watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Q8- Nam Quốc Sơn Hà-Chương 7 - tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Chương 7

Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Hôm ấy là ngày mười tư, suốt ngày Yến-Loan cứ nghĩ đến Dương Tông, nghĩ đến những lời nói của anh ta. Lát, lát nàng lại nhìn bóng mặt trời, rồi mong cho chóng tối để gặp y. Sau cơm chiều, nàng mặc chiếc quần lụa đen, chiếc áo nhuộm mầu hoa cà, dây lưng mầu thiên lý, rồi xức tý nước hoa hương nhài, thủng thỉnh tới chỗ gặp gỡ hôm trước. Tự nhiên nàng nảy ra ý núp vào bụi cây, để rình xem anh chàng Dương Tông đến như thế nào. Nghĩ là làm. Nàng tung mình lên cây ổi gần đó, rồi ẩn thân vào mấy cành rậm rạp, hướng mắt về phía góc vườn bên Ðông.
Khoảng hơn khắc sau, có hai con ngựa từ phía Bắc đi tới, rồi ngừng lại ở ngoài cổng làng. Hai kị mã xuống ngựa, đến trước cổng. Hoàng nam gác cổng như quen thuộc, vội mở cổng, dắt cương ngựa cho hai người. Hai người phi thân rất nhanh, tới dinh Thái-hà, thì một người đứng ngoài, một người tung mình vượt qua tường vào trong. Yến-Loan nhìn rõ, người ấy là Dương Tông. Dương Tông tới chỗ dàn hoa thiên lý không thấy Minh-Ðệ. Y đưa mắt tìm tòi. Tìm không thấy nàng, y thở dài, rồi ngồi xuống ghế chờ đợi. Yến-Loan nghĩ thầm:
– Người này tung mình nhảy qua tường bằng thức khinh thân của phái Tản-viên, rồi phi thân tới đây. Nội lực y hơi giống nội lực Mê-linh của mình. Thì ra y là một đại cao thủ mà mình không hay. Mình phải cẩn thận mới được.
Nghĩ vậy, nàng tiếp tục ẩn thân. Còn Dương Tông thì chờ hơn khắc, rồi không giữ được bình tĩnh, y băng mình về phía dinh Thái-hà. Minh-Ðệ vội buông mình xuống đất theo sát phía sau. Dương Tông tỏ ra thông thạo đường lối, y đẩy cửa vào phòng khách, ghé tai vào cửa phòng nàng nghe ngóng. Dường như y biết trong phòng không khóa, nên đẩy cửa bước vào. Ngọn đèn lờ mờ trong phòng nàng do Phương-Lý thắp hồi chiều vẫn còn sáng. Dương Tông đưa mắt nhìn khắp phòng. Y tần ngần nhìn đám quần áo của nàng để ở đầu dường một lúc, rồi không hiểu nghĩ sao, y cầm lấy cái khăn choàng cổ đưa lên miệng hít lấy hít để, sau đó y bỏ vào túi.
Dương Tông lại tần ngần, ngắm nhìn quần áo của nàng treo trên bướm. Y cầm lấy cái áo cánh, đưa ra trước đèn ngắm nhìn, hồn vía như bay lạc phương nào. Ngắm một lúc, Dương Tông ngồi xuống lấy bút mài mực, rồi viết vào cái áo mầu hoàng yến của nàng ba bài thơ. Viết xong, y treo áo trở lại chỗ cũ.
Dương Tông trở ra phòng khách, rồi lần mò lại dàn thiên lý. Yến-Loan làm như không biết gì về hành tung của y. Nàng thư thả đi tới. Dương Tông thấy nàng thì hiện ra nét vui mừng:
– Yến-Loan. Trời ơi, tôi tưởng Yến-Loan không tới được chứ. Tôi lo lắng quá.
Yến-Loan thấy Dương Tông gọi mình bằng tên, rồi luống cuống, thì cảm động vô cùng. Nàng cũng đứng ngây người ra nhìn y. Lát sau mới nói:
– Anh... anh nói dối người ta.
Dương Tông hoảng hốt:
– Ngu huynh nói dối muội hồi nào dâu?
Yến-Loan thấy y lại xưng là huynh mà không xưng tôi, nàng ngồi xuống ghế cạnh y:
– Võ công anh cao như thế, mà anh bảo rằng anh là Nho-sinh. Thực thà thế đấy!
– Sao, sao muội biết võ công huynh cao?
– Anh... anh khinh người ta là đứa con gái nhà quê, nên mới nói dối như thế. Thử hỏi, nếu võ công anh thấp, thì sao anh có thể tung mình qua bức tường cao hơn trượng mà vào đây? Võ công anh không cao, thì sao anh vượt qua mấy chỗ đất lún, mà giầy không lấm đất?
Dương Tông cười xòa:
– Anh quả là Nho-sinh, nhưng biết chút ít võ nghệ mà thôi. Anh nghĩ mình biết tý võ mà đem ra khoe thì chẳng ích lợi gì, nên không nói, chứ có phải dối trá đâu. Hôm nay anh mang tới tặng em mấy món quà mọn, mong rằng em không chê.
Một lần nữa Dương Tông lại đổi cách xưng hô. Y không huynh, muội, mà dùng tiếng bình dân anh, em, khiến Minh-Ðệ bàng hoàng cả người. Thế rồi y đưa ra một hộp bằng vàng, trên có khắc hình hai con rồng tranh châu, trong bọc lớp gấm, hai tay trịnh trọng trao cho Minh-Ðệ:
– Chút quà mọn gọi là lễ diện kiến, mong Yến-Loan nhận cho.
Nếu Minh-Ðệ thông thế tục, thì biết rằng đây là lối tỏ tình của Dương Tông. Nhưng nàng không biết gì cả, nên hai tay đỡ lấy rồi cầm lên xem. Trong hộp nào son Hàng-châu, phấn Tô-châu, nước hoa Trường-sa, lại có cả hai chiếc vòng ngọc bích, với con phượng bằng vàng nạm chín hạt kim cương. Từ bé, Minh-Ðệ chưa từng thấy ngọc, cũng như kim cương bao giờ. Nàng cầm ngọc mà tưởng là đá xanh, cầm kim cương mà tưởng là mảnh chai. Nàng cảm động nới với y:
– Anh đã cho thuốc Yến-Loan, lại còn cho quà nhiều thế này sao? Yến-Loan chẳng có gì tặng anh cả.
Chợt nhớ ra việc Dương Tông cầm khăn quàng cổ mình mà hít lấy, hít để. Yến-Loan cởi chiếc khăn lụa trên cổ trao cho y:
– Yến-Loan tặng anh đấy.
Mắt Dương Tông sáng lên, y cầm lấy chiếc khăn gấp làm tám, ấp vào ngực một lát rồi bỏ túi. Hai người nói chuyện trời, chuyện đất đến gần nửa đêm thì Dương Tông từ biệt ra về.
Yến-Loan trở về phòng, lấy cái áo mầu hoàng yến ra xem, bất giác tay nàng run run, trống ngực đập liên hồi. Vì trên đó Dương Tông đã đề bài Thanh-bình điệu của Lý Bạch lên:
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược phi Quần-ngọc (1) sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao-đài (2) nguyệt hạ phùng.(3)
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
Vân-vũ Vu-sơn (4) uổng đoạn trường.
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?
Khả lân Phi-yến (5) ỷ tân trang.
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
Trường đắc quân vương đới tiếu khan.
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm-hương đình bắc ỷ lan can.

Ghi chú ,
(1) Quần-ngọc, theo thần thoại Trung-quốc, đây là nơi Tây-vương mẫu ở.
(2) Dao-đài, cũng theo thần thoại Trung-quốc, là nơi chư tiên ở.
(3) Trần-trọng-San dịch:
Mặt tưởng là hoa, áo tưởng mây,
Hiên sương phơ phất gió xuân bay.
Nếu không gặp gỡ trên Quần-ngọc,
Dưới nguyệt Dao-đài sẽ gặp ai?
Một nhánh hồng tươi móc đọng sương,
Mây mưa Vu giáp uổng sầu thương.
Hỏi trong cung Hán, ai người giống,
Phi-Yến còn nhờ mới điểm trang.
Hoa trời sắc nước cả hai vui,
Luôn được quân vương ngắm nghía cười.
Mối hận gió xuân bay thoảng hết,
Bên đình nàng đứng tựa hiên chơi.
(Trích trong tập Lý-Bạch, Ðỗ-Phủ, Bạch-cư-Dịcủa Trần-trọng-San, Bắc-Ðẩu Canada xuất bản).
(4) Vu-sơn, tên núi ở phía Ðông tỉnh Tứ-xuyên. Tương truyền Sở Tương-vương đi chơi đến đất Cao-Dương nằm mơ thấy một thiếu phụ nói : "Thiếp là thần nữ ở núi Vu-sơn, sớm làm mây, tối làm mưa ở Dương-đài". Vì vậy chữ Vu-sơn sau để chỉ tình dục (Sexology). Khi tôi viết bộ Sexologie médicale Chinoise, rồi chuyển trở lại tiếng Việt là "Trung-quốc Vu-sơn học".
(5) Phi-Yến, tức Triệu Phi-Yến, hoàng hậu của vua Thành-đế nhà Hán. Thành-đế băng, con là Ai-đế lên nối ngôi, bà được phong làm hoàng-thái hậu. Ðời Hán Bình-đế, Vương Mãng chuyên quyền, bà bị biếm làm thường dân rồi tự sát.

Yến-Loan đã đọc thiên kinh vạn quyển, trong ba đại thi hào đời Ðường là Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Bạch Cư-Dị; nàng không thích thơ Lý, vì Lý xuất thế. Trong khi nàng là người mơ tưởng làm chuyện kinh thiên động địa như vua Trưng, như Thánh-Thiên, như Lệ-hải bà vương Triệu Thị Trinh. Vì vậy tuy nàng hiểu ý tứ ba bài thơ trên, ngụ ý Dương Tông ca tụng sắc đẹp của nàng, mà không hiểu về xuất xứ của nó ra sao.
Nguyên vào niên hiệu Khai-nguyên, đời Ðường Minh-Hoàng. Nhân lúc hoa thược dược nở rực rỡ muôn mầu. Nhà vua cùng Dương quý-phi họp một số đệ tử của Lê-viên thưởng hoa. Khi Lý Quy-Niên định hát, vua phán: "Thưởng danh hoa, trước Phi-tử, thì dùng chi đến lời nhạc này?" Rồi sai Quy-Niên đi triệu Hàn-lâm học-sĩ Lý Bạch. Lý Bạch tới, cầm bút viết một hơi ba bài này để ca tụng sắc đẹp Dương quý-phi.
Yến-Loan lại uống thuốc ngủ qua đêm.
Yến-Loan qua một đêm với giấc ngủ yên tĩnh. Hôm sau Thường-Kiệt trở về vào lúc trời chập choạng tối, ông hỏi vú Dư:
– Má má ơi, ở nhà có chuyện gì lạ không?
– Thưa thái-bảo vẫn bình thường.
