Chương VIII
Tác giả: Võ Văn Trực
Anh lấy vợ từ năm mười bảy tuổi. Cha mẹ dạm hỏi và anh vâng lời nghe theo. Chị quê ở làng Vĩnh Bình, cách Hậu Luật chừng ba kilômét. Nhưng trước khi cưới, lũ em út chúng tôi không hề được biết mặt chị, chỉ nghe các cậu các mợ nói chị là một cô gái đẹp người đẹp nết. Một lần tôi theo mẹ về quê ngoại ăn giỗ, lúc qua cánh đồng làng Vĩnh Bình mẹ chỉ cho tôi thấy chị đang làm ruộng từ xa. Anh cũng chưa một lần gặp mặt chị, càng chưa hề trò chuyện với chị.
Lễ cưới chưa tổ chức được bao lâu thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Anh mải mê đi lo việc làng việc xóm, rồi thoát ly gia đình lên công tác ở huyện. Do tiếp xúc nhiều với các cô gái có học hành, nhất là nữ sinh trường Nguyễn Xuân Ôn, anh chểnh mảng với chị, thậm chí không bao giờ anh hỏi chị một câu. Nhỡ ra gặp chị dọc đường làng, anh cố lảng tránh.
Hôm anh rời quê ra Việt Bắc mẹ tôi có dọn một bữa cơm rượu, mời các bác các chú sang dự. Chị thức dậy khi gà chưa gáy canh năm, lo nhóm lửa đồ xôi, làm thịt gà, lụi cụi một mình, chẳng gọi mẹ gọi các em gái dậy cùng lo. Cỗ bàn thật chu tất. Bà con ngồi uống rượu vui vẻ, chúc “bác Hiền”, “chú Hiền” lên chiến khu lập được nhiều công trạng. Chị cặm cụi trong bếp hầu hạ mọi người. Niềm vui lớn nhất của chị lúc này là lo chặt miếng thịt gà cho đẹp, pha bát nước chấm cho ngon, chọn những quả cà trắng xếp vào đĩa. Chị tỉ mẩn lo từng mâm cỗ vừa là để đựơc tiếng là người vợ hiền dâu thảo của gia đình, vừa để vừa lòng chồng trước lúc xa gia đình, xông pha nơi trận mạc. Nhưng anh thì chẳng để ý gì đến chị. Đến lúc mang ba-lô ra đi, anh chào cha mẹ, bà con họ mạc và mọi người trong gia đình, nhưng không hề chào hỏi chị lấy một câu.
Chiều. Rồi xế chiều. Rồi vào đêm. Chị ngồi một mình dưới bếp lau nước mắt. Sắp gà gáy canh ba tôi tỉnh dậy thấy chị vẫn ngồi. Tôi im lặng bước đến và ngồi bên cạnh chị:
“Sao chị chưa ngủ?”
“Chị không buồn ngủ”.
“Sáng mai phải dậy sớm đi cấy, chị không ngủ thì mai ra đồng lội bùn sao được”.
“Chị không buồn ngủ mà. Em lên ngủ đi, kẻo dậy muộn đi học chậm giờ. Sắp sáng rồi, chị thổi cơm để em kịp ăn mà đến trường…”
Suốt thời gian ở Việt Bắc, tất cả những bức thư anh gửi về đều không hỏi thăm chị một câu. Bức thư nào tôi cũng bóc ra, đọc cho cả nhà cùng nghe. Tôi đọc chậm chạp lời chúc sức khoẻ cha mẹ, em Đích, em Xí, em Đáng, em Thoả, chị Chắt Khải, bà con thân thuộc… Đọc đến hết thư tôi hơi bị hẫng… không có tên chị Hiền. Tôi vừa thương chị vừa tự giận mình. Tôi không hiểu. Tôi nẩy ra một ý khôn ngoan, lần sau có thư anh tôi đọc thêm vào một câu: “Em Hướng nhớ giữ gìn sức khoẻ, nhớ chăm sóc cha mẹ…” - tên chị là Hướng. Gương mặt chị sáng lên một niềm vui kín đáo… Tối đến, mọi người đã yên giấc ngủ, chị lục trong túi tôi đem bức thư của anh xuống bếp thắp đèn đọc lại. Bỗng chị gục đầu, nấc lên. Tôi đang ngồi học nghe rõ tiếng nấc của chị, chạy xuống: “Chị ơi! Chị đi ngủ, khuya rồi…” Chị không đáp lại cứ ôm mặt nấc lên từng hồi. Nước mắt là cách duy nhất để chị tự giãi bày. Buồn đau đến mấy chị cũng không tâm sự với ai. Khác với nhiều người phụ nữ, chị chẳng bao giờ ngồi lê la với bà này bà nọ kể chuyện gia đình mình nên không mấy ai biết được sự rạn nứt tình cảm giữa chị và anh.
