Chương 15
Tác giả: Vu gia
Nhìn vua Khải Định ăn mặc nhố nhăng, làm trò hề cho thiên hạ, Phan Châu Trinh lấy làm xấu hổ. Vua đã vậy thì đòi gì hơn ở đám bầy tôi. Người khôn khôn thuở nên ba; kẻ dại, già đời vẫn dại. Biết nói lúc này chẳng ích lợi gì, nhưng cũng không thể không nói. Dù sao ông vẫn là người Việt Nam; Khải Định là vua của nước Việt Nam; xấu lá xấu nem… Nhưng viết thì viết cái gì ? Phan Châu Trinh gạch từng điểm trên giấy, cân nhắc nặng nhẹ rồi chốt lại bảy tội:
- Một: Tội tôn quân quyền, "dám xem mình như thần thánh nghênh ngang trên đầu dân".
- Hai: Tội thưởng phạt không công bằng, "chẳng cần phép nước".
- Ba: Tội chuộng sự qùy lạy, "xem dân như trâu ngựa, để người ngoại quốc mỉa mai khinh rẻ nòi giống Việt Nam".
- Bốn: Tội tham lam vơ vét, “ăn cắp tiền kho, tiền kín của nhà nước mà xa xỉ bậy bạ".
- Năm: Tội “ăn mặc lố lăng, làm nhục quốc thể".
- Sáu: Tội "làm vua mà ngày ngày chơi rong".
- Bảy: Tội “đi Pháp ám muội”.
Từ đó, Phan Châu Trinh kể ra cụ thể từng tội một. Riêng tội thứ tư, khi Khải Định lên ngôi (18-5-1916) thì ông đã bị "đày khéo" qua Pháp rồi, nhưng anh em bên nhà đã cho ông biết, năm 1917, trên thửa đất rộng hơn 23.000 mét vuông kề bên dòng sông An Cựu, vị tân vương cho xây biệt cung An Định rất tốn kém và hoàn tất vào mùa đông 1918. Nhưng trong bài "Ngự chế An Định cung dẫn", ông ta vẫn xoen xoét cho rằng, nào là "Tất cả vàng bạc châu báu cùng toàn bộ vật dụng trong lầu, trẫm đều xuất tiền lương mà mua sắm, các sở khác cũng vậy", nào là "trẫm đâu dám xài phí sức dân và công qũy quốc gia"… Phan Châu Trinh hạ bút:
"Sau khi bệ hạ làm vua rồi, thì đã đem lòng chán chê những cung điện cũ của ông bà đời trước để lại, liền làm ngay một sở cung điện nguy nga ở làng An Cựu, mua những đồ sứ của Tàu, mỗi lần vài ngàn bạc, đem về đập bể ra, lựa những miếng nào bông to hoa đẹp, để gắn những hình long, lân, quy, phụng, cho thỏa lòng xa xỉ của bệ hạ. Giả sử bệ hạ lấy tiền làm cung điện đó mà lập một trường đại học tại Huế, lấy tiền mua đồ sứ đập bể ra mà mua đồ dùng cho nhà trường… thời hai cách dùng tiền lợi hại khác nhau biết là bao nhiêu !"(1).
Viết xong, Phan Châu Trinh gửi qua đường bưu điện và đề rõ: Việt Nam quốc dân Phan Châu Trinh. Gửi thư đi rồi Phan Châu Trinh vẫn chưa bằng lòng, ông cho dịch ra tiếng Pháp gửi đăng báo và in ra nhiều bản nhờ bạn bè phân phát khắp nơi. Phan Châu Trinh cũng gửi bài viết nầy đến tờ L’Humanité – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Pháp kèm theo lá thư gửi ngài giám đốc, cho rằng việc chính phủ Pháp đưa Khải Định và đoàn tùy tùng qua dự hội chợ thuộc địa ở Marseille và "sơn phết" một ông vua của một nước như thế thì đó là cách hạ nhục dân tộc Việt Nam và hai dân tộc khó mà gần nhau được. Phan Châu Trinh đề nghị ngài giám đốc tờ L’Humanité “để riêng ý tưởng đảng phái một bên, và chỉ coi đây như là một việc làm có ích và tốt đẹp mà ông đã góp cho một thuộc địa xa xôi"(2).
Phần lớn công đồng người Việt Nam đang theo học hoặc làm ăn sinh sống tại Pháp, kể cả những người bạn Pháp rất thích thú khi đọc bài viết của ông. Từ tư liệu này Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch "Con rồng tre” đọc cũng thú. Đại ý vở kịch này là có những cây tre thân hình quằn quại. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một thứ đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con rồng. Tuy vậy nó chỉ là một quái vật vô dụng. Đúng là sự thâm thúy của kẽ sĩ xứ Nghệ !
Thời gian qua, Phan Châu Trinh cung cấp tư liệu cho Nguyễn An Ninh làm luận án tiến sĩ luật: "Tính dân chủ của chế độ quân chủ Annam" thay vì như dự định ban đầu là "Tính dân chủ ở các làng xã Việt Nam". Và từ đống tư liệu này, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Ái Quốc có những bài báo khá sắc, mang đầy hơi thở đấu tranh. Đọc những bài báo ấy, Phan Châu Trinh càng thấy rõ mình đã bị lớp trẻ vượt qua. Với Phan Châu Trinh, đó là điều đáng mừng, bởi đã vào đẳng tuổi như ông rồi mà chưa thấy có ai hơn mình thì dân tộc ấy ắt không sớm thì chầy cũng đi đến chỗ diệt vong. Tre già măng mọc là vậy.
Khi trao đổi với Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh đã nói ý đó và khuyên Phan Văn Trường nên viết cái gì liên quan đến dân tộc, liên quan mật thiết đến chén cơm, manh áo của quốc dân đang mong ngóng ở quê nhà, hơn là viết những điều cao xa ở đâu đâu.
Qua nhiều địa chỉ, Phan Châu Trinh nhận được nhiều tin tức từ quê nhà. Bạn bè ông, có người còn bị quản thúc tại nhà, có người ra làm báo, viết báo thức tỉnh đồng bào, đấu tranh cho dân chủ, dân sinh, khai trí, phản phong… Rứa cũng mừng. Gặp thời thế, thế thời phải thế, còn hơn ông ở đây. Phan Châu Trinh muốn về quê nhà lắm, nhưng bộ thuộc địa không cho. Có người khuyên ông nên xin bộ Pháp quốc hải ngoại cho về Tàu viết báo chữ Hán kiếm sống chắc sẽ dễ được chấp thuận hơn. Và từ Tàu ông có muốn về Annam cũng có phần dễ hơn. Ý kiến ấy khá hay, song chắc gì, bởi người Pháp cai trị đã quyết tâm giữ Phan Châu Trinh lại, thì đâu có dại "tháo lồng" dù chỉ tháo hé hé.
Chú thích:
(1) Dẫn theo tạp chí Thế giới mới, Bộ Giáo dục – Đào tạo, số 475, ngày 25-2-2002, trg 30-32.
(2) Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm, sđd, trg 181.