watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phan Châu trinh-Chương 17 - tác giả Vu gia Vu gia

Vu gia

Chương 17

Tác giả: Vu gia

Phan Châu Trinh cảm động trước những tràng pháo tay kéo dài của người nghe. Khi chia tay mọi người, Phan Châu Trinh mới cảm nhận hết nỗi buồn cô độc. Ông thả từng bước một trên đường…
Những lời nói của ông, những ý kiến của ông với anh em người Việt ở nơi đất khách quê người chẳng qua cũng chỉ là món ăn bồi bổ tinh thần, giúp cho họ nhớ tiếng Việt, nhớ mình là con Hồng cháu Lạc, nhớ mình là người dân đang bị mất nước, bà con ở quê nhà chịu lắm cảnh lầm than… Chỉ có rứa thôi chứ nào có đạt kết quả gì cho lắm. Đã không ít người tâm sự với ông rằng, tập trung lại nghe ông nói chuyện là để… bớt nhớ quê nhà. Ông hoàn toàn tin đó là những lời nói thật.

Dằn vặt sao cho khỏi hội này !
Một thân Nam Bắc lại Đông Tây.
Nước cờ đã bí mong toan gỡ,
Giấc ngủ đương ngon giở khuấy rầy.
Chiu chít càng thương gà mất mẹ,
Lao nhao chi sá cáo thành bầy.
Ớ người chín suối thiêng chăng nhẽ ?
Một nén tâm hương hỡi biết đây !

