh giặc xong, chính phủ ta, Đảng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta lại lạc quan xây dựng đất nước không kém gì các cường quốc trên thế giới…”



Mọi người nghển cổ như bị hút vào đồng chí chủ tịch. Thấy gương mặt cử toạ đầy hưng phấn, đồng chí chủ tịch ngừng lại vài phút, rồi tiếp tục:
“Chắc các đồng chí nóng ruột chờ đợi những điều lạc quan tôi phổ biến… Yên chí… Việc gì đến sẽ đến, không phải sốt ruột gì cả… Tôi đề nghị các đồng chí vỗ tay hoan hô để đón nhận những điều lạc quan Cách mạng”.
Cả hội trường lại vỗ tay hoan hô như sấm dậy.


Đồng chí chủ tịch nuốt nước bọt cái ực, giơ cao cánh tay. Hội trường im lặng. Đồng chí nói dài lắm, nhưng có ba điều rất lạc quan, ai cũng nhớ nhập tâm.


“… Bệnh viện Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sạch, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lac hậu. Ta sẽ xây dựng một bệnh viện khác gồm nhiều toà nhà mười tầng, mười lăm tầng, trang bị đầy đủ các loại máy khám chữa bệnh cực kỳ hiện đại. Người nào đau ốm bất kỳ ở làng nào, xóm nào, xó xỉnh nào chỉ cần a lô một tiếng là có đường dây đưa ngay tức khắc tới bệnh viện, chứ không làm cái cáng người bệnh từ nhà tới. Cáng võng, đòn võng, dây dợ lằng nhằng vứt sạch, không còn một chút tì vết của nghèo nàn lạc hậu. Tôi chỉ nói một việc thôi, một việc đủ làm các đồng chí kinh ngạc giật nảy người. Các đồng chí có biết việc gì không? Riêng một cái giường của bệnh nhân trị giá tới 9000 đồng. Các đồng chí ngạc nhiên à? Không ngạc nhiên gì cả. Một cái giường bệnh nhân trị giá 9000 đồng. Bệnh nhân nằm trên đó, ăn trên đó, ỉa trên đó… Tất cả đều do máy móc điều khiển…”
“… Thị trấn Diễn Châu hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Ta sẽ xây dựng một thành phố Diễn Châu to bằng thành phố Mạc Tư Khoa. Liên Xô sẽ giúp ta xây dựng. Thành phố mở rộng phía Tây lên tận lèn Hai Vai, phía Nam đến tận đền Công, phía Bắc đến tận cầu Bùng, phía Đông đến tận mép biển. Đường kẻ ô vuông như bàn cờ. Ô tô chạy như cua bò. Người ra khỏi cửa là lên ô tô, không phải đi bộ một bước. Muốn đi xem xi-nê có ô tô đưa đi. Muốn đi xem tuồng xem chèo có ô tô đưa đi. Muốn đi tắm biển có ô tô đưa đi. Muốn đi dạo mát có ô tô đưa đi…”
“… Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Tất cả mọi nhà đều xây thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì ngừng tay xem xi-nê… Tôi nói một việc này các đồng chí sẽ vô cùng ngạc nhiên. Các đồng chí có biết việc gì không? Mỗi gia đình trung nông sẽ giàu hơn tài sản thằng Bảo Đại… Tài sản thằng Bảo Đại sẽ thua kém tài sản một trung nông…”
Đồng chí chủ tịch diễn thuyết một cách say sưa, bỗng dừng lại đột ngột:
“Các đồng chí nghe có sướng tai không?”
Mọi người đồng thanh:
“Sướng tai lắm. Đồng chí cứ nói tiếp đi!”
Chủ tịch huyện nói say sưa quá và giơ hai tay choán cả vị trí chủ tịch xã hiện đang điều khiển cuộc họp. Chủ tịch huyện hăng hái làm luôn cả nhiệm vụ chủ toạ:
“Ai có ý kiến gì không?... Không ai có ý kiến gì à?... A, đồng chí Hiền! Chắc đồng chí có nhiều ý kiến hay, nói cho mọi người cùng nghe. Đồng chí Hiền hãy lên tiếng…”
Bị áp đặt một cách gay gắt, anh Hiền đứng dậy:
“Tôi chỉ sợ là đồng chí chủ tịch đem đến cho cử toạ một sự lạc quan tếu chứ không phải lạc quan cách mạng.”
