Chương 9
Tác giả: Bernard Glemer
Tôi không nhớ chúng tôi đã nói những chuyện gì trong lúc ngồi uống cà-phê với nhau. Tôi nghĩ ông có nói đến trường đại học Nam California là nơi ông đã tiến hành việc nghiên cứu, còn tôi nói về Bryn Mawr, về bố tôi và về thời gian sống ở làng Greenwich. Luồng điện giữa hai người ngày cnàg mạnh hơn, tôi trở nên hứng chí cao độ, đến nỗi hút liên tục 8 điếu thuốc liền. Tôi bị kích thích chỉ vì ngồi cạnh ông, được nhìn ông và nghe ông kể về mình. Nội tâm cũng như ngoại diện của tôi bừng sáng lên vì phấn khích. Tôi lo lắng vì không biết làm thế nào kiềm chế được những gì đang bùng cháy trong tôi và bên ngoài con người tôi. Ông cũng đốt thuốc liên tục, nói năng nghe có vẻ vẫn điềm tĩnh, vẫn tự chủ, nhưng không thể giữ được vẻ xa cách. Ông không dám nhìn thẳng mắt tôi, không dám nhích gần hay kéo ghế ra xa ghế tôi; ông ít khi dám cử động đôi tay. Ông muốn vượt qua hàng rào tiếng động, qua lời thề của tín đồ Freud hoặc đại loại như vậy và hẳn ông cũng cảm thấy tôi muốn có ông. Thế nhưng ông không dám liều, ít ra là ở đây, bên cạnh bể bơi này, khi có hàng chục cô gái khác đang ngồi xung quanh và cả chục khách ở khách sạn đang ngồi tu rượu Scotch ừng ực. Chúng tôi ngồi, mặt đối mặt, trong khi luồng điện hàng nghìn vôn sẵn sàng phóng qua lại giữa hai chúng tôi, và ông ta nén lòng làm người công dân mẫu mực, còn tôi cũng phải kìm mình lại làm một vật được gói trong bộ đồ tắm một mảnh màu đen này. Làm như vậy đã là khó chịu đối với tôi, song với ông chắc còn khó chịu hơn nhiều. Thật là một đòn choáng váng khi bạn là một chuyên gia tâm lý học, bỗng dưng phát hiện ra rằng cái môn sinh vật học đối thủ của mình đã lôi được bạn vào vòng cương toả của nó.
Chúng tôi hút hết cả bao thuốc, và ông bảo người bồi bàn màng đến hai bao mới, một cho tôi, còn một cho ông. Ở khách sạn Charleroi người ta không đưa thuốc đến một cách dễ dàng như thế. Nó phải được đưa tới một cách lịch sự, tức là được để trên một chiếc khay, do một cô gái ăn mặc như một quận chúa thế kỷ 18 mang. Nhưng ông cũng chẳng để mắt đến cô ta. Ông chỉ nhìn thoáng qua, đặt tiền vào khay và bảo tôi: "Cô có muốn ra biển dạo một chút không?"
Tôi gần như khóc khi trả lời ông: "Bác sĩ Duer, đã quá 10h30, tôi nghĩ phải trở về phòng"
"Một phút thôi", giọng ông nghiêm trang.
"Thưa ông, vâng"
"Đừng gọi tôi bằng ông nữa"
Chân tôi run bắn lên: "Thưa ông, không được"
Chúng tôi đi khỏi khu vực bể bơi, qua những mảnh vườn thơm ngát mùi hoa trên đường ra biển, với bao đèn lồng kiểu Trung Quốc treo riêng cho tôi, vì đối với tôi đây thực là đêm hội. Rồi chúng tôi bước bên nhau trên bờ cát lạnh, bóng tối bao trùm không gian im ắng và cả ngàn tỷ vì sao đang vì tôi chiếu sáng. Tôi bỏ quên áo choàng, ông cũng vậy, thậm chí còn quên cả cặp kính đang nằm trên bàn, cạnh chiếc gạt tàn đầy đầu mẩu thuốc lá. Và khi chúng tôi đi dọc mép nước, cánh tay trần của ông cọ xát tay tôi, và tôi cảm thấy như có một luồng điện mạnh truyền suốt nửa người duới. Xuống tới bờ nước, chúng tôi dừng lại, nhưng giá ông còn đi tiếp, chắc chắn tôi vẫn ở bên ông cho đến khi chúng tôi tới tận bờ biển châu Phi. Song chúng tôi dừng lại sát bên nhau, im lặng nhìn mặt nước lấp lánh vươn dài ra xa và ông vẫn nói bằng giọng nghiêm trang ấy: "Đẹp quá, phải không nào?"
"Đẹp quá"
Rồi không quay về phía tôi, ông gọi: "Carol"
"Vâng, thưa ông"
Ông xoay người giận dữ: "Tôi đã nói cô đừng thưa ông với tôi"
"Ôi lạy Chúa, tôi quên mất rồi. Tôi sợ quá"
"Cô sợ cái gì?"
Tôi có thể trả lời là "rắn, cá sấu", nhưng lại nói:
"Bản thân tôi"
"Cô nói thế nghĩa là sao?"
"Tôi...tôi cũng chẳng biết nữa"
"Mẹ kiếp! mẹ kiếp! khó quá. Cô cũng biết khó quá, đúng không?"
"Vâng, thưa ông"
"Đừng gọi tôi là ông"
"Tôi không biết gọi ông bằng gì. Đừng quát tôi, xin ông đừng quát tôi. Tôi đúng là không biết gọi ông bằng gì"
"Tên tôi là Ray"
"Ray"
"Ở trường, cứ gọi tôi là bác sĩ, nếu cô có điều gì cần nói với tôi khi Garrison đang ở bên cạnh. Đừng bao giờ thưa ông cả"
"Vâng thưa ông. À vâng, Ray ạ"
"Mẹ kiếp", ông thề. "Quỷ bắt mọi thứ đi. Chúng ta nên quay lại"
Tôi không nhúc nhích được.
"Cô nghe tôi nói chứ?", ông hỏi tôi. ''Chúng ta nên quay lại"
Người tôi như hoá đá, triệu triệu vì sao đang chiếu sáng trên cái xác tôi.
Ông cầm tay tôi và nhắc lại lần thứ ba: "Chúng ta nên trở lại", như thể ông báo cho tôi biết nếu tôi ở lại có thể gặp chuyện tai hại. Rồi ông nói, giọng điên lên vì tức giận: "Tôi không hiểu tại sao lại có chuyện quái quỷ này. Tôi không thể không nghĩ tới cô suốt từ..." Ông không nói hết câu, người ông run lên vì bực bội, giống như tôi run lên vì sợ và phấn khích. Và đột nhiên Hãng hàng không quốc tế Magna không còn tồn tại; vì cơn giận dữ của ông, Ban giám đốc trường không còn tồn tại, trường huấn luyện nữ chiêu đãi viên và cảnh sát công ty này không còn tồn tại. Ngay cả triệu triệu vì sao kia cũng biến mất, chỉ còn Ray và tôi trên đời này, đang đứng ôm chặt nhau trong cơn lốc cuồng say tột đỉnh. Cánh tay anh rắn chắc, rắn chắc hơn cả tôi đã hình dung, môi cũng rắn chắc, còn đôi bàn tay hình như quá khoẻ. Tôi cảm thấy trong tôi là cả một biển máu. Tôi không thể tin được tình yêu lại có thể mạnh mẽ thế, mãnh liệt thế và cũng đau đớn đến thế, nhưng đồng thời tôi lại muốn nó tăng cường độ, mạnh mẽ hơn, mãnh liệt hơn, tàn bạo hơn, cho tới khi tim tôi hoá thành tim anh, miệng tôi biến thành miệng anh. Đó chính là những gì tôi muốn, hoà với anh làm một, không còn tôi mà chỉ còn anh và sự tồn tại của anh. Một nụ hôn. Một nụ hôn của người đàn ông mà tôi còn chưa biết hết, một người xa lạ, thế mà tôi đã muốn có ngay chuyện biến đổi này.
Rồi các vì sao lại trở về, cùng với Hãng hàng không quốc tế Magna và tôi nghe anh bảo: "Ôi lạy Chúa, tôi điên mất rồi"
"Ray"
Anh nhìn tôi, hoảng hốt: "Anh thật điên rồ, em ạ. Anh đã hoàn toàn mất trí"
"Không đâu, Ray..."
Nghe anh hầm hừ giọng là lạ, cứ như anh đã cố cười và đồng thời lại cố nén lại. "Em đã nghĩ việc Alma Di Lucca ăn mặc như thế đến phòng anh sẽ thành chuyện rắc rối. Lạy Chúa lòng lành, em có nghĩ chuyện này sẽ rắc rối thế nào không?"
"Ray, anh đừng lo lắng nữa"
"Anh không thể có chuyện yêu đương với một học sinh của trường được", anh nói, giận sôi sùng sục. "Không thể được, đó là chuyện không thể được"
Tôi lùi xa anh và bảo: "Bác sĩ Duer, chẳng lẽ tôi chỉ là cô học sinh bé nhỏ đang bước vào cuộc tình vụng trộm với ông thôi ư?"
Anh gắt lên: "Anh đã nói với em rồi, đúng không? Anh đã nói rồi, anh không thể không nghĩ đến em từ cái đêm anh thấy em trong phòng ăn của khách sạn, từ cái buổi em bị gọi lên gặp Garrison, từ sáng qua, khi anh gặp em tai văn phòng. Hình ảnh của em lúc nào cũng choán hết tâm trí anh''
"Anh hãy hôn em nữa đi"
"Cái gì?"
"Nào, anh hãy hôn em nữa đi. Nào!"
Anh túm chặt tay tôi, như thể tôi vừa trốn khỏi nhà thương điên và bảo:"Thôi, ta về đi'"
Tôi muốn nói thật rõ với anh tôi cũng không thể không nghĩ về anh, tôi yêu anh với tất cả tấm lòng, tôi muốn anh hôn tôi trong ánh sáng của muôn triệu vì sao, rằng tôi không thể sống không có những nụ hôn của anh, và cơ thể anh kề sát bên tôi. Song anh bước rất nhanh trên cát, tay vẫn túm chặt tay tôi, đến nỗi tôi phải chạy mới theo kịp được anh.
Anh dừng lại khi về đến khu vườn treo đèn lồng Trung Quốc, quắc mắt nhìn tôi và nói: "Carol"
"Ray..."
"Không được để chuyện này xảy ra lần nữa"
Lòng tôi tan nát. Anh nói thật nghiêm khắc, thật mạnh mẽ. Tôi bảo: "Ray, anh không thực bụng nghĩ như thế"
"Anh nghĩ thế đấy. Lúc này ta hãy xa nhau. Không được tái diễn. Làm thế không công bằng đối với những người khác"
Tôi đáp: "Thưa ông, thế cũng được"
"Đừng gọi bằng ông"
Đột nhiên nỗi tức bực của tôi bùng lên. Những cảm xúc cay đắng về ông ta dâng trào trong tôi. Tôi hét lên: "Tôi còn biết gọi ông là cái quái gì được. Ông là bác sĩ tâm thần vĩ đại quá, cao đạo quá, đâu có thể yêu một con bé học sinh thấp hèn như tôi được? Vậy thì tôi còn biết gọi ông là thế nào nữa, thưa ông"
"Carol..."
Tôi không đợi ông ta nói hết câu. Tôi lao về bể bơi, nhặt áo choàng và các thứ khác, rồi về phòng 1412.
Trong suốt 3 tiếng liền sau đó, tôi vùi mình (vùi theo đúng nghĩa đen của nó) vào những bí ẩn của máy bay Martin 404. Ít ra nó cũng còn là điều thực. Ít ra cái bình cứu hoả còn là vật thực, trong khi bác sĩ Duer chỉ là một bóng ma. Một nụ hôn, thế là hết.
*
Buổi sáng chúng tôi làm bài kiểm tra (Donna được 100, Alma được 90, còn tôi, thật đáng buồn, chỉ được 85, điều này khiến cô Webley nhìn tôi với vẻ rất nghiêm). Rồi ngay sau đó, chúng tôi học bài đầu tiên về phòng chữa cháy. Hoả hoạn không phải xảy ra thường xuyên trên máy bay, nó cũng giống như ở nhà. Chẳng hạn, một nhà kinh doanh nào đó vì mỏi mệt ngủ thiếp đi trong khi đang đọc báo và hút thuốc, thế là có thể gây cháy làm hành khách hoảng sợ. Vì vậy, chiêu đãi viên phải biết cách xử lý trong những trường hợp có sự cố nhỏ kiểu như thế. Cô ta không thể gọi trạm cứu hoả, cô ta chính là trạm cứu hoả.
Giáo viên là một ông già hiền lành. Ông giải thích cho chúng tôi các bước phải làm, các loại hoả hoạn và cách xử lý. Sau đó chúng tôi kéo ra một góc sân bay (ở ngay cửa sau của trường, thật là tiện), ở đó, ông chỉ cho chúng tôi cách sử dụng bình chữa cháy. Ông đốt một đống lửa nhỏ, chốc chốc lại tưới dầu vào để giữ nó cháy đều, và chúng tôi lần lượt dập tắt. Ác một nỗi, gió cứ vài phút lại đổi hướng làm chúng tôi cứ phải chạy quanh đống lửa cho đúng hướng, nhưng tai hại nhất là nó làm váy áo chúng tôi tốc ngược lên tận đầu, nên trông chúng tôi cứ như đang tập điệu nhảy can-can. Cô Webley bảo: "Các cô, tới đây các cô phải mang quần áo để sẵn trong ngăn, phòng khi cần dùng đến trong các buổi tập ngoài trời thế này. Trong các chuyến bay tập, nên mặc quần áo thì hơn. Các cô đều biết, nói chung phi công cũng là con người như mọi người khác.''''
Hôm nay là thứ 6, ngày cuối của tuần đầu ở trường. Bữa trưa chúng tôi ăn cá, không phải vì lý do tôn giáo, mà vì chỉ có thế; và tôi cũng chưa thấy cá lần nào kể từ lần cuối cùng gặp Tom Ritchie cách đây gần hai tháng. Donna thốt lên: "Ôi, cá'''' cứ như đó là món sơn hào hải vị không bằng, còn Alma phải ăn vì lý do tín ngưỡng, mặc dù rõ ràng nó ghê tởm món ấy. Ba đứa chúng tôi ngồi cùng bàn, với những khúc cá vàng xộm là lạ để trước mặt, băn khoăn tự hỏi không biết là loại cá gì. "Cá tuyết", Alma bảo, còn tôi và Donna thì chịu. Nhân đây chúng tôi nói chuyện phiếm. Donna làm ra vẻ vô tình hỏi tôi:
"Tuần này cậu có dùng chiếc Chevrolet không?"
"Không"
"Tớ dùng nó được không?"
"Donna, cậu không phải hỏi tớ. Cậu cứ việc"
"Tớ hỏi cô Webley về chuyện đi chơi xa vào cuối tuần. Cô ấy bảo là được"
Alma hỏi: "Cậu định bỏ khách sạn xinh đẹp này ư? Tại sao?"
"Tớ có mấy người bà con hiện ở Palm Beach, bao nhiêu năm rồi tớ chưa gặp họ. Tớ nghĩ nên cố thử tìm xem họ ở đâu''"
Thời gian còn lại chúng tôi mệt nhoài vì phải học cách ghi Nhật ký chuyến bay, vào sổ các chi phí cần thanh toán của từng ngày và các thủ tục khác có liên quan. Về đến khách sạn, tôi mệt bã cả người. Tôi nằm vật ra giường, cảm thấy thương thân. Alma nằm ở giường theo đuổi những ý nghĩ riêng theo kiểu Ý của nó, còn Donna đang loay hoay sắp xếp quần áo cho chuyến đi cuối tuần. Cửa thông hai buồng để ngỏ, tôi nghe tiếng Annette nói chuyện với Jurgy nhưng không nghe rõ họ nói chuyện gì, vả lại tôi cũng chẳng muốn biết.
Tôi đang thiu thiu thì Donna đến chỗ tôi ngồi, ngần ngừ một lát rồi bảo: "Lạ thật"
"Lạ cái gì?"
Nó cầm cái xắc mở sẵn ở tay, nhìn các thứ bên trong như thể đang cố tìm gì đó, rồi nhìn tôi với vẻ là lạ, và nói nhỏ: "Carol, tớ có cuộn tiền trong này chứ nhỉ?"
"Cuộn tiền nghìn hai đô ấy à?"
"Nghìn mốt. Số tiền lẻ mình để trong ví- 100 đô mình mua đồ ăn còn thừa họ trả lại ấy, nhớ không?" Cô ta nhìn tôi vẻ tuyệt vọng. "Chỗ nghìn mốt ấy không có trong này".
"Thôi chết"
"Không sao", nó nói và đứng dậy. "Chỗ tiền lẻ còn lại cũng đủ"
Tôi cũng vùng dậy: "Gượm đã. Cậu để túi này ở đâu?"
"Trong tủ. Tớ để đó suốt cả tuần"
"Hai chiếc nhẫn kim cương còn chứ?"
"Còn. Thôi khỏi lo đi Carol, rồi sẽ tìm ra mà."
Người tôi nổi gai ốc. Tôi gọi to: "Annette, Jurgy, các cậu ra đây một lát được không?"
Donna bảo: "Carol, cậu làm gì thế? Để cho hai cậu ấy yên nào".
Annette và Jurgy ra. Tôi bảo: "Các cậu, Donna không biết để cuộn tiền 1100 đôla ở đâu"
Jurgy sững người, mặt trắng bợt.
Annette mếu máo nói: "Donna, cái đêm ba đứa mặc áo dạ hội xuống nhà ăn ấy, nhớ chứ? Cậu để các thứ lung tung trên giường, tớ gom tất cả lại và nhét vào cái xắc cậu đang cầm. Sau đó tớ cất vào tủ cho cậu như hôm ấy tớ hứa".
Donna bảo: "Tớ biết, nhưng cả tuần tớ không sờ đến cái xắc. Mà thôi các cậu, dẹp chuyện đó đi, rồi sẽ tìm thấy thôi. Tớ chẳng lo lắng gì cả".
Tôi nói: "Mình thử tìm trong tủ, biết đâu tiền chẳng rơi ra đấy"
Donna cười: "Tớ tìm trong tủ rồi"
"Cậu đã xem các túi khác của cậu chưa?"
"Tớ chỉ có cái túi trắng hàng ngày xách đến lớp và hai cái nữa để trong tủ"
"Chúng mình kiểm tra các túi ấy xem"
Chúng tôi lục tung tất cả các túi của cô ấy, kiểm tra các ngăn kéo tủ. Cả ba chúng tôi, Donna, Annette và tôi, lục lọi tìm kiếm khắp chỗ, cho đến khi mệt nhoài, mặt xanh như tàu lá. Jurgy đứng quay lưng vào tường nhìn chúng tôi, còn Alma nằm trên giường, hoàn toàn không để ý gì đến những việc diễn ra xung quanh.
