Chương 12
Tác giả: ALAN PATON
Ngày ở Ezenzeleni về, Kumalo ăn bữa trưa ở hội Truyền giáo rồi trở về nhà bà Lithebe để chơi với đứa con của Gertrude, trong nhà đương có việc trả giá vì bà Lithebe đã kiếm được một người muốn mua những bàn ghế, đồ làm bếp của Gertrude. Bán tất cả được ba bảng, kể ra cũng được giá rồi vì cái bàn đã hư, mất màu và bị rạch bằng cái gì, Kumalo cũng chẳng buồn hỏi; còn mấy cái ghế thì lung lay tới nỗi ngồi xuống phải coi chừng kẻo té. Thực ra, được giá đó là nhờ những đồ làm bếp bằng nhôm. Người da đen ít ai mua những đồ đó, nhưng Gertrude bảo của một người bạn cho, và Kumalo cũng chẳng hỏi là ai.
Nàng tính dùng số tiền đó để mua giầy và áo đi mưa vì bắt đầu mùa mưa rồi; Kumalo tán thành vì chiếc áo và đôi giầy cũ của nàng không hợp với chiếc áo dài đỏ và chiếc khăn trắng mà ông đã mua cho.
Khi mọi vật đã đưa lên xe, tiền đã giao và chiếc xe cam nhông đã đi rồi, ông muốn chơi với đứa cháu thì bỗng hoảng sợ tới nỗi đau nhói trong lòng, vì thấy Msimangu và người da trắng trẻ tuổi đương đi ngược con đường, lại phía nhà ông. Vốn có lễ độ, ông rán tiến ra tới cổng để đón họ và lo lắng nhận thấy họ có vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm nghị, nói chuyện nho nhỏ với nhau.
Người da trắng hỏi:
- Chào Umfundisi. Có chỗ nào nói chuyện được không?
Kumalo đáp, giọng hơi run run:
- Vô phòng tôi.
Vô phòng rồi, ông khép cửa lại rồi đứng đó mà không nhìn họ.
Người da trắng nói:
- Tôi được biết điều ông lo ngại rồi. Đúng đấy.
Kumalo vẫn đứng, lưng lom khom, không dám nhìn họ. Rồi ông ngồi xuống ghế, mắt đăm đăm nhìn xuống đất.
Biết nói gì bây giờ? Có nên ôm vai ông ta, xiết tay ông ta không? Msimangu và người da trắng không biết nên làm sao, nên nói với nhau nho nhỏ như thể trong phòng có người chết.
Người da trắng trẻ tuổi nhún vai, nói lớn hơn một chút gần như thản nhiên:
- Cái đó có hại cho tiếng tăm trại cải huấn.
Kumalo gật đầu, không phải một mà hai, ba bốn lần như biểu đồng tình: Phải, cái đó có hại cho tiếng tăm trại cải huấn.
Người trẻ tuổi nói:
- Phải, có hại cho chúng tôi. Người ta trách chúng tôi cho nó ra sớm quá - Ông ta nói thêm - được điều này là hai đứa kia không phải ở trại chúng tôi ra. Nhưng chính nó đã nổ súng.
Msimangu rán làm ra cái giọng tự nhiên, bảo:
- Huynh ạ, một trong hai đứa kia là con ông em của huynh đấy.
Kumalo lại gật đầu một, hai, ba, bốn lần rồi lại gật đầu nữa như cũng để nói rằng một trong hai đứa kia là con người em trai của ông.
Rồi ông đứng dậy ngó chung quanh, hai người khách nhìn theo ông. Ông gỡ chiếc áo bành tô treo ở móc xuống, bận vào mình, đội nón rồi cầm cây gậy. Xong rồi ông quay về phía họ, lại gật đầu lần nữa. Nhưng lần này họ không hiểu ông nói gì.
- Huynh đi đấy ư?
- Umfundisi muốn lại nhà khám hả? Tôi đã thu xếp việc đó cho ông rồi.
Và Kumalo gật đầu. Ông quay lại ngó quanh căn phòng lần nữa và thấy mình đã bận áo để đi ra ngoài này; ông rờ cái áo, cái nón, ngó cây gậy cầm ở tay. Ông bảo:
- Tôi muốn lại thăm em tôi trước hết, chỉ xin huynh làm ơn dẫn đường cho tôi thôi.
- Tôi sẽ dẫn đường cho huynh.
Người trẻ tuổi bảo:
- Còn tôi, tôi sẽ ngồi đợi hai ông ở hội Truyền giáo.
Msimangu vừa đặt tay vào quả nắm ở cửa, thì Kumalo ngăn lại bảo:
- Tôi sẽ rón rén ra trước, rồi huynh sẽ ra sau. Huynh nên cho họ hay….
Ông trỏ căn phòng bên cạnh.
- Phải, tôi sẽ vô cho họ hay…
Msimangu vô cho họ hay rồi đi ra, khép cửa lại; trong phòng vang lên tiếng gào khóc của đàn bà, vì họ có tục như vậy. Msimangu chậm chạp bước theo ông lão khòm lưng lên dốc, thấy bạn vừa đi vừa gục gặc cái đầu làm cho người qua đường quay lại ngó. Ông tự hỏi không biết bạn mình lúc này có bỗng già sọm đi không? Không biết bạn mình có gục gặc cái đầu như vậy từ nay cho tới suốt đời không? Đến nỗi người khác phải nói lớn trước mặt bạn: “ Có gì đâu, ông ấy già rồi, quên lẫn hết rồi ”. Và không biết nghe vậy, bạn mình có gục gặc cái đầu, cơ hồ như cũng muốn nói: “ Có gì đâu, tôi già rồi, quên lẫn hết rồi ”. Nhưng họ biết đâu rằng bạn mình chỉ muốn nói: “ Tôi nhớ lại chuyện cũ, chứ có khác gì đâu ”.
Tới đầu dốc, Msimangu đuổi kịp bạn, nắm cánh tay bạn. Ông có cảm tưởng đi cùng với một em bé hoặc một người bệnh. Họ tới tiệm thợ mộc. Tới trước cửa tiệm, Kumalo quay lại, nhắm mắt, mấp máy môi. Rồi mở mắt ra, nói với Msimangu:
- Thôi huynh ở lại đây. Để mình tôi làm cái việc đó.
Rồi ông bước vô tiệm.
Phải, cái giọng bò mộng vẫn vang lên mạnh mẽ, tự tín. John, người em ông, ngồi trên chiếc ghế bệ vệ như một ông sếp, đương nói gì với hai người nữa. Vì Kumalo quay lưng ra ánh sáng ngoài đường nên John không nhận ra.
- Chào chú.
- Chào ông.
- Chào chú, anh ruột chú đây mà.
- A, anh đấy ư? Em mừng quá. Anh vô đây cùng nói chuyện.
Kumalo ngó hai người khách, bảo:
- Xin lỗi chú, tôi lại lần này có chút việc rất quan trọng.
- Em chắc các ông bạn của em sẽ thứ lỗi cho em. Xin các bạn thứ lỗi cho chúng tôi.
Rồi mọi người chào nhau: “Ông ở lại mạnh giỏi ”; “ Ông đi mạnh giỏi ”. Khách ra rồi, hai anh em ngồi lại một mình với nhau.
- Được gặp anh, em mừng lắm. Sao công việc tìm kiếm của anh tới đâu rồi? Anh đã tìm thấy đứa con đi hoang đó không? Anh thấy em chưa quên hết giáo lý cương yếu đấy nhé (1)
Nói rồi cười oang oang, như tiếng bò mộng.
- Nhưng phải uống trà đã chứ.
Rồi đứng lại tiến lại cửa trong nói gì với một người ở phía sau cửa hàng.
Khi trở ra John bảo:
- Vẫn người đàn bà lần trước. Anh thấy không, em vẫn có những ý nghĩ…người Anh gọi là gì nhỉ - Rồi lại cười, cười oang oang chỉ để trêu anh – À, chung thủy, kiếm ra rồi! Cái tiếng ấy đẹp quá, em sẽ không quên nó đâu. Cái ông Msimangu của anh thông minh đấy. Rồi sao, có kiếm được cậu con đi hoang đó không?
- Kiếm được rồi chú. Nhưng không như trong sách giáo lý cương yếu đâu. Nó hiện nằm trong khám, bị buộc tội là giết một người da trắng.
- Giết người?
Con người đó không còn nói giỡn nữa. Chuyện giết người mà ai còn nói giỡn cho được, nhất là giết một người da trắng.
- Phải, giết người. Nó bẻ khoá vào một ngôi nhà ở một nơi gọi là Parkwold, và giết người da trắng chạy ra cản nó lại.
- Ủa, em nhớ rồi. Chuyện đó mới xảy ra một hai ngày nay phải không? Hôm thứ ba?
- Phải.
- Em nhớ ra rồi.
Phải, ông ta nhớ ra rồi. Ông ta cũng nhớ rằng con ông ta với con anh ông ta thân thiết với nhau lắm. Mấy đường gân nổi lên trên cần cổ bò mộng của ông ta, mồ hôi đóng giọt trên trán. Vẻ sợ hãi hiện trong cặp mắt ông ta, không còn ngờ gì nữa. Ông ta rút chiếc khăn mùi xoa chặm mổ hôi trên trán. Đáng lẽ ông ta còn có thể hỏi nhiều câu nữa rồi mới tới cái nông nỗi đó chứ (2). Nhưng ông ta chỉ nói:
- Phải, đúng rồi, em nhớ ra rồi.
Kumalo thấy thương em vô hạn, rán lựa lời kể lại cho em hay.
- Thật là đau khổ anh ạ.
Biết nói gì bây giờ? Có nên nói: “ Dĩ nhiên là anh đau khổ lắm ”. Hay là nói: “ Dĩ nhiên, thằng con của anh đấy ”. Làm sao có thể nói như vậy được khi người ta hiểu những lời đó có ý nghĩa gì rồi? Vậy thì nên im đi, nhưng cặp mắt kia cứ nhìn trừng trừng mình đây này. Mình hiểu rồi, cặp mắt đó muốn xin mình điều gì rồi.
- Anh muốn nói…
- Phải, con của chú cũng ở đó nữa.
John thở dài:
- Tixo, Tixo.
Rồi lại thở dài nữa:
- Tixo, Tixo.
Kumalo lại gần, đặt tay lên vai em.
- Có nhiều điều anh có thể nói…
- Nhưng anh không nói. Anh chỉ nói rằng, anh chỉ biết chú đau khổ vì cái gì rồi.
- Dạ phải, ai có thể biết rõ cái đó hơn anh?
- Phải, đó là một trong những điều anh có thể nói với chú. Có một người da trắng trẻ tuổi hiện đương đợi anh ở hội Truyền giáo, để dắt anh vô khám. Có lẽ ông ta cũng cho chú đi theo được.
- Anh cho em khoác cái áo và lấy cái nón.
Họ không đợi người nhà bưng trà ra mà vội đi về hội Truyền giáo. Msimangu lo lắng đứng đợi họ, thấy họ tiến lại. Ông lão bây giờ bước vững hơn, còn người kia có vẻ khòm lưng đau khổ lắm.
Tới hội Truyền giáo, cha Vincent, vị mục sư Anh có cặp má hồng hào, nắm lấy bàn tay Kumalo, bảo:
- Tôi sẽ tận lực, tận lực. Ông muốn gì, xin cứ cho hay. Bất kỳ việc gì, giúp được, tôi sẽ giúp.
Họ bước qua cửa rào sắt nặng nề, đục trong bức tường cao màu ảm đạm. Người trẻ tuổi, nói thay họ và công việc không gặp gì trở ngại. Người ta dắt John Kumalo vô một căn phòng, còn người trẻ tuổi với Stephen Kumalo vô một phòng khác, rồi dẫn đứa con của Stephen vô đó.
Hai cha con xiết tay nhau, đúng là ông lão đưa hai tay ra nắm lấy tay của con, và những giọt nước mắt nong nóng rớt trên tay. Đứa con đứng yên, không sung sướng, mừng rỡ. Nó quay cái đầu qua phía này, rồi qua phía kia như thể chiếc áo của nó cài chật quá, mà thực sự là lỏng chứ không chật.
- Con ơi, con.
- Dạ.
- Bây giờ mới tìm được con.
- Dạ.
- Thì trễ quá rồi, con ơi.
Đứa con không đáp gì cả. Thấy nó làm thinh, người cha cơ hồ như hy vọng một chút, lại gặng hỏi:
- Có trễ quá không con?
Nhưng nó cũng không trả lời. Người cha lại gặng hỏi nữa, gần như cố hỏi cho được: có trễ quá không? Nó quay đầu phía này rồi qua phía kia, nó bắt gặp ánh mắt của người trẻ tuổi da trắng, vội vàng ngó đi chỗ khác. Nó đáp:
- Thưa ba, như ba nói đó.
- Ba đã kiếm con khắp nơi.
Nghe cha nói vậy mà cũng vẫn làm thinh. Ông lão buông bàn tay con ra, và bàn tay đứa con rơi thõng xuống như không còn sinh khí. Ở đây có một bức rào, một bức tường, có cái gì ngăn cách hai cha con.
- Tại sao con lại làm cái điều khủng khiếp đó hả con?
Người trẻ tuổi da trắng hơi dao động, còn người coi khám da trắng không nhúc nhích, có lẽ không hiểu ngôn ngữ Zulu. Đứa con dơm dớm nước mắt, nó quay đầu qua phía bên này rồi phía bên kia mà không đáp.
- Trả lời ba đi con.
- Con không biết.
- Tại sao con lại cầm khẩu súng lục?
Lần này thì người coi khám cũng dao động vì tiếng “ súng lục ”, trong ngôn ngữ Zulu, Anh và Afrikaans cũng phát âm như nhau. Đứa con cũng có vẻ xúc động. Nó đáp:
- Để đề phòng. Johannesburg là một nơi nguy hiểm. Ai cũng có thể hành hung bất ngờ.
- Nhưng tại sao con lại cầm khẩu súng mà vào nhà đó?
Câu hỏi này, nó không trả lời được.
- Họ bị hả?
- Vâng.
- Người ta biết chắc là con chứ?
- Thưa ba, con có nói với người ta như vậy.
- Con nói với người ta ra sao?
- Con nói rằng khi thấy người da trắng vô tới, con hoảng hốt. Nên con nổ súng. Con không có ý giết ông ta.
- Thế còn em con? Và đứa kia nữa?
- Dạ, con có khai rằng hai người đó đi với con, và chính con bắn người da trắng.
- Bọn con tới đó phải để ăn trộm không?
Câu hỏi này nó cũng không trả lời được.
- Con đã ở trong trại cải huấn phải không?
Đứa con ngó chiếc giày, và đưa chân ra cà cà trên mặt đất.
- Vâng, con có ở trong trại.
- Trong trại người ta đối đãi với con có tốt không?
Đôi mắt nó lại dơm dớm, nó quay đầu qua bên này, rồi qua bên kia, cúi xuống nhìn chiếc giày cà cà trên mặt đất.
- Người ta đối đãi với con tử tế.
- Và con trả ơn như vậy hả?
Câu hỏi này nó cũng không đáp được. Người trẻ tuổi da trắng bước tới vì biết rằng việc hỏi han đó không ích lợi gì, không đưa tới đâu. Có lẽ ông ta không muốn hai cha con đó làm khổ lẫn nhau.
- Sao, Absalom?
- Thưa ngài hỏi chi?
- Tại sao anh bỏ việc làm, tôi đã kiếm cho anh?
Ông da trắng ơi, nó cũng không trả lời ông đâu. Không thể trả lời những cái đó được.
- Tại sao anh lại bỏ việc làm đó, Absalom?
Không thể trả lời những cái đó được.
- Thế còn người bạn gái của anh. Thiếu nữ đã làm cho anh lo lắng tới nỗi chúng tôi thương hại anh, và đã cho anh ra khỏi trại để săn sóc chị ta.
Nó lại rưng rưng nước mắt. Nào ai biết được nó khóc vì gì? Vì thiếu nữ đã bị nó bỏ? Vì một lời hứa mà nó đã không giữ? Hay khóc cho một con người khác của nó, một Absalom khác muốn làm việc nuôi vợ, đóng thuế, dành dụm ít tiền, tôn trọng pháp luật, yêu con, nhưng không được vì luôn luôn không làm chủ được mình? Hay là nó chỉ khóc cho cái cảnh của nó lúc đó, để mong người ta để yên cho nó một mình đừng tra hỏi nó nữa, đừng bắt nó đáp tại sao thế này, tại sao thế nọ, tại sao, tại sao, nó có biết tại sao tại siếc gì đâu. Người ta không chuyện trò với nó, không nói đùa với nó, không ngồi xuống và cho nó ngồi xuống thong thả, mà cứ tàn nhẫn hỏi hoài hỏi huỷ, tại sao, tại sao, tại sao… Từ cha nó, ông da trắng, tới các nhân viên trong khám, các cảnh sát, các thẩm phán - tại sao, tại sao, tại sao…
Người trẻ tuổi da trắng, nhún vai, mỉm cười có vẻ thản nhiên. Nhưng thực ra ông ta không thản nhiên và ông ta cau mày đau khổ. Ông ta bảo:
- Thế giới như vậy đó.
- Trả lời ba một câu, con. Con chịu trả lời không?
- Con xin trả lời.
- Con không viết một bức thư nào cả, không có tin tức gì cả. Con giao du với những bạn xấu. Con đã ăn cắp, ăn trộm, ừ con đã làm tất cả những cái đó. Tại sao vậy con?
Đứa con vin ngay lấy lời của cha:
- Tại các bạn xấu.
Kumalo bảo:
- Con biết dư rằng như vậy, không phải là trả lời.
Nhưng ông hiểu rằng cứ dùng cách đó thì nó không đáp gì khác, nên ông nói thêm:
- Phải, ba hiểu, tại các bạn xấu. Phải ba hiểu. Nhưng còn con, chính con thì cái gì làm cho con có những hành động đó?
Thật là hai cha con cứ làm khổ lẫn nhau? Đứa con bị làm tình làm tội, lại linh động thêm một chút.
- Tại quỷ nó xúi.
Ôi! Gã kia, sao mày không nói đã chiến đấu với quỷ, vật lộn với nó, chống cự với nó suốt đêm suốt ngày tới nỗi mồ hôi đổ ra đầu mình và kiệt lực? Sao mày không nói đã khóc lóc vì tội lỗi, đã thề sẽ tu tỉnh, đã đứng thẳng lên, rồi lại vấp, lại té? Mày nói như vậy có phải là an ủi con người đau khổ kia không, để ông ấy hỏi hoài một cách tuyệt vọng rằng, tại sao mày không chống cự với quỷ?
Và đứa con lại ngó xuống chân và đáp:
- Con không biết.
Ông già kiệt sức, đứa con cũng kiệt sức mà sắp hết giờ thăm nhau rồi. Người trẻ tuổi da trắng trở lại gần họ, hỏi Kumalo:
- Nó còn muốn cưới thiếu nữ đó không?
- Con còn muốn cưới thiếu nữ đó không, con?
- Thưa ba, còn.
Người trẻ tuổi bảo:
- Để tôi coi xem có thể làm được cái gì. Thôi hết giờ rồi, chúng mình phải ra thôi?
- Chúng ta còn trở lại được nữa không?
- Được. Ra cửa chúng ta sẽ hỏi giờ nào được vào thăm.
- Ở lại mạnh giỏi con.
- Ba về mạnh giỏi.
- Này con, ba nghĩ ở đây con có thể gửi thư được. Nhưng đừng viết thư cho má con vội, đợi ba vô thăm con lần nữa đã. Để ba viết cho má con trước.
- Dạ.
Họ đi ra, khỏi cửa rào thì gặp John Kumalo. Con người to lớn như bò mộng này đã tươi tỉnh hơn. Ông ta bảo:
- Nào, phải đi kiếm ngay một luật sư mới được.
- Một luật sư ư, chú? Làm chi cho tốn tiền như vậy? Sự kiện minh bạch rồi, còn ngờ gì nữa đâu.
John Kumalo bảo:
- Sự kiện nào?
- Sự kiện nào ư? Ba đứa đó vô một ngôi nhà chúng tưởng là vắng người. Chúng đập người đầy tớ làm cho người này té bất tỉnh. Người da trắng nghe thấy tiếng động, xuống xem có chuyện gì. Rồi thì…rồi thì… con tôi…con tôi chứ không phải con chú…bắn chết ông ta. Nó bảo nó sợ nên nó mới bắn.
John Kumalo bảo:
- Phải, phải, đúng như vậy – Ông ta có vẻ vững bụng, lặp lại - Phải, phải, đúng vậy. Và nó nói vậy với anh trước mặt các ông ấy chứ?
- Tại sao không, vì thực sự như vậy mà.
John Kumalo có vẻ vững bụng.
- Có lẽ anh không cần nhờ luật sư chứ? Nếu quả thực nó bắn người da trắng, thì có lẽ chẳng còn cách nào bênh vực được nữa.
- Thế con chú, chú có nhờ luật sư không?
John Kumalo mỉm cười nói:
- Có lẽ em cần mướn luật sư. Trước hết vì luật sư có quyền được nói chuyện riêng với con tôi.
Ông ta có vẻ suy nghĩ, rồi nói tiếp:
- Này anh, anh thấy không, có chứng cớ gì tỏ rằng con tôi và thằng thanh niên kia có mặt lúc đó đâu.
John Kumalo nghĩ vậy, mỉm cười, có vẻ hoàn toàn an tâm.
- Không có mặt lúc đó? Nhưng con tôi…
John Kumalo mỉm cười ngắt lời
- Phải, phải. Nhưng ai tin lời con anh chứ?
Ông ta nói câu đó có ý nghĩa lắm, một ý nghĩa độc ác, tàn nhẫn. Kumalo đứng sựng lại, và người trẻ tuổi da trắng bước lên xe. Kumalo nhìn ông ta như để chờ đợi một lời khuyên bảo, nhưng ông ta chỉ nhún vai, rồi lạnh lùng đáp:
- Ông muốn làm gì thì tùy ý. Cái nghề của tôi không phải là đi kiếm luật sư. Nhưng nếu ông muốn về Sophiatown thì lên đây, tôi chở.
Thái độ lạnh lùng đó làm cho Kumalo càng bực tức, do dự, không bước lên xe. Thấy ông ta do dự, người da trắng trẻ tuổi giận dữ, thò đầu ra ngoài xe, lớn tiếng bảo:
- Cái nghề của tôi không phải là đi kiếm luật sư. Nghề của tôi là huấn cải con người, giúp đỡ, nâng cao tâm hồn.
Ông ta giận dữ, đưa tay lên tỏ cái ý nâng cao rồi thụt đầu vô trong xe, định cho xe chạy. Nhưng rồi lại đổi ý, lại thò đầu ra ngoài.
- Nghề đó rất đẹp đẽ, rất đẹp đẽ cao thượng.
Ông ta lại thụt đầu vô, rồi lại thò đầu ra một lần nữa, nói với Kumalo:
- Xin ông đừng nghĩ rằng, nghề mục sư cao thượng hơn đâu.
Có lẽ ông ta thấy mình nói lớn tiếng quá, nên mím môi lại hạ giọng xuống:
- Ông cứu rỗi linh hồn - thốt mấy tiếng này ông ta có cái giọng như cho sự cứu rỗi linh hồn là một chuyện đùa chua chát – Nhưng tôi, tôi cũng cứu rỗi linh hồn vậy. Ông thấy thiên hạ chào đời rồi lìa đời. Tôi cũng vậy. Tôi đã thấy thằng Absalom đó tái sinh bước vào một cuộc đời mới, và giờ tôi thấy nó rời bỏ cuộc đời mới đó.
Ông ta hằm hằm nhìn Kumalo, nói tiếp:
- Chúng ta sẽ thấy nó rời bỏ cuộc đời mới đó.
Ông ta lại thụt đầu vô, nắm chặt tay lái như muốn bẻ gãy nó, hỏi:
- Sao, ông có về Sophiatown không?
Nhưng Kumalo lắc đầu. Làm sao có thể ngồi cùng xe với người lạ đó được? Người trẻ tuổi lại thò đầu ra bảo:
- Ông là một người thông minh, nhưng nhờ trời, ông không phải là anh tôi.
Ông ta mở máy, chiếc xe chạy vụt đi, ông ta vẫn giận dữ lẩm bẩm câu gì đó.
Kumalo ngó em, nhưng John bước đi mà không nhìn ông. Chán ngán, mệt mỏi ông bước ra khỏi cổng rào, tiến ra ngoài đường.
- Tixo , xin Tixo đừng bỏ con.
Ông nhớ lại lời cha Vincent: “ Tôi sẽ tận lực, tận lực, ông muốn gì, xin cứ cho hay. Bất kỳ việc gì, giúp được, tôi sẽ giúp ”. Vậy, phải đi tìm cha Vincent.
Chú thích:
1. Trong Thánh kinh ( Thánh Luc – XV ), có chép một chuyện ngụ ngôn về một đứa con hoang tàn, bỏ nhà ra đi, hoá ra nghèo khổ, phải nuôi heo. Sau trở về nhà, được cha mẹ tha thứ và đón tiếp niềm nở. Truyện ngụ ý khuyên đừng nên sa đoạ theo thị dục của mình.
2. Nghĩa là: hỏi vụ đó đã xảy ra sao, con ông ta có dính líu gì vào không, nếu có thì mới đáng sợ.