Chương 13
Tác giả: Vu gia
Thời tiết ấm dần lên thì sức khoẻ thằng con của ông cũng có khá hơn. Phan Châu Trinh để ý thấy con ít ho và không mệt mỏi như thời gian qua. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, Phan Châu Trinh chăm lo thuốc thang cho con cũng đỡ hơn. Còn nước còn tát, chứ bệnh của con trai ông là một trong tứ chứng nan y. Khi tiếp thu nền văn hóa phương Tây, ông biết nền y học của phương Tây có nhiều tiến bộ và khoa học hơn những gì ông đã học đã biết, nhưng với căn bệnh này họ cũng còn loay hoay tìm kiếm cách chữa trị. Nhưng thuốc chỉ chữa được bệnh chứ nào chữa được mệnh. Vả lại, ông cũng không muốn đưa con về quê, dù sao ở đây cũng còn có cha có con. Cũng may, thằng con ông cũng tự chăm sóc được, nên ông chỉ mỗi việc lo mưu sinh và thực hiện ý nguyện của mình.
Phan Châu Dật cũng hiểu tâm nguyện của cha nên không muốn để lộ ra điều gì cho cha phải lo lắng. Qua sách vở, Phan Châu Dật cũng hiểu được bệnh tật của mình, nên dù có cha ở nhà hay cha đi vắng đâu đó vài ba hôm anh cũng không quên tập thể dục và uống thuốc đều đặn.
Buổi sáng, hai cha con vừa đi bộ về thì đã thấy có người thanh niên mặt mũi khôi ngô đang chờ trước cửa. Phan Châu Dật bước lên trước bắt tay, hỏi bằng tiếng Pháp:
- Anh muốn tìm ai ở đây ?
Người thanh niên lạ vui vẻ đáp lại:
- Tôi muốn gặp một người Annam lớn tuổi, có tên là Phan Châu Trinh.
Tuy mới gặp lần đầu và qua vài câu trao đổi, Phan Châu Dật cảm thấy người bạn này đáng tin. Phan Châu Dâït vui vẻ nói:
- Tôi là Phan Châu Dật, con trai của cụ Phan Châu Trinh đây. Bạn là…
Nét mừng rỡ hiện lên mặt chàng trai trẻ.
- Tôi là Nguyễn An Ninh từ Annam mới sang. Thân phụ tôi có lá thư cho cụ nhà.
Phan Châu Trinh nãy giờ đứng nghe hai đứa trẻ nói chuyện, thấy họ vui vẻ với nhau, ông cũng mừng cho con ông có thêm người bạn.
Phan Châu Dật qua sang cha, giới thiệu và nói:
- Đây là cha tôi, Phan Châu Trinh. Thưa cha, đây là Nguyễn An Ninh mới từ quê nhà sang và có lá thư cho cha.
Nghe vậy, Phan Châu Trinh cũng rạng rỡ hẳn lên. Tất cả cùng vào nhà.
Phan Châu Dật mời Nguyễn An Ninh ở lại cùng ăn sáng và quày quả vào bếp.
Phan Châu Trinh đọc xong lá thư thì mừng lắm. Đây là con trai người bạn Nam Bộ của ông. Nguyễn An Khương, cha chàng trai trẻ Nguyễn An Ninh này lớn hơn ông khoảng chục tuổi, nhưng rất qúy trọng ông và giúp đỡ ông trong những ngày ở Sài Gòn. Nguyễn An Khương là một thầy giáo tận tâm, yêu văn chương. Nếu ông nhớ không lầm thì Nguyễn An Khương là người đầu tiên ở Nam kỳ dịch và in bộ "Tam quốc diễn nghĩa". Ngoài ra, Nguyễn An Khương còn viết và in cuốn "Mông thê học giai", kể về những gương hiếu nghĩa của con cháu đối với cha mẹ ông bà mà cuộc đời làm thầy dạy chữ của ông ta đã chứng kiến. Nguyễn An Khương thông báo sơ vài nét về những người thân trong gia đình mà Phan Châu Trinh đã biết. Tất cả đều vui vẻ, vẫn… giống như ngày Phan Châu Trinh còn ở Sài Gòn. Theo chữ nghĩa trong lá thư, thì chàng trai trẻ Nguyễn An Ninh này không chỉ là con trai một của gia đình mà còn là "hạt giống" duy nhất của dòng họ. Anh ta đang học năm thứ hai luật khoa ở Hà Nội, bỏ về đòi sang Pháp. Gia đình đồng ý và tổ chức cho đi chui. Với tình bạn đã có, gia đình hoàn toàn tin tưởng giao Nguyễn An Ninh cho ông, nhờ ông dạy dỗ nên người.
