26- Khoảnh khắc xấu hổ ngượng ngùng
Tác giả: ZHANG ZI WEN
. Xấu hổ từ đầu đến cuối đều là một cảm giác tâm lý.
. Sinh hoạt thời thơ ấu là nguồn gốc hình thành bệnh xấu hổ.
. Dùng hai phương thức hướng nội và hướng ngoại để tự chữa cho mình.
Ông Tư Nguyên, chuyên gia tâm lý nổi tiếng cho rằng, kẻ thù lớn số một của việc thành công đời người chính là "cái bệnh xấu hổ này".
Bởi vì xấu hổ không có tài năng giao tiếp, tự khép kín mình, càng sống càng lãnh đạm, càng cô độc, sức sống tiêu biến, không sinh động hoạt bát, cuộc đời bi kịch chính là như thế. Bởi vì xấu hổ sẽ để mất nhiều cơ hội có thể thành công, như cơ hội tình yêu tốt đẹp. Một khi đã để mất sẽ không thể lấy lại được tạo nên sự hối hận sâu sắc.
Một cô gái tên là Tống Lệ, tuổi khoảng 25, tốt nghiệp đại học, khỏe mạnh xinh đẹp, tính nết nhã nhặn hiền hòa, gia đình giàu có, ăn mặc cũng hợp thời, ăn diện dễ nhìn, mọi người đều nói cô hầu như có đủ mọi điều kiện hạnh phúc và thành công. Nhưng chính lại có một nhược điểm là cô hay xấu hổ, không có tài xã giao - do đó tất cả mọi tiền đề hạnh phúc và thành công sẵn có của cô đều bị khuyết điểm này triệt tiêu.
Về sau Tống Lệ đi tìm gặp bác sĩ tâm lý, bác sĩ đã vận dụng phương pháp chữa phân tích tinh thần hỏi đến ngọn ngành, tìm ra nguồn gốc sinh ra bệnh xấu hổ của cô ta, qua một thời gian điều trị đã làm cho cô ta dần dần giải phóng tinh thần, bỏ được gánh nặng tâm lý, khắc phục được khiếm khuyết thiếu tài xã giao, từ đó đã bước được một bước lớn trên con đường thành công.
Bệnh xấu hổ có đủ mọi loại biểu hiện. Thường thường đỏ mặt, nói không ra lời. Không dám bước vào vũ trường, không dám xuất đầu lộ diện ở mọi nơi công cộng. Không dám giao tiếp với người lạ, không dám giao tiếp với những người có địa vị cao hơn mình. Sợ người khác nhìn. Không dám phát biểu ở nơi công cộng, cho dù là phát biểu ý kiến thảo luận ở trong ca, tổ, phân xưởng, phòng ban của mình, cũng run lên cầm cập, chân tay không biết xếp đặt ra sao, bồn chồn không yên, luôn luôn sờ lên đầu, đằng hắng vặt, sờ cra-vat, xốc quần xốc áo. Luôn luôn sợ mình nói sai bị người khác giễu cười, luôn luôn cho rằng nhiều người có mặt tại hiện trường tài giỏi hơn mình, không dám phát huy bản thân. Phụ nữ thường hay bôi một lớp son thật dầy để che giấu bộ mặt vốn có của mình. Luôn luôn cho rằng người khác đang nhìn bạn, đang chăm chú theo dõi bạn. Vẫn nhớ thật kỹ một vài khuyết tật mang trên người mình, ví như trên sống mũi có một nốt ruồi, lúc nào cũng vẫn lo lắng vì nó, luôn luôn tìm cách để che đậy nó. Không dám giao tiếp với người khác giới, vẫn thường nghĩ đến giới tính của mình.
Tất cả mọi hiện tượng của bệnh sợ xấu hổ, cảm thấy ngượng ngùng, đều có thể truy xét đến nguyên nhân tâm lý, bởi vì xấu hổ từ đầu đến cuối đều là một loại cảm giác tâm lý. Nhân tố tâm lý đầu tiên hình thành cảm giác tâm lý này là ở nơi công cộng quá chú ý đến mình mà lòng tự tin
không đủ.
Nếu như ở các nơi công cộng, trong lòng lúc nào cũng tưởng đến giới tính, ăn mặc, thân hình diện mạo, thân phận, địa vị, học thức, năng lực, ngôn ngữ, động tác v.v... của mình, mà đối với tất cả hoặc một vài phương diện nào trong đó lại thiếu tâm lý tự tin, lại cho rằng ánh mắt của người khác đều tập trung vào người bạn, đang bình phẩm bạn từ đầu đến chân, sự xấu hổ và cảm thấy ngượng ngùng của bạn đã sản sinh ra như vậy.
Nếu như thuận theo cảm giác tâm lý này hơi vặn lại thêm một bước: Bất kể ở phương diện nào, hoặc ở nhiều phương diện bạn đều không thua kém so với người bình thường, thậm chí còn mạnh hơn rất nhiều, tại sao người khác khí thế hiên ngang, nói nói cười cười, không hề thiếu tự tin, không hề xấu hổ, không hề cảm thấy ngượng nghịu, anh ta có thể làm được không để ý đến thiếu sót của mình ở trong lòng mà rất thản nhiên giao tiếp với mọi người khác, còn bạn trái lại không làm được, còn bạn vẫn không có lòng tự tin, không có cách gì tạm thời đừng nghĩ đến mình, không có cách gì làm được việc không xấu hổ, không ngượng ngùng?
Các chuyên gia tâm lý cho rằng: quá quan tâm đến mình mà xấu hổ, phần nhiều có liên quan với cuộc sống thời thơ ấu và sự vô tri của thời thơ ấu. Nếu như thời thơ ấu của bạn, cha mẹ bạn quá chú trọng đến sự an toàn của bạn, luôn luôn nhốt bạn ở trong nhà, không cho đi ra khỏi cửa, rất ít cùng nhau vui chơi với trẻ con các nhà khác, ở trường cũng không dám chung sống với các bạn học khác, khi tan học về nhà là đóng cửa không ra. Như vậy, khi bạn lớn dễ dàng mắc bệnh xấu hổ, sợ đi lại với người khác, chỉ có mình là trung tâm, không dám đón nhận ánh mắt của người lạ, không dám thả mình ra thế giới bên ngoài.
Nếu như lúc nhỏ bạn giao thiệp với người khác quá ít, bất kể là cùng giới hoặc khác giới, bạn đều bắt mình khép chặt trong cô tịch, còn sinh lý và tâm lý hình thành tự nhiên của bạn lại đòi hỏi bức thiết thả mình ra, mong muốn giao tiếp với giới khác, nhưng khi giao tiếp với người khác giới lại đỏ mặt tía tai, không có lời nào nói đúng, thường dễ dàng hình thành biến thái tâm lý, như sản sinh hành vi tính dục biến thái - thủ dâm, tật nhìn trộm bộ sinh dục. Sau khi trưởng thành, mặc dù hành vi biến thái tính dục và hành vi tâm lý đã khắc phục sớm, nhưng dấu ấn tâm lý của thời thơ ấu lưu lại vẫn tồn tại, và ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái tâm lý của bạn, bệnh xấu hổ phần nhiều bắt nguồn từ đây.
Sự hạn chế một người chịu đựng từ nhỏ quá nhiều, bị la hét chửi mắng quá nhiều, quá nghiêm, đây cũng là nguồn gốc quan trọng hình thành bệnh xấu hổ khi thành niên.
Tóm lại, sự từng trải và hoàn cảnh sống của thời thơ ấu, sự vô tri của thời thơ ấu, các phương thức giáo dục không đúng đắn nhận được ở thời thơ ấu, đều là nguyên nhân hình thành bệnh xấu hổ của một người.
Cho nên, khi các nhà tâm lý chữa trị cho người mắc bệnh xấu hổ, thường là tìm mọi cách điều động người mắc bệnh cố gắng nhớ lại cuộc sống thời thơ ấu của anh ta, kể lại một cách thẳng thắn và thật thà, kể ra hết thì tâm lý sẽ được giải phóng. Bác sĩ sẽ căn cứ việc tự kể lại của bạn tiến hành phân tích và suy diễn tìm ra căn nguyên bệnh của bạn, gợi ý bạn phương thức tư duy mới làm thay đổi tính tình của bạn, từ đó đạt được hiệu quả chữa trị ở một mặt nào đó.
?Ngoài ra, dưới tiền đề tìm được lý do của bệnh, bác sĩ còn có thể chỉ đạo bạn dùng hai phương thức hướng nội và hướng ngoại tiến hành tự chữa bệnh cho mình, khắc phục bệnh sợ xấu hổ.
Cái gọi là phương thức hướng ngoại là sau khi biết nguyên nhân mình xấu hổ, có ý thức tiến hành tự rèn luyện tâm lý, đi tiếp xúc với bên ngoài, trước tiên bắt đầu từ việc tiếp xúc với bạn bè quen thuộc, tiếp đến người lạ, rồi đến người có địa vị cao, tiếp đến một đám người của đoàn thể nhỏ, sau đó đến đám đông quần chúng, từng bước học thích hợp với tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh bên ngoài. Kiên trì rèn luyện lâu dài, ít thì mấy tháng, nhiều thì hai ba năm sẽ có thể nhận được hiệu quả to lớn, sẽ không sợ xấu hổ nữa.
Cái gọi là phương thức hướng nội là chỉ bản thân người mắc bệnh tự vắt tay lên trán mà suy nghĩ, tự hỏi vặn lại mình đến tận ngọn ngành: lần đầu tiên có cảm giác xấu hổ và sinh ra ngượng ngùng là vào khi nào? Vì sự việc gì? Vì sao cảm thấy xấu hổ, sự việc đó quả nhiên đáng xấu hổ chăng? Nếu như không cảm thấy xấu hổ thì sẽ như thế nào? Không xấu hổ, chẳng lẽ không tốt hơn chăng? Chẳng lẽ người ta có thể nói bạn mặt dầy không biết thẹn chăng?
Hỏi vặn lại hàng loạt vấn đề như thế, kết luận cuối cùng phần nhiều là: Vốn không cần phải xấu hổ, không cần phải giày vò. Bạn hoàn toàn có thể trong một cảm giác khác, sống càng thêm thoải mái, càng trôi chảy thuận lợi!
Bác sĩ còn có thể đề nghị đem kết hợp hai phương thức hướng nội, hướng ngoại với nhau, đồng thời cùng dùng song song với nhau, bệnh xấu hổ của bạn sẽ khắc phục được càng nhanh hơn.