Chương 6
Tác giả: ALAN PATON
Ở Ndotsheni và tất cả các trại chung quanh, mọi nhà đều bắt đầu cầy ruộng. Nhưng công việc tiến hành rất chậm, vì thầy cán sự trẻ tuổi có viên Tù trưởng theo sau, đi chỉ cho mọi người không được cầy dọc theo sườn đồi nữa. Nông dân lấy đất đắp thành những tường nhỏ và cầy vòng vòng như trôn ốc ở chung quanh sườn đồi, thành thửa ruộng coi lạ hẳn đi, không giống trước chút nào cả. Đàn bà và trẻ em đi hốt phân bò, khi trải lên ruộng thấy chẳng được bao nhiêu, nên viên Tù trưởng ra lệnh rào một khoảng đất, gom bò vào trong đó để dễ hốt phân, nhưng việc đó bất tiện lắm vì bò không có gì ăn trong khu rào đó. Thầy cán sự trẻ tuổi lắc đầu nhưng bảo sang năm sẽ khá hơn. Người ta nấu những hột miên liễu, trong thung lũng này chưa ai thấy làm như vậy, nhưng các người làm công trong các trại ruộng của người da trắng bảo là phải đấy, thế là họ nghe lời nấu. Người ta lựa vài chỗ điêu tàn để rắc những hột đó, nhưng thầy cán sự trẻ tuổi lại lắc đầu, bảo những chỗ đó đất cằn cỗi, miên liễu mọc làm sao được. Và thầy bảo phải liệng bỏ những hột bắp họ giữ để làm giống đi, vì ở nhà ông Jarvis có nhiều hột giống tốt hơn. Dĩ nhiên họ không liệng đi mà dùng để ăn.
Tất cả những việc đó không phải làm mau lẹ như ảo thuật đâu. Phải mất bao nhiêu buổi hội họp, có bao nhiêu kẻ lầm lì, nhăn nhó. Chỉ vì sợ viên Tù trưởng, nên những cuộc hội họp đó mới không biến thành những cuộc gây lộn, cãi vã. Bất bình nhất là những người bắt buộc phải bỏ ruộng nương của mình.
Người em ông Kusule suốt mấy ngày hờn dỗi, không nói một lời vì cái đập lấn vào đất của chú ta và miếng đất người ta bù lại không làm cho chú vừa lòng. Umfundisi phải nói mãi chú ta mới chịu nghe, chú ta không lẽ từ chối, vì chính nhờ Umfundisi mà đứa con người anh của chú mới có sữa uống mà khỏi chết.
Viên Tù trưởng đã nói bóng nói gió rằng ông sẽ đòi hỏi những điều khó khăn hơn nữa, và thầy cán sự bực mình rằng muốn gì thì sao không nói hết đi. Nhưng khó mà bắt dân chúng chấp nhận mọi sự cải cách luôn một lúc được. Thầy ta bảo rằng ngay năm nay, dân chúng có thể thấy được vài sự tấn bộ, mặc dầu thầy chán nản lắc đầu vì đất đai cằn cỗi quá.
Có tin đồn chính phủ sẽ tặng viên Tù trưởng một con bò mộng, và thầy cán sự trẻ tuổi bảo Kumalo rằng dân chúng phải giết những con bò sức sản xuất thấp nhất đi, nhưng trong các buổi họp thầy không tuyên bố ra như vậy, vì dân chúng có tục tính tài sản theo số bò, dù là bò bịnh hoạn, gầy ốm, họ sẽ cho biện pháp đó là tàn khốc quá.
Nhưng làm cho họ kinh ngạc nhất là cái máy lớn mà họ bảo là đã “ tham chiến ” trong chiến tranh vừa rồi, cái máy nó ủi đất của người em ông Kusule lên lấp hàng gậy mà người da trắng đã cắm và đùn đất lên mỗi ngày mỗi cao. Và chính người em ông Kusule cau có nhìn cảnh đó cũng không thể không bật cười lên, rồi sực nhớ lại, làm bộ bí xị như trước. Nhưng chú ta được an ủi đôi phần khi nghĩ rằng sang năm, hồ nước trên đập đầy rồi thì hai anh em nhà Zuma cũng phải bỏ khu ruộng của họ ở phía dưới, vì người ta định trồng cỏ của người da trắng ở dưới đó, tưới cỏ bằng nước ở đập, rồi khi cỏ cao thì cắt, liệng vào khu đất rào cho bò ăn. Hai anh em nhà Zuma đã chế diễu chú ta, khi chú ta cau có về cái đập chiếm đất của chú, thì lúc đó chú sẽ có dịp trả thù mà chế diễu lại họ.
Quả thực đang có cái gì thay đổi trong thung lũng này, một tinh thần mới, một đời sống mới và trong chòi nào người ta cũng bàn tán rất nhiều. Tuy chưa sản xuất được gì cả, nhưng đã bắt đầu có cái gì rồi.
Kumalo bảo:
- Có một người nữa cũng tên là Napoleon. Ông ta làm được rất nhiều việc, nhiều tới nỗi người ta đã viết vô số sách về ông ta.
Thầy cán sự trẻ tuổi cười mà cúi xuống nhìn đất, cà chiếc giầy nọ vào chiếc kia.
Kumalo nói tiếp:
- Thầy có thể hãnh diện được vì đã có một đời sống mới trong thung lũng này. Tôi đã sống ở đây già đời rồi mà chưa bao giờ thấy người ta hăng hái cầy ruộng như vậy. Ở đây đã có một cái gì mới. Tôi không nói tới mưa đâu, mặc dầu mưa làm mát mẻ tâm hồn con người. Tôi nói tới hy vọng, chưa bao giờ thấy ở đây người ta tràn trề hy vọng như vậy.
Người trẻ tuổi đó có vẻ lo ngại, đáp:
- Không nên nuôi nhiều ảo tưởng quá. Riêng tôi, năm nay tôi không hy vọng gì nhiều. Bắp sẽ cao một chút, thu hoạch sẽ tăng được một chút, thế thôi, vì đất xấu quá.
- Nhưng sang năm, sẽ có khu rào bò đó.
Người trẻ tuổi hăng hái đáp:
- Vâng. Nhờ khu rào đó, sẽ khỏi mất đi nhiều phân. Umfundisi, họ hứa với tôi dù mùa đông này lạnh nhiều thì họ không đốt phân bò để sưởi nữa.
- Phải mấy năm cây mới lớn nhỉ?
Thầy cán sự rầu rầu, đáp:
- Phải nhiều năm. Thưa Umfundisi, họ có thể chịu được lạnh sáu bảy năm không nhỉ?
- Đừng nản chí. Ông Tù trưởng và tôi sẽ hết sức giúp thầy.
- Vâng. Tôi nóng lòng về việc xây đập quá. Xây xong thì sẽ có nước để tưới các bãi cỏ. Và thưa Umfundisi - giọng chàng hoá hăng hái - lúc đó thung lũng này sẽ có sữa để uống, và chúng ta sẽ không cần tới sữa của người da trắng nữa.
Kumalo ngó thầy ta, hỏi:
- Không có sữa của người da trắng thì chúng ta sẽ ra sao? Người da trắng không giúp chúng ta tất cả những việc đó thì chúng ta sẽ ra sao? Và chính thầy nữa, lúc này thầy sẽ ở đâu? Thầy không đương làm việc cho ông ấy đấy ư?
Thầy ta đáp, giọng hơi sẵng:
- Vâng, ông ấy trả lương tôi. Tôi không phải là người vong ân.
Kumalo có giọng lạnh lùng:
- Vậy không nên ăn nói như vậy.
Hai người hơi ngượng với nhau, cho tới khi thầy cán sự ôn tồn nói:
- Thưa Umfundisi, tôi đã tận tâm với công việc ở đây. Umfundisi thấy chứ?
- Thấy.
- Tôi tận tâm như vậy là để phụng sự quê hương tôi, dân tộc tôi. Xin Umfundisi hiểu cho như vậy. Tôi không thể tận tâm như vậy vì bất kỳ ông chủ nào được.
- Nhưng nếu thầy không làm cho ông chủ thì lúc này thầy có ở đây không?
- Tôi hiểu Umfundisi. Con người đó tốt và tôi ca tụng ông ta. Nhưng việc không nên xảy ra cách đó.
- Thế thì việc nên xảy ra cách nào?
Thầy ta bướng bỉnh đáp:
- Không phải cách đó.
- Thế thì cách nào?
- Thưa Umfundisi, bọn da trắng để lại cho chúng ta rất ít đất, họ lôi chúng ta ra khỏi đất đai của chúng ta để bắt chúng ta làm công cho họ. Rồi chúng ta lại dốt nát. Chính vì những nguyên nhân đó mà thung lũng này mới điêu tàn. Vậy những việc thiện của người da trắng đó chỉ là một cách đền bù lại thôi.
- Tôi không ưa cái giọng đó.
- Tôi hiểu Umfundisi, hiểu lắm. Nhưng Umfundisi cho tôi hỏi một điều.
- Cứ hỏi.
- Nếu thung lũng này phục sinh lại được như Umfundisi vẫn luôn cầu nguyện, thì theo Umfundisi, nó có thể nuôi được hết người của bộ lạc này không, nếu những kẻ đi nơi khác đều trở về đây hết?
- Điều đó tôi không biết.
- Nhưng tôi biết thưa Umfundisi. Phục sinh lại được thì thung lũng này đủ nuôi những người hiện ở đây, nhưng khi con cái họ lớn lên thì lại không đủ nuôi nữa, sẽ đông quá, một số lại sẽ phải đi nơi khác kiếm ăn.
Kumalo làm thinh, không biết đáp sao. Ông thở dài:
- Thầy thông minh hơn tôi nhiều.
- Tôi xin lỗi Umfundisi.
- Thầy có lỗi gì đâu. Tôi thấy rằng thầy rất yêu sự thực.
- Thưa Umfundisi, tôi đã được một người dạy cho tôi yêu sự thực, một người da trắng. Ông đó bảo: “ Không yêu sự thực thì ngay việc trồng cây cũng không thể có kết quả tốt được ”.
- Ông đó sáng suốt.
- Chính ông ấy cũng dạy tôi rằng: chúng ta làm việc không phải cho chủ mà cho quốc gia, dân tộc. Ông ấy còn bảo: “ Cũng không làm việc vì tiền nữa ”.
Kumalo cảm động, nói:
- Có nhiều người nghĩ như thầy không?
- Thưa Umfundisi, tôi không biết được. Tôi không biết có nhiều người không, nhưng có.
Thầy ta hăng hái, nói tiếp:
- Chúng ta làm việc cho châu Phi, chứ không phải cho người này, người khác. Không phải cho người da trắng hay da đen, mà cho châu Phi.
- Sao thầy không nói là cho Nam Phi?
Thầy ta vắn tắt đáp:
- Nếu nói được thì chúng ta sẽ nói như vậy?
Thầy suy nghĩ một lát:
- Chúng ta nói như trong bài chúng ta hát Nkosi Sikelel’i Afrika.
Kumalo bảo:
- Tối rồi, thôi đi tắm rửa thôi.
Thầy cán sự rất nghiêm trang nói thêm:
- Xin Umfundisi hiểu cho tôi. Tôi không phải là người làm chính trị, tôi không phải là người khuấy động thung lũng của Umfundisi. Tôi chỉ muốn phục sinh nó thôi.
Kumalo cũng nghiêm trang đáp:
- Cầu trời phù hộ cho thầy thành công.
- Dạ.
- Tôi không thể ngăn cản cháu có những tư tưởng đó được đâu, một thanh niên nên có những tư tưởng sâu sắc như vậy. Nhưng cháu đừng nên oán thù ai hết nhé, đừng mong có uy quyền đối với ai hết nhé. Vì một ông bạn tôi đã bảo tôi rằng: uy quyền làm hư hỏng con người.
- Thưa Umfundisi, cháu không oán thù ai hết, không muốn có uy quyền đối với ai hết.
- Vậy thì tốt. Vì ở trên quê hương chúng ta đã có nhiều oán thù quá rồi.
Chàng trẻ tuổi vô nhà để tắm rửa. Ông lão còn ngồi nán lại trong bóng tối. tinh tú bắt đầu lấp lánh ở trên vòm trời thung lũng sắp được hồi sinh này. Ông chỉ mong thung lũng được hồi sinh thôi vì đời ông đã sắp tàn. Ông già quá rồi, không quan tâm tới những tư tưởng mới mẻ lộn xộn đó, nó còn làm ông thêm khổ vì nó đả kích nhiều cái quá. Phải, nó đả kích con người ít nói, nghiêm nghị ở High Place, con người chịu cảnh đau lòng như vậy mà vẫn tỏ lòng nhân từ mực đó. Ông già quá rồi, không quan tâm tới những tư tưởng mới mẻ, lộn xộn đó. Người ta gọi ông và hạng người như ông là chó săn của bọn da trắng. Thì từ trước ông vẫn sống như vậy, nay cũng sẽ sống như vậy cho đến tàn niên.
Ông quay vào nhà với chàng thanh niên.