Donna bảo: "Nói thật, Carol ạ, chúng mình đang làm một công việc vô ích, lãng phí thời gian. Tiền chỉ có thể ở trong cái xắc này. Nếu không có trong xắc tức là mất"
Tôi bảo: "Thế thì chúng mình phải báo cáo lại việc mất tiền"
''''Báo cáo là sao? Báo cáo ai?"
"Ông Courtenay"
"Việc gì phải làm to chuyện lên thế?"
Tôi đáp: "Người của khách sạn có thể vào phòng này trong lúc chúng ta đi học"
"Đừng có điên", Donna bảo. "Tớ không phải báo cáo với ai hết. Dẹp đi được chứ?"
Jurgy không nói một lời. Tôi bắt gặp nó nhìn tôi rồi lập tức nhìn xuống đất, quay lưng đi về buồng. Nhưng tôi vẫn nhớ vẻ mặt nó lúc ấy. Nó vừa tái nhợt, vừa nhơn nhơn đầy vẻ thách thức làm tôi chết khiếp.
Tôi nói: "Donna, thôi được tuỳ cậu"
"Có báo cáo thì cũng ăn thua gì? Courtenay thể nào cũng thuê người tìm kiếm, hoặc đại loại như vậy là cùng. Thôi cậu, mấy đồng bạc ấy mà".
"Mấy đồng bạc là thế nào?" Annette hét lên. "1100 đô, cả một gia tài chứ ít đâu''''
Alma ngáp. Nó nằm duỗi dài, tay bắt sau gáy, trông như cô vợ được sủng ái của quốc vương Ả rập, hỏi với giọng bực bội: " Này, có chuyện gì mà ồn ào thế hả?"
Annette cáu kỉnh trả lời: "Cậu không nghe thấy sao? Lạy Chúa, chắc cậu điếc. Donna để nghìn mốt trong xắc, bây giờ không thấy đâu"
Alma lại ngáp.
Tôi gọi: "Alma"
Nó lờ đi như không nghe thấy.
"Alma!"
Nó nhìn móng tay của mình.
Tôi bước lại gần giường, cúi người, quắc mắt nhìn. Nó vẫn tiếp tục ngắm móng tay. Tôi bảo: "Alma, cậu có biết cuộn tiền ấy nằm ở đâu không?"
Nó khịt mũi với vẻ thờ ơ.
Tôi hỏi: "Tiền ấy ở đâu, Alma?"
Nó lại giở cái trò ngáp chết tiệt ấy, rồi lại ngắm móng tay, rồi nhún vai. Lạy Chúa, nó đóng kịch khiếp quá. Sau đó, trả lời lạnh tanh: "Ở chỗ nó cần ở"
Tôi hét lên: "Ở đâu?"
Nó bật khỏi giường như một con hổ cái và hét vào mặt tôi: "Cậu muốn biết à? Để tớ nói cho cậu biết. Nó nằm ở nơi nó cần nằm!". Nó quay sang Donna: "Cái đồ gái Mỹ giàu có ghê tởm chết giẫm nhà cậu. Cậu vứt cuộn tiền chó chết của cậu lung tung, cứ như nó là giấy lộn không bằng. 1100 đôla! Ở Ý, một gia đình 10 người có thể sống đủ 5 năm với số tiền ấy. Cậu không thấy xấu hổ sao? Vứt vạ vứt vật số tiền ấy trước những cô gái đang phải vật lộn đổ mồ hôi sôi nước mắt mới đủ sống có khác nào cám dỗ họ không? Thật đáng xấu hổ!"
Donna bảo tôi: "Cậu ta nói cái đếch gì vậy?"
Tôi nhìn Donna, rồi nhìn Alma lúc này tím mặt vì giận dữ, và bảo: "Nào Donna, giúp tớ cuốn cái đệm giường cậu vào".
"Hả", Donna ngơ ngác hỏi, nhưng tôi lấy tay đẩy cô ta và chúng tôi cuộn cái đệm lại. Cuộn tiền nằm ngay dưới đệm.
"Ồ, sao nó lại nằm ở đây nhỉ? "Donna thốt lên.
Alma cười khẩy, xoay người trên giường chổng đít về phía Donna.
Tôi bảo: "Đó là bài học cho cậu, Donna ạ"
"Mà sao lại ở đây chứ?", nó ngẩn người không hiểu. Tôi sang phòng bên. Jurgy đứng nhìn qua cửa sổ. Tôi nói: "Tìm thấy rồi".
"Ừ, mình nghe cô bạn Ý hét ầm lên"
Tôi đứng đợi. Nó vẫn đứng, im lặng nhìn dòng hải lưu Gulf Stream. Sau đó tôi bảo: "Có chuyện gì thế, Jurgy?"
"Chuyện gì ư?"
"Ừ"
Nó từ từ quay lại và bảo: "Cậu thừa hiểu, việc quái gì phải hỏi. Cậu nghĩ tớ lấy chứ gì?"
Tôi nói: "Jurgy, cậu định cứ tiếp tục mãi kiểu này hay sao?"
"Còn ai, nếu không phải tớ lấy số tiền ấy? Đấy, cậu nghĩ thế đấy. Nhìn mắt cậu, tớ biết cậu nghĩ như vậy"
"Cậu biết không Jurgy? Cậu điên rồi. Cậu khùng rồi, thần kinh rồi. Tớ phải đập cho cậu mấy cái để cậu tỉnh".
"Cậu không tin tớ. Mà tại sao cậu lại phải tin kia chứ?"
"Ồ, cậu nói nghe khó chịu lắm", tôi nói và xoay người đi ra.
*
Chúng tôi không có bài gì đặc biệt phải làm vào cuối tuần, chỉ có hướng dẫn chung là đọc lại tất cả những gì đã học để có thể nhắm mắt lại cũng đọc làu làu, không sai một từ. Vậy là chúng tôi được nghỉ ngơi thoải mái: có thể thăm bãi biển Miami, vào các cửa hàng để mà nhè nhẹ thở dài nhìn các loại quần áo quá đẹp nhưng không mua nổi; thậm chí còn có thể đi thuyền đến thăm các làng người da đỏ ở vùng đầm lầy Everglades.
Khoảng 10g sáng thử 7 đầu tiên ấy, Jurgy và tôi quyết định sẽ đi chơi xa. Chúng tôi sẽ qua đại lộ Collins tới lạch nước Indian, rồi tìm cách tới hiệu Burdine ăn bánh mỳ kẹp thịt, sau đó tiếp tục đi ngắm nghía hàng họ cho đến giữa chiều, trở về khách sạn nghỉ và tối làm gì sẽ tính sau. Cũng là tình cờ, cả hai đứa đều mặc quần áo cùng màu ngà ngà, nên mọi người có thể nghĩ chúng tôi là hai chị em. Chúng tôi tầm tầm bằng nhau, cùng tuổi, tóc cũng màu hung, chỉ khác nhau ở nét mặt. Jurgy có vẻ mặt lạnh lùng "đừng có đụng tới tôi" (cũng chẳng ngạc nhiên, xét theo những gì cô ta đã trải qua ở Buffalo), trong khi tôi trông như một cô bé vô lo nghĩ. Trước đây bạn bè tôi thường hay nhận xét về việc đó. Họ bảo: "Carol, trông cậu lúc nào cũng hớn hở", nhưng thực ra là họ muốn nói tôi trông giống cô gái vui vẻ nhưng ngốc nghếch và vô hại vừa được tha từ trạm cải huấn về.
Jurgy và tôi xuống hành lanh chính của khách sạn và bắt đầu đi về phía cửa ra vào với vẻ mặt trang nghiêm, thì bỗng đâu một người đàn ông lù lù hiện ra ngay trước mặt và hỏi oang oang: "Xin lỗi hai cô, hai cô biết hôm nay ở đâu có phim hay không?"
Chúng tôi không thể đánh bài lờ được. Ông ta đứng chặn ngay giữa lối, người cao to lừng lững như con khủng long: người ông xương xẩu, tay chân lóng ngóng, cao khoảng 6 fut 4 insơ. Mặt ông cũng xương xương và gồ ghề rất lạ, mắt đeo kính gọng vàng. Bộ com-lê màu nâu, ve áo to kiểu cổ, chiếc cravat trông gớm ghiếc với những hình lập phương màu đỏ, vàng và xanh, cùng chiếc mũ phớt Stetson cầm ở tay. Trông ông ít nhất cũng phải 65 tuổi.
Thật là một câu hỏi quá ư tế nhị của cái ông khủng long đi kiếm mồi này với hai cô gái vào lúc 10h sáng, đặc biệt là khi ông ta đã đáng tuổi ông nội người ta và trông thô kệch như bức tường bằng đất. Nhưng ông ta đang đứng đó, ngay trước mặt, nên không còn cách nào khác là chúng tôi phải trả lời. Nói chúng tôi thì không đúng, vì Jurgy sững người, cứ đứng trơ ra như chiếc cột đèn trong cơn bão tuyết, nên tôi đành nhận cái vinh dự ấy. Tôi lễ phép đáp: ''''Thưa ông, rất tiếc chúng tôi không biết gì về chuyện phim ảnh ở đây. Tôi tin rằng ông có thể đọc trong các báo của Miami."
Câu trả lời không hề làm ông ta nao núng. Giọng ông ta như lệnh vỡ: "Mà này, hai cô là học sinh trường huấn luyện chiêu đãi viên ở khách sạn này phải không?"
"Dạ phải, thưa ông"
Kỳ lạ là trong khi hỏi đáp với tôi nhưng ánh mắt ông ta không mấy khi nhìn tôi mà như dán vào Jurgy. Nó bĩu môi, nó nheo mắt với vẻ kinh tởm, nó nhăn mặt, ấy thế mà ông ta vẫn cứ nhìn nó chằm chằm.
"Ấy, tôi phải nói với các cô điều này. Hồi còn trẻ, tôi cũng đã từng lái máy bay, nhưng phải thú nhận là tôi hết sức kính nể các cô. Vâng, đúng thế. Rất kính phục. Nhưng các cô còn đang học à? Mới vào học phải không?"
"Vâng, thưa ông"
Ông ta vẫn chưa chịu thôi. Lạy Chúa, chúng tôi không làm cách nào đi được. "Tối hôm rồi tôi mới nghe. Tôi gặp anh bạn trong quầy rượu ở khách sạn này. Các cô đã vào quầy rượu Souvenir ấy chưa?"
"Thưa ông chưa"
"Quầy nhỏ đẹp lắm. Ở đó họ pha daiquiri ngon tuyệt. Các cô nên thử. Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À phải rồi, tôi gặp anh bạn ở quầy rượu Souvenir, anh ta kể về khoá huấn luyện của các cô. Anh ta tên là Harrison. Các cô có biết anh ta không?"
"Thưa, ông muốn nói là ông Garrison phải không ạ?"
Ông ta trả lời, mắt vẫn nhìn Jurgy chằm chằm: "Đúng đấy, Garrison. Kể về chuyện họ rèn các cô đến nơi đến chốn. Một tháng phải không?"
Thật là một tình huống khó chịu. Ngay cả khi ông ta có gần 100 tuổi đi nữa, bạn vẫn muốn ít ra ông ta cũng phải nhìn bạn khi hỏi bạn chứ. Tôi ngán ngẩm trả lời: "Vâng, chúng tôi ở đây một tháng"
"Họ rèn các cô cũng ác đấy chứ?"
Nhiều lúc bạn thích đi với các ông già vì họ rất nhã nhặn, dễ thương và vui vẻ; thích nói chuyện vì họ thật dí dỏm có duyên. Nhưng ông già này thì thật đúng là cao to, xương xẩu, ồn ào đến vô duyên. Vì vậy để chấm dứt câu chuyện, tôi nói: "Thưa ông, chúng tôi đành phải xin lỗi ông. Chúng tôi còn phải ra ngoài mua vài thứ..."
"Còn cả ngày mà, sao các cô không vào quầy rượu Souvenir, tôi đãi các cô một chầu daiquiri. Thế nào? Có sớm quá không. Thế thì ta vào quầy cà-phê vậy nhé".
"Thưa ông, rất tiếc. Có lẽ xin ông khi khác".
"Thế cũng được", ông ta bảo, cuối cùng từ từ quay lại nhìn tôi. "Khi khác vậy. Tôi sẽ rất vui sướng được thết các cô một chầu. Tên tôi là Lucas".