Những năm xa chồng chị sống nhẫn nhục, lặng lẽ và làm việc không mệt mỏi. Chị được bầu vào Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ xã. Có thời kỳ chị làm ủy viên Hội đồng nhân dân xã. Hôm nào bận đi họp, tối về chị trằn sức ra làm bù. Có đêm chị thức rất khuya, xay thóc, giã gạo, rồi ra ao vớt bèo. Mẹ tôi thấy con dâu làm việc nhiều quá, ra tận ao đỡ rổ bèo cho con:
“Bèo lợn thì để mai mẹ lo. Trời rét thế này dầm nước con ốm mất”.
“Mẹ cứ về ngủ đi. Con chỉ làm một lát là xong ngay”.
Cha mẹ tôi sinh được sáu người con. Hai chị lấy chồng ở làng khác. Anh Đồng mất năm 1949. Chị Hiền là con dâu trưởng. Sau chị có tôi và hai em gái. Ba anh em tôi còn nhỏ. Cha mẹ già yếu. Chị cáng đáng tất cả mọi việc nhà, từ bếp núc cho đến đồng áng. Dáng người chị hơi thấp nên lúc cắt hái, gánh rơm gánh rạ trông chị càng có vẻ nhanh nhẹn, xăm xắn. Tết nhất, giỗ chạp các bà cô dắt cháu về, cùng xúm tay giúp chị, nhưng chị gạt ra: “Lâu ngày về ông bà, cô lên tiếp khách, nói chuỵên với các chú các bác. Một mình tôi lo là đủ rồi”. Bà con làng xóm ai cũng khen: “Bà Đoan có người con dâu tốt nết tốt đức thật là phúc”.
Tôi tham gia công tác quân báo một thời gian khá dài, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy việc: dự các cuộc tập trận giả, dò xét thái độ những người không chịu đóng thuế nông nghiệp, không chịu đi dân công… Tôi đâm ra chán nản, xin được đi học tiếp. Cha mẹ tôi rất mừng. Không ngờ là chị Hiền cũng rất mừng: “Em đi học là phải. Kháng chiến thành công, đất nước cần những người có học như em”.
Trường học cấp hai xa nhà hơn mười cây số. Hàng ngày vừa tắt nắng, tôi và mấy đứa bạn xách cặp đi học, khoảng mười giờ đêm lại xách đèn về. Ăn vài bát cơm nguội, ngồi vào bàn làm bài. Sáng mai, dắt trâu ra đồng. Chiều tối lại xách đèn đi học. Có hôm, trời mưa, không thắp được đèn, chúng tôi phải chống gậy đi mò trong đêm tối từ trường học vượt qua mấy cánh đồng mới về tới nhà… Thấy tôi lam lũ quá chị chăm sóc tôi từng li từng tí. Đêm nào cũng vậy, biết tôi sắp về, chị đun nóng lại nồi cơm và nồi canh. Có hôm chị luộc sẵn mấy củ khoai hoặc củ sắn từ lúc chiều để tôi mang theo. Mấy tháng sau chị bảo tôi: “Em tìm nhà nào ở gần trường mà ở trọ, mỗi tuần về một lần. Chứ ngày nào cũng đi như thế này thì ốm mất”. Tôi chần chừ… Thời buổi đói kém, gia đình không đủ thóc gạo để ăn, tôi ở trọ thì phải mang gạo mang thức ăn. Ăn chung ở nhà, cây rau củ khoai cũng qua bữa. Thấy tôi có vẻ phân vân, cha mẹ hiểu ý, liền khuyên bảo tôi: “Chị mày nói thế là phải, tháng sau con tìm nhà mà ở trọ”. Thế là tôi ở trọ ngay một gia đình gần trường, mỗi tuần về một lần. Chị càng thêm vất vả, vừa việc nhà vừa việc học của tôi. Cứ chiều chủ nhật, chuẩn bị cắp sách đến trường là chị đã lo sẵn cho tôi một bao ruột tượng gạo, một gói tôm kho mặn với mật mía và muối. Biết tôi phải ăn dè thức ăn trong sáu ngày, để tôm không bị thiu, chị kho kỹ cho con tôm mặn cứng có pha vị ngọt của mật. Con tôm nào cũng dính lổn nhổn muối. Mỗi bát cơm chỉ cần hai con tôm là đủ: gạt muối ra trộn lẫn với cơm, còn tôm thì cắn nhỏ từng miếng, ăn rất đằm miệng… Có những chiều chủ nhật lạnh lẽo, chị trao bao gạo và gói tôm kho, tôi ứa nước mắt bước ra khỏi ngõ với một tâm trạng nặng trĩu.
