Chương 40
Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Chiến thắng Ngọc-sơn được ngựa trạm báo về An-Nam đạo hành doanh mã bộ quân đô tổng quản chiêu thảo sứ kiêm tuyên-phủ sứ Kinh, Hồ, Quảng ở Quế-châu. Đây là chiến thắng đầu tiên của quân Tống. Quách Quỳ vội sai ngựa lưu-tinh phi bất kể ngày đêm, tâu về triều. Ngày Bính-Tý, tháng 9, niên hiệu Hy-Ninh thứ 9 (23-9, Bính-Thìn. DL.23-10-1076), vua Tống họp đại thần ở Thiên-chương các để công bố tin mừng. Đặc biệt buổi hội này còn có Tuyên-Nhân hoàng thái hậu (vợ vua Anh-tông) buông rèm thính chính. Bởi hậu đã cùng vua Anh-tông, Dư Tĩnh, Lý Hiến, đại sư Pháp-Nhẫn nam du, hiểu rất rõ tình hình Giao-chỉ. Sau khi đọc biểu tâu của Quách Quỳ, chính tể-tướng Vương An-Thạch thảo tờ chiếu gửi cho Quách Quỳ, chỉ dụ rằng:
« Binh mã đi An-Nam chẳng bao lâu nữa sẽ ra khỏi nước. Phải làm một cái gì để gia tăng sĩ khí. Nhâm Khởi đánh được trại Ngọc-sơn, tuy công không lớn, nhưng cũng là lần đầu phấn khích sĩ tốt. Ai lập công, phải thưởng ngay, rồi tâu lên, ta sẽ phong tặng, bố cáo cho sĩ dân biết ». (TTTTGTB, Hy-Ninh 9, tháng 9, Bính-Tý ).
Hữu tể tướng Ngô Sung công kích:
– Với một cái đồn Ngọc-sơn cô lập ở biên thùy, quân đồn trú chưa quá nghìn rưởi, lại là quân thuộc hiệu Đông-triều, tức quân địa phương; thế mà Nhâm Khởi hy sinh mất ba nghìn quân Cổ-vạn, hơn nghìn quân thuộc hiệu Đông-triều của tên Thanh-Nhiên đầu hàng, một vạn hơn quân Quảng-Đông, tức một đổi mười. Như vậy mà cũng gọi là chiến thắng ư? Nếu nay triều đình tuyên chỉ khen thưởng, thì muốn thắng mười lăm vạn quân Giao, ta phải hy sinh một trăm năm mươi vạn binh ư?
Tuyên-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Quân hùng hay hèn, căn cứ vào ba điều. Một là quân khí, hai là quân kỷ, ba là quân tâm. Một cái đồn nghìn rưởi quân Việt, mà ta hy sinh vạn rưởi người, như vậy là chiến thắng lớn rồi. Vì sao? Nghĩ cho cùng, người Việt bị ta đuổi từ Kinh, Hồ xuống Nam, mấy nghìn năm nay, uất khí kết đọng; bây giờ ta đánh họ, họ bị cùng đường, thì quân khí phải mạnh. Điều này quân ta không thể so với quân Việt. Về quân kỷ, thì Khai-Quốc vương đã để ra cả đời, lấy chủ đạo của tộc Việt soạn ba chương sách luyện thần cho binh tướng. Binh tướng Việt chỉ có tiến mà không có lùi. Nếu có kẻ nào lùi, sau này, đồng đội, hương đảng chế diễ, xấu hổ, rồi cũng đến phải tự tử. Điều này quân ta lại cũng không bằng quân Việt. Ba là quân tâm, thì với cái đồn nhỏ ở biên thùy, mà Linh-Nhân hoàng thái hậu hy sinh bằng cách thuận cho bạn thân nhất là Trần Ngọc-Huệ theo chồng ra trấn thủ. Ta nghe nói, Ngọc-Huệ luyện được hơn trăm nữ binh, gả cho nam binh, rồi đem chúng theo để cùng chiến đấu; cặp vợ chồng này lại ăn cùng, nghỉ cùng với binh tướng. Hỏi sao quân tình không mạnh? Nhâm Khởi đánh được đồn Ngọc-sơn phải coi là chiến công lớn vậy.
Triều Tống đều biết Tuyên-Nhân hoàng thái hậu nhũ danh Cao Thái-Vân là người có cái học bao la, uyên thâm cùng cực, võ công bà cao siêu; mỗi lời luận bàn của bà đều chính trực, phân minh. Ngặt một điều, bà sùng Nho, lại trọng những văn gia, thi sĩ, mà những người này hầu hết chống đối Tân-pháp của Vương An-Thạch, nên bà không thích y.
Hy-Ninh đế bênh An-Thạch, nói với Ngô Sung:
– Đúng như mẫu hậu chỉ dụ, đây là chiến thắng. Còn quân ta chết nhiều, chết ít, còn tùy hoàn cảnh địa phương. Bổn phận đấng quân phụ là phải cổ võ chiến công. Khanh không nên bàn nữa.
Tiếp theo Vương An-Thạch tâu trình về hệ thống phòng thủ của Đại-Việt bằng ba phòng tuyến: Phòng tuyến một dùng trang động làm mỏi mệt, kéo dài thời gian của quân Tống. Phòng tuyến hai là bốn ải kiên cố Ngọc-sơn, Đâu-đỉnh, Quyết-lý, Giáp-khẩu làm tiêu hao nhân lực. Phòng tuyến ba là chiến lũy Vạn-xuân, Tam-đảo, Như-nguyệt. Ngoài ra, còn bốn hạm đội hùng hậu luôn đe dọa lãnh hải từ Khâm, Liêm đến Quảng-châu.
Cuối cùng y kết luận:
– Ngọc-sơn là ải vừa nằm trên phòng tuyến một lẫn phòng tuyến hai. Nay ta chiếm được, thì có thể dùng thủy quân vượt sông Bạch-đằng đánh vào Thăng-long.
Nghe An-Thạch nhắc đến những địa danh Chi-lăng, Bạch-đằng, trên gương mặt Hy-Ninh đế cho đến các đại thần đều hiện ra những nét không vui. Bởi đó là những chiến trường cổ, mà quân Trung-nguyên đã để lại hàng trăm vạn bộ xương. Biết thế Vương An-Thạch tâu:
– Thời vua Thái-tông, ngài ủy việc Nam chinh cho Hầu Nhân-Bảo, Quách Quân-Biện, Triệu Phụng-Huân. Chư tướng, chư quân thiếu chuẩn bị, lại nữa lương thiếu, quân ít; các tướng vội vã nên mới bị thất bại. Còn lần này, ta ra quân có chính nghĩa, quân đông gấp đôi, lương thực dư thừa, lại do triều đình đứng chủ động, thì há sợ bọn Giao-chỉ kia sao? Trước kia ta ra quân chỉ với mục đích nhắm vào triều đình chúng, nên bỏ qua các khê động. Lần này ta chiếm Giao-chỉ, đặt làm quận huyện, nên phải thanh toán cái nút chặn này trước.
An-Thạch đem tấu chương của Triệu Tiết ra dọc, rồi phân tích:
– Nay Triệu Tiết hiến kế: Trước hết phải giải quyết xong 207 khê-động của Việt đã. Bằng không, quan quân tiến xuống Chi-lăng, chúng có thể thừa hư đánh sang Ung-châu, hay chặn đường vận lương. Đầu tiên ta dùng lợi nhử chúng: Họ nào đầu hàng, thì động trưởng được phong chức tước, dân chúng năm năm miễn thuế, binh dịch. Còn động nào chống lại, thì sẽ giết đi vài động để thị oai.
Y nhìn nhà vua:
– Thấy rằng nếu ty Chiêu-thảo chiêu dụ được khê động nào, rồi tâu về triều để phong chức tước, e lâu quá. Nên năm trước, triều dình gửi cho Quách Quỳ một trăm bằng để trống tên. Hễ động trưởng nào đầu hàng, thì điền tên vào, rồi nói rằng, đã tâu về triều, được triều đình cấp bằng phong thưởng. Hiện các tướng Đào Bật, Khúc Chẩn, Yên Đạt, Tu Kỷ là những tướng biết nói tiếng Việt đã đi cùng những người của ta đến tận các khê động chiêu dụ chúng.
Y nhìn Ngô Sung:
– Cái khó khăn nhất là tụi thủ lĩnh. Thủ-lĩnh Quảng-nguyên là Lưu Kỷ cai quản 50 khê động, thủ lĩnh Môn-châu là Hoàng Kim-Mãn cai quản 40 khê động, thủ lĩnh Lạng-chậu Thân Cảnh-Long cai quản 117 khê động, thủ lĩnh Tô-mậu là Vi Thủ-An cai quản 20 khê động. Vi Thủ-An đã theo hàng, rồi cùng với Nhâm Khởi đánh Ngọc-sơn, nhưng y tử trận.
Ngô Sung nhăn mặt:
– Tôi biết, vừa rồi những bọn này từng mang quân sang phạm cảnh, mà bây giờ ta chiêu dụ chúng. Liệu chúng có theo không?
– Không khó! Trước hết ta chiêu dụ từng khê động nhỏ, như tằm ăn dâu. Khi các khê động nhỏ theo ta, thì tụi thủ lãnh trơ như con cá thối, chỉ còn bộ xương. Bấy giờ chúng không hàng cũng không xong. Khi giải quyết xong 207 khê động rồi, ta dùng đại quân đánh thẳng vào Chi-lăng, Bạch-đằng, trả cái thù từ thời vua Thái-tông.
