watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Q8- Nam Quốc Sơn Hà-Chương 32 - tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Chương 32

Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Niên hiệu Thái-Ninh thứ nhì (1073), mùa Xuân, tháng Giêng, vua bà Bắc-biên Thiên-Thành, phò mã Thân Cảnh-Long từ Lạng-châu về Thăng-long xin thiết Tinh-triều để tường trình về tình hình Tống.
Thái-sư Lý Đạo-Thành cho triệu tập thân-vương, đại-tư-mã, lục bộ thượng thư, quản Khu-mật viện, đô-đốc thủy-quân, tổng-trấn Thăng-long, tổng quản ngự-lâm quân, tổng-quản thị-vệ, các tướng chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh, đạo kị-binh Phù-đổng. Vì cuộc thiết triều có liên hệ tới tình hình an-ninh nên Long-thành ẩn-sĩ cùng phu nhân được mời tham dự.
Linh-Nhân hoàng thái-hậu, Thái-Ninh hoàng đế từ trong điện Càn-nguyên đi ra. Nhạc tấu bản Long-thọ. Nhạc dứt, thái-sư Lý Đạo-Thành cung tay:
– Tâu Thái-hậu, tâu Bệ-hạ. Vì bên Tống thay đổi rất nhiều, nhất là những thay đổi đó có liên quan đến Đại-Việt, nên thần cho thiết Tinh-triều để nghe vua bà Bắc-biên tâu trình tình hình an-ninh biên giới Tống-Việt.
Thái-Ninh đế tuy mới tám tuổi, nhưng đã quen với lễ nghi. Nhà vua tuyên chỉ:
– Xin Thái-sư an tọa.
Nhà vua dùng ngôn ngữ bình dân với vua bà Bắc-biên:
– Chị Thiên-Thành. Hồi Phụ-hoàng tại thế đã trao quyền trấn ngự biên cương cho chị. Bấy lâu nay biên cương vô sự. Nay hẳn có điều gì khẩn cấp lắm, mới khiến đại giá chị hồi triều.
Công-chúa Thiên-Thành tâu:
– Cách đây bốn năm, khi Đại-Việt chuẩn bị bình Chiêm, triều đình có ban chỉ dụ cho Bắc-biên phải làm ba điều. Một là hết sức hòa hoãn, nhường nhịn với Tống, để được yên mặt Bắc. Hai là lực lượng Bắc-biên phải ứng trực, phòng Tống thừa cơ đánh úp. Ba là gửi tế-tác theo dõi mọi hoạt động của Tống. Vì quốc kế bị gian tế báo cho Chiêm, nên mới có vụ quân Chiêm đóng đồn Tà-lầm chặn đường Trung-Thành vương. Cũng gian tế báo cho Tống, nên trong suốt thời gian ấy Tống hết sức lấn át ta ở biên cương.
Công chúa đem ra một cái giá treo tấm bản đồ Hoa-Nam lớn hơn cái chiếu, trên đó ghi chằng chịt những chỗ đóng quân, đường di chuyển quân, kho chứ lương thảo của Tống.
Linh-Nhân hoàng thái hậu ngắt lời công chúa:
– Để triều đình hiểu rõ mọi việc ở Bắc-cương. Xin Công-chúa tường trình tỷ mỉ những gì Tống đã làm ở Nam-thùy trong mấy năm qua.
– Vào thời Thuận-Thiên, giữa Khai-Quốc vương với Yên-vương; rồi Kinh-Nam vương với vua Nhân-tông kết nghĩa huynh đệ. Hai cuộc kết thân này đưa đến Tống rút hết binh sĩ ở Nam-thùy (1027). Ngược lại các nước Nam-thùy cũng rút quân khỏi biên giới Tống. Tống phong cho phò-mã Trần Tự-Mai tước Ngô-quốc quận vương, cùng công chúa Huệ-Nhu tổng trấn Nam thùy. Minh ước trải qua hai mươi sáu năm tốt đẹp. Dân chúng tộc Hoa, tộc Việt sống trong thanh bình, sung sướng chưa từng có. Sau Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu rời Nam-thùy Tống lên trấn phương Bắc, Yên-vương hoăng. Bọn hiếu-chiến trong triều xui vua Tống Nhân-tông chuẩn bị đánh Đại-Việt. Bọn biên thần Nam-thùy Tống nhân đó lấn chiếm mấy trang động của ta. Chúng lại gây ra vụ án giết cha con Nùng Tồn-Phúc, Nùng Trí-Thông để chia rẽ tộc Nùng với Đại-Việt. Trong triều chúng dùng Dương Đức-Thành làm gian tế. Trước tình trạng chẳng đặng thì đừng, Khai-Quốc vương cùng tám vùng tộc Việt giúp Nùng Trí-Cao chiếm Lưỡng-Quảng, lập ra nước Đại-Nam (1053).
Biết rằng ông em mới tám tuổi khó theo kịp những gì mình tâu, công chúa ngừng lại một lát rồi tiếp:
– Sau khi Nùng Trí-Cao thất bại, Tống ra sức củng cố Nam thùy. Họ đem trọng binh xuống đóng ở biên giới Đại-Việt, Đại-lý, Lão-qua, Xiêm-la, cùng cử những văn thần, võ tướng lỗi lạc trấn nhậm. Trong đó có bọn Lý Sư-Trung, Tiêu Cố, Tiêu Chú. Bọn này nay lấn động này, mai đe dọa chiếm động khác. Đức Thánh-tông nổi giận, truyền quan Thái-bảo Lý Thường-Kiệt đem mười hiệu Thiên-tử binh lên cùng cô mẫu đánh tràn sang chiếm lại hết các động bị lấn vào niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ nhất (1059). Tưởng như vậy bọn quan Nam-thùy Tống ghê sợ, không ngờ chúng lại tiếp tục đánh chiếm ba động nữa. Cô mẫu (vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái) đem đại lực lượng đánh chiếm châu Tây-bình, giết Đô-giám tuần-kiểm Tống Sĩ-Nghiêu và các tướng Lý Đức-Dụng, Tả Minh, Hà Nhuận, Trần Bật, bắt sống Chỉ-huy-sứ Dương Lữ-Tài. Tống xin nghị hòa, cô mẫu đòi ba điều kiện mới chịu rút quân (Xem NQSH hồi 1-2-3).
Công chúa chỉ vào tấm bản đồ Hoa-Nam treo trên cái giá lớn:
– Từ đấy, biên giới Tống, Việt trải qua một thời gian mười năm yên ổn. Cho đến niên hiệu Thiên-huống Báu-tượng nguyên niên (1068), Vương An-Thạch dâng Tân-pháp, được Hy-Ninh đế trọng dụng, mà trở thành Tể-tướng. Dù bị chống đối bởi hậu cung, bởi ngoại-thích, bởi đồng liêu, nhưng sau ba năm, Tân-pháp đem lại cho dân Tống ấm no, quốc-sản, quốc-dụng dồi dào. Đến đây, Thạch muốn tuyệt nguồn chống đối. Mà muốn tuyệt nguồn chống đối, thì chỉ có cách gỡ được cái nhục cho triều Tống.
... Nguyên kể từ khi Tống triều lập lên đến giờ, tuy văn-học, tư-tưởng, nông-nghiệp thịnh; tuy có đôi chút chiến công thắng một số nước xung quanh. Nhưng phía Tây bị Tây-hạ, Thổ-phồn đem quân xâm lấn, làm nghiêng ngửa bao phen. Sau phải nhờ đến tài Phò-mã Trần Tự-Mai mới yên được. Phía Bắc bị Bắc-liêu đem quân chiếm mất một phần ba lãnh thổ; nhục nhã hơn nữa Liêu còn bắt tiến cống hàng năm một số vàng, lụa, lương thực rất lớn. Phía Nam bị vua Lê đánh tan đạo quân xâm lăng ở Chi-lăng, Bạch-đằng. Tiếp đến bị Đại-Việt giúp Nùng Trí-Cao, bị vua bà Bình-Dương vượt biên đánh lên. Vì ba cái nhục đó, mà võ-lâm diễu Tống triều bằng câu tục ngữ :
« Bắc vi tước, Tây vi lộc, Nam vi quy ».
Nghĩa là Bắc thì hèn như chim sẻ gặp đại bàng. Tây thì yếu như nai gặp cọp. Nam thì sợ quá như con rùa rút vào mai. Trong lịch sử, Trung-nguyên chưa bao giờ có một triều đại hèn như vậy.
Đến đây công chúa đưa mắt nhìn các thân-vương, đại-thần một lượt. Hy-Ninh đế vẫy tay ra hiệu cho cung nữ chầu hầu:
– Người mang chén sâm thang này dâng Công-chúa cho trẫm.
Vua bà Thiên-Thành cảm động về thịnh ý của ông em, tuy còn nhỏ tuổi, mà đã tỏ ra biết trọng công lao của biên thần.
– Đa tạ bệ hạ.
Công-chúa bưng bát sâm thang lên uống. Nhà vua nói với quần thần:
– Nếu trẫm là Hy-Ninh đế, khi lên ngôi, bằng mọi giá trẫm quyết gỡ cái nhục cho tổ tiên, cho đất nước. Chắc vì vậy, Hy-Ninh mới trọng dụng Vương An-Thạch, ra lệnh cách chức, đầy hết chư đại thần chống đối Tân-pháp.
Nghe nhà vua nói câu đó, triều-thần cùng giật mình nghĩ như nhau:
– Ông vua con này tiếp thụ cái tự hào về tộc Việt anh-hùng của Linh-Nhân hoàng thái hậu, lại thụ hưởng cái huy-hoàng đời vua Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông... thì e trong tương lai nhất định người sẽ không lùi trước Tống, trước Chiêm; dù chỉ nửa bước.
Vua bà tiếp:
– Từ khi bản triều lập lên, Đại-Việt chưa từng bị nhục, mà bệ hạ còn nghĩ như vậy; huống hồ Hy-Ninh đã từng thấy ông, cha bị khinh khi, bị quốc dân đàm tiếu!
Nhà vua quay lại nói với công-chúa Thiên-Ninh bằng ngôn từ bình dân:
– Chị Thiên-Ninh ơi! Hôm trước chị có đọc cho em nghe bài thơ của Vương An-Thạch tả cái nhục bị Hạ, Liêu bắt tiến-cống. Em không chú ý nên chẳng thuộc. Vậy chị hãy đọc cho triều đình cùng nghe đi.
Trong ba bà chị Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh, nhà vua sủng ái nhất Thiên-Ninh. Vì khi nhà vua sinh ra, thì hai bà chị Thiên-Thành, Động-Thiên đã hạ-giá (ghi chú: khi công-chúa lấy chồng thì gọi là hạ-giá. Hạ là xuống thấp. Giá là lấy chồng. Nghĩa là tự hạ thấp thân thế cao quý để kết hôn). Còn công chúa Thiên-Ninh thì vẫn ở trong cung. Công chúa luôn bế bồng, dạy dỗ nhà vua. Vì vậy thâm tình chị em không bờ bến.
Nghe nhà vua hỏi, công-chúa Thiên-Ninh đứng dậy:
– Tâu bệ hạ, bài thơ đó tên là Hà-Bắc dân , tả nỗi thống khổ của dân phía Bắc sông Hoàng-hà phải nộp thuế cho nhà vua để cống Liêu, Hạ. Nguyên văn bài thơ như sau:
Ghi chú ,
Trung-quốc có hai con sông lớn. Một là Trường-giang, hai là Hoàng-hà. Hoàng-hà ở phía Bắc, Trường-giang ở phiá Nam. Trường-giang phân chia lãnh thổ cổ của tộc Hán và tộc Việt. Hán ở phía Bắc, Việt ở phía Nam. Ngày nay con sông này phân chia Trung-quốc làm hai, gọi là Giang-bắc, Giang-nam hay còn gọi là Hoa-bắc, Hoa-nam. Sông Hoàng-hà ở phía Bắc. Các tỉnh ở phía Bắc sông Hoàng-hà gọi là Hà-bắc, Nam thì gọi là Hà-nam. Thời Tống, vùng Hà-bắc bị Liêu chiếm.

Hà-bắc dân
Sinh cận nhị biên trường khổ tân,
Gia gia dưỡng tử học canh chức,
Thâu dữ quan gia sự di địch.
Kim niên đại hạn thiên lý xích,
Châu huyện nhưng thôi cấp hà dịch.
Lão tiểu tương y lai tự Nam,
Nam nhân phong niên tự vô thực.
Bi sầu thiên địa bạch nhật hôn,
Lộ bàng quá giả vô nhan sắc.
Nhữ sinh bất cập Trinh-quán trung,
Đẩu túc sổ tiền vô binh nhung.
Dịch:
Dân Hà-Bắc
Sống gần hai biên luôn đắng cay,
Nhà nhà nuôi con học dệt cày.
Để đóng cho quan thờ Di-địch.
Năm nay hạn đỏ ngàn dặm đồng,
Châu huyện còn dục đi phòng sông.
Già trẻ dìu nhau xuống Nam lánh,
Người Nam được mùa vẫn rỗng lòng.
Ngày tối, trời buồn, đất xót xa,
Bên đường nhợt nhạt mặt người qua.
Người sinh chẳng gặp thời Trinh-quán,
Thóc gạo rẻ mạt, không binh qua.

(Trần Trọng-San dịch, trong Thơ Tống, Bắc-Đẩu Canada xuất bản 1991 ).
Linh-Nhân hoàng-thái hậu lắc đầu:
– Cứ xét ý bài thơ này, thì đủ biết tại sao Hy-Ninh với Vương An-Thạch, chúa tôi hợp ý nhau.
– Thái-hậu minh kiến.
Công-chúa Thiên-Thành tiếp: Như trên thần đã tâu, chúa tôi Hy-Ninh muốn gỡ cái nhục hèn nhát thì chỉ có hai đường. Một là quay lên Bắc khai chiến với Liêu. Thắng Liêu rồi, thì phương Tây hai nước Hạ, Thổ phải cúi đầu. Phương Nam, tộc Việt cũng không dám chống. Hai là, chịu nhịn phương Bắc, hòa phương Nam, quay về Tây chiếm Hạ, Thổ; hoặc hòa phương Tây, hướng xuống Nam chiếm các nước tộc Việt. Sau khi hoặc thắng phương Tây, hoặc thắng phương Nam thành công; bấy giờ họ mới có tài nguyên, lương thực, quân số quay lên phương Bắc. Cho nên hơn tháng trước đây, Hy-Ninh họp các đại thần ở tòa Thượng-thư lệnh, Trung-thư lệnh, Khu-mật viện, các đại thần trấn Tây, Nam, Bắc để lấy quyết định. Tất cả chư tướng Tây, Nam, Bắc thùy đều muốn hòa phương Nam, phương Tây, quyết chiến ở phương Bắc. Trong khi các quan tại triều thì lại muốn nhịn phương Bắc, đánh Nam hoặc Tây trước. Hy-Ninh phân vân, hẹn bốn tháng nữa sẽ họp lại và ban chỉ dụ nên đánh phương nào trước.
Công-chúa ngừng lại một lát rồi tâu tiếp:
– Chính vì lẽ đó, thần xin thiết Tinh-triều để đưa ra kế sách ứng phó với tình hình.
Cả triều đình cùng bàn tán phân vân: Đại-Việt phải làm gì, để cho Tống quay lên Bắc, hay hướng về Tây, mà không chỉ xuống Nam!
Sau khi luận bàn, hơn nửa buổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu ban chỉ:
– Đại-Việt ta phải làm cho Tống quay lên Bắc là hơn. Khi Tống-Liêu đại chiến nghiêng ngửa, thì Đại-Việt, Tây-hạ đem quân vượt biên đánh sang. Trường hợp đó, Tống sẽ chia quân chống Tây-hạ, Đại-Việt, không thể thắng Liêu. Thế là bao nhiêu tội trạng thất bại của Hy-Ninh, phe thủ cựu trong triều Tống đổ lên đầu Vương An-Thạch. Bấy giờ dù muốn, dù không; Hy-Ninh đế phải cách chức Vương An-Thạch để yên lòng người. Thạch bị mất chức, thì Tân-pháp cũng tan theo. Tân-pháp tan, thì Tống lại trở về với chính sách thủ cựu, ca tụng Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, không gây chiến nữa.
Một đại thần mình hạc, xương mai, tóc bạc như cước, nhưng mặt đẹp vô cùng bước ra tâu:
– Thần Thái-tử thiếu-phó, lĩnh Hình-bộ tham tri, Khu-mật viện phó sứ, La-sơn hầu Trần Thanh-Hợp kính tâu: xét tình thế Tống, Liêu, Hạ hiện nay, ta nên áp dụng theo chuyện « Thầy kiện ăn hai mâm ».
Linh-Nhân hoàng thái hậu hỏi sẽ công chúa Thiên-Ninh:
– Ninh ơi! Đại thần này xuất thân từ đâu vậy?
– Tâu, ông ấy nguyên gốc người La-sơn, đất Nghệ-tĩnh. Xuất thân là một văn gia. Khi ra Thăng-long học, kết hôn với người vợ làng Thanh-trì, là làng nổi tiếng về bánh cuốn. Hơn bốn mươi năm trước, ông cùng với Mai Cảo, Nguyễn Sĩ-Tính, Thanh Tâm-Toàn, Trần Lam-Lan, Mai Thượng-Tĩnh v.v. lập thành một văn-đoàn lấy tên là Minh-đạo, rất được dân chúng, nhân-sĩ quý mến. Mới đây, ông lại cùng mười một người nữa lập ra nhóm Thanh-luận.
– Giỏi đấy. Cô nhớ ra rồi. Hồi ở ngoài đời, ông ta làm gì?
– Ba mươi năm trước, ông ấy là một thầy kiện có tiếng nói năng hùng hồn. Năm trước đây, đức Thánh-tông nghe tiếng, mời ông ấy làm Hình-bộ thị lang, sau cuộc nổi loạn của Dương gia, vì có công được tân thăng lên làm Hình-bộ tham-tri.
Linh-Nhân nghe Thiên-Ninh tâu, hậu mừng lắm, hỏi:
– Trần tiên sinh, xin tiên sinh giảng cho triều đình biết chuyện « Thầy kiện ăn hai mâm » ra sao?
– Tâu thái-hậu, chuyện này như sau.
« Quách ông ở đầu sông Mã, đi chơi thuyền, bị trượt chân rơi xuống sông chết đuối. Có dân chài họ Lương ở cuối sông vớt được. Họ Quách xin chuộc xác cha, họ Lương đòi năm lượng vàng. Thấy giá quá đắt, họ Quách tìm thầy kiện thưa lên quan. Thầy kiện cười rằng : « Việc gì mà phải kiện, không lẽ nó đem xác chết về làm mắm à? Vài ngày sau ắt nó sẽ lạy mà xin trả ». Thấy họ Quách không xin chuộc xác cha, họ Lương tìm đến thầy kiện, nhờ thầy điều đình để cho đối phương chuộc xác chết dùm. Thầy kiện cười : « Việc gì mà cuống lên! Cứ đòi thực đắt, xác cha nó, không lẽ nó không chuộc? ». Họ Lương lại im lặng, không chịu trả xác Quách ông. Hai ngày sau họ Quách không thấy họ Lương trả xác cha, lại đến thầy kiện hỏi kế. Thầy kiện lại nói như trước... Và cứ thế, thầy ăn mỗi bên đến bốn lần tiền, rồi bấy giờ mới dàn hòa cho hai bên cùng thỏa thuận.
Triều đình nghe lão Trần kể chuyện, đều bật cười.
Tín-Nghĩa vương rời chỗ ngồi cung tay:
– Tâu thái-hậu, tâu bệ-hạ. Kế của Trần tiên sinh rất hay. Đại-Việt ta đóng vai thầy kiện, còn một bên là Liêu, Hạ, một bên là Tống đóng vai họ Quách, họ Lương.
Thái-sư Lý Đạo-Thành hỏi:
– Khải vương gia, từ xưa đến giờ giữa ta với Liêu, Hạ không có qua lại với nhau, nay thình lình ta gửi sứ tới, e họ nghi ngờ chăng?
– Thưa thái-sư. Chúng ta có Động-đình thất kiệt, vốn đã qua lại, rất thân với võ-lâm Tây-hạ. Tuyết-sơn thập anh là người phương Bắc, có rất nhiều đệ tử, bạn hữu trong triều Liêu. Vậy ta nên nhờ các vị này dùng tình bạn, thuyết cho Liêu, Hạ biết rằng: hiện nhờ Tân-pháp, mà Tống trở thành giầu mạnh, như hổ ngồi Trung-nguyên; con hổ dữ này đang rình lân bang; chờ dịp ăn thịt. Ta lại khích họ biết rằng, binh-pháp nói:
« Tiên phát chế nhân, hậu phát chế ư nhân ».
Nghĩa là : trong binh pháp, nếu mình ra tay trước thì mình kiềm chế được đối phương, còn mình ra tay sau thì mình bị đối phương kiềm chế. Bây giờ giữa lúc Tống chưa khởi sự, thì Tây-Hạ, Bắc-Liêu phải đánh Tống trước.
– Liêu, Hạ là những nước trọng Nho học. E rằng xui họ như vậy thì có lý đấy, nhưng các Nho thần sẽ đặt vấn đề rằng ra quân không chính nghĩa. Thần e khó mà thành công.
Nghe Lý Đạo-Thành nói, Tín-Nghĩa vương biết ông già này cũng là một thứ hủ Nho như bọn văn thần nhà Tống. Vương cười:
– Thái-sư nói: Muốn ra binh, thì phải kiếm cớ để có chính nghĩa. Đúng không? Cớ này đối với Liêu, Hạ cũng dễ thôi: Hai nước Liêu, Hạ nên sai sứ yêu sách đòi cắt thêm đất, nộp thêm vàng lụa thực nhiều. Dĩ nhiên Tống đang mạnh, Hy-Ninh, An-Thạch đang muốn gỡ cái nhục của ông cha, thì đời nào hai người này chịu?
Phò-mã Hoàng Kiện hỏi:
– Lỡ ra Hy-Ninh, An-Thạch chịu nhịn cái nhục nhường đất, chịu cống thêm vàng ngọc cho Liêu, Hạ, để rảnh tay đánh xuống Nam thì sao?
Tín-Nghĩa vương suy nghĩ một lúc, rồi tiếp:
– Thưa phò-mã, ta là thầy kiện ăn hai mâm mà. Xúi Hạ, Liêu ta mới ăn một mâm. Bây giờ ta lại xúi Tống không chịu nộp đất, nộp vàng, ngọc; để ta ăn mâm thứ nhì. Hiện ta có nhiều tế-tác bên tống. Ta lại có Côi-sơn tam-anh, từng làm đại thần Tống, quen biết hầu hết với nhân sĩ, võ lâm. Ta nhờ Tam-anh hối lộ cho bọn tham quan Tống, luận bàn nhất định không chịu yêu sách của Liêu, Hạ. Nhận tức là nhục thể diện Thiên triều... Như vậy là hai bên sẽ có chiến tranh. Khi hai bên có chiến tranh, thì sự việc sẽ diễn ra như Thái-hậu ban chỉ lúc nãy.
Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Kế của hoàng-thúc với Trần tiên sinh thực thần diệu. Đây là cuộc đấu trí, biện thuyết, chứ không thể dùng võ công. Trong ba đoàn đi, mỗi đoàn cần có người biện thuyết, mưu cơ. Vậy thì thế này: Tuyết-sơn thập anh tuy võ công cao cường thực, nhưng các vị ấy lại không nắm vững tình hình Việt, không giỏi biện thuyết. Trần tiên sinh nên đi cùng để làm quân sư cho họ. Côi-sơn tam anh, trí dũng tuyệt vời, kiến thức bao la thì không cần cố vấn. Còn Động-đình thất kiệt đã có Từ Bá-Tường từng là tiến-sĩ xuất thân, mưu trí tuyệt vời, thì không cần cố vấn.
Hậu tuyên chỉ cho thái-sư Lý Đạo-Thành:
– Thái-sư xuất công-khố; trao vàng, ngọc cho ba phái đoàn. Ta không nên tiếc của trong trường hợp này. Thà rằng ta mất của, mà tránh được chiến tranh, còn hơn sau này có chiến tranh. Khi có chiến tranh, thì không những của mất gấp bội, mà đất nước điêu linh, người chết như rạ.
Cuộc chuẩn bị cho ba đoàn mật sứ lên đường phải mất hai tuần mới xong. Khu-mật viện Bắc-biên, Khu-mật viện Đại-Việt thuyết trình cho các sứ giả biết rõ những chức quan trong ba triều đình Tống, Liêu, Hạ: Về xuất-thân, về tính-tình, về gia-cảnh rất chi tiết. Cả ba phái đoàn đều được cấp điệp là lái buôn tơ lụa. Mỗi phái đoàn còn đem theo một ưng binh với hai cặp Thần-ưng để thông tin. Cuối cùng Linh-Nhân hoàng thái hậu đãi tiệc ba phái đoàn tại điện Long-hoa. Trong tiệc, ngoài nhà vua ra, còn có Tín-Nghĩa vương tổng trấn Nam thùy, Trung-Thành vương quản Khu-mật viện, Đại-tư-mã Thường-Kiệt, Thái-úy phò-mã Hoàng Kiện, công-chúa Thiên-Ninh, Long-thành ẩn-sĩ Tôn-Đản và phu nhân, các đô-thống chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh.
Tiệc vừa tàn, Linh-Nhân hoàng thái hậu ghé miệng vào tai Thái-Ninh hoàng đế thì thầm nhỏ mấy câu. Hoàng-đế đứng dậy nói:
– Trẫm trẻ người non dạ, mà phải gánh vác trọng trách, lắm lúc nghĩ lại thấy kinh sợ. Nhưng dù sao cũng có các khanh phò tá. Mong rằng liệt tổ Đại-Việt phù hộ cho các khanh. Trẫm cũng...
Bỗng ầm một tiếng, cửa sổ phiá Nam bật tung ra, khiến gió lạnh lùa tới như cơn lốc, rồi một vật trắng bay vào trong sảnh đường. Vật đó rơi trước Trung-Thành vương và Đại-tư-mã Lý-thường-Kiệt. Hai người cùng phát một chưởng gạt vật đó. Nhưng cả hai đều gạt hụt, vì vật đó đổi chiều rồi rơi nhẹ nhàng trên bàn tiệc của Thái-sư Lý Đạo-Thành với quan Hình-bộ thượng thư Hoàng Khắc-Dụng. Mọi người nhìn lại, thì ra một cái túi vải lớn.
Quan Tổng-lĩnh, phó tổng-lĩnh thị-vệ Hùng Trí, Hùng Tín cùng tung mình ra cửa sổ quan sát, thì thấy ba thị vệ canh phòng phía Nam cung Long-hoa đứng như trời trồng. Rõ ràng họ bị điểm huyệt. Hùng Tín giải huyệt cho chúng, rồi hỏi:
– Cái gì vậy?
Một thị-vệ run run đáp:
– Tiểu nhân đang đứng, bỗng bị người ta vuốt vào cổ một cái rồi không cử động được. Nhưng tiểu hân cũng nhận ra đó là một nhà sư, mặt lạnh như người chết. Xin đại nhân thứ tội.
Hùng Trí, Hùng Tín vội trở vào sảnh đường, rồi mở cái túi ra. Bất giác mọi người đều bật lên tiếng ồ kinh ngạc. Nguyên trong cái chứa hai người bị trói tròn như khúc giò. Lối trói rất đặc biệt: Lưng hai người quay vào nhau. Tay phải, chân phải người nọ, buộc vào tay trái, chân trái người kia. Trong hai người, một người là Đô-thống Trần Thanh-Nhiên, một người là Phạm Anh, Kinh-lược An-vũ sứ Kinh-Bắc. Miệng mỗi người đều ngậm một cái đùi chó thui lóc hết thịt chỉ còn xương. Triều thần đều bật lên tiếng kêu:
– Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng.
Thần-vũ ngũ-hùng cùng đến trước nhà vua tạ tội vì đề phòng không cẩn mật, để Mộc-tồn hòa thượng hí-lộng quỷ thần. Linh-Nhân hoàng thái hậu bật cười:
– Ngũ vị sư-huynh an tâm. Mộc-tồn bồ-tát chẳng là tôn-sư của ngũ vị đấy ư? Ngài cũng là sư bá của cô-phụ này... Hừ! Khi ngài đã ra tay thì có trời mà đề phòng. Này ngũ vị sư huynh, tỷ như ngài công khai mang cái túi này vào đây, liệu ngũ-vị sư huynh có dám cản trở không? Ngay cô-phụ này tuy là thái-hậu, nhưng cũng chẳng cản nổi đấy.
Trung-Thành vương biết rằng: Phạm Anh là con rể của Dương Đạo-Gia. trong dịp binh biến vừa rồi, y không ra mặt tham dự, nên sau đó triều thần luận tội, y được tha. Bây giờ chắc y phạm tội gì nặng lắm, nên Mộc-Tồn hòa thượng mới ném vào đây. Vương nghĩ: Ta nhân dịp này, xin triều đình xử thực nhẹ y, để ngài giết quách y đi cho rồi.
Thấy Đinh Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh đứng chầu hầu phía sau Linh-Nhân hoàng thái hậu, vương đưa mắt cho chúng:
– Các em đem hai người ra ngoài thẩm vấn, rồi vào tâu với hoàng-thượng.
Nhưng khi Phương-Quỳnh vừa lật Thanh-Nhiên lên, thì thấy trước ngực y có một cái ống tre khá lớn. Nàng mở ống ra, thì bên trong có đến hai ba cái trục giấy. Nàng khom mình trao cho Trung-Thành vương. Vương mở trục thứ nhất ra, đó là một bản văn kiềm ấn của Thượng-Dương hoàng-thái hậu. Nội dung bản văn, kể rất chi tiết kế hoạch đối phó với Tống, mà triều đình mới nghị hôm trước. Bản văn thứ nhì là một tờ cung khai của bà Minh-Giang, mẹ Linh-Nhân hoàng thái hậu. Bản thứ ba là tờ giấy từ Minh-Can của ông Lê Văn-Thiết. Ngoài ra còn mấy tờ giấy nữa, đa số là thư tín của Thượng-Dương thái hậu gửi cho Trần Thanh-Nhiên, và biểu của Nhiên tâu lên bà.
Nguyên trước đây, sau cuộc Nam chinh Trần Thanh-Nhiên bị cách chức đô-thống, đáng lẽ bị xử tử. Nhưng nhờ dịp ân-xá, nên cái chức đô-thống được phục hồi, y được đưa về Khu-mật viện phụ trách việc theo dõi những mầm mống phản loạn trong giới bút mặc văn-chương. Không hiểu y đã làm gì, để Mộc-Tồn hòa thượng bắt được, đem vào đây. Mọi người đều chú mục chờ Trung-Thành vương đọc những trục giấy. Mỗi nét mặt của vương, đều khiến họ thắc mắc, lo âu không ít. Khi thì vương chau mày, khi thì vương mở to mắt, khi thì vương lắc đầu. Đọc xong, vương bảo Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh:
– Các em trình lên Thái-hậu.
Phương-Quỳnh tiếp tập giấy cúi đầu trình lên thái-hậu. Hậu phán:
– Hai em đọc lên để triều đình cùng nghe.
Đại cương các bản cung từ có thể tóm lược như sau:
« ... Sau khi dẹp được cuộc phản loạn của họ Dương việc cướp ngôi vua, triều thần nghị: Dương Đạo-Gia phạm bẩy mươi hai tội, trong đó có sáu tội thuộc thập ác. Thượng-Dương thái hậu phạm năm tội trong thập ác và bốn mươi lăm tội khác. Quần thần lấy sự việc trong Bắc sử ra để làm căn cứ cho việc xử tội. Đầu tiên là vụ Lã hậu chuyên quyền, giết tôn thất, mưu cướp ngôi của triều Tây-Hán. Thứ đến vụ Vũ hậu chuyên quyền cướp ngôi nhà Đường. Bản án họ Dương được đưa ra là, tru di tam tộc. Như vậy Dương thái hậu cũng bị tử hình. Nhưng nhờ di chiếu của Quốc-phụ, nên Dương hậu thoát chết. Nhà vua ân giảm án cho Dương gia không bị tru di tam tộc, mà chỉ bị giết cả nhà. Mà cả nhà Dương Đạo-Gia đã bị Mộc-tồn hòa thượng giết chết một số, một số khác khi công-chúa Kim-Thành xua quân chiếm cung Thượng-Dương giết nữa. Chỉ có một người con duy nhất của Dương Đạo-Gia trốn sang Trung-nguyên thoát chết. Thành ra không có ai bị hành hình.
... Dương thái hậu cho rằng triều đình không dám động đến bà, bà quyết « trả thù » bằng đủ mọi cách để diệt triều Lý, nhất là giết Linh-Nhân hoàng-thái hậu. Hậu dùng thân mẫu của Linh-Nhân là Minh-Giang, em của Linh-Nhân là Minh-Can, nô bộc là mụ Sửu để liên lạc với một số quan lại bất mãn, để thu thập tin tức, rồi báo cho triều Tống biết. Trần Thanh-Nhiên là một trong bọn quan đó.
... Sau cuộc triều nghị mấy tuần trước bàn về quốc-kế đối phó với Tống, Liêu, Hạ thì thái-sư Lý Đạo-Thành đến cung Thượng-Dương tâu với Dương thái hậu. Dương thái hậu sai bà Minh-Giang với Minh-Can cùng mụ Sửu chuyển cho bọn dư đảng của trường Trung-nghĩa đem qua biên giới. Nhưng tất cả sự việc đó, đều bị Mộc-tồn hoà thượng biết được.
... Trong khi bà Thiết (Minh-Giang) với Minh-Can luận bàn với Dương hậu, vô tình họ để lộ ra một tin tầy trời về thời thơ ấu của Linh-Nhân hoàng thái hậu như sau: Hồi mới lớn, ông Lê Văn-Thiết được bố mẹ cưới cho một người vợ tên là Vũ-thị Tỉnh. Bà Tỉnh rất ôn nhu văn nhã, nhưng là người ở quê. Sau hơn hai năm bà không có con. Song thân ông hỏi một cô gái khác cho ông, cô này tên Minh-Giang. Minh-Giang vốn là gái kẻ chợ, rất khôn ngoan, nên được lòng cha mẹ chồng. Cả nhà hy vọng Minh-Giang sẽ sinh con trai cho có người nối dõi tông đường. Trớ trêu thay, khi cưới Minh-Giang được hơn ba tháng sau, bà Tỉnh mang thai. Minh-Giang kinh hoảng, cũng vội tuyên bố rằng mình mang thai. Giữa lúc đó song thân ông Thiết qua đời. Đến khi bà Tỉnh sắp đến ngày sinh; Minh-Giang đem tiền bạc đút lót với Trung-nghĩa đại tướng quân Trịnh Quang-Thạch, để xin tìm kế giúp đỡ. Thạch thiết kế: Y sẽ gọi ông Thiết tới dinh, sai ông lên Bắc-cương biếu quà cho Ngũ-long công chúa. Như vậy cuộc hành trình sẽ phải hơn tháng. Ở nhà bà Tỉnh sinh con rồi, y sẽ sai người bóp cổ bà cho chết, rồi đem chôn ở khu đồng hoang. Còn đứa con, thì trao cho Minh-Giang nuôi, dối rằng con đó do thị sinh ra. Đối với bà mụ đỡ đẻ, y đe dọa, mua chuộc. Y cho bà ít tiền, bắt bà phải khai rằng bà đỡ đẻ cho Minh-Giang, sinh ra đứa con. Cũng chính bà đỡ đẻ cho bà vợ cả của ông Thiết, bà này sinh ra đứa con hoang không giống ông một tý nào cả, vì vậy bà ta ôm con trốn đi mất.
... Kế ấy thi hành thực hoàn hảo. Khi ông Thiết trở về nghe chính Trịnh Quang-Thạch kể rằng vợ ông trốn đi, thì hỏi sao ông không tin? Đứa trẻ bất hạnh sinh ra đó là Minh-Đệ. Hóa cho nên suốt cuộc đời bà Minh-Giang thù ghét nàng tận xương. Sau khi Minh-Giang đẻ giả, hai năm sau bà đẻ thực, đứa con gái đầu lòng đó là Minh-Can.
... Khi biết được tin động trời này, Mộc-tồn hòa thượng sai đệ tử về làng Siêu-loại báo cho ông Thiết biết. Ông vội theo dấu chỉ dẫn ra chỗ đồng hoang chôn bà Vũ-thị Tỉnh đào lên, thì quả có bộ xương đàn bà. Nhờ quần áo mặc trên người chưa nát hết, ông nhận ra đó là hài cốt của bà vợ khốn nạn. Vụ án bí ẩn ba mươi năm qua, bây giờ mới ra ánh sáng. Ông Thiết dùng gỗ trầm, cải tảng thi hài cho người xấu số, làm chay giải oan, rồi xây mộ thực lớn ».
Tiếng Phương-Quỳnh trong, ngọt như cam thảo, nhưng mỗi giòng, mỗi đoạn nàng đọc, cùng khiến cho triều đình kinh hồn lạc phách. Nghe Phương-Quỳnh đọc hết bản cung từ do Mộc-tồn hoà thượng thẩm vấn Dương hậu, bà Minh-Giang, Minh-Can, mà chân tay Linh-Nhân hoàng thái-hậu phát run. Nghĩ đến mẹ mình chết oan uổng, ấm ức bao nhiêu năm qua; nghĩ đến Minh-Giang, Minh-Can tàn ác với mình rồi đi đến phản quốc; bất giác hậu nghiến răng kèn kẹt, nước mắt tràn ra trên hai gò má.
Trong ống tre, Mộc-tồn hoà thượng còn đính kèm một thư của ông Thiết viết cho hậu, kể hết sự tình dấu diếm bấy lâu nay. Ông khẩn khoản nhờ hậu tìm mọi cách xin triều đình ân xá cho bà Minh-Giang với Minh-Can.
Thái-Ninh hoàng đế thấy mẫu thân khóc, long tâm nhũn ra. Nhà vua hỏi quan Thái-phó Quách Sĩ-An (thầy đồ Thái):
– Thưa thầy, trong các đại thần hiện diện, thầy là người duy nhất biết rõ mẫu-hậu từ khi còn thơ ấu. Sự thể đã đến nỗi này, xin thầy dậy cho trẫm biết đạo lý hành xử.
Từ hồi nhà vua bốn tuổi, sau khi bàn luận với Ỷ-Lan thần phi, phụ hoàng Thánh-tông đã chọn hai đại thần Quách Sĩ-An, Lý Kế-Nguyên làm thầy dậy văn; và Côi-sơn tam-anh làm thầy dậy võ. Luật triều Lý định rằng: Khi một tân quân lên ngôi vua, thì thầy dậy văn đương nhiên được phong làm Thái-phó. Khi thiết triều Thái-phó được ngồi cạnh nhà vua. Khi tâu không phải xưng tên, chức tước.