"Cám ơn, ông Lucas"
"Gượm đã", ông ta chợt nói. "Xin cho tôi biết tên cô được không? Lần sau gặp tay Garrison ấy, tôi sẽ nói tôi gặp hai cô, để ông ta biết là tôi biết hai cô nào"
Tôi đành phải nói tên. Cũng là vì lịch thiệp xã giao thôi. Tôi không thể để ông ta đến gặp ông Garrison và phàn nàn: sáng nay gặp hai cô học sinh của ông. Họ quá kiêu kỳ chẳng thèm chào tôi nữa. Garrison, ông còn muốn tôi đi máy bay hãng ông khi họ coi tôi như rơm rác không? Vì vậy tôi nói: "Tôi là Thompson, còn bạn tôi là Jurgens. Rất vui mừng được nói chuyện với ông, ông Lucas. Tạm biệt ông".
"Cô bảo bạn cô tên là Jurgens à?"
"Vâng", tôi trả lời. "Tạm biệt ông"
"À há. Hy vọng gặp lại hai cô"
Ông nhìn theo chúng tôi. Mãi khi ra hẳn bên ngoài tôi mới bảo Jurgy: "Ôi lạy Chúa, cái lão ấy mới khó chịu làm sao chứ"?
"Ông ta cũng không đến nỗi"
Tôi chưng hửng, lát sau mới bảo: "Làm sao cậu lại có thể nói thế được? Ông ta ít ra cũng đến 100 tuổi, và là người vô duyên nhất mà mình từng gặp"
Chúng tôi đang đi dọc đường xe vào khách sạn, nắng vàng chiếu trên hai hàng cọ hoàng gia rất đẹp trồng bên đường. Jurgy nói thẳng thừng: "Cậu đòi hỏi quá nhiều"
"Ý chừng cậu thích ông ta chứ gì?"
"Tớ không nói là tớ thích ông ấy. Tớ chỉ bảo cậu đòi hỏi quá nhiều. Đó là một ông già làm việc bằng đôi tay của mình. Không phải ai cũng được như Cary Grant (diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ)
''''Jurgy, sao lại nói vớ vẩn thế. Có phải lúc nào mình cũng nhìn thấy màu hồng cả đâu. Mình rất thực tế về đám đàn ông".
"Vậy sao?". Nó nhìn tôi với vẻ lạnh lùng, kỳ cục.
Tôi hơi bực mình bảo: "Dù sao cậu cũng đã làm ông ta say như điếu đổ. Ông ta nghĩ cậu là nhất"
"Thế à? Thế mà tớ không biết cơ đấy!"
Theo đúng dự tính, chúng tôi về nhà lúc 3h chiều. Tôi thay đồ mặc trong nhà, nằm dài trên giường hy vọng giấc ngủ sẽ đến. Bất cứ cô gái Mỹ bình thường nào cũng không bao giờ ngủ hàng mấy tiếng liền trong một buổi chiều nắng đẹp như thế này ở Miami, song người ta đã làm tôi phải rút ra kết luận tôi không phải loại người bình thường, mà thuộc loại bất bình thường đến mức nhà chức trách mà vớ được, thế nào tôi cũng mất quyền công dân. Tôi đang ở đây, 22 tuổi đời, khoẻ như ngựa, trong khi thực ra đang cảm thấy kiệt sức sau một tuần làm việc, tình cảm khô kiệt sau cái hôn của ông bác sĩ tâm thần. Tôi cứ có những ý nghĩ đê tiện, xấu xa, không phải lối nghĩ của người Mỹ về ông bác sĩ ấy. Tất nhiên tôi nhớ lại đôi mắt của ông, cái ngực trần của ông. Tại sao cái đó cứ hiện ra trong óc tôi? Mà đâu có thiếu, chỉ cần ra bãi biển là có ngay cả ngàn bộ ngực đàn ông, cái nào cái nấy trông như tảng xúc xích cả. Nếu lúc này ông ta bước vào phòng 1412, đến chỗ tôi đang nằm và bảo: "Chìa má ra" thì sau đó dù có phải chết, tôi cũng cam lòng. Tôi thèm muốn ông ta đến cháy cả lòng, quỷ tha ma bắt ông ta đi.
Donna đi chơi xa, Alma chưa về, tôi không hiểu nó đi đâu. Jurgy đã lui về phòng để sửa sang móng tay. Hiếm khi Annette xuất hiện, và lúc này không thấy đâu. Không gian đầy ắp những âm thanh dìu dịu êm tai, tôi bắt đầu lơ mơ ngủ và mơ thấy bác sĩ Duer. Cũng không có gì đặc biệt, chúng tôi nói chuyện, sánh vai nhau đi trong màn đêm xứ nhiệt đới, những con đom đóm bay lượn xung quanh. Giấc mơ thật ngọt ngào êm ái, thật hoàn mỹ đến nỗi khi Alma đánh thức tôi dậy, tôi như muốn khóc. Thực tế mới trần trụi và phũ phàng làm sao!
Nó bảo tôi với giọng đạo mạo, đoan trang: "Carola! Cậu ngủ suốt cả ngày, bỏ uổng một ngày nắng đẹp thế này ư?"
"Mấy giờ rồi?"
"Năm giờ"
Tôi rên rỉ
Mỗi khi ra ngoài trời, Alma đều mặc những loại quần áo mỏng dính kỳ lạ, và luôn đội một chiếc mũ to tướng. Nó không muốn bị rám nắng, dù ở chỗ nào trên người. Nó rất hãnh diện về nước da trắng mịn như men sứ Tàu. Bây giờ nó đứng đó nhìn tôi, ăn mặc giống như Salome trước khi bắt đầu vũ điệu Bảy lốt khăn voan, trông loè loẹt đến nỗi tôi phải hỏi: "Có chuyện gì thế, Alma?"
"Không có gì"
Khi Alma bảo: "Không có gì" bằng cái giọng ỏn ẻn ấy, thì có nghĩa là nó muốn kể hết câu chuyện, từ đầu đến cuối, nhưng không phải bạn cứ ngồi im mà nghe đâu. Bạn phải gợi ý từng tý một.
"Nào?"
"Carol, không có gì đâu. Chỉ có điều..."
"Chỉ có điều gì?"
"À, không có gì. Tớ gặp một người. Chẳng có gì đáng nói"
"Đàn ông à?"
"Đàn ông? À, ừ có lẽ. Gọi thế cũng được"
Cứ vậy phải đến 20 phút, chắp nhặt các chi tiết lại, tôi được biết người đàn ông ấy tên là Sonny Kee. Anh ta khoảng 28 tuổi và rất khoẻ ("Carola, khoẻ ghê lắm nhé"), trông đẹp trai, chỉ trừ cái mũi bị bẹp.
"Cậu bảo bẹp là thế quái nào?"
"Do cái hộp"
"Sao lại là cái hộp?"
"Anh ấy là võ sĩ quyền Anh" (Alma lẫn lộn giữa "box -cái hộp- với "boxer -võ sĩ quyền Anh)
"Ái chà! " tôi thốt lên.
"Anh ấy hiền lắm. Chúng tớ nói chuyện suốt buổi. Anh ấy mời tớ ăn trưa. Tối nay..." mắt nó long lanh.
"Tối nay làm sao?"
"Carola, tớ bảo anh ấy: anh ơi, tối nay em còn phải học, không thể bỏ đi được"
Cuối cùng hoá ra nó đã hẹn ăn tối với anh chàng ấy.
"Khá đấy", tôi bảo.
"Ừ"
"Nhưng phải cẩn thận"
"Carola, anh ấy là một thanh niên Mỹ hiền lành, lại giản dị nữa"
Tôi nghĩ mình cần phải bóp chết ngay chuyện này từ trong trứng: "Này Alma, để tớ khuyên cậu đôi điều. Một số gã thanh niên Mỹ hiền lành giản dị ấy lại có nhiều ngón nghề lắm. Cậu đừng dại dột".
Nó cười như nắc nẻ.
"Hãy nghe tớ, Alma"
"Carola. So với đàn ông Ý, đàn ông Mỹ chỉ là những đứa trẻ nhỏ". Cô ta cười với vẻ thương hại. "Hiền lành, rất dễ thương, giản dị"
"Alma, mình cũng đã học những bài học cay đắng nên mình biết điều đó không đúng đâu"
"Cậu ngốc thật. Cái loại đàn ông như anh chàng Sonny này mình xỏ mũi dễ như bỡn". Cô ta đứng dậy, cười khúc khích. "Buồn cười thật. Cuộc hẹn hò đầu tiên của tớ ở Mỹ. Thôi, bây giờ tắm cái đã"
Tôi mặc bộ đồ tắm màu đen rồi xuống bể bơi. Cuộc sống hầu như đã bỏ rơi tôi. Tôi xuống đó, vào lúc đã sau 5h chiều thứ bảy đẹp trời mà chẳng được ai mời lấy một cốc xô-đa. Chậc, cũng chẳng sao. Đã có cái cầu nhảy đấy. Mà lúc nào cũng có thể trở về phòng nghiền ngẫm cuốn sổ tay và nghiên cứu các công việc phải làm trên máy bay.
Jurgy đang ngồi bên bàn gần bể bơi vẫn trong bộ đồ tắm màu côca và chiếc mũ cói giống bình pha rượu. Tôi đoán được ngay: nó đang bị cái ông già Lucas gớm ghiếc ngồi cạnh dồn đến chân tường. Ông ta thao thao bất tuyệt, miệng cười toe toét, tay gãi gãi cái gáy bóng như da thuộc. Và tôi không còn tin vào mắt mình nữa: Jurgy đang mỉm cười, nó thực sự thích thú ngồi nghe ông ta nói. Đó là điều bất ngờ nhất trong cả cuộc đời tôi. Jurgy cười! Không còn vẻ lạnh lùng nghi kỵ, mà là mỉm cười, duyên dáng chăm chú nghe.
Tôi không biết nên làm gì. Nếu tôi nhào từ cầu nhảy xuống, có vẻ tôi muốn thu hút sự chú ý, tức là làm gián đoạn chuyện riêng của họ. Còn đang lưỡng lự thì bị Jurgy nhìn thấy liền gọi: "Kìa Carol, lại đây".
Tôi miễn cưỡng tiến lại. Ông già bảo: "Chào cô gái nhỏ" và tôi đáp lễ: "Chào ông Lucas".
"Kéo ghế ngồi đây", Jurgy bảo tôi. "Làm cốc xô-đa, cà-phê hay cái gì nhé".
"Cám ơn Jurgy, nhưng tớ sắp xuống bơi bây giờ"
"Vậy thì ngồi hút thuốc đã"
"Tớ sẽ hút sau khi tắm"
Tôi lao xuống nước, bơi vài vòng và khi lên bờ, tôi thấy Jurgy đang ngồi một mình. Tôi lại ngồi cùng, nghiêng đầu lắc cho nước ra khỏi tai trái và hỏi: "Cậu ngồi với ông ta lâu chưa?"
"À, một hai tiếng gì đó. Tớ chẳng biết nữa"
"Chắc chắn cậu sa bẫy rồi. Này, bọn mình ăn tối sớm một chút được không? Tớ đói lả người. Rồi chúng mình có thể đi xem phim"
"Tớ sẽ ăn tối ở hiệu"
"Thật ư?"
Nó có vẻ phật ý nói: "Ông Lucas mời tớ"
"Ôi, lạy Chúa"
"Tớ biết thế nào cậu cũng nói câu đó", nó bảo tôi rồi bước đi.
Tôi chạy theo:" Này, này Jurgy..." song phải túm được tay mới giữ nó dừng lại được. "Chờ tớ với chứ, tớ lên phòng cùng cậu. Làm gì phải cuống cuồng lên thế?"
Nó đứng đợi với vẻ miễn cưỡng. Trong thang máy tự điều khiển, nó không nói một lời, và ngay cả lúc về phòng cũng vậy. Alma đang say sưa hát bài của Puccini (nhạc sĩ viết opera thiên tài của Ý) và Jurgy đập thình thình vào cửa nhà tắm, miệng hét: "Ra nhanh lên".
"Ai đấy?"
"Tớ, Jurgy đây. Nhanh nhanh lên được chứ? Tớ cũng cần dùng đến nhà tắm"
"Cậu đi đi"
Jurgy quát: "Năm phút nữa cậu mà không ra, tớ sẽ vào túm cổ vứt ra ngoài".
Tôi theo nó về buồng. Nó ngồi xuống giường mình, tôi ngồi giường Annette và hai đứa nhìn nhau. Cái nhìn của nó đầy vẻ hằn học.
"Có thể cậu không nghe tớ nói. Ông Lucas mời tớ đi ăn tối ở hiệu"
"Jurgy, nhất rồi còn gì..."
"Tớ sẽ không ngủ với ông ta đâu mà lo. Ông ta muốn mời tớ đến phòng Vua Mặt Trời hoặc đâu đó..."
Tôi nhẹ nhàng tiếp lời: "Ngay trong khách sạn. Đẹp lắm".
Không ngờ vừa nghe thấy thế, nó co rúm người thốt lên: "Ôi lạy Chúa"
"Sao thế? Phòng ăn sang lắm, cậu sẽ thích ngay. Còn thức ăn thì trên đời này không đâu ngon bằng"
Jurgy nhảy khỏi giường, tới đứng bên cửa sổ quay lưng lại phía tôi: "Thơ mộng nhỉ?"
"Ừ. Đấy là phòng ăn chính của khách sạn Charleroi, cậu sẽ thấy ở đó rất thơ mộng"
Nó lặng người đi một lúc, rồi bảo: "Tớ không có áo mặc buổi tối. Không thể trưng ba thứ đồ tã nát của tớ ra đó được, nên phải từ chối thôi".
"Ôi, lạy Chúa! Cậu có thể mặc của tớ. Bọn mình khổ người như nhau"
"Không"
"Tại sao lại không?"
"Tớ không thích mượn. Tớ chẳng bao giờ mượn ai cái gì".
Tôi bảo: "Mary Ruth Jurgens, tối nay cậu hãy mặc áo của tớ, nếu không tớ thề suốt đời sẽ không nói chuyện với cậu"
Nó nhếch mép: "Cậu doạ tớ đấy à?"
"Không, tớ sẽ làm đúng như vậy"
Jurgy đưa tay che mắt, và tôi biết là nó khóc.
Tôi về tủ lấy áo mang vào và đặt lên giường: "Đây, tớ còn cả cái coóc-xê không quai đi với bộ này, cậu có cần không?"
Nó ngước mắt nhìn tôi, hai hàng lệ chảy dài trên má.
Tôi bảo: "Cậu có cần dùng cái áo lót ấy không?"
Nó gật đầu.
"Được rồi, sửa soạn đi. Tớ sẽ lôi cổ Alma ra và chuẩn bị sẵn bồn nước cho cậu. Thế được chứ?"
Nó lại gật đầu.
Đúng là trò vớ vẩn. Nó cứ ương ngạnh như thế làm gì? Song cái khó hiểu nhất là chẳng biết nó "cảm" cái gì ở ông gia to xương ấy? Thật không hiểu nổi.
Dẫu sao nhìn hai cô gái mặc quần áo cũng vui. Alma trông như hoàng hậu Sheba, áo choàng đỏ, tóc cài mấy hạt ngọc trai. Jurgy không thể sánh được với Alma về vẻ tươi tắn, mông to ngực nở. Nó có vẻ khắc khổ, nhưng lại khỏe mạnh và thon thả, và có lẽ đến một ngàn năm sau nó vẫn giữ được vẻ như thế. Nhưng lúc này nó đang vui, vẻ khắc khổ biến đâu mất: trông ánh mắt sáng rực và háo hức.
Jurgy không đeo đồ trang sức của mình, có lẽ nghĩ rằng không hợp với khung cảnh chung ở phòng Vua Mặt trời. Tôi gợi ý cho nó mượn đôi hoa tai bằng vàng là kỷ vật của bà nội tôi, cùng dây chuyền - tài sản quý nhất của tôi do bố tôi mua cho ở Madrit, nhưng nó lắc đầu.
Alma mấy lần cuống quýt lên như người điên, điều đó chẳng có gì lạ. Cuối cùng nó đi ra, cười khúc khích và thở dốc lên vì thích thú trước viễn cảnh được gặp anh chàng võ sĩ trong buổi hẹn hò đầu tiên của nó ở Mỹ. Jurgy giá sắp chết cũng chẳng đến nỗi như vậy. Nó thuộc loại gan lỳ cóc tía, dẫu có đau đến sắp chết cũng chẳng hề khóc lóc, đến nỗi bạn bắt đầu băn khoăn không biết có nên cho người đi mời cố đạo đến không. Thế mà lúc sắp đến giờ phải đi, mắt nó ươn ướt, và nó (như các cô gái bình thường khác) hỏi tôi: "Trông tớ thế nào?"
"Cậu biết thừa rồi còn giả vờ. Mê hồn"
"Thật chứ?"
"Thật. Trông như hoa hậu Georga Peach năm 1965 ấy"
"Lạy Chúa, tớ run quá"
Tôi biết nó sợ. Tôi bảo: "Đừng có ngốc nào. Cậu sẽ làm cánh đàn ông chết như ngả rạ". Sau đó là giọng của mẹ già Thompson: "Nhưng nhớ chậm nhất là hai giờ phải về, cô Lọ Lem nhé"
"Nhớ rồi"
Rồi Jurgy đi, người cứng đờ như chiếc cột đèn vào sáng sương mù lạnh giá, còn tôi đứng nhìn theo mãi đến khi nó bước vào thang máy.
Annette đi xem phim. Trong phòng chỉ còn mình tôi, và chưa bao giờ trong đời, tôi cảm thấy cô đơn như lúc này. Ngay cả cảm giác của chú vịt con xấu xí trong cái ngày tồi tệ nhất cũng không bằng được 1/10 cái cảm giác của tôi vào buổi tối rỗi rãi đầu tiên tại khách sạn Charleroi sang trọng ở bãi biển Miami thơ mộng. Tôi có cảm giác như đang bị biệt giam.
Tôi chẳng muốn tự nấu lấy ăn, và cũng không muốn xuống quầy cà-phê vì ở đó chắc chắn có nhiều cặp đang ngồi nhìn nhau say đắm. Sức chịu đựng của Thompson cũng chỉ có hạn. Vì thế, tôi tự pha cốc cà-phê mà rõ ràng là quá dở, rồi nói rất to một mình: "Thôi cũng được, càng có dịp viết thư. Lâu nay mình chưa viết, thế lại hoá hay". Tôi ngồi trên giường Donna cạnh cửa sổ viết thư cho mẹ tôi, cho bác và cô tôi ở Philadelphia, cho người em họ xa ở Seattle mà 5 năm nay chưa gặp. Sau đó tôi cũng viết cho Tom Rittchie một cái "sớ" mà khi chưa viết xong cũng đã phải dài bằng cuốn "Chiến tranh và hoà bình" rồi. Suy cho cùng, tôi hoàn toàn có quyền đòi anh chia sẻ nỗi khổ của tôi. Trong khi kêu sầu kể khổ hết trang này đến trang khác, chính tôi cũng bắt đầu ngạc nhiên sