watch sexy videos at nza-vids!
Truyện KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU-Chương 10 - tác giả ALAN PATON ALAN PATON

ALAN PATON

Chương 10

Tác giả: ALAN PATON

Rõ ràng là niềm sợ hãi xâm chiếm xứ này rồi, vì con người có thể làm gì được khi mà có biết bao kẻ lớn lên mà bất chấp cả luật pháp. Làm sao có thể ngắm cảnh đẹp, làm sao có thể hưởng bảy mươi tuổi trời và hưởng nắng rực rỡ đổ xuống mặt đất khi mà lòng người ta sợ hãi? Làm sao có thể thong dong dạo dưới bóng những cây Tử Uy (1) khi mà vẻ đẹp của nó là một nỗi đe doạ? Làm sao có thể nghỉ ngơi trên giường được khi mà trong bóng tối có cái gì bí mật, bất trắc. Làm sao mà trai gái yêu nhau có thể êm đềm nằm dưới ánh sao được khi mà càng ở chỗ vắng thì nỗi hiểm nguy càng tăng?
Có cả trăm tiếng, ngàn tiếng thét lên, cảnh cáo, đưa ý kiến. Nhưng tiếng nói đó chẳng giúp gì được cho những kẻ phân vân cả, vì người khuyên thế này, người thì khuyên thế kia, có người lại khuyên một cách khác nữa, không phải thế này không phải thế kia.
- Thưa các ông các bà, thật tệ hại quá đỗi, ty cảnh sát của chúng ta bất lực, thiếu nhân viên. Khu ngoại ô này đóng thuế nhiều hơn đa số các ngoại ô khác của Johannesburg. Vậy mà người ta đã làm gì cho chúng ta? Người ta đã thành lập một tiểu chi cảnh sát hạng ba, chỉ có mỗi nhân viên đi tuần với một nhân viên giữ điện thoại. Vụ hành hung đó là vụ thứ nhì xảy ra trong vòng sáu tháng và chúng ta buộc chính quyền bảo vệ chúng ta hơn nữa.
( Vỗ tay )
- Ông Mc Laren, ông làm ơn đọc cho chúng tôi nghe quyết nghị của ông.

- Tôi bảo rằng hễ người bản xứ ở đây mà vẫn chưa có một mục đích, những mục tiêu đáng cho họ thực hiện thì sự phạm pháp của họ vẫn chưa giảm. Nguyên do chỉ vì họ không nhìn thấy một mục đích, một mục tiêu nào cả, nên họ mới đâm ra uống rượu, phạm pháp, mại dâm, trụy lạc. Chúng ta muốn gì? Muốn rằng dân bản xứ trọng pháp luật, siêng năng, theo đuổi một mục đích, hay là muốn cho họ chẳng coi pháp luật ra gì cả, biếng nhác, không có mục đích? Sự thực là chúng ta không biết chúng ta muốn gì cả, vì chúng ta sợ cả hai cái đó. Và chúng ta còn do dự thì còn phải trả đắt cái an tâm rất giả tạo là khỏi phải quyết định. Và giải pháp không phải là tăng cường lực lượng cảnh sát để bảo vệ chúng ta mà đủ đâu: giải pháp đó chỉ là tạm thời thôi.
( Vỗ tay ).

- Ông De Villiers, vậy ông cho rằng mở thêm trường học thì số thiếu nhi phạm pháp sẽ giảm trong đám trẻ em bản xứ ư?
- Thưa ngài chủ tịch, tôi tin chắc như vậy.
- Ông De Villiers, ông có biết tỉ số trẻ em được đi học là bao nhiêu không?
- Thưa ngài chủ tịch, ở Johannesburg, không đầy bốn phần mười trẻ em được đi học, mà trong số bốn em đó không có được một em học hết ban tiểu học. Còn sáu em kia thì chỉ được hưởng sự giáo dục ở đầu đường xó chợ.
- Thưa ngài chủ tịch, ngài cho phép tôi hỏi ông De Villiers một câu.
- Ông cứ hỏi, ông Scott.
- Ông De Villiers, theo ông thì ai phải gánh những phí tổn về giáo dục đó?
- Chúng ta phải gánh lấy. Nếu chúng ta đợi cho phụ huynh bản xứ đủ sức gánh những phí tổn đó, thì chúng ta sẽ phải trả đắt hơn nữa bằng một cách khác.
- Ông De Villiers, ông có nghĩ rằng cho chúng học thêm thì chỉ làm cho chúng thành những kẻ phạm pháp thông minh hơn, tài khéo hơn không?
- Tôi tin chắc không phải vậy.
- Tôi xin kể một thí dụ. Tôi nuôi một đứa đầy tớ có bằng cấp tiểu học. Ra vẻ dân thầy đàng hoàng lắm, cổ đeo cà vạt, mũ đội chếch trên đầu, chân đi giầy kiểu mới nhất. Tôi đối đãi với nó tử tế, trả công nó hậu hĩnh. Vậy mà, ông De Villiers, ông biết không, cái quân vô lại đó…