Sau khi dẹp loạn Dương gia, dù đã có mẫu hậu thính chính, quyết định chính sách, nhưng hàng ngày hai đại thần Quách, Lý thay nhau dạy nhà vua học, cùng cố vấn giải quyết những vấn đề khó khăn. Hôm nay được nhà vua hỏi, Quách Sĩ-An tâu:
– Tâu bệ-hạ, trước đậy Dương gia làm loạn, tuy chủ mưu là Dương Đạo-Gia, nhưng thực sự việc phản dân, hại nứớc này do Thượng-Dương thái hậu chủ xướng, tội phải lăng trì. Nhưng tự cổ đến giờ, Đại-Việt ta chưa hề gia hình tới thái-hậu. Vậy thần kính xin bệ-hạ thân đem tất cả những bằng chứng này tới cung Thượng-Dương yết kiến thái-hậu, để người tự xử thì hay hơn. Còn tất cả tòng phạm, chính phạm, xin đem tận số xử lăng trì. Gia thuộc, nếu là nam, tuổi từ mười ba trở lên bắt xung quân trọn đời; nếu là nữ thì đem chia cho binh lính biên cương giải phiền trong lúc xa nhà.
Ngự-sử đại phu Hoàng Khắc-Dụng quay lại hỏi Thái-sư Lý Đạo-Thành:
– Thái-sư thờ đã bốn triều vua, công lao thực không nhỏ. Nhưng tôi lĩnh chức Ngự-sử, nên bắt buộc phải hỏi Thái-sư ít câu. Căn cứ vào đâu mà khi đức Thánh-tông băng hà, Thái-sư lại để Dương thái hậu thính chính?
Lý Đạo-Thành cau mặt, vì quan giai, Khắc-Dụng nhỏ hơn ông rất xa. Nhưng chợt ông nghĩ lại: Khắc-Dụng là Ngự-sử đại-phu, nên ông miễn cưỡng đáp hời hợt:
– Một là tôi căn cứ vào di chiếu của tiên-đế. Hai là tôi căn cứ vào đạo-lý. Trong lịch sử Hoa, Việt, khi vua băng hà, mà ấu quân kế vị, thì đích mẫu là hoàng-hậu đương nhiên buông rèm thính chính. Gần đây nhất, khi vua Chân-Tông bên Tống băng, thì Lưu thái hậu thính chính, vì bà là đích mẫu.
Khắc-Dụng hỏi gằn:
– Thái-sư là quan cao nhất triều, thay Thiên tử, thống bách quan, bình thứ chính. Đúng ra, khi Hoàng-thượng lên ngôi, sau khi tôn miếu hiệu tiên-đế, ban chế tôn Dương hậu làm Thượng-Dương thái hậu... thì phải tôn phong Thần-phi ngay mới phải. Thế tại sao mãi mấy ngày sau Thái-sư mới cho ban chế tôn người làm Hoàng-thái phi? Lại không sai sứ đi đón Thái-phi về chịu tang?
– Tôi... tôi bận quá nên sơ sót.
– Thái-sư trả lời không thành thực. Vì rõ ràng sau khi vua Thánh-tông băng, Dương hậu sai đóng tất cả cửa thành, cửa cung, rồi mới triệu đại thần vào đọc di chiếu. Di chiếu đó do chính Thái-sư đọc. Vậy di chiếu đó do ai soạn, do ai viết? Có được đức Thánh-tông kiềm thự không?
Mặt Lý Đạo-Thành tái xanh, ông trả lời ấp úng:
– Chiếu đó do tôi soạn rồi trình lên cho đức Thánh-tông. Nhưng ngài không ký ngay. Theo Dương thái hậu, thì ngài ký trước khi băng hà chỉ có một giờ. Thành ra lúc ngài ký chỉ có Dương thái hậu biết mà thôi.
Hoàng Khắc-Dụng đem cái hộp bằng vàng ra, rồi mở nắp trưng cho mọi người thấy:
– Đây! Chữ ký này không phải của đức Thánh-tông, mà do một người khác nhái theo, thành ra không giống. Thái-sư có thấy như vậy không?
– Hôm ấy nghe tiên-đế băng, lòng tôi đau như dao cắt, thành ra có chỗ sơ sót.
– Tôi không tin. Bất cứ ai cũng có thể sơ sót, nhưng đối với Thái-sư thì không thể. Một là Thái-sư chầu hầu bên ngài đến mấy chục năm liền; thì hẳn biết rõ bút tự, chữ ký của ngài. Hai là xưa nay Thái-sư vốn cẩn thận tỷ mỉ, nay di chiếu là điều cực kỳ quan trong thì không thể có việc sơ sót. Ba là, phàm khi đọc di chiếu, phải trưng ra cho tất cả các quan đều xem. Thế sao hôm ấy Thái-sư đọc xong là cất đi ngay. Tôi muốn Thái-sư nói thực đi, may ra Hoàng-thượng cứu mệnh cho Thái-sư với cả nhà. Bằng như thái-sư muốn che dấu, tôi e khi Mộc-tồn hòa thượng ra tay, thì vợ con, gia thuộc Thái-sư bị giết chết đã đành, mà đến con chó, con mèo cũng không sống sót đâu.
Lý Đạo-Thành oà lên khóc, ông hướng Linh-Nhân hoàng thái hậu:
– Thần quả có tội, xin Thái-hậu cho được chết toàn thây, còn vợ con, gia thuộc, mong Thái-hậu chu toàn cho.
– Cô phụ này tuy là Thái-hậu, nhưng chỉ là một sư điệt của Mộc-tồn hòa thượng thì làm sao mà cản được người? Không biết tiên-nương Bảo-Hòa, Thiếu-Mai ở đâu, phải thỉnh hai vị về mới cứu được Thái-sư và gia thuộc.
– Tâu Thái-hậu, thần có cách cứu Thái-sư.
Âu Hoàng tâu: Sư phụ thần cực kỳ yêu thương Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương với Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt. Vậy bây giờ chưa tìm được hai tiên-nương, thì chỉ cần mười bốn vị này cùng viết sớ xin cho Thái-sư được hưởng án treo. Mặt khác Hoàng-thượng ban chỉ phạt Thái-sư về tội bất cẩn. Như vậy thì sư phụ thần sẽ không thi hành án ngay. Trong thời gian đó, triều sai sứ đi thỉnh nhị vị tiên-nương.
Mười bốn người vội cùng nhau viết một tờ sớ, rồi cùng ký vào, dâng lên cho nhà vua xem. Công-chúa Thiên-Ninh dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai nhà vua. Nghe chị mở lời, lập tức nhà vua tuyên chỉ:
– Xét kỹ ra, Thái-sư niên kỷ đã cao, nên có chỗ lầm lẫn. Vậy giáng xuống làm Tả gián-nghị đại-phu, lĩnh chức tổng-trấn Nghệ-an. Hai châu Bố-chính, Ma-linh của Chiêm nhập vào Việt đã ba năm, mầm mống chống đối không còn, chẳng nên để trọng binh ở đó; cũng không cần đại tướng trấn ngự, mà cần quan văn phủ dụ, tổ chức cai trị. Vậy Trung-Thành vương trở về lĩnh Tổng-trấn Thăng-long, quản Khu-mật viện. Tín-Nghĩa vương Tổng lĩnh Thiên-tử binh. Thái-sư lĩnh thêm chức Phủ-viễn đại-thần, để tổ chức cai trị hai vùng Ma-linh, Bố-chính.
Triều thần kinh ngạc đến ngẩn người ra, rồi tự hỏi: Ông vua bẩy tuổi này sao mà sáng suốt vậy? Không lẽ Khai-Quốc vương nhập vào ngài?
Thấy Linh-Nhân hoàng thái hậu gật đầu tỏ ý tán thành chỉ dụ của Thái-Ninh đế. Quách Sĩ-An tiếp:
– Còn bà Minh-Giang với Minh-Can, ngoài tội phản dân, hại nước ra, lại can tội sát nhân. Đúng ra hai người này nằm trong Bát-nghị, nhưng cái tội phản quốc là một trong tội Thập-ác thì không thể được hưởng. Xin đem hai người này xử lăng trì để nêu chính pháp.
Nhà vua lắc đầu:
– Thầy luận thực sáng như trăng rằm. Nhưng thưa thầy, ngoại tổ của trẫm có viết thư xin mẫu hậu ân xá cho hai người đó, thì trẫm phải làm sao bây giờ?
– Tâu bệ-hạ.
Quan ngự sử đại phu Hoàng Khắc-Dụng cung tay: Làng có lệ, nước có luật. Huống hồ bộ Hình-thư đã được soạn vào thời đức Thái-tổ, được đức Thái-tông tu bổ, đặt trên căn bản nhân-trị của Nho-gia, từ bi hỉ xả của Phật-gia. Hai can phạm Minh-Giang, Minh-Can là hai con mãng xà hung ác đến tận cùng, triều đình đã ân xá mấy phen, mà chúng còn tái phạm, như vậy tỏ ra chúng không coi phép nước ra gì cả. Xin bệ-hạ cứ chiếu luật xử, không thể khoan hồng.
Triều đình cùng luận bàn, nhưng không giải quyết được. Giữa lúc đó, một viên quan Khu-mật viện vào trình tấu chương khẩn của phủ thừa Thăng-long.
Thái-phó Quách Sĩ-An đọc qua, rồi tâu:
– Quan phủ-thừa Thăng-long thượng biểu tâu về một sự quái lạ xẩy ra ở ngoại thành. Từ hai ngày hôm nay, chỗ tượng bà Banh có ba người đàn bà mắt bị mù, miệng bị câm, cụt hai bàn tay, hai tai với mũi bị xẻo, lê lết ăn xin. Thế nhưng không biết lý lịch ra sao.
Rồi ông trình tờ biểu lên cho nhà vua. Thái-Ninh đế hỏi triều thần:
– Bà Banh là ai? Tại sao lại có tượng?
Triều đình đều ngơ ngác lắc đầu. Duy Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt đều nhìn nhau cười mà không phải cười, trong khi nét mặt trông rầt kỳ khôi. Trung-Thành vương hỏi:
– Các đô-thống chắc biết rõ chuyện bà Banh, vậy hãy tâu lên hoàng-thượng.
Đô-thống Phạm Dật cung tay:
– Tâu bệ-hạ, Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt trước đây từng đi ăn xin lê lết khắp Thăng-long, nên đã nghe biết chuyện bà Banh. Nhưng không dám tâu, sợ phạm tội bất kính.
Linh-Nhân hoàng thái hậu chỉ Lý Đoan:
– Lý đô-thống, hãy tâu chuyện bà Banh lên hoàng-thượng, dù chuyện đó thô tục đến đâu chăng nữa.
Lý Đoan bước ra:
– Tâu bệ-hạ, vào thời Thuận-Thiên, ở làng Yến-vĩ sương-sen có một mụ họ Đặng tên Anh, sau lấy chồng là y-sư Trần Tấn-Khang nên đương thời người ta thường gọi mụ là Anh-Trần. Mụ đi theo Hồng-thiết giáo, mở hội Vu-sơn, trai gái giao hoan tập thể cực kỳ đồi phong bại tục. Mụ hủ hóa với cả con rể, với cả chó, đười ươi. Mụ thu nhận nhiều đệ tử, trong đó có tên Nguyễn Quý-Toàn, Đặng Đức-Cần. Tên Cần này mắt cá chuối, đầu như đầu bò liếm, nên còn gọi là Cần mắt cá quả. Sau tên Cần bị đại hiệp Thông-Mai giết cả nhà. Còn tên Toàn, thì tuy ngu đần, dốt nát, nhưng có bà vợ xinh đẹp, buôn bán giỏi giang tên Phượng-Anh. Thế nhưng y lại bỏ vợ theo mụ điếm già Anh-Trần, tôn mụ làm sư mẫu. Đại hiệp Thông-Mai bắt y chui đầu qua háng bà vợ mười vạn lần, mỗi ngày phải uống ba bát nước tiểu, ăn một bát phẩn, bắt quỳ gối ở đầu làng, ai đi qua cũng phải nhổ nước miếng vào mặt. Sau trận đánh Yến-vĩ sương sen, tiên-nương Bảo-Hòa truyền đem mụ Anh-Trần với tên Quý-Toàn ra tùng xẻo. Đại-hiệp Thông-Mai sai người tạc tượng con mụ Anh-Tần theo tư thế trần truồng, dạng hai chân ra, đầu nghẹo sang một bên, hai tay banh « cái nớ », cổ đeo ngọc. Dưới chân tượng để một cái chầy đá. Từ đấy ai đi qua cũng cầm chầy thọi vào « cái nớ », rồi nhổ nước bọt vào mặt pho tượng. Lâu ngày dân chúng không nhớ cái tên Đặng Anh-Trần, mới nhân tượng « banh » mà gọi là bà Banh.
Ghi chú ,
Chuyện dâm đãng cùng cực của mụ Đặng Anh-Trần, xin xem Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-thiên di sử, Anh-hùng Bắc-cương và Anh-linh thần võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ. Pho tượng này vào thời Lê vẫn còn. Bằng cớ là Nguyễn Quỳnh tức trạng Quỳnh (sinh ngày 1 tháng 10 niên hiệu Vĩnh-trị thứ nhì, DL 26-10-1677) mất ngày 26 tháng Giêng năm Mậu-Thìn, niên hiệu Cảnh-hưng thứ 9 (26-2-1748), ông thấy dân chúng tin dị đoan, thường cúng vái bà Banh. Trạng ngứa mắt, có đề một bài thơ lên tượng; tượng toát mồ hôi ra, rồi từ đấy hết thiêng. Bài thơ như sau:
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây,
Khen ai đẽo đá tạc nên mày?
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt,
Dưới chân đứng chéo một đôi giầy.
Cởi váy, phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Để đồ bốc gạo thử thanh thầy.
Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi ở đám quân này?


Khéo đứng, nói lái đi thành đứng đéo.
Đẽo đá, nói lái đi thành đã đéo.
Đếm đeo, nói lái đi thành đéo đêm.
Đứng chéo, nói lái đi thành đéo đứng.

Trung-Thành vương bảo Đinh Hoàng-Nghi:
– Sư đệ với Phương-Quỳnh ra quan sát sự thể rồi vào đây tâu lại.
Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh đi một lát rồi trở lại tâu:
– Tâu, ba người đàn bà đó, trên cổ đều có đeo cái xương đầu lâu chó.
Mọi người đều bật lên tiếng kêu:
– Mộc-tồn vọng thê hoà thượng!
Phương-Quỳnh tiếp:
– Cả ba đã bị Mộc-tồn đại sư dùng thuốc trấn vào kinh mạch khiến cho mắt mù, lưỡi cứng như cá khô, nói không được. Ngài lại cắt cụt hai bàn tay của họ, khiến khi ăn họ phải xốc như chó, như lợn.
Huynh trưởng Thần-vũ thập anh là Hùng Nhân tâu:
– Thỉnh Thái-hậu với hoàng-thượng minh kiến, xưa nay sư phụ của hạ thần đã trừng phạt tội nhân nào, thì những kẻ đó không bao giờ bị xử oan ức cả. Chắc ba người này phạm trọng tội ghê lắm, mà triều đình và các quan ân xá, nên người mới ra tay.
Dù sao cũng còn tính trẻ con, nhà vua hỏi:
– Đinh đô-thống có tìm ra lý lịch ba người đàn bà đó không?
– Tâu bệ-hạ, hạ thần biết rất kỹ về ba người này. Họ không phải ai đâu xa lạ, một người là bà Minh-Giang dì ghẻ của thái-hậu, một người là ả Minh-Can em thái-hậu, một người là mụ Sửu người ở cũ nhà thái-hậu. Chính phủ-thừa Thăng-long biết rằng ba người này bị Mộc-tồn hòa thượng trừng phạt, nên không ai dám di chuyển họ đi.
Thế là triều đình bỏ qua vụ xử hay không xử Minh-Giang, Minh-Can. Linh-Nhân hoàng thái hậu ban chỉ:
– Bây giờ phiền sư huynh Đại-tư-mã Thường-Kiệt với Thần-vũ thập anh hộ giá Hoàng-thượng sang cung Thượng-Dương, trao tất cả hồ sơ nội vụ, để Thượng-Dương thái hậu tự xử.
Bỗng Hoàng-môn quan vào tâu:
– Tâu bệ-hạ có một người đàn ông, một người đàn bà cỡi ngựa, với mươi tùy tùng xin vào yết kiến bệ-hạ.
Nhà vua hỏi:
– Họ có xưng tên không?
– Tâu, họ trao cho thần hai thanh kiếm, rồi nói rằng : « Chủ hai thanh kiếm xin cầu kiến » .
– Đem kiếm vào đây.
Hoàng-môn quan dâng hai thanh kiếm, vỏ dát ngọc sáng ngời. Lý Thường-Kiệt tiếp kiếm rút ra khỏi vỏ, bất giác mặt ông trở thành nghiêm trọng, trong lòng hân hoan không bút nào tả siết, rồi nói bằng giọng cực kỳ kính trọng:
– Tâu bệ-hạ, họ chính... chính là Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu.
Nhắc để độc giả nhớ: Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai và công chúa Huệ-Nhu được võ lâm Hoa-Kiệt gọi là Ưng-sơn song hiệp. Suốt bốn mươi năm qua, hai vị khi thì trấn thủ biên giới Hoa-Việt, khi thì đánh Tây-Hạ, khi thì đánh Liêu; vương là người dùng binh giỏi nhất Hoa-Việt, võ công cao siêu không biết đâu mà lường. Hai vị lại có tai mắt đệ tử khắp nơi, chuyên xử tử bọn quan lại nhũng lạm, bọn gian thần tặc tử, bọn chủ trương chia rẽ tình Hoa-Việt. Vì vậy ngay vua Tống như Nhân-Tông, vua Việt như Thái-tông, Thánh-tông... mỗi khi nghe đến tên vương cũng cảm thấy lạnh gáy. Vương hiện được phong Thái-sư thượng-phụ, Kinh-Nam vương, cao hơn tước Giao-chỉ quận vương của Thái-Ninh đế nhiều. Vì vậy, nghe Thường-Kiệt tâu, Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Tất cả chúng ta phải ra nghênh đón vương.
Tới cửa Đại-hưng, Linh-Nhân hoàng thái hậu hô:
– Cô phụ Lê-thị Yến-Loan, vương nhi Càn-Đức cùng bách quan tham kiến đại vương và công chúa điện hạ. Bọn thần không biết đại vương với điện hạ giá lâm để đón, mong đại đức ân xá.
Kinh-Nam vương đáp lễ, rồi cười:
– Dù tôi có làm quan lớn đến đâu, thì cũng chỉ là một con dân Đại-Việt. Tôi về thăm quê với tư cách là người Việt, chứ không phải ông vua. Không dám nhọc ngọc thể Thái-hậu với Hoàng-thượng nghênh đón.
Thoáng trông thấy Tôn-Đản, vương tung mình nhảy đến bên ông, rồi cả hai ôm lấy nhau, nước mắt cùng dàn dụa. Tôn Đản nói trong nước mắt:
– Chú Sáu, anh nhớ chú qua. Chúng ta xa nhau, thoáng một cái mà đã bốn mươi bốn năm.
– Em cũng nhớ anh Năm muốn mờ con mắt.
Thấy Côi-sơn tam anh, vương chạy lại cung tay:
– Tiểu đệ xin tham kiến đại, nhị, tam sư huynh.
Giữa lúc mọi người đang chào mừng Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu, chưa ai kịp hỏi tại sao đường xa diệu vợi, quân vụ khẩn cấp mà hai vị lại trở về Đại-Việt như thế này... thì thấy khói bốc lên mờ mịt ở trong Hoàng-thành. Một thị-vệ phi ngựa ra tâu với nhà vua:
– Tâu bệ-hạ, cung Thượng-Dương bỗng bốc cháy bốn bề một lúc. Không biết ai tẩm dầu, để lưu huỳnh khắp cung, nên lửa vừa bốc lên là cháy lớn. Hiện thị-vệ đang chữa cháy, nhưng e không kịp.
Tuy cung Thượng-Dương cháy, nhưng mọi người vẫn không chú ý, mà cùng nhau tiếp đãi Kinh-Nam vương. Tới điện Càn-nguyên, Linh-Nhân hoàng thái hậu có ý để vương ngồi cao hơn Thái-Ninh đế, công chúa Huệ-Nhu ngồi trên bà. Nhưng vương tự kéo ghế mình ngang với nhà vua; công chúa kéo ghế ngang với thái-hậu. Thường-Kiệt nguyên là con của Ngô An-Ngữ, sư huynh của vương, trước đây vương thương yêu ông cùng cực, vì vậy ông đứng ra giới thiệu từng quan chức hiện diện với vương.
Vương đưa mắt nhìn Trung-Thành vương Hoằng-Chân, Tín-Nghĩa vương Chiêu-Văn, rồi vẫy tay gọi hai vị lại gần. Vương nắm tay hai cháu:
– Cậu thực có lỗi với mẹ cháu. Ai đời, hai cháu sinh lúc nào cậu không hay, lớn lúc nào cậu không biết. Nay hai cháu đã thành đại thần, cậu mới thấy mặt. Trận đánh Chiêm vừa rồi, hai cháu thực xứng đáng là cháu của cậu.
Công-chúa Huệ-Nhu vẫy gọi vương phi Trinh-Dung, Ngọc-Nam lại bên cạnh rồi nắm lấy cổ tay. Lập tức hai vương phi cảm thấy cổ tay mình như bị ngoặm một miếng. Phản ứng tự nhiên, hai người vận công chống trả, nhưng cũng đau thấu tâm can. Công chúa buông tay hai người ra rồi gật đầu:
– Đẹp thực! Nội công cao thực. Gớm, học trò công chúa Cẩm-Thi với Long-thành ẩn sĩ có khác.
Ngô Cẩm-Thi cười vui vẻ:
– Nào, bà mợ trắc nghiệm võ công cháu dâu rồi, có gì cho cháu không nào?
– Có chứ!
Công-chúa Huệ-Nhu móc trong cái túi đeo bên mình ra hai con phụng bằng vàng, trên dát kim cương sáng lóng lánh. Bà cài vào mái tóc hai vương phi:
– Gọi là chút quà diện kiến, mợ cho hai cháu dâu.
Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương cùng hai vương phi tạ ơn, rồi chắp tay đứng hầu sau Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu.
Kinh-Nam vương gọi Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt lại gần. Mười hai người từng là đại tướng xông pha trận mạc, đối diện với cái chết thường trực; thế mà đứng trước vương, cả mười hai người đều không dám nhìn thẳng vào mặt.
Vương hỏi:
– Mười hai cháu đếu là đệ tử của Khai-Quốc vương, thế thì cũng là cháu gọi ta bằng cậu. Các cháu thử nhìn thẳng vào mặt ta xem nào!
Cả mười hai người đều nhìn thẳng vào mặt vương. Bất giác họ cùng ngẩn người ra. Vì cứ nghe danh vương, họ những tưởng tướng mạo vương dữ dằn, oai nghiêm ghê lắm. Không ngờ, trước mặt họ, họ chỉ thấy một nam tử ôn nhu, gương mặt hòa nhã, nói năng ôn tồn.
Vương chỉ Phạm Dật:
– Các cháu nghĩ gì về cậu?
– Thưa cậu, cháu thấy cậu mợ ôn nhu, dịu dàng hơn cả cậu mợ Năm (Tôn Đản), ngang với vua bà Bình-Dương phò mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương Lê Văn công chúa Nong-Nụt. Thế mà...
Vương cười:
– Nếu cứ nghe người ta đồn đại, thì các cháu tưởng đầu cậu có sừng, miệng cậu có nanh hẳn?
Công-chúa Thiên-Ninh bật cười:
– Dạ, hơn thế nữa!
Cả mười hai tướng trẻ đều gật đầu, hưởng ứng lời Thiên-Ninh. Công chúa Huệ-Nhu nắm tay công chúa Thiên-Ninh kéo lại bên cạnh, bà vòng tay ôm lấy ngang lưng nàng, rồi cười:
– Từ xưa đến giờ, ta với vương tuy mang tên Ưng-sơn song hiệp thực; nhưng những vụ án lớn, đều không do chúng ta xử, mà những người khác « bắt nạt » chúng ta, mạo danh chúnng ta mà xử. Cứ mỗi khi gặp kẻ có tội, họ xử bừa, rồi đổ lên đầu chúng ta.
Nghe công-chúa kể « bị người ta bắt nạt » bất giác mọi người đều bật cười. Công-chúa Thiên-Ninh lắc đầu:
– Cháu tưởng trên đời này đến Ngọc-Hoàng đại đế, Diêm-La lão tử thấy vương gia với điện hạ cũng phải run rẩy, thì hỏi rằng ai mà dám bắt nạt Ưng-sơn song hiệp?
Vương chỉ vào Tôn Đản, Cẩm-Thi:
– Thì ông bà này chứ ai? Lại còn bà La-sát Thanh-Mai, bà Chằng-lửa Bảo-Hòa, bà Chằng-tinh Thiếu-Mai nữa.
Công-chúa Huệ-Nhu chỉ vào Côi-sơn tam anh:
– Ba ông kẹ này còn khiếp đảm hơn ai hết. Những vụ án kinh hồn táng đởm trên đất Tống là do ba ông xử cả. Còn những vụ án ở trên đất Việt là do Quốc-mẫu Thanh-Mai, ông bà Long-thành ẩn sĩ xử. Trong Thuận-Thiên thập hùng thì duy bà Bình-Dương là không xử ai. Còn bất cứ ông nào, bà nào cũng có thể xưng là Ưng-sơn song hiệp, mà chúng ta đành chịu thua, có dám nói gì đâu?
Linh-Nhân hoàng thái hậu hỏi:
– Khải đại vương, thế vụ án Trịnh Quang-Thạch do ai xử? Vụ này có tác dụng làm bọn gian thần tặc tử sợ hãi đến không biết chúng là ai nữa!
Công-chúa Huệ-Nhu cười rất tươi:
– Thái-hậu thử đoán xem là ai?
– Cháu thực không đoán ra.
– Thái-hậu không đoán ra là phải. Người xử vụ ấy là Yên-vương vương phi tức tiên-nương Thiếu-Mai.
Tất cả mọi người đều bậy lên tiếng ồ :
Nhà vua hỏi:
– Khải đại-vương, cháu sinh sau, đẻ muộn, từ hồi có trí nhớ đã nghe danh Mộc-tồn vọng thê bồ-tát. Mỗi hành xử của ngài đều khiến bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn sâu dân mọt nước kinh tâm động phách. Vậy ngài là ai?
– Tôi thực không giám nói. Tôi chỉ xin hé lộ để bệ-hạ biết, hoà thượng là người đã dành cả cuộc đời để bảo vệ tộc Việt. Vợ chồng chúng tôi thấy người, là bỏ trốn biệt.
Thấy đến Ưng-sơn song hiệp mà còn kinh sợ Mộc-tồn hòa thượng, thì mọi người đều nghĩ thầm rằng, có thể ông là Hồng-Sơn đại phu, Thiên-trường ngũ kiệt. Nhưng không ai đoán ra được cả.
Đến đó quan tổng-lĩnh thị-vệ Hùng Lễ vào tâu:
– Tâu bệ-hạ, cung Thượng-Dương bị người ta tẩm dầu, đặt lưu huỳnh khắp nơi, điểm huyệt Thượng-Dương thái hậu với bẩy mươi sáu cung nữ rồi châm lửa đốt, nên đội cứu hỏa tuy có ra tay, mà không cứu được một người nào. Thần xin chịu tội với bệ-hạ.
Kinh-Nam vương xua tay:
– Sư điệt! Người không có lỗi gì cả. Vụ này chính chúng ta ra tay. Cái con mụ Dương Hồng-Hạc này thực là một con ác quỷ. Chỉ nguyên tội đánh thuốc mê tĩnh thân Thường-Kiệt cũng đủ xử lăng trì rồi. Thị lại dấu Đinh Hiền xưng là Nguyễn Bông trong cung để hành lạc làm ô uế hậu cung. Thị còn trốn ra ngoài họp với Tống mưu cướp ngôi vua nữa. Khi việc phát giác, vua Thánh-tông ân xá cho thị. Tưởng như vậy thị đã hối hận, không ngờ thị âm thầm báo mọi kế hoạch bình Chiêm cho bọn Hồng-thiết giáo. Vì vậy mới có việc Chiêm biết hết kế hoạch của ta. Cuối cùng, thị chuẩn bị kế hoạch cướp ngôi vua khi đức Thánh-tông băng hà, suýt nữa gây ra cuộc tương tàn đổ máu. Nhờ di chiếu của Quốc-phụ, thị được ân xá, nhưng thị vẫn cứ tìm cách hại dân, phản quốc, thị thông báo mọi quốc kế cho Tống. Giả như Mộc-Tồn hòa thượng không khám phá ra, thì quốc kế về Liêu, Hạ đã bị Tống qhá rồi khống? Ba phái đoàn của ta khó bảo toàn tính mệnh.
Công chúa Huệ-Nhu tiếp lời Kinh-Nam vương:
– Biết bao nhiêu kế sách của chúng ta với Đại-Việt mưu cầu cho Hoa-Việt sống thanh bình từ triều vua Nhân-Tông đến giờ, đều bị con quỷ cái báo cho Tống biết hết. Nay vì muốn hạ chúng ta, Hy-Ninh đế mới trao những mật tấu của Hồng-Hạc cho tên Vương An-Thạch. Thạch đem những thứ đó đưa ra triều nghị, kết tội ta cùng vương thông đồng với ngoại quốc. Việc này đưa tới vương với ta không thể cầm đại quân nữa. Chúng ta nghĩ: Việc làm của chúng ta quang minh lỗi lạc, khi thác không phải hổ thẹn với liệt tổ Trung-nguyên, Đại-Việt là được rồi. Cho nên chúng ta cáo quan mà về đây. Thị thực là con rắn độc nằm trong hoàng-cung. Chúng ta cũng biết triều đình Đại-Việt không thể giết thị, nên chúng ta phải ra tay.
Kinh-Nam vương nói với Thái-Ninh đế:
– Chúng tôi xử tử Dương Hồng-Hạc với bẩy mươi sáu cung nữ xuất thân từ Hồng-thiết giáo, rồi đốt cung Thượng-Dương. Nếu như bệ-hạ với triều đình bắt lỗi, thì chúng tôi xin chịu.
Từ khi có trí khôn, nhà vua được chị là công chúa Thiên-Ninh thuật cho không biết bao nhiêu huyền thoại về Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn vọng thê hòa thượng. Trong tâm tưởng, nhà vua kính trọng ba người này như thần như thánh. Nay nghe vương tự nhận lỗi, nhà vua xua tay:
– Đại vương vì Đại-Việt mà trừ gian, khiến toàn tộc Việt đều thâm cảm, có đâu cháu dám bắt lỗi.
Ghi chú,
Các bộ sử Việt như ĐVSKTT, Việt-sử lược, An-nam chí lược, cho đến Tống-sử đều chép mơ hồ về sự kiện này như sau:
« Quý-Sửu, Thái-Ninh năm thứ nhì (1073), bên Tống là niên hiệu Hy-Ninh thứ sáu. Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái-phi làm Linh-Nhân hoàng thái hậu. Linh-Nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ mà không được dự chính sự, mới dụ với nhà vua rằng : "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu ?". Vua bèn sai giam Dương thái hậu và 76 cung nữ vào cung Thượng-Dương, rồi bức phải chết theo lăng Thánh-tông ».

Ngô Sĩ-Liên phê bình:
Nhân-tông là người hiếu. Linh-Nhân là người sùng đạo Phật, sao lại đến nỗi giết đích Thái-hậu, hãm hại người vô-tội, tàn nhẫn đến như thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi là mẹ đẻ mà không được dự chính sự? Linh-Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải dụ với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái-sư Lý– Đạo-Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy ?
Sự kiện này hết sức phi lý. Vì bấy giờ, nhà vua mới bẩy tuổi, làm sao có đủ uy tín, khả năng lật đổ một Thái-hậu đang cầm quyền, với một Thái-sư kinh nghiệm, cao niên như Lý Đạo-Thành ? Cho nên khi viết những giòng này, tôi bỏ không theo sử Việt, Tống-sử; mà theo gia-phả của giòng họ Lý tại Bắc-Hàn chép về Linh-Nhân hoàng thái hậu. Còn việc Thượng-Dương thái hậu bị đốt chết với bẩy mươi sáu cung nữ, tôi theo bộ QTNC, TTCTGCK cũng như mộ chí, văn bia các công thần Tống được chép thành sách mang tên TTCTBK. Trong ba tài liệu trên đều chép rằng Tống sai người sang hứa phong cho Dương Đạo-Gia làm Giao-chỉ quận vương. Vậy hãy tổ chức binh biến cướp ngôi họ Lý. Nếu tổ chức binh biến thất bại, quân Tống sẽ vượt biên sang giúp. Dương gia tin thực. Nhưng khi sự thất bại, thì quân Tống không qua như lời hứa. Tống làm việc này chỉ với mục đích làm cho Giao-chỉ có nội chiến.
Về việc Dương thái hậu cùng bẩy mươi sáu cung nữ bị giết, uyên nguyên ra sao, chỉ độc giả Nam-quốc sơn-hà mới biết sự thực mà thôi.
Chợt Kinh-Nam vương liếc nhìn cung nữ đứng hầu sau lưng Linh-Nhân hoàng thái hậu rồi cau mày lại nhìn công chúa Huệ-Nhu như hỏi ý kiến. Công chúa cũng đưa mắt nhìn cung nữ ấy tồi lại lắc đầu. Vương trầm tư một lúc, rồi nói với ba đoàn mật sứ sang Tống, Liêu, Hạ:
– Thôi! Các vị cứ yêm tâm lên đường. Trong bóng tối, người của ta sẽ theo dõi, giúp đỡ các vị. Chuyến đi của các vị không giúp Đại-Việt, cũng chẳng giúp Tống, Liêu, Hạ, mà vì thiên hạ làm mất đi cái mầm binh lửa khiến người chết, nhà tan mà thôi.
Vương nói với Động-đình thất kiệt, Tuyết-sơn thập anh:
– Các vị tuy sinh làm con dân Tống, nhưng tổ tiên gốc ở vùng Kinh-hồ, tức xưa kia là người Việt. Cô gia tước phong Kinh-Nam vương, cai trị vùng này mười năm qua, nên hiểu rất rõ các vị. Các vị là những đại hiệp, học võ với nguyện vọng hành hiệp cứu nguy phò khốn. Thế mà các vị bị tên cẩu Nho Vương An-Thạch trong triều Hy-Ninh coi như bọn đầu trộm đuôi cướp, rồi đẩy các vị vào chỗ chết. Rất may, khi các vị bị cùng đường, Đại-Việt không những không thù oán các vị, mà còn đãi các vị vào bậc quốc sĩ. Nay các vị được trao trọng trách thiêng liêng, là làm tắt ngọn lửa chiến tranh giữa bốn nước, đó là dịp các vị được tỏ rõ chân bản lĩnh vì đời, cho đời. Thôi chúc các vị lên đường may mắn.
Vương đưa mắt nhìn Hoàng-Nghi, nhìn cung nữ đứng sau thái-hậu:
– Hồi bình Chiêm, bọn Long-biên ngũ-hùng các người với bốn cô vợ, do không tinh tế, để đến nỗi gây ra mối hận tình thiên thu, đầy oan khuất cho Nang-Chang-Lan. Vì ân hận, người xin với Linh-Nhân hoàng thái hậu để tìm nàng trong ba năm. Sau ba năm nếu không thấy tin tức Chang-Lan người mới cưới Phương-Quỳnh, có đúng thế không?
– Thưa cậu vâng.
– Tại sao năm ngoái người lại cưới Phương-Quỳnh? Người là con nhà danh gia, học thức uyên bác, mà sao lại thất hứa như thế? Ta phải đánh cho người què chân mới được.
Nghe vương kết tội, Hoàng-Nghi cảm thấy lạnh gáy. Linh-Nhân hoàng thái hậu đỡ lời cho Hoàng-Nghi:
– Khải đại-vương, việc Nghi đệ cưới vợ là do cháu thôi thúc. Nguyên năm trước, cháu thấy Nghi đệ tuổi đã lớn, Phương-Quỳnh cũng vậy; mà cái thời hạn Nghi đệ đi tìm Chang-Lan cũng đã quá ba năm, nên cháu khải với Quốc-mẫu, với sư-huynh Thường-Kiệt, rồi cho làm lễ thành hôn.
– Việc đó tôi biết. Nhưng tôi hỏi tội Hoàng-Nghi, vì y thất hứa. Rõ ràng sau khi biết Nang-Chang-Lan oan, y vào Chiêm tìm nó, và đã gặp lại nó sau ba tháng. Từ đấy y với Chang-Lan như bóng với hình. Cho đến ngày y cưới Phương-Quỳnh, Chang-Lan đâu có xa nó?
Lời kết tội của vương gây ra một súc cảm lớn cho toàn thế triều đình Đại-Việt. Vì ai cũng tưởng Hoàng-Nghi chung tình, tìm Chang-Lan trong ba năm mà không thấy, rồi mới cưới Phương-Quỳnh. Không ngờ bây giờ nảy ra vụ Hoàng-Nghi đã tìm thấy Chang-Lan từ lâu.
Hoàng-Nghi mở miệng định biện luận, thì công chúa Huệ-Nhu vẫy tay, ngụ ý không cho nói:
– Ta cho cháu suy nghĩ một khắc rồi hãy trả lời.
Sau một khắc, công-chúa hỏi:
– Cháu nghĩ ra chưa?
– Thưa mợ cháu không nghĩ ra.
Chợt Phương-Quỳnh bật lên tiếng kêu:
– À, phải rồi! Phải rồi. Anh đã thấy Chang-Lan, nhưng anh không nhận ra nàng!
– ???
– Chang-Lan đã giả làm con nữ tỳ Nang-Trúc, sống bên anh hơn ba năm mà anh không biết. Cho đến lúc Dương gia nổi loạn, nàng mới được thái hậu đem vào cung, rồi khi anh cưới em nàng mới bỏ đi.
Tất cả mọi người đều kinh hãi Ưng-sơn song hiệp. Một sự việc với uẩn khúc như vậy, mà hai vị đều biết rất chi tiết, thế thì hỏi rằng bọn bất trung, bất hiếu làm sao qua mắt song hiệp? Bất giác mọi người đều lạnh gáy. Vương tuyên án:
– Ta gia hạn cho cháu trong ba năm phải tìm cho ra Chang-Lan, bằng không ta chặt chân. Nhớ đấy!
Đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu, tại xã Dương-xá, huyện Gia-lâm, Hà-nội.
Q8- Nam Quốc Sơn Hà
Lời mở đầu
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
Chương 43
Chương 44
Chương 45
Chương 46
Chương 47
Chương 48
Chương 49
Chương 50
HỒI KẾT