Chương 38
Tác giả: A . F . Herold
Đức Thế Tôn lưu lại ở Xá-vệ ít lâu rồi Ngài lên đường đến thành Vương-xá, nơi mà Tần-bà-sa-la đang đợi Ngài.
Đi được nửa đường, Ngài dừng lại để nghỉ tại một ngôi làng, lúc đó có bảy người đến. Ngài nhận ra họ. Sáu người là bà con, họ là những người giàu có và quyền lực nhứt dòng Thích-ca. Đó là A-nậu-lâu Đà (Anuruđha), Bạt Đề (Bhadrika), Bờ-ri-gu (Bhrigu), Kim-tỳ-la (Kimbala), Đề-bà Đạt Đa (Devadatta) và A-nan (Ananda). Người thứ bảy là Ưu-ba-ly (Upali), một gã hớt tóc.
Một hôm, A-nậu-lâu Đà tự nhủ rằng mình là dòng họ Thích-ca mà không ý thức theo Phật thì thật là điều xấu hổ. Chàng quyết định làm gương, và vì không một nguyên do nào ngăn cách được ý định của chàng nên chàng bày tỏ tâm sự trước tiên với người bạn chí cốt của chàng là Bạt Đề. Bạt Đề suy nghĩ trong giây lát rồi tán đồng ý kiến và quyết tâm noi theo. Sau đó, cả hai thuyết phục A-nan, Bờ-ri-gu, Kim-tỳ-la và Đề-bà Đạt Đa thấy rằng không có tiếng gọi nào cao hơn tiếng gọi xuất gia làm sa môn.
Thế là sáu hoàng tử lên đường theo Phật. Họ khó mà từ giã thành Ca-tỳ-la-vệ khi A-nan, liếc nhìn Bạt Đề, than:
"Bạt đề, anh sống đời thánh thiện mà còn giữ châu báu làm gì?"
Bạt đề e thẹn, nhưng thấy A-nan cũng đeo châu báu, chàng cười đáp:
"A-nan, anh nhìn lại anh xem".
A-nan bẽn lẽn, đỏ cả mặt.
Bấy giờ họ nhìn nhau, thấy ai cũng đeo châu báu. Họ cả thẹn; họ đang lặng lẽ cúi mặt đi thì gặp ngay gã hớt tóc Ưu-ba-ly.
A-nan nói: "Này anh hớt tóc, lấy đồ châu báu của ta không, ta biếu hết cho anh đó".
Bạt Đề nói: "Lấy đồ của ta luôn".
Những vị khác cũng trao hết châu báu cho Ưu-ba-ly. Anh sửng sốt không biết trả lời thế nào. Tại sao những vị hoàng tử này chưa bao giờ gặp anh lại biếu hết bảo vật cho anh thế? Anh phải làm sao đây, chấp nhận hay từ chối?
Hiểu được lòng do dự của gã hớt tóc, A-nậu-lâu Đà nói:
"Đừng ngại nhận những châu báu này. Chúng tôi đang trên đường theo bậc đại sĩ dòng thích ca. Chúng tôi đang trên đường theo Tất Đạt Đa, người đã thành Phật. Ngài sẽ thuyết giảng giáo pháp cho chúng tôi, chúng tôi sẽ qui y theo giáo pháp của Ngài".
Gã hớt tóc hỏi: "Thưa các hoàng tử, các ngài sẽ làm sa môn?"
"Vâng," họ đáp.
Anh lấy hết đồ châu báu và bắt đầu tiến về thành phố. Nhưng, bỗng nhiên, anh suy nghĩ: "Ta đang làm công việc như một thằng khùng. Ai sẽ tin là các hoàng tử ép ta nhận những châu báu này? Ta sẽ bị bắt vì tội trộm cướp hay tội giết người không chừng. Tội nhỏ nhất có thể xảy ra cho ta là ta sẽ gánh chịu sự phẫn uất sâu đậm của dòng tộc Thích- ca. Ta sẽ không giữ những châu báu này. Anh máng chúng trên một cành cây bên vệ đường. Anh suy nghĩ: "Các hoàng tử đó đang nêu gương cao thượng. Họ can đảm vất bỏ hoàng cung, còn ta, chả có gì, ta không dám vất bỏ quán hớt tóc của ta sao? Không. Ta sẽ theo họ. Ta sẽ gặp Phật, và biết đâu Ngài lại nhận ta vào đại chúng! ".
Ưu-ba-ly theo sau các hoàng tử cách một khoảng xa. Anh xấu hổ không dám tháp tùng theo họ. Bạt Đề chợt quay lại, thấy Ưu-ba-ly, chàng gọi lớn:
"Anh thợ cạo kia, sao anh vất hết đồ châu báu của chúng tôi?"
Gã thợ cạo đáp: "Tôi cũng muốn làm sa môn".
"Thế thì cùng đi với anh em chúng tôi", Bạt Đề nói.
Ưu-ba-ly vẫn lúc thúc theo sau. A-nậu-lâu Đà tiếp lời:
"Anh thợ cạo, hãy đi cạnh chúng tôi. Là sa môn thì đâu còn phân biệt, trừ tuổi tác và đức hạnh. Khi chúng ta đứng trước mặt Phật, anh phải là người đầu tiên bạch Ngài, anh phải là người đầu tiên xin Ngài nhận anh vào đại chúng. Vì anh, các hoàng tử sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ bỏ hết tính kiêu mạn về dòng tộc Thích-ca của họ".
Họ tiếp tục lên đường, bỗng nhiên, một con diều hâu từ đâu đáp xuống đầu của Đề-bà Đạt Đa và tha đi viên ngọc kim cương mà chàng đã dấu kín trong búi tóc của chàng. Nó đã vạch trần tính giả dối của chàng và làm cho các hoàng tử cười òa. Đề-bà Đạt Đa bấy giờ không còn một bảo vật nào khác nhưng bạn đồng hành của chàng, trong thâm tâm, vẫn còn hoài nghi về lòng chân thành trung tín của chàng.