- Ông Jackson, phải sửa luật thông hành (2) cho gắt thêm.
- Tôi đã bảo rằng luật thông hành không công hiệu gì hết mà.
- Công hiệu chứ, nếu kiểm soát chặt chẽ.
- Nhưng tôi đã bảo rằng vô phương kiểm soát chặt chẽ được mà. Ông có biết không, mỗi năm chúng ta nhốt khám cả trăm ngàn dân bản xứ và ở trong khám chúng sống lẫn lộn với bọn thực sự phạm tội.
- Ông Jackson, điều đó không hoàn toàn đúng. Tôi biết rằng người ta đưa họ lại những trại sửa đường, hoặc tới các trại ruộng…
- Có thể rằng điều ông nói đúng. Nhưng lý lẽ của tôi cũng vẫn vững, không thể nào kiểm soát chặt chẽ giấy thông hành được. Ông có thể đưa họ lại trại sửa đường hoặc trại ruộng hoặc một nơi quái nào đó tùy ý ông, nhưng xin ông đừng nói với tôi rằng mỗi năm bắt cả trăm ngàn người làm khổ dịch là một giải pháp tốt.
- Vậy ông đề nghị cái gì đây?
- Ông hỏi tôi điều đó ư? Tôi cũng không biết phải làm gì nữa, tôi chỉ biết rằng giấy thông hành hoàn toàn vô dụng.

- Chúng tôi lại hồ ở sở Thú, bạn ạ. Nhưng thực là chịu không nổi. Tôi không hiểu tại sao người ta không dành riêng vài ngày cho người bản xứ.
- Tôi thì tôi không lại đó ngày Chủ nhật nữa. Chúng tôi dắt hai cháu John và Penelope lại đó những ngày thường. Nhưng chúng ta cũng nên công bằng một chút, bọn bản xứ tội nghiệp đó không tới đó thì biết đi đâu bây giờ?
- Tại sao người ta không lập những nơi giải trí riêng cho họ?
- Khi chính phủ tính lấy một khu ở bãi chơi gôn tại Hillside, lập một trung tâm giải trí cho họ thì thiên hạ nhao nhao lên phản đối và rốt cuộc chương trình đó phải bỏ.
- Nhưng bạn ạ lập trung tâm giải trí ở đó thì chịu sao nổi. Sẽ ồn ào không tưởng tượng được.
- Vì vậy họ mới tụ tập ở trên lề đường và các góc đường. Và ở những nơi ấy ồn ào cũng không tưởng tượng nổi. Nhưng tại khu bạn ở, người ta đâu có nghe thấy tiếng ồn.
- Đừng nên cay độc, bạn ạ. Tại sao người ta không lập những trung tâm giải trí rộng rãi ở một vài nơi rồi cho xe buýt chở họ lại đó mà không lấy tiền?
- Ở chỗ nào chẳng hạn?
- Bạn cứ vậy hoài! Thì ngay trong châu thành không được ư?
- Họ sẽ phải mất bao nhiêu thì giờ để tới trung tâm giải trí, rồi mất bao nhiêu thì giờ để về nhà? Mà ngày Chủ nhật, bạn cho đầy tớ nghỉ được mấy giờ?
- Trời nóng nực quá, không thảo luận gì được. Lấy chiếc vợt đi, người ta gọi chúng mình kìa. Có bà Harvey và Thelma kìa, phải chơi cho hăng mới được.

