watch sexy videos at nza-vids!
Truyện KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU-Chương 3 - tác giả ALAN PATON ALAN PATON

ALAN PATON

Chương 3

Tác giả: ALAN PATON

Một em đem bốn thư ở Thương điếm lại trường học và viên Hiệu trưởng cho mang lại nhà Umfundisi. Cả bốn bức thư đều gởi từ Johannesburg. Một bức của Absalom gởi cho vợ, một bức thì gởi cho cha mẹ; cả hai đều mang tiêu đề: Công vụ của Hoàng Đế (1) và địa chỉ khám lớn Pretoria. Bức thứ ba của Msimangu và bức thư tư của ông Carmichael. Kumalo mở bao thư cuối này mà lòng phập phồng lo ngại vì chính là bức thư của viên luật sư vì Thượng Đế mà lãnh biện hộ vụ đó, chắc là nói về việc được ân xá. Trong thư, viên luật sư dùng những lời rất nhã nhặn, thương xót cho hay rằng không được ân xá, và Absalom sẽ bị xử giảo ngày 15 tháng đó, Kumalo không đọc tiếp nữa và ngồi trơ trơ ra, cho tới một giờ, hai giờ không biết chừng. Ông không trông thấy gì, không nghe thấy gì nữa, cho tới khi bà vợ hỏi:
- Anh Stephen, phải tin đó không?
Ông gật đầu, bà nói:
- Đưa em coi.
Tay ông run run chìa bức thư ra, bà đọc xong rồi cũng ngồi ngó đăm đăm phía trước, cặp mắt đờ đẫn, coi ghê sợ, vì nó là đứa con bà mang nặng đẻ đau, cho bú cho mớm. Nhưng bà không ngồi lâu như ông; bà đứng dậy bảo:
- Ngồi không thế này không nên. Mình đọc hết mấy bức thư đi, rồi đi thăm em bé ở nhà Kusule và em gái Elizabeth đau ốm gì đó. Còn em, em phải làm việc nhà.
Ông bảo:
- Còn bức thư này nữa?
- Của nó?
- Của nó.
Ông chìa bức thư, bà ngồi xuống, kỹ lưỡng bóc ra đọc. Khoé mắt, nét mặt, cả trên bàn tay bà đều hiện lên nỗi đau khổ, ông không nhìn bà mà gục đầu xuống đất, nhưng mắt ông không nhìn đất, chẳng nhìn gì cả, và mặt ông thỏn ra, cũng có những nét đau khổ như trước kia, những nét mà ông trút được từ hồi về thung lũng này.
Thình lình bà gọi ông:
- Mình.
Ông ngửng lên nhìn.
- Đọc đi này, đọc cho xong đi. Rồi chúng mình đi làm công việc.
Ông cầm lấy bức thư để đọc. Bức thư ngắn đơn sơ, theo tục lệ viết bằng tiếng Zulu, trừ hàng đầu:
“ Thưa ba má.
“ Con mong rằng ba má cũng mạnh giỏi như con. Sáng nay người ta cho con hay rằng con không được ân xá. Thế là con không được gặp ba má nữa, không được thấy Ndotsheni nữa.
“ Chỗ này dễ chịu. Con bị giam, không ai được phép vô thăm con cả. Nhưng con được hút thuốc, đọc sách, viết thư; các người da trắng khi nói với con không có vẻ gì ác.
“ Có một vị mục sư da đen ở Pretoria lại chuẩn bị tinh thần cho con và âu yếm nói với con.
“ Không có tin gì khác nữa, nên con ngừng bút. Con nhớ tất cả bà con ở Ndotsheni và nếu con được trở về đó thì không bao giờ con rời nó nữa.
Con của ba má.
Absalom.
“ Cháu đã sanh chưa? Nếu nó là con trai, con muốn đặt tên nó là Peter. Có tin tức gì về vụ của Matthew và Johannes không? Con có ra toà làm chứng trong vụ xử đó, nhưng người ta không cho con ở lại xem kết thúc ra sao.
