Chương 4
Tác giả: Vu gia
Cuối cùng, hai người bạn thân thiết của ông cũng được sắc ban Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Khoa này (Giáp Thìn, Thành Thái thứ 16 - 1904) có một người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, 5 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và 5 người đỗ phó bảng. Quảng Nam chỉ có 2 người và hai người đó là bạn thiết của ông, thế là vui. Tội nghiệp, niềm vui ấy không chỉ cho bản thân cụ Minh Viên (Huỳnh Thúc Kháng), hay cụ Thai Xuyên (Trần Quý Cáp) mà còn cho cả làng, cả tỉnh. Ông biết, sau ngày áo gấm về làng, hai người bạn của ông sẽ tiếp tục làm những việc cần làm chứ không nhất thiết phải ra làm quan. Nhớ lại vào năm ngoái, khi ông từ quan về nhà, hai người bạn của ông lấy làm lạ. Nhưng sau khi ông cho họ xem "Thiên hạ đại thế luận", "Qùi ưu lục" của Nguyễn Lộ Trạch cùng những "Tân thư", nhất là sách của Montesquieu, J.J.Rousseau, Voltaire qua bản dịch của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… thì hai người bạn của ông không còn nghĩ ông "cuồng". Họ đều thấy rằng, cái “cuồng” của cụ phó bảng chưa chắc đã không chút gì bổ ích cho quốc dân. Bởi sau khi nghiền ngẫm những bộ sách ấy, một ý thức hệ mới như được hé ra trong họ. Tư tưởng dân quyền và dân chủ làm cho họ ngất ngây. Ông khuyên anh em cần phải học, phải thi đỗ. Lúc ấy không ai dám nói các ông là những người vì thi hỏng mà sinh ra bất đắc chí.
Sau khi ở nhà cư tang cho anh một năm thì ông được bổ thừa biện bộ Lễ, chỉ một thời gian ngắn, ông được thăng thự trước tác. Với mọi người, con đường làm quan của ông khá hanh thông. Nhưng cũng nhờ những ngày ở Huế, ông mới được làm quen với những người tân học như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ… Qua những người này, ông đọc được nhiều báo mới, sách mới. Thì ra lâu nay, ông như con ếch ngồi đáy giếng. Đầu óc của thiên hạ như trời như bể chứ nào chỉ nhai đi nhai lại mấy cuốn giáo khoa suốt ngàn năm qua không có chút gì đổi mới. Suốt ngày chỉ "Thiên - trời, địa - đất, thất - mất, tồn - còn…", rồi nào là Khổng tử viết, Mạnh tử viết… thì tới lúc nào đầu óc người dân Annam của ông mới mở ra ? Với guồng máy hiện giờ con đường làm quan chưa phải là con đường duy nhất cứu dân cứu nước. Từ khi hình thành chữ viết, người xưa đã cấu tạo chữ cát (tốt lành), gồm chữ sĩ ở trên, chữ khẩu ở dưới, nghĩa là miệng của kẻ sĩ như ông chỉ nói ra toàn những chuyện tốt lành. Nhưng trước cảnh nước nhà như thế này, thì những người như ông cứ ngày ngày nói toàn những chuyện trong tứ thư, ngũ kinh là có thể giúp người dân An nam của ông hiểu được quyền sống, quyền làm người ư ? Chắc chắn là không ? Bởi đọc từ sách vở, nghe những gì người đi trước nói lại, thấy những gì đã và đang diễn ra trước mắt ông bao năm qua, thì người dân quê ông vẫn vậy, vẫn sợ bóng sợ gió, vẫn nhẫn nhục chịu đựng những áp bức, bất công mong sống cho qua hết kiếp người, vẫn "một sự nhịn là chín sự lành", vẫn "tránh voi chẳng xấu mặt nào"… chứ chưa hề biết mình là ai, mình cần phải làm gì để khẳng định được mình giữa cuộc đời này, kể cả trong công việc làm ăn.
Chờ niềm vui lắng xuống, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng đến nhà Trần Qúy Cáp chơi. Một nếp nhà tranh được sửa chữa khang trang, hai người đều biết ấy là phần thưởng của dân làng dành cho ông nghè của làng. Đó là niềm tự hào của họ. Quả đúng như vậy. Khi biết có hai người đến chơi thì bà con trong xóm cùng kéo tới chúc mừng. Phan Châu Trinh cũng có cảm giác như mình cùng đỗ khoa này. Và chẳng mấy chốc, mùi xào nấu bốc lên thơm ngát. Thấy hai ông nhìn nhau ái ngại thì vị trưởng tộc vuốt râu cười ra chiều sung sướng, nói:
- Thằng nghè nhà tôi tuy đỗ đầu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, nhưng hắn rất phục tài hai vị. Tuy mới gặp hai vị lần đầu, nhưng thằng nghè nhà tôi kể về hai vị nhiều lắm. Cụ nghè Minh Viên đồng khoa với thằng nghè nhà tôi sém chút nữa là giật tam nguyên (Huỳnh Thúc Kháng đỗ Hương nguyên, Hội nguyên - VG), cụ Tây Hồ đây cũng không thua kém gì, đã xuất chính rồi mà chán cảnh quan trường, từ quan về quê dạy học. Tôi hiểu và qúi trọng hết. Chữ nghĩa thì chúng tôi đựng không đầy vỏ lúa, nhưng tấm chân tình thì chúng tôi có thừa. Thằng nghè nhà tôi giật giải lần này chứng tỏ làng tôi có mạch khoa bảng, phúc đức dòng họ nhà tôi, làng tôi còn dày, còn vượng, rứa là mừng lắm. Chỉ cần chừng đó là chúng tôi có đi ăn xin cũng sẵn sàng nuôi nó và gia đình suốt đời, nên các cụ đừng ngại. Dù hắn có ra làm quan hay ở nhà cày ruộng cũng vẫn là cụ nghè của làng. Bao năm qua, hắn ở nhà vừa dạy học, vừa cày ruộng, chúng tôi vẫn qúy trọng, bây giờ cũng thế chẳng có chi quan trọng. Quan nhất thời, dân vạn đại, ấy mà. Chúng tôi tuy ít học, nhưng rất hiểu điều ấy. Mấy cụ đến chơi là vinh dự cho làng tôi. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối miễn hai cụ đừng chê là chúng tôi chu toàn được tất.
Cả hai anh em đứng dậy đáp lễ. Phan Châu Trinh thưa:
- Thưa bác, chúng cháu với anh nghè nhà ta là chỗ bạn bè, xin bác và bà con đối xử chân tình như đối xử với con cháu trong nhà là qúy lắm rồi, chứ một tiếng là cụ nghè, hai tiếng là cụ phó bảng, chúng cháu thấy… khó quá.
Cụ trưởng tộc vuốt râu cười khà khà:
- Các anh nói rứa là chúng tôi hiểu được cái tâm của các anh, nhưng đây là lễ. Tiên học lễ, hậu mới học văn. Tuổi của các anh là con cháu, nhưng tác của các anh là bề trên. Theo chỗ tôi hiểu, cụ tôi dùng ở đây không phải tiếng gọi người sinh ra ông bà mình, mà là tài năng. Chẳng phải các anh cũng đã gọi nhau như thế ư ?
Huỳnh Thúc Kháng mỉm cười, chắp tay xá dài, nói:
- Quả có như vậy, nhưng đây là trong nhà, người nhà. Bác gọi cụ nghè nhà ta là thằng nghè thì cũng gọi tụi con y như vậy mới thật tình.
Cụ trưởng tộc lại vuốt râu cười khà khà ra chiều thích thú.
- Thôi được ! Thôi được ! Nhưng tiếng gọi đầu môi không quan trọng. Quan trọng ở chỗ tấm lòng. Nhưng các anh hãy để tôi thủ lễ cho lớp con cháu học tập, chứ chẳng lẽ làng tôi khi chưa có ai đỗ ông nghè, ông cống thì phong hóa tốt tươi, nay có người đỗ đạt rồi thì phong hóa lụn bại ? Nếu thiệt sự như rứa thì chúng tôi chẳng mong ai đỗ đạt làm chi.
Hai người nhìn nhau mỉm cười, lắc đầu trước lý sự của cụ trưởng tộc. Lúc ấy cũng vừa lúc Trần Qúy Cáp và một số học trò đi chơi ở đâu kéo về với con heo mọi bị trói khiêng đi lủng lẳng ra chiều vui vẻ lắm.
Kể từ đó, căn nhà tranh ba gian hai chái của Trần Qúy Cáp lúc nào cũng chật người và chuyện nổ như bắp rang. Bà con trong làng từ già đến trẻ, kể cả những cô gái tuổi độ trăng tròn nếu rảnh lúc nào thì đến giúp gia đình lúc nấy, kẻ gánh nước người nấu chè, nấu cơm, làm bếp, đi chợ… Xong việc thì vào nghe các ông nghè, ông cử nói chuyện, bình thơ. Tuy không hiểu gì mấy nhưng họ nghe cũng sướng bụng. Chữ nghĩa thánh hiền học mót được chữ nào hay chữ ấy chớ dễ dầu gì cái làng nho nhỏ như ri mà tập trung được một lúc nhiều anh tài như thế. Kinh nghiệm cho họ biết, những hôït lúa mót được đều là những hột lúa chắt. Chữ nghĩa thánh hiền thấm vô người không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc chứ có chết chóc chi mà sợ.
Tối tối, nam nữ còn lại nhà tổ chức hát hò khoan. Các ông nghè, ông cử cũng chia làm hai phe giúp hai bên đối đáp. Thật là những buổi hát tuyệt vời, trước đây họ có mong cũng không được, có ước cũng không xong.