watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Năm cô gái trường bay-Chương 18 - tác giả Bernard Glemer Bernard Glemer

Bernard Glemer

Chương 18

Tác giả: Bernard Glemer

Tám giờ sáng thứ Hai, chúng tôi đến sân bay gặp cô Duprez, phụ trách chiêu đãi viên của hãng để nhận nhiệm vụ. Chúng tôi đã nghe nói về cô - cô là một trong những chiêu đãi viên đầu tiên của Hãng hàng không quốc tế Magna, từ những ngày hãng mới khai trương. Trông cô nhỏ nhắn, nước da xanh rớt và đôi mắt cô có vẻ ranh mãnh, làm bạn cảm thấy như mình có tội mặc dù bạn biết mình vô tội. Trong văn phòng có một cái cân, và việc trước tiên là cô cân từng người, rồi ghi số cân vào một cuốn sổ nhỏ màu đen. Bắt đầu sự nghiệp cũng khá: tôi thừa 5 pao, Jurgy thừa 7 pao. Tiếp đó, cô cho chúng tôi ngồi và nói cho chúng tôi rõ cô sẽ không cho phép ai chểnh mảng trong việc chăm chút vẻ bề ngoài. Rồi cô tiếp tục giải thích rằng khoảng tuần tới cô chỉ cần hai người trong bọn tôi: chúng tôi là chiêu đãi viên C, nhưng thực ra mới chỉ là tập cho biết việc. Cô xem tấm bản đồ đường bay rất lớn trên tường và giao việc ngày hôm sau. Tôi sẽ bay chuyến 7h30 tới Tampa và New Orleans. Jurgy bay chuyến 8h10 tới Jacksonville, Savannah, Charleston và Washington. Chúng tôi đều phải nghỉ đêm trên đường và thứ Tư sẽ quay về cũng trên chuyến ấy. Thứ Năm chúng tôi được nghỉ. Thứ Sáu và thứ Bảy đổi chéo cho nhau.
Rồi tôi rụng rời chân tay khi cô gọi điện cho bác sĩ Schwartz: "Betty, tôi có hai cô đến nhận việc lần đầu tiên ở đây, Carol Thompson và M.R. Jurgens...cám ơn Betty". Cô quay qua hai đứa tôi và nói nhanh: "Bác sĩ Schwartz đang bù đầu lên vì số học sinh mới, nhưng sau giờ ăn trưa cô ấy sẽ cố gắng kiểm tra cho hai cô. Hãy đến văn phòng cô ấy lúc 1h30".
Tôi làm ra vẻ thờ ơ hỏi: "Cô Duprez, làm thế để làm gì? Tôi muốn nói sao chúng tôi lại phải đến bác sĩ Schwartz?"
"Kiểm tra sức khoẻ"
Lạy Chúa, hình như họ quá chú ý đến vấn đề sức khoẻ. Được thôi, đã chót thì phải chét vậy. Tôi rất nghi ngờ tôi sắp được làm mẹ, chín tháng nữa kể từ tối thứ Bảy trước và chắc chắn chỉ cần nhìn tôi là bác sĩ Schwartz biết ngay.
Lạy Chúa, chị chẳng phát hiện ra điều gì khác lạ trong tôi. Lại còn cười tươi khen: "Sức khoẻ tốt".
Sáng hôm sau, đúng 6h30 tôi có mặt tại sân bay, người run như rẽ và đúng 7h30 máy bay từ chỗ đậu lăn bánh ra đường băng. Chiêu đãi viên A là một cô tóc hung đẹp mê hồn tên là Nan Burham, chiêu đãi viên B là Jill Kerrigan, tóc nâu, xinh xắn và cả hai đều tỏ ra niềm nở với tôi. Tôi không mong gì hơn. Rất may hôm đó máy bay vắng khách, nên cũng đỡ phải chạy ngược chạy xuôi. Thời tiết được báo là tốt, vì vậy theo lời Nan, chuyến bay sẽ dễ chịu chứ không bị xóc, nhồi. Nhưng tôi ngạc nhiên đến bàng hoàng trước hiệu quả công việc Nan và Jill làm. Họ làm tất cả mọi việc một cách dễ dàng. Nan kiểm tra vé, đếm số hành khách, đón chào khách qua hệ thống loa trên máy bay, nhắc nhở và kiểm tra, giúp đỡ buộc dây an toàn, và khi các máy bay cất cánh, bắt đầu chuẩn bị khay ăn. Tôi phụ trách khoang phía trước, phân phát tạp chí cho hành khách, kiểm tra giá để hành lý, v...v... - tức là chỉ đóng vai trò phụ giúp công việc và cố đi lại cho tự nhiên, cố không ngã khi máy bay lắc nhẹ.
Chúng tôi đã bay được khoảng 25 phút, và tôi chỉ làm có mỗi việc là đưa hết tạp chí này đến tạp chí khác cho hành khách. Đúng lúc ấy, Jill đến nói nhỏ vào tai tôi: "Carol, cơ trưởng muốn nói chuyện với cô".
"Ôi, lạy Chúa, tôi có điều gì thất thố ư?"
"Ông ấy sẽ nói cho cô biết".
Trước khi máy bay cất cánh, tôi đã gặp cơ trưởng cùng toàn bộ phi hành đoàn. Ông ta trông giống như thần Apollo, cao to chắc nịch, đôi mắt xanh sắc như mắt diều hâu, môi mỏng, chính là kiểu siêu nhân, mà trước khi lòng tin của tôi vào đàn ông bị đổ vỡ vẫn thường làm tôi mê mẩn tâm thần. Theo một thứ luật bất thành văn, tổ lái và chiêu đãi viên trên một máy bay là một gia đình lớn hạnh phúc, và ngay từ lần đầu mới gặp đã gọi nhau bằng tên riêng. Cơ trưởng sẽ tươi cười bảo: "Chào cô, tôi là Joe Búa bổ", còn bạn sẽ phải trả lời: "Chào Joe, tôi là Betsy Bánh bao", rồi bắt tay, rồi từ đó chỉ gọi nhau là Joe và Betsy.
Nhưng tôi không làm thế được. Tôi không thể xưng hô bằng tên riêng với người cơ trưởng đầu tiên của tôi, có tên là Willard. Tôi hầu như không thể gọi ai là Willard, nhất là vị thần Hy Lạp này lại đang lái chiếc máy bay đầu tiên của tôi. Tôi vào buồng lái và hỏi: "Ông cho gọi tôi?"
Ông ta ngoảnh lại, ngắm tôi từ đầu tới chân: "Ô, chào Carol. Ừ tôi cho mời cô tới". Ông ta đang nhai kẹo cao su, và nhai liên tục đến một phút, trong khi suy nghĩ nên báo tin đó cho tôi thế nào. "Carol ạ, trên máy bay có bộ phận bị trục trặc". "Ồ không!". Tôi nín thở. Hành khách không biết nhưng tôi biết. Tôi đã đem vận rủi đến máy bay này. Máy bay đã bị liệt vào sổ tử ngay từ giây phút tôi bước chân lên máy bay. Tôi hỏi nhỏ: "Có nghiêm trọng lắm không?"
Cơ trưởng nhún vai. Đó là cử chỉ "anh muốn sống mãi" luôn gặp ở các ông cơ trưởng. Ông ta nói ngắn gọn: "Lew, hãy cho cô ấy biết".
Lew là kỹ sư chuyến bay. Cao to, nhưng không được như cơ trưởng. Vừa nói, mắt anh vừa nhìn vào hàng tỷ đồng hồ trước mặt, tay bật mấy cái công tắc. "Hình như hệ thống thuỷ lực của máy bay bị trục trặc. Cô biết hệ thống thuỷ lực là gì chứ?"
