Chương 12
Tác giả: Vu gia
Cuộc chiến châu Âu bùng nổ. Nước Pháp và nước Đức đánh nhau chí tử. Đâu đâu cũng nghe nói đến Tổ quốc, chiến tranh, hòa bình… Những người Việt Nam ở Pháp có phần vui mừng về những dòng tin ấy. Theo họ, có chiến tranh, nhân dân Pháp mới chán ghét chiến tranh và những xứ thuộc địa sẽ dễ thở hơn và có cơ hội giành độc lập. Phan Châu Trinh cho rằng, đó là những mơ tưởng hão huyền. Những người Tây đến Annam đâu chỉ có da trắng mà còn cả da màu ở những xứ thuộc địa, do vậy không khéo người Việt Nam da vàng mũi tẹt cũng sẽ bị đẩy qua đây bảo vệ mẫu quốc. Ngay cả những người Việt Nam đẳng tuổi như ông cũng bị động viên đi đánh thuê bảo vệ mẫu quốc.
Một hôm, anh em ở hội nhân quyền báo cho ông biết, ông có thể bị bắt bất cứ lúc nào, bởi vì ông đã từ chối đăng lính. Thật lòng anh em chưa biết đưa ông đi đâu và bảo vệ ông như thế nào. Phan Châu Trinh cười, cám ơn lòng tốt của anh em.
- Ba năm ở đây, tuy tôi có làm được một số việc có ích, nhưng anh em của tôi ở quê nhà vẫn còn ngồi tù chưa biết sống chết ra sao, nên tôi cũng đã coi mình như kẻ chết rồi. Tôi bảo vệ Tổ quốc tôi không xong, bảo vệ bản thân không được thì đi bảo vệ cho ai. Tù ở Côn Lôn hay tù ở Paris đối với tôi cũng thế.
Julles Roux nói:
- Ông đừng bi quan quá, ông Trinh à. Con đường đầy hoa không bao giờ đưa đến vinh quang. Chúng tôi tin ông, thì cũng mong ông đừng làm chúng tôi mất niềm tin ấy.
Phan Châu Trinh cười cười, đưa hai ngón tay lên vê vê mấy sợi râu ngạnh trê.
- Tôi không bi quan, nhưng tôi chấp nhận sự thật. Khi tôi từ quan, vận động tân học, đề xướng dân quyền là tôi đã chấp nhận tất cả, kể cả cái chết.
Nghe Phan Châu Trinh nói vậy, mọi người cụng ly, uống hết hớp rượu vang cuối cùng. Và quả nhiên sau đó ông bị bắt giam vào ngục Santé (tháng 9-1914) cùng một lần với Phan Văn Trường vì bị nghi làm gián điệp cho Đức.
Tra hỏi nhiều lần, nhưng không có chứng cớ nào chứng minh lời buộc tội vu vơ ấy, song không ai nói gì đến sự trả tự do của ông. Ngày ngày, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường gặp nhau… bằng mắt khi được đưa ra hóng mát độ nửa tiếng đồng hồ. Tuy là ở tù, nhưng Phan Châu Trinh cũng được đến thăm con vài lần mỗi tuần. Chính vì lý do này mà anh em ở hội nhân quyền thông qua con trai ông nói cho ông biết sẽ sớm được tự do. Cái buồn là vì ông bị vướng vào vòng lao lý mà con trai ông bị cắt học bổng.
Nhìn con ốm hơn trước, ông đau lòng lắm nhưng vẫn cười vui, động viên con:
- Hãy cố gắng con ạ. Anh Nguyễn Tất Thành đâu có thuận lợi hơn con, ấy mà vẫn tìm mọi cách để sống cùng những ước mơ cháy bỏng. Cái gương trước mặt đó chứ đâu xa. Con trai hãy ráng lên. Chính những lúc khó khăn như thế này, con người mới trưởng thành.
Phan Châu Dật cầm chặt tay cha.
- Cha yên tâm. Tuy con có kiếm việc làm thêm để trang trải việc học, nhưng sức học của con không thua ai. Con tin mình sẽ đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tú tài sắp tới.
Phan Châu Trinh chịu hết xiết. Lúc này, ông như con cọp bị nhốt trong chuồng sắt. Ông muốn làm một cái gì đó rồi ra sao thì ra. Nhiều bạn tù cùng phòng thấy cặp mắt của ông, họ cũng ngại gần gũi. Thế nhưng khi bước chân ra khỏi cổng nhà tù thì lòng ông dịu lại.
Con trai của ông đang đứng phía xa, đưa tay vẫy vẫy ra chiều mừng rỡ. Ông xăm xăm bước tới, biết chắc là sẽ đón được tin vui, bởi vì không có tin gì vui thì thằng con của ông không đến đây và không có thái độ mừng rỡ như vậy.
- Cha ơi, con đậu tú tài rồi.
Phan Châu Trinh ôm chặt con vào lòng với hai hàng nước mắt mừng vui khôn tả.
- Con vừa đánh dây thép về nhà báo cho mẹ và gia đình mừng.
Phan Châu Trinh thả con ra và cùng con tản bộ như những kẻ nhàn hạ, mặc cho cuộc sống tuôn trào.
- Con phải tiết kiệm. Ở đất khách quê người, mình là kẻ ăn chực nằm nhờ. Con ráng dành dụm lo cho sức khỏe của mình, đừng lo cho cha lắm.
Phan Châu Trinh định nói những uất ức của mình, nhưng nghĩ con còn nhỏ, càng nói nó càng lo thêm nên thôi. Hai cha con tấp vào quán cóc ven đường kể về chuyện quê nhà, chuyện mai sau với những giấc mơ tươi đẹp.
Thấy con ho, Phan Châu Trinh cầm tay chẩn mạch với những vết hằn suy nghĩ.
- Thời gian qua, con vừa lao tâm lại vừa lao lực, nếu kéo dài tình trạng này không hay lắm đâu. Học suốt đời chứ không chỉ đôi ba bữa, vì thế con tạm nghỉ học một thời gian, chờ cha ra khỏi tù hãy tình tiếp.
Đã hết giờ, Phan Châu Trinh dặn con về sớm nghỉ ngơi đừng tiễn đưa chi và dặn:
- Con nhớ giữ ấm và gắng tập thể dục.
Nhìn dáng con đi, Phan Châu Trinh vui lắm mà cũng lo lắm.
Khi khuất bóng con, Phan Châu Trinh mới quay về phòng giam, và sự bực tức lại nổi lên.
Phan Châu Trinh lấy giấy bút viết liền một mạch một lá thư gửi cho viên chánh án tòa án binh Paris. Sự bực tức của ông đã chảy trên trang giấy:
"Quan án là một tên gian dối, thay mặt cho quân thù nghịch tôi, lấy ý riêng mà bắt tôi, giam tôi thì từ nay tôi cứ đem lời lẽ ra mà chống cự lại với việc gian dối không công bình của quan lớn" (1).
Gần một tuần sau, ông viết tiếp lá thư khác:
"Thằng Phan Châu Trinh thà chết thì nó xách cái đầu của nó, nó quăng xuống đất như chơi, nó chẳng chịu làm thân trâu ngựa cho người ta cưỡi trên đầu, trên cổ nó đâu ! Tôi thề chết tại giữa buồng giấy quan lớn. Tôi thề lấy máu tôi mà bôi đầy đầu, đầy mặt, đầy cổ, đầy mình quan lớn, tôi bôi cho đỏ cả buồng giấy gian dối, tối tăm, hôi thúi của quan lớn. Tôi chẳng chịu chết mòn, chết rục, chết vắng, chết thầm ở cái buồng giam 2-16 đâu"(2).
Viết xong, Phan Châu Trinh không cần đọc lại, đem nộp lên buồng giấy nhà giam rồi báo đúng kỳ đi thăm con.
Về đến khu xóm lao động ẩm thấp, thấy căn phòng của con khóa kỹ, ông nghĩ con đi làm chưa về, bèn ra quán cà phê đầu đường ngồi chờ.
Khi định viết gửi lại cho con mấy chữ, thì ông đã thấy dáng xiêu vẹo của con từ xa. Biết có chuyện chẳng lành, ông vội đứng lên chạy ào ra đón con.
Phan Châu Dật nhào vào người ông như cái cây trốc rễ.
Phan Châu Trinh ôm chặt con vào đôi tay, vỗ về:
- Hãy bình tĩnh, con trai. Chuyện gì rồi cũng giải quyết được, không sao đâu.
Phan Châu Trinh dìu con vào quán gọi cho con ly cà phê nóng những mong con lấy lại bình tĩnh vốn có.
Nhìn cha một thoáng, Phan Châu Dật thò tay vào túi lấy ra lá thư và ngã lên đùi cha.
Đọc lướt qua lá thư, Phan Châu Trinh cũng gục xuống người con. Mãi lúc lâu, ông mới ngồi thẳng dậy và đỡ con ngồi thẳng thớm như mình.
Hai cha con nhìn nhau rơm rớm nước mắt, chẳng ai nói với ai lời nào.
Phan Châu Trinh gói mấy thỏi đường rồi đặt tiền lên bàn, dìu con ra về.
Vào căn phòng ẩm thấp, ông bật đèn lên, khuấy một ly nước đường ép con uống cho kỳ hết rồi đặt con lên giường, khuyên:
- Sinh ký tử qui. Làm người có ai lại không chết. Mẹ con đã hết nợ trần thì trở về với tổ tiên thôi. Con đừng lo nghĩ quá, hãy ngủ một giấc, sáng mai đâu lại vào đó. Ở đây chỉ có hai cha con, nếu con vật vả kiểu này thì cha không yên tâm. Đến giờ cha phải đi đây.
Phan Châu Trinh đắp chăn cho con rồi bước ra, khép cửa lại và cầu mong sau giấc ngủ, con ông sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Khuyên con là vậy, nhưng hôm ấy, Phan Châu Trinh cũng bỏ bữa ăn tối và nằm co ro một góc như con thú bị thương. Ông nhớ về người vợ chịu thương chịu khó, một nắng hai sương; nhớ về hai đứa con gái như đang mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhớ về gia đình, bản quán, bạn bè, rồi lo lắng cho sức khoẻ thằng con… Tất cả cứ rối bời trong ông.
Qua ánh đèn vàng ệch bên ngoài chiếu vào, Phan Châu Trinh thấy tất cả bạn tù ngủ say như chết. Lâu lâu, có người nói mớ chuyện gì đó. Ông nghĩ và thương vợ hơn lúc nào hết. Khi nhắm mắt lìa đời không có chồng bên cạnh. Có mỗi thằng con trai cũng không thấy được nó mặt ngắn mặt dài trước khi về với tổ tiên. Chắc lúc lâm chung, vợ ông buồn lắm. Đường sá xa xôi dịu vợi và khi ông bị bắt, căn nhà cũng trả lại người ta, chủ mới nào có biết ông là ai và ông đã đi đâu nên cả năm trời hung tin mới đến tay cha con ông. Thật tội nghiệp !
Khi lòng dịu lại, Phan Châu Trinh lấy giấy ra viết tiếp lá thư khác gửi cho viên chánh án tòa án binh Paris:
"Quan lớn,
Cái thơ tôi viết hỏi quan lớn ngày 27-4 và ngày 2-5, đến bữa nay đã lâu rồi, nếu có dịch thì đã dịch rồi, quan lớn đã xem rồi sao chẳng thấy quan lớn trả lời, mà lại còn cố ý giam tôi đây, thì tôi lấy làm lạ quá, hay là người ta cho quan lớn tiền bạc gì nhiều lắm, thuê quan lớn cố ý làm hại tôi, nên đã bảo quan lớn bắt tôi thì quan lớn bắt, bảo quan lớn giam tôi thì quan lớn giam, bảo đánh khảo lôi kéo tôi, nạt nộ, giậm dọa tôi, quan lớn cứ làm theo nấy, bữa nay tôi nắm lưỡi, vặn họng quan lớn tôi hỏi lại, quan lớn cứng họng câm mồm không thể trả lời được phải không ? Vậy mà quan lớn chẳng lo bổn phận, quan lớn còn giam tôi nữa sao ?
Tôi viết thư hỏi lắm cũng mỏi, tôi chỉ hỏi quan lớn một lần này thôi, tôi buộc quan lớn không trả lời cũng không được với tôi… Nếu quan lớn còn giam tôi thì quan lớn là người thù nghịch thứ nhất của tôi, thì tôi phải trở cái mũi gươm chống với kẻ thù nghịch mà chống cự lại với quan lớn"(3).