Ông hỏi Yến-Loan:
– Sư huynh đi vắng, muội muội ở nhà chắc buồn lắm nhỉ?
– Cũng không buồn lắm đâu, vì sư huynh có nhiều sách quá, đọc hoài, đọc mãi mà không hết. Giá sư huynh mượn tiểu muội làm con bé lau chùi, dọn dẹp thư phòng cho sư huynh thì tiểu muội hạnh phúc biết bao?
– Vậy thì huynh mời sư muội làm đại tiểu thư ở trang này, để sư muội đọc hết đám sách của huynh. Sau đó sư muội giả trai ứng thí, không thành trạng-nguyên, cũng thành thám-hoa, rồi vào tòa Bình-cương làm Chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử. Tiếc quá!
– Huynh tiếc gì vậy?
– Huynh tiếc vì nước mình chưa mở khoa thi, thành ra người dân không có dịp tiến thân. Trường hợp sư muội mà ở vào thời loạn như thời Lĩnh-Nam, cam đoan sư muội sẽ là một Thánh-Thiên.
Mấy tháng qua Yến-Loan đã đọc đi đọc lại đến thuộc lầu hầu hết sách-sử Hoa-Việt liên quan đến hai nước. Nay nghe Thường-Kiệt nói, nàng lắc đầu:
– Ðất nước mình có bao giờ mà không loạn lạc đâu? Nguyên do cái loạn này là ở những gã văn gia cổ thời, tạo cho mọi người Hán đều nghĩ vua mình, tướng mình là người nhà trời. Các dân xung quanh là di, man, địch, nhung cả, cho nên họ luôn luôn nhìn sang các lân bang, hễ có sự là bàn đem quân sang xâm chiếm. Thời Thuận-Thiên, Ðại-Việt mình mạnh đến như vậy, mà họ còn kiếm đủ cách gây chiến. Rồi đến thời vua Thái-tông, Khai-Quốc vương phải khích cho tộc Nùng nổi dậy, chiếm lưỡng Quảng, làm cho Tống yếu đi, họ mới để mình yên. Mới đây, họ lại gây hấn, chính sư huynh phải mang quân lên trợ vua Bà đánh sang để thị uy, đập cho họ kinh hãi, nay tuy có yên, nhưng chỉ là tạm thời. Sư huynh nghĩ xem, em có thể lên Bắc-cương theo vua Bà đánh giặc không?
– Ðược chứ. Sư muội mà lên đó, chỉ cần gặp một trong Ngũ-long công chúa tổng trấn Bắc-cương là được trọng dụng làm đại tướng ngay.
– Ủa, mình có đến năm công chúa trấn Bắc sao?
– Ðúng thế. Lúc đầu thì Ngũ-long công chúa là Bảo-Hòa, Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh, Thanh-Nguyên. Sau thì Ngũ-long đổi thành Kim-Thành, Trường-Ninh, Thanh-Nguyên, Thanh-Trúc, Phương-Hồng.
– Sao lại có vụ gạt công chúa Bảo-Hòa với Bình-Dương ra ngoài vậy?
– Ðâu có gạt. Nguyên do, khởi thủy, dân chúng tôn năm vị ấy là Ngũ-long; kể về vai vế thì sư phụ của anh là công chúa Bảo-Hòa đứng đầu. Ðệ nhị công chúa là vua bà Bình-Dương. Nhưng sư phụ của anh thành tiên, thành thánh, còn công chúa Bình-Dương thành vua, địa vị cực cao không ai có thể sánh, nên dân chúng đem hai vị ấy ra khỏi Ngũ-long công chúa. Vì hai vị ra ngoài Ngũ-long, nên dân chúng mới thêm hai công chúa Thanh-Trúc, Phương-Hồng vào thay thế.
– Sư huynh nói rõ về nguồn gốc Ngũ-long cho muội nghe đi.
– Ðệ nhất là công chúa Kim-Thành tức phu nhân của Thái-tử thiếu phó, Phong-châu tiết độ sứ, Long-nhương đại tướng quân, Trung-nghĩa quốc công Lê Thuận-Tông.
– Ái chà, muội đọc trong Nhân-Huệ hoàng đế kỷ sự có kể việc Công chúa với Quốc công tiến quân đánh Quảng-châu những trận long trời lở đất. Thế đệ nhị công chúa?
– Là Công-chúa Trường-Ninh, phu nhân của ngài Thái-tử thiếu-sư, Thượng-oai tiết độ sứ, Hổ-uy đại tướng quân, Thuần-tín quốc công Hà Thiện-Lãm.
– Em cũng đọc sự tích Công-chúa với Quốc-công trong sách rồi. Thế Công-chúa thứ ba?
– Thứ ba là Công-chúa Côi-sơn Trần Thanh-Nguyên, phu nhân của ngài Trấn-bắc đại tướng quân, Tiên-yên tiết độ sứ, Tản-viên hầu Tôn Mạnh.
– Công chúa là con của đại thần nào vậy?
– Công chúa tuy không phải cành vàng lá ngọc, nhưng lại có thế lực cực kỳ lớn, người là con út của Thái-sư phụ Trần Tự-An, nức tiếng thiên hạ.
– Úi chà.
– Yến-Loan cười thầm:
– Tưởng ai, hóa ra sư tỷ con út của sư phụ mình, tức em gái của đại hiệp Trần Thông-Mai, vương phi Khai-Quốc vương Thanh-Mai, và Kinh-Nam vương Tự-Mai.
Nàng hỏi tiếp:
– Thế còn công chúa thứ tư, thứ năm??
– Vị đệ tứ tên thực là Lâm Thanh-Trúc, tước phong công chúa Ôn-thuận, phu nhân của Ðại-tư-mã Bắc-biên, Hữu-kim ngô thượng tướng quân, Lạng-châu quốc-công Thân Thiệu-Cực. Thứ năm là công chúa Vạn-hoa, nhũ danh Ðào Phương-Hồng, nguyên người là Quận-chúa, ái nữ của công chúa An-Quốc với phò mã Ðào Cam-Mộc, sau vì có công nên được phong công chúa. Người là phu nhân của Bình-nam đại tướng quân, Khai-sơn hầu Tôn Trọng.
Yến-Loan nghĩ thầm:
– Những vị nữ lưu kia vì có tài, có công với đất nước, mà danh vang thiên hạ. Còn ta... văn học ta không thua ai, võ công ta không hèn. Dù nay ta đang bị tù đầy vì oan khuất, nhưng một mai ta cũng phải làm lên những việc như vua Trưng, như Lệ-Hải bà vương. Nhất định ta không chịu nát thân với cỏ cây; không chịu làm con ở trong nhà, để cho người chà đạp, muốn đánh là đánh, muốn giết là giết, muốn chửi là chửi.
Thế là chỉ trong một vài câu của Thường-Kiệt, đã làm cho Yến-Loan đang từ cô gái an phận, quê mùa, nảy ra hùng tâm tráng trí, khiến cho giang sơn Ðại-Tống nghiêng ngửa, với gần nửa triệu sinh linh Tống chết, tạo chiến tích huy hoàng nhất lịch sử tộc Việt. Ðó là chuyện sau.
Chợt nhớ lại những gì chép trong Thái-tông thực lục, nàng hỏi Thường-Kiệt:
– Sư huynh ơi, từ hôm gặp sư huynh đến giờ, muội muốn hỏi sư huynh một việc, song e đụng đến mối thương tâm của sư huynh, nên muội còn lưỡng lự. Bây giờ muội cả gan hỏi, nếu sư huynh có giận thì cứ coi muội là đứa con nít, mà bỏ qua cho.
Thường-Kiệt đã bị tĩnh thân, nên ông không úy kị nam nữ, ông ôm lấy đầu Yến-Loan:
– Cuộc đời huynh có gì bí mật đâu mà dấu diếm? Muội muốn hỏi gì huynh cũng trả lời hết. Huynh hiện quản Khu-mật viện, giữ hết cơ mật xã tắc, thế mà huynh đưa muội về đây ở, thì huynh phải tin muội lắm mới dám làm thế. Nào muội hỏi đi.
– Thế này.
Yến-Loan thỏ thẻ: Muội đọc trong sử thấy nói hồi trước huynh đã đính hôn với một thiếu nữ tên Tạ Thuần-Khanh, con gái Cổ-loa quốc-công Tạ Sơn. Giữa lúc chuẩn bị cưới xin, thì huynh bị gian nhân đánh thuốc mê, rồi đem tĩnh thân. Thế ai là thủ phạm hại sư huynh?
Thường-Kiệt đang vui vẻ, mặt ông sa sầm lại, hai hàm răng ông nghiến ken kẹt:
– Ðây là mối hận nhất đời của huynh. Sau khi huynh bị tĩnh thân, thì Ưng-sơn song hiệp, sư phụ Bảo-Hòa làm dữ lắm, đòi triều đình phải đem chính phạm tòng phạm ra xử ngay, bằng không người sẽ xử. Vua Thái-tông kinh hãi, nhờ Khai-Quốc vương điều tra. Sau khi tìm ra thủ phạm, Vương bàn với Ưng-sơn, với sư phụ anh không công bố tên thủ phạm. Cứ để tội y đấy như một án treo, bất cứ mình bảo gì, nói gì y cũng phải theo. Vì vậy cho đến nay chỉ Quốc-phụ, Quốc-mẫu, sư phụ, với Ưng-sơn song hiệp biết rõ thủ phạm là ai mà thôi. Huynh đã hỏi, nhưng các ngài không nói, vì sợ huynh giết ba họ nhà y, e người chết nhiều quá, mà huynh cũng có tội với triều đình.
Yến-Loan thề:
– Trọn đời muội, muội sẽ dùng hết khả năng để truy lùng thủ phạm hại sư huynh, và giết chết y thực thảm khốc.
– Ða tạ sư muội.
Yến-Loan chuyển câu chuyện qua vụ Dương Tông:
– À... sư huynh có người bạn, hay học trò nào tên là Dương Tông không?
– Dương Tông à? Sư muội gặp y ở đâu?
– Ðêm hôm trước, muội dạo quanh vườn xem hoa nở, thì thấy anh ta đứng tần ngần nhìn muội.
– Anh ta nói gì với muội?
Yến-Loan thuật chi tiết cuộc gặp gỡ, nhưng nàng dấu việc bị trúng Chu-sa huyền âm chưởng được Dương-Tông cho thuốc giải; mà chỉ nói bị đau đớn mà thôi. Mặt Thường-Kiệt cau lại, ông lắc đầu:
– Huynh không quen người nào có tên như thế cả. Y không phải là người trong trang, mà vượt tường vào đây được, thì võ công phải cao thâm lắm. Liệu đêm nay y có trở lại không? Huynh phải bắt y, đét vào đít mấy cái, vì tội dám vào hoa viên toan ăn trộm cô sư muội đem đi. Gan y lớn gớm. Sư muội của huynh xinh đẹp thế này thì nhất định huynh không để y trộm đi.
Yến-Loan xua tay:
– Ðừng, sư huynh đừng phạt y, vì y không dữ dằn, mà lại tốt với muội nữa. Chính y đem thuốc cho muội mà bị bệnh. Y còn cho muội nào son, nào phấn, nào nước hoa. Y lại chép ba bài thơ Thanh bình điệu của Lý Bạch tặng muội nữa.
Rồi nàng thuật chi tiết những lời Dương Tông nói với nàng. Nàng không kể việc y cho nàng ngọc, vì nàng nghĩ y cho mình đá xanh, mảnh sành chai thì xấu hổ chết. Thường-Kiệt cười thầm trong lòng:
– Tội nghiệp cô tiểu sư muội này. Cô thực là thông minh, đọc nhiều, nhớ dai, nhưng chỉ vì cha mẹ bỏ rơi, nên không hiểu một chút gì việc đời. Ai lại giữa đêm khuya dám gặp đàn ông lạ trong vườn này đến mấy lần. Người ta ngỏ lời yêu thương, tỏ ý cầu hôn mà cũng không hiểu.
Ông nhỏ nhẹ giảng giải:
– Sư muội ngây thơ quá đi. Khi y chép thơ Thanh bình điệu tặng muội, là ngụ ý khen muội đẹp như Dương quý-phi đời Ðường. Y nói "đài gương soi đến dấu bèo" là y muốn cầu hôn với sư muội đó. Y bảo mắc bệnh mà chỉ sư muội mới trị được là y yêu thương sư muội. Y lại tặng son, phấn, nước hoa cho sư muội nữa là y chính thức tỏ tình rồi. Y muốn cầu sư muội làm vợ, mà sư muội im lặng, nên y tưởng rằng sư muội thuận tình.
Yến-Loan là người thông minh tuyệt đỉnh. Nàng nghe Thường-Kiệt giảng giải, rồi ôn lại cử chỉ của Dương Tông, thì y quả giống như những chàng si tình trong các chuyện cổ mà nàng đã đọc. Bất giác mặt nàng nóng bừng lên, người như quay cuồng muốn ngã.
Thường-Kiệt vuốt tóc Yến-Loan:
– Cô em xinh đẹp ơi, cô có biết bệnh "Mộc mục điền tâm" là bệnh gì không?
– Muội chưa từng học thuốc, nên nào có biết.
Thường-Kiệt dắt tay Yến-Loan ra vườn hoa, rồi giảng:
– Bây giờ ta hỏi muội nhé. Chữ mộc với chữ mục là chữ gì?
– À, thì là chữ tương.
– Chữ điền với chữ tâm là chữ gì vậy?
– Là chữ tư. À thì ra y bị bệnh tương tư. Trời...
Ðến đó nàng xấu hổ quá, mặt đỏ lên, muốn giật tay khỏi Thường-Kiệt mà chạy đi chỗ khác. Nhưng nàng không dám.
– Việc này không thể đùa được.
Thường-Kiệt nghiêm mặt lại: Y dám đột nhập dinh của ta, thì gan y phải lớn bằng trời, bản lĩnh y phải cao thâm lắm. Tại sao? Khi y đột nhập, ắt y biết dinh ta là trường dạy võ, học trò có mấy trăm, chỉ lỡ ra một trong các học trò ta biết thì y ốm đòn. Có phải vậy không?
– Vâng, đúng thế.
– Bây giờ thế này, lát nữa đây, sư muội cứ coi như không có ta, chuyện trò với y. Ta núp trong bụi hoa mà nghe. Bấy giờ tùy cơ, ta sẽ dùng Lăng-không truyền ngữ chỉ cho sư muội cách đối phó với y.
Sau khi cơm chiều, mặt trời lặn một lúc, thì Thường-Kiệt nhảy vào giữa bụi mẫu đơn mà núp. Còn Yến-Loan thì hồi hộp ngồi chờ. Trăng vừa lên thì Dương Tông tới. Minh-Ðệ lo sợ hỏi:
– Sao hôm nay anh tới sớm vậy?
– Em đọc Kinh-thi, em không nhớ có câu "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề" à? (Một ngày không gặp, dài bằng ba thu). (6)
Ghi chú ,
(6) Câu này lấy ý trong Kinh-thi: Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Nguyễn-Du mượn ý tả Kim-Trọng nhớ Thúy-Kiều là: Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
Yến-Loan đã được Thường-Kiệt giảng giải, nàng hiểu anh chàng Dương Tông này yêu thương mình đây. Bất giác nàng nghĩ thầm:
– Nếu như mình được làm vợ anh chàng, thực cũng không uổng tấm hồng nhan. Chỉ tiếc rằng anh ta lớn tuổi đôi chút mà thôi. Bây giờ sư huynh ngồi trong bụi hoa kia quan sát, lỡ ra anh chàng thất thố một câu thì duyên tình mình khó thành. Chi bằng ta chặn trước thì hơn.
Nghĩ vậy nàng đổi cách xưng hô:
– Này, em báo tin cho anh biết, sư huynh Thường-Kiệt của em đã về. Sư huynh nghe em thuật chuyện anh, sư huynh muốn bắt anh đánh mấy roi về tội dám đột nhập vào dinh đấy.
Dương Tông nhăn mặt:
– Tại sao em lại kể chuyện chúng mình cho Thường-Kiệt nghe?
– Anh nói! Hiện trên thế gian này chỉ có mình Lý sư huynh là người yêu thương, lo lắng, chiếu cố đến em, cho nên chuyện gì em cũng phải nói với người.
Dương Tông vui vẻ:
– Em thực là người trung hậu, hiền thục. Nhưng em quên mất rằng ngoài Thường-Kiệt ra, còn có người yêu thương em hơn nữa. Tình yêu này cao hơn núi Hoàng-liên-sơn, dài hơn sông Hồng-hà và rộng hơn biển Nam-hải. Em có biết người ấy là ai không?
Yến-Loan cảm động muốn run người lên, nàng nói trong hơi thở:
– Dĩ nhiên em biết chứ. Em cũng... cũng đối lại với người ấy như vậy. Nhưng anh phải cẩn thận, bằng không e sư huynh em đánh đòn đấy.
Dương Tông cười:
– Ðiều đó thì em đừng sợ. Thái-tử thiếu bảo Lý Thường-Kiệt không bao giờ làm thế với anh đâu. Ông ta thấy anh là trốn biệt.
Yến-Loan cực kỳ kính trọng Thường-Kiệt, nàng giận dỗi:
– Anh không được nói xấu sư huynh của em. Từ nay trở đi anh chỉ nói xấu sư huynh Thường-Kiệt một câu, là vĩnh viễn em không nhìn mặt anh nữa.
– Nhưng anh nói thực đó. Nội ngày hôm nay nhất định Thường-Kiệt không dám gặp anh.
– Anh nói!
– Vậy ta đánh cuộc nào?
– Ðánh cuộc gì?
– Nếu như nội ngày nay Thường-Kiệt xuất hiện gặp anh, thì anh phải làm cho em ba điều mà em muốn. Còn như y không xuất hiện, thì em phải làm cho anh một điều mà anh muốn.
Yến-Loan chắc thắng một trăm phần rồi. Nàng gật đầu:
– Ðược, em chịu.
Dương Tông đánh bạo:
– Bây giờ anh muốn mời em dạo chơi Thăng-long xem trăng, em có dám đi không?
Yến-Loan nhảy dựng người lên:
– Không, không, em không đi đâu. Ai lại...
Nàng định nói tiếp " ...đi chơi với con trai trong đêm bao giờ". Nhưng nàng đang nói dở, thì tiếng Thường-Kiệt dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai nàng:
– Yến-Loan nghe sư huynh nói đây. Yến-Loan nhận lời, và đi theo người này. Người này nói gì, bảo gì phải tuyệt đối nghe theo. Trong ngôn từ đối thoại, Yến-Loan không nên nói lời khinh bạc. Sư huynh theo sau bảo vệ Yến-Loan. Nếu Yến-Loan làm đúng như lời sư huynh, thì sư huynh sẽ gả Yến-Loan cho người này. Bao nhiêu tai vạ của Yến-Loan sẽ được giải hết. Nghe sư huynh đi. Ðừng sợ gì.
Yến-Loan rộn lên niềm vui, chân tay nàng phát run. Nàng e lệ trả lời Dương Tông:
– Muội đã có lần thuê xe dạo một vòng Thăng-long, nhưng là ban ngày. Hôm nay trăng rằm thế này mà đi chơi thì thực hữu tình quá. Bây giờ chúng ta phải đi qua cổng chính, chứ em không chịu nhảy qua tường đâu.
– Ừ, chúng ta đi.
Yến-Loan sánh vai cùng Dương Tông ra cổng. Một đệ tử gác cổng cúi rạp người xuống mở cửa cho nàng với Dương Tông ra. Y hỏi:
– Thưa cô nương. Cô nương đi bao giờ sẽ trở về?
– Người cứ đóng cổng, khi ta về, ta sẽ gọi.
Tới cổng làng, đã có chiếc xe song mã chờ sẵn. Trên xe, một người to lớn lực lưỡng ngồi chờ. Người này cung cung, kính kính nhảy xuống xe. Y định nói gì, thì Dương Tông lên tiếng:
– Ðỗ Oanh này. Mi nên nhớ ta là nho-sinh, con nhà giầu đang học ở Thăng-long. Ta mời tiểu cô nương đây dạo một vòng đế đô. Mi phải đánh ngựa cho khéo, đừng để xe xóc. Tục ngữ có câu: "Có miệng thì nắp. Sợ cắp thì đậy". Tuyệt đối không nên nói nhiều. Nhớ không?
Tên phu xe khum người lại:
– Dạ, tiểu nhân ghi nhớ lời ... công... tử dạy. Hôm nay tự nhiên trong miệng tiểu nhân mọc mấy cái mụn, nên không thể nói nhiều.
Yến-Loan tung mình nhảy lên xe, lưng nàng uốn cong trông thực đẹp. Dương Tông với Ðỗ Oanh đều bật lên tiếng ủa kinh ngạc. Hai người cùng nhìn nhau, như thông cảm một cái gì. Dương Tông lên xe ngồi cạnh Yến-Loan. Viên phu xe ngồi trước ra roi cho ngựa chạy.
Yến-Loan nói với Ðỗ Oanh:
– Phiền anh cho xe chạy ra Cổ-ngư dùm tôi. Tôi thăm bẩy đứa em của tôi một chút. Nghĩ tôi thực là đoảng, ai lại mình là chị, mà đến dinh Thái-hà gần năm không về thăm các em.
– Nhà Yến-Loan ở Cổ-ngư sao?
– Không. Nhà em ở Kinh-Bắc kia.
Rồi nàng tường thuật chi tiết về cuộc gặp gỡ bẩy đứa trẻ ăn mày trên bờ hồ cho Dương Tông nghe. Dương Tông nghĩ thầm:
– Cô gái này thực là người giầu lòng nhân ái. Thân đi tù tội, mà còn lo cho đám trẻ mồ côi ăn xin.
Xe tới Cổ-ngư. Yến-Loan chỉ cho anh ta đánh xe lại căn nhà của bẩy đứa trẻ. Không biết trong mấy tháng qua, nàng đi vắng, bọn nhỏ có học hành đàng hoàng không? Nàng chỉ căn nhà cho Ðỗ Oanh dừng xe lại. Yến-Loan kinh ngạc, đứng ngây người ra: căn nhà nàng mua cho đám trẻ ở, tường bằng gạch, mái lợp cỏ, xung quanh là khoảnh vườn nhỏ, hàng rào trúc con con. Bây giờ trước mặt nàng là một căn nhà lớn, mái lợp ngói đỏ. Phía sau có dãy nhà dọc nối với bếp. Góc vườn có chuồng ngựa, nhà để xe. Trong vườn cây cảnh trồng thành bốn khu nhỏ. Trước nhà hàng chục chậu cảnh với những kỳ hoa dị thảo. Phía trước, cái cổng hai cánh sơn mầu đỏ chói. Yến-Loan ngần ngừ một lát rồi cầm lấy dây giật chuông. Chuông đổ, tiếng Thu nhọ nồi hỏi:
– Ai đấy?
– Chị đây.
Bẩy đứa trẻ reo lên, rồi ra mở cổng. Chúng thấy ngoài Yến-Loan còn có hai người đàn ông. Thằng Y hói nói lớn:
– Chúng mày thấy không? Tao đã bảo mà. Khi không chị ý vắng mặt chắc là chị ấy đi lấy chồng.
Nó chỉ Dương Tông hỏi Yến-Loan:
– Chồng chị đấy hả?
Yến-Loan ngượng quá lắc đầu:
– Ðừng nói bậy. Anh ấy chỉ là anh của chị thôi.
Y hói không chịu:
– Hôm trước chị nói chị là con cả. Sao bây giờ lại nói rằng ông này là anh? Anh em mà sao khuôn mặt không giống nhau? Hì... hì... nói dối rồi.
Nó hỏi Dương Tông:
– Có phải anh là chồng chị Yến-Loan không?
– Phải mà không phải.
Duy lùn nhảy choi choi lên:
– À, phải tức là anh muốn làm chồng chị ấy; còn không phải là chị ấy chưa bằng lòng, có đúng thế không?
Yến-Loan ngượng quá, mà bọn trẻ cứ phá. Thằng Ức méo hỏi Dương Tông:
– Anh chị dạo chơi Thăng-long hả? Mùi quá ta!
Yến-Loan đánh trống lảng hỏi Di sậy:
– Tại sao nhà lại thay đổi thế này?
Bọn trẻ đi trước dẫn đường. Ỷ-Lan, Dương Tông, Ðỗ Oanh theo chúng vào phòng khách. Phòng khách khá lớn, với bàn ghế bằng gỗ trắc, khảm xà cừ. Trên tường treo mấy bức họa.
Bọn trẻ đi trước dẫn đường. Ỷ-Lan, Dương Tông, Ðỗ Oanh theo chúng vào phòng khách. Phòng khách khá lớn, với bàn ghế bằng gỗ trắc, khảm xà cừ. Trên tường treo mấy bức họa.
Tuy bỡ ngỡ, nhưng Yến-Loan vẫn làm chủ được, nàng mời Dương Tông, Ðỗ Oanh ngồi. Dương Tông không ngần ngại ngồi xuống. Còn Ðỗ Oanh khoanh tay đứng hầu sau lưng chủ.
Yến-Loan hỏi Di sậy:
– Mới chưa đầy một năm mà sao nhà thay đổi thế này?
Thằng Di sậy ngập ngừng một lúc rồi nói:
– Trong khi chị đi vắng, ở nhà có con lợn sứ thăm viếng.
Yến-Loan hỏi:
– Lợn sứ là cái gì? Nói cho đàng hoàng đi.
Di sậy kể :
– Lợn sứ là sự lớn. Khất hòa thượng tới đây chơi, rồi ngủ lại mấy đêm. Ông dạy chúng em thở, hít cho khoẻ. Chị có biết ông không?
– Biết chứ. Ðất Thăng-long này ai mà không biết ông. Các em có làm cơm cúng dàng thầy đàng hoàng không?
– Có chứ.
Thu đáp: Ông í là thầy bọn em mà. Một chiều ông đang ngồi giảng Thiền cho bọn em, thì có người đi xe song mã chạy qua. Trên xe có bốn con chó sói. Người đánh xe thấy thầy thì dừng lại hỏi "Thầy có phải là Khất hòa thượng không?". Ông trả lời "Phải mà không phải". Người đánh xe buồn rầu : "Tại sao phải mà không phải?". Hòa thượng đáp : "Phải vì bần tăng chính là gã thầy chùa ăn mày. Còn không phải vì tên bần tăng đâu có phải là Khất hòa thượng". Ông đó cung tay xá : "Bạch sư phụ, đệ tử có bốn con chó bị người ta bỏ bả sắp chết. Xin sư phụ mở từ tâm cứu cho. Ðệ tử muôn vàn cảm tạ". Hòa thượng nói : "Nhớ nhé". Rồi hoà thượng móc trong túi ra hộp kim. Người cắm kim lên khắp mình bốn con chó. Lát sau bốn con chó đều mửa thốc, mửa tháo ra. Hòa thượng trao cho người đó hộp thuốc, rồi dặn "Bao nhiêu bả độc, chó đã mửa ra hết. Bây giờ cần phải uống thuốc. Ðây, thí chủ cho chó uống, mỗi ngày ba viên. Mười ngày sau thì khỏe như thường". Người đánh xe cung tay : "Ða tạ đại sư, không biết đệ tử phải tạ đại sư như thế nào?". Hòa thượng chỉ bọn em : "Hồi nãy bần tăng hứa cứu bốn mạng cho thí chủ. Thí chủ hứa muôn vàn cảm tạ. Nay bần tăng không cần muôn, chẳng cần vạn, mà chỉ cần gấp đôi thôi. Bần tăng xin thí chủ nuôi, dạy bẩy đứa này cho thành người, dạy dỗ nó như dạy dỗ con cái vậy". Người ấy chắp tay "Ðệ tử tuân pháp chỉ của đại sư. Tuổi đệ tử còn nhỏ, không dám coi mấy trẻ này là con, mà chỉ nhận nuôi chúng như em mà thôi".
Yến-Loan hỏi:
– Rồi sao?
– Hôm sau bọn em đi học về thì không thấy hòa thượng đâu. Còn ông đánh xe, thì ông xưng là Lý Chiêu-Văn. Ông trở lại với thợ nề, thợ mộc, phá căn nhà cũ, xây thành nhà mới khang trang như thế này. Ông mang đến hai thị nữ để nấu cơm, giặt quần áo cho bọn em. Ông lại cấp cho bọn em một chiếc xe song mã với mã phu. Tối tối ông dạy võ cho bọn em, ông mượn riêng một thầy đồ dạy bọn em học nữa.
Dương Tông chau mày hỏi:
– Cái ông Chiêu-Văn đó, độ bao nhiêu tuổi?
– Khoảng hai chục. Ông í đẹp trai hơn anh nhiều.
Dương Tông càng đăm chiêu:
– Bọn em đã học võ với ông đến đâu rồi?
– Nhiều lắm.
Dương Tông đưa mắt cho Ðỗ Oanh. Ðỗ Oanh hỏi:
– Bây giờ tôi thử vài chiêu với một em, xem võ các em có hiệu nghiệm hay không nghe!
Nói rồi y vung tay tát Ức méo một cái. Ức méo vội trầm người xuống tránh, chân đứng theo trung-bình tấn, rồi tay phải gạt tay phải Ðỗ Oanh, tay trái đấm thẳng vào sườn phải chàng. Ðỗ Oanh tung người lên cao, rồi đấm thẳng vào mặt Ức méo. Ức méo lại trầm người xuống, rồi dùng vai húc vào bụng Ðỗ Oanh. Ðỗ Oanh nhảy lui lại.
Cứ thế, Ðỗ Oanh đánh hết tám đòn chân, tám đòn tay, Ức méo đều đỡ được. Yến-Loan nhận ra võ công bọn nhỏ học được là võ công phái Ðông-a mà nàng đã học với vợ chồng quý nhân và sư phụ Tự-An.
Dương Tông tươi cười nói với Yến-Loan:
– Mừng cho em. Người nuôi dạy bẩy đứa trẻ này là một đại công tử có tư cách khác phàm. Em có thể yên tâm.
– Anh biết công tử đó ư?
– Biết, biết rất kỹ. Ta đi thôi.
Yến-Loan dặn bọn trẻ:
– Chị sẽ trở về với các em.
Yến-Loan cùng Dương Tông ra xe. Ðỗ Oanh đánh xe chạy vào trong thành.
Ðây là lần đầu tiên Yến-Loan đi chơi đêm, hơn nữa đi chơi đêm với một thanh niên phong lưu tiêu sái. Dương Tông luôn chỉ chỗ này, chỗ kia giảng giải cho nàng. Khi xe qua điện Cao-minh, Yến-Loan thấy cái chuông đồng treo trên một đài cao khoảng bốn thước (1m ngày nay). Cạnh đài có lính gác. Nàng hỏi:
– Chuông để làm gì vậy?
Dương Tông giảng giải:
– Chuông này mang tên Hồng-chung, được đúc vào niên hiệu Sùng-hưng Ðại-bảo năm thứ tư (1052). Ðức vua Thái-tông đã ban chỉ làm chuông để cho những ai bị oan ức, thì cứ đến đánh lên, người sẽ đích thân cứu xét cho.
– Thế từ hồi ấy đến giờ có ai đánh chuông kêu oan không?
– Nhiều lắm. Nhưng mấy năm gần đây dường như không còn vụ nào oan uổng nữa, nên đâu có ai đánh chuông khiếu nại? Muội bảo đức vua có đáng bậc nhân quân không?
– Không. Ông là hôn quân, ác quân. Thực chẳng xứng đáng làm chúa cõi trời Nam.
Dương Tông quát lên:
– Người không được nói lời phạm thượng, như vậy là phạm tội đại bất kính, phải chặt đầu.
Yến-Loan kinh hãi vô cùng, vì Dương Tông đang nhu nhã như vậy, mà thình lình nổi nóng chỉ vì một câu nói tầm thường của nàng. Nàng ngây người ra nhìn y. Dương Tông đã bình tĩnh trở lại:
– Xin lỗi em, anh sợ bị chặt đầu, nên nói hơi lớn.
– Chặt đầu thì chặt, nhưng sự thực là thế.
Dương Tông giật mình:
– Tại sao? Em đừng nói bậy.
– Không bậy một tẹo nào cả.
Yến-Loan kể nể: Những oan ức bất công đầy dẫy ra đấy. Nhưng nào ai dám đánh chuông kêu oan? Chẳng nói đâu xa, chính em đây đang bị hàm oan chồng chất, mà vua thì bị Tể-tướng bưng bít không biết gì, rồi ông ta xử oan xử ức. Vậy Chương-thánh Gia-khánh hoàng-đế nhân ở chỗ nào? Ðấy là nói về phạm luật hay không phạm luật. Còn như luật lệ đương thời là thứ luật bất nhân. Em hỏi anh câu này nhé: hiện vẫn còn biết bao nhiêu cô gái con nhà nghèo phải bán mình cho nhà giầu làm tôi tớ. Trong khi đó lại có biết bao trai trẻ không vợ? Hiện có biết bao nhiêu chủ điền bóc lột tá điền. Tại nông thôn bọn cường hào ác bá thi nhau áp chế dân. Như vậy là đức nhân ư?
Mặt Dương Tông tái nhợt:
– Thế em có biết thế nào là đức nhân không đã?
– Anh hỏi đức nhân của nhà Phật hay của nhà Nho?
– Nhà Nho mới nói nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, chứ đạo Phật chỉ nói từ bi, hỉ xả thôi.
Yến-Loan cười khúc khích:
– Thôi bỏ chuyện nhân đi, em hỏi chuyện khác. Hồi còn nhỏ, em có nghe kể chuyện Phật-bà chùa Hương-tích hay chuyện đức chúa Ba. Chuyện này hay lắm. Nghe đâu chép bằng chữ Khoa-đẩu, ngày nay không ai đọc được nữa. Tiếc quá. Anh là người đọc sách, anh có thuộc chuyện này không?
Dương Tông thấy đang nói về chữ nhân, mà Yến-Loan lại hỏi sang chuyện khác, chàng bật cười, nhưng cũng trả lời:
– Chuyện này khá hay, anh đọc hoài nên cũng nhớ được ít câu.
– Anh đọc cho em nghe thử xem nào!
Dương Tông đọc:
Chân như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân.
Hiếu là độ được đấng thân,
Nhân là thoát khỏi trầm luân mọi loài.(7)
Ghi chú ,
(7) Trích chuyện Phật bà chùa Hương, không rõ tác gỉa, không rõ thời gian viết. Nhưng tôi thấy cốt chuyện hơi giống việc công chúa Hồng-Châu em vua Lý Thái-tổ đi tu, sau là Tịnh-Huyền. Xin xem Anh hùng Tiêu-sơn của Yên-tử cư-sĩ.

Yến-Loan ngắt lời:
– Ủa, sao anh bảo đạo Phật không nói về chữ nhân mà?
Câu nói của Yến-Loan làm Dương Tông kinh ngạc, nghĩ thầm:
– Chết thực, mình tự cao, tự đại, coi thường cô bé nhà quê, bị cô ấy đưa vào bẫy rồi. Mình phải cẩn thận với cô mới được. Tiện đây mình thử hỏi ít câu, xem kiến thức của cô ấy ra sao đã.
Nghĩ vậy, chàng hỏi:
– Kiến thức của em thực không tầm thường. Anh không mấy chú ý đến chữ nhân trong Nho. Vậy theo Nho, chữ nhân nghĩa là gì? Chữ nhân có từ thời nào?
Yến-Loan suy nghĩ một lát rồi nói:
– Anh thử em đấy à? Này anh ơi, trước Khổng-tử ít thấy nói đến chữ nhân. Trong Kinh-thi, phần Nhã, Tụng, rồi sách Thượng-thư đều không thấy nói đến chữ nhân. Song tới Luận-ngữ thì chương nào cũng nói đến nhân, coi như cái đạo lớn của loài người "nhân sinh chi đạo". Nếu em nhớ không lầm thì những chương nói về chữ nhân nhiều nhất là Nhan Uyên, Tử-Lộ, Dương Hóa, Hiến-vấn, Ung Dã. Còn nhân là gì, thì thiên Ung-Dã, Khổng-tử đã nói rồi:
" .. Tử-Cống hỏi Khổng-tử, tỉ như có người thi ân, bố đức cho khắp nhân gian, mà có thể giúp cho dân chúng, thì người ấy ra sao? Gọi là người nhân được không?
Khổng-tử đáp: sao lại chỉ gọi là người nhân thôi? Phải gọi là bậc thánh mới đúng. Ðến như vua Nghiêu, vua Thuấn, còn làm không nổi nữa là. Người nhân là người tự lập, mà cũng giúp cho người tự lập. Mình muốn thông đạt, mà cũng giúp cho người thông đạt; lấy cách đối đãi với mình mà đối đãi với người, làm người nhân chỉ có thế thôi". (8) Như vậy chữ nhân ở đây có nghĩa là lấy cái thành của mình mà giúp cho kẻ khác; thấp hơn một chút là điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
Ghi chú ,
(8) Nguyên văn:
...Tử-Cống viết: Như hữu bác thí ư dân, nhi năng tế chúng, như hà? Khả vị nhân hồ?
Tử viết: "Hà sự ư nhân? Tất dã thánh hồ! Nghiêu, Thuấn kỳ do bệnh chư! Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân. Năng cận thủ thí, khả vị nhân chi phương dã dĩ". (Luận-ngữ, Ung-dã )
Ðỗ Oanh xen vào:
– Thưa cô nương, thế thì nhân của Khổng với Phật cũng giống nhau sao? Phật dạy ta tu hành, rồi độ cho người "nguyện độ chúng nhân giai thành Phật đạo".
– Ðâu có! Phật dạy ta phải nhân, phải thương xót cả kẻ có tội, thương mọi người như nhau. Khổng-tử bắt ta phải kính người nhân, xa lánh kẻ ác. Khác nhau xa lắm. Như thiên Lý-nhân người nói:
" ...Chỉ có bậc nhân mới biết yêu người, ghét người..." (9)

Ghi chú ,
(9) Nguyên văn :
...Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân. (Luận-ngữ, Lý nhân)

Yến Loan lại tiếp :
– Ông lại khuyên môn đệ : " ... trong nhà thì hiếu, ra ngoài thì đễ, cẩn thận cung kính mà chân tình thật ý, yêu mọi người mà thân với bậc nhân..." (10) Khi Tử-cống hỏi ông : "Người quân tử có ghét ai không?. Ông đáp: Có ghét, ghét kẻ bêu chuyện xấu của người; ghét kẻ dưới mà nói gièm người trên; ghét kẻ có sức mạnh mà không biết lễ phép; ghét kẻ ương ương làm liều để đi đến hỏng việc..." (11)
Ghi chú ,
(10) Nguyên văn:
... nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. (Luận-ngữ, Lý nhân)
(11) Nguyên văn:
... Tử-Cống viết: Quân tử diệc hữu ố hồ? Tử viết: Hữu ố. Ố xưng nhân chi ác giả; ố cư hạ lưu nhi sán thượng giả; ố dũng nhi vô lễ giả; ố quả cảm nhi bất trất giả. (Luận-ngữ, Dương-Hóa)
Dương Tông im lặng nghe Yến-Loan nói về nhân, gương mặt tỏ ra đăm chiêu, suy nghĩ. Yến-Loan kết luận:
– Thu gọn lại chữ nhân của Nho có thể tóm lược trong thiên Dương-Hóa như sau : " ..Tử-Trương hỏi Khổng-tử về nhân. Khổng-tử đáp: Làm được năm điều trong thiên hạ thì là nhân. Tử-Trương hỏi: xin thầy cho biết đó là những điều gì? Ðáp: Năm điều ấy là cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Nếu mình cung kính nghiêm trang thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình khoan hồng thì phục được lòng người. Nếu mình có đức tín thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn thì làm được việc. Nếu mình thi ân bố đức thì đủ sai khiến được người..." (12)
Ghi chú ,
(12) Nguyên văn:
... Tử-trương vấn nhân ư Khổng-tử. Khổng-tử viết : "Năng hành ngũ giả ư thiên hạ, vi nhân hỹ". "Thỉnh vấn chi". Viết "Cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung tắc bất vũ. Khoan tắc đắc chúng. Tín tắc nhân niệm yên. Mãn tắc hữu công. Huệ tắc túc dĩ sử nhân". (Luận-ngữ, Dương-Hóa)

Nàng nói bâng quơ:
– Này, anh nghĩ ngày mai em có nên đánh Hồng-chung kêu oan không?
– Nên lắm. Anh chắc trăm phần trăm đức vua sẽ xử cho em thắng. Anh đề nghị em nên viết một bài biểu trần tình, thuật hết nọi chuyện. Khi em đánh chuông thì lính canh sẽ cầm biểu, rồi dẫn em vào yết kiến đức vua, đức vua sẽ xử cho em.
– Chưa chắc đức vua đã là một nhân quân. Em sợ chỉ uổng công mà thôi.
Dương Tông thở dài:
– Em luận đúng. Quả Chương-thánh Gia-khánh chưa thể gọi là ông vua nhân. Nếu như em làm vua, thì em sẽ làm gì cho dân sung sướng, để tỏ ra có đức nhân?
– Chúng ta hiện đang ở vào thời kỳ cách xa Khổng-tử hơn nghìn năm. Ðương thời đạo của Khổng cũng không được vua chúa dùng đến, huống hồ chúng ta? Nếu chúng ta cứ bắt chước Tống, ngồi tầm chương trích cú, tìm cái xương trong quả trứng gà, thì rồi Chiêm, Lào sẽ đem quân vào quấy rối ở phương Nam, Tống đem quân từ phương Bắc xuống chiếm đất nước. Ta chỉ nên thu thập lấy những tinh hoa của Khổng, của Lão, của Mặc, của Phật... cái nào hợp với chủ đạo tộc Việt thì giữ. Còn bao nhiêu thì quẳng xuống sông Hồng-hà cho rồi. Tại sao lại cứ phải cột chết mình vào chữ nhân? Việc trước mắt là hãy bàn cách làm sao cho dân giầu, nước mạnh đã. Em mà làm vua, thì em ban chỉ đánh thuế thực nặng những người giầu, rồi lấy tiền đó chuộc những con gái người nghèo phải bán thân cho người ta, đem chúng gả cho đàn ông góa, cho thanh niên nghèo không tiền cưới vợ. Tự hậu cấm nạn bán mình.
– Ý kiến của em hay đấy. Rồi sao nữa?
– Hiện nay trên khắp nước đang thiếu trâu cầy. Có khi bốn năm nhà cùng cầy chung một trâu. Thế mà bọn giầu cứ giết trâu chè chén. Muốn cho dân giầu, thì phải khuyến nông. Muốn khuyến nông thì trước hết cấm giết trâu.
– Giỏi. Rồi sao nữa?
– Giới hạn số ruộng của người giầu. Triều đình mua ruộng quá số ấy bán cho người nghèo. Như vậy chỉ ít lâu sau, mọi người đều có ruộng, không đến nỗi kẻ giầu thì giầu quá, người nghèo thì chết đói.
– Ba điều hay. Thế điều thứ tư là gì?
– Thứ tư là hiện có nạn chủ điền thu tô quá cao, đến nỗi tá-điền đành khoanh tay ngồi chịu đói, chứ thuê ruộng cầy cấy mà số hoạch không đủ nộp cho chủ-điền thì cầy làm gì? Còn chủ điền thì thà để ruộng hoang còn hơn là giảm tô. Thành ra số ruộng để hoang quá nhiều, trong khi tá điền ngồi chơi. Dĩ nhiên với tình trạng hiện thời thì không thể có nạn chết đói. Nhưng ví thử tất cả ruộng đất đều cầy, thì có phải quốc-sản dư thừa không?
Dương-Tông gật đầu:
– Em thực là một nữ tể tướng. Thế còn vấn đề thứ năm?
Yến-Loan chưa kịp trả lời, thì từ phía trước một chiếc xe ngựa phóng như bay, nhắm đâm thẳng vào xe của Dương Tông. Ðỗ Oanh hét lên:
– Coi chừng!
Nhưng đã trễ, chiếc xe kia đâm bổ vào xe Dương Tông. Ðỗ Oanh đứng dậy giật cương cho ngựa tránh sang bên cạnh. Nhưng ngựa bị giật cương quá gấp, nên nhảy dựng đứng hai chân trước, hí inh ỏi. Dương Tông, Yến-Loan cùng vọt mình lên cao, rồi đá gió một cái, người tà tà rơi xuống bên đường.
Ðỗ Oanh nhảy xuống xe, tìm chủ xe để tính tội, thì chỉ thấy chiếc xe không. Trong xe có hai chiếc thùng đựng phẩn. Phẩn bắn tung tóe ra ngoài, hôi thối không chịu được.
Quãng đường này không rộng cho lắm, hai chiếc xe đụng nhau chặn mất lối đi đường, làm xe, ngựa phía sau ùn lại, nhiều tiếng la ó, chửi bới. Dương Tông nói với Ðỗ Oanh:
– Tại sao lại có sự kiện lạ lùng thế này?
– Thưa công tử, có lẽ xe chở phẩn đậu bên đường, chủ nhân đang bận làm gì đó, rồi ngựa bị ai đánh nó, nên nó chạy quàng.
Ðỗ Oanh định nói nữa, nhưng y vội ngậm miệng lại, vì rằng đây không phải là xe chở phẩn, mà là một chiếc xe nệm, cương đều rất đẹp, như vậy lẽ chủ nó phải là người giầu có lắm. Hai chiếc thùng bằng gỗ đựng phẩn không có nắp đậy như những thùng chở phẩn khác, mà nó là hai chiếc thùng dùng để gánh nước. Nhìn kỹ trên xe có một xác người chết nằm cong queo. Miệng xác chết bị tọng một cái đùi chó.
Dương Tông, Yến-Loan, Ðỗ Oanh đồng kêu lên:
– Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng.
Ðỗ Oanh nhăn mặt:
– Thưa chủ nhân, cứ như tiểu nhân đoán, thì chủ nhân chiếc xe này làm bậy, bị Mộc-tồn hòa thượng xử tử, rồi ông bỏ lên xe một chiếc thùng phân, sao đó đánh cho ngựa chạy loạn lên.
Dương Tông có vẻ bực mình, nói với Ðỗ Oanh:
– Mi ở đây lo mọi chuyện. Ta với tiểu cô nương vào tửu lầu kia nghe. Xong việc, người ngồi chờ ta.
Dương Tông dẫn Yến-Loan vào một tửu lầu lớn, nàng liếc mắt, thấy có tấm bảng đề "Long-biên anh hùng quán". Chủ nhân chạy ra cung tay:
– Kính mời quý khách vào. Không biết quý khách có bao nhiêu người?
Dương Tông đáp:
– Ta có hai người mà thôi. Người cho ta một bàn biệt lập, sang bậc nhất.
Một tửu bảo cung kính mời hai người lên lầu hai, dẫn vào một phòng nhỏ. Trong phòng chỉ có một bàn, trên cắm hoa tươi, trải khăn lụa mầu vàng, thêu cảnh sơn thủy. Yến-Loan liếc mắt, thấy trên tường treo một bức trướng lụa, trên viết bài thơ của Lý Bạch ca tụng rượu, một bức tranh sơn mài vẽ hình Bát-tiên quá hải. Cạnh đó có cái kệ, trên đặt tượng của Phật Di-Lặc, phía sau kệ là chiếc bàn nhỏ để tượng Tam-đa.
Tửu bảo khom lưng chờ đợi. Dương Tông hỏi Yến-Loan:
– Yến-Loan thích món gì nào?
– Hôm nay mười sáu, em ăn chay.
– Yến-Loan ăn trường chay hay sao?
– Hồi ở chùa, em ăn chay trường như các thầy. Sau này ngồi tù, em phải ăn mặn. Từ ngày về Thăng-long, em ăn chay ngày ba mươi, mồng một, mồng hai, mười tư, mười rằm và mười sáu.
– Như vậy là em tự ý ăn chay, chứ không phải em phát nguyện mà?
– Vâng.
– Vậy thì hôm nay ta ăn mặn nhé?
– Xin chiều lòng quân tử.
Dương Tông gọi tửu bảo:
– Bây giờ là tháng một đang mùa rươi, người cho ta đĩa chả rươi, hai con chim bồ câu quay, hai bát canh vi yến.
Tửu bảo vừa ra khỏi phòng thì có tiếng người quát tháo, tiếng người biện luận vọng vào. Tiếng quát tháo dường như của người còn trẻ:
– Ta bảo ta thích cái phòng này, thì dù có Diêm-la lão tử, Ngọc-hoàng đại đế cũng phải nhường cho ta. Tại sao mi cứ lải nhải mãi vậy?
Ðến đây thì sáu người xuất hiện. Họ gồm ba trai, ba gái và lão chủ. Lão chỉ vào trong phòng có Dương Tông, Minh-Ðệ:
– Tiểu nhân đâu dám nói dối công tử. Xin công tử thử nhìn xem, trong phòng đã có khách ngồi rồi.
Một thiếu niên trẻ, đi giữa hai thiếu niên và ba thiếu nữ khác quát:
– Thì mi đuổi hai đứa này đi, rồi lau chùi bàn ghế sạch sẽ cho chúng ta ăn uống. Bằng chậm trễ thì đừng có trách ta.
Lão chủ quán quay lại nói với Dương Tông, Minh-Ðệ:
– Xin hai vị di đại giá sang phòng bên cạnh. Dương đại công tử đã ưa phòng này, thì chúng tôi đành phải chiều người.
Nghe đến Dương đại công tử, Yến-Loan lại nhớ đến Dương tam công tử cùng vợ phóng xe như bay, đụng phải Khất hòa thượng hôm nàng dạo chơi Thăng-long. Yến-Loan nghĩ thầm:
– Anh em nhà họ Dương thực giống nhau, dựa thế ông cha, không coi ai ra gì nữa.
Yến-Loan nhìn lại, Dương Tông nghe Dương công tử đe dọa, mà vẫn bình tĩnh, lắc đầu:
– Xin lỗi, tôi đến trước rồi, ông đem khách tới sau sang phòng bên kia có được không?
Một trong ba thiếu nữ trẻ ra vẻ thành thạo, chỉ vào thiếu niên nói:
– Tên hủ nho kia, người có biết công tử gia đây là ai không?
Dương Tông vẫn ôn tồn:
– Nước có luật, làng có lệ, nhà có quy. Như chủ nhân vừa nói, Anh-hùng tửu lâu này đã định rằng ai có tiền thì được vào ăn. Ai tới trước thì được chọn phòng trước. Công tử nhà cô nương dù là con quan, con dân, cũng phải tuân theo quy tắc đó. Chúng tôi tới trước, chọn bàn trước, đã gọi món ăn rồi; hà cớ công tử của nhà cô nương lại đòi đuổi chúng tôi đi?
Thiếu nữ trẻ chỉ vào Dương nhị công tử, cùng hai thiếu niên::
– Vị này là đệ nhị công tử của Chiêu-văn-quan đại học sĩ, Gia-viễn quốc công.
Lại chỉ vào thanh niên lực lưỡng:
– Vị này họ Trịnh, danh Quang-Liệt, đệ nhị thái bảo của trường Trung-nghĩa Kinh-Bắc, hiện đang lĩnh chức Vũ-vệ hiệu úy cung Long-thụy.
Lại chỉ vào một thanh niên mặt mũi coi bạc nhược:
– Vị này là một vị công công tổng lĩnh thái giám cung Long-thụy, tên Nguyễn Quý-Toàn.
Yến-Loan nghĩ thầm:
– Hôm ta bị bắt đến dinh Trung-nghĩa thì không thấy thằng này, có lẽ nó làm quan xa, nên vắng mặt, bằng không nó đã nhận ra ta. Còn tên Nguyễn Quý-Toàn kia là hoạn quan. Chúng là thị-vệ, thái-giám, hèn chi hách dịch quá.
Dương Tông nghe giới thiệu gia thế, địa vị của bọn mới đến mà vẫn rửng rưng coi như không có chúng vậy. Chàng vẫy tay:
– Dù công-tử, dù thị-vệ, dù thái-giám thì xin chờ chúng tôi ăn xong, mới có thể vào đây.
Gã họ Dương đưa mắt cho tên Quang-Liệt. Quang-Liệt tiến tới vung tay chụp cổ áo Dương Tông định nhắc bổng chàng lên. Bỗng Ðỗ Oanh xuất hiện. Y nhìn bọn họ Dương, miệng cười khành khạch, rồi quát:
– Buông tay. Không được vô lễ!
Rồi y ra chiêu ưng trảo chụp vào vai Quang-Liệt, y ra chiêu sau, mà lại tới trước. Lập tức cánh tay Quang-Liệt mất kình lực. Y vội nhảy lùi lại phía sau, đưa mắt gườm gườm nhìn Ðỗ Oanh. Tên họ Dương chỉ mặt Ðỗ Oanh:
– Mi là ai, ban nãy ta chưa cho bắt mi về tội ăn cắp ngựa, cùng vô lễ, bây giờ mi lại can thiệp vào chuyện chúng ta, thì mi tới số rồi.
Ðỗ Oanh chỉ vào Dương Tông:
– Ta là tùy tùng của chủ nhân đây.
Ðến đó tửu bảo bưng một cái mâm với bát đĩa, thức ăn, cùng rượu lên. Gã Quý-Toàn vung chân đá vào chiếc mâm, miệng quát:
– Tụi bay vô phép thì không được ăn.
Chiếc mâm bay tung lên cao. Ðỗ Oanh phất nhẹ một chiêu, bao nhiêu bát, đũa, thức ăn văng vào mặt tên Quý-Toàn, mặt mũi, y phục của y tẩm nước canh, nước mắm, rượu, trông thực thảm thiết.
Lập tức gã họ Dương, gã Quang-Liệt, Quý-Toàn cùng nhảy vào tấn công Ðỗ Oanh. Ðỗ Oanh như đùa bỡn với cả ba người. Y xuyên bên Ðông, lượn bên Tây vung tay tát tên Quý-Toàn một cái, rồi dùng ưng-trảo xé áo gã họ Dương, sau đó lượn một vòng, quét chân một cái làm gã Quang-Liệt ngã chổng vó lên trời. Khoảng nhai dập miếng trầu, thì quần áo cả ba người rách bươm, trông thực thảm thiết.
Nhìn qua thân thủ Ðỗ Oanh, Yến-Loan kinh ngạc, nghĩ thầm:
– Ta tưởng y chỉ là tên đánh xe, không ngờ võ công y cao thâm thực. Những chiêu số y dùng, thì đúng là của phái Tản-viên. Cái tên Hồng-Liệt kia, võ công đâu có thua sư huynh y. Còn tên họ Dương, thì chiêu số rất kỳ lạ, ta chưa hề thấy qua!
Ba thiếu nữ đi cùng gã họ Dương chạy xuống nhà một lát sau, cả ba ả xuất hiện với một đội võ sĩ khoảng hơn mười người. Viên chỉ huy đội võ sĩ dáng người to lớn kềnh càng. Ði theo y còn có một lão già gầy gò, nhưng tuổi đã cao. Tên đội trưởng ra hiệu cho đội võ sĩ vây lấy bọn Dương Tông. Còn lão già thì chắp tay sau lưng đứng nhìn trận đấu. Giữa lúc đó Ðỗ Oanh tát gã công tử họ Dương một cái, gã đội trưởng vội xỉa ngón tay vào giữa Ðỗ Oanh với gã họ Dương. Nếu Ðỗ Oanh đánh tới thì huyệt Lao-cung trên bàn tay y bị thương. Ðỗ Oanh vội biến cái tát thành quyền, gã đội trưởng lại biến thành cầm nã, bắt tay y. Hai tay đụng nhau đến bộp một tiếng. Ðỗ Oanh bật lui liền hai bước, còn gã đội trưởng thì tỏ vẻ đau đớn, ôm tay đứng tần ngần nhìn Ðỗ.
Ba tên Quang-Liệt, Quý-Toàn và gã họ Dương cùng nhảy lui lại.
Gã họ Dương nói lớn với lão già như ra lệnh:
– Lão sư, xin lão sư bắt hai thằng ôn con này đem về phủ cho tôi.
Lão già ra chiêu hổ trảo chụp Ðỗ Oanh. Ðỗ Oanh trầm người tránh, nhưng tay lão cũng trầm theo, rồi túm được cổ áo Ðỗ Oanh nhắc bổng lên, lão ném y xuống đất cho bộ hạ trói lại.
Dương Tông quát lên một tiếng, tay phải chàng phẩy nhẹ một cái, tên võ sĩ đang trói Ðỗ Oanh bật tung lại sau, ngã lộn đi hai vòng. Lão già phát một chưởng hướng Dương Tông, chiêu số chưa ra hết, mà mọi người đã cảm thấy nghẹt thở. Dương Tông lùi lại ba bước, tay phải quay hai vòng, rồi đẩy về trước một chưởng. Hai chưởng chạm nhau đến bùng một tiếng. Cả hai đều bật lui lại.
Mặc cho lão già kinh hãi đến đờ người ra, Dương Tông trở lại bàn ngồi với Yến-Loan. Lão già biết có đấu, chưa chắc đã thắng Dương Tông. Y tảng lờ quay lại hỏi tên họ Dương:
– Thưa công tử, cái gì đã xẩy ra?
Gã họ Dương chỉ vào Dương Tông, với Ðỗ Oanh:
– Hai tên này đồng bọn đã ăn cắp xe của tôi. Y còn giết chết con trai của kinh-lược An-vũ sứ Kinh-Bắc, rồi nhét đùi chó vào miệng nạn nhân.
Dương Tông khoan thai đứng dậy, nói với gã họ Dương:
– Dường như ban nãy tiểu cô nương đây giới thiệu công tử là cháu đích tông của Tả bộc-xạ, Chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử, Dương Ðạo-Gia. Như vậy công tử là con trai của Trường-yên tiết độ sứ, Kinh-Nam hầu chăng?
– Mi nói không sai.
– À, tôi biết công tử rồi. Công tử có tên là Dương Ðức-Huy phải không? Nhà họ Dương phú quý trải đã ba đời. Xưa kia ông cố nội của công tử đã làm Tể-tướng dưới thời vua Thái-tông, rồi thái cô của công tử được phong là Thiên-Cảm hoàng hậu. Bây giờ ông nội công tử làm tể-tướng, phụ thân làm tiết-độ-sứ tước phong hầu; cô của công tử cũng được phong là Thượng-Dương hoàng-hậu. Có đúng thế không?
Dương Ðức-Huy nghe Dương-Tông nói, y hơi chột dạ:
– Người biết cũng khá nhiều đấy.
Dương Tông hừ một tiếng:
– Hiện Dương tể-tướng đang vận động với Thiên-Cảm hoàng-hậu, để công tử được giữ chức Ðô-thống chỉ huy một đạo Thiên-tử binh, nhưng triều đình dị nghị về đức hạnh của công tử, nên việc còn dang dở. Thế mà hôm nay công tử lại đến đây lấn át lương dân. Về đạo lý, coi đã không thuận, huống chi về luật pháp? Tôi xin rửa tai nghe lời công tử dạy dỗ, bằng không tôi phải đánh chuông khiếu oan lên Thiên-tử.
Dương Ðức-Huy chỉ vào Ðỗ Oanh:
– Tên gia đinh nhà ngươi ăn cắp xe ngựa của ta, cùng giết biểu đệ của ta. Ta phải bắt hết bọn mi đem về cho phủ thừa Thăng-long trị tội mới được.
Dương Tông thầy Ðức-Huy lờ vụ đòi chiếm phòng ăn của mình mà nói lảng sang chuyện khác, chàng hỏi Ðỗ Oanh:
– Sự việc ra sao?
– Thưa chủ nhân, ban nãy chiếc xe lạ chở phẩn đụng phải xe mình. Chủ nhân bảo thuộc hạ ở lại giải quyết. Thuộc hạ lôi con ngựa kéo xe chở phẩn sang bên cạnh, thì mấy người này xuất hiện chửi bới thuộc hạ ăn cắp ngựa, giết người. Thuộc hạ phân trần rằng rõ ràng đó là thủ đoạn của Mộc-tồn hòa thượng, thế nhưng họ không nghe, cứ đòi bắt cho được thuộc hạ. Có ai vô lý như vậy không? Rõ ràng xe họ đụng xe mình, mình không nói gì thì thôi, đây ngược lại họ trịch thượng kết tội mình ăn cắp xe.
Dương Tông gật đầu:
– Ðược rồi, chúng ta cùng đến quan tổng trấn Thăng-long để người xử.
Dương Ðức-Huy chỉ Dương Tông, Ðỗ Oanh bảo đám võ sĩ:
– Bọn người hãy trói hai tên này lại đã.
Ðám võ sĩ đã thấy võ công của Dương Tông, chúng đang tỏ ý ngần ngừ, thì Ðỗ Oanh cười nhạt:
– Này anh em võ sĩ của Dương gia. Anh em còn nhớ vụ người nhà họ Dương bang bạnh ở bến Bắc-ngạn thời vua Thái-tông không? Kết quả hai mạng họ Dương chết thảm, mà hai vị Ðô-thống chỉ vì nghe lời họ Dương, rồi đi đến bị băm xương ở Tây-nhai. Các vị hãy nhìn gương cũ, để khỏi chết oan. Các vị nên nhớ Mộc-tồn hòa thượng đang ở rất gần các vị đấy.(13)
Ghi chú,
(13) Biến cố Bắc-ngạn xẩy ra như sau: Khai-Hoàng vương (nay là Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế) cùng với Lý Thường-Kiệt qua Bắc-ngạn Thăng-long thì gặp Dương-hồng-Hạc (Nay là Thượng-Dương hoàng hậu) cùng anh trai. Hai người hách dịch, bang bạnh ra lệnh cho hai đô thống Ðinh, Phùng bắt trói vương với Thường-Kiệt, việc vày đưa đến cha và anh của Hồng-Hạc là Dương Ðức-Uy, Dương Ðức-Thao bị Ưng-sơn song hiệp giết chết. Xin đọc Anh linh thần võ tộc Việt cùng tác giả.
Nghe Ðỗ Oanh nói, viên lĩnh đội võ sĩ nói với Ðức-Huy:
– Thưa công tử, tiểu nhân đề nghị công tử đưa những người này về phủ thừa Thăng-long, để quan phủ Thăng-long phát lạc. Khi họ chưa có tội rõ ràng, thì ta chẳng nên trói họ.
Dương Tông quay lại nói với Yến-Loan:
– Muội muội ngồi đây chờ ta một lát nghe.
Rồi chàng cùng Ðỗ Oanh khoan thai đi với bọn võ sĩ xuống dưới nhà.
Nghe Dương Tông dặn, Yến-Loan ngồi yên trong phòng chờ tin tức. Ðể giết thời giờ, Yến-Loan lấy bộ Luận-ngữ cùng bộ Kinh-thi trong túi ra đọc. Thời gian không biết bao nhiêu lâu, Yến-Loan đã đọc hết bộ Luận-ngữ, mà vẫn chưa thấy hai người về. Chợt tửu bảo chạy lên nói với nàng:
– Này chị, xin chị ra đường đứng chờ mấy vị đi cùng. Tôi phải dọn phòng này cho quý khách.
Yến-Loan đứng lên xuống dưới nhà. Sốt ruột nàng nghĩ thầm:
– Âu là ta đến phủ thừa Thăng-long dò la tin tức xem sao.
Nàng móc túi cho tửu bảo mấy đồng tiền rồi hỏi nó:
– Chú em, chú có biết phủ thừa Thăng-long với dinh Tể-tướng ở đâu không?
– Biết chứ, kìa chị cứ đi theo con đường trước tửu lầu khoảng nửa dặm, rồi quẹo sang trái, chị sẽ thấy một dinh thự đồ sộ, đó là phủ đệ của Dương tể tướng, gần đấy, chỗ có cây đề là phủ thừa Thăng-long.
Từ Anh-hùng tửu lâu đến dinh Tể tướng không xa cho lắm. Khoảng hơn khắc sau nàng đã tìm thấy phủ đệ Gia-viễn quốc-công. Gần đó là phủ thừa Thăng-long. Yến-Loan đi đi, lại lại ở phía ngoài hàng rào. Gần một giờ sau vẫn không có tin tức Dương Tông. Thấy một tên võ sĩ trong bọn ban nãy đi ra, nàng hỏi y:
– Này anh, việc ấy ra sao rồi?
Tên võ sĩ cười nhạt:
– Cô có phải là vợ của một trong hai tên ấy, thì về sắm quan quách đi là vừa. Tể-tướng truyền giam cả hai tên lại, rồi ngày mai đem chém về tội giết người cùng làm loạn kinh đô.
– Thực vậy sao?
– Chứ không thực ư? Tôi nói dối cô làm gì? Tể tướng đã lên án trảm quyết y. Mai sớm thì thi hành. Thôi cô về sắm sửa quan quách đi cho kịp. Tôi nói cho cô biết, đó là hai tên gian tế của Tống để làm nội ứng khi Tống đánh sang mình. Cô hiểu luật Ðại-Việt rồi đó, bất cứ kẻ nào làm gian tế cho Tống, thì quan võ từ cấp thiên-tướng, quan văn từ chức tri phủ đều có quyền trảm đầu, sau mới tâu về triều.
Nói xong y bỏ đi.
Yến-Loan kinh hoàng, choáng váng mặt mày, nàng ôm đầu bỏ chạy biến vào đêm tối. Thình lình nàng đâm sầm vào một người. Cả nàng và người ấy đều bật lui hai bước. Nàng kinh hãi, nhìn lại xem kẻ bị mình đụng phải là ai? Nàng giật mình, vì đó chính là Khất hoà thượng. Nàng vội cung tay:
– A-di-Ðà Phật. Xin Phật giá sư phụ tha cho đệ tử. Vì hoang mang, vì hoảng sợ, đệ tử đụng phải đại giá sư phụ.
Khất hoà-thượng cười rất tươi:
– Chính ta phải tạ lỗi với thí chủ mới phải, vì chính ta đụng phải thí chủ mà. Ta có lỗi. Lỗi tại ta.
Ông chỉ vào tảng đá gần đó, rồi nói như ra lệnh:
– Thí chủ ngồi đó đi!
Không đừng được, Yến-Loan ngồi lên tảng đá. Khất hoà-thượng nhìn nàng từ đầu đến chân, rồi nói:
– Thí chủ ơi! Ta thấy mắt thí chủ lờ đờ, trán dăn lại, tâm hồn hốt hoảng... Thì ra thí chủ đang có điều lo sợ phải không?
– Bạch thầy vâng. Con có người bạn bị bắt giam, sáng mai đem ra chém. Vì vậy con kinh sợ.
– Kinh sợ. Thí chủ kinh sợ thì ích gì? Này thí chủ ơi, con người ta sinh ra vốn trần truồng. Nếu nay người thân của thí chủ có chết cũng còn manh áo trên người, thì vẫn là lời chán mà. Thôi, đây bần tăng tặng cho thí chủ mấy viên thuốc. Thí chủ uống vào, nhất định tâm thần bớt hoảng hốt ngay.
Yến-Loan cung tay lĩnh tám viên thuốc bỏ vào miệng nuốt đi. Nàng hỏi:
– Bạch thầy thuốc này tên là gì vậy?
– Thuốc do bần tăng chế ra, nó gọi là "Ðịnh tâm hoàn", dùng để trấn tĩnh nỗi lo lắng, phiền não. Nó cũng dùng để trị chứng mất trí nhớ. Như người già hay quên, học trò học thi. Bần tăng có thể tóm lược bằng câu này: "Kiên thần, trấn tĩnh, an miên, ích trí". Nghĩa là giúp người ta vững lòng khi bị đe dọa, khi bị hành hạ tâm thần, ngủ ngon và ích trí nhớ. (14).
Ghi chú ,
(14) Ðịnh tâm hoàn
Phương thuốc rất cổ, lưu truyền tới ngày nay. Chúng tôi thường dùng với tên "Kiên não định thần hoàn", rất hữu hiệu.

Dưới đây tôi ghi thành phần, cạnh ghi thêm tiếng La-tinh, để quý đồng nghiệp dễ tra cứu:
Ðương-quy (Angelica sinenis) 10%
Táo-nhân (Semen zizyphi) 16%
Thung-dung (Caulis cistanchis) 8%
Bách-tử-nhân (Semen biotae) 6%
Thiên-ma (Rhizoma gastrodiae 4%
Viễn-chí nhục (Polygala) 4%
Hồ-đào nhân (Walnut Kernels) 8%
Ðởm Nam-tinh (Bile rhizoma arisaematis) 4%
Xương-bồ (Rhizoma calami) 4%
Cam kỷ-tử (Fructus lychii) 8%
Hổ-phách (Succinum) 4%
Long-xỉ (Fossilia dentis mastodi) 4%
Ngũ-vị tử (Fructus schizandae) 20%.
Cộng 13 vị, chế thành tễ, hoặc viên nhỏ.
Hiệu-năng, chủ trị:
- Kiên não (Ðầu óc hoang mang, lo nghĩ vẩn vơ, sở hãi vô lý hoặc có lý)
– Trấn-tĩnh (Kinh hãi, bị đe dọa, bị khủng bố tinh thần, lo nghĩ trước khi thi, hoặc sắp phải đối diện với những khó khăn).
– An miên (Giúp cho ngủ ngon. Nhưng đây không phải là thuốc ngủ).
– Ích-trí (Bồi bổ trí nhớ. Người già hay quên. Sau khi bệnh mất trí nhớ. Giúp sinh viên, học sinh học bài mau thuộc, nhớ lâu).
Dụng pháp, dụng lượng:
Dùng thêm mật ong chế thành viên nhỏ, hoặc tễ.
– Người già hoặc người bệnh mất trí nhớ, sinh viên học thi: ngày ba lần, mỗi lần 3g.
– Thần kinh suy nhược: sáng 4,5g. Trưa 4,5g. Chiều 6g.
– Trấn-tĩnh: ngày 3 lần, mỗi lần 6g.
Cấm-kỵ:

Không. Dùng lâu không hại.

Dường như thuốc đã ngấm, Yến-Loan cảm thấy trong người khoan khoái kỳ lạ. Nàng chắp tay vái nhà sư:
– Ða tạ thầy bố thí. Nhưng con vẫn lo.
– Thôi được, để bần tăng coi cho thí chủ một quẻ bói xem hung cát thế nào nghe!
Yến-Loan mừng quá chắp tay:
– Dạ, dạ. Xin thầy xem cho con ngay.
– Thế thí chủ sinh giờ, ngày, tháng năm nào?
– Bạch thầy con sinh ngày 30 tháng năm, năm Ất-Dậu, giờ Thìn.
Nhà sư bấm tay tính toán một lúc rồi nói:
– Bần tăng coi Tử-vi cho thí chủ. Vậy thí chủ trả tiền đi chứ?
Yến-Loan móc trong túi không còn đồng nào, nàng luống cuống chưa biết trả lời sao, thì nhà sư đã nói:
– Thôi. Khỏi cần trả bây giờ. Sau này trả cũng chưa muộn.
Nhà sư lại tính toán một lúc rồi nói:
– Chà, số của thí chủ tốt quá. Mệnh thí chủ lập tại Dần; Thiên-đồng, Thiên-lương thủ mệnh. Thiên-đồng là phúc tinh, Thiên-lương là ấm-tinh, nên thí chủ sinh ra tâm tính lương thuần, thích đem của mình cho người, lòng luôn hòa hoãn. Ðã vậy còn được Hoá-quyền phụ trợ, nên học một biết mười, bút mặc văn chương hiếm có, võ công lại cao thâm khôn lường. Vì sinh tháng năm, giờ Thìn, hội đủ Tả, Hữu, Xương, Khúc chiếu cho nên sau này sự nghiệp của thí chủ vĩ đại vô cùng.
– Thưa thầy liệu con có được như công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh không?
– Hơn nhiều.
– Bằng vua bà Bình-Dương, tiên-cô Bảo-Hòa chăng?
– Hơn nữa.
– Bằng công chúa Thánh-Thiên, Phùng Vĩnh-Hoa không?
– Cao hơn bậc nữa.
– Thưa thầy còn ai đâu?
– Sự nghiệp của thí chủ chỉ nhường vua Trưng mà thôi.
– Thầy có dậy quá không?
– Ðược! Thí chủ nhớ nhé, sau này nếu sự nghiệp thí chủ quả như bần tăng đoán, thì thí chủ phải làm bẩy mươi hai ngôi chùa để trả nợ đấy nhé.
– Bạch thầy con không quên đâu.
Quả nhiên sau này Yến-Loan lên làm Linh-Nhân hoàng thái hậu, cầm quyền cai trị Ðại-Việt; bà nhớ lại lời nguyện xưa, bỏ tiền riêng xây 72 ngôi chùa. Lại có thuyết nói rằng: bà xây 72 ngôi chùa để xám hối việc bức tử Thượng-Dương thái hậu cùng 72 cung nữ. Cũng có thể việc xây chùa này gốc ở cả hai thuyết trên.
– Cung huynh đệ của thí chủ có Thiên-hình. Thiên-hình là hung tinh, hóa hình là thanh kiếm, chủ chém giết. Thời thơ ấu thí chủ bị em đánh đập khổ sở, có lần giết thí chủ, mà thí chủ vẫn thoát chết.
– Dạ đúng ạ.
– Cung phụ mẫu có Vũ-khúc, Thất-sát, vốn xấu, lại còn thêm Ðịa-kiếp nữa, thì thí chủ bị mẹ coi như kẻ thù, luôn tìm cách hại thí chủ. Dù thí chủ vô tội, nếu như có ai đâm chém thí chủ thì bà sướng lắm.
– Dạ đúng ạ.
– Ðại hạn thứ nhất ở cung Mão, ngộ Vũ, Sát, Kiếp, thì ôi thôi, suốt thời gian từ lúc sinh ra (1045) đến năm mười lăm tuổi (1045-1059), thí chủ sống như tôi đòi, như trâu, như chó. Dù thí chủ muốn sống đã không nổi, mà muốn chết cũng không xong.
– Dạ, đúng ạ.
– Từ năm mười lăm tuổi, đại hạn sang cung Thìn ngộ Thái-dương miếu địa, cuộc đời thí chủ bắt đầu thay đổi. Thí chủ được gặp đại quý nhân thu làm đệ tử. Cái khổ dần bớt đi. Nhưng năm mười sáu tuổi, năm Canh-Tý (1060) tiểu hạn ngộ Vũ, Sát, Kiếp. Lưu Thái-tuế ngộ Cự-môn, lưu Tang-môn nhập mệnh. Cự-môn chủ miệng lưỡi, Tang-môn chủ tàn phá; nên bị vu hãm, bị tù đầy. Năm nay, tiểu hạn nhập cung Sửu, ngộ Thiên-tướng, Ðịa-kiếp, thì xấu tốt lẫn lộn. Ðầu năm bị vu hãm, nhưng không sao. Bởi đại hạn có Thái-dương, tiểu hạn có Thiên-tướng, Long-trì, Phượng-các đều bất kị Thiên-hình, Ðịa-kiếp. Như vậy thí chủ thanh vân đắc lộ, sẽ gặp ý trung nhân, rồi được đại quý nhân chí tôn phối ngự. Từ nay, thênh thang đại mệnh phụ, cao sang tột đỉnh.
– Thưa thầy...
Nhà sư chỉ phía trước:
– Kìa thí chủ nhìn kìa.
Yến-Loan nhìn theo tay nhà sư, nhưng không thấy có sự gì lạ. Nàng hỏi:
– Thưa thầy...
Nhưng nhà sư đã biến đâu mất, chỉ còn bóng đêm che phủ mà thôi.
Q8- Nam Quốc Sơn Hà
Lời mở đầu
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
Chương 43
Chương 44
Chương 45
Chương 46
Chương 47
Chương 48
Chương 49
Chương 50
HỒI KẾT