*
Anh Hiền đột ngột rẽ về nhà trên đường từ ngoài Bắc vào Hà Tĩnh phát động cải cách ruộng đất đợt năm. Tối hôm đó có cuộc họp toàn thôn, anh ra dự và phát biểu ý kiến. Mọi người im lặng khi anh đứng dậy. Ai cũng nghĩ rằng anh sẽ nói rất dài và nói nhiều điều thú vị về tình hình trong nước, tình hình thế giới, kể nhiều chuyện về Bác Hồ ở Việt Bắc… Không ngờ anh chỉ nói chừng năm phút, nội dung thật là đơn giản: “Xin lỗi các đồng chí đảng viên, xin lỗi bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay tôi chê vợ. Tôi đã nhận ra sai lầm của tôi. Người cùng một giai cấp, ta phải đoàn kết chặt chẽ, nông dân không thương nông dân thì đợi địa chủ nó thương nông dân à?...” Khắp cả ba gian nhà thờ tiếng hoan hô nổi lên:
“Trời có mắt mà! Mự Hiền ở hiền gặp lành, chồng chê rồi chồng lại yêu”.
“Ông trời có mắt đem chồng trả lại cho mự Hiền”.
Trong góc nhà, mấy chị xô nhau chọc ghẹo chị Hiền:
“Từ nay thì hết buồn nhá!”
“Đảng lại đem chồng về trả cho mự rồi đó!”
“Mự ăn ở phúc đức thì ông chồng phải tự nguyện quay về!”
Tự nhiên tôi thấy ai đó đã phát hiện ra một điều đơn giản: “Đảng đã đem chồng về trả cho mự”. Qua cải cách ruộng đất, nhiều người đã tự thức tỉnh “ý thức giai cấp” là không chê vợ nông dân, không chê vợ nghèo khổ chân lấm tay bùn. Thậm chí, có thanh niên trí thức ngỏ lời yêu con gái cố nông. Tình yêu của anh Quảng với o Quỳ nẩy nở trong bối cảnh như vậy. Anh là một học sinh từ thời Pháp thuộc, quê ở Quảng Ninh, gia nhập Vệ quốc đoàn, được đề bạt làm đại đội trưởng. Trong thời gian đóng quân tại làng anh đựơc khá nhiều cô thôn nữ xinh đẹp, nhất là nữ sinh lân la tỏ tình. Đùng một cái anh đến nhà cố Đôi chơi. Anh ngồi trên chiếc chiếu rách, gọi o Quỳ tới và ngỏ lời yêu o. O Quỳ chẳng hiều đầu đuôi xuôi ngựơc ra sao, run bắn người, chẳng nói được câu nào. Anh cố gượng gạo để chuyển cách xưng hô: “tôi” thành “anh”, chuyển “O” thành “em”. Tay anh cầm tay o Quỳ: “Em… em… em… trả lời anh đi! Còn lo gì nữa! Em… em… lo con bò trắng răng à!...” Sau cuộc gặp ấy anh Quảng nói với mọi người: “Tôi lấy o Quỳ là để giải phóng giai cấp!”
Cũng với tâm lý bột phát ấy, anh Hiền không những lặng lẽ trở về với vợ mà còn công khai xin lỗi các đồng chí đảng viên và bà con họ hàng làng xóm về việc lâu nay chê vợ.
Chỉ ngủ ở nhà một đêm, hôm sau anh tiếp tục hành trình trở vào Hà Tĩnh. Chị thức dậy khi tờ mờ sáng, nấu một nồi cơm nếp, một nồi cơm tẻ, luộc một con gà bày lên mâm, rồi bê ra nhà ngoài.Trên mâm chị đặt sẵn gói cơm nếp với cái đùi gà, có ý là để anh mang đi đường. Rồi chị tất tưởi sang nhà hàng xóm mua một cút rượu… Cả nhà vui vẻ ăn bữa cơm mừng sự đoàn tụ của vợ chồng anh Hiền.
*
Từ giã đoàn cải cách ruộng đất, từ giã quân ngũ, anh trở về quê, càng gắn bó với chị hơn. Có lẽ không phải vì “tình cảm giai cấp” mà do sự thôi thúc của ý niệm “vui thú điền viên”.
Anh mua cho chị nào dép, nào khăn bịt đầu, nào áo ấm, áo sơ mi, mấy chiếc mùi soa và cả gương lược. Áo mới quá, khăn mới quá. Thời gian đầu chị không dám dùng ban ngày mà chỉ diện vào buổi tối. Đi họp ngoài làng ngoài xã nếu mặc áo mới thì chị trùm đầu bằng khăn cũ. Nếu trùm đầu bằng chiếc khăn mới thì chị mặc áo cũ. Nửa kín nửa hở chị khoe với mọi người “Khăn áo này là do chồng tôi mua”. Tâm hồn chị trẻ trung như hồi mới cưới.
Phòng ngủ được anh trang trí như phòng tân hôn: chiếu mới, màn mới, chăn bông mới. Trên mặt gối còn trải tấm khăn thơm thoang thoảng mùi nước hoa, mỗi sáng ngủ dậy cửa màn được vén ngay ngắn sang hai bên chăn được xếp vuông vắn đặt phía đầu giường, hai chiếc gối được vuốt phẳng phiu… Tôi có cảm giác rằng với giường chiếu ấy anh đã có một sự quyết tâm ghê gớm để trở về với người vợ quê mùa, với hương thôn bản quán. Trong cái quyết tâm trở về ấy có bao hàm cái quyết tâm dứt bỏ hoàn toàn cuộc đua chen trên con đường danh lợi.
Công việc bếp núc anh cũng trực tiếp nhúng tay vào hướng dẫn cho chị làm một số món mang chất thị thành. Các thứ gia vị cần thiết anh đã mua sẵn từ Hà Nội: lọ hồ tiêu, tương ớt, nước cà cuống, ớt bột… Sau bữa ăn mỗi người được ăn một bát chè đậu đen hoặc chè nếp. Trong bát chè có hương vị lạ ai cũng khen ngon. Anh nói: “Có gì lạ đâu cho tí dầu chuối vào là dậy mùi ngay”. Bí quyết thật là đơn giản, chị cũng học theo cách làm ấy, nhưng buồn cười, hôm đầu tiên chị nấu chè mọi ngưòi bưng ăn đều nhăn mặt vì sặc mùi dầu chuối, thì ra chị đổ vào nồi chè gần nửa lọ dầu, anh khó chịu lắc đầu nhưng không cáu gắt mà bình tĩnh hướng dẫn cách dùng: chỉ cần nhỏ vào bát hai giọt dầu chuối. “Tài thật, con người càng ngày càng khôn ngoan”, cha tôi tấm tắc khen…
Đứa con đầu lòng của anh chị sinh từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp đến nay dã chín tuổi vẫn chưa có đứa thứ hai. Do chán vợ nên anh chẳng chăm sóc con. Cuộc trở về lần này suốt ngày đêm anh quấn quýt với con. Anh sắm cho con đủ các kiểu giày dép quần áo, bút mực sách vở. Đặc biệt anh chú ý tu sửa mái tóc của con, mỗi ngày một kiểu tóc khác nhau hôm nay thì kiểu tóc buộc vồng lên “kiểu tóc ống khói”, ngày mai lại chải vuốt ra đằng sau có thắt một cái nơ đỏ. Ngoài giờ cắp sách đến trường, anh dạy cho con học toán, học văn, học tiếng Pháp. Anh bắt con học thuộc lòng những bài thơ anh chép vào một cuốn vở. Sáng nào con bé cũng nghêu ngao đọc thật to. Không những cả nhà mà cả hàng xóm đều nghe:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Anh như một cây tre đã bị uốn cong sang phía bên kia, bây giờ muốn cho thẳng phải uốn cong sang bên này, có cái gì đó trong anh chưa nhuần nhuyễn, còn gượng gạo, thậm chí còn lố bịch, nhưng tất cả những việc anh làm đều biểu hiện sự quyết tâm “trở về”. Nhờ thế anh chị có thêm một đứa con gái thứ hai. Như vậy đứa con đầu cách đứa thứ hai chín tuổi, khi chị sinh cháu đầu lòng anh đi công tác xa nhà, vả lại cái tổ ấm miễn cưỡng hồi ấy không làm cho anh xúc động bao nhiêu lúc cháu bé cất tiếng khóc chào đời. Còn bây giờ anh săn đón, hồi hợp chờ đợi… Anh lục lọi kiến thức trong sách vở để đặt tên cho con, cân đi nhắc lại cuối cùng anh khai sinh cho cháu với tên “Thu”. Chị là “Thảo”, em là “Thu” - “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, vừa hợp với con gái vừa hợp với tâm trạng hoài cổ của anh.