Bên ngoài, anh em ở hội nhân quyền cũng đấu tranh không mệt mỏi đòi thả tự do cho ông. Và chẳng biết có phải vì vậy và sự quyết liệt của ông hay không mà chỉ hơn một tháng sau kể từ lá thư cuối cùng ấy, ông được thả tự do.
Ngày ra tù, con trai ông và một vài người bạn đã chờ sẵn trước cổng.
Thấy con không chỉ xanh xao mà còn ho khục khặc, ông lo lắm song chỉ biết cầm chặt tay con không muốn phá vỡ niềm vui của bạn bè.
Nghỉ ngơi được một tuần, Phan Châu Trinh liên hệ tìm lại những mối làm ăn cũ cùng sự giúp đỡ chí tình của bạn bè, ông có thể kiếm tiền nuôi sống hai cha con và thuốc thang cho con. Nhưng Phan Châu Trinh không quên nhiệm vụ chính của mình. Ông tập hợp những người Việt Nam cùng chí hướng và cùng một số người Pháp tiến bộ có chân trong hội nhân quyền đấu tranh đòi ân xá toàn thể tù chính trị Việt Nam ở bên nhà cũng như đang bị giam tại Pháp qua cuộc Âu chiến; đấu tranh tự do lập hội, lập trường kể cả các trường kỹ thuật cho dân bản xứ; đòi tự do báo chí, cải cách nền pháp lý hiện nay ở Annam, v.v… Và bước chân của ông hầu như trải khắp Paris, Marseille, Bordeaux…
Những tháng ngày này, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành từ nước Anh xa xôi cũng thường xuyên thư từ qua lại với ông. Phan Châu Trinh rất thương và qúi mến chàng trai này. Qua thư từ, ông thấy loáng thoáng Nguyễn Tất Thành đang nghiên cứu và có thích thú với cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư (Karl Marx), ông Lý Ninh (Lénine).
Hai vị này ông cũng đã nghe anh em nói, nhưng nay vì đứa con của người bạn nên ông cần phải tìm hiểu kỹ hơn. Ông nhờ anh em tìm tài liệu đọc và giảng lại cho ông nghe. Chỗ nào chưa thấu đáo thì ông mượn về nhờ thằng con ông đọc giúp rồi ông tự tìm hiểu.
Cách mạng tháng Mười Nga làm chấn động thế giới. Phan Châu Trinh cũng đã nhìn ra cuộc cách mạng này đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng dậy đấu tranh. Nhưng với dân tộc Annam của ông không dễ, bởi giai cấp công nhân chưa có gì đáng kể, còn giai cấp nông dân thì còn tăm tối quá. Do đó trước mắt, công việc nâng cao dân trí, đề xướng dân quyền vẫn là công việc trọng yếu.
Cuối năm đó, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp có đến chào ông. Hai bác cháu trao đổi rất nhiều về con đường cứu dân cứu nước. Nguyễn Tất Thành nói:
- Đi mòn không biết bao nhiêu đôi giày, cháu có nhận xét chung là dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản.
Phan Châu Trinh đồng tình, nói:
- Tôi cũng thấy như vậy và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga là minh chứng hùng hồn nhất. Song đối với dân tộc Annam của chúng ta thì chưa hội đủ điều kiện.
- Cháu tin đây là con đường đúng đắn nhất để cứu dân cứu nước, bác ạ.
- Làm người sợ nhất là không có niềm tin. Tôi ủng hộ anh và sẽ cố gắng tạo cho lớp người tuổi trẻ các anh một cái nền vững chắc nhất.
Những ngày sau đó, ngoài giờ lo kiếm miếng cơm manh áo và thuốc thang cho con, Phan Châu Trinh đưa Nguyễn Tất Thành đi gặp những bạn bè cần gặp. Phan Châu Trinh rất vui khi thấy Nguyễn Tất Thành tuy cuộc sống cũng khá chật vật nhưng lúc nào cũng lạc quan, hăng say học tập và hoạt động, không lúc nào xa rời đích ngắm của mình. Đến đâu, nói chuyện với ai, anh ta cũng tìm cách hướng sự chú ý của người nghe vào vấn đề Đông Dương.
Chú thích:
(1)+(2) Dẫn theo Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm, sđd, trg 64.
(3) Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm, sđd, trg 65.