Cả hội trường cười ồ lên. Chủ tịch huyện giơ cao cánh tay, nói như búa bổ:
“Lạc quan tếu là thế nào? Xem chừng tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí đã sa sút rồi đấy. Hồi đầu ta chỉ có gậy tầm vông, bom ba càng mà đánh thắng thằng đế quốc mạnh nhất toàn cầu. Bây giờ ta lại không dùng cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được à! Đồng chí thấy thế nào, đồng chí Hiền? Lạc quan tếu hay lạc quan cách mạng, đồng chí cho ý kiến.”
Anh Hiền hơi mỉm cười:
“Không…”
Chủ tịch huyện lại dõng dạc lên tiếng:
“Không à! Không là thế nào! Hơn lúc nào hết chúng ta phải rèn luyện ý chí, nắm chắc cày chìa vôi mà xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Hiền có nhớ mười năm trước đồng chí oai phong ngồi trên mình ngựa cũng chỉ có một thanh kiếm, thế mà đồng chí cũng dám chọi nhau với thằng địch có đủ máy bay, xe tăng đại bác. Bây giờ đồng chí không dám cầm cày chìa vôi để xây dựng chủ nghĩa xã hội à! Đồng chí hãy xem lại cái tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí còn giữ được nữa không? Thế nào, đồng chí Hiền, đồng chí có ý kiến gì không?”
Anh Hiền lại nhếch mép:
“Không…”
*
Nhập nhoạng tối. Tiếng loa gióng giả từ đầu làng đến cuối xóm: “Alô! Alô! Ăn cơm xong mời toàn thể đồng bào tập trung tại nhà thờ đại tôn để nghe đồng chí bí thư Đảng uỷ xã phổ biến nhiều vấn đề quan trọng. Alô! Alô!” Tất cả các tổ viên tổ thông tin phân công nhau đến các cổng xóm để “alô”. Đứa nào cũng tìm vị trí cao để alô cho nhiều người nghe. Đứa thì trèo lên cây ổi. Đứa trèo lên cây phượng. Đứa thì trèo lên bức tường… Tiếng “alô” từ đầu kia đến, từ đầu này lại, đan nhau, oang oang chói tai. Đồng chí bí thư Đảng ủy về nói chuyện chứ đâu phải chuyện thường. Các gia đình vội vã sắp bát đũa ăn tối để kịp giờ đi họp.
Đèn đỏ một chốc, nhà thờ đã đông chật người. Trời rét. Ngồi chen chúc nhau. Các bà già nhai trầu. Các cô gái mỗi người rang một ít thóc bỏ vào túi để cắn chắt. Các ông cao tuổi và thanh niên truyền nhau điếu thuốc lào, tiếng điếu kêu sòng sọc. Sau mỗi buổi họp, nền nhà thờ vương văi nước trầu, bã trầu, vỏ thóc, tàn đóm, ông từ vừa quét dọn vừa càu nhàu: “Càng họp nhiều càng khổ dân đen”.
Trong khi chờ đợi, tiếng trò chuyện ồn ào hoà lẫn với tiếng cắn thóc rang lách tách, tiếng trai gái đùa cợt hoà lẫn tiếng rít điếu thuốc lào. Khói thuốc bay mù cả ba gian nhà. Mấy cụ già hớp phải khói ho sặc sụa… Đồng chí bí thư đã lên rồi kìa! Đồng chí đến muộn vì chiều nay phải dự ba cuộc họp bàn an ninh thôn xóm về việc bà Bửu mất con gà mái đẻ và về việc một tuần đinh ngủ với bà bắt cáy giữa đồng. Vừa bước chân vào hội trường chưa kịp chào hỏi bà con, đồng chí diễn thuyết ngay vì sau cuộc diễn thuyết này đồng chí còn phải dự một cuộc họp bàn về chống âm mưu của kẻ địch trong hoà bình.
“… Tình nghĩa quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa anh em vô cùng cao cả, muốn xoá bỏ cái nghèo nàn lạc hậu đến tận gốc ta phải dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng xắn hai ống tay áo giúp ta xoá bỏ cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Mấy cô, mấy cậu bịt miệng cười phì phì vì đồng chí bí thư nói ngọng “nghèo nàn” thành “ngoèn nàn”. Một cán bộ đứng dậy “Xì…xì …” để ngăn những tiếng cười bất nhã.
“… Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba xung phong xây cho ta một con đường ngầm to chứ không phải nhỏ như cái cống nước. Con đường ngầm ô tô chạy được, hoả xa chạy được, xe tăng chạy được. Trên đường ngầm nhân dân ta cứ đi lại, cày bừa cấy hái như thường. Như thế là một mũi tên bắn trúng hai đích, đích thứ nhất là bảo đảm bí mật quân sự, đích thứ hai là xoá được cái nghèo nàn, xoá được lạc hậu. Tại sao làm đường hầm mà xoá được cái ngoèn nàn lạc hậu…”
Đồng chí biết mình phát âm ngọng nên cố tránh tiếng nghèo nhưng lại thích dùng cụm từ “xoá nghèo nàn lạc hậu” cho nên lại cứ phải nói “ngoèn nàn lạc hậu” tiếng cười phì phì lại nổi lên.
“… Làm đường ngầm tiết kiệm được diện tích canh tác. Ta có đường đi đàng hoàng mà không mất diện tích canh tác. Nhưng ta thấy Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba mới giành được chính quyền đất nước còn nghèo nên ta không nhận. Ta cảm ơn tấm lòng quốc tế vô sản của Đảng, chính phủ nhân dân Cu Ba...”
“Thằng Pháp cũng giở giọng ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la nhưng ta không thèm nhận. Ta không thèm chìa tay nhận của quân đế quốc. Thằng Pháp vừa bị Đảng, chính phủ, quân đội nhân dân ta đánh cho thua liểng xiểng, chúng âm mưu quay lại ve vuốt ta hòng đặt ách cai trị lên vai lên cổ ta một lần nữa. Ta phải cảnh giác thằng đế quốc. Tự hai bàn tay trắng ta phải xoá cái nghèo… xóa lạc hậu… xoá cái nghèo nàn lạc hậu”.
“… Còn cái lèn Hai Vai sờ sờ ra đó ngứa mắt, ngứa mắt. Đảng, chính phủ ta sẽ xây một nhà máy xi măng, vài mươi năm sau đá nung xi măng sẽ hết sạch sành sanh. Lúc đó mọi người đã xây xong nhà ngói, đá cũng vừa hết hòn lèn không còn nữa ta có thêm mấy trăm mẫu đất để sản xuất góp phần đắc lực vào công cuộc xoá nghèo nàn lạc hậu…”
“Đồng ruộng ta phẳng lì thẳng cánh cò bay. Cày bừa cuốc xẻng chồng lại một đống mà đốt, ta dùng toàn máy cày, máy bừa, máy cấy, ta dùng toàn máy móc hiện đại. Các ông không phải cầm cái cày đi theo con trâu, các bà không phải cúi gập lưng cắm mặt xuống bùn. Khắp cả cánh đồng máy chạy như cua bò …”
Vừa hưng phấn vừa vội vàng, đồng chí bí thư nói một mạch, rồi “báo cáo với đồng bào’’ đi dự cuộc họp khác. Dư âm của bài diễn thuyết đầy lạc quan còn níu bà con lại bàn tán:
“Úp mặt mãi xuống đất đã có lúc ngẩng mặt lên trời”.
“Tôi mong nhà nước xây dựng nhà máy xi măng càng sớm càng hay để tôi xây lại nhà, thoát khỏi cái nhà tranh cứ hơi mưa là dột ướt hết cả giường chiếu”.
“Bà Hoe nhà tôi mà đi nghe ông bí thư nói hôm nay thì sướng lắm, thương bà ấy quanh năm mặc áo rách lội bùn”.
“Ôi trời ơi mẹ đĩ nhà tôi mà được ngồi lên máy cày máy bừa thì oai phong lẫm liệt như bà Trưng cưỡi voi ra trận”.
“A! Chú Hiền đến rồi im tiếng thế? Chú Hiền đánh giặc xong về quê lúc này là đúng lúc. Hồi trước chú cưỡi ngựa bây giờ chú lại cươĩ máy cày, lúc nào chú cũng sướng”.
“Chú Hiền đâu rồi. Im tiếng thế. Chú làm thông tin thì chú phải nói cho bà con biết mọi việc để bà con còn phấn khởi”.
Anh Hiền đang cuộn điếu thuốc lá ngồi dựa cột:
“Có tôi đây. Thưa thật với bà con là tôi làm thông tin tôi không dám nói như đồng chí bí thư Đảng ủy”.
“Tại sao?”
“Tại sao thế?”
“Chú nói cho bọn tôi nghe. Chú đi nhiều, hiểu biết nhiều, chú phải nói cho bà con nghe chứ”.
Anh Hiền ngừng tay cuộn thuốc lá, nói chậm rãi:
“Đồng chí bí thư nói Pháp muốn ủng hộ ta mười lăm tỷ đô la tôi không tin. Nói một tỷ đô la tôi có thể tin được, tạm tin được… Đồng chí bí thư nói Cu Ba xung phong làm cho ta một con đường ngầm từ Hà Nội vào Vĩnh Linh cho ô tô xe tăng tàu hoả chạy tôi cũng không tin. Liên Xô giành chính quyền hơn bốn chục năm rồi mà cũng chỉ làm được đường ngầm cho tàu điện chạy loanh quanh trong Mạc Tư Khoa… Đồng chí bí thư nói vài chục năm nữa phá sạch lèn Hai Vai để lấy đất canh tác tôi cũng không tin. Phần nổi của lèn Hai Vai nếu phá hết thì phần chìm của nó phải đến hàng mấy chục đời may ra mới lấy hết đá…”
“Có khi chú Hiền nói đúng”.