Phan Châu Trinh rất vui, xem Nguyễn An Ninh như con, nói:
- Tôi với gia đình anh là chỗ quen biết. Thân sinh của anh tin tôi thì tôi không từ chối. Nếu anh cũng tin tôi, thì chúng ta coi như người nhà.
Tên tuổi cũng như tấm lòng với quốc dân của Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh đã nghe và kính trọng từ lâu. Nay chính tai nghe Phan Châu Trinh nói vậy, Nguyễn An Ninh mừng lắm.
- Thưa cụ, cụ đã coi cháu như người trong nhà là phúc đức của cháu.
Vừa lúc đó thì Phan Châu Dật mang ra cho ba người ba đĩa bánh mì ốp-la cùng ba ly cà phê bốc khói thơm lừng.
Khi nghe Phan Châu Trinh kể đầu đuôi câu chuyện thì Phan Châu Dật sung sướng lắm, nói:
- Vậy từ nay Dật này đã thêm thằng em trai, vì "moi" hơn "toi" những ba tuổi.
Nguyễn An Ninh cũng vui mừng không kém và cho biết sẽ thường xuyên qua chơi vì nhà ở đây không xa lắm.
Ăn uống xong, Phan Châu Trinh đứng lên, nói như ra lệnh:
- Anh dẫn cha con tôi về coi chỗ ở của anh.
Chỗ ở của Nguyễn An Ninh đến chỗ cha con ông quả không xa tí nào, nhưng làm sao một người như Ninh lại có thể tìm ra một chỗ như thế này được ? Đây là xóm lao động, có công chức, nghệ sĩ, nhà báo, nhưng đông nhất là công nhân.
Thấy Phan Châu Trinh tới, những Việt kiều chưa đi làm hoặc nghỉ ca và một số người Pháp chào hỏi rất ư niềm nở. Phan Châu Trinh giới thiệu với mọi người, Nguyễn An Ninh - cư dân mới ở xóm này là con người bạn thân của ông bên quê nhà, nay qua đây học tìm hiểu nền văn minh phương Tây.
Mọi người bắt tay chào hỏi và cho ông biết đã thấy mặt cậu này nhiều ngày rồi nhưng chưa tiện hỏi. Nay biết Ninh là người nhà của Phan Châu Trinh thì cũng là người nhà của bà con ở xóm này.
Thấy nơi ăn chốn ở của Nguyễn An Ninh, Phan Châu Trinh yên tâm.
- Lạ nước lạ cái làm sao anh tìm được một chỗ như vầy ?
Nguyễn An Ninh cho biết khi qua đây là đi chui nên không phải trả tiền tàu, chỉ cho anh em thủy thủ một ít tiền. Họ giấu ông trên boong hàng hóa, mỗi lần cập cảng hoặc có khám xét, họ dẫn ông trốn vào đâu đó, khi yên ắng thì lại dẫn ông ra. Sống với nhau một tháng trên tàu, nên họ hiểu và giới thiệu ông đến đây.
- Trong cái khổ cực ấy, anh tìm được cái may. - Phan Châu Trinh vui vẻ nói. - Đây là nơi ở rẻ nhất Paris, nếu không có người giới thiệu thì không thể tìm được. Thôi, anh nghỉ thêm vài ngày cho lại sức rồi tôi sẽ đưa anh đến gặp một người có thể giúp anh tiếp tục việc học.
Nói thời nói vậy, chứ sáng hôm sau, Phan Châu Trinh đã đến dẫn Nguyễn An Ninh qua nhà luật sư Phan Văn Trường. Tuy xuất thân từ gia đình giàu có, nhưng đứng trước ngôi nhà số 6 Villa des Gobelins, Nguyễn An Ninh thầm hiểu chủ nhân ngôi nhà này không phải tay vừa.
Trong khi chờ đợi người nhà ra mở cổng, Phan Châu Trinh cho biết đây là một trong những người Việt Nam thành đạt ở Pháp. Tên ông là Phan Văn Trường, quê ở Hà Đông (nay là làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội), đỗ tiến sĩ Luật khoa Pháp, hiện là trạng sư có tiếng ở Paris, tham gia giảng dạy tại một số trường Đại học ở Pháp, nhưng không giàu tiền của, có tinh thần yêu nước thương nòi, đáng tin cậy.
Qua sự giới thiệu của Phan Châu Trinh và qua trao đổi, Phan Văn Trường khen Nguyễn An Ninh có kiến thức, nói tiếng Pháp rất chuẩn đủ khả năng vào học những trường đại học nổi tiếng ở Paris.