“ Thưa ba, ba đã lãnh số tiền trong sổ trương mục bưu điện của con chưa? ”.
- Thôi anh Stephen, chúng ta đi làm việc đi.
- Ừ, như vậy hơn. Nhưng còn bức thư của Msimangu anh chưa đọc. Và đây bức thư cho con dâu chúng mình nè.
- Em sẽ đưa cho nó. Mình đọc thư của mình đi đã. Và lát nữa mình có lại nhà Kusule không?
- Anh sẽ lại.
- Nhân tiện mình ghé Thương điếm được không? Có mệt cho mình quá không?
Ông nhìn qua cửa sổ, bảo:
- Coi kìa, có mây kìa.
Bà tiến lại đứng gần chồng, nhìn những đám mây nặng tụ lại ở phía bên kia thung lũng Umzikulu.
- Trời sắp mưa. Tại sao em lại muốn anh lại Thương điếm? Có việc gì cần lắm không?
- Không em có cần gì đâu. Nhưng em nghĩ nên lại Thương điếm nói với người da trắng ở đó rằng có thư từ thuộc về Công vụ Hoàng Đế gởi từ khám trung ương tới cho mình thì xin cứ giữ lại, mình sẽ tới lấy. Như vậy cũng nhục lắm rồi, còn cho thiên hạ biết làm chi nữa.
- Ừ, ừ, thế nào anh cũng lại dặn ông ta như vậy.
- Thôi, mình đọc thư đi.
Kumalo mở bức thư của Msimangu ra, đọc hết các tin tức về Johannesburg và ngạc nhiên thấy mình hơi nhớ nhớ châu thành cuồng loạn đó. Đọc xong ông bước ra ngoài nhìn mây, sau mấy tuần nắng chang chang, thấy mây thật là thích thú. Một vài đám mây đã trôi trên đầu ông, chiếu những bóng râm lớn xuống thung lũng; nó chầm chậm di chuyển đều đều lên sườn đồi, rồi tới đỉnh đồi, rồi thình lình trôi nhanh qua và biến mất. Không khí oi ả, ngộp thở: thế nào rồi sấm cũng sắp vang dội ở bên kia sông Umzikulu và hôm nay sẽ hết hạn hán, chắc chắn vậy.
Trong khi ông đứng đó thì thấy một chiếc xe hơi chạy từ Carisbrooke xuống thung lũng. Cảnh đó thật hiếm; chiếc xe chạy chậm vì con đường không phải dành cho xe hơi đi, mà cho xe bò, xe ngựa, và bò đi. Rồi ông thấy ở cách giáo đường không xa có một người da trắng ngồi yên trên lưng ngựa, có vẻ đợi chiếc xe hơi tới. Khi nhận ra người đó là Jarvis, lòng ông xúc động. Một người da trắng bước ra khỏi xe hơi, và ông ngạc nhiên hơn nữa, nhận ra ông này là viên Tỉnh trưởng, tức thì ông nhớ lại lời nói đùa đêm trước.
Jarvis xuống ngựa, bắt tay viên Tỉnh trưởng; mấy người da trắng nữa cũng ở trong xe bước ra, người thì cầm gậy, người thì cầm cờ. Ủa, ở từ phía kia, viên Tù trưởng đẫy đà, bận quần cụt, đội mũ nồi bằng da lông đương phi ngựa lại, chung quanh có nhóm cố vấn. Viên Tù trưởng chào viên Tỉnh trưởng, viên Tỉnh trưởng đáp lễ; viên Tù trưởng và mấy người kia cũng chào nhau nữa. Rồi họ đừng nói chuyện với nhau; rõ ràng là có chuyện gì nên họ hẹn nhau lại đó.
Họ đưa tay chỉ chỗ xa chỗ gần. Rồi một người cố vấn của Tù trưởng cưa một cây nhỏ có cành thẳng, chặt những cành này thành từng khúc đều nhau, vạt nhọn đầu, làm cho Kumalo càng chẳng hiểu gì cả. Mấy người da trắng lấy trên xe xuống nhiều gậy và nhiều cờ nữa, rồi một người dựng một cái hộp đặt trên một cái giá ba chân, như để chụp hình vậy. Jarvis cầm một bó gậy và một bó cờ; viên Tỉnh trưởng cởi áo ngoài ra vì nực quá, cũng lấy mỗi thứ một bó. Họ cũng chỉ trỏ mấy đám mây và Kumalo nghe Jarvis nói:
- Có mòi sắp mưa rồi đấy.
Viên Tù trưởng không chịu thua mấy người da trắng, cũng xuống ngựa, cũng cầm lấy mấy cây gậy, nhưng Kumalo thấy ông ta không hiểu rõ phải làm gì. Jarvis có vẻ là người điều khiển công việc, cắm một cây gậy xuống đất và viên Tù trưởng đưa một cây gậy cho một người cố vấn, nói với người này câu gì đó. Người này cũng cắm cây gậy xuống đất, nhưng người da trắng có cái thùng đặt trên giá ba chân, la lên:
- Không cắm ở đó, không cắm ở đó. Nhổ đi.
Viên cố vấn lưỡng lự không biết sao, rụt rè nhìn viên Tù trưởng; viên Tù trưởng quát:
- Không cắm ở đó, không cắm ở đó. Nhổ đi.
Rồi viên Tù trưởng lúng túng, lại càng không hiểu phải làm gì, lại leo lên lưng ngựa, ngồi trên đó, để các người da trắng cắm gậy.
Sau một giờ như vậy, cả một hàng gậy và cờ dựng lên. Kumalo vẫn đứng nhìn, mỗi lúc một thêm ngạc nhiên. Jarvis và viên Tỉnh trưởng đứng với nhau, vẫn đưa tay chỉ trỏ hết các ngọn đồi rồi tới thung lũng. Rồi họ nói gì với viên Tù trưởng và các cố vấn đứng bên cạnh nghiêm trang chăm chú nghe. Kumalo nghe thấy Jarvis nói với viên tỉnh trưởng:
- Lâu quá.
Viên Tỉnh trưởng nhún vai đáp:
- Như vậy đó.
Jarvis bảo:
- Tôi sẽ đi Pretoria, nếu không có gì trái ý ông?
Viên Tỉnh trưởng đáp:
- Không có gì trái ý tôi cả; có lẽ cách đó là cách tốt nhất để cho mau được việc.
Jarvis bảo:
- Tôi muốn hầu chuyện ông lâu nữa, nhưng nếu ông không sợ ướt thì nên về thôi. Con dông này không phải thường đâu.
Nhưng chính Jarvis lại không về vội. Ông chào viên Tỉnh trưởng, đi ngang qua các thửa ruộng trụi, vừa đi vừa đếm bước. Kumalo nghe thấy viên Tỉnh trưởng nói với một người da trằng:
- Người ta bảo rằng ông ấy hơi khùng khùng rồi; theo tôi thì chẳng bao lâu nữa gia tài ông ấy sẽ khánh tận.
Rồi viên Tỉnh trưởng bảo viên Tù trưởng:
- Ông coi chừng đừng cho ai động tới hoặc dời cây gậy nào đi.
Ông ta chào viên Tù trưởng rồi cùng leo lên xe với mấy người da trắng khác. Xe chạy trở lại lên đồi. Viên Tù trưởng bảo các cố vấn:
- Các thầy ra lệnh cấm không cho ai được động tới hoặc dời một cây gậy nào đi nhé.
Các cố vấn bèn leo lên ngựa mỗi người đi về một ngả, còn viên Tù trưởng đi ngang qua giáo đường. Kumalo chào, ông ta đáp lễ nhưng không ngừng lại để giảng về cái việc cắm gậy đó.
Jarvis đã nói đúng; con dông này không phải là cơn dông thường. Vòm trời trên thung lũng đã u ám, ghê sợ. Không còn những bóng mây trôi trên cánh đồng nữa vì trời đất đã tối sầm rồi. Ở phía bên kia sông Umzikulu, sấm gầm liên hồi và thỉnh thoảng chớp loé ra trên những ngọn đồi xa. Mọi người đều chờ đợi cảnh đó, cảnh mưa trút xuống. Đàn bà bước vội vã trên đường, và bỗng như ong vỡ tổ, trẻ em từ trong trường ùa ra; viên Hiệu trưởng và các cô giáo thúc chúng:
- Mau lên các con, mau lên, đừng thơ thẩn dọc đường nhé.
Cơn dông như vầy thật là một cảnh đáng coi. Một đám mây lớn, đen, nặng bay qua trên sông Umzikulu và Kumalo đứng nhìn nó một hồi. Từ đám mây đó sấm nổ, chớp loé làm sáng cả mặt đất. Gió bỗng nổi lên trong thung lũng Ndotsheni và bụi cát cuốn xoáy tít lên trên đồng ruộng và dọc theo các đường cái. Trời tối mù mịt và lát sau, các đồi bên kia sông Umzikulu bị che khuất sau một màn mưa. Kumalo thấy Jarvis chạy vội về phía con ngựa cột ở hàng rào, con vật đương hí, tỏ vẻ lo sợ không yên. Lanh tay và khéo léo ông gỡ yên cương, nói với nó một câu gì đó rồi thả nó ra. Rồi ông chạy về phía Kumalo, vừa chạy vừa gọi:
- Umfundisi.
- Umnumzana.
- Umfundisi, tôi để mấy cái này ở dưới cổng rồi vô đụt trong giáo đường được không?
- Dĩ nhiên là được. Tôi xin dắt Umnumzana vô.
Họ vô giáo đường, thật vừa đúng lúc, vì tiếng sấm vừa vang trên đầu họ và tiếng mưa rào rào đổ xuống cánh đồng. Chỉ vài giây sau, nó rớt lộp độp trên mái tôn, nghe điếc tai, không còn nói chuyện gì được nữa. Kumalo đốt một cây nến trong giáo đường, Jarvis ngồi xuống một chiếc ghế dài, không nhúc nhích.
Chẳng bao lâu nước mưa chảy qua những lỗ sét trên mái tôn quá cũ, và Jarvis phải ngồi tránh qua chỗ khác.
Kumalo hơi bực bội, hét lớn như để xin lỗi:
- Dột!
Jarvis cũng la lớn, đáp lại:
- Tôi thấy rồi.
Chỗ Jarvis mới ngồi cũng lại dột nữa, ông ta phải kiếm chỗ khác. Ông ta đứng dậy, sờ soạng chiếc ghế dài trong bóng tối mờ mờ, nhưng khó kiếm được chỗ nào để ngồi, vì chỗ nào ghế khô thì dưới sàn lại ướt, chỗ nào sàn khô thì trên ghế lại ướt.
Kumalo la lớn:
- Dột nhiều chỗ quá.
Jarvis cũng la lớn, đáp lại:
- Tôi thấy rồi.
Sau cùng Jarvis kiếm được một chỗ ngồi tạm được, Kumalo cũng vậy và hai người cùng ngồi yên, im lặng. Nhưng cảnh ở ngoài không được yên lặng, sấm nổ ầm ầm mà mưa trút xuống ào ào trên mái, nghe điếc cả tai.
Họ ngồi một lúc lâu như vậy cho tới khi nghe thấy tiếng suối chảy, nghe tiếng những dòng sông khô cạn hồi sinh lại, họ mới biết rằng cơn dông bắt đầu ngớt. Quả vậy, tiếng sấm đã xa dần, một ánh sáng mờ mờ chiếu vô giáo đường và tiếng mưa độp độp, trên mái đã giảm đi.
Mưa đã gần tạnh khi Jarvis đứng dậy, bước lại đứng gần Kumalo tại gian bên giáo đường, rồi không nhìn ông lão, cất tiếng hỏi:
- Có được ân xá không?
Kumalo lấy bức thư trong cái túi nhỏ ra, tay run run một phần vì đau khổ, một phần vì hễ đứng gần Jarvis thì ông luôn như vậy. Jarvis cầm lấy bức thư, đưa ra một chỗ có ánh sáng mờ mờ. Đọc xong, bỏ lại vào bao thư trả Kumalo, mà bảo:
- Tôi chẳng rõ chuyện đó ra sao, nhưng về phương diện khác thì tôi hiểu lắm.
- Tôi hiểu, Umnumzana.
Jarvis làm thinh một lát, nhìn lên bàn thờ và cây thánh giá trên đó. Ông ta bảo:
- Tới ngày mười lăm đó, tôi sẽ nhớ. Thôi, Umfundisi ở lại mạnh giỏi.
Nhưng Kumalo không chào lại: “ Umnumzan về mạnh giỏi ”. Ông cũng không nói để xách giùm yên và cương cho, cũng chẳng cảm ơn Jarvis đã cho sữa. Ông lại càng không nghĩ tới chuyện hỏi cắm nấy cây gậy đó để làm gì. Và khi ông đứng dậy bước ra thì Jarvis đã đi rồi. Trời vẫn còn mưa nhỏ, và thung lũng vang lên tiếng ào ào của nước sông, nước suối đỏ ngầu như máu của đất.



Buổi chiều đó mọi người đều ra ngoài đường trong ánh hoàng hôn hồng hồng, ngắm nghía mấy cây gậy mà chẳng ai hiểu cắm xuống để làm gì. Bọn em trai làm bộ nhổ những cây đó lên, nắm lấy chân gậy, trợn mắt ngó lên trời, giả vờ gắng hết sức. Bọn em gái ngó bọn em trai, nửa vui vui, nửa lo ngại. Chúng chơi cái trò đó cho tới khi một đứa con trai út của Dazuma vô ý nhổ một cây lên, rồi đứng ngây người ra vì việc nó mới làm. Mọi đứa làm thinh, đứa nhỏ hoảng hốt ngó đứa lớn. Còn các em gái chạy về phía mẹ, đứa thì khóc lóc, đứa thì mếu máo sợ sệt, đứa thì nói:
- Tụi tôi đã bảo trước mà, tụi tôi đã bảo trước mà.
Đứa em trai có tội kia bị mẹ lại lôi đi, đập cho mấy cái, rầy la:
- Tao xấu hổ vì mày, tao xấu hổ vì mày.
Vài người đàn ông còn ở lại trong thung lũng, ngó đất chung quanh chỗ đó và một người bảo:
- Lỗ nó đây này.
Và họ cẩn thận cắm cây gậy vào lỗ cũ, một người quỳ xuống nén nén đất chung quanh cây gậy, để không cho ai nhận được vết nhổ.
Nhưng một người khác bảo:
- Cào cào đất lên đi, vì đất ướt như vậy người ta không thấy có vết nén.
Họ bèn cào cào đất lên, kiếm ít cỏ và đá cuội, rải ở chung quanh, và quả thực, không ai có thể biết được đất ở đó đã bị nén xuống.
Chiếc xe chở sữa tới; mẹ mấy em nhỏ đích thân tới hoặc nhờ người tới giáo đường lãnh phần sữa.
Kumalo hỏi người đem sữa thân tín của ông:
- Cắm mấy cây gậy đó làm chi vậy hả?
- Thưa Umfundisi, tôi không rõ. Nhưng sáng mai tôi rán tìm hiểu xem sao.

Chú thích:
1. Vì Nam Phi là thuộc địa của Anh.
KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
TỰA
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Cuốn Hai - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
CUỐN BA - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7