Có người đòi phải cấp tốc chia Nam Phi thành hai khu vực riêng biệt, một khu chỉ có người da trắng mà không có người da đen, một khu chỉ có người da đen mà không có người da trắng, để cho người da đen có thể cầy ruộng của họ, khai thác mỏ của họ, áp dụng luật pháp của họ. Lại có kẻ đòi phải bãi bỏ chính sách bắt phu sống trong trại, nó làm phu mỏ phải xa vợ con, làm cho bộ lạc tan rã, gia đình ly tán, con người hư hỏng; họ đòi thành lập những làng cho thợ mỏ và thợ kỹ nghệ có thể sống với gia đình được.
Và các giáo hội cũng lên tiếng nữa. Các giáo hội dùng tiếng Anh thì đòi mở thêm trường học, tăng gia phương tiện cải tiến cho dân bản xứ, bãi bỏ các hạn chế về lao động và kinh doanh cho dân bản xứ. Còn các giáo hội dùng tiếng Afrikaans (3) muốn rằng người ta cho dân bản xứ có nhiều cơ hội phát triển theo bản tính của họ, và nhắc nhở tín đồ rằng sự suy vi của tôn giáo gia đình, của tục lệ cho đầy tớ dự vào các cuộc lễ bái của gia đình, đã một phần nào làm cho luân lý của dân bản xứ đồi trụy. Nhưng ở trong giáo đường và trong Quốc Gia thì không có chuyện bình đẳng.

Vâng, có cả trăm, cả ngàn tiếng nổi lên phản đối, đề nghị. Những kẻ nói thế này, người nói thế khác thì biết làm gì bây giờ? Khi mà số người da đen nhiều gấp mấy số người da trắng, thì ai chỉ cho ta được cách làm sao cho xứ này được yên ổn? Có người bảo đất đai sản xuất đủ nuôi mọi người, rằng tài sản của người nay tăng lên thì không nhất định là tài sản của người khác phải giảm đi, rằng người này phát đạt không nhất định là người khác phải suy bại. Họ bảo rằng nhân công mà trả hạ quá thì Quốc Gia sẽ nghèo, thợ thuyền có được trả công cao thì chẳng những họ tiêu xài nhiều hơn mà còn đọc sách báo nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn, không chịu nín tiếng hoài, không chịu ở hoài địa vị thấp kém…
Ai chỉ cho ta được cách phải tổ chức xứ này ra sao? Vì không những chúng ta sợ mất tài sản, mà còn sợ mất cả ưu thế, mất cả màu da trắng của ta? Có người bảo sự phạm pháp là điều nguy hiểm thật đấy, nhưng tổ chức lại còn nguy hại hơn nữa. Cứ duy trì quyền lợi của chúng ta dù phải trả cái giá là sợ hãi, chẳng hơn ư? Có người lại bảo cảnh sợ hãi đó có thể kéo dài hoài không? Vì chẳng phải là chính vì sợ mà người ta phải suy nghĩ kỹ về tất cả các điều đó sao?

Chúng ta đành chịu, không biết giải quyết cách nào cả. Chúng ta sẽ tiếp tục sống được ngày nào hay ngày đó, chúng ta sẽ đặt thêm chốt cửa, khi con chó cái đẹp và dữ ở nhà bên cạnh đẻ lứa sau thì chúng ta sẽ mua một con chó đẹp và dữ, và sẽ ôm chặt cái xách tay của ta hơn nữa. Và thôi đừng nghĩ tới chuyện ngắm cảnh của cây cối ban đêm, hưởng những phút mê ly của các cặp tình nhân, dưới ánh sao nữa. Nửa đêm say sưa đừng đi qua các đường phố vắng vẻ mà về nhà nữa, và tối tối đừng dạo mát trên bãi cỏ dưới ánh sao nữa. Chúng ta sẽ phải thận trọng gạt bỏ tất cả những thú vui đó, phải tự giam mình, đề phòng thật chắc chắn, kỹ lưỡng. Như vậy đời sống chúng ta sẽ thu hẹp lại nhưng sẽ là đời sống của giống người thượng đẳng; chúng ta sẽ sống trong sự sợ hãi nhưng ít nhất chúng ta cũng biết được là chúng ta sợ cái gì. Và lương tâm của chúng ta sẽ như ngọn đèn chong khêu nhỏ; ánh sáng của đời sống sẽ không tắt mà được che đậy đi để cho một thế hệ khác sẽ có ngày dùng nó; ngày đó sẽ tới cách nào và bao giờ thì tới, thì đừng nên nghĩ tới là hơn.

Tối nay họ tổ chức một cuộc mít tinh ở Parkwold, cũng như đã tổ chức tối qua ở Turffontein và sẽ tổ chức tối mai ở Mayfair. Và người ta sẽ đòi phải tăng cường lực lượng cảnh sát, nghiêm trị tụi trộm cướp bản xứ hơn nữa, phải xử tử tất cả bọn trộm cướp mang khí giới. Và một số người sẽ đòi thành lập một lực lượng cảnh sát bản xứ để dân bản xứ biết được ai làm chủ ở đây; và đòi đàn áp các hoạt động của bọn Kafferboetie (4) và bọn Cộng sản.
Các câu lạc bộ Tả phái cũng tổ chức một cuộc hội họp bàn về “ Một chính sách dài hạn để giải quyết vấn đề phạm pháp của dân bản xứ ” họ đã mời tất cả các diễn giả Âu và không phải Âu tới cùng thảo luận. Hội nghị giáo đường cũng tổ chức một cuộc họp bàn về “ Các nguyên nhân đích thực của sự phạm pháp của dân bản xứ ”, nhưng không khí của buổi họp này sẽ có màu tang tóc, vì người định diễn thuyết ông Arthur Jarvis, mới bị ám sát trong tư gia của ông ở Parkwold.
Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu, khóc cho đứa trẻ chưa sanh mà sẽ phải chịu cái di truyền sợ sệt của chúng ta. Cầu cho nó đừng yêu xứ này thân thiết quá. Cầu cho nó đừng cười ròn rã quá khi nước mắt chảy qua kẽ tay của nó; cầu cho nó đừng trầm lặng quá khi ánh hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồng cỏ. Cầu cho nó đừng xúc động quá khi chim chóc quê hương nó ríu rít; cầu cho nó đừng quyến luyến quá với đồi núi, thung lũng. Vì nếu nó phân phát lòng của nó quá thì nỗi sợ hãi sẽ lấy hết của nó thôi.

- Ông Msimangu?
- À, bàNdela ở đường End!
- Thưa ông Msimangu cảnh sát lại nhà tôi.
- Cảnh sát?
- Vâng, họ muốn điều tra về người con trai của Umfundisi già. Họ đương kiếm anh ấy đấy.
- Kiếm làm gì vậy?
- Họ không cho hay thưa ông Msimangu.
- Có chuyện chẳng lành ư?
- Tôi ngại như vậy.
- Rồi làm sao nữa.
- Thưa Umfundisi, tôi sợ quá. Tôi đã cho họ địa chỉ của bà Mkige, số 79, đại lộ hai mươi ba ở Alexandra. Và một người cảnh sát bảo đúng rồi, người đàn bà có tiếng là làm nhiều điều ám muội.
- Bà đã cho họ địa chỉ ư?
Msimangu đứng yên ở cửa
- Như vậy là bậy sao, Umfundisi?
- Không đâu.
- Tôi sợ quá.
- Luật pháp mà. Chúng ta phải giúp đỡ cơ quan hành pháp.
- Umfundisi, nói vậy là tôi yên tâm.
Msimangu cảm ơn người đàn bà chất phác đó và chúc bà ta ra về mạnh giỏi. Khi bà ta đi rồi, ông còn đứng một chút ở cửa rồi quay ngoắt lại, trở về phòng. Ông lấy một bao thư ở trong ngăn kéo rút ra vài tấm giấy bạc. Ông rầu rĩ nhìn những tấm giấy bạc đó rồi quả quyết đút vào túi, lấy chiếc nón. Thay quần áo rồi, ông lưỡng lự ngó qua cửa sổ về phía nhà bà Lithebe và lắc đầu. Nhưng đã trễ quá, vì ông mới mở cửa thì Kumalo đã đứng trước mặt ông rồi.
- Huynh sắp đi đấy ư?
Msimangu lặng thinh một chút rồi mới đáp:
- Vâng, tôi tính đi chút có chút việc.
- Nhưng huynh bảo hôm nay huynh ở nhà làm việc mà.
Msimangu hơi cáu, đã muốn đáp: “ Tôi có quyền muốn làm gì thì làm chứ ”, nhưng có cái gì ngăn ông ta lại, và ông mời bạn vô.
Kumalo bảo:
- Tôi không muốn làm phiền huynh.
Msimangu lặp lại: “ Huynh vô đi ” rồi khép cửa lại bảo:
- Bà Ndela mới lại thăm tôi. Bà ta ở đường End, tại Sophiatown này mà có lần chúng mình đã lại.
Kumalo nhận thấy giọng của bạn nghiêm trọng, bèn hỏi:
- Có tin tức ư?
Kumalo có vẻ sợ hãi chứ không phải là nóng nảy, muốn biết.
Msimangu đáp:
- Chỉ có vầy: cảnh sát đã tới nhà bà ấy tìm cậu con của huynh, và bà ấy đã cho địa chỉ ở số 79, đại lộ Hai mươi ba, tại Alexandra.
Kumalo hỏi nho nhỏ, giọng run run:
- Họ kiếm nó làm gì?
- Điều đó chúng ta không biết được. Tôi tính lại đó thì huynh tới.
Kumalo ngó Msimangu và Msimangu thấy vẻ nhìn của bạn rầu rĩ và biết ơn, nên hết bực mình.
Kumalo hỏi bạn:
- Huynh tính đi một mình ư?
- Phải, tôi tính đi một mình. Nhưng bây giờ huynh đã hay rồi thì cùng đi với tôi cũng được.
- Huynh tính đi cách nào? Không có xe buýt.
- Thì đi tắc xi. Tôi có tiền đây.
- Tôi cũng có tiền đây. Tôi phải trả chứ.
- Tốn tiền lắm đấy?
Kumalo vạch chiếc áo ngoài ra, lạnh lẹ rút túi tiền ra:
- Tiền đây này.
- Được, để rồi sẽ tiêu tới. Thôi đi kiếm tắc xi.

- Thím Mkige!
Nghe kêu tên, thím lùi lại một bước, vẻ bực mình.
- Cảnh sát có lại đây không?
- Có, họ mới lại đây.
- Họ muốn gì?
- Muốn tìm cậu đó.
- Và thím họ trả lời họ ra sao?
- Tôi bảo cậu ấy đã dọn đi chỗ khác các đây một năm rồi.
- Rồi họ đi đâu?
- Lại Shanty Town.
Thím ta lùi lại một bước nữa, nhớ lại lần trước, ông lạnh lùng hỏi:
- Lại một địa chỉ mà thím không biết?
Thím ta cau có nhìn mục sư, rồi đáp:
- Tôi làm cách nào được? Cảnh sát hỏi mà.
- Không sao. Địa chỉ đó ra sao?
- Tôi đâu có biết. Tôi bảo họ lại Shanty Town.
Thím ta nổi quạu, lớn tiếng:
-Tôi đã bảo tôi không biết địa chỉ mà.

- Thím Hlatshways!
Người đàn bà vẻ mặt dễ thương, mỉm cười rồi né qua một bên, mời họ vô nhà.
- Chúng tôi đứng đây cũng được, hỏi thăm thím một chút thôi. Cảnh sát có tới đây không?
- Thưa Umfundisi có.
- Họ muốn gì?
- Muốn tìm cậu đó, thưa Umfundisi.
- Để làm gì, thím?
- Tôi không biết, Umfundisi.
- Rồi họ đi đâu?
- Lại trường học ( 5 ) , Umfundisi.
Ông ta hỏi nhỏ thím ta:
- Này thím có vẻ nghiêm trọng không?
- Tôi không biết được, Umfundisi.
- Thím ở lại mạnh giỏi.
- Umfudisi đi mạnh giỏi.

- Chào bạn!
Người phụ tá bản xứ chào lại
- Chào Umfundisi.
- Ông người da trắng trẻ tuổi ở đâu?
- Ông ấy ra châu thành. Mới đi tức thì đây.
- Cảnh sát có tới đây không?
- Có mới tới tức thì đây, rồi đi rồi.
- Họ muốn gì?
- Muốn tìm thanh niên Absalom Kumalo, con trai ông già ngồi trong tắc xi ngoài kia.
- Họ tìm người thanh niên đó làm gì?
- Tôi không biết. Lúc đó tôi có công việc khác, nên bước ra trong khi họ bước vô với ông da trắng.
- Và bạn không biết họ muốn gì sao?
- Thực tình tôi không biết, Umfundisi.
Msimangu làm thinh một lát rồi hỏi:
- Có vẻ nghiêm trọng không?
- Tôi không biết. Thực tình tôi không thể đáp được.
- Còn ông da trắng có vẻ…bận trí lắm không?
- Có.
- Làm sao bạn biết được?
Người phụ tá cười
- Tôi biết chứ sao không biết.
- Rồi họ đi đâu?
- Lại Pimville, Umfundisi. Lại nhà thiếu nữ đó.
- Bạn bảo mới đi tức thì hả?
- Phải, mới đi tức thì.
- Chúng tôi cũng lại đó ngay bây giờ. Bạn ở lại mạnh giỏi. Và nói với ông da trắng rằng chúng tôi có lại thăm ông nhé.
- Vâng, tôi sẽ nói lại với ông ấy. Umfundisi, đi mạnh giỏi.

- Này con!
- Thưa Umfundisi.
- Cảnh sát có tới đây không?
- Thưa, mới tức thì đây.
- Họ muốn gì?
- Muốn tìm anh Absalom, thưa umfundisi.
- Thế con trả lời họ ra sao?
- Con bảo con không gặp ảnh từ hôm thứ bảy, Umfundisi.
Kumalo khổ não, la lên:
- Họ tìm nó để làm gì đây?
Thiếu nữ sợ hãi lùi lại.
Kumalo lại la lên:
- Thế sao con không hỏi họ?
Thiếu nữ rưng rưng nước mắt.
- Con sợ.
- Không có người nào hỏi họ sao?
- Có mấy bà hàng xóm đứng đó. Có thể một bà nào đó đã hỏi họ.
Msimangu hỏi:
- Bà nào đâu? Chỉ cho tôi.
Thiếu nữ chỉ vài người đàn bà, nhưng mấy người này cũng không biết gì hết.
Một người bảo:
- Họ không muốn cho hay.
Msimangu kéo người đó tới một chỗ hỏi nhỏ:
- Thím thấy có vẻ nghiêm trọng không?
- Thưa Umfundisi, có vẻ nghiêm trọng. Mà chuyện chi vậy?
- Chúng tôi không biết.
Người đàn bà đó nói:
- Đời bây giờ nhiều chuyện lo lắng quá.
Ông trở ra tắc xi và Kumalo đi theo. Thiếu nữ lệt bệt chạy theo vì đương có mang:
- Họ bảo con rằng, nếu ảnh về thì báo cho họ hay.
Vẻ lo lắng hiện trong cặp mắt nàng. Nàng hỏi:
- Con phải làm sao?
Msimangu bảo:
- Thì phải báo cho họ hay. Và cũng phải báo cho bọn tôi hay nữa. Dặn cháu này, cháu lại phòng giấy ông giám thị xin phép ông ấy kêu điện thoại về hội truyền giáo ở Sophiatown. Tôi ghi số điện thoại cho: 49-3041.
- Vậy, con sẽ làm theo lời Umfundisi dặn.
- Này, các thầy cảnh sát có nói rồi sẽ đi đâu nữa không?
- Thưa không, Umfundisi. Nhưng con có nghe họ nói chỗ Die spoor loop loop , tới đây là mất dấu.
- Cháu ở lại mạnh giỏi.
- Umfundisi đi mạnh giỏi.
Nàng quay lại để chào vị mục sư kia nữa, nhưng ông ta đã ngồi trong xe tắc xi gục đầu trên cây gậy.

Msimangu hỏi:
- Bao nhiêu tiền đó?
- Hai bảng và mười si-linh, Umfundisi.
Kumalo tay run run móc tiền
Msimangu bảo:
- Để tôi trả cho. Tôi lấy làm vui được giúp huynh.
Kumalo đáp giọng run run:
- Huynh tốt bụng quá. Nhưng tôi phải trả chứ.
Ông ta rút mấy tấm ở xấp giấy bạc, nó nhẹ lần đi.
- Huynh run kìa.
- Tôi lạnh, lạnh quá.
Msimangu nhìn lên vòm trời không gợn mây; mặt trời Phi Châu giọi ánh nắng xuống mặt đất. Ông bảo:
- Huynh vô phòng tôi. Tôi đốt lửa để huynh sưởi.



Chú thích:

1. Jacaranda.
2. Pass law: coi bài tựa.
3. Chủ trương kỳ thị.
4. Đọc là Cáp phơ bu ti. Một tiếng có nghĩa khinh bỉ mới đầu trỏ những người da trắng thân thiết với người bản xứ da đen, sau trỏ tất cả những người hoạt động cho quyền lợi của những người không phải Âu.
5. Trại cải huấn
KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
TỰA
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Cuốn Hai - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
CUỐN BA - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7