Phan Châu Trinh mừng lắm, nói:
- Anh cố gắng giúp cho cháu. Annam sau này rất cần những người có chí như vậy.
Phan Văn Trường dựa người ra ghế, cười vui nói:
- Cụ lại khách khí với tôi rồi. Đây không phải là trách nhiệm của chúng ta thì trách nhiệm của ai ? Cụ yên tâm. Tôi rất mến chàng trai trẻ này.
Phan Văn Trường giới thiệu Nguyễn An Ninh đến Bordeaux, nơi có nhiều sinh viên các nước thuộc địa theo học, để xin chứng chỉ tú tài mà Nguyễn An Ninh được miễn chuẩn ở Annam. Sau đó, Phan Văn Trường đưa Nguyễn An Ninh đến Đại học Sorbonne xin học ngành luật như ý định từ quê nhà.
Nguyễn An Ninh mừng lắm, biết là đã tìm đúng người đúng việc rất cần cho những năm học hành ở xứ người.
Việc học của Nguyễn An Ninh ngày một tấn tới. Nguyễn An Ninh không chỉ nghiên cứu về luật mà còn cả về văn chương, triết học. Phan Châu Trinh rất thích trao đổi và chỉ vẽ thêm những hàm nghĩa trong tứ thư, ngũ kinh để Nguyễn An Ninh có cơ sở so sánh. Ông cũng thường dẫn Nguyễn An Ninh theo trong những lần nói chuyện với bà con người Việt ở Pháp. Với những quan chức người Pháp, Nguyễn An Ninh như là một phiên dịch riêng của Phan Châu Trinh.
Những ngày này, Nguyễn Tất Thành cũng thường đến trao đổi công việc với Phan Châu Trinh. Ông giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn An Ninh và cho Nguyễn An Ninh biết Nguyễn Tất Thành hiện là đảng viên Đảng xã hội Pháp, có hoài bão lớn.
Sau một thời gian, Nguyễn An Ninh thấy Nguyễn Tất Thành quả như nhận xét của Phan Châu Trinh, nhất là khi Nguyễn Tất Thành chọn tên Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Versailles Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam với 8 điểm, đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách được những người Việt Nam yêu nước, đặc biệt hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường rất đồng tình. Từ đó, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc được nhiều người biết đến và Nguyễn An Ninh cũng lấy làm tự hào được quen thân với một người như thế.
*
* *
Phan Châu Trinh không hề áp đặt điều gì với ai, nhất là lớp người tuổi trẻ. Ông chỉ khuyên mọi người phải "tận nhân lực" không nên ngồi đó hả họng chờ sung. Phan Châu Trinh rất rõ ràng, ai có suy nghĩ gì, hành động gì có lợi cho dân cho nước là tốt; ai tiếp tay cho giặc làm hại dân, ngu dân, đưa dân vào chỗ lầm than là xấu, là bại hoại cần phải tẩy trừ. Trăm con suối mới đổ lại thành sông; trăm con sông mới dồn lại thành biển…
Tiếng ho của con trai đã đưa Phan Châu Trinh trở về hiện thực.
Xuất viện vài tuần nay, sức khoẻ thằng Châu Dật của ông thấy có khá hơn, nhưng khó mà chịu đựng nổi mùa đông giá lạnh sắp tới. Theo lời khuyên của bạn bè làm ngành thuốc thì nên đưa con trai ông về quê nhà, hi vọng khí hậu vùng nhiệt đới có thể giúp con ông lành bệnh. Đau chân há miệng, nên ý kiến nào về bệnh tình của con, ông đều thấy đúng. Ông lên Bộ Thuộc địa xin cho hai cha con trở về nước để có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho con, nhưng họ chỉ đồng ý cho Phan Châu Dật về, còn Phan Châu Trinh thì không. Càng nghĩ, ông càng thương cho số phận của người dân mất nước. Sống giữa quê hương của cuộc cách mạng tư sản dân quyền nổi tiếng, thế mà người dân thuộc địa như ông không hề có chút quyền nào.
Nghĩ tới con, lòng ông đau như cắt. Nếu không sắp xếp cho con trai ông về đợt này thì sẽ không có đợt nào khác, bởi ông biết sức khoẻ thằng con của ông không thể chịu đựng một tháng lênh đênh trên biển sau vài ba tháng nữa. Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Ở đây, con không chưa chắc sống, thì thôi cứ để nó về, sống được thì tốt, bằng không nó cũng được nằm cùng với tổ tiên, với người mẹ thân yêu của nó.
