watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Q8- Nam Quốc Sơn Hà-Chương 33 - tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Chương 33

Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Tháng 6, ngày mười bẩy, niên hiệu Thái-Ninh thứ tư đời vua Lý Nhân-tông của Đại-Việt (Ất-Mão, 1075) bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ tám đời vua Thần-tông nhà Tống.
Trên bến Tiềm-long bên bờ sông Hồng, hoa phượng nở đỏ rực bầu trời. Giòng sông nước đục ngầu chảy siết về hạ lưu, trên mặt nước lềnh bềnh những khúc củi mục nhấp nhô xuôi giòng. Buổi sáng Thăng-long về mùa hè, bầu trời xanh ngắt, không gợn chút mây tơ. Tiếng ve rên rỉ những bản nhạc u sầu dài liên miên bất tuyệt. Mặt trời đã lên cao, vượt khỏi những lũy tre già. Một chiến hạm lớn thuộc hạm đội Động-đình đậu tại đó từ bao giờ. Chiến thuyền có hai cái cầu gỗ bắc từ cửa đến bờ. Mỗi cửa đều có hai thủy binh đứng gác.
Hai chiếc xe song mã bịt kín từ cửa Đại-hưng tiến về phía bến Tiềm-long. Bất cứ ai liếc qua cũng biết đây là hai chiếc xe rất lớn, thuộc loại chở lương thực. Mấy viên thủy thủ có nhiệm vụ tưới hoa trong vườn cảnh bến Tiềm-long ngơ ngác nhìn chiếc xe, rồi nói với nhau:
– Kìa xe chở lương thực xuống chiến thuyền kìa. Chắc chiến thuyền này lại sắp ra khơi hẳn!
Hai chiếc xe tới đầu cầu chiến thuyền thì dừng lại. Cửa xe mở ra, lập tức có rất nhiều người từ trong tung mình ra, rồi vượt cầu vào trong chiến thuyền. Hết hai xe này, lại có hai chiếc khác. Cứ như vậy, khi trời gần trưa thì đã có tới mười chiếc xe đến rồi ra đi.
Bây giờ thuyền mới rút cầu, nhổ neo, xuôi giòng.
Trong khoang lớn nhất của thuyền, đèn nến sáng trưng. Hơn trăm người ngồi im lặng, chia thành bốn hàng hình chữ U. Những người đó, kể từ cao xuống thấp có Linh-Nhân hoàng thái hậu, Thái-Ninh đế, Đại-tư mã Lý Thường-Kiệt, Thái-úy Hoàng Kiện, Đại-đô-đốc Lý Kế-Nguyên, quản Khu-mật viện kiêm tổng-trấn Thăng-long Trung-Thành vương, Tổng-lĩnh Thiên-tử binh Tín-Nghĩa vương.... thấp nhất là mười hai Đô-thống chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh.
Lễ tất.
Linh-Nhân hoàng thái hậu mở đầu:
– Tình hình biên cương cực kỳ khẩn trương. Tống đang chuyển đại binh từ Tây-thùy, Bắc-thùy về Nam-thùy đánh ta, cho nên cô-phụ phải tổ chức buổi hội mật này để đối phó. Hơn lúc nào hết, lúc này là lúc ta phải bỏ hết tỵ hiềm mới mong tồn tại. Chính vì vậy, Hoàng-thượng ban chỉ ân xá cho Thái-sư Lý Đạo-Thành, phục hồi chức tước để người có thể tham dự vào công việc hộ quốc. Nào mời Thái-sư ra.
Thái-sư Lý Đạo-Thành từ trong bước ra chắp tay vái Linh-Nhân hoàng thái hậu với Thái-Ninh đế, sồi ngồi vào ghế.
Thái-hậu tiếp:
– Trong buổi triều hội này, lễ nghi được giản tiện hết sức. Các vó đại thần khi tâu trình không cần xưng tên, cứ ngồi nguyên tại vị không phải quỳ gối hành lễ.
Thái-hậu hướng mắt vào Trung-Thành vương:
– Hoàng-thúc! Hoàng-thúc chưởng quản Khu-mật viện, xin hoàng-thúc cho biết tình hình chuyển quân bên Tống đã.
Nguyên tuổi của Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương tương đương với tuổi của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Hậu lấy nghĩa: vua Thánh-tông là con nuôi của Khai-Quốc vương, thì hai vương là chú của Thái-Ninh hoàng đế, nên bà gọi hai vương bằng hoàng-thúc, và ban chỉ cho hai vương vào triều được đeo kiếm, khi tâu không phải xưng tên.
Trung-Thành vương tâu:
– Tống đã chuẩn bị để tiến đánh Đại-Việt suốt mấy năm qua. Gần đây, họ chuyển một số quân rất lớn từ vùng Trường-sa, Kinh-châu về Quảng-đông, Quảng-tây. Trong khi đó, các biên thần Nam-phương ra sức tuyển mộ tân binh, tổ chức thổ binh thành bảo-giáp. Dọc bờ biển họ đóng chiến thuyền, thao diễn thủy quân. Mấy chục năm qua các châu Nam-thùy Tống phải thu góp lương thảo, vàng bạc chuyển lện cho mặt trận Tây, Bắc. Nhưng năm năm gần đây, họ được chỉ dụ không những giữ lương tiền lại, mà còn nhận được lương tiền của vùng Kinh-hồ. Thần thấy rõ ràng họ đang chuẩn bị đánh Đại-Việt.
Đại-tư mã Lý Thường-Kiệt hỏi:
– Xin vương gia cho biết tổ chức lực-lượng Tống tại Nam thùy ra sao?
Trung-Thành vương đem cuốn trực lớn, trên vẽ bản đồ Hoa-nam treo trước cử tọa, rồi trình bầy:
– Phiá Bắc Trường-giang là Kinh-châu. Trước kia Tống có hai mươi vạn quân. Sau khi Địch Thanh đem xuống đánh nhau với quân tám vùng tộc Việt trong cuộc khởi binh của Nùng Trí-Cao, các đạo quân này bị diệt. Địch Thanh bị công-chúa Bảo-Hòa đánh bại, y tổ chức lại các đạo quân này, rồi đem thêm quân ở Tây-thùy về đánh Nùng Trí-Cao. Thành công rồi, y lại mang các đạo quân ấy trở về chỗ cũ. Tại phía Nam sông Trường-giang, hiện có quân của Đàm-châu, Quý-châu, Quảng-đông, Quảng-tây. Nhưng quân ở Đàm, Quý không nhiều, vả khi hữu sự họ cũng không thể điều đi nơi khác, vì phải phòng Đại-lý.
Nhà vua đưa mắt nhìn Côi-sơn tam anh:
– Tam vị sư phụ! Bây giờ trẫm mới hiểu tại sao U-bon vương Lê Văn cứ luôn thao luyện quân sĩ ở Bắc-thái. Thì ra người « hù » Tống hẳn?
Trung-Thành vương cúi đầu:
– Đúng như bệ-hạ phán! Rút lại chỉ có quân lưỡng Quảng là đáng để cho ta phải quan tâm. Trước kia lưỡng Quảng chưa có quân triều. Gần đây họ điều tám đạo rất thiện chiến ở vùng Tây-biên. Mỗi đạo một vạn người. Trong năm đạo đó, một đạo đóng ở Quảng-châu, hai đạo đóng ở Ung-châu, một đạo đóng ở Liêm-châu, một đạo đóng ở Khâm-châu, ba đạo đóng ở Quế-châu. Kị binh trước kia không có, nay họ điều về hai đạo, đó là đạo Thiểm-tây và đạo Ký-bắc. Đạo Thiểm-tây chia ra, một lữ (ghi chú: 3 nghìn) đóng ở Liêm-châu, một lữ đóng ở Khâm-châu, một lữ đóng ở Ung-châu. Đạo Ký-bắc đóng ở Quế-châu. Thủy quân có một hạm đội đóng ở Quảng-châu. Quân của lưỡng Quảng thì có đạo đệ nhất chia ra nửa đóng ở Hoành-sơn, nửa đóng ở Thái-bình. Đạo đệ nhị một nửa đóng ở Vĩnh-bình, một nửa đóng ở Tây-bình. Đạo đệ tam một nửa đóng ở Lộc-châu, một nửa đóng ở Cổ-vạn. Ngoài ra còn quân bảo-giáp, quân khê-động nhiều ít khác nhau.
Thấy chư tướng chưa hơi có vẻ ngơ ngác, vương trình bầy rất khoan thai:
– Tóm lại, tại Quảng-Tây lộ có tám vạn bộ, hai vạn kỵ, chia ra như sau: Đồn trú giữ thủ phủ Ung-châu có hai vạn quân triều, một vạn kỵ binh. Đồn trú tại Quế-châu có ba vạn bộ, một vạn kỵ. Các ải thống thuộc Ung-châu, còn có ba đạo quân Quảng, chia ra đóng ở Hoành-sơn, Thái-bình, Vĩnh-bình, Tây-bình, Lộc-châu, Cổ-vạn. Tổng cộng chín vạn người. Còn quân bảo-giáp của khê-động thì nhiều ít thất thường, khi khởi sự các động chủ trấn thủ của ta sẽ trình sau.
Vương chỉ vào vùng Quảng-đông lộ:
– Tại đây có ba vạn quân triều, một vạn thủy binh, một vạn kị, chia ra như sau: Quảng-châu hai vạn bộ, một vạn thủy binh, ba nghìn kị; tại Liêm-châu, có một vạn bộ , ba nghìn kị binh. Tại Khâm-châu có một vạn quân triều, ba nghìn. Tổng cộng thủy bộ sáu vạn. Còn quân bảo-giáp, khê-động rất ít.
Vương kết luận:
– Như vậy tổng quân Tống ở lưỡng Quảng có mười sáu vạn, không kể quân bảo-giáp, khê động. Trong tương lai, khi đánh ta, họ sẽ đem hai mươi đạo quân triều thiện chiến, với năm đạo kị binh từ biên giới Tây-hạ về. Hai hạm đội từ Mân-Triết xuống. Ngay từ bây giờ ta phải chuẩn bị đối đầu với năm mươi vạn quân bộ thủy bộ, với khoảng mười vạn quân bảo-giáp, khê động và năm mươi vạn dân phu. Tổng cộng một trăm vạn người ngựa.
Ghi chú ,
Thời Tống giờ chưa phân chia ra Quảng-đông, Quảng-tây như bây giờ, mà gọi chung là Quảng-nam lộ, mà thủ phủ là Quế-châu. Đôi khi chia ra Quảng-đông Nam-lộ và Quảng-Tây Nam lộ. Về quân số của Tống, tôi theo QTNC và TTCTGCK, TTCTBK, chứ không theo TS, VSL, ĐVSKTT, TTTTGTB.

Nghe vương tâu trình, người người nhìn nhau tỏ vẻ lo lắng.
Đại-tư mã Thường-Kiệt đứng dậy nói lớn:
– Binh-pháp nói : « Quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa » nghĩa là quân quý ở chỗ tinh-luyện, chứ không quý ở đông. Các vị hãy nhớ thời vua Lê, Đại-Việt chỉ có mười vạn, mà thắng ba mươi vạn quân Tống ở Chi-lăng, Bạch-đằng. Hồi tiên-nương Bảo-Hòa, Đại-Việt chỉ có mười lăm vạn, mà thắng năm mươi vạn quân Tống. Mới đây, vua bà Bình-Dương chỉ có năm vạn binh mà thắng mười vạn quân của bọn Lý Sư-Trung, Tiêu Cố, Tiêu Chú.
Ông chỉ vào Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng:
– Từ bẩy năm nay, Thiên-tử binh được trao cho các Đô-thống này, hầu như đã thay đổi hoàn toàn. Bây giờ tôi để cho Đô-thống Phạm Dật, phu nhân Lê Kim-Loan trình bầy về phương cách huấn luyện binh để các vị thấy tại sao người Tống nghe đến Thiên-tử binh đều tỏ vẻ kinh sợ.
Phạm Dật đứng lên cung tay:
– Quân mạnh hay không là do uy, lực, thế, trang. Uy tức kỷ luật phải nghiêm. Kỷ luật nghiêm thì khi lệnh ban ra người người đều răm rắp thi hành, lúc đối diện với giặc khi tiến, lúc lùi, nhất nhất vạn người như một. Vì vậy mỗi đội quân, khi đối diện với địch thì phía sau đều có ba võ sĩ đao phủ; một lệnh tiến ban ra, mà binh nào chần chờ, lui lại, hay quay đầu lại thì chém tại chỗ. Cho nên chúng tôi tự hào là Thiên-tử binh chỉ biết chết, chứ không biết lùi. Thứ hai là lực. Lực là sức manh, cho nên tất cả tướng sĩ, mỗi ngày đều phải luyện tập bốn giờ (8 giờ ngày nay),chia ra: Một giờ luyện tập võ nghệ, một giờ bắn cung, một giờ xung phong hãm trận, một giờ học tập binh pháp. Vì vậy, một Thiên-tử binh, sau một năm tại ngũ, về võ nghệ đã có thể tay không đánh thắng bốn năm người, hoặc khi đối địch với kẻ dùng cùng một thứ vũ khí, có thể thắng ba đến mười người. Hóa cho nên sau bẩy năm, những Thiên-tử binh của ta đã có trình độ võ công như một võ sĩ. Về hành binh, thì cứ một ngày tập trận giả đánh trong đồng cỏ, một ngày tập đánh trong rừng, một ngày tập đánh ở đồng lầy, một ngày tập công thành.
Các quan cùng gật đầu tỏ ý tin tưởng.
– Thứ ba là thế. Thế tức là sự phối hợp giữa các đội quân bộ, như khi nào thì dùng Thần-nỏ, khi nào thì dùng Thạch-xa, khi nào thì phóng lao, khi nào thì bắn tên, khi nào thì xung sát chém giết. Lại huấn luyện khối hợp giữa bộ binh, kị binh, thủy binh, Thần-nỏ, Thạch-xa, thú binh. Tỷ như hiệu Ngự-long đối trận với một đạo kị binh Tống, tôi chỉ việc ra lệnh cho lữ nào đánh mặt phải, lữ nào đánh mặt trái, lữ nào đánh trực diện, lữ nào trừ bị. Các lữ trưởng thấy binh địch còn ở xa, thì ra lệnh cho Thạch-xa bắn ngay vào hàng đầu của địch. Khi địch lại gần, thì cho Thần-nỏ bắn. Khi hai bên giáp nhau rồi, thì đội đao thủ xung lên chém chân ngựa, đội cung thủ thì bắn kị mã.
Phạm Dật ngừng lại, đưa mắt cho Lê Kim-Loan. Kim-Loan biết ý chồng, nàng trình bầy:
– Thứ tư là trang. Như các vị thấy, Thiên-tử binh được trang bị giầy bằng vải thực dai, thực dầy, đế bằng da, để khi dẵm phải đá, phải sỏi thì không đau. Ngực, lưng được che bởi miếng hộ tâm kính bằng thép, đầu đội chiếc mũ bằng thép mỏng. Về vũ khí, thì mỗi Thiên-tử binh đều được phát cho hai thứ; một là vũ khí chính như đao, giáo; hai là vũ khí phụ như cung tên, mũi lao, dao ngắn.
Vũ Quang chỉ vào Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương:
– Từ sau cuộc bình Chiêm trở về, Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương nghiệm thấy rằng trong cuộc Nam chinh, những trận thắng dễ dàng là nhờ chư tướng kết thân với nhau, một lần suýt thất bại vì tên Trần Thanh-Nhiên ghen tỵ với Long-biên ngũ hùng. Cho nên nhị vương đã ban lệnh đi các trấn, các hạm đội, bắt bược một tháng, chư tướng từ cấp lữ phải hội họp ba ngày với nhau để có dịp học tập binh pháp, ăn ở cùng nhau, vui đùa có nhau, thắt thêm tình bạn.
Hoàng-Nghi tiếp lời Vũ Quang:
– Trung-Thành vương đã nghiên cứu phương thức huấn luyện binh lính của Tống, rồi soạn một tập binh pháp mới để phá binh pháp Tống. Nếu nay mai khi giao chiến với Tống, chỉ thoáng thấy đội hình của họ, là chúng tôi đã biết họ định làm gì, ta muốn phá họ thì phải làm gì.
Thường-Kiệt vào công chúa Thiên-Ninh:
– Thêm vào đó, Bà-chúa-kho cho tổ chức nhiều ao nuôi cá, nhiều cánh đồng nuôi gà vịt, nhiều nhà nuôi lợn, có lương thực cho binh tướng ăn thêm trong những ngày luyện tập để lấy sức. Cho nên binh tướng đều vui lòng vì được hậu đãi. Hiện lương bổng của quân ta cao gấp ba quân Chiêm, gấp đôi quân Tống, lại được đối đãi như chân tay, nên giữ binh với tướng có mối thâm tình như cha con, anh em.
Thái-úy Hoàng Kiện hỏi Trung-Thành vương:
– Theo ước tính của vương gia, thì bao giờ họ đánh mình?
– Trong năm tới.
Trung-Thành vương khẳng định: Ba sứ đoàn mật của ta cử sang Tống, Liêu, Hạ thành công mỹ-mãn. Nhưng dù Hạ, Liêu đòi điều kiện gì Hy-Ninh đế với Vương An-Thạch cũng chịu. Tống mới cắt dâng cho Liêu 700 dặm ở vùng Liêu-đông, dù phe thân mình ra sức công kích. Nguyên trong triều Tống, phe chủ đánh Bắc hòa Nam đa số là các tướng do Kinh-Nam vương đào tạo. Nhưng mấy năm trước, Kinh-Nam vương, công chúa Huệ-Nhu không đồng chính kiến với Hy-Ninh đế và Vương An-Thạch, hai vị cáo quan về triều, rồi ngao du sơn thủy. Vì vậy phe chủ đánh Nam phương mạnh lên.
Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Trước khi nghị sự, xin vua bà Bắc-biên lược tấu về tất cả chính sách Nam-thùy của Tống từ thời vua thái-tổ là Triệu Khuông-Duẫn đến giờ.
Công chúa Thiên-Thành đứng dậy ra tâu:
– Chính sách của Tống đối với Đại-Việt ta từ trước đến nay không bao giờ nhất định. Nó thay đổi tùy vào sức mạnh của ta, và tùy vào triều đình của Tống. Triều đình mà thần muốn tâu ở đây bao gồm nhà vua và các quan. Tuy vậy chính sách của họ có thể chia làm bốn. Một là ước thúc, hai là hoà hoãn, ba là co rút, bốn là hung hăng.
Công-chúa ngừng lại, đưa mắt quan sát triều đình một lượt rồi tiếp:
– Thời kỳ ước thúc là thời kỳ vua Tống Thái-tông, Chân-tông. Sau khi bị bại ở Chi-lăng vào thời Lê bên Đại-Việt, Tống còn bị Liêu đánh phải bỏ Thái-nguyên, U-tô. Vì phải lo đối phó với Liêu, vua Thái-tông, vua Chân-Tông ước thúc bọn đại thần Nam thùy phải mềm mỏng, tránh gây chiến với các nước phương Nam, để dồn nỗ lực đánh với Liêu. Thời vua Chân-tông họ bị Liêu chiếm mất mấy châu phía Bắc, còn bắt triều cống mỗi năm mấy vạn lạng vàng, hàng triệu hộc lúa, cực kỳ nhục nhã. Lúc vua Chân-tông băng hà, Lưu thái hậu nhiếp chính. Bà cùng Tể-tướng Lã Di-Giản, Tào Lợi-Dụng chủ trương nhún mình với phương Bắc, để đánh phương Nam. Sau khi đánh được các nước phương Nam, Tống sẽ có thêm lương thảo, nhân lực. Bấy giờ họ mới quay lên Bắc đối phó với Liêu. Biết được chủ trương này, Khai-Quốc vương đem một sứ đoàn sang Tống, giúp Yên-vương Triệu Nguyên-Nghiễm lật Lưu thái hậu, cùng phe chủ chiến trong triều. Vương kết thân với Yên-vương. Rồi thiếu hiệp Trần Tự-Mai kết thân với vua Nhân-Tông, thành phò mã Tống, được phong làm Ngô-quốc quận vương. Vua Nhân-Tông quyết định giữ yên mặt Nam, quay lên Bắc đối phó với Liêu. Ngô-quốc quận vương Trần Tự-Mai với công-chúa Huệ-Nhu được trao nhiệm vụ tổng trấn Nam thùy. Nhờ uy của hai vị mà trong hơn hai chục năm Tống-Việt vô sự (1027-1046) (Xin xem Anh-linh thần võ tộc Việt, cùng tác giả do Xuân-thu Hoa-kỳ xuất bản).
Công-chúa đem ra một cái trục lớn treo lên. Trên trục vẽ bản đồ Trung-quốc và Tây-hạ, rồi tiếp:
– Trong thời gian hai mươi năm ấy, Tây-hạ được cai trị bởi một vị vua trẻ, có hùng tâm, đại lược. Chỉ sau mười năm, Hạ trở thành một nước binh hùng, tướng mạnh. Hạ-vương không chịu thần phục Tống, mang quân chiếm một vùng đất lớn. Tống sai bọn Địch Thanh, Tôn Tiết, Trương Ngọc đem quân chống cự, nhưng bị bại liên tiếp. Vua Nhân-tông triệu Ngô-quốc quận vương về kinh cải phong là Tần-vương, chuyển lên Tây-thùy đánh nhau với Hạ. Thế là vấn đề ước-thúc Nam-biên mất người chủ trương. Bọn biên thần Nam phương như Dư Tĩnh, Tiêu Chú hăm he muốn gây chiến. Chúng luyện binh sĩ, đồn chứa lương thảo, ép các trang động Bắc-biên, xui Chiêm đánh phía sau ta. Đứng trước tình trạng đó, Khai-Quốc vương quyết định ra tay trước. Một mặt người ra quân thình lình đánh Chiêm. Sau khi bình Chiêm, người huy động quân tám vùng tộc Việt đánh chiếm Lưỡng-quảng, thiết lập nước Đại-Nam, trao cho Nùng Trí-Cao làm vua. Không may cho ta, Nùng Trí-Cao lên làm vua rồi, ông ỷ nước mình lớn, không thần phục Đại-Việt, muốn lấn áp Đại-lý. Gặp lúc Khai-Quốcvương vân du Chân-lạp, Tống dồn hết quân Tây-thùy, Bắc-thùy trao cho Địch Thanh đánh Nùng Trí-Cao. Trí-Cao không được Đại-Việt, Đại-lý chi viện, nên Đại-Nam bị Tống chiếm mất. Từ đấy Tống bỏ chính sách ước thúc ở Nam-thùy; đổi sang chính sách hoà-hoãn. (xin đọc Anh-linh thần-võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ do Xuân-thu Hoa-kỳ xuất bản).
... Hòa hoãn có nghĩa là không đem quân xâm lấn, nhưng cái gương Nùng Trí-Cao, khiến Tống đem trọng binh xuống Nan-thùy, mộ thêm quân, huấn luyện thổ-binh, lập nhiều đồn, tích trữ lương thảo. Sau mấy năm, binh lực Tống ở Nam-thùy trở thành hùng mạnh. Bọn biên-thần được mật chỉ của vua Nhân-Tông, chiêu mộ, đe dọa, ép các trang-động Bắc-biên. Thấy rằng nếu cứ để Tống áp dụng chính sách tằm ăn dâu mãi, thì Bắc-biên sẽ không còn khê động nào nữa. Đức Thánh-tông hội với cô-mẫu (công-chúa Bình-Dương), rồi đem quân vượt biên đánh chiếm lại hết các trang động đã mất. Tống mang quân phản công, bị thua, đành xin hoà, cách chức hết bọn biên thần Nam-thùy như Lý Sư-Trung, Tiêu Cố, Tiêu Chú, Dư Tĩnh. (Xem hồi 1-2-3 NQSH).
... Sau thời gian này, vua Nhân-Tông băng, Anh-Tông lên kế vị. Vì hồi còn là Thái-tử, Anh-Tông chủ đánh Nam-thùy; ông sang Đại-Việt nghiên cứu, bị võ-lâm triều đình Đại-Việt làm cho kinh hồn táng đởm. Nên khi lên ngôi vua, ông áp dụng chính sách co rút. Nghĩa là binh lực Nam-thùy vẫn giữ nguyên, nhưng tuyệt đối không lấn các nước lân bang (1064-1067).
... Nhưng vua Anh-Tông trị vì không được lâu dài. Sau khi người băng hà, Thái-tử lên nối ngôi hiệu là Hy-Ninh. Thời gian làm thái-tử Hy-Ninh từng nghe ông cha, thái-phó nói nhiều về cái nhục phương Bắc, Tây, Nam, nên ông nảy ra hùng tâm muốn thoát ra khỏi tình trạng đó. Ông dùng Vương An-Thạch, áp dụng Tân-pháp. Sau sáu năm, dân trở thành giầu, binh lực hùng mạnh, quốc sản dồi dào. Nên ba năm trước, Hy-Ninh với An-Thạch muốn dụng binh rửa nhục. Ông hội các đại thần nghị kế, nên đánh Liêu trước hay đánh Đại-Việt trước. Các văn quan muốn đánh Đại-Việt trước. Đại-Việt bại, thì Chiêm, Chân, Lào phải đầu hàng. Bấy giờ chỉ ngọn cờ về Tây là chiếm được Đại-lý, Xiêm. Còn các võ tướng thì lại chủ trương đánh Liêu trước, chiếm lại phần đất đã mất, rửa nhục bị tiến cống. Sau khi Liêu bại, thì các nước phương Nam không cần đánh cũng phải quy phục.
... Khi được tin này, ta cử ba sứ đoàn mật sang Tống, Liêu, Hạ. Cả ba sứ đoàn đều thành công. Nhưng từ khi Kinh-Nam vương cáo lão về ngao du sơn thủy, thì phe chủ đánh Nam phương thắng thế, Tống triều thay đổi chính sách như Trung-Thành vương tâu. Từ chính sách co rút, họ đổi sang chính sách hung hăng, khiêu khích. (1067-1075)
Linh-Nhân hoàng thái-hậu đứng dậy hướng Côi-sơn tam anh:
– Tam vị sư bá. Xin các sư bá cho biết chi tiết về cuộc tranh luận của các đại thần Tống về việc đánh Nam hay đánh Bắc. Có như vậy ta mới có thể quyết định được đường lối.
Trần Trung-Đạo đứng lên trình bầy:
– Tâu thái-hậu, tâu hoàng-thượng, thần xin bắt đầu khi Vương An-Thạch lên chấp chính. Từ tiền cổ đến thời vua Thái-tông nhà Tống, những tể-thần phần đông là võ-quan có huân công, rồi lên làm tể-tướng, hoặc cũng có thể là thái-giám, là văn quan. Kể từ thời vua Chân-tông đến giờ (997-1075) hầu hết những người nắm chức tả bộc-xạ, hữu bộc-xạ (Tả tể-tướng hữu tể-tướng) hay tham-tri chính-sự (phó tể-tướng) đều là những văn-gia, thi-sĩ, tư-tưởng gia nức tiếng thiên-hạ, có nhiều tác phẩm danh tiếng. Dĩ nhiên họ đều là nho-gia. Mà khi là nho gia, thì thủ cựu. Việc cai trị dân luôn luôn phải theo Tam-hoàng, Ngũ-đế. Mỗi luật lệ đều phải phỏng theo Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Mỗi chế, chiếu, biểu đều phải dẫn Tứ-thư, Ngũ-kinh. Trong khi ta, Liêu, Hạ lại vượt qua những điều hủ lậu, miễn sao làm cho dân hạnh phúc là được rồi. Việc cải cách của Vương An-Thạch, bình tâm mà bàn, quả là thực tế. Nội dung cải cách đó đối với ta thì thua xa, trong khi đối với các nho thần Tống thì quá táo bạo. Ngay những năm đầu cải cách, hầu hết các tể thần đều chống đối. Hy-Ninh đế thẳng tay cách chức những tể-thần đó, đổi ra các châu. Đó là điểm vừa yếu, vừa dại.
Đô-thống Vũ Quang hỏi:
– Thưa sư-bá (ghi chú: Long-biên ngũ hùng là đệ tử của Khai-Quốc vương và vương phi Thanh-Mai. Mà vương phi Thanh-Mai là sư muội của Trung-Đạo, nên ông gọi Trung-Đạo là sư bá), xin sư bá giải rõ đôi chút, rằng tại sao Hy-Ninh đưa các tể thần ra các châu là điều vừa yếu, vừa dại?
– Giản-dị thôi. Như trên đã tâu, các tể thần đều là văn gia, tư tưởng gia có những danh tác, rất được quần chúng hâm mộ. Nay cách chức họ, thì dân chúng bất phục, đó có phải là điều làm suy yếu lòng tin của dân chúng về Tân-pháp không? Khi đưa họ ra các châu làm quan, họ gần dân chúng hơn, gần sĩ dân hơn, họ có dịp nói với mọi người rằng họ có lý. Họ đem những cái dở, cái bất lợi của Tân-pháp phơi ra với quần chúng. Đó có phải là điều dại không?
Ông tiếp:
– Nay sau chín năm áp dụng Tân-pháp, thành công nhiều về quốc-sản, về binh-bị, nhưng thất bại về nhân tâm. Ngày 13 tháng 7 niên hiệu Thần-vũ thứ nhì (Tống Hy-Ninh thứ nhì, Canh-Tuất 1070),An-Thạch tâu với nhà vua rằng: « Trước đây triều đình chỉ chú trọng vào mộ-binh (binh triều), thành ra binh không nhiều lại rất tốn kém, mà khi hữu sự phải điều động. Ta phải bắt chước Giao-chỉ huấn luyện dân binh, gọi là bảo-giáp (tức Đại-Việt là hoàng-nam). Khi có biến, bảo-giáp tự chống cự cầm chân giặc, rồi ta cứu viện bằng chính binh sau ». Vua thuận. Thế là Tống cử Tô Giàm, một biên thần có công chống Nùng Trí-Cao về coi Ung-châu, lo việc luyện dân binh, lập thêm một đạo binh (ghi chú: đạo của Tống khoảng 10 nghìn người, tương đương với ngày nay là một sư đoàn).Cuối năm này, viên chuyển vận sứ Quảng-Tây là Đỗ Kỷ sưu tầm đầy đủ về tình hình nước ta: dân số, tổ chức quân đội, địa thế. Bấy giờ ta mới thắng Chiêm, thanh thế lừng lẫy nên Tống chưa dám đánh. Nhà vua chuyển những chi tiết đó cho Khu-mật viện làm tài liệu. (TB, Hy-Ninh 3, 11– Canh-Tuất 1070).
Công-chúa Thiên-Ninh góp ý:
– Như vậy ta cũng biết rõ tâm-tư Hy-Ninh và Vương An-Thạch: Họ gờm ta. Khi họ đã gờm, thì lúc đánh ta họ phải dùng hết lực.
Trung-Đạo tiếp:
– Điện hạ luận đúng. Tháng giêng niên hiệu Thần-vũ thứ ba (Tống Hy-Ninh thứ tư, Tân-Hợi 1071), Hy-Ninh phục chức cho Tiêu Chú. Nguyên niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ nhì đời vua Thánh-tông (Tống Gia-Hựu thứ năm đời vua Nhân-Tông, Canh-Tý 1060), Tiêu Chú tuân mật chỉ của nhà vua lấn chiếm các trang, động của Đại-Việt, bị vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái mang quân đánh tràn qua. Quân Tống đại bại xin hòa. Vua bà đòi cách chức hết bọn biên thần. Vua Nhân-tông phải giả cách chức bọn biên thần Nam-phương, rồi phong cho chức tước lớn hơn, đổi đi những vùng béo bở hơn. Tháng giêng niên hiệu Thần-vũ thứ ba (Tống Hy-Ninh thứ tư, Tân-Hợi 1072), để chuẩn bị đánh Đại-Việt, Hy-Ninh vội triệu Tiêu Chú về hỏi ý kiến. Tiêu Chú tâu « Trước đây tôi đã ở Ung-châu lâu, tôi biết rằng Giao-chỉ có thể lấy được ». Hy-Ninh cử Chú coi Quế-châu, kiêm luôn Kinh-lược an-phủ-sứ Quảng-Tây. Chú trở về đất cũ, với thái độ hung hăng. Y cho người liên lạc với các chúa khê động Bắc-biên xưa, thanh thế Tống trở thành mạnh. Mỗi hoạt động của ta, Tống đều biết hết. Tháng 11, tin đó về triều, đức Thánh-tông sai động trưởng Quảng-nguyên là Lưu Kỷ đem quân chiếm lại châu Quy-hóa là châu Nùng Tông-Đán theo Tống, nộp cho Tống. Tiêu Chú xin chỉ dụ của triều đình bắt buộc các tri-châu khi thấy có giặc qua địa hạt mình, thì phải đem quân tiếp cứu các khê động. Ai không tuân thì giết. Nhưng vua Tống lại ban chỉ : « Khi báo có giặc, chưa biết thực hư, nhiều ít mà bắt đem quân chống thì sao thắng được, mà đòi trị tội? ». Vì vậy Chú ở hai năm, mà chẳng làm nên cơm cháo gì.(TS 334).
Nhà vua cười:
– Giá như bấy giờ Hy-Ninh thuận cho Chú dùng nghiêm luật, thì chắc y đã tiến quân vào Đại-Việt giữa lúc Dương hậu làm binh biến rồi.
Mọi người đều kinh ngạc về nhận xét của ông vua con.
– Tháng hai niên hiệu Thái-Ninh thứ nhì (Tống Hy-Ninh thứ sáu, Quý-Sửu, 1073), nhà vua triệu Tiêu Chú về bàn sách lược đánh Đại-Việt. Chú tâu rằng sau cuộc binh biến của Dương hậu, tổ chức cai trị của ta vững, binh lực hùng hậu, khó có thể đánh. Hy-Ninh, An-Thạch không vui lòng, cất chức y, cử Thẩm Khởi thay thế. Thẩm Khởi đang lĩnh chức Hình-bộ lang-trung, chân tay của Vương An-Thạch. Thẩm tâu: « Giao-chỉ là đồ hèn hạ, đánh là thắng ». Thẩm Khởi coi Quế-châu, lĩnh Kinh-lược an-phủ-sứ Quảng-Tây, kiêm luôn chức chuyển-vận sứ (coi về lương thảo), tức là toàn quyền về hành-chính, quân-sự vào tháng hai. Khởi nhận mật chỉ rằng : « Phải chuẩn bị binh, lương sẵn sàng để đánh Giao-chỉ. Cần nhất làm cho khéo, cho kín, bằng không Giao-chỉ biết trước, đề phòng thì hỏng việc ». Thẩm Khởi cậy được tín nhiệm nên vừa tới Quảng-Tây, ra mặt khiêu khích ta. Lập tức y tổ chức đường vận chuyển lương thảo, huấn luyện binh sĩ, đặt thêm doanh trại ở châu Dung, Nghi, rồi đem quân đánh Vương-khẩu của ta để dò dẫm vào tháng ba. Không ngờ Khởi ra binh bất thần, với ba vạn quân triều, mà đánh một đồn ba trăm quân khê động của ta lại không thắng, binh sĩ chết hơn vạn. (TB, Hy-Ninh 6, Quý-Sửu 1073).
Tín-Nghĩa vương hỏi công chúa Thiên-Thành:
– Vua bà! Làm thế nào mà ba trăm quân của vua Bà lại chống nổi ba vạn quân Tống?
– Khải hoàng-thúc, không có gì lạ. Nhất cử nhất động của Khởi, Bắc-biên biết hết. Cho nên trên bầu trời các đồn biên phòng lúc nào cũng có chim ưng tuần tiễu. Do đó khi quân Khởi bắt đầu chuyển động, đồn Vương-khẩu đã biết mà đề phòng. Tướng Tống kéo quân tới, thấy đồn binh ta phòng vệ nghiêm mật, y xua quân tấn công ào ạt. Quân trong đồn dùng tên liên châu bắn ra. Binh Tống chết hàng hàng lớp lớp, họ đành rút ra để nhặt xác chết. Giữa lúc đó, ta cho đội voi, hổ từ trong rừng đánh tập hậu. Binh Tống bỏ chạy tán loạn. Ta dùng thú binh đuổi theo tới biên giới rồi mới rút về.
Công chúa đưa mắt cho Trung-Đạo:
– Xin sư bá tiếp tục.
– Binh tướng chết nhiều, mà Thẩm Khởi bắt phu đắp đồn lũy ở châu Dung, Nghi. Dân chúng tức giận nổi loạn, chém giết quan lại. Tháng tư (vẫn 1073) Khởi dấy động binh năm mươi mốt động thuộc Ung-châu để kết thành quân bảo-giáp. Hy-Ninh cực hoan hỉ, cấp thêm lương tiền. Y lại sai tướng vào các khê-động kiểm điểm dân đinh dạy trận đồ, kết thành bảo-ngũ. Về mặt biển, y bắt hết tráng đinh của những thương thuyền luyện tập luyện. Vì sợ tế tác ta biết, y cấm các thuyền buôn không được sang ta (TS.334). Đến đây Khởi tiến thêm một bước là dụ dỗ, áp lực các châu động của ta theo họ. Y làm việc quá ồn ào, trong khi Hy-Ninh ban chỉ cho y phải làm thực kín. Việc này xin để vua bà Bắc-biên tâu trình.
Công-chúa Thiên-Thành tâu:
– Tháng tư năm đó (1073), Tống ban chức tước cho bọn trang động Việt dâng đất theo họ. Nùng Tông Đán được giữ chức Đô-giám Quế-châu, Nùng Trí-Hội được coi châu Quy-hóa. Cả hai được phong tước Cung-bị khố phó sứ. Khởi lại sai người dụ Lưu-Kỷ ở Quảng-nguyên. Nhưng Kỷ không theo. Cuối năm, bọn Nùng Thiện-Mỹ đem châu Ân-tình, và 600 gia thuộc theo Tống. Tống nhận. Thần vội mật tấu về triều. Thái-hậu ban chỉ: Tống không e dè mình, thì mình phải tỏ ra mạnh, chúng mới sợ. Một mặt Bắc-cương truyền lệnh đi khắp các châu động chuẩn bị lương thảo, binh lính để làm lại chuyện cô mẫu Bình-Dương đã làm năm Chương-thánh Gia-khánh (Canh-Tý, 1060). Quả nhiên tin đồn ra, tế tác Tống vội tấu về Biện-kinh, làm cho Hy-Ninh đế lo sợ hồi hộp. Một mặt Thái-hậu sai sứ sang triều Tống cáo những việc làm của Khởi và đặt vấn đề: Nếu quả Khởi tuân chỉ của triều đình, thì Đại-Việt xin đem quân qua đòi lại. Còn như tự ý Khởi, thì xin trị tội y cho an lòng các nước Nam biên. Hy-Ninh thấy Khởi làm việc lộ liễu quá rồi, sợ Đại-Việt tiến binh, trong khi họ chưa chuẩn bị xong. Hy-Ninh vội họp đại thần nghị sự.
Thái-úy Hoàng Kiện hỏi Trung-Đạo:
– Xin sư thúc tâu tiếp về tình hình Tống triều.
– Lúc ấy anh em thần đang ở Biện-kinh. Nghe tin này, thần đem vàng bạc đút lót cho bọn văn quan chống Vương An-Thạch như Hàn Kỳ, Tôn Giác, Lã Công-Trứ, Trình Hiệu, Lý Thường, Tô Thức, Tô Triệt... cung cấp tin tức cho họ. Họ xúm váo hạch tội Vương An-Thạch dung dưỡng Thẩm Khởi. Anh em thần lại dùng chim ưng báo tin cho sứ đoàn ta ở Liêu, Tây-hạ. Trần Thanh-Hợp cùng Tuyết-sơn thập anh khích Liêu đòi Tống cắt đất vùng Phần-thủy-lĩnh cho. Động-đình thất kiệt xui Hạ đem quân vào Tây thùy lấn chiếm hai châu. Bỗng chốc Tống thấy Bắc, Tây, Nam cùng chuẩn bị đánh mình. Vương An-Thạch gỡ sức ép của Liêu bằng cách tâu Hy-Ninh cắt đất, như họ đòi. Phía Tây chịu giảng hòa. Còn phía Nam thì chịu nhún bằng cách bãi Thẩm Khởi. Lệnh bãi ban ra ngày 1 tháng ba, niên hiệu Thái-Ninh thứ ba (Tống Hy-Ninh thứ 7, Giáp-Dần 1074), và cử Lưu Di thay Khởi. Anh em thần lại cung cấp tin tức Nam thùy cho các văn thần Tống. Họ xúm vào đàn hạch Vương An-Thạch rằng chỉ vì ham gây sự ở Nam thùy, mà triều đình bị nhục ở Nam, mất đất ở Bắc, mất hai châu ở Tây. Hy-Ninh đế truyền cho Vương An-Thạch rút lui, lấy đàn em Thạch là Lã Huệ-Khanh thay thế vào ngày 6 tháng tư cùng năm (1074). Còn Lưu Di làm những gì ở Nam biên từ hồi đó đến giờ, xin để vua bà Bắc-biên tâu trình.
– Tâu Thái-hậu, tâu Hoàng-thượng.
Công-chúa Thiên-Thành đứng dậy trình bầy: Lưu Di vẫn theo đường lối của Thẩm Khởi. Y tiếp tục sai quan lại vào các khê động kiểm điểm thổ-dân, bắt tập trận. Mặt thủy y đóng chiến thuyền, dùng thuyền muối luyện thủy quân. Tháng giêng năm nay thần tâu chư sự về triều (Đại-Việt Thái-Ninh năm thứ tư, Tống Hy-Ninh năm thứ 8, Ất-Mão 1075). Thái hậu ban chỉ: Như vậy đủ thấy rõ chính Hy-Ninh chuẩn bị đánh ta chứ không phải bọn biên thần. Người sai sứ sang Tống đòi phải trả bọn Nùng Thiện-Mỹ, mục đích dò thái độ của Hy-Ninh. Tống không trả lời. Thái-hậu lại đòi đất và dân động Ân-tình, Tống không bằng lòng trả. Như vậy rõ ràng Tống chuẩn bị đánh ta đã xong, nên mới có thái độ cứng rắn. Để tỏ ý sẵn sàng gây chiến với ta, tháng hai vừa qua, Hy-Ninh lại triệu Vương An-Thạch về triều. Vừa về tới triều, An-Thạch sai sứ sang giảng hòa với Liêu, cắt thêm 700 dặm vùng Hà-đông dâng cho Liêu để an mặt Bắc. (TS 334).
Linh-Nhân hoàng thái hậu đứng dậy, nét mặt bà cực kỳ nghiêm trọng, đôi mắt sắc như dao cau lướt nhìn triều đình một lượt, rồi ban chỉ:
– Tống chuẩn bị đánh ta từ lâu, nay mọi sự cụ bị rồi. Cái ngày quân Tống nhập Việt thực không xa. Vậy ý kiến chư khanh thế nào, xin cứ thành thực trình bầy?
Thái-sư Lý Đạo-Thành cung tay:
– Thần xin tâu: Sách Mạnh-Tử có câu : « Ta hồ binh đao chi sự, thánh nhân bất đắc dĩ dụng chi ».
Nghĩa là : Than ôi! Binh đao là những thứ hung ác, bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến. Các chúa thánh như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang đâu có dùng chiến tranh, mà vẫn an được thiên hạ? Đối với Chiêm, ta đem quân đánh họ, nên nay họ cất quân báo thù, mai họ cất quân đòi đất, cái khốn khổ này thực không biết bao giờ mới hết. Còn Trung-quốc là gốc văn minh thiên hạ, trên cao có thiên-tử trị vì, những sắc dân Di, Địch phải hướng về mà quy phục. Xưa kia vua Trưng cùng 162 tướng, lập lên Lĩnh-Nam mạnh biết là chừng nào! Nhưng chỉ vì cứng quá mà bị gẫy. Giá như hồi đó, ta hậu lễ, hạ thể tiến cống xưng thần với Hán, có phải Lĩnh-Nam yên không? Chỉ vì chư tướng hồi đó quá tự ái, nhất định chống Hán mà đi đến nước mất, tộc Việt bị diệt. Vậy, thần nghĩ, ta nên cử một văn thần giỏi biện thuyết, mang châu ngọc sang Biện-kinh nhún nhường xin Tống bãi binh. Như vậy tránh được chiến tranh.
Lập tức trong khoang thuyền cùng bật lên một loạt tiếng « không ». Lý thái sư rùng mình kinh hãi, ngơ ngác nhìn cử tọa.
Một thiếu-phụ ngồi trong hàng võ tướng nữ đứng dậy cung tay:
– Tâu thái-hậu, tâu hoàng-thượng, thần Trần Ngọc-Liên tước phong nhất phẩm phu nhân, vợ của Đô-thống Trần Ninh thống lĩnh hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải, xin được phép đối thoại với Thái-sư ít điều.
– Tất cả những vị được mời hội hôm nay đều có quyền thảo luận, tâu trình, không phân biệt chức tước, nam nữ, văn võ. Phu-nhân cứ hỏi.
Linh-Nhân hoàng thái hậu phân giải: Huống chi phu nhân là nữ tướng phó thống lĩnh hiệu Đằng-hải.
– Thưa thái-sư. Thái-sư dạy rằng vì ta đem quân đánh Chiêm, mới khiến Chiêm đem quân báo thù, thực không đúng. Kể từ đời đức Thái-tổ nhà ta lên ngối, lúc nào người cũng muốn các vùng tộc Việt sống hòa hoãn với nhau trong thế tương thân, tương ái như môi với răng. Nhưng chính các vua Chiêm thuộc gốc Mã-lị-á cuồng bạo đem quân xâm lấn biên cãnh, cho nên người mới phái đức Thái-tông đem quâo chinh phạt. Như vậy ta đánh Chiêm đúng như Mạnh-Tử nói « Thánh nhân bất đắc dĩ dụng chi ».
Cử tọa vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, trong đó có cả Thái-Ninh hoàng đế. Ngọc-Liên tiếp:
– Còn như thái-sư dạy: Trung-quốc là gốc văn minh thiên hạ, các sức dân Di, Địch phải qui phục, lại càng không đúng. Từ cổ, văn minh tộc Hoa, tộc Việt có hai vẻ rực rỡ khác nhau. Nếu tộc Hoa giỏi về săn bắn, thì tộc Việt giỏi về canh nông. Tộc Hoa tìm ra lý âm dương, ngũ hành, thì tộc Việt lại đi tiên phong trong thuật luyện kim. Bằng cớ, ta đúc được trống đồng từ khi tộc Hoa chưa biết dùng kim loại làm vũ khí. Về y-học, tộc Hoa soạn ra Nội-kinh thì tộc Việt soạn ra Nạn-kinh. Một đặc thái khác là tộc Việt đi tiên phong trong khoa thiên-văn, lịch-số; đời vua Hùng ta soạn ra lịch, chép vào lưng con rùa đem tặng Trung-quốc. Vua Nghiêu truyền chép lại gọi là Quy-lịch; từ đấy Trung-quốc nghiên cứu thêm về lịch số, nhưng căn bản vẫn từ Qui lịch.
Tất cả cử tọa đều gật đầu tỏ vẻ tán thành. Ngọc-Liên vẫn khoan thai:
– Vấn đề thái-sư dạy rằng các dân Di, Địch phải quy phục Trung-quốc, thì tiểu nữ không phục. Những điều mà Thái-sư nói đều phát xuất từ kinh Thư, mà kinh Thư do văn nhân cổ thời viết ra, chứ đâu phải trời đất viết? Nếu như bây giờ tiểu nữ cũng viết bộ kinh Việt, rồi nói rằng Việt là gốc văn minh thiên hạ, các sắc dân khác phải cúi đầu tuân phục thì thái-sư nghĩ sao? Thái-sư viện dẫn cái thất bại của anh hùng Linh-Nam là do không biết nhún mình với Hán. Điều này hoàn toàn sai. Bởi sử sách còn ghi: Vì Lĩnh-Nam tổ chức cai trị hoàn hảo, vua được đưa lên do lối cử hiền, chứ không do cha truyền con nối. Dân Hán nổi lên khắp nơi, muốn thay đổi lối cai trị sao cho giống Lĩnh-Nam. Chính vì vậy, bằng mọi giá Quang-Vũ phải diệt Lĩnh-Nam. Giả như hồi đó vua Trưng có nhún đến mấy Hán cũng phải đánh Lĩnh-Nam để tự tồn.
Cử tọa đều gật đầu công nhận lý luận của Ngọc-Liên. Từ trước đến giờ triều đình đều nghe đồn rằng trong bốn thiếu nữ Việt kiều kết hôn với bốn trong Long-biên ngũ hùng, thì Trần Ngọc-Liên là người có cái học rất uyên thâm, nhưng ít ai tin. Bây giờ giữa buổi triều hội, nàng dùng sử sách bẻ gẫy tất cả lý luận của một đại nho như thái-sư Lý Đạo-Thành, khiến mọi người đều khâm phục.
Ngọc-Liên đọc được trên nét mặt mọi người sự đồng ý với mình. Nàng thêm can đảm, nói tiếp:
– Kinh Thư gọi các dân tộc phía Đông Trung-quốc là Di, phía Nam là man, phía Tây là Nhung, phía Bắc là địch. Khi viết tên các nước xung quanh, thì họ không có bộ trùng, thì cũng bi thú, bộ khuyển. Thế sao Liêu là nước thuộc Bắc địch, mà họ bắt Tống tiến cống xưng thần, họ còn tiến sâu vào chiếm mất một phần ba lãnh thổ Trung-quốc?
Nàng đưa mắt nhìn nhà vua:
– Tâu bệ hạ. Thần nghĩ không những mình nên đánh lại Tống, mà còn nên hợp với Liêu, Hạ bắt Tống tiến cống xưng thần. Hàng năm bệ-hạ gửi sứ sang phong cho Hy-Ninh là Tống-vương nữa.
Đám võ quan nghe Ngọc-Liên tâu, họ cùng cười ồ lên.
Trung-Thành vương tâu:
– Lời của cô em dâu thần khí quá đáng, nhưng không phải là không có lý. Tâu thái-hậu, nếu như dùng lễ mà khỏi được chiến tranh, thì ta nên nghe lời thái-sư. Nhưng đây Tống chủ trương chiếm các nước Nam phương làm quận huyện để lấy nhân lực, vật lực đánh Liêu, thì ta có nhún nhường cũng vô ích.
Đại đô đốc Lý Kế-Nguyên tâu:
– Tốt hơn hết, ngay bây giờ ta chỉnh bị binh mã, chuẩn bị thế thủ cho chắc. Như vậy Tống kéo quân sang, đánh tỉa từng đồn thì sẽ mất thời gian mấy năm. Trong khi đó, ta lại sai sứ sang vận động với Tây-hạ, Liêu đánh vào mặt Bắc, mặt Tây, như thế ắt Tống phải rút lui.
Đại tư-mã Thường-Kiệt tâu:
– Khi Tống đánh ta, ắt họ phải đem đại quân, ít ra là ba mươi vạn quân triều, hai mươi vạn bảo-giáp, năm mươi vạn dân binh dân phu. Với một lực lượng như thế mà ta đóng đồn cố thủ thì họ sẵn sàng chia quân ra đánh các đồn. Việc phòng ngự e khó thực hiện được.
Triều đình phân vân bàn lui, bàn tới, vẫn chưa tìm được quốc sách giữ nước. Linh-Nhân hoàng thái hậu vẫy tay cho cử tọa im lặng, rồi đập tay xuống án thư. Vì nội công của Hậïu là nội công âm nhu niên tiếng động vang đi khá xa. Hậu tuyên chỉ:
-– Cô-phụ này nghĩ: Ngồi yên đợi giặc, sao bằng tìm giặc mà đánh trước! Tống muốn chiến tranh, thì được chiến tranh. Ta há sợ Tống sao?
Các võ tướng vỗ tay hoan hô, đầu cúi xuống tỏ vẻ khâm phục ý kiến của Thái-hậu. Bất giác họ cùng đưa mắt liếc trộm Linh-Nhân hoàng thái hậu. Họ chỉ thấy ở bà một thiếu phụ trên ba chục tuổi, nhan sắc dễm lệ, mà không ngờ hùng tâm có thể làm rung động giang sơn nhà Tống.
– Cô phụ quyết định: Cứ tình hình này, Tống xuất binh ra được cũng phải hơn năm nữa. Trong khi ta có thể ra quân trong vòng ba tháng. Về binh pháp, ai ra tay trước thì nắm được thắng lợi. Bây giờ ta vượt biên đánh sang, cướp lương thảo, tiêu diệt các đạo quân triều, bảo-binh, dân binh, hủy thành trì, rồi rút về. Chiến tranh sẽ xẩy ra trên đất Tống. Dân Tống bị hại; còn hơn ngồi chờ họ đem quân vào đất mình, dân mình bị cái vạ chiến tranh. Sau khi ta thành công, Tống không còn đủ sức đánh sang ta nữa. Mà dù họ có cố đánh, thì tinh lực không còn đầy đủ, ta không sợ.
Hình-bộ thượng thư Hoàng Khắc-Dụng tâu:
– Tâu thái-hậu, việc ta vượt biên bất thình lình, ắt thành công rồi. Nếu như Tống thấy mất thể diện quá, họ đem quân từ mặt Tây, mặt Bắc về Nam đánh ta thì ta khó mà đương nổi.
Công-chúa Thiên-Ninh vẫy tay:
– Hoàng thượng-thư tính xa như vậy là phải. Nhưng nếu như Tống bại rồi mà còn giữ ý định đánh ta, thì phải điều quân từ Bắc, Tây về Nam. Bấy giờ hai mặt này Tống không còn binh, ta không cần xui, thì Liêu, Hạ cũng thừa cơ đem quân đánh Tống. Tống bị ba mặt giáp công, sẽ phải đánh ta chớp nhoáng, trong khi ta áp dụng chính sách phòng ngự của Lý đại đô đốc, kéo dài cuộc chiến. Tự nhiên Tống sẽ phải rút quân. Ta nhân đó phản công như thời vua Lê. Dĩ nhiên, sau đó Tống quá mất thể diện, ta sai sứ sang hậu lễ, lời nhún nhường; tự ái được xoa dịu, ắt Tống bỏ ý định Nam xâm. Thế là tự hậu, khi bàn đến Nam xâm, từ vua tới quan Tống đều kinh hồn táng đởm. Mà ví dù họ có muốn đánh nữa, thì binh lính không còn, kho đụn trống rỗng, rồi cũng phải ngồi ôm hận mà thôi.
Sau khi nghị luận một lát, triều đình Đại-Việt cùng đồng ý đánh sang Tống. Việc tổng chỉ huy trao cho đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt.
Ghi chú ,
Từ xưa đến giờ, tất cả sử sách cổ của Đại-Việt như ĐVSKTT, VSL, KĐVSTGCM, đều chép là Lý Thường-Kiệt với Tôn Đản đánh Tống. Không ai chối cãi rằng chiến công đánh Ung, Liêm, cùng cuộc kháng Tống là của Tôn Đản, Lý Thường-Kiệt, Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương, Lý Kế-Nguyên. Nhưng các sử gia cổ bỏ quên không chép rõ rằng người quyết định đánh hay hòa, ngồi chờ giặc hay ra tay trước, cùng tổ chức cai trị giữ vững hậu phương, tiếp vận lương thảo, bổ xung tổn thất v.v. là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Hoặc có người cho rằng chính vua Nhân-tông quyết định, càng hàm hồ hơn nữa. Bởi bấy giờ nhà vua mới mười tuổi, chưa đủ trí khôn, kiến thức để có thể đưa ra quyết định. Linh-Nhân hoàng thái hậu đang nắm tất cả mọi quyền hành. Khi viết những giòng này, tôi theo các tư liệu sau: Một là gia phả của hai giòng họ Lý tại Hãn quốc, vốn là miêu duệ của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Hai là bộ Tống-sử của Thoát-Thoát, Tục tư-trị thông giám trường biên của Lý Đào. Ba là bộ Quách-thị Nam chinh, Triệu thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, một loại nhật ký hành quân của hai tướng Tống đem quân đánh Đại-Việt là Quách Quỳ, Triệu Tiết. Bốn là bộ Tống triều công thần bi ký, chép tất cả văn bia, mộ chí của những công thần nhà Tống, trong tới mười tám người có tham dự vào mặt trận Đại-Việt. Năm là những cuốn phổ, bia đá tại đền thờ các anh hùng đời Lý: Lý Thánh-tông, Linh-nhân hoàng thái hậu, Lý Nhân-Tông, Lý Thường-Kiệt, Lý Hoằng-Chân, Lý Chiêu-Văn, công chúa Thiên-Ninh, Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt.
Chỉ độc giả Nam-quốc sơn hà mới biết tận tường về trang sử huy hoàng nhất Đại-Việt do ai quyết định mà thôi.

Đại-tư-mã Thường-Kiệt hỏi Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản Ngô Cẩm-Thi:
– Thưa nhị vị sư thúc, không hiểu tại sao trong buổi họp quan trọng như thế này, mà sư thúc lại im lặng, không lên tiếng chỉ dạy cho hậu bối?
Từ lúc nhập chiến thuyền triều hội, Tôn Đản, Cẩm-Thi được xếp ngồi cạnh nhà vua, tức ngôi vị cao nhất. Hai vị im lặng hoàn toàn. Bây giờ nghe sư điệt hỏi, ông đáp:
– Tre già, măng mọc. Ta ngồi im để nghe những cây măng cứng hơn tre già. Ta thấy có góp ý chưa chắc đã hơn bọn trẻ.
Ông đưa mắt nhìn nhà vua, rồi tiếp:
– Tâu Thái-hậu, tâu Hoàng-thượng. Phàm ra quân phải có chính nghĩa. Đối với dân Việt, ta đã có chính nghĩa rồi. Chính nghĩa đó là Tống chuẩn bị đánh ta, thì ta đánh trước. Nhưng đối với sĩ dân Tống thì chính nghĩa của ta là gì? Xin thái-hậu ban chỉ cho rõ. Từ đó, Đại-tư-mã Thường-Kiệt mới giới hạn cho các tướng là ta tiến đến đâu thì ngừng? Những thành nào nên phá? Những lực lượng nào của Tống nên diệt. Những kho lương nào nên cướp, hay chở về?
Không nghĩ ngợi, Hoàng thái hậu ban chỉ ngay:
– Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ. Sở dĩ Tống muốn đem quân chiếm Đại-Việt vì Tống mạnh. Tống mạnh là nhờ Tân-pháp của Vương A-an-Thạch. Một số lớn đại thần, sĩ dân cực lực chống y, đến nỗi Hy-Ninh phải tạm cất chức y. Trong triều, ngoài dân cái nạn chia rẽ đang như ngọn lửa đốt cháy căn nhà của họ Triệu. Nay vì tình hình nghiêm trọng, Thạch mới được gọi về triều nắm quyền, thì cái ngọn lửa chống đối càng bốc cao. Ta nhân đó đổ thêm dầu vào cho ngọn lửa bốc cao để đốt cháy vĩnh viễn Tân-pháp của y. Tân-pháp không còn, Tống sẽ trở lại với những gì là Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang xưa, thì không bao giờ có thể đủ sức đánh ta nữa. Muốn đổ thêm dầu vào, ta phải làm như cuộc xuất quân này là do Tân-pháp của Thạch gây ra. Vậy khi tiến quân, ta phải làm một tờ hịch, in ra thực nhiều, rồi công bố cho sĩ dân Tống. Nội dung hịch nói rằng Tân-pháp làm khổ dân. Chúng ta ra quân chỉ với mục đích cứu dân vùng Lĩnh-Nam, vốn gốc Việt. Đấy là chính nghĩa ra quân của ta. Vậy ta chỉ tiến đến chân núi Ngũ-lĩnh rồi rút về.
Thái-hậu ngừng lại một lát rồi tiếp:
– Nhưng sự thực ta ra quân là tự vệ kia mà! Tự vệ bằng cách tiên hạ thủ vi cường. Ta phải thực hiện được ba điều. Một là chiếm lại các trang động đã theo Tống, hay bị Tống lấn. Hai là đánh tan hết hệ thống Tân-pháp đã tạo ra như Thanh-miêu, Trợ-dịch, Thủy-lợi, Quân-điền, Bảo-giáp, Bảo-mã. Nghĩa là bắt hết ngựa, đánh tan các đội Bảo-giáp, lấy hết của lương tiền trong công khố mà Tống tích lũy để chuẩn bị đánh ta. Ta đem của ấy chia cho dân chúng. Ba là những thành trì, xưởng chế vũ khí, xưởng đóng chiến huyền, quân cảng, cầu đường... nhất nhất phá sạch.
Hậu đưa mắt nhìn Tôn Đản, Cẩm-Thi:
– Nhưng có ba điều không nên và không thể phạm đến. Một là nghiêm lệnh chư quân, không được xâm phạm đến tài sản, tính mệnh dân chúng. Hai là tuyệt đối cấm đốt phá các cơ sở tôn giáo như đền thờ, chùa am, miếu mạo, nhà từ, mồ mả của dân chúng. Ba là đối với tù binh, hàng binh, nên cho ăn uống tử tế, rồi đem về Đại-Việt. Ai phạm vào một trong ba điều đó, thì đem ra trước dân chúng xử tử, bêu đầu làm hiệu lệnh. Lệnh xử tử còn gửi về làng xã, để truất công điền mà làng cấp cho chinh nhân.
Hậu đứng dậy hướng Tô Đản, Cẩm-Thi:
– Thưa nhị vị sư thúc! Trong Thuận-Thiên thập hùng, thì Quốc-phụ đã băng hà; Cổ-loa quốc công Tạ Sơn nay tuổi cao sức yếu, mấy năm qua bệnh tật liên miên; Quốc-mẫu, thái công chúa Bình-Dương, Kinh-Nam vương, U-bon vương ngao du sơn thủy không lý đến thế sự; các phò mã Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm đã qui tiên; nay chỉ còn mình sư thúc với công-chúa Côi-sơn Trần Thanh-Nguyên. Vậy cô-phụ này lớn mật xin thỉnh sư thúc, sư thẩm với Côi-sơn công chúa tham dự vào trận đánh này.
Tôn Đản định từ chối, thì Cẩm-Thi đã trả lời:
– Quốc-gia hưng vong, thất-phu hữu trách. Nay cuộc tiến quân phòng thủ này cưc kỳ trọng đại, mà thái-hậu đã ban chỉ, thì chúng tôi đâu dám từ nan?
Bà hỏi công chúa Côi-sơn:
– Thanh-Nguyên, em nghĩ sao?
– Em chả có quyền nghĩ hay không nghĩ mà phạm quốc pháp.
Côi-sơn công chúa giảng giải: Trượng-phu em hiện lĩnh chức đại tướng quân, tước quốc-công. Còn em là Côi-sơn công chúa kia mà! Đã là công-chúa, quốc-công, khi Thái-hậu ban chỉ thì chỉ việc hoan-hỉ tuân thủ mà thôi.
Cử tọa vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Thái-hậu ban chỉ tiếp:
– Bây giờ cô-phụ này xin mời chư vị sư thúc sư thẩm, sư huynh Thường-Kiệt, nhị vị hoàng thúc Hoằng-Chân, Chiêu-Văn điều quân.
Tôn Đản hỏi Hoàng Kiện:
– Phò-mã! Phò-mã là Binh-bộ thượng thư. Phò-mã cho biết tình hình tướng-sĩ của ta ra sao? Trước hết là quân có thể tham chiến bên Tống. Sau tới quân phòng thủ.
Ghi chú .
Trong suốt cuộc đời, chưa bao giờ Tôn Đản nhận một chức, một tước, lĩnh một đấu gạo, một đồng tiền của Lý triều. Thế nhưng trong khi đối đáp với đệ tử, con cháu vì công vụ, ông luôn trịnh trọng gọi họ bằng chức tước.
– Trình sư-phụ.
Phò-mã Hoàng Kiện lễ phép cung tay hướng Tôn Đản: Quân ta hiện chia làm hai loại. Một là quân triều, hai là quân Bắc-biên. Quân triều chủ lực chính gồm mười hai hiệu Thiên-tử binh. Mỗi hiệu phân ra hai đạo tả, hữu. Quân số mỗi đạo năm nghìn người. Trong một đạo có ba sư bộ, một sư kỵ, một sư trợ. Mỗi sư trợ có một lữ Thần-ưng để thông tin, chiến đấu; một lữ nỏ liên châu; một lữ Thạch-xa tức xe bắn đá. Đấy là bộ-binh. Về kị binh, thì có hiệu Phù-đổng gồm hơn vạn ngựa. Về thủy-quân, ta rất mạnh, gồm bốn hạm đội là Động-đình, Âu-cơ, Thần-phù, Bạch-đằng. Một hiệu trợ chiến, trong hiệu này có một đạo Thạch-xa, một đạo nỏ liên châu, đội Thần-tiễn Long-biên, đội Thủy-thần Giao-long. Về quân Bắc-biên thì có ba đạo bộ binh, một đạo kị-binh, một đạo thú.
Phò-mã hỏi phò-mã Thân Cảnh-Long:
– Anh trình sư phụ em về quân số đạo binh thú, thực chi tiết.
Ghi chú ,
Phò-mã Thân Cảnh-Long kết hôn với công chúa Thiên-Thành. Phò-mã Hoàng Kiện kết hôn với công chúa Động-Thiên. Công chúa Thiên-Thành là chị công chúa Động-Thiên vì vậy phò-mã Hoàng Kiện mới gọi phò-mã Thân Cảnh-Long bằng anh.
Phò-mã Thân Cảnh-Long đứng dậy:
– Trình sư thúc, đạo binh thú có tám lữ. Lữ tượng, hổ, báo, ngao, ưng, hầu, mỗi lữ từ năm trăm tới một nghìn con. Lữ phong, xà có mười xe.
Tôn Đản gật đầu rồi hỏi tiếp:
– Bây giờ tới quân phòng thủ.
– Thưa sư phụ! Quân phòng thủ thì ta có mười hai hiệu của mười hai trấn hay phủ. Mỗi phủ, trấn còn có một thủy-đội. Còn các làng xã thì có đội hoàng-nam. Tóm lại, khi quân triều phải chinh chiến xa, lỡ giặc tới thì quân trấn, phủ cỏ thể tự vệ. Khi giặc tới xã nào, thì mỗi xã là một đồn binh, Hoàng-nam trấn thủ bên trong.
Tôn Đản đưa mắt nhìn Thường-Kiệt:
– Đại-tư-mã điều quân.
Thường-Kiệt cầm kiếm lệnh để lên trước mặt, rồi ban lệnh:
– Trong cuộc chiến này, ta chia lực lượng làm hai. Một là lực lượng xung kích đánh sang Tống. Hai là lực lượng phòng thủ. Lực lượng đánh Tống bao gồm toàn thể quân triều, quân Bắc-biên. Lực lượng phòng thủ gồm quân các trấn, hoàng-nam các xã, và thổ-binh các trang động. Việc phòng thủ thì do Binh-bộ thượng-thư, Phụ-quốc thái-úy Hoàng Kiện thống lĩnh.
Phò-mã Hoàng Kiện đứng lên nhận lệnh.
– Phòng thủ từ Thanh-hóa cho đến Hải-vân thì do hoàng-tử Chiêu-Văn làm chánh tướng. Phó thì do Trấn-viễn thượng-tướng quân Gia-viễn hầu Dư Phi đảm trách. Phòng thủ từ Thanh-hóa đến Kinh-bắc thì do hoàng-tử Hoằng-Chân đảm trách, phó thì do Trấn-Bắc thượng-tướng quân Đinh-sơn hầu Nguyễn Căn đảm trách.
Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương , cùng hai tướng Dư Phi, Nguyễn Căn đứng dậy nhận lệnh.
– Từ ngày Nam chinh về, ta mang theo các hào kiệt Trung-nguyên đầu hàng. Ta trọng đãi như thượng khách, lại đem gia quyến từ Tống sang, cấp đất cho ở Tây-hồ. Năm trước ta đã nhờ họ theo sứ đoàn sang Liêu, sang Hạ. Về lòng dạ họ tỏ ra tận tâm, về tài trí họ tỏ ra siêu việt. Tuyết-sơn thập anh đã kết bạn với Long-biên ngũ hùng. Động-đình thất kiệt đã kết bạn với Tây-hồ thất kiệt. Vậy nay ta cử Động-đình thất kiệt theo giúp hoàng tử Chiêu-Văn. Lại cho Tuyết-sơn thập anh theo giúp Tôn sư thúc.
Ghi chú ,
Về chức vụ (fonction) thì Thường-Kiệt là Đại-tư-mã, tức tổng tư lệnh, cao hơn chức Thượng-tướng quân của hai vương nhiều. Nhưng về tước thì ông chỉ là công, thấp hơn Hoằng-Chân, Chiêu-Văn. Vì vậy ông không thể « hạ lệnh» cho chư vương; mà ông lấy cái nghĩa: ông là con nuôi Khai-Quốc vương, lớn tuổi hơn nên làm anh. Ông có quyền « hạ lệnh » cho em, nên ông gọi hai vương là hoàng-tử.

Ông ban lệnh tiếp:
– Từ trước đến nay, có năm đô-thống, cùng năm phu nhân, văn mô, vũ-lược, võ công cao cường, xuất thân đệ tử danh gia đó là Thần-vũ thập anh; mười vị hằng ước mong được đem tài ra giúp nước, mà chưa có dịp. Mười vị đang giữ trọng trách chỉ-huy ngự-lâm quân cùng thị-vệ. Vậy năm sư đệ, sư-muội hãy trao nhiệm vũ đó cho người khác, để tham dự vào cuộc hành quân này.
Thần-vũ thập anh đứng dậy nhận lệnh.
Từ trước đến nay, triều-đình cũng như võ-lâm chỉ biết Thập-anh theo học Đông-Thiên, sau được Mộc-tồn hòa thượng thu làm đệ tử. Mà Mộc-tồn hoà thượng là sư huynh của Đại-từ Liên-hoa hòa thượng (Viên-Chiếu). Trong khi Đại-từ liên hoa là bản sư của Linh-Nhân hoàng thái hậu với Long-biên ngũ hùng. Thập-anh có đại công trong việc dẹp loan Dương gia... vì những liên hệ đó, nên thái-hậu luôn gọi mười người là sư huynh, sư đệ. Bây giờ mọi người thấy Thường-Kiệt gọi Thập-anh là sư-đệ, sư-muội, chứng tỏ ông với Mộc-tồn hòa thượng có liên hệ môn phái. Mà Mộc-tồn hòa thượng phải là sư đệ của thân phụ Thường-Kiệt, đương nhiên ngài thuộc phái Đông-a mới phải. Hoặc giả hoà-thượng là sư đệ của tiên-nương Bảo-Hòa, thì ngài lại thuộc phái Tản-viên. Thế sao võ công của Thập-anh lại thuộc phái Sài-sơn? Không ai đoán ra tông tích ngài!
Thường-Kiệt tiếp:
– Vậy Lâm-môn thượng tướng quân, Yên-phong hầu Lý Thường-Hiến thay Đô-thống Hùng Nhân, Hùng Nghĩa làm Tổng-lĩnh Ngự-lâm quân. Công chúa Động-Thiên thay đô-thống Hùng Lễ, Hùng Trí thủ Hoàng-thành. Chức điện-súy trước do sư-đệ Hùng Tín chỉ-huy, nay cũng do công chúa Động-Thiên đảm trách.
Công-chúa Động-Thiên, Thường-Hiến đứng dậy nhận lệnh.
Thường-Kiệt hỏi thượng-thư bộ hộ là Mai Đình:
– Xin thượng thư cho biết tình hình lương thảo, quân dụng của ta.
Mai Đình đáp:
– Trình nguyên-soái từ hồi Nam-chinh đến giờ vấn đề lương thảo được phân ra như sau: Thu thuế, quản trị công nho, mua quốc dụng, chi tiêu trên toàn quốc thì thiểm bộ đảm trách. Nhưng mua sắm quân dụng, tích trữ lương thảo dùng vào việc binh, thì do công chúa Thiên-Ninh.
Ghi chú ,
Như vậy nhiệm vụ của Mai Đình tương đương với ngày nay là bộ Tài-chánh, còn nhiệm vụ của công-chúa Thiên-Ninh giống như Tổng-cục trưởng tổng cục Tiếp-vận.

Linh-Nhân hoàng thái hậu hỏi:
– Bà-chúa-kho! Thế nào, lương thảo ra sao?
Công-chúa Thiên-Ninh mở một tập sách dày ra, rồi tâu:
– Tâu thái-hậu, hiện lương thảo của ta đủ để nuôi toàn quân trong ba năm. Vũ khí như đao, kiếm, kích, lao, cung, tên, y phục, thuốc men có có thể trang bị cho hai mươi vạn quân. Xưởng đóng chiến thuyền ở Sơn-Nam hiện đã đóng xong ba trăm chiếc dùng bổ xung cho các chiến thuyền tổn thất trong chiến tranh.
Thường-Kiệt hướng vào chư tướng:
– Lương thực đã cụ bị. Ta yên tâm. Bây giờ đến lực lượng đánh Tống. Ta đánh Tống bằng hai đường tiến quân. Một là đường bộ, hai là đường thủy. Đường thủy lực lượng bao gồm bốn hạm đội, bẩy hiệu Thiên-tử binh của Tây-hồ thất kiệt, sẽ vượt biển đánh vào Khâm-châu, Liêm-châu, sau đó tiến về Ung-châu. Đây là đạo kỳ binh. Đường tiến quân này bản soái thân chỉ huy.
Chư tướng vỗ tay hoan hô.
– Hai là tiến quân trên bộ. Quân trên bộ sẽ đánh tràn qua biên giới, rồi hướng về Ung-châu. Quân trên bộ gồm toàn thể quân Bắc-biên, năm hiệu Thiên-tử binh của Long-biên ngũ hùng.
Ông hướng vào Tôn Đản:
– Quân triều, quân Bắc-biên rất phức tạp. Phải có một người mà uy tín trùm Đại-Việt mới điều khiển nổi. Vậy theo điệt nhi nghĩ ngoài sư thúc, sư thẩm không ai có thể thống lĩnh.
Tôn Đản đứng dậy cung tay:
– Xin tuân lệnh Nguyên-soái.
Uy tín Tôn Đản cực lớn. Từ xưa đến giờ ông bà đối với Thường-Kiệt như đối với con ruột, nay ông nói « xin tuân lệnh nguyên soái» là nói đúng theo nghi lễ. Nhưng cũng gây cho chư tướng bật cười, rồi vỗ tay hoan hô.
Thường-Kiệt lại hướng Côi-sơn tam anh:
– Ba sư-bá từng ở bên Tống lâu. Xin ba sư bá cho những lời dạy dỗ.
Trần Bảo-Dân xua tay:
– Nhị sư bá chỉ biết đánh đàn, thổi tiêu, chứ có biết gì về quân sự đâu. Biết việc quân, họa có tam sư bá. Vì người từng là tư mã Kinh-châu, từng là Tả-kim ngô thượng tướng quân của Tống.
Trần Trung-Đạo đứng dậy phát biểu:
– Lưu Di đóng tổng hành doanh ở Quế-châu. Hiện Tống đang ở thời bình, chưa thiết lập ngựa chạy chạm, tức ngựa Lưu-tinh. Như vậy đường đi ngựa thường đưa tin từ biên giới Tống-Việt đến Quế-châu mất nửa tháng. Từ Quế-châu tới Biện-kinh mất một tháng. Ví thử ta đánh các trại biên giới; ít ra hai ngày sau bọn biên thần mới gửi tin tức về Quế-châu. Lưu Di vốn tính cẩn thận, y chờ vài ngày nữa để có tin chính xác rồi mới gửi tấu chương về. Như vậy kể từ lúc ta đánh sang, phải mất ít nhất một tháng hai mươi ngày triều Tống mới biết.
Thường-Kiệt hướng Linh-Nhân hoàng thái hậu:
– Xin thái-hậu ban chỉ dụ.
Linh-Nhân hoàng thái hậu sai cung-nga bưng ba chén sâm thang lại cho Tôn Đản, Cẩm-Thi và Thường-Kiệt. Ba người tạ ơn uống xong, thái-hậu ban chỉ:
– Tuy ta ra quân bất thần, hành sự cực kỳ bí mật, thần tốc nhưng cũng phải lợi dụng ba điều. Một là tin tức bên Tống, cùng phản ứng của họ chậm, ta đánh thực mau, hành sự thực mau, không cho viện binh đủ thời giờ cứu ứng. Hai là, ta lợi dụng những đụng chạm ở biên giới gần đây, để khi ta tấn-công thì Lưu Di, Tống triều tưởng đó cũng chỉ là đụng chạm nhỏ, không cần tiếp cứu. Ta kéo dài thêm thời gian cứu binh của họ. Đến khi họ biết sự thực thì đại thế đã tan nát. Nghĩa là ta phải làm sao hành sự xong, mà viện quân Tống chưa tới cứu kịp. Có như thế, ta mới không bị giao chiến với toàn quân Tống. Ba là hiện ở Quảng-châu, Ung-châu, Quế-châu là ba nơi Tống đóng đại quân. Vậy chư vị có ý kiến gì?
Phò-mã Thân Cảnh-Long nghị:
– Hiện Tống có một loạt cửa ải Nam phòng đóng dọc bên giới ta từ Tây sang Đông là Hoành-sơn, Thái-bình, Vĩnh-bình, Tây-bình, Lộc-châu, Cổ-vạn, Như-tích, Để-trạo, Thiên-long. Nếu ta phá được các cửa ải, thì có thể thẳng tiến về Ung-châu. Nhưng hiềm một nỗi, khi ta tiến quân thì mặt bộ dù khó đánh, chúng cố thủ ta vẫn vây rồi tấn công, trước sau gì rồi cũng hạ được. Duy đạo binh thủy của đại-tư-mã Thường-Kiệt đánh vào Khâm-châu, Liêm-châu, thì có vấn đề. Bởi Khâm-Liêm là nơi có trọng binh Tống, ta từ mặt thủy đổ bộ lên, mà không hạ được ngay, thì bị đánh bật ra biển. Vậy ta phải làm thế nào để quân Ung, Liêm, Khâm cùng kéo về Tây-Nam, bấy giờ Khâm, Liêm không còn quân phòng thủ. Ta từ mặt biển đổ lên đánh úp là được. Đánh úp Khâm, Liêm rồi, ta tiến lên đánh Ung cùng với đạo bộ binh.
Triều đình cùng nghị luận phân vân. Đô-thống Đinh Hoàng-Nghi xin phát biểu:
– Tâu thái-hậu, việc đem quân Tống từ Bắc, Đông xuống Tây-Nam thực không khó.
Linh-Nhân hỏi:
– Đinh đô-thống nổi tiếng mưu thần, chước thánh, ắt có diệu kề.
– Tâu thái hậu.
Hoàng-Nghi phân giải: Ta phải thực hiện hai điều. Một là mặt bộ phải hành sự sao cho Tống tưởng là xung đột giữa các động chủ của ta với khê-động Tống, để họ không cứu ứng kịp thời. Hai là khi ta tấn công toàn diện mặt bộ, thì mặt thủy vẫn ém quân. Chúng tưởng ta tấn công như hồi vua bà Bình-Dương đã làm. Nghĩa là chỉ có mặt bộ, mà không có mặt thủy; ắt chúng đem quân Khâm, Liêm, Ung về Tây-Nam cứu viện. Bấy giờ ta mới cho quân mặt thủy đổ bộ lên đánh Khâm, Liêm.
Triều đình cùng tán thành đề nghị của Hoàng-Nghi. Tín-Nghĩa vương hỏi:
– Theo ý hiền đệ, bây giờ ta phải làm thế nào khi mặt bộ khởi sự tấn công, mà Tống lại tưởng là xung đột giữa các khê-động với nhau?
Hoàng-Nghi đưa mắt nhìn Thân Cảnh-Long:
– Không khó! Khi các trang động Tống-Việt giáp nhau có sự, các trang động thường đem quân đánh lẫn nhau. Vậy trước khi ta khởi sự, thì phò-mã Thân Cảnh-Long ra lệnh cho một trang động nào đó, nhân có hiềm khích với một khê động bên Tống, để Tống đem quân đánh sang, nhân đó ta phản công. Tin này đưa tới Quế-châu, Lưu Di cho rằng đây là sự hiềm khích giữa man dân. Y tâu về triều. Trong triều triều, Hy-Ninh, An-Thạch coi là loại man-dân trộm cướp vặt. Sau đó ta tiến đại binh sang. Tin đưa về triều, lúc đầu Hy-Ninh với An-Thạch cũng tưởng chuyện cướp bóc diễn ra mà thôi, chưa có phản ứng.
Tín-Nghĩa vương khen:
– Mưu của Đinh đệ hay thực. Nhưng nếu như giữa các trang động không có hiềm khích gì, thì sao ta có cớ mà đem quân sang?
Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt đều nhìn nhau cười tủm tỉm. Tín-Nghĩa vương hỏi:
– Anh hỏi vậy không đúng sao mà các chú cười?
Ngô Ức lắc đầu:
– Anh hai ơi! Anh là một thân vương, lại sống trong đạo đức đã quen nên anh tìm không ra cớ. Chứ mười hai đứa chúng em từng ăn mày, từng móc túi, từng ăn cắp vặt, dư thừa thói lưu manh dân dã. Việc kiếm cách gây sự đâu có khó. Này nhé, ở Bắc-biên có lệ, hễ để trâu ăn lúa của nhà người ta, thì người ta có quyền giữ trâu lại. Có đúng thế không?
Tín-Nghĩa vương lắc đầu không hiểu.
Đến lượt Trần Di cười:
– Anh ơi! Chỉ cần một trang động của ta vờ thả trâu ăn lúa của khê-động Tống. Như vậy ắt họ giữ trâu lại bắt chuộc. Ta không chuộc, còn kéo nhau sang đánh cướp trâu về. Dĩ nhiên bên kia không chịu, thế là đánh nhau to. Khi đánh nhau, họ không dự bị, trong khi ta đã chuẩn bị hết. Ta xua quân đánh tràn sang chiếm khê-động của Tống, nhưng cố ý không bắt bọn thủ lĩnh. Bọn thủ lĩnh chạy đến quan huyện tố cáo. Quan huyện cáo về cho Lưu Di. Lưu Di sẽ tâu về triều chi tiết này. Thế là trong triều Tống cho đến Lưu Di đều tưởng cuộc tiến quân của ta chỉ là đụng chạm giữa man dân. Trong lúc đó ta xua quân đánh tràn sang. Đến khi ta hạ hết các khê-động, đồn trại biên giới, bấy giờ Tống mới phản ứng thì đã trễ.
Trong triều đình, thì văn quan đa số là nho gia, đạo đức có thừa. Võ quan đa số xuất thân từ các danh môn chính phái, nên không ai có thể tưởng tượng ra được cớ gây sự. Nay nghe Trần-Di thiết kế, họ đều bật cười.
Đinh Hoàng-Nghi tiếp:
– Khi biết rõ chủ ý cuộc tiến quân của ta, phản ứng tức thời của Lưu Di, của Tống triều là gì? Cứu binh như cứu lửa, ắt họ dùng quân Khâm, Liêm, Ung cứu vùng Tây-Nam. Thế là họ mắc mưu ta. Khi quân ba nơi kia đổ về Tây-Nam, bấy giờ ta mới cho đạo thủy-quân đổ lên đánh Khâm, Liêm.
Ghi chú ,
Hồi này thuật rõ:
– Nguyên do nào, Đại-Việt phải đem quân Bắc phạt?
– Ai là người chủ trương?
– Chủ đích cuộc Bắc-phạt như thế nào?
Như phần tựa đã trình bầy: Người chủ trương, lãnh đạo là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Nhưng tại sao, sau này chính sử Đại-Việt lại cố tình làm mờ nhạt huân công của ngài? Lại nữa, bấy giờ các công chúa Bình-Dương , Bảo-Hòa , Thiên-Thành , Động-Thiên ,Thiên-Ninh đã lập không biết bao nhiêu công lao, mà sau sử không nhắc tới? Các bà Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo, với phu nhân Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt... đều là danh tướng, rồi tuẫn quốc. Thế sao ngày nay chỉ thấy bốn bà Dung, Huệ, Nam, Thảo được phối thờ ở đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu; còn mười hai bà là phu nhân của Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt tại sao không thờ? Dù là thờ chung với chồng?
Tôi giải đoán như thế này:
Một là, sau thịnh thời của triều Lý, có tới ba bà thái hậu (vợ vua Thần-tông, Anh-tông, Huệ-tông) nhân con thơ, nhiếp chính như Linh-Nhân hoàng thái hậu rồi làm cho nước loạn, làm những truyện dâm ô. Nên chi sử gia đời sau với quan niệm sử như tấm gương dạy hậu thế, đã bỏ không nói đến huân công của ngài, vì sợ việc cũ tái diễn.
Hai là, có thể thời Lý các bà được thờ chung với các ông. Nhưng đến thời Lê, vua Lê Thái-tổ đánh đuổi ngoại xâm rồi dựng lại kỷ cương. Những cuốn phổ bị Trương Phụ, Mộc Thạch lấy đi được viết lại, tâu lên triều đình xin phong thần. Triều đình nhân đó tước bỏ sắc phong của các bà, tước bỏ việc thờ cúng các bà, vì sợ phụ nữ lại được trọng?. Nên sau này trong đền chỉ thấy thờ các ông mà thôi.
Ba là vào giữa thời Lê, thời Nguyễn, Nho học cực thịnh. Nho học coi các bà nhiếp chính, cầm quân là hiện tượng gà mái gáy. Vì vậy một lần nữa thần tích, sắc phong đã bỏ các bà ra ngoài.
Cũng may, tôi lần mò tìm ở những tập sách nhỏ (sẽ trình bầy ở hồi thứ 34, trong quyển thứ tư này), danh tính, huân nghiệp của các bà. Không biết đến bao giờ đại công của các bà mới được phục hồi? Bao giờ lại đem tượng các bà thờ chung với các ông?
Việc này xin để hậu thế giải quyết.
Thái-úy Lý Thường-Kiệt là nhân vật tài trí bậc nhất thời Thần-vũ (Lý Thánh-tông) và Anh-vũ Chiêu-thắng (Lý Nhân-tông). Ngài là một anh hùng đã lập được huân công vĩ đại cho tộc Việt. Hiện còn nhiều đền thờ ngài. Tôi đã được viếng thăm đền thờ tại xã Ngọ-xá, huyện Vĩnh-lộc, tỉnh Thanh-hóa hai lần. Hiện hầu hết các đền thờ anh hùng dân tộc trong nước đều được dân địa phương trùng tu rất khang trang. Nhưng dân Ngọ-xá quá nghèo, vì vậy đền tiêu điều ...


Trên giữa cổng chính là ba chữ Lý Đại Vương (chữ Lý ở giữa. Bên phải là chữ Đại, bên trái là chữ Vương).
Đôi câu đối cổng chính:
Phạt Tống, bình Chiêm vạn cổ danh phương thùy vũ trụ,
Hộ dân bảo quốc thiên thu công đức quán sơn hà.

(Phạt Tống, bình Chiêm tiếng thơm vạn cổ tràn vũ trụ.
Giúp dân, giữ nước, công đức nghìn thu khắp non sông ).
Hình dưới là cổng phụ bên trái, đôi câu đối là:
Anh hùng chí khí sinh dũng tướng,
Hào kiệt uy phong hóa phúc thần.
(Chí khí anh hùng sinh tướng mạnh,
Oai phong hào kiệt hóa phúc thần )
Còn cổng bên phải có đôi câu đối:
Hách hách uy phong trừ nội nghịch,
Đường đường kính khí diệt ngoại xâm.

(Uy phong hách hách trừ phản tặc,
Khí cứng đường đường diệt ngoại xâm )
Hình cổng phụ bên phải không còn cánh, tường, vách thủng, nghiêng gần muốn đổ.

Đền thờ chính
Mái ngói lâu ngày đã mục hết.
Các đồ thờ bên trong còn mục hơn nữa.
Dân xã nghèo quá, ăn không đủ, lấy tiền đâu mà cúng, mà trùng tu?
Q8- Nam Quốc Sơn Hà
Lời mở đầu
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
Chương 43
Chương 44
Chương 45
Chương 46
Chương 47
Chương 48
Chương 49
Chương 50
HỒI KẾT