Phan Châu Trinh khẽ ngâm rồi thò tay vào túi lấy chiếc khăn tay ra lau nước mắt và thấy mình đã chạm tới tuổi già. Phan Châu Trinh để ý thấy thời gian gần đây mình hay nhớ lại chuyện cũ và hay khóc. Phan Châu Trinh lẩm nhẩm một mình: Già rồi ! Già thật rồi !
Đường phố bắt đầu vắng lặng thì cũng là lúc Phan Châu Trinh quẹo vào xóm lao động đã cưu mang ông lâu nay.
- Cậu !
Phan Châu Trinh giật mình, dừng lại.
Nguyễn An Ninh đã đứng sừng sững trước mặt ông.
- Con nghe bà con nói, cậu đi diễn thuyết, thành thử ngồi đây chờ cậu về là chắc nhất.
Phan Châu Trinh kéo tay Nguyễn An Ninh về nhà. Nguyễn An Ninh giữ tay ông lại.
- Con biết cậu chưa có gì vào bụng. Con cũng vậy…
- Đồ đạc con để ở đâu ?
- Con gửi tất cả ở nhà bên cạnh rồi. Hổng sao đâu.
Sau khi ăn xong, Phan Châu Trinh phụ Nguyễn An Ninh mang đồ về phòng.
Nguyễn An Ninh kể cho ông nghe những ngày ở quê nhà. Sau ngày cưới, Thống đốc Nam kỳ mời làm quan tòa, Nguyễn An Ninh không nhận, từ đó tình cảm vợ chồng bắt đầu có vấn đề. Ba tháng sau thì đường ai nấy đi.
- Không nhận chức quan thì… mất vợ ! - Phan Châu Trinh cười cười nói.
Nguyễn An Ninh bẽn lẽn và hơi có phần tự ái, nói:
- Vợ mất con chứ không phải con mất vợ. Con muốn làm như cậu và anh Quốc là diễn thuyết và làm báo.
Phan Châu Trinh nghiêm mặt, nhìn thẳng vào Nguyễn An Ninh:
- Đau thương làm con người lớn lên chớ không phải chất chồng thù hận. Trong công việc thì con thấy làm gì có lợi cho dân cho nước, có lợi cho nhân quần xã hội thì đó là những việc tốt, nếu làm được thì nên làm. Và khi làm, con phải chấp nhận tất cả, kể cả cái chết chứ đừng chơi kiểu sáng nắng chiều mưa mà mang tiếng đời.
Nghe tới đây, Nguyễn An Ninh hồ hởi hẳn lên:
- Ở bên nhà, con đã bàn với cha con và hồi đầu năm con đã có buổi diễn thuyết tại Hội Khuyến học Nam kỳ.
- Kết quả ra sao ?
- Tốt lắm cậu ạ. Báo chí có viết bài tường thuật, đưa tin. Nói chung, đề tài con nói thì cũng là ý tưởng của cậu thôi, kêu gọi mọi người bỏ cái học từ chương lạc hậu, theo cái học mới; học để mở mang kiến thức chứ không chỉ chăm bẳm việc làm quan. Một khi có kiến thức thì mình biết chọn con đường tương lai của mình, nhất là dám ngẩng cao đầu nhìn người nhìn đời…
- Bây giờ mọi việc coi như đã ổn, con tập trung làm luận án tốt nghiệp cho rồi. Cực chẳng đã mới không cần học vị, còn có điều kiện thì nên làm để người đời khỏi cho mình là kẻ bất đắc chí nên làm liều.
Nguyễn An Ninh cười, nói:
- Con đã nghĩ kỹ và bàn với cha con rồi. Học hành được như con thì hiện nay nước Annam mình chẳng có mấy người, nên không ai dám cho con là kẻ bất đắc chí. Lần này sang, con định mời bác Trường về nước làm báo với con.
Thấy Phan Châu Trinh buồn buồn, Nguyễn An Ninh nói tiếp:
- Con biết bác Trường về, thì cậu mất vui, nhưng công việc trên hết cậu à.
- Con nghĩ kỹ chưa ?
- Thời gian qua, con đã nghiên cứu rất nhiều sách vở và thấy con đường của anh Quốc đi là có hi vọng hơn cả. Nhưng nói theo cậu thì con thấy không sai, nên lần này con quyết hợp lực với anh Quốc. Con sẽ đánh thức đồng bào ở trong nước, sẽ làm cho họ hiểu được cái quyền làm người của mình và hiểu bổn phận của mỗi người trước vận mệnh của đất nước. Qua báo chí, con sẽ giải thích cho họ biết phải làm gì và theo ai. Sau một thời gian dân trí được nâng lên, con sẽ tổ chức một lực lượng quần chúng… - Ngừng lại một chút, Nguyễn An Ninh nói tiếp: - Con tin anh Quốc sẽ đồng ý với cách làm này.
Phan Châu Trinh nói:
- Vừa rồi, cậu có biên thư cho anh Quốc nói về chuyện ấy. Nếu con tình nguyện hợp lực với cách ấy thì quá hay. Nếu anh Quốc không đồng ý, thì việc làm của con cũng có ích cho dân cho nước. Cậu tán thành.
Nguyễn An Ninh nghe vậy, vui lắm.
- Cậu biết không, ở bên nhà bà con bàn rất nhiều về "Thất điều thư" mà cậu đã gửi cho vua Khải Định. Kẻ nói như thế này, người nói như thế khác làm con giải thích sướng cả miệng.
Phan Châu Trinh cười cười, nói:
- Cụ nghè Tập Xuyên (1) cũng biết chuyện ấy và hôm trước có gửi cho cậu bốn bài thất ngôn bát cú liên hoàn. Cậu thích nhất bài đầu.
Không đợi Nguyễn An Ninh gợi ý hay hỏi thêm gì, Phan Châu Trinh rung đùi ngâm sang sảng ra chiều thích thú lắm:

Ai về địa phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu ông ?
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,
Trăm gia ba chục khổ nhà nông.
Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến,
Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng !
Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ:
Vua thời còn đó, nước thời không ! (2)

