watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cọng Rêu Dưới Đáy Ao-Chương XI - tác giả Võ Văn Trực Võ Văn Trực

Võ Văn Trực

Chương XI

Tác giả: Võ Văn Trực

Đang kỳ nghỉ hè, mấy đứa trẻ thường sang chơi xem anh Hiền trồng cây, tô sửa hòn non bộ và xem anh vẽ tranh. Dạo này anh có thêm một thú vui là vẽ những bức tranh về cảnh làng xóm. Nội dung tranh do anh nhớ lại những cảnh sầm uất đã bị chính bàn tay anh cùng bạn bè thanh niên tàn phá ngay sau ngày cướp chính quyền: cây đa xóm Bấc toả tán xanh um tùm lên mấy sào đất, cây đa xóm Trung có tuổi thọ năm trăm năm bủa rễ phụ chằng chịt trên một gò đất cao, đền thờ Bạch Y thần ẩn dưới gốc cây muỗm vươn ngọn lên trời xanh, nhà Thánh của Hội Tư văn với pho tượng Khổng Tử uy nghi trong hương khói… Anh vừa vẽ vừa giảng giải cho bọn trẻ biết lai lịch của từng cây cổ thụ, từng ngôi đền ngôi miếu. Thỉnh thoảng vui miệng anh lại nói một câu tiếng Pháp. Chúng nó đua nhau hỏi: “Bác Hiền vừa nói gì mà nghe hay thế?” Anh giảng cho các cháu nghe. Chúng lại bắt anh nói câu khác…
Từ một sự tình cờ như thế,anh nẩy ra ý định mở lớp học ngay tai nhà mình.Học trò là lũ trẻ lên chín lên mười. Đang kỳ nghỉ hè thì dạy mỗi ngày vài tiếng vào buổi sáng. Khi vào niên học thì chuyển giờ dạy vào ban chiều sau lúc trống trường tan học.
Trước đây trong làng đã có những lớp học chữ Nho do các thầy đồ dạy. Thầy Cu Xí dạy rất nghiêm khắc, lúc nào cũng cầm roi mây trong tay, hễ đứa nào nghịch thầy bắt nằm xuống đất, quất cho mấy roi. Thầy Tú Ba có phong thái rất nho nhã, không bao giờ thầy to tiếng quát mắng, học trò ngồi im phăng phắc. Ngay bên cạnh nhà tôi, bác Bộ Nga cũng thường xuyên mở lớp, ngoài giờ học lũ học trò đùa nghịch làm cả xóm vui lây… Anh Hiền muốn làm một “thầy đồ tân thơì”: cái nghề này thanh bạch nhất, dạy chữ và dạy đạo nghĩa cho trẻ em, chẳng phải mệt óc đua chen với ai.
Anh chí thú chuẩn bị chu đáo cho việc mở lớp. Đem bộ phản anh thường nằm hàng ngày kê thành hai dãy bàn. Anh tìm gỗ và tự tay đóng hai cái ghế dài. Bàn ghế xếp ngay ngắn. Phía trước có tấm bảng đen và viết nắn nót một câu “Tiên học lễ hậu học văn”. Hộp phấn để dưới chân bảng. Trên bàn thầy giáo có một lọ mực tím và một lọ mực đỏ… Sắp đặt xong xuôi, anh đứng ngắm nghía, rồi chỉnh đốn lại: xích cái bảng sang bên phải một chút, kéo hai tấm phản xa nhau để đứa ngồi sau không cốp-pi đựơc bài của đứa ngồi trước. Anh còn tưởng tượng vẽ hình ông Khổng Tử treo trên câu “Tiên học lễ hậu học văn”. Trên ảnh Khổng Tử, anh treo ảnh Bác Hồ.
Một số gia đình biết anh mở lớp dạy học, hào hứng mua sắm bút vở cho con. “Bác Hiền trước kia có một chút Tây học, lại có một ít Nho học do thầy Bộ Nga truyền thụ, am hiểu cả quốc ngữ, con theo bác học hành là phải”, các bậc cha mẹ bảo với con như vậy.
Ngày khai giảng có bốn đứa đến lớp. Dần dần số lưọng học sinh tăng lên năm rồi lên sáu. Các môn học gồm có: toán, văn, tiếng Pháp. Giữa hai tiết học có giờ ra chơi. Đang chơi anh nói “ăng-tờ-rê” là học trò chạy vào bàn ngồi. Anh dùng thước gõ ba tiếng trên bàn, học trò ngồi nghiêm chỉnh để nghe thầy giảng bài. Chúng thú vị nhất là giờ học tiếng Pháp. Tiếng Pháp nghe nó là lạ ngồ ngộ, biết ti toe dăm ba tiếng có thể ra đường trêu chọc nhau thậm trí nói tục bằng tiếng Pháp mà không ai biết. Đang giờ học toán hoặc học văn, học trò nói thầy dạy tiếng Pháp, thầy giáo nghiêm khắc: “Không đựơc! Giờ nào môn ấy!”
Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ở trường Nguyễn Xuân Ôn và các trường tư thục, các thầy có dạy tiếng Pháp. Sau đó vài năm, chỉ thị của cấp trên ban xuống: cấm dạy tiếng Pháp trong các trường quốc lập và tư thục. Thế là bẵng đi hằng chục năm, môn Pháp văn bị loại bỏ ra khỏi chương trình phổ thông. Các thầy giáo theo Tây học ngày trước cũng không nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp như ngày trước nữa… Cho đến lúc đó, tại trường học chính quy vẫn chưa dạy lại môn Pháp văn. Thế mà anh Hiền lại dạy cho mấy đứa nhỏ trong cái xóm hẻo lánh này học tiếng Pháp. Nghe lạ tai, bà con láng giềng lúc rỗi rãi thường đứng ngoài sân nghe thầy Hiền và lũ nhóc xì xồ tiếng Tàu tiếng Tây…
*
Lớp học đang đi vào nề nếp, hơn một tháng sau, bác Nong đến chơi, ngập ngừng mãi bác mới nói thật với anh Hiền:
“Cháu Tường nó học với chú thích lắm. Tối nào nó cũng chăm chú làm bài, hết toán lại văn, hết văn lại tiếng Pháp… Giá cháu nó học với chú lâu dài thì nó chóng giỏi. Nhưng chú thông cảm cho, nhà tôi nghèo quá không có gạo để theo…”
“Không! Tôi đã nói chuyện các cháu nộp gạo nộp tiền gì đâu. Mà tôi cũng không có ý định bắt các cháu nộp. Hay là cháu nói dối cha mẹ để lấy tiền mua quà”.
“Cháu nó không nói dối. Tôi biết chú thương các cháu mà mở lớp học, chứ chú cũng không đòi hỏi gì tiền gạo cho thầy. Nhưng về phía cha mẹ thì cũng phải nghĩ đến thầy chứ, chẳng lẽ công thầy dạy giỗ mà không có lễ cho thầy, tôi không nỡ”.
“Bác đừng lo! Cứ cho cháu sang đây học cho vui. Bác đừng nghĩ đến quà cáp, lễ lạt, mất tình anh em. Thấy các cháu chăm học là tôi mừng…”
Hôm sau không thấy cháu Tường sang học nữa. Rồi hôm sau, lại thêm một cháu bỏ học. Lớp học từ sáu cháu, còn lại bốn, rồi còn lại ba… Anh Hiền vẫn dạy. Nhưng không khí lớp học trở lên đuểnh đoảng. Bá lên chơi, thông báo cho anh Hiền biết: “Ông Nong là công an xã. Ông ấy thấy chú dạy tiếng Tây nên không cho thằng Tường đi học nữa”. “À, ra thế…”, anh Hiền thở dài.
Không có một cuộc họp chính thức nào của các ông lãnh đạo xã và thôn cấm chỉ anh Hiền dạy tiếng Pháp hoặc cấm mở lớp dạy học. Nhưng người ta xì xào bàn tán rất nhiều về lớp học của anh. Sao thằng Pháp cai trị ta tám mươi năm, bây giờ lại dạy tiếng của nó? Sao ông Hiền đi đánh Pháp chín năm, bây giờ thắng nó rồi, lại đem tiếng của nó ra mà dạy? Ông Hiền dạy tiếng Pháp làm gì nhỉ, đào tạo bồi cho tây à? Đào tạo thông ngôn cho Tây à?…
Người ta còn suy diễn ra lắm thứ lôi thôi. Sao ông Hiền lại treo trong lớp học một câu cổ hủ “Tiên học lễ hậu học văn”? Không những thế, ông ta còn treo ảnh ông Khổng Tử dưới ảnh Bác Hồ, phải treo ảnh các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp… Treo ảnh cái thằng cha Khổng tử phong kiến cổ hủ ấy để bọn trẻ con học theo cái đạo phong kiến của hắn à?…
Thật ra khi anh Hiền treo ảnh Khổng Tử không phải vì tôn sùng ông ta, anh có biết gì mấy về triết học đạo Khổng đâu. Khi viết mấy câu “Tiên học lễ hậu học văn” lên bảng, anh chưa hiểu đầy đủ nội dung giáo dục của nó. Chẳng qua anh muốn lớp học phải thật nghiêm túc như lớp học của các thầy đồ nho ngày xưa. Bản thân anh cũng muốn tự tạo cho mình phong độ một thầy đồ - dù là “thầy đồ tân thời”. Khốn nỗi, điều suy nghĩ của anh không hợp thời nữa, nên đã gây ra hiểu lầm đối với một số đảng viên,nhất là những đảng viên giữ vai trò lãnh đạo trong xã.
Cả sáu học trò lần lượt bỏ học. Gian nhà trở lại hai tấm phản với hai chiếc ghế dài, ảnh ông Khổng Tử với câu “Tiên học lễ hậu học văn”, và một… thầy đồ tân thời mặt buồn rười rượi.
Anh lục cục dọn dẹp lại nhà cửa. Hạ ảnh ông Khổng Tử, vò nát, vứt ra sân. Đem tấm bảng đen chắn chuồng lợn. Ghép lại hai tấm phản liền nhau, anh nằm tùm hum, tay chống cằm, tẩn mẩn xem những bức ảnh chụp với đồng đội hồi còn tại ngũ…
Cọng Rêu Dưới Đáy Ao
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII