45- Khoảnh khắc sinh ra tư tưởng ngại khó khăn
Tác giả: ZHANG ZI WEN
* Ngại khó khăn lại sinh khó khăn, không khó cũng trở thành khó; vượt lên khó khăn sẽ hết khó khăn, mà khó cũng không khó nữa.
Có một người bạn thở ngắn than dài nói với tôi:
"Người ta khó thật, làm người khó thật, khó làm thật". Ðời người đối với anh ta hầu như là hàng lô hàng lốc cái "khó", mà còn mang theo tâm lý sợ sệt nặng nề.
Tôi nói với anh ta: Bạn muốn "làm" một người, đương nhiên sẽ khó. Trước tiên về tâm lý bạn đã nhận hẳn khó làm người, như thế thì càng nói khó lại càng thêm khó. Nếu như bạn vốn là một người dùng tâm tình thư thái để hưởng thụ cuộc đời, thì sẽ không cảm thấy làm người khó. Nếu như bạn sớm chiều nghĩ ngợi đến người yêu ở phía bên kia núi lớn, hẹn bạn tối nay đi gặp mặt thì khi bạn xuyên qua những bụi gai rậm vượt núi sẽ không cảm thấy khó khăn. Chưa biết chừng bạn suốt đường vui vẻ, nhảy nhót, miệng lại còn hát ngân nga khe khẽ. Nếu như muốn đem áp giải bạn đến bên kia núi giam lại thì khi bạn xuyên qua những bụi gai rậm vượt núi, bạn sẽ lê bước nặng nề, đi đường khó khăn, khó hơn lên trời.
Anh ta suy nghĩ, quả thật là như thế.
Khó khăn và dễ dàng rốt cuộc vẫn là tâm lý và cảm giác của người ta, là sự phán đoán và giới hạn ý chí của người ta.
Ngại khó khăn lại sinh khó khăn, dù không khó cũng trở nên khó.
Vượt lên khó khăn, sẽ hết khó khăn, dù có khó cũng trở nên không khó.
Khó khăn và dễ dàng không có một thước đo chuẩn xác, giữa hai cái không có giới hạn. Bạn có thể làm cho bất cứ việc gì đều trở nên khó khăn chồng chất, nếu bạn nhắm mắt lại vẫn luôn nghĩ đến những khó khăn chồng chất đó. Bạn nghĩ ra bao nhiêu khó khăn, trong thực tiễn bạn sẽ gặp phải bấy nhiêu khó khăn. Ngược lại, bạn không thèm đặt khó khăn vào khóe mắt của mình, coi khinh nó, "xem thường" nó, thì nó cũng sẽ tiêu biến không gặp nữa.
Khó khăn cũng giống như một kẻ thù mềm nắn rắn buông, bạn mạnh thì nó yếu, bạn yếu thì nó mạnh. Khi người Mỹ vừa mới khai phá miền Tây, sống cuộc sống biên thùy vô trật tự, có một số người lo toan ở đó sẽ lộn xộn hết sức, do đó sợ nguy hiểm bèn vũ trang súng trường lưỡi lê chuẩn bị tự vệ. Kết quả là những người này thường gặp hung hiểm hoặc gặp phải phiền phức và khó khăn. Còn những người không sợ nguy hiểm không sợ khó khăn, không mang theo vũ khí, chỉ dựa vào chủ định tốt và tháo vát của mình, ngược lại không gặp hung hiểm và khó khăn gì.
Cùng cảnh ngộ như nhau, tiêu hao thể lực và não lực nhiều như nhau, góc độ nhìn nhận của bạn khác nhau sẽ sinh ra sự cảm thụ hoàn toàn khác nhau.
Khi đánh bóng rổ, bạn chạy đến mức mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển, không cẩn thận trượt ngã một cái, sầy da chảy máu, bạn vẫn không hề chú ý, tiếp tục đánh, bạn cũng không hề giảm hào hứng, không cảm thấy có khó khăn gì. Nếu như bạn gánh bùn 90 phút một cách không tình nguyện, cho dù không giống như khi đánh bóng, mồ hôi chảy ra đầm đìa như thế, thở hổn hển như thế, nếu như trượt ngã bị sầy da chỗ nào, cho dù rất nhẹ thôi, bạn cũng sẽ cảm thấy đau đớn, cảm thấy khó khăn, chưa biết chừng không còn hứng thú để tiếp tục làm việc nữa.
Tại sao vậy?
Việc trước là một việc vui chơi giải trí, bạn không có tư tưởng ngại khó, cho nên cho dù gặp phiền phức, xuất hiện khó khăn cũng không thể cảm thấy khó khăn. Còn việc sau là một việc lao động kiếm sống, bạn có thể đã có trước cảm giác gánh nặng cuộc sống mệt mỏi nặng nhọc, cho nên trong lao động cho dù khó khăn không lớn cũng xuất hiện tư tưởng ngại khó.
Nếu như hai việc này đổi lại cho nhau, xem gánh đất bùn là một trò chơi giải trí, xem đánh bóng là việc làm kiếm sống thì cảm giác của bạn đối với hai việc sẽ có thể hoàn toàn ngược lại.
Thậm chí làm cùng một việc, tâm trạng của bạn khác nhau, góc độ thể hiện nhận thức khác nhau, cảm giác sinh ra cũng sai khác rất lớn. Cùng là việc xuống bếp làm cơm, bạn xem nó là một việc khổ sai không có cách gì tránh nổi, thì bước chân vào đến bếp sẽ có thể cảm thấy phiền não, hàng ngày đều phải bày biện ra các loại nồi xoong, bát đĩa muôi thìa này bạn sẽ cảm thấy quá nhạt nhẽo, quá khó khăn. Nếu như bạn xem nó là một nghệ thuật, bạn sẽ dày công thiết kế, khéo léo chế biến và hào hứng tự mình thưởng thức sản phẩm nghệ thuật do tay mình nấu nướng ra - món ăn ngon có đủ màu, hương, vị. Không một chút có cảm giác vô vị và cảm giác
khó khăn.
Cho nên, một người liệu sống có được vui vẻ nhẹ nhàng, có cảm giác hưởng thụ cuộc đời không, thật ra không có một tiêu chuẩn khách quan cố định. ở cùng một hoàn cảnh sống như nhau, Trương Tam có thể xem là hưởng thụ, sống vui vẻ, Lý Tứ lại cho là khô khan, nặng nề, sống gian nan, sống đau khổ.
- Chỉ vì Trương Tam đối mặt với cuộc đời lạc quan thấu hiểu, xưa nay không có tư tưởng ngại khó; Lý Tứ thì sợ cuộc sống, nỗi lo canh cánh, mình tạo cho mình khó khăn và đau khổ.
Trên đường đời bạn muốn sống được vui vẻ thoải mái, trước tiên không nên có tư tưởng ngại khó. Không nên giống Tônstôi đem đời người như là ?một công việc nặng nề?, mà nên như Lin Yu Tang cho ?cuộc đời như một bài thơ?, một bài thơ trữ tình tuyệt đẹp.
Sống một đời hợp lý cũng giống như đọc sách một cách đúng đắn. Người đọc được nhiều sách đều nói đến, đọc sách phải là một việc nhã nhặn, một việc vui, chỉ có đọc một cách rất vui vẻ hào hứng mới thật sự gọi là đọc sách, mới đọc được tốt. Còn đối với việc đọc sách có tư tưởng ngại khó, đọc một cách khổ sở, khi đọc sách không có chút hào hứng, mơ màng như buồn ngủ, thậm chí phải dùng dùi đâm vào đùi - đọc sách kiểu lấy dùi đâm vào đùi thì ngu không ai bằng. "Một quyển sách bày ra trước mặt bạn, có lời rất hay của bậc hiền nhân trong ngoài nước nói với bạn, mà vẫn muốn ngủ, thì nên đi ngủ, đâm vào đùi cũng vô ích". Lin Yu Tang đã nói như thế.
Ðời người cũng như vậy. Ðời người nên vui vẻ thoải mái.
Các vĩ nhân, anh hùng hào kiệt, các nhà khoa học lớn, các nhà phát minh lớn trong quá trình thành công sự nghiệp nào đó, phẩm cách cơ bản nhất của họ là độ lượng rộng thoáng đối với cuộc đời và thế giới, không để ý đến khó khăn, cho dù phải xông vào rừng gai rậm cũng không xem là con đường đáng ngại. Một người chỉ có xem sự nghiệp anh ta theo đuổi là sự nghiệp vui vẻ, xem là sự theo đuổi tốt đẹp, luôn luôn giữ tâm trạng lạc quan thông suốt, mới có thể thật sự có thành tựu trong sự nghiệp đó.
Edison khi thí nghiệm máy điện báo tự động dùng giấy, nếu như xem việc đó là đau khổ, không có lòng nhiệt tình vô hạn, ông sẽ không thể qua sau 2.000 lần thất bại vẫn không giảm hào hứng, cho mãi tới lúc thành công.
Nếu như Trần Cảnh Nhuận xem việc trích chọn toán học suy đoán Gedebahe là một đau khổ, ông ta sẽ không thể có nghị lực to lớn như thế, ông ta sẽ nửa chừng vứt bỏ, kết thúc chẳng có kết quả gì.
á Thánh (Mạnh Tử) nói: ?Trời sẽ giáng trọng trách lớn vào người này, phải trước hết khổ tâm trí, lao lực gân cốt, đói khát thể xác, khốn cùng thân thể, nhiễu loạn hành vi, cho nên động lòng nhẫn tính từng có ích với những cái nó không thể có?.
Trên thực tế, nếu một người rơi vào cảnh ngang trái, lại trong lòng mang sự mong đợi sẽ nhận trọng trách lớn và đã nhìn thấy hy vọng anh ta sẽ trở thành nhân vật vĩ đại, thì tất cả những cảm giác "khổ", "lao lực", "đói khát", "nhiễu loạn", "không thể" đều có thể tiêu tan, anh ta sẽ lấy cái đó làm vui, lao vào cảnh nước sôi lửa bỏng khổ đến mấy cũng cam chịu. Vô số người có nhân nghĩa có chí đã phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp tiến bộ và văn minh đều như vậy.
Một người đứng trước danh lợi giơ tay ra quá dài, lao tâm khổ trí tham lam đến không biết chán, đương nhiên cũng có thể sản sinh cảm giác đau khổ, cảm giác khó khăn, tư tưởng ngại khó cũng theo đó sinh ra. Trước danh lợi, bạn nếu siêu thoát đạm bạc một chút, mà trước sau giữ được tính cách tốt đẹp, cao thượng và lấy đó làm cái gốc của sinh mệnh, bạn sẽ có thể vui vẻ thoải mái, mọi khó khăn trong đời người cũng liền không thể tạo thành khó khăn đối với bạn nữa.