Tôi trả lời: "Biết". Thì ra là hệ thống thuỷ lực. Tất cả các máy bay đều có. Bạn mua một máy bay và người ta sẽ lập tức lắp không cho bạn hệ thống thuỷ lực.
"Hình như ống dẫn có chỗ bị tắc. Theo tôi biết, chỗ đó ở phía đuôi máy bay..."
Ông cơ trưởng hỏi xen vào: "Cậu phát hiện ra rồi à? Ở phần đuôi ư?"
Lew cao giọng: "Đúng vậy, Willard ạ. Mấy cái nhà vệ sinh ấy làm hở tuyến nhánh". Anh ta quay sang hỏi tôi: "Cô biết tuyến nhánh là gì chứ?"
"Ôi, xin lỗi. Quả thật ở trường chúng tôi không học về hệ thống thuỷ lực".
"Lạy Đấng chí tôn", Lew thốt lên. "Không biết bây giờ họ dạy các cô gái này cái gì? Họ dạy các cô thế nào chứ?"
"Đừng có nổi khùng lên thế, anh bạn", cơ trưởng nói nhỏ.
"Có Carol giúp, chúng ta sửa được mà". Ông ta ngồi có vẻ đang suy nghĩ, mồm vẫn nhai kẹo cao su. Phi công phụ đang thay ông ta điều khiển máy bay, song tôi có thể thấy hàm ông nghiến chặt.
Cơ trưởng bảo: "Carol này".
"Vâng, thưa ông"
"Chúng tôi sẽ phải trông chờ vào cô để sửa hệ thống thuỷ lực nơi nhà vệ sinh. Cô hiểu chứ?"
Tim tôi đập mạnh: "Ông muốn tôi làm gì?"
"Lew, nói cô ấy biết".
"Áp lực đang giảm", Lew hét lên. "Lạy Chúa, nó đã xuống dưới con số 20".
Giọng cơ trưởng đanh lại: "Đừng cuống lên thế anh bạn. Chúng mình đã qua những chuyện còn nghiêm trọng hơn thế này nhiều. Nói Carol biết phải làm gì đi. Carol, hãy nghe cho kỹ nhé".
"Vâng thưa ông. Tôi đang nghe đây"
Lew nói giọng run run: "Hãy xuống chỗ đuôi máy bay, Carol ạ. Xả nước phòng vệ sinh nữ. Làm cái đó trước. Trình tự này rất quan trọng: phòng vệ sinh của nữ trước".
"Vâng, thưa ông".
"Sau đó vào phòng vệ sinh nam và xả nước. Cô hiểu chứ? Vấn đề là phải bịt chỗ rò trong tuyến nhánh. Cô hiểu chưa?"
"Vâng, thưa ông"
"Tuyến nhánh hình chữ Y, biết chưa?"
"Vâng, tôi nghĩ là tôi biết".
"Thế nhé. Rồi khi đã làm xong bước một, hãy tới chỗ điện thoại nội bộ. Tôi sẽ kiểm tra đồng hồ đo tuyến nhánh. Nếu nó vẫn bị rò, tôi sẽ báo hiệu cho cô. Willard, dùng tín hiệu gì để báo Carol?"
"Năm tiếng chuông. Tín hiệu này chưa dùng cho ai. Dùng nó mà gọi Carol".
"Được", Lew nói. "Carol, khi nghe tín hiệu năm tiếng chuông, cô lại vào các phòng vệ sinh này và làm như ở bước một. Nhưng cô phải làm nhanh. Và vì Chúa, cô hãy nhớ giữ đúng trình tự trên. Nếu cô xả nước phòng vệ sinh nam trước, nước sẽ dềnh lên và ngập luôn máy bay đấy".
Tôi đáp: "Tôi sẽ nhớ. Phòng vệ sinh nữ trước, phòng nam sau. Lạy Chúa, ngộ nhỡ có ai đang ở trong phòng vệ sinh nam thì sao?"
Cơ trưởng nghiêm giọng: "Carol, bây giờ không phải lúc để giữ phép lịch sự nữa. Lew, còn gì nữa không?"
Lew có vẻ hoài nghi: "Willard này, cô ấy vừa mới làm, chưa quen với việc như thế này. Liệu ta có thể tin tưởng cô ấy được không?"
"Chúng ta phải tin cô ấy", Willard độp ngay. "Các cô khác còn đang bận phục vụ hành khách, đúng không? Chúng ta phải trông cậy ở Carol, cô ấy là hy vọng duy nhất của chúng ta. Cô bé! Cô có thể làm được việc ấy chứ?"
"Thưa ông, tôi sẽ hết sức cố gắng"
"Khá lắm. Thôi đừng phí thời gian nữa. Hãy làm ngay đi".
Tôi vội vã đi về phía đuôi máy bay. Nan và Jill đang ở trong khoang bếp. Jill hỏi: "Có chuyện gì thế, Carol?"
Tôi đáp nhỏ: "Ống nhánh bị rò"
"Thôi chết!"
Phòng vệ sinh nữ không có người. Tôi xả nước. Phòng vệ sinh nam đang có người ở trong. Tôi sốt ruột đứng đợi. Người đàn ông bước ra nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên và tôi vui vẻ giải thích: "Máy bay có chỗ bị rò chút xíu, không có gì nghiêm trọng đâu ông ạ". Tôi xả nước phòng vệ sinh nam. Không biết tôi có tưởng tượng không, nhưng tiếng động cơ bỗng nghe êm hơn.
Tôi đến đợi cạnh điện thoại nội bộ. Một phút sau, có tín hiệu năm tiếng chuông. Tôi lao vào các phòng vệ sinh và làm lại động tác ở bước một. Việc này làm tôi thấm mệt, nhưng không còn thời gian mà nghĩ đến chuyện đó. Tôi vội vã trở lại máy điện thoại nội bộ và đợi đúng 5 phút. Lạy Chúa, tốt rồi. Lỗ rò đã được khắc phục! Ống nhánh chữ Y đã thông như trước. Tôi quyết định giúp Nan mang đồ uống cho hành khách, nhưng đúng lúc tôi đang đưa cà-phê cho một ông già dễ thương ria mép bạc trắng thì chuông lại reo 5 tiếng. Lần thứ ba tôi lại chạy vào phòng vệ sinh. Rồi trở lại điện thoại nội bộ. Rồi lại lao vào phòng vệ sinh.
Suốt đoạn đường đến Tampa, cái ống nhánh chữ Y chết giẫm ấy cứ rò rỉ hoài, nhưng ít ra chúng tôi cũng đã khắc phục được. Theo chỗ tôi biết, không một ai trong số hành khách trên máy bay biết gì về cái điều khủng khiếp mà chúng tôi đã phải trải qua. Chỉ mãi đến khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi mới nhận thấy Jill đang lấy tay che mặt, liếc nhìn tôi cười chảy nước mắt. Rồi cô ta bỏ tay ra, người rung lên vì cố nén cười, và tôi hiểu ra rằng tôi đã bị lừa.
Suốt đoạn đường còn lại, hai cô gái đối xử với tôi rất thân mật và họ kể cho tôi về việc trong chuyến bay đầu tiên, hầu như các cô chiêu đãi viên mà họ biết đều bị lừa kiểu ấy. Nói chung đều về chuyện phòng vệ sinh. Đàn ông bao giờ cũng thế. Nan và Jill nói với tôi điều đó như một châm ngôn. Và tối hôm đó ở New Orleans, Willard và Lew đưa tôi đi ăn tại một khách sạn Pháp rất tuyệt, rồi mỗi người tặng tôi một nhánh phong lan. Willard bảo tôi làm ăn khá lắm và ông ấy quý tôi. Lew bảo cũng quý tôi lắm và tôi làm ăn được. Còn tôi thì bảo họ đúng là đồ chó đẻ, song tôi rất quý họ vì suốt đời tôi chỉ thích toàn đồ chó đẻ. Thế là mỗi người cầm một tay tôi, vỗ về tôi một cách âu yếm và nói: "Thôi thôi, mọi sự như vậy là tốt đẹp cả". Hôm sau thứ Tư chúng tôi bay về Miami không gặp sự cố nào và nói chung tôi không thấy bực mình vì cái vụ trên - tôi đã có mấy người bạn mới. Tôi cần có bạn mới, còn những người bạn cũ của tôi đang rơi dần vào quên lãng.
Jurgy về phòng sau tôi độ 2 tiếng. Chuyến đi của nó không có gì đặc biệt, trừ việc có hai hành khách nam cố tán tỉnh nó. Hẳn là họ đã đi mà không dắt theo chó dẫn đường cho người mù. Mặt khác, ông cơ trưởng và tổ lái vui tính trên máy bay không chơi cái trò trẻ con như trên máy bay của tôi. Tôi nghĩ họ biết khi nào nên thận trọng.
Thứ Năm chúng tôi được nghỉ. Thật cũng may, bởi vì sáng hôm đó tôi phát hiện ra là mình vẫn chưa phải làm mẹ. Lạy Chúa, chưa bao giờ trong đời tôi lại vui như thế, đến nỗi Jurgy sợ quá định mời bác sĩ Schwartz tới. Song chẳng đáng làm như vậy. Tôi vừa thấy kinh khủng mà lại vừa cảm thấy tuyệt vời. Ít ra thì nếu bác sĩ Ray Duer sau này có lúc nào lại xuất hiện, tôi sẽ chẳng phải giải thích dài dòng về thằng nhóc mắt xanh ngồi trong xe đẩy diễn trò bằng những quân bài.

*

Chúng tôi làm trên máy bay động cơ cánh quạt 6 tuần, khi bay đường Washington, khi bay đường New Orleans, và cũng quen dần, tuy chậm nhưng chắc chắn. Về khoản này Jurgy vượt xa tôi, song tôi bắt đầu đuổi kịp nó. Tôi bước ra máy bay nhanh nhẹn nhưng không vội vã, biết chính xác cần phải làm gì khi lên máy bay. Diều lý thú nhất là so sánh một Carol Thompson mới chỉ hai tháng rưỡi trước đây với một Carol Thompson là tôi bây giờ; con người bên trong của tôi ít nhiều đã vững vàng thêm, đã cứng cáp hơn. Điều đó không có nghĩa là Thompson của ngỳa hôm nay thanh khiết hơn Thompson của ngày hôm qua ở phố Mac Dougal. Nhờ trời, vẻ ngoài của tôi không đến nỗi trở nên gân guốc chỉ có bên trong là đặc lại như một chú tôm hùm. Thực ra, tôi đâu có sung sướng gì ghê gớm và con người tôi chắc chắn là chưa hoàn chỉnh, bởi vì phụ nữ không ai hoàn chỉnh nếu không có đàn ông ở bên cạnh. Mà tôi thì lại không có được một người đàn ông với mình. Hơn nữa, khả năng đó xem ra ngày càng xa vời, vì một tối Jurgy về phòng thông báo là hôm ấy ông Garrison đi chuyến máy bay của nó, và ông cho biết Ray Duer đã trở lại trường Đại học Nam Carolina để nghiên cứu thêm về việc đào tạo đội bay cho các máy bay siêu âm. Tôi phải thú nhận nghe xong lòng tôi tan nát và tôi đã khóc đứng khóc ngồi trên giường. Rõ ràng tôi vẫn còn yêu Ray Duer, song tôi vẫn chưa thể tha thứ cho những gì anh làm đối với Donna.
Ngoài việc đó ra, cuộc sống nói chung khá tốt đẹp. Thật tuyệt vời khi có được căn phòng trông ra lạch nước Indian, vừa nấu ăn vừa nghe nhạc và bạn bè lui tới thăm chơi. Nắng Florida, cũng như biển Florida đều tuyệt diệu. Và tất nhiên còn có niềm vui là được bay, lần nào cũng thế.
Rồi sau khi bay trên máy bay động cơ cánh quạt được 6 tuần, chúng tôi trở về trường đánh vật với kỳ huấn luyện làm việc trên máy bay phản lực trong 4 ngày.
10 ngày cuối khoá huấn luyện cơ bản, chúng tôi đã học về máy bay Boeing 707, nhưng theo tiêu chuẩn của Magna, như thế vẫn chưa đủ. Chúng tôi phải học lại kỹ toàn bộ những việc phải làm: quản lý khoang nhà bếp, cách thức phục vụ hành khách, và lại học mãi, học nữa các biện pháp cứu trợ khẩn cấp. Rồi thiểu năng tuần hoàn não, sự sụt giảm áp lực không khí, rồi ôxy, ôxy và ôxy. Cô giáo mới là một cô tóc đen đẹp tuyệt tên là Ann Shearer. Cô đã làm trên máy bay phản lực trong hai năm vừa qua. Cô cho chúng tôi biết rõ làm việc trên máy bay phản lực bay ở độ cao 30 000 fut khác xa trên máy bay động cơ cánh quạt bay ở độ cao 15 000 fut. Hành khách cảm thấy tuyệt vời, song tổ bay lại vất vả hơn nhiều. Tốc độ bay rất lớn nên có thể nói bạn cũng phải tăng tốc độ làm việc của mình mới kịp. Chẳng hạn từ Miami đi New York chỉ có 2h30'', và trong khoảng thời gian ấy, 4 cô gái phải chuẩn bị và phục vụ bữa ăn cho 112 hành khách, rồi phải đưa rượu và đồ uống, tạp chí cho họ, trả lời các câu hỏi, dỗ dành trẻ con, tìm cách thoát khỏi những gã đa tình tán tỉnh, và để mắt xem có ai mặt mày bỗng dưng xanh xám hay không.
Betty Schwartz nói rất kỹ về các khía cạnh y tế khi bay ở tầm cao, và trước khi đi vào bài giảng, chị ấy bảo một số vấn đề mà chị sắp đề cập đến thường là lĩnh vực của bác sĩ Duer, nhưng rất tiếc anh đang phải làm một số việc nghiên cứu ở Nam Carolina. Tôi tin cũng chỉ là vô tình, nhưng khi nói điều đó, chị liếc nhanh nhìn tôi, và tôi cảm thấy mặt đỏ như gấc, người toát mồ hôi hột. Bất cứ ai không bị mù hẳn đôi lúc đều thấy tôi vẫn còn nặng tình với cái lão chết tiệt ấy. Nhưng nặng đến mức nào với cái người mà cuối cùng bạn đã cắt đứt và không có cơ cứu vãn được nữa?
Hai ngày sau khi học xong, chúng tôi bắt đầu làm việc trên máy bay phản lực. Cứ như trong mơ. Chúng tôi đã được nói trước công việc rất vất vả, song cũng không sao, bởi một lẽ là chúng tôi đã được tập dượt kỹ, đã thạo việc, và thêm nữa tôi và Jurgy được bay cùng chuyến. Loại máy bay này có hai khoang theo cách nghĩ của chúng tôi: khoang phía trước và khoang phía sau. Mỗi khoang đều có bếp, phòng vệ sinh riêng và hai chiêu đãi viên phụ trách. Chiêu đãi viên A và B phụ trách khoang phía trước , C và D phụ trách khoang phía sau, thường là khoang ghế hạng ba. Thông thường thì như vậy, song cũng có khi cả chuyến toàn vé hạng nhất. Tôi và Jurgy là người mới, tất nhiên đảm nhận phần việc của B và D.
Thật là thích hợp khi được bay tuyến Miami - New York. Tại New York chúng tôi có thể xem các buổi biểu diễn ở Broadway và mua sắm trong các cửa hàng lớn. Còn ở Miami, chúng tôi có nhà riêng, ánh mặt trời, biển và bè bạn. Tôi đoán đây là lần đầu tiên Jurgy thực sự có căn phòng riêng của mình, vì thế nó cứ phát rồ lên, luôn ở nhà làm những chiếc bánh nhân thịt rất cầu kỳ, hoặc nướng những tảng thịt bò to tướng, nên nhiều lúc không biết kiếm đâu ra cho đủ người ăn hết những thứ mà nó bày ra. Bãi biển Miami không phải là nơi đầy rẫy những người đói rách, và ít khi bạn có thể gặp được ai mà cho luôn cả tảng thịt quay 6 pao và bảo: "Này người anh em, cái này sẽ có ích cho anh". Nếu cuối tuần chúng tôi ở nhà thì còn có Luke giúp sức, ông ăn bằng cả 10 người. Thỉnh thoảng ông kéo thêm một vài người bạn, toàn những ông cao to lực lưỡng cùng là dân chăn nuôi bò cả và lạy Chúa, trông họ ăn mà khiếp. Họ chén sạch đến cả chân bàn. Hai vợ chồng ông Garrison đến ăn tối, cả Peg Webley cùng chồng chưa cưới - một người rất có duyên và hợp với cô ấy cũng đến chơi. Cả Janet Pierce, Ann Shearer và Betty Schwartz, một trong những bạn thân nhất của tôi cũng đã đến, v...v... Tôi rất vui, song với Jurgy còn hơn thế nữa - nó là giấc mơ biến thành hiện thực, giống như đêm vũ hội của cô bé Lọ Lem.
Thỉnh thoảng tôi cũng gặp lại người quen cũ. Một hôm Bob Keeler, anh chàng trung uý không quân đẹp trai mà tôi đã có lần cùng đi tới sân jai-alai đi trên chuyến bay của tôi. Jurgy và tôi đi uống cà-phê với anh ta ở Idlewild và anh cho biết có gặp Elliot Ewing đi với Donna mấy lần ở New York sau khi cô nàng rời khỏi Charleroi, nhưng rồi cô ấy bỏ rơi anh chàng để đi với người (hoặc những người) đàn ông khác. Lần cuối cùng anh ta nghe nói cô ấy ở khách sạn Sherry Netherland và đó là tất cả những gì anh ta biết về cô ấy. Anh ta có vẻ bực bội, bảo ví dụ có lần vì Donna, Elliot đã choảng nhau với một tay anh chị ở Miami và suýt toi mạng - ít ra nửa hàm răng của anh ta đã phải cạp lại. Tôi cố không nghĩ đến chuyện này - nó làm sống lại cuộc ẩu đả ngày nào cũng chẳng có ích gì. Chiều hôm ấy tôi gọi điện đến khách sạn Sherry Netherland, song họ nói không có ai ở đó tên là Donna Stewart cả. Họ tra sổ và được biết cô ta đã rời khách sạn trước đó 2 tháng, không để lại địa chỉ nơi sắp tới. Họ có vẻ không hài lòng, còn tôi những muốn khóc.
Bob có vẻ vẫn còn quyến luyến tôi lắm. Anh ta hỏi khi nào có thể gặp lại tôi và tôi trả lời không lấy gì làm hào hứng: "Một ngày nào đó". Theo cách nhìn của tôi, thế giới đang xảy ra chuyện lạ lùng: con trai ngày càng trẻ ra, còn tôi ngày càng già đi và tôi không thể gặp gỡ người đàn ông cùng lứa được. Bob rõ ràng là quá trẻ, ngay lúc anh ta bắt đầu nói chuyện văn chương.
Song nhìn chung, tôi thấy cuộc sống rất vui, và tôi không thể tưởng tượng tôi có thể làm việc gì khác ngoầi công việc hiện nay. Chỉ buồn một nỗi là thiếu vắng đàn ông, mà nói tóm lại là thiếu vắng Ray Duer, và tôi hy vọng thời gian sẽ xoá nhoà dần việc đó. Có thể lắm.
Năm cô gái trường bay
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23