Tuyên-Nhân hoàng thái hậu tỏ vẻ lo lắng:
– Ta nghe người trấn Lạng-châu là phò-mã Thân Cảnh-Long với vợ là công-chúa Thiên-Thành, thì không hy-vọng gì họ đầu hàng đâu. Nếu quân ta đánh Thăng-long, chỉ có con đường độc nhất để tiến quân, mà con đường này phải qua Lạng-châu, thì trận chiến sẽ khủng khiếp lắm. Sau Lạng-châu là ải Quyết-lý, do em gái, em rể Kinh-Nam vương tử thủ. Ta sợ giờ này, có khi vương đang ở bên cạnh em gái để chỉ dạy cho ả cách chống quân ta, mới là điều đáng sợ.
Nghe nói đến Kinh-Nam vương, trên từ Hy-Ninh đế cho tới văn võ bách quan đều cảm thấy phát ớn da gà, bất giác mọi người cùng đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn xung quanh; người người đều có cảm giác như Ưng-sơn đang vung kiếm chặt đầu, giết cả nhà, cho đến con chó, con mèo cũng không từ.
– Phía sau Quyết-lý là Chi-lăng.
Thái-hậu tiếp: Ải hiểm trở này do vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi trấn thủ. Y là người mưu trí, có tài dùng quân khiến cho đối thủ không biết đâu mà lường. Dưới quyền hai người là hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ. Ta nghe, trong trận Côn-lôn, Đại-giáp, Ngọc-tuyền, mỗi Thiên-tử binh này chiến đấu như một con sư tử. Vậy triều đình phải tìm kế sách vẹn toàn, chứ không thể tin vào việc chiêu hàng, mà hỏng việc.
Tuyên chỉ xong, Thái-hậu hồi cung.
Nhà vua ban chỉ:
– Trong khi ta tìm kế vạn toàn, thì hãy tạm cho quân xuống Nam đã. Đại quân hiện ở Quế-châu, vậy hãy ban chỉ cho Quách Quỳ rằng: Hãy chuyển đại quân xuống Ung-châu ngay.
Đến đó, bãi triều.
Nhà vua vẫy tay gọi An-Thạch theo vào nội cung. Khi không có ai bên cạnh, nhà vua tuyên chỉ:
– Vương tể tướng. Khanh hãy tuyển lấy mấy võ sĩ, âm thầm xuống Ung-châu duyệt xét tình hình, rồi về tâu lại cho trẫm. Nhớ, phải tuyệt đối giữ bí mật, đến vợ con cũng không cho biết. Thôi khanh lui, nội trong ba ngày phải lên đường ngay.
Nhà vua tưởng dụ cơ mật này chỉ có mình với Vương biết. Ông quên mất viên Tổng-lĩnh thị-vệ Lý Hiến theo hộ vệ bên cạnh. Từ lâu rồi Lý Hiến căm thù Vương An-Thạch, chỉ chờ dịp trả thù. Ngay chiều hôm đó, y đến cung Tuyên-Nhân, mật tấu với Tuyên-Nhân hoàng thái hậu (Vợ vua Anh-tông).
Nguyên do Hiến thù Thạch như sau: Vốn có võ công cao siêu, lại lầu thông binh pháp, nên trước đây Lý Hiến từng được Tần-vương Triệu Thự với vương phi Cao Thái-Vân cho tháp tùng sang Đại-Việt. Sau khi nhà vua lên ngôi, y nghiễm nhiên trở thành người hiểu các vấn đề Nam thùy bậc nhất trong hậu cung, cùng bàn bạc với hoàng hậu. Nay nhà vua băng, hoàng hậu thành thái hậu, y được thái hậu dùng làm tai mắt riêng. Vì vậy, y hy vọng được cầm quân đánh Đại-Việt, khi trở về sẽ được lĩnh tước hầu, tước công. Nào ngờ y bị Vương An-Thạch bênh Triệu Tiết, tâu với nhà vua bãi chức y, gạt y ra khỏi việc cầm quân. Từ đấy, y tìm đủ mọi cách trả thù Thạch. Y bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bạc để thu nhặt tin tức xấu về Tân-pháp, rồi tâu lên Tuyên-Nhân hoàng thái hậu.
Hôm nay y thu được khá nhiều tin đặc biệt, trong đó có việc nhà vua sai An-Thạch mật công cán Nam thùy, y đem tâu với thái hậu. Y đâu ngờ trong khi y tâu, lẫn trong đám cung nga phục thị thái hậu, lại có sự hiện diện của hai nữ sứ giả do Linh-Nhân hoàng thái hậu sai sang dâng lễ vật mừng sinh nhật ngài.
Nguyên trước đây, khi vua Anh-tông còn là thái tử, tước phong Tần-vương. Vương cùng vương phi Cao Thái-Vân nam du mật nghiên cứu tình hình Đại-Việt. Trong lần đó vương với vương phi đã dạy võ, ban vàng cho cô thiếu nữ cùng khổ Lê-thị Minh-Đệ ở chùa Từ-quang. Khi Minh-Đệ thành Ỷ-Lan thần phi, thì vua Anh-tông băng hà. Phi tưởng nhớ đến việc nhà vua với hậu chiếu cố tới phi. Phi xin vua Thánh-tông cho chịu tang, làm lễ tế vọng. Từ đấy, hàng năm, đến ngày giỗ vua Anh-tông, ngày sinh nhật của Thái-hậu, Ỷ-Lan đều gửi sứ sang dâng lễ vật. Nay Ỷ-Lan thành Linh-Nhân hoàng thái hậu, đang bận rộn điều khiển cuộc chiến giữ nước, nhưng hậu vẫn không quên ngày sinh nhật của sư mẫu. Hậu sai phu nhân của Vân-ma thượng tướng quân Trần Ninh là Trần Ngọc-Hương làm chánh sứ; phu nhân của Quán-quân thượng tướng quân Đinh Hoàng-Nghi là Trần Phương-Quỳnh làm phó sứ sang dâng lễ vật. Thái-hậu thấy hai nữ sứ giả xinh đẹp, võ công cao thâm, lầu thông kinh, sử, tử tập của Trung-quốc, ngài cực kỳ yêu mến. Hậu giữ hai phu nhân ở trong cung đàm đạo mấy ngày.
Ngay chiều hôm đó, Trần Ngọc-Hương xin phép Tuyên-Nhân hoàng thái hậu ra ngoài kinh thành để tìm mua một số sách Trung-quốc. Sợ Khu-Mật viện Tống cho người theo dõi, phu nhân đi khắp các hiệu, mua không biết bao nhiêu sách mà kể, rồi âm thầm ra bến sông. Ở bến sông có con đò chờ sẵn, chở phu nhân ra giữa giòng rồi áp vào con thuyền lớn. Trong con thuyền đó đã có mười người ngồi chờ. Mười người đó là đại sư Minh-Không, Đạo-Hạnh; đại hiệp Trần Bảo-Dân, phu nhân là Khấu Kim-An; sáu người trong Thần-vũ thập anh là vợ chồng Hoàng, Thanh, Huyền. Ngọc-Hương trình bầy tỷ mỉ từ những xung đột của các đại thần Tống cho đến việc Tuyên-Nhân hoàng thái hậu vốn sùng Nho, yêu thơ văn. Thái hậu muốn hủy bỏ Tân-pháp, cách Vương An-Thạch và đồng bọn; dùng Ngô Sung, Vương Khuê, Phùng Kinh. Hậu lại muốn gọi các văn thi sĩ danh tiếng của Tống như Tô Thức, Tô Triệt, Tần Quan, Hoàng Đình-Kiên đang bị lưu đầy về triều.
Trần Bảo-Dân cùng hai đại sư, Thần-vũ lục anh, Ngọc-Hương bàn kế hoạch chi tiết, sao khiến cho Vương An-Thạch mệt mỏi, đưa đến tâm thần hỗn loạn, rồi nhà vua cách chức y. Xong việc, Ngọc-Hương trở về cung Tuyên-Nhân với hàng trăm bộ sách.
Hôm sau, Vương An-Thạch nhập triều bàn việc Nam thùy với Hy-Ninh đế, qua giờ Ngọ mới lên xe về dinh. Phía trước y có năm mươi kị mã, phía sau có năm mươi võ sĩ cầm đao hộ vệ. Xe vừa ra khỏi Hoàng-thành, thì thình lình có tiếng kêu rắc, rắc rồi bánh xe bên trái văng ra xa. Xe lật nhào. Viên gia tướng Đô Kinh nhấp nhô một cái, đã nhảy lên ôm lấy Thạch. Y dùng một thức khinh thân vọt mình như chiếc pháo thăng thiên, rồi đáp xuống vệ đường an toàn.
Chiếc xe lật nhào, đè lên người tên mã phu. Hai con ngựa cất cao vó trước hí lên inh ỏi. Đám vệ sĩ vội lật xe lại, cứu tên mã phu ra, rồi lấy ngựa cho Thạch cỡi.
Về tới dinh, Thạch nổi lôi đình, truyền gọi viên gia tướng Đô Kinh hỏi:
– Người đã điều tra xem tại sao trục xe lại gẫy không?
– Trình quốc công, tiểu tướng đã xem xét rất kỹ: Gỗ làm trục xe là loại gỗ trắc còn mới, không có vết tích bị chặt, bị cưa, thế mà một khúc bị nứt ra mới kỳ lạ. Tiểu tướng thẩm vấn tên mã phu, thì từ sáng đến giờ, không có ai lại gần xe cả. Kết lại, chẳng may trục xe của quốc công làm bằng gỗ, trúng phải một miếng bị mục.
Viên gia tướng ra rồi, thì người tỳ thiếp thứ năm mà Thạch cực kỳ sủng ái là Hương-Lan sai bưng trà với bánh, mứt, hoa quả dâng cho Thạch. Thấy người tỳ thiếp, cơn giận của Thạch hạ xuống liền. Hương-Lan thỏ thẻ:
– Tướng-công ơi! Hôm nay nhà mình có nhiều sự lạ xẩy ra, biết tướng công cần lao chính sự nhiều, nhưng thiếp vẫn phải trình tướng công.
– Đó là những sự gì vậy?
– Trước hết, là con chó xinh đẹp của tướng công bị mất tích hôm trước, nay đã thấy rồi.
– Thế nó đâu?
– Nó rơi xuống giếng chết đã mấy ngày, hôm nay mới nổi lên. Vì vậy nước giếng hôi thối, nên quản gia phải cho tát giếng. Còn nước dùng trong dinh hôm nay là nước gánh từ sông về.
– Đáng tiếc. Còn sự gì khác nữa không?
– Tin này thực khủng khiếp, kinh thiên động địa.
An-Thạch lo lắng:
– Trong nhà có ai chết ư?
– Hơn thế nữa. Tướng công ơi! Tin từ cố lý đưa về rằng, ngôi mộ hiển khảo (bố đẻ), tỷ khảo (mẹ đẻ) bị kẻ trộm đào lên, mang xương mang đi mất.
An-Thạch nổi giận hét be be:
– Ta phải đem tên lý dịch, cùng đám bảo binh trong làng chém hết để trị tội. Mộ của song thân ta xây bằng đá ong lớn như vậy. Nếu muốn đào lên, thì phải hàng chục người, đào trong hơn ngày. Hơn ngày mà lý dịch, bảo binh không biết, thì giả như giặc đến, sẽ ra sao?
Giận quá, y ném chung tra trên tay xuống nền nhà vỡ tan tành.
Chính thê của An-Thạch bước vào:
– Tướng công ơi! Khi tướng quân được đắc dụng, thiếp chẳng từng nói rằng: Nho học có từ mấy nghìn năm, đã ăn vào xương tủy Thiên-hạ rồi. Nay tướng quân muốn thay đổi hẳn, thì chỉ là dã tràng xây cát biển Đông mà thôi. Thiếp cho rằng trục xe gẫy, con chó chết, mộ hai thân bị đào, chắc cũng vì thù hằn mà thôi. Cổ nhân nói:
Sự phùng đắc ý tuyên hưu tức,
Phú quý trường trung dị bạch đầu.
(Khi mộng ước đã đắc ý rồi, thì nên lùi về nghỉ ngơi. Trong trường phú quý đầu dễ bạc ).
Tướng quân không nhớ sao?
Phu nhân thở dài:
– Bây giờ Tân-pháp của tướng công được đắc dụng, tướng công có ở lại; quan cũng không quá tể tướng, tước cũng chỉ tới quốc-công. Tướng công lui đi là hơn.
An-Thạch thở dài:
– Ta nay lâm thế cỡi cọp mất rồi. Ta với nhà vua chủ đánh Giao-chỉ, nay quân đã vượt Ngũ-lĩnh xuống Nam. Ta làm sao mà lùi được?
Hương-Lan lại thỏ thẻ:
– Được chứ! Thiếp nghe nói, đất Giao-chỉ là nơi rồng nằm hổ phục. Mấy trăm năm nay, biết bao nhiêu tướng, biết bao nhiêu binh đem quân sang đánh, cũng đều bỏ thây cả. Nay ra quân lỡ bị thất bại, ắt nhà vua đổ lên đầu tướng công hết. Chi bằng bây giờ tướng công từ chức, lui về điền dã. Nếu Quách Quỳ thắng, thì nhà vua cũng biết là công của tướng công. Nhược bằng Quỳ bại, thì ai cũng nói là tự tướng công rút lui nên mới ra cơ sự.
An-Thạch lắc đầu:
– Ta không phải là người hèn. Ta nhất định phải chủ trương cuộc chiến này. Thắng Giao-chỉ, ta đánh Chiêm, Lào, Chân, Xiêm, Lý, rồi đem quân lên Bắc. Xưa kia Quản Trọng giúp Tề Hoàn-công thành nghiệp bá; Trương Lương làm quân sư cho Hán Cao-tổ, Tiêu Hà cầm quyền cai trị giúp Cao-tổ, Hàn Tín thống lĩnh binh mã cho Cao-tổ. Còn ta, ta quyết vừa làm Quản Trọng, lại kiêm cả Trương, Tiêu, Hàn. Thôi các phu nhân đừng bàn nữa.
An-Thạch uống trà rồi, y ngồi thừ người ra suy nghĩ: Trong triều, ngoài dân ai cũng chống ta. Vậy Tân-pháp là chính lệnh hay ma lệnh? Tại sao đến các phu nhân là người thân tín, đầu gối, tay ấp mà cũng chống Tân-pháp? Ta nhất quyết xuống Lĩnh-ngoại phen này để tìm hiểu thêm. Nhưng ta không thể mang theo đám tùy tùng cũ của ta, như vậy e bị lộ mất. Ta kiếm đâu ra những vệ sĩ thân tín đây?
Đâu đó có tiếng tiêu véo von vọng lại rót vào tai Thạch. Lúc đầu tiếng tiêu êm đềm, dìu dặt. Sau dần dần chuyển sang âm điệu cực kỳ khó chịu, khiến chân tay Thạch không tự chủ được muốn múa may nhảy nhót. Thạch bực mình gọi Đô Kinh, truyền lệnh:
– Đứa nào tấu những khúc ma quái vậy?
Nhưng Đô Kinh lắc đầu:
– Tiểu tướng không nghe thấy gì cả.
Hương-Lan lắng tai nghe ngóng rồi nói:
– Thiếp cũng không nghe thấy gì cả.
An-Thạch kinh hãi cau mặt lại, dùng hai tay bịt tai, nhưng tiếng tiêu như ma hờn, như quỷ khóc vẫn lọt vào tai y, khiến y không tự chủ được, phải đứng dậy múa may, quay cuồng.
Hương-Lan kinh hãi thét lên:
– Tướng công. Tướng công ơi!
Nhưng An-Thạch vẫn múa may. Viên gia tướng chạy lại ôm lấy Thạch. Thạch bịt hai tai lại, để khỏi nghe tiếng tiêu ma quái, nhưng tiếng tiêu vẫn lọt vào tai y. Y hét:
– Lấy giấy cho ta!
Hương-Lan chưa kịp lấy giấy, thì An-Thạch đã xé tờ giấy ở cuốn lịch đặt trên án-thư , vo tròn, rồi nhét vào tai.
Nhưng vô ích.
Múa may một lúc, y ngã ngồi xuống. May thay, lúc đó tiếng tiêu ma quái từ nhỏ dần, rồi tắt hẳn. Mệt quá, y quay lưng dựa vào người Hương-Lan, nói trong hơi thở:
– Hương-Lan, nàng có nghĩ rằng ta điên không? Hay ta bị ma trêu, quỷ ám?
– Thiếp không tin rằng tướng công bị ma trêu, quỷ ám, mà do làm việc quá độ, khiến tâm thần hoảng hốt. Thiếp đã cho mời đại phu. Có lẽ người sắp tới.
An-Thạch với Hương-Lan cùng ngồi ăn chiều. Ăn xong thì đã giờ Tý. Bấy giờ đại phu mới tới. Đại phu là một viên quan ở Thái-y viện, tên Vũ Hồ-Nhân, nổi tiếng là thần-y đương thời. Y với Hương-Lan ra đại sảnh tiếp khách. Sau khi bắt mạch, xem lưỡi, Vũ đại phu nói:
– Thưa quốc công, thiểm chức thấy mạch của ngài trầm, mà xác. Trầm chủ hư chứng, xác chủ nhiệt. Y học gọi là âm-hư nội nhiệt. Âm hư nội nhiệt nặng thì có thể gây nhức đầu chóng mặt, mất ngủ, tai kêu như ve, chứ có đâu lại nghe thấy tiếng tiêu làm cho chân tay múa may?
Ngay lúc đó, người thiếp thứ nhì của An-Thạch là Phương-Lan chạy vào kêu lên:
– Ma quái! Tướng công ơi! Ma quái!
– Cái gì vậy?
An-Thạch hỏi: Ma ở đâu?
– Thưa tướng công, từ nãy đến giờ, thiếp nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết từ cõi âm vọng về. Đó là tiếng của oan hồn tử sĩ ở Đại-giáp, Hỏa-giáp, Ngọc-tuyền, Ung-châu than thở rằng họ bị chết oan, hồn không siêu thoát được. Họ xin tướng công cho thu nhặt hài cốt đem về cố lý chôn cất.
An-Thạch kinh hãi hỏi:
– Tiếng kêu khóc đó còn không?
– Từ lúc thiếp vào đây thì tiếng kêu đó hết.
Lát sau đến lượt phu nhân, rồi tứ thiếp, lục thiếp cũng chạy vào kêu cứu rằng bị ma quỷ kêu gào giống như nhị phòng. Nhưng khi vào đại sảnh thì tiếng ma gào, quỷ khóc lại hết.
Vũ đại phu bàn:
– Không chừng là ma quỷ thực cũng nên. Vì các vị phu nhân yếu bóng vía, nên bị chúng trêu cợt. Còn quốc công, thì tướng tinh vượng, nên chúng không thể vào đây quấy nhiễu.
An-Thạch là người thực tế, không tin ma quỷ. Y cảm ơn Vũ đại phu, rồi cho về. Y thừ người ra nghĩ thầm:
– Không lẽ có ma, quỷ thực?
Quản gia là người thân tín của Thạch đề nghị:
– Xin quốc công cho tiểu nhân đi mời Thanh-Hư đạo trưởng, để người bắt tà.
An-Thạch chưa quyết định, thì đến lượt tên thư đồng cũng bị ma gào, quỷ khóc, xin được vào đại sảnh lánh nạn. Đến khoảng giờ Sửu, thì hầu như chính thê, thứ thiếp, con trai, con dâu, con gái, nữ tỳ đều bị ma gào, quỷ khóc phải kéo đến đại sảnh ngồi. Giữa lúc đó, có tiếng ngựa hí, tiếng la hét ồn ào. Thạch sai một nữ tỳ ra ngoài hỏi xem cái gì đang xẩy ra, nhưng y thị sợ ma, không dám đi. Lát sau, tiếng la hét im. Đô Kinh chạy vào trình:
– Trình quốc công, tự nhiên bầy ngựa sút chuồng chạy nhảy, cắn nhau, đá nhau lung tung. Tiểu tướng đã cho thân binh bắt đem trở về tầu.
Phút chốc trống điểm canh, báo hiệu đã sang giờ Mão là giờ An-Thạch phải vào Đông-các bàn việc với vua. Tuy mệt lả người, nhưng y vẫn phải ăn một bát cháo, uống chung trà, rồi truyền thắng xe vào Hoàng-thành. Thời bấy giờ dinh tể tướng ở gần cửa Kim-long, phía Tây thành, nên xe phải đi sang hướng Đông rồi mới vào Đông-các được.
Viên gia tướng Đô Kinh kiểm lại xe, cương, ngựa thực kỹ rồi mới tiền hô, hẩu ủng lên đường. Xe vừa ra khỏi cổng phủ, thì dân chúng, xe cộ ùn lại nghẹt cứng. Viên trưởng toán cận vệ Vi Trọng la hét thế nào, cũng không dẹp được đường. Viên gia tướng Đô Kinh vội vọt ngựa về phía trước. Lát sau y trở lại lắc đấu:
– Thưa quốc công, chẳng có gì lạ hết, không biết ở đâu xuất hiện bọn mãi võ kiếm tiền, gồm ba nam, ba nữ. Nam thì hùng vĩ khôi ngô, nữ thì sắc nước hương trời. Bọn này có tài thổi tiêu, khiến cho hàng nghìn con rắn múa theo điệu nhạc rất đẹp. Đội tuần tiễu hỏi lý lịch, thì chúng xưng là người Chàm, nhân bị quân Giao-chỉ chiếm nước, chúng phải tha hương cầu thực. Đội tuần tiễu bắt chúng trói lại giải về phủ thừa Khai-phong. Vì vậy bầy rắn không người điều khiển, chúng bò ra khắp phố. Dân chúng kinh hoảng chạy nhảy lung tung làm kẹt đường.
Y nói nhỏ:
– Mai này tướng công trẩy Nam, đang cần thêm vệ sĩ. Mà đem vệ sĩ có sẵn đi e bị lộ. Bọn Chàm này vốn thù bọn Việt, tướng công nên thu dụng chúng mang theo, như vậy vừa bảo mật, vừa yên tâm.
An-Thạch gọi một viên cận vệ trao cho y tấm lệnh bài:
– Người cầm tấm lệnh bài này đến phủ thừa Khai-phong, truyền giải ba đôi trai gái người Chàm vào Đông-các cho ta ngay.
Đoàn tùy tùng An-Thạch lại tiếp tục lên đường. Khi An-Thạch vừa tới Đông-các đã thấy bọn bộ khoái Biện-kinh giải ba đôi trai gái tới. Ba cặp mặc cùng một thứ y phục, nhưng mầu khác nhau. Một cặp mặc quần áo vàng, một cặp mặc quần áo trắng, một cặp mặc quần áo đen. Thoạt nhìn qua, An-Thạch nghĩ thầm:
– Sao lại có ba đứa con gái đẹp đến như thế kia?
Viên bộ khoái trình bản cung từ của ba cặp nam nữ Chàm. Nội dung bản cung từ như sau: Ba nam đều là tốt trưởng quân Chiêm. Mấy năm trước, quân Giao-chỉ xâm Chiêm quốc. Quân Chiêm tan vỡ, nên ba người đem vợ vượt biển đến Triết-giang xin kiều ngụ. Cả ba cặp đều làm nghề mãi võ, cùng diễn trò để làm kế sinh nhai.
An-Thạch đã đọc rất nhiều tấu chương của Khu-mật viện về Chiêm quốc, nên y biết nhiều về nước này. Y cật cấn những vấn đề về nội tình Chiêm, sáu người trả lời không sai một chút nào. Y tin những lời khai của chúng:
– Các ngươi đã mãi võ ở những vùng nào?
– Thưa, chúng tôi mãi võ ở hầu hết các châu, lộ Nam thùy của Thiên-triều.
– Các người có thuộc đường từ đây đi Ung-châu không?
– Thưa, chúng tôi từng mãi võ kiếm ăn suốt sáu năm qua ở vùng này, nên đường xa, sông núi đều thuộc nằm lòng.
– Các người có biết võ không?
Cả sáu người đều đáp:
– Dạ, biết.
An-Thạch gọi Đô Kinh, ra lệnh:
– Người thử đấu với thanh niên áo đen xem sao!
Y nói với gã áo đen:
– Người hãy chiết ít chiêu với Đô tướng quân. Nếu như bản sự khá, thì ta tha cho, rồi tuyển làm gia tướng.
Gã áo đen dạ một tiếng, bái tổ đứng chờ. Trọng hít hơi xuống trung bình tấn, rồi đấm thẳng về trước đến vù một tiếng. Người áo đen trầm người xuống tránh, tay phải gạt tay phải của Kinh, rồi tay trái trả đòn. Đô Kinh nhảy lùi về sau một bước, để tránh thế phản công, vung chưởng gạt. Binh một tiếng, cát bụi bay mịt mờ. Hai người lảo đảo lui lại gườm gườm nhìn nhau. Thế là hai người đấu với nhau trên trăm chiêu bất phân thắng bại.
Như vậy đã đủ biết bản sự của gã Chàm, An-Thạch hô:
– Ngừng tay!
Hai người bái tổ, rồi lùi lại. Gã áo đen chắp tay hướng Đô Kinh:
– Đa tạ nhân huynh đã nới tay.
An-Thạch truyền lệnh cho tên bộ khoái phủ thừa Khai-phong:
– Ba cặp nam nữ này vô tội. Ta muốn lưu họ để làm một việc mật. Thôi người về đi.
Viên bộ khoái đi rồi, An-Thạch bảo ba cặp nam nữ:
– Trong cung từ các người mang tên Chàm khó nhớ quá. Vậy từ nay ta cho các người mang họ Vương của ta, và đặt cho các người tên là Phúc, Lộc, Thọ. Các người hãy bỏ nghề mãi võ, ta tuyển làm vệ sĩ riêng. Còn vợ, ta cũng tuyển làm nữ tỳ.
An-Thạch gọi viên gia tướng lại bên cạnh dặn dò một lúc. Viên gia tướng dẫn ba cặp Phúc, Lộc, Thọ rời khỏi Đông-các.
Nhà vua đã giá lâm, có Lý Hiến theo hầu. Vừa trông thấy An-Thạch, ông đã hỏi:
– Sao, hôm qua nhà khanh bị ma quỷ phá suốt đêm phải không?
An-Thạch kinh ngạc, mở to mắt nhìn nhà vua, trong lòng tự hỏi: Việc mới đây, mà sao nhà vua đã biết. Lý Hiến cười:
– Vương đại nhân đừng kinh ngạc. Việc khủng khiếp như vậy xẩy ra làm sao mà dấu được? Sáng nay khắp kinh thành đều biết cả rồi.
Lý Hiến là đại tôn sư võ học đương thời, hôm qua khi nghe tai mắt của y trong phu tể tướng thuật việc ma quỷ đại náo phủ Thạch. Y biết Thạch bị một võ lâm cao thủ nào đó tấu khúc tiêu ma quái, rồi dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai y, khiến mình y nghe thấy mà thôi. Sau lại chính cao thủ đó sai người gào khóc làm ma, làm quỷ, rồi lại dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai vợ, con, gia thuộc nhà Thạch để dọa. Mặc dù biết rất rõ, mà thay vì y giải thích cho Thạch, y lại hù dọa thêm cho bõ ghét.
Nhà vua hỏi:
– Nay trong nhà khanh bị ma quỷ quấy phá, liệu khanh có đi Lĩnh-ngoại được không?
– Tâu bệ hạ, vì việc nước, thì dù nhà có tan, cửa có nát thần cũng nhất định ra đi.
Sau buổi làm việc hôm đó, An-Thạch trở về nhà. Quản gia cho biết, từ sáng đến giờ không thấy ma khóc, quỷ gào nữa. Tình hình hoàn toàn yên tĩnh, vô sự. Thạch gọi chính thê, sáu thiếp, con trai với quản gia vào đại sảnh, rồi nghiêm mặt nói:
– Vì cuộc Nam chinh đang hồi khẩn yếu, hoàng thượng ban chỉ ta mật nhập cung, để đêm ngày nghị sự với hoàng thượng. Vậy ta chỉ mang theo có mình Đô Kinh mà thôi. Để đánh lừa tai mắt tế tác giặc, các người phao rằng ta bị bệnh đậu mùa, phải kiêng gió, nghỉ ở trong phòng Hương-Lan, không dự triều chính được. Ta không tiếp ai. Nhớ đấy, ai lộ ra sẽ bị tội chặt đầu.
Đêm đó, An-Thạch gọi Đô Kinh, ba vợ chồng Phúc, Lộc, Thọ vào thư phòng rồi dặn:
– Chuyến Nam du này hoàn toàn bí mật. Từ đây xuống Ngũ-lĩnh ta cải trang làm phú thương, các người làm tùy tùng. Khi đi vào địa phận Quế-châu, thì sẽ gặp binh tướng đi Nam. Nếu ta vẫn cải làm phú thương, thì họ không cho đi. Vậy từ Quế-châu trở xuống ta sẽ cải trang làm một viên thị lang lĩnh chức kinh-lược khâm sứ; còn các ngươi thì giả làm thị vệ. Dọc đường, nếu cần lên tiếng chỉ Phúc, Lộc, Thọ được nói, còn ba người đàn bà không được lên tiếng, vì sợ lộ hình tích.
Đô Kinh chuẩn bị y phục thị vệ cho ba cặp vợ chồng Phúc, Lộc, Thọ. Còn Hương-Lan thì chuẩn bị trang phục cho An-Thạch.
Hôm sau, vào lúc trời bình minh, thì An-Thạch lên xe âm thầm ra đi. Xe đó do Đô Kinh đánh, phía sau có ba cặp nam nữ kị mã theo hộ tống.
Khi xe An-Thạch đến Quế-châu, thì các đạo quân mang từ Bắc, Tây thùy xuống đã lên đường hết. Hành doanh của Quách Quỳ cũng di xuống Ung-châu một ngày rồi. Hôm ấy đoàn người ngựa của An-Thạch qua đêm ở một khách điếm lớn. An-Thạch gọi ba vợ chồng Phúc, Lộc, Thọ dặn:
– Đường từ đây xuống Nam, đầy quan binh. Nếu chúng ta tiếp tục giả làm phú thương, thì họ không cho đi. Ta tiên đoán thế, nên đã chuẩn bị sẵn thẻ bài, lệnh tiễn chứng nhận ta là kinh lược sứ của triều đình sai xuống hành doanh Nam chinh. Vậy ba người đàn bà phải giả trai. Tất cả sáu người hãy lấy y phục thị vệ mặc vào, sáng mai ta lên đường.
Sáng hôm sau, ba vợ chồng Phúc, Lộc, Thọ trong lớp y phục thị vệ cỡi ngựa đi trước. Phía sau là xe của An-Thạch, trên có lá cờ với mấy chữ : « Kinh lược sứ Nam thùy ». Nhờ vậy mà xe vượt qua không biết bao nhiêu đoàn quân đang trên đường xuống Nam. Dọc đường, An-Thạch thấy dân chúng, bảo binh đánh xe, chèo thuyền chuyên chở lương thảo rầm rộ hướng Nam. Vì mệt mỏi, vì phải khuân vác, chúng vừa đi, vừa bới móc tổ tiên mười đời nhà Vương An-Thạch mà chửi. An-Thạch cắn răng, không dám hé môi nói một lời.
Trưa hôm đó, Vương Phúc ghé ngựa lại bên rèm xe Thạch trình:
– Thưa quốc-công chỉ còn hơn hai mươi dặm nữa tới Côn-lôn phố. Xin quốc công cho biết ta qua đêm tại đây, hay vượt Đại-giáp, Ngọc-tuyền, Hỏa-giáp xuống Ung-châu ngay?
– Nếu xuống Ung-châu có kịp không?
– Có lẽ không kịp. Nếu xe đi nhanh, thì tới thung lũng Ngọc-tuyền vào lúc nhá nhem tối.
– Được, ta muốn nghỉ ở Ngọc-tuyền.
Xe lại phóng như bay, giờ Mùi (13-15 giờ) thì tới Côn-lôn. Tại Côn-lôn quan quân đóng chật ních, đường đi rất khó khăn. Khi ra khỏi thành, một trận gió Nam thổi tới mang theo mùi hôi thối cực kỳ khó chịu tạt vào mặt đoàn người ngựa An-Thạch. Liếc mắt nhìn xa xa, Thạch thấy: Trên một giải đồng mênh mông dài vô tận, có không biết bao nhiêu người mà kể. Họ là ông già, bà cả. Họ là thiếu phụ trẻ. Họ là trai tráng. Họ là trẻ thơ. Tất cả đều chít khăn trắng. Cứ hai người một, họ khiêng cái bọc dài lủng lẳng, vừa đi vừa kêu gào thảm thiết. Lại có những người đang dùng móng, cuốc, xẻng đào bới. Tất cả đều khóc như di.
Các đoàn binh đang trẩy về Nam cũng ngừng lại giúp dân đào đào, xới xới. An-Thạch mở màn, nhô đầu ra khỏi xe, hỏi một viên tướng trong y phục cấp đô thống:
– Này đô thống. Cái gì đã xẩy ra vậy?
Viên đô-thống liếc nhìn lá cờ của An-Thạch, y lễ phép trả lời:
– Thưa đại quan, hồi tết Nguyên-đán vừa qua, tại đây đã diễn ra trận đánh lớn. Chỗ này là nơi đoàn chuyển vận lương của ta, bị quân Giao-chỉ đánh úp. Hơn ba nghìn quân bỏ mạng. Quân Giao-chỉ rất tử tế, họ chôn cất tử sĩ, rồi trên mỗi nấm mộ họ còn cắm miếng gỗ đề tên, tuổi, cấp bậc nữa. Nay đại quân Nam chinh, gia đình tử sĩ mới dám đến cải táng mang về quê. Vì thời gian mới có tám, chín tháng, thịt chưa rữa hết, tử thi bốc lên mùi xú uế như đại nhân thấy.
An-Thạch ra lệnh cho Đô Kinh ruổi xe rời khỏi Côn-lôn. Hơn giờ sau tới chân núi Đại-giáp. Cái cảnh ở Côn-lôn lại xuất hiện. Nhưng ở đây, số gia đình tử sĩ đông gấp bội. Quân lính đã ngừng hẳn lại để giúp dân chúng đào đất moi tử thi lên. Cái cảnh thê thảm đó kéo từ chân núi phía Bắc Đại giáp, qua đỉnh xuống Nam.
Khi lên tới đỉnh Đại-giáp, xe bắt đầu đổ dốc, thì trước mặt hiện ra thung lũng Ngọc-tuyền kéo dài đến chân trời phía Nam, rồi lại chạy ngược lên núi Hỏa-giáp. Ở giữa thung lũng, nối hai ngọn Đại, Hỏa-giáp, là con đường dài. Hai bên đường, đầy những người mặc tang phục trắng. Hóa cho nên từ núi Đại-giáp, qua thung lũng Ngọc-tuyền tới núi Hoả-giáp giống như một tấm vải trắng khổng lồ trải ngang qua.
An-Thạch nghĩ thầm:
– Đúng rồi, nơi đây, mấy tháng trước đạo binh đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đạo kị binh 47 đã bị quân Giao-chỉ đánh tan. Tổng cộng bốn vạn người, một vạn ngựa. Số bị bắt, đầu hàng chưa quá một vạn. Vậy ít ra có tới ba vạn nấm mồ.
An-Thạch thúc xe đi thực nhanh, tiếng con khóc cha, tiếng vợ khóc chồng, tiếng mẹ già gào thét khóc con; tạo thành âm thanh thê lương, ào ào như sóng thủy triều gặp lúc động trời. Phân nửa những nấm mồ đã được khai quật lên. Nhưng một số vẫn còn đó. Người người hàng hàng lớp lớp nhấp nhô cúi xuống, ngẩng dậy, nhìn những thanh gỗ đề tên người xấu số để tìm thân nhân mình. Có những bà mẹ không tìm thấy mộ con, gào đến lạc giọng:
– Con ơi là con! Con nằm đâu? Con cho mẹ biết đi, để mẹ đưa con về quê.
Tiếng của người mẹ khốn nạn tìm xác con lẫn với hàng chục vạn tiếng khác, ào ào vang vang, thành điệu nhạc đoạn trường vô tận.
An-Thạch ra lệnh cho Đô Kinh đánh xe vượt Hỏa-giáp sơn xuống Nam, cốt sao xa cái địa ngục kinh hoàng, hôi thối, thê thảm này. Cũng may, xe vừa đổ đồi phía Nam Hỏa-giáp, thì trời tối. Rời chân núi Hỏa-giáp hơn mười dặm, thì không còn cái cảnh đào bới tìm xác tử sĩ nữa. Đô Kinh đánh xe vào ngôi nhà ngói, dường như của một phú gia, để xin qua đêm. Nhưng nhà này đã được đặt làm hành doanh của viên chỉ huy đạo quân tả đệ tam tên Miêu Lý và viên chỉ huy phó tên Vương Tiến. Miêu, Vương thấy Đô Kinh với sáu thị vệ hộ tống một đại quan, xưng là kinh-lược sứ, y vội chạy ra tiếp vào.
An-Thạch là người bác văn, cường trí, nên y biết rất rõ tiểu sử hai tướng, tình hình đạo quân tả đệ tam, trong khi hai viên tướng lại không biết y là ai. Y đảo ngược tên đi, xưng họ Thạch tên An, hiện lĩnh chức thị lang bộ lại.
An-Thạch hỏi thăm tình hình quân sĩ, Miêu Lý than thở:
– Kể từ tháng ba đến giờ, quân vượt mấy ngàn dặm, đến Kinh, Hồ người ngựa đã quá mệt mỏi rồi. Từ lúc vượt Ngũ-lĩnh xuống đây, khí hậu thấp nhiệt, thêm muỗi dữ như ong. Quân chưa đánh trận nào, mà đã chết bệnh hơn năm nghìn. (TTTTGTB, Hy-Ninh 9, ngày 14-10. DL. 13-11-1076).
Vương Tiến cũng đang bị sốt rét ngã nước hành hạ. Y nói trong khi hai hàm răng đánh nhịp lách cách:
– Thưa đại nhân, tiểu tướng biết phen này ra đi, khó mà trở về. Trước sau không bị giặc giết, thì cũng chết về muỗi, nên cứ thực tình mà trình. Quân của tiểu tướng đánh dư trăm trận, chưa người nào đau yếu, chưa người nào sợ hãi cả. Nhưng khi vượt núi qua Côn-lôn, Đại-giáp, Ngọc-tuyền, Hỏa-giáp, thấy mấy vạn nấm mồ, với cảnh bố mẹ, vợ con, anh em khóc lóc đào bới tìm xác, thì không người nào còn can đảm chiến đấu nữa. Ai cũng mong sao thiên tử đổi ý, chặt đầu tên khuyển nho Vương An-Thạch, rồi rút quân về.
An-Thạch tím mặt lại. Y nói gượng:
– Ta nghĩ Vương tể tướng nghĩ ra Tân-pháp, làm cho nước giầu, dân mạnh, chứ người đâu có hại đến chư quân?
Lão ông chủ nhà chắp tay:
– Thực tình mà bàn, nếu Tân-pháp từ từ thi hành, thì quả là diệu sách, đổi cả trời đất lại. Nhưng đây họ Vương muốn làm nhanh quá, thành ra xáo trộn hết. Giá như triều đình cho thi hành Tân-pháp mươi năm nữa, đợi cho Tân-pháp ngấm vào dân, đợi cho nước thực giầu, đợi cho bảo binh thuần thục, thì chả cần đánh, các nước xung quanh cũng quy phục.
Lão nghiến răng:
– Khổ một điều, từ xưa đến giờ, Giao-chỉ vẫn thần phục, vẫn ngoan ngoãn tiến cống đấy chứ. Chỉ vì bọn mặt dơi tai chuột Thẩm Khởi, Lưu Di với tên khuyển nho Vương An-Thạch muốn chiếm nước người, thành ra chúng phải ra quân tự vệ. Rút cuộc, chỉ khổ dân, chỉ chết quân mà thôi.
Vương An-Thạch bị chửi rủa vào mặt, mà không dám nói gì.
Hôm sau An-Thạch tiếp tục đi xuống Nam. Tới thành Ung, y lại được chứng kiến cảnh đào bới tìm xác chết nữa. Ở đây còn khủng khiếp hơn, vì số người chết lên tới hơn mười vạn. Y lại được nghe dân, quân, tướng nguyền rủa y. Lòng y nguội như tro tàn.
Suốt mười năm qua, y phải phấn đấu, chống đỡ với mấy trăm đồng liêu công kích y. Y đã mệt mỏi lắm rồi. Khi rời Biện-kinh ra đi, trong nhà y lại xẩy ra nhiều truyện, làm cho thần chí y hỗn loạn. Bây giờ, vượt đường trường vạn dặm Nam du thể xác mệt mỏi. Chính mắt y lại thấy cảnh chết chóc thê thảm; chính tai y nghe tướng sĩ, dân chúng nguyền rủa. Thần chí y xụp đổ hoàn toàn. Y bỏ không tiếp xúc với Quách Quỳ, Triệu Tiết nữa. Y ra lệnh cho Đô Kinh đánh xe trở về Biện-kinh.
Vừa về tới dinh, bước vào trong, kìa vườn cảnh sao tiêu điều kỳ lạ! Ngoài tên thân binh gác cổng ra, không thấy ai đón y cả. Y lên tiếng gọi, thì chỉ có tên trưởng toán vệ sĩ Vi Trọng xuất hiện. Y chưa kịp hỏi, thì Vi Trọng đã khóc:
– Khi quốc công rời khỏi dinh nửa ngày, thì ma, quỷ lại cất tiếng từ cõi âm truyền về khóc lóc kể rằng: Quốc công không hề vào hoàng cung nhiếp chính với hoàng thượng, mà lên đường kinh lý Nam thùy. Rồi ngày ngày, ma kêu, quỷ khóc trong dinh. Bọn nữ tỳ, mã phu, bộc phụ hoảng sợ bỏ trốn gần hết. Sau đến thân binh cũng từ từ trốn đi. Phu nhân mời Thanh-Hư đạo trưởng đến bắt ma. Đạo trưởng lập đàn trừ tà, thì tiếng ma, quỷ càng vọng về càng lớn hơn. Một ngày sau, ma quỷ truyền tiếng tiêu vào tai đạo trưởng, khiến đạo trưởng múa may suốt nửa ngày cuối cùng lăn ra chết.
Mặt An-Thạch co dúm lại như chiếc bánh bao chiều, trông rất khó coi. Vi Trọng kể tiếp:
– Nhân đại sư Pháp-Nhẫn chùa Thiếu-lâm cùng hai đại-sư Giao-chỉ vân du qua Biện-kinh. Có người mách phu nhân cầu người làm lễ cầu siêu cho oan hồn tử sĩ, để chúng khỏi quấy phá. Đại sư Pháp-Nhẫn cùng với hai nhà sư người Việt pháp danh Minh-Không, Đạo-Hạnh tới dinh. Đại sư từ chối không biết làm chay, vì chùa Thiếu-lâm là chùa Thiền-tông. Đại sư chỉ hai nhà sư Việt: « Hai vị này có tài trừ tà ».
An-Thạch cau mày:
– Rồi sự thể ra sao, mà nhà lại vắng thế này?
– Quả thực thế, từ lúc hai đại sư Việt tới dinh, thì tiếng ma hờn, quỷ khóc biến mất. Phu nhân bắt mọi người gọi hai đại sư là thánh tăng. Ngay đêm ấy, vì có hai thánh tăng Việt ở trong dinh mình quỷ không hờn, ma không khóc nữa. Nhưng chúng lại quấy rối ngay trong hoàng cung. Tuyên-Nhân hoàng thái hậu tuyên triệu đại pháp sư Nguyên-Đăng vào cung, lập đàn, rước tượng đức thánh Quan bắt tà. Hoàng cung yên tĩnh được một đêm. Đến đêm thứ nhì thì chính pháp sư Nguyên-Đăng bị quỷ nhập. Người nhảy múa lung tung, đập vỡ cả tượng đức thánh Quan, Chu Sương, Quan Bình.
An-Thạch lắc đầu:
– Chắc không phải quỷ nhập đâu, mà bị tiếng tiêu quái gở kia thúc đẩy mà thôi.
– Tuyên-Nhân hoàng thái hậu lại tuyên triệu hai nhà sư Việt vào cung trừ tà. Hai vị đó chối rằng không biết trừ tà, mà chỉ biết tụng kinh siêu độ cho hương linh người chết bình thường. Còn đối với người chết oan, thì phải giải cái u uất, thì oán mới hết. Khi oán hết, thì tự nhiên chúng sẽ bỏ ra đi.
– Có lý. Rồi sao?
– Đúng vậy, sau khi hai nhà sư thay nhau tụng niệm ba ngày, thì ma, quỷ lại nói vọng từ cõi âm về rằng: « Vì quốc công muốn chiếm Đại-Việt, mới khiến họ bị chết oan. Nay muốn giải cái uất hờn của chúng, thì phải chém đầu quốc công tế họ ». Hoàng thượng không chuẩn. Sau hai vị tăng đó cúng vái, dỗ dành;, oan hồn chịu, không đòi chém đầu quốc công nữa, mà chỉ đòi cách chức thôi. Vì vậy... vì vậy...
An-Thạch chua chát:
– Vì vậy Hoàng-thượng ban chỉ cách chức ta phải không?
– Không, Hoàng-thượng không chuẩn. Lập tức ngay đêm đó Hoàng-hậu bị tiếng tiêu ma quái làm cho múa may đến nhừ người ra. Cung nga, thái giám sợ quá, tối tối tụ nhau ngồi lại một chỗ mà khóc. Tuyên-Nhân hoàng thái hậu tuyên triệu Hoàng-thượng đến cung của người bắt phải giải quyết vụ ma kêu, quỷ khóc, bằng không người cũng rời cung ra ngoài ở. Bấy giờ hoàng thượng mới ban chỉ.
– Người giáng ta xuống làm gì?
– Trong chỉ tuyên rõ: Quốc công tri Giang-ninh phủ, lĩnh Trấn-Nam quân tiết độ sứ, Đồng-bình chương sự. Sau khi chiếu chỉ ban ra, lập tức mọi sự ma, chư sự quỷ không còn nữa.
An-Thạch nổi cáu:
– Ta nghĩ, hai tên trọc thối tha Minh-Không, Đạo-Hạnh chính là gian tế của Giao-chỉ. Thế chúng đâu rồi?
– Tuyên-Nhân hoàng thái hậu tuyên mời hai đại sư đó vào cung làm tiệc chay cúng dàng, truyền gọi là « Lĩnh-Nam thánh tăng ». Nguyên hồi trước khi cùng tiên đế vân du Đại-Việt, thái hậu đã gặp một trong hai thánh tăng này. Người lại ban chỉ cho hoàng thượng phải cúng dàng vàng bạc tiễn hai thánh tăng về cố quốc. Hoàng thượng hỏi rằng: « Hai thánh tăng Việt muốn được cúng dàng gì? ». Thì hai ngài đưa ra cái túi rồi tâu rằng: « Chỉ muốn được vào kho lựa lấy một túi đồng đen mang về nước đúc tượng Phật mà thôi ». Hoàng thượng truyền dẫn hai ngài vào kho tả. Hai ngài lựa mãi mà không được thứ đồng tốt. Thái giám lại dẫn hai ngài vào kho hữu...
Mặt An-Thạch cau lại:
– Kho hữu? Thế đã được chỉ dụ của Hoàng-thượng chưa mà dám dẫn hai tên trọc đó vào cấm địa ấy?
– Thưa lão gia, kho hữu là cấm địa gì kia?
– Người không biết đâu. Kho hữu không phải là kho, mà là nơi chứa những cơ mật của bản triều.
– Dạ, tiểu nhân không biết.
– Người thuật tiếp đi.
– Hôm sau quan giữ kho khám phá ra, trong kho không còn một mảnh đồng nào. Như vậy hai thánh tăng đã làm phép lấy hết đồng mang đi, mà toàn là đồng đen mới khổ chứ. Hoàng thượng truyền cho quan Tổng-lĩnh Thị-vệ Lý Hiến mang năm trăm thị vệ đuổi theo bắt lại. Khi Lý đuổi tới bờ biển, thì thấy hai thanh tăng đang tìm thuyền ra khơi. Lý tổng lĩnh hô thị vệ bao vây hai thánh tăng. Hai ngài ném cái nón tu lờ xuống bể. Lập tức hai cái nón hóa ra hai con rồng. Hai ngài cỡi rồng bơi về hướng Nam mất.
Vương An-Thạch lắc đầu:
– Huyền hoặc. Ta không tin. Láo hết. Nhưng gia quyến ta đâu?
– Vì quá sợ hãi, phu nhân không dám ở trong dinh này nữa, người cho dọn ra ở nhờ trong chùa Vạn-pháp tại phía Nam phủ Khai-phong rồi.
– Thế ai thay ta?
– Thưa là Ngô Sung thay quốc công. Còn Vương Khuê thay Ngô Sung, Phùng Kính coi Khu-mật viện.
An-Thạch ngửa mặt nhìn trời than:
– Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Ta đã ngu quá! Ta đã ngu quá. Chỉ vì muốn mau thành công, mà bao nhiêu tâm huyết một đời ta, hóa ra tro bụi, làm mấy chục vạn người chết oan.
Hôm sau An-Thạch sai thân binh từ từ chở gia quyến đi Giang-ninh. Y xin vào triều từ biệt Hy-Ninh đế, nhưng dường như nhà vua ngượng ngập, không tiếp y. Y cùng Đô Kinh với ba cặp vợ chồng Phúc, Lộc, Thọ dùng ngựa lên đường đáo Giang-ninh.
Vào một buổi trưa, đoàn người ngựa của An-Thạch sắp tới bờ sông Trường-giang. Xe còn cách bờ sông mười dặm, phải đi chậm lại, vì hai bên đường là những khách điếm, tửu lầu, hàng quán đủ loại để tiếp đón du khách chờ đò chở qua sông. Trên bến, hàng ngàn ngựa, xe, đi lại tấp nập. Dưới sông, thuyền bè đậu lố nhố, cái đi, cái đến.
An-Thạch truyền Đô Kinh kiếm một tửu lầu lớn, để gia thuộc lên đó ăn uống. Đô Kinh vừa ra đi, thì đâu đó tiếng tiêu, tiếng trống vọng lại một điệu nhạc nhu hòa khiến cho người nghe cảm thấy nhẹ nhàng như bay lên cõi tiên. Lòng An-Thạch đang nặng chĩu nỗi chán chường, mà cũng cảm thấy khoan khoái kỳ lạ. Y xuống xe, lần theo tiếng nhạc, tới một khoảng đất trống, người ta đang đứng thành vòng tròn xem diễn trò.
Vợ chồng Vương Phúc rẽ đám đông ra cho Thạch nhìn vào trong: Một thiếu phụ còn rất trẻ, nhan sắc cực kỳ diễm lệ, ngồi xếp chân trên cái chiếu nhỏ, tay lần cây đàn tranh, mắt mơ màng nhìn trời, bật ra những âm thanh huyền ảo. Gần đó, một người đàn ông, đang đánh cây đàn chỉ có một dây, âm thanh vọng đi rất xa. Lại còn một thiếu phụ tuổi tuy lớn, nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà, bà ta mặc quần áo xanh, đang thổi tiêu. Ba âm thanh hòa hợp với nhau thành điệu nhạc rất êm tai. Ngay chính giữa ba người, có đôi công đang xòe cánh, múa theo tiếng nhạc.
Khúc nhạc đang dồn dập, tự nhiên dây đàn của người đàn ông đứt, phát ra tiếng phựt. Lập tức tiếng tiêu, tiếng đàn tranh cùng ngừng lại. Đôi công cũng thôi múa. Người đàn ông tần ngần vừa thay dây đàn, vừa nói:
– Tiếng đàn đang xuống thấp, cớ sao dây lại đứt? Ắt hẳn có bậc danh sĩ bất đắc chí mới đến, uất khí tỏa ra, làm đứt dây đàn chăng?
Y nhìn khán giả nói bâng quơ:
– Hỡi ơi! Trăng tròn rồi lại khuyết, đêm dài rồi cũng sáng. Đời người khi được một, lại đòi hai. Được hai lại đòi ba. Biết đến bao giờ cho thoả chí! Nay nhân lúc bất như ý sự, uất khí dâng lên, mà cứ khư khư oán thân, trách trời e chỉ làm cho thần tổn mà thôi. Hỡi ơi! Đời dùng ta thì ta đem sức ra giúp đời. Đời không dùng ta thì đội cỏ bồng phơi phới mà đi. Việc gì mà phải lao tâm khổ tứ?
Vương An-Thạch cau mày suy nghĩ:
– Tại sao gã nhạc công này lại đoán biết tâm sự mình, mà thốt ra những lời như vậy?
Gã nhạc công nói rồi y vẫy tay, hai thiếu phụ lại đánh đàn, thổi tiêu. Còn y, y lại bật dây trên cây độc huyền cầm, rồi cất tiếng hát bài từ « Quy khứ lai » của Đào Tiềm. Hát xong y lại nói trống không:
– Đào Tiềm thế mà khôn! Hỡi ơi, con người ta đâu phải vì mấy đấu thóc mà phải ra luồn vào cúi cho khổ?
Đến đó cuộc tấu nhạc chấm dứt, khán giả tản ra bốn phía. An-Thạch trở về tửu lầu với gia thuộc. Một người ăn mày ngơ ngơ ngác đi ngược chiều với y, dường như người ăn mày không nhìn thấy y. Hai người đụng vào nhau khá mạnh, cả hai ngã ngồi xuống đất. Người ăn mày nắm lấy An-Thạch chửi:
– Ta đã vì phép Thanh-miêu, Trợ-dịch, mà phải đi ăn mày. Mi có mắt hay không mà thấy ta không tránh? Hay người cũng là Vương An-Thạch???
Vợ chồng Vương Phúc định can thiệp, An-Thạch ngoắc tay ra hiệu không cần. Y hỏi:
– Phép Thanh-miêu, Trợ-dịch là thần pháp của ta, làm cho nước giầu, cớ sao mi bảo làm cho mi phải đi ăn mày?
Người ăn mày cười nhạt:
– Thì ra ông là tể tướng Vương An-Thạch đó sao? Tôi nghe Hy-Ninh hoàng đế mới cách chức ông, đuổi khỏi Biện-kinh, có đúng không?
– ???
– Hà hà! Khi ông cầm quyền, thì hét ra lửa, mửa ra khói, bây giờ thất thế, cũng không hơn gì gã ăn mày như ta, thui thủi như con chó cụt đuôi vậy.
Lão ăn mày bắt con sâu ở bụi cây gần đó, bỏ lên mui xe An-Thạch, rồi cầm cục than viết bài thơ như sau:
Thanh-miêu, Trợ-dịch lưỡng phương nông,
Thiên hạ ngao ngao oán tướng công.
Độc hữu hoàng trùng thiên cảm đức,
Hữu tùy xa giá quá Giang-Đông .
Dịch
Thanh-miệu trợ dịch hại nhà nông,
Thiên hạ xôn xao oán tướng công.
Độc hữu sâu vàng còn cảm đức,
Tháp tùng xa giá quá Giang-Đông.
Chữ của lão đẹp như rồng bay, phượng múa. An-Thạch biết đây là một dị nhân, giả làm ăn mày trêu mình. Y cung tay:
– Chẳng hay tiên sinh cao danh, quý tính là gì, có thể cho ta biết được không?
Lão mở to mắt nhìn An-Thạch, hai mắt An-Thạch gặp luồng nhãn quan của lão làm y rùng mình, hồn phách cảm thấy u u mê mê; y chỉ muồn nằm lăn ra ngủ một giấc. Tiếng lão ăn mày như rót vào tai An-Thạch:
– Biết để làm gì? Này tướng công. Xưa kia Hạng vương anh hùng là thế, khi qua sông này mang tám nghìn đệ tử, vào Trung-nguyên đuổi hươu. Lúc sự không thành, về qua bến Ô-giang, lủi thủi một mình. Vương nghĩ lại xấu hổ, không còn mặt mũi nào gặp phụ huynh của con em tử đệ đã chết, mà tự ải, nên danh lưu muôn thủa. Nay tướng công bầy ra Tân-pháp, oai phong biết mấy, rồi bị đàn bà, trẻ con Giao-chỉ đánh bại. Ôi đau biết bao, nhục biết bao? Sao tướng công không tự tử để lưu danh như Hạng-vương xưa???
Nghe lời lão ăn mày nói, An-Thạch cảm thấy mắt buồn ngủ muốn dí lại, tâm hồn mơ mơ tỉnh tỉnh. Y nghĩ thầm: Ừ ta còn sống làm gì nhỉ? Chết đi cho khỏi mệt thân, khỏi lao tâm khổ tứ.
Tiếng lão ăn mày vẫn như thiết như tha:
– Thời không đến! Vận đi qua. Tự tử đi thôi! Tự tử đi thôi.
Trong khi đó tếng tiêu từ đâu đưa đến, lọt vào tai y buồn đến đứt ruột ra được. Y rùng mình vẫy tay gọi Vương Phúc. Vương Phúc tiến tớ, tay rút kiếm, trở chuôi trao cho An-Thạch. Tiếng lão già vẫn thiết tha:
– Kiếm đó! Kiếm đó, tự tử đi thôi!
An-Thạch từ từ đưa kiếm lên cổ, lòng trù trừ chưa quyết. Tiếng lão già ăn mày càng thúc dục khẩn cấp hơn:
– Đâm kiếm vào ngực đi! Đâm ngay đi! Còn chờ gì nữa.
An-Thạch nghiến răng thọc kiếm vào ngực.
Bỗng có tiếng quát thanh thoát:
– Ngừng lại! Không nên!
Rồi một trái cam bay đến, đánh bay kiếm của An-Thạch đi. Thanh kiếm rời khỏi tay y đến hai trượng, rồi rơi xuống đất đến choang một tiếng. An-Thạch ngơ ngơ, ngác ngác nhìn người ném cam không cho y tự tử: Đó là một đôi nam nữ cỡi ngựa thủng thỉnh tiến tới. Bất giác y rùng mình, vì chính là Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu.
Y mơ mơ màng màng cung tay hành lễ:
– Thần Vương An-Thạch xin tham kiến đại vương và điện hạ. Thời hết! Vận hết! Hôm nay thần nhất định tự kết liễu đời mình ở đây.
Công chúa Huệ-Nhu chĩa ngón tay điểm vào trán y đến véo một tiếng. Y rùng mình tỉnh lại. Chợt hiểu mọi sự, y chỉ mặt lão ăn mày, ba nhạc công:
– Thì ra các người định hại ta. Trọn đời ta, ta chỉ biết đem tài lương đống ra thờ vua, việc của ta không đụng chạm gì đến các người. Hà cớ các người muốn giết ta?
Y khom mình trước công chúa Huệ-Nhu:
– Đa tạ điện hạ cứu mạng.
Công chúa Huệ-Nhu cười nhạt:
– Kinh quốc-công cũng còn nhớ đến ta ư?
Kinh-Nam vương hướng lão già ăn mày:
– Tam sư huynh! Vương quốc công nay đã cùng đường, xin tam sư huynh tha mạng cho y một lần.
Vương An-Thạch kinh hãi hỏi lão già ăn mày:
– Người là người Việt ư?
Lão ăn mày vuốt mặt một cái, tay lột bộ râu giả ra rồi cười:
– Vương tiên sinh có nhận ra ta chăng?
An-Thạch rùng mình:
– Thì ra người là Kinh-châu tư mã Trần Trung-Đạo đấy ư?
– Chính thị. Ta với người không thù không oán. Tân-pháp của người thực là cổ kim chưa thánh nhân nào bằng. Giả như người thi hành Tân-pháp mưu cho dân giầu, nước mạnh, thì ta cũng khom lưng kính phục người. Nhưng người lại mưu đồ gây chiến, Nam xâm, thì ta phải giết người; để dân Hoa, dân Việt không tàn sát nhau, không thù hận nhau.
Kinh-Nam vương vẫy tay gọi vợ chồng Phúc, Lộc, Thọ lại, rồi mỉm cười:
– Thôi, việc của các con như vậy là xong rồi. Các con mau trở về cầm quân đi thôi. Quách Quỳ đang vượt biên vào Đại-Việt đấy.
An-Thạch ngơ ngơ ngác ngác như người trong mộng. Vương nói với y:
– Xin giới thiệu với quốc-công, đây là sáu sư điệt của ta. Ba đứa con trai đều họ Hùng có tên Nhân, Nghĩa, Lễ. Ba đứa con gái đều họ Âu có tên Hoàng, Thanh, Huyền. Trước đây chúng là trưởng lão Hồng-thiết giáo Chiêm đấy. Hiện chúng đều là tướng cầm quân bên Đại-Việt, võ công rất cao cường.
An-Thạch kinh hãi hỏi:
– Thì ra sáu người là gian tế của Giao-chỉ đấy ư? Đáng chết thực. Đáng lẽ ta phải biết từ trước mới phải. Ta trúng kế các người suốt mấy tháng qua mà chưa chết, cũng là điều lạ.
Hùng Nhân chỉ Kinh-Nam vương:
– Chính sư thúc của bọn tiểu nhân tuyên chỉ rằng không những không được giết tướng công, mà còn phải bảo vệ tướng công nữa.
Sáu người tới trước Vương An-Thạch cung tay:
– Cùng nhau qua chuyến đò cũng nên nghĩa. Huống hồ ba tháng qua, sáu chúng tôi được quốc công đãi ngộ, tin dùng. Nay chúng tôi trở về cố quốc, xin quốc công nhận lấy một vái, gọi là lễ tạ ơn.
Sáu người vái An-Thạch rồi cùng Trung-Đạo, ba nhạc công cùng nhập bọn ra đi. Thình lình Hùng Nhân quay lại vỗ tay vào cái trục xe ngựa của An-Thạch, lập tức rắc một tiếng, cái trục bị gẫy, bánh xe văng ra xa. Trong khi đó gã nhạc sĩ gảy độc huyền cầm, để tiêu liên miệng thổi một hơi. Tiếng tiêu làm cho An-Thạch, cùng tất cả gia thuộc đều không tử chủ được, chân tay múa may quay cuồng. Gã nhạc sĩ ngừng thổi tiêu, quay lại cười:
– Ta là ma sống, quỉ sống đây.
Rồi cả bọn phơi phới xuống con thuyền ở bên sông. Thuyền phu kéo buồm lên, con thuyền từ từ xa bến. Đâu đó, tiếng tiêu, tiếng phách, tiếng đàn vọng lại lẫn trong gió dìu dặt, thê lương như khóc như than.
Bằng ấy sự kiện, làm Vương An-Thạch như người trong cơn mê chợt tỉnh: Thì ra khi quân Việt đánh trận Côn-lôn, Đại-giáp, Ngọc-tuyền, Hỏa-giáp cố tình thu lượm thây tử sĩ đem chôn, lại đề tên trên mộ, chỉ với mục đích dùng binh Tống chết, cướp hồn binh Tống sống. Việc xe gẫy trục, việc chó chết quẳng xuống giếng, việc hồn ma, bóng quỷ kêu khóc, việc tiếng tiêu ma quái làm chết người, việc hai thánh tăng... đều do Đại-Việt tạo ra để đánh triều Tống ngay tại Biện-kinh. Bất giác y rùng mình:
– Giả như ba cặp Phúc, Lộc, Thọ mà ra tay, thì giờ này ta còn đâu? Kinh-Nam vương là đấng anh hùng, bằng như vương trả thù ta, thì liệu gia thuộc ta, bản thân ta đâu có còn đến ngày nay?
Nghĩ vậy, lòng y nguội như tro tàn, bao nhiêu chí khí tiêu ma hết, y cùng với gia thuộc xuống đò sang sông.