Phan Châu Trinh vận động bạn bè giúp đỡ thuốc thang đủ dùng trong hai tháng, vé tàu hạng nhất, kể cả thư giới thiệu đến bệnh viện Huế khi cần. Và ông gạt nước mắt tiễn con.
Sợ ông buồn, ảnh hưởng tới sức khoẻ, Phan Văn Trường rủ ông đến ở chung nhà để tiện chăm sóc cho nhau.
Phan Văn Trường dành cho ông căn phòng đủ tiện nghi, nhưng bước chân của Phan Châu Trinh thường xuyên qua lại các thành phố lớn của Pháp vừa mưu sinh, vừa hoạt động trong giới Việt kiều cũng như một số quan chức người Pháp.
Khi ông trở lại nhà, Phan Văn Trường đưa cho ông một lúc hai lá thư từ nhà gửi sang. Một lá thư có chữ viết của thằng con trai, một lá thư có chữ viết của đứa con gái. Cầm hai lá thư trong tay, Phan Châu Trinh thấy lòng bất an và nằm vật ra khi đọc xong lá thư của con gái.
Phan Văn Trường vội vã gọi bác sĩ và biết chuyện chẳng lành đến với Phan Châu Dật. Bởi ông biết, nếu không phải chuyện của Phan Châu Dật thì không có gì buộc Phan Châu Trinh ngất xỉu như vậy.
Lá thư trải trên sàn nhà, Phan Văn Trường lướt qua và biết Phan Châu Dật đã mất tại bệnh viện Huế. Ông thở dài thương cho chàng thanh niên thông minh, có chí; thương cho một người cha đã đặt lòng kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất của mình.
Khi Phan Châu Trinh tỉnh dậy, thì bạn bè đã có mặt khá đông đủ, trong đó có cả Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh.
Nhìn bộ mặt thẩn thờ của Phan Châu Trinh ai ai cũng ứa nước mắt. Sau một lúc, từng người một bước tới nắm chặt tay ông, nói lời chia buồn rồi ra về.
Sáng hôm sau, Nguyễn An Ninh tới thật sớm rủ Phan Châu Trinh đi bộ. Ông nhìn Nguyễn An Ninh hồi lâu rồi ôm chặt Ninh vào lòng với giọng tràn đầy xúc động:
- Con trai của ta… Con trai của ta…
Nguyễn An Ninh nắm tay ông kéo ra đường.
- Cụ đi bộ với cháu. Cháu với anh Dật là anh em và lâu nay cụ coi cháu như anh Dật, thì kể từ nay cháu sẽ thay anh Dật chăm sóc cho cụ.
Phan Châu Trinh bóp chặt bàn tay của Nguyễn An Ninh, xúc động nói:
- Lâu nay, tôi quả có xem anh như thằng Dật. Nay sự thể như vầy, tôi muốn anh gọi tôi là cậu.
- Cậu ? - Nguyễn An Ninh ngạc nhiên, hỏi.
Phan Châu Trinh khoát tay lên vai của Nguyễn An Ninh, vừa đi vừa nói:
- Ở Quảng Nam, ai khó nuôi con thì khi sinh con ra bắt con gọi cha bằng cậu hoặc chú, gọi mẹ bằng mợ hoặc thím…
Nguyễn An Ninh cười vui.
- Vậy, con đã hiểu.
Phan Châu Trinh hứng chí, kéo Nguyễn An Ninh ra bãi đất trống đòi dạy võ cho Nguyễn An Ninh. Nhưng khi thấy Nguyễn An Ninh xuống tấn, Phan Châu Trinh hỏi:
- Con đã học võ rồi ư ?
Nguyễn An Ninh thú thật, hồi nhỏ tính khí cũng khá nghịch ngợm và gia đình cũng muốn thằng con trai duy nhất biết chút võ nghệ phòng thân, nên có cho học võ mấy năm. Phan Châu Trinh bằng lòng lắm. Ông bắt Nguyễn An Ninh phô diễn hết những gì đã học, rồi từ đó mỗi sáng ông chỉ vẽ thêm.
- Văn ôn, võ luyện, con phải tập thường xuyên. Một tâm hồn minh mẫn chỉ có trong thân thể tráng kiện chứ không thể ở trong một thân thể èo uột được. Sỡ dĩ cậu tự tin được chính là nhờ biết võ nghệ.
- Con cũng thấy vậy.
Từ đó, Phan Châu Trinh cảm thấy vui hơn, bớt cô quạnh hơn.
Khi Nguyễn An Ninh đậu cử nhân luật loại ưu là niềm vui lớn không chỉ cho Nguyễn An Ninh mà còn cho cả Phan Châu Trinh, kể cả bạn bè quen biết trên đất Pháp. Nguyễn An Ninh muốn đánh dây thép về báo cho gia đình mừng, nhưng lo lắng vì khi đi là đi chui, chưa biết tính sao thì nhận được thư của gia đình gọi về cưới vợ.
Phan Châu Trinh nói:
- Con cứ lên Bộ Thuộc địa trình bày cụ thể, xin phép về nước cưới vợ xong theo mong muốn của gia đình rồi trở qua học tiếp tiến sĩ. Cậu nghĩ, họ đang cần và rất cần những công chức do họ đào tạo nên không làm khó dễ đâu. Nếu thật sự họ không cho về thì cậu sẽ viết thư trình bày với thân sinh con. Và chuyện vợ con của con ở đây cậu lo. Cậu tin, gia đình anh chị bên nhà sẽ bằng lòng thôi.
Nguyễn An Ninh cũng tin như vậy, nên mạnh dạn lên Bộ Thuộc địa. Và quả nhiên như Phan Châu Trinh nhận định. Bộ Thuộc địa không những bằng lòng cho Nguyễn An Ninh về nước cưới vợ mà còn hứa sẽ gọi điện về Đông Dương gửi gắm, tạo điều kiện thuận lợi cho Ninh qua Pháp học tiếp chương trình tiến sĩ.
Ngày tiễn chân Nguyễn An Ninh không như lần tiễn Phan Châu Dật. Khi còi tàu thúc giục, Phan Châu Trinh đẩy Nguyễn An Ninh lên tàu.
- Chúc con may mắn và hạnh phúc. Cho cậu gửi lời thăm anh nhà, chú Nguyễn An Cư và cô Xuyên của con.
Nguyễn An Ninh ôm chặt lấy ông, rồi bước lên cầu tàu.
Tàu tách bến, xa dần, xa dần… Phan Châu Trinh vẫn đứng đó với hai hàng nước mắt.
Lúc này, một số nước trắng trợn can thiệp vào nước Nga xô viết. Đảng xã hội Pháp hoạt động rất mạnh. Nguyễn Tất Thành cũng dọn về ở chung nhà với Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh. Nguyễn Tất Thành hăng hái đi phát Lời kêu gọi lao động Pháp của Đảng xã hội chống lại sự can thiệp vũ trang của chính phủ Pháp đối với nước Nga. Cả Phan Châu Trinh lẫn Phan Văn Trường đều khuyến khích việc làm của Nguyễn Tất Thành. Với họ, thanh niên phải hoạt động và từ những hoạt động ấy mới rút ra những kinh nghiệm chứ kinh nghiệm không có từ trên trời rơi xuống hoặc dưới đất chui lên.
Một hôm, Nguyễn Tất Thành mang về bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin. Khi cả ba người ngồi vào bàn uống cà phê, Nguyễn Tất Thành nói:
- Đây là luận cương được Đại hội lần thứ hai của Quốc tế cộng sản vừa thông qua, đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Phan Châu Trinh nói:
- Văn bản này, ông Trường đã dịch cho tôi nghe và chúng tôi đã bàn với nhau khi trưa. Chúng tôi thấy bản sơ thảo ấy có nhiều điều hay nhưng trước mắt vẫn chưa phù hợp với quốc dân ta. Nói chung, lớp trẻ như các anh cứ việc tìm hiểu cho thấu đáo mọi lẽ, để khi bắt tay vào việc khỏi lúng túng như lớp cha anh. Lớp người như chúng tôi coi như cũng sắp vãn tuồng, song sức còn tới đâu thì giúp lớp trẻ các anh tới đó. Thời gian qua, chúng tôi thấy anh năng nổ, chịu khó học hỏi, chịu khó hoạt động và được nhiều người qúy trọng, thế là mừng. Thành công hay thất bại, chúng tôi chưa bàn tới. Riêng việc làm của anh và số người tuổi trẻ khác đã làm cho chúng tôi tin vào tiền đồ của dân tộc.
Nguyễn Tất Thành vui vẻ, nói:
- Việc làm của bọn cháu được những người như bác và bác Trường ủng hộ là thêm sức mạnh cho bọn cháu rất nhiều. Chính vì vậy cháu mới tham khảo ý kiến của các bác. Đến nay, cháu không còn nghi ngời gì nữa, luận cương của Lê-nin là cái cần thiết cho những dân tộc mất nước như dân tộc chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.