“Chú cứ nói nữa đi.”
“Chú nói tiếp đi, chú hiểu biết nhiều hơn. Bà con làng ta chỉ loanh quanh ra đồng rồi vô bếp.”
Anh Hiền rít một hơi thuốc lá, dụi mẩu thuốc xuống đất:
“Thôi… tôi xin nói thế là đủ rồi. Lần trước họp trên xã tôi chỉ nói trái ý ông chủ tịch huyện một câu bị ông ấy ốp cho một trận trước mặt mọi người… Tôi chỉ sợ là các ông cấp trên tếu quá đáng chứ không phải là lạc quan cách mạng.”
Những sự va chạm giữa anh Hiền với cấp lãnh dạo cứ lặp đi lặp lại tuy chẳng có lần nào anh to tiếng. Thậm chí hễ thấy cấp trên hơi nóng mặt là anh im lặng rút lui nhưng cũng không khỏi làm cho cấp trên khó chịu.
Chiều hôm ấy đi tát nước về Bá gặp anh Hiền “nhờ chú viết cho mấy khẩu hiệu thật đẹp ở bảng tin cổng xóm Nam, xóm Tây, xóm Bắc. Lần này không viết tin mà viết ba câu khẩu hiệu thật to”. Anh hí hửng viết bằng son đỏ nắn nót từng nét chữ đến nhập nhoạng tối thì xong. Ba tấm bảng quét vôi trắng toát nổi bật màu son đỏ ba câu khẩu hiệu: “Cương quyết tấn công vào nghèo nàn lạc hậu.”
Sáng hôm sau bà con ra đồng làm việc đến dừng lại trước tấm bảng. Nhưng rất buồn cười, đứa nào nghịch ngợm sửa lại câu khẩu hiệu ở cổng xóm Bắc: “Cương quyết tấn công vào ngoèn nàn lạc hậu”. Bí thư chi bộ biết tin này lập tức bắt tổ thông tin quét vôi xoá trắng hoàn toàn. Và ngay tối hôm đó tổ thông tin họp có bí thư chi bộ dự, kiểm điểm gay gắt anh Hiền. Bá nói: “ Chiều qua tôi đã thấy chú Hiền viết nghèo nàn lạc hậu. Chắc là có đứa nào đó nó nghịch dùng bút son sửa lại”. Những tổ viên khác cũng có ý kiến tương tự như Bá, nhưng bí thư chi bộ cứ gò vào buộc anh Hiền phải nhận là “ý thức trách nhiệm kém”, “có ý xỏ xiên đồng chí bí thư huyện uỷ xã”, “có ý đồ gì đằng sau”. Anh Hiền không chịu nhận…
Mấy ngày sau Bá được Đảng uỷ gọi lên và bảo “Từ nay không để đồng chí Hiền hoạt động trong tổ thông tin nữa”. Bá nói lại: “Đảng uỷ không cho chú Hiền làm thông tin nữa là quyền của Đảng uỷ, tôi chẳng thấy chú Hiền sai gì cả. Tôi phân công việc gì làm chú cũng làm đầy đủ, còn câu khẩu hiệu viết ngoèn nàn lạc hậu là do đứa nào đùa nghịch chứ không phải chú Hiền xỏ xiên hoặc có ý đồ gì đằng sau, cũng chẳng phải âm mưu địch xúi giục chú Hiền như có người quy kết”. Bá vắt áo lên vai phăm phăm ra về.
Tưởng là “dứt bỏ đường công danh”, vui thú điền viên tham gia việc làng việc xóm cho vui, đến bây giờ anh mới nhận thức ra rằng việc làng việc xóm cũng là việc xã hội, mà làm “việc xã hội” là thế nào cũng bị va chạm, xô xát. Anh hoàn toàn giành thì giờ lo việc gia đình nhưng vẫn bị Đảng uỷ để ý, cho là “phần tử bất mãn”, là “cố ý chống đối”… Thì ra cái “cọng rêu dưới đáy ao” mà anh tưởng là “yên thân” như các nhà nho ngày trước, có ngờ đâu cái cọng rêu ấy trong thời buổi này cũng phải đối mặt với mọi biến động của xã hội.
Cọng Rêu Dưới Đáy Ao
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII