Chương 26
Tác giả: A . F . Herold
Đức Thế Tôn đi được một hồi lâu thì mệt mỏi.
Ngài vào một cánh rừng nhỏ và ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Ngài vừa thiu thiu ngủ thì thấy một đám ba mươi thanh niên vào rừng Ngài chăm chú quan sát họ.
Theo ngôn ngữ và cử chỉ của họ thì rõ ràng là họ đang tìm một người nào. Cuối cùng họ hỏi Phật:
"Ngài có thấy một phụ nữ đi qua đây không?"
"Không, các anh là ai?"
"Chúng tôi là những nhạc công. Chúng tôi lưu diễn từ thành phố này đến thành phố khác. Chúng tôi thường trình tấu trước sự hiện diện của các quốc vương, tài nghệ của chúng tôi được nhiều người hâm mộ lắm. Hôm nay chúng tôi có đem theo một thanh nữ để giúp vui, nhưng trong lúc chúng tôi ngủ say ở bên kia vệ đường thì hắn vơ hết đồ đạc của chúng tôi và trốn mất. Chúng tôi đang truy tìm con nhỏ đó.
Đức Phật hỏi: "Việc làm nào tốt đẹp hơn, các anh đi tìm cô phụ nữ đó hay các anh đi tìm chính các anh?"
Các nhạc công cười ngoặt ngoẹo, ra vẻ châm biếm Đức Thế Tôn.
Ngài nói với người cười to nhất: "Anh chơi đàn của anh xem nào."
Nhạc công khoe tài ngaỵ Anh chơi hay thật; thảo nào anh dễ dàng tin tưởng là các vua chúa đều say mê lời ca điệu nhạc của anh. Khi anh diễn xong, Đức Thế Tôn nói:
"Cho ta mượn cây đàn của anh."
Ngài dạo qua một bản, các nhạc công lắng nghe sửng sốt. Họ chưa bao giờ nghe thấy âm điệu ngọt ngào từ cung đàn của họ phát ra như vậy. Ngay cả gió cũng im lặng phăng phắc, mọi người dường như nín thở lắng nghe tiếng đàn kỳ diệu của Ngài.
Đức Thế Tôn ngừng dạo đàn.
Nhạc công thưa: "Bạch Đức Thế Tôn, chúng con nghĩ là chúng con đã điêu luyện về nghệ thuật, nhưng thật ra chúng con chưa hiểu tí gì về nguyên tắc căn bản của nó. Xin Ngài thương tình dạy cho chúng con những điều mà Ngài đã quán triệt."
Đức Thế Tôn đáp: "Đến giờ phút này các anh mới thấy kiến thức âm nhạc của các anh còn nông cạn, nhưng trước đây các anh cho là các anh đã bát lãm về nghệ thuật. Vì thế cho nên các anh tưởng là các anh hiểu được các anh, thật ra sự hiểu biết của các anh còn hời hợt lắm. Các anh cầu ta dạy cho các anh nhưng các anh lại cười đùa ngạo nghễ khi ta khuyên các anh đi tìm lại chính các anh!"
Các nhạc công hết dám cười đùa nữa.
Họ thưa: "Bạch Đức Thế Tôn, chúng con hiểu Ngài, chúng con hiểu Ngài! Chúng con sẽ đi tìm lại chính chúng con."
Đức Phật nói: "Tốt lắm, các ngươi sẽ thông đạt giáo pháp của tạ Rồi đây, như quốc vương Bách-ma-ca (Padmaca), người đã hy sinh thân mạng để cứu sống quốc dân, các ngươi cũng sẽ truyền đạt trí tuệ các ngươi để cứu vớt nhân loại."
Ngài kể lại câu chuyện về vua Bách-ma-ca và các nhạc công chăm chú lắng nghe.
"Xưa kia có một quốc vương công minh, uy dũng, tên là Bách-ma-ca, trị vì tại thành Ba-la-nại. Bấy giờ có một bịnh dịch kỳ dị bỗng nhiên lan tràn khắp thành phố. Những ai nhiễm bịnh đều vàng cả người, và, dù phơi dưới ánh mặt trời, họ vẫn bị sốt run cầm cập. Quốc vương vô cùng xót thương dân chúng, ngài cố tìm phương cách để cứu chữa họ. Ngài hội ý với các y sĩ lừng danh nhất, ngài phân phát thuốc men và đích thân giúp đỡ, chăm sóc người bịnh. Nhưng hết hy vọng, bịnh dịch cứ tiếp tục hoành hành. Bách-ma-ca vô cùng đau đớn.
Một hôm, có một trưởng lão y sĩ đến tâu vua: "Tâu quốc vương, hạ thần biết một thứ thuốc có thể cứu chữa dân Ba-la-nại!' Quốc vương hỏi: "Thuốc gì thế' "Đó là con cá mập Rô-hy-ta (Rohita). Hãy cho người bắt nó và phát cho bịnh nhân mỗi người một miếng, dù nhỏ thế nào chăng nữa, thì bịnh dịch tan biến ngaỵ' Quốc vương cuống quít cảm ơn vị trưởng lão y sĩ đó; ngài ra lệnh cho mọi người giăng sông chài biển để bắt cá Rô-hy-ta, nhưng họ không tìm đâu ra nó. Quốc vương đau buồn chán nản. Sáng hoặc tối, thỉnh thoảng ngài nghe có tiếng khóc than ai oán bên ngoài hoàng cung: "Quốc vương ơi, chúng tôi khốn khổ lắm. Xin cứu vớt chúng tôi với!' Ngài khóc nức nở.
Cuối cùng, ngài suy nghĩ: "Giàu sang quyền thế để mà chi, cuộc sống có ích gì nếu ta không cứu giúp những ai bị khổ đau hành hạ?' Ngài cho gọi người con trưởng nam của ngài đến, ngài nói: "Con ơi, cha để lại cho con tài sản và vương quốc này.' Đoạn ngài đi thẳng lên sân thượng hoàng cung, ngài dâng cúng hương hoa đến chư vị thiên thần và khấn nguyện: "Ta hân hạnh hy sinh mạng sống mà ta cho là vô dụng này. Nguyện cầu sự hy sinh này mang lại lợi ích cho những ai bị khổ đau vây hãm! Ta xin nguyện làm cá Rô-hy-ta theo sông trôi qua thành này!' Ngài từ sân thượng gieo mình xuống đất và biến ngay thành cá Rô-hy-ta bơi theo dòng sông. Cá bị bắt, nó vẫn còn sống khi họ cắt nó thành những mảnh nhỏ để phân phát cho người bịnh, nó chả thấy bị dao búa cắt xẻ gì cả, nó run run cử động với lòng thương yêu tất cả chúng sanh.
Chẳng mấy chốc bệnh dịch biến mất, khắp thành Ba-la-nại, đâu đâu cũng vang lên lời ca tiếng nhạc: "Chính nhờ Bách-ma-ca, đấng minh quân thánh đức cứu vớt các ngươi! Hãy vui lên nào!' hầu hết dân cư trong thành đều tôn kính, tưởng nhớ đến Bách-ma-cạ"
Các nhạc công lắng nghe Đức Thế Tôn, họ hứa qui y theo Ngài để thọ trì giáo pháp.
Tại Ưu-lâu-tần-loa, Đức Thế Tôn gặp ba anh em của Ca Diếp (Kasyapa). Ba đạo sĩ bà-la-môn đức hạnh này có một ngàn đệ tử. Họ thường bị một con rắn độc nhiễu hại, quấy phá các cuộc tế lễ của họ, họ đem sự phiền toái đó đến trình Phật. Đức Phật mỉm cười; Ngài đón gặp rắn độc và bảo nó từ đó về sau hãy để cho họ an ổn tu hành. Rắn độc vâng lời, thế là các cuộc tế lễ của họ không bị gián đoạn nữa.
Ba anh em Ca Diếp mời Phật ở lại với họ vài hôm. Ngài nhận lời. Ngài muốn tạo sự ngạc nhiên cho các chủ nhân bằng cách phóng ra vô số phép màu kỳ diệu, bấy giờ hết thảy mọi người đều xin nương theo giáo pháp của Ngài. Chỉ có người anh cả của ba anh em Ca Diếp là không chịu theo Phật. Người ấy suy nghĩ:
"Đúng, đạo sĩ có nhiều thần lực, Ngài phóng ra vô số thần thông diệu dụng, nhưng ngài chưa thánh thiện bằng tạ"
Đọc được tư tưởng của Ca Diếp, Đức Thế Tôn nói:
"Này Ca Diếp, ngươi cho ngươi là người thánh thiện, nhưng ngươi chưa ở trên đường dẫn đến thánh thiện."
Thấy Phật đoán được ý nghĩ thầm kín của mình, Ca Diếp vô cùng kinh ngạc. Đức Thế Tôn nói tiếp:
"Ngươi không biết làm sao tìm ra đường hướng dẫn đến thánh thiện. Này Ca Diếp, hãy nghe theo lời ta nếu ngươi muốn xua tan màn đêm vây hãm cuộc sống của ngươi."
Ca Diếp suy nghĩ trong giây lát rồi sụp lạy dưới chân Đức Thế Tôn và bạch rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền thọ giáo pháp cho con! Xin cứu con ra khỏi màn đêm tăm tối."
Sau đó Đức Thế Tôn lên núi thuyết giảng giáo pháp cho ba anh em Ca Diếp và môn đệ của ho.
Ngài dạy: "Này các thầy tỳ kheo, các pháp ở thế gian đều đang bừng cháy, nhãn quan đang bừng cháy, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trên đời đều đang bừng cháy. Vì sao thế? vì ngọn lửa yêu ghét chưa được dập tắt. Các ngươi si mê mù quáng là vì thứ lửa này, các người chịu khổ đau, sanh già bịnh chết cũng vì thứ lửa này. Này các thầy tỳ kheo, mọi vật ở thế gian đều đang bừng cháy! Hiểu ta thì ngọn lửa đó sẽ được dập tắt cho các ngươi; mắt các ngươi sẽ hết bị thứ lửa đó làm mù quáng, và các ngươi sẽ hết ham thích cảnh tượng bừng cháy mà các ngươi đang say đắm hiện naỵ Hiểu ta, các ngươi sẽ thấy hết luân hồi sanh tử, các ngươi sẽ thấy chúng ta không bao giờ trở lại trên trái đất này."