Vài hôm sau, Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh lên Paris thăm Phan Văn Trường.
Không hẹn mà nên, tại nhà luật sư Phan Văn Trường có cả Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền. Mọi người tay bắt mặt mừng, rân ran chuyện quê nhà.
Khi Phan Châu Trinh cho mọi người biết, lần này Nguyễn An Ninh qua không phải bảo vệ luận án tiến sĩ mà quyết tâm mời Phan Văn Trường về Sài Gòn làm báo nhằm khai tâm khai trí quốc dân và tiếp tục khởi xướng dân quyền…
Nguyễn Ái Quốc tán thành việc làm ấy, nhưng kinh nghiệm từ tờ báo Le Paria cho thấy mọi việc không đơn giản như con người mong muốn. Nguyễn Ái Quốc nói:
- Làm báo ở quê nhà lúc này rất tốt, nhưng làm báo có hai cái khó, không biết anh đã thấy chưa. Đó là tiền và độc giả. Có tiền mới ra được báo và có độc giả tờ báo mới tồn tại. Thiếu một trong hai điều kiện ấy thì khó mà thực hiện ý định tốt lành ấy được.
Phan Văn Trường chậm rãi nói thêm:
- Anh biết rõ anh Quốc vất vả với tờ Le Paria thế nào rồi chứ ? Khó lắm !
Phan Châu Trinh húng hắng ho rồi nói:
- Tôi cũng đã đặt vấn đề ấy ra, nhưng anh ấy rất tự tin, nên có gì cụ Trường nhà ta phải giúp một tay với con cháu thôi.
Nguyễn An Ninh hào hứng nói:
- Nguyễn Ái Quốc làm báo trên xứ người, độc giả ít, tiền bạc thiếu thì khó khăn luôn ở trước mặt là điều hiển nhiên. Còn tôi làm báo ở quê nhà chắc độc giả không thiếu; tiền bạc thì đã có gia đình đồng ý hỗ trợ. Do vậy, tôi tin mình sẽ làm được.
- Anh cũng đã lấy cử nhân luật thì còn lạ gì bọn Tây cai trị. Trên đất Pháp tự do báo chí được thực thi, còn ở xứ thuộc địa như xứ Annam ta thì mọi thư bị cấm, kể cả nhà in và độc giả. Cứ nhìn cụ Tây Hồ đây và những thông tin của bạn bè cụ ấy báo qua đủ biết khó khăn đến mức nào. - Phan Văn Trường nói.
Phan Châu Trinh khoát tay.
- Anh yên tâm chuyện đó. Cái lo của Ninh bây giờ, chính là bài vở và anh là trụ cột.
Nguyễn An Ninh nói thêm:
- Quả thật cháu chỉ lo bài vở, còn nhà in và độc giả thì không lo. Cháu nghiên cứu kỹ rồi. Chúng ta ra báo bằng tiếng Pháp thì sẽ không bị cấm đoàn, hơn nữa ở đất Sài Gòn, cháu nghĩ mình có thể luồn lách, chỉ cần cụ nhận lời.
Phan Văn Trường cười cười, liếc nhìn Phan Châu Trinh nói:
- Anh đề cao lớp già chúng tôi quá rồi.
- Cháu đã bàn qua với cậu Tây Hồ rồi. Với kinh nghiệm của cụ và cái quốc tịch Pháp của cụ sẽ giúp Ninh nhiều lắm.
Nghe về quê nhà làm những công việc mình thích, Phan Văn Trường rất vui.
- Tôi hỏi thật, nếu tờ báo có gì khó khăn, anh có nuôi được tôi không ?
Biết Phan Văn Trường đã nhận lời, Nguyễn An Ninh sung sướng nói:
- Điều đó quá dễ đối với cháu.
Mọi người cùng cười và bữa cơm cũng đã dọn.
Nguyễn An Ninh muốn ở lại tâm sự với Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền, nên Phan Châu Trinh đành về Marseille một mình.
Nguyễn Ái Quốc đưa chân Phan Châu Trinh thêm một đoạn và nói:
- Cháu đã nhận được thư của bác. Cháu suy nghĩ nhiều lắm, nhưng chưa biết xử trí thế nào. Hôm nay nghe kế hoạch của Ninh, cháu thấy như có người đã cất giúp mình cái gánh nặng trên vai.
Phan Châu Trinh vừa đi, vừa nói từ tốn:
- Thời này là thời của các anh chứ không còn là thời của chúng tôi. Tôi vốn coi anh như thằng Dật, thằng Ninh nhà tôi nên thấy điều gì cần nói thì phải nói.
- Bác nên vững tin ở bọn cháu. Bọn cháu bây giờ biết nên làm gì và phải làm gì. Nếu lớp trẻ bọn cháu không nghĩ đến dân đến nước thì sẽ không thể nào quyết định được những vấn đề như vậy.
- Chúng tôi không tin vào các anh thì biết còn tin vào ai. Vì tin vào các anh nên tôi mới lắm lời. Thôi anh tiễn tới đây được rồi. Mấy anh em nên bàn bạc với nhau cho hết mọi lẽ để phối hợp cho nhịp nhàng.
Phan Châu Trinh nhìn dáng cao gầy của Nguyễn Ái Quốc xa dần… xa dần… với nụ cười mãn nguyện.

Chú thích:
(1) Ngô Đức Kế, sinh năm 1879, người Hà Tĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, năm Thành Thái thứ 13 (1901), cùng khoa với Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Huy (Sắc).
(2) Đặng Thai Mai, Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nxb Văn học giải phóng, TPHCM, 1976, trg 386.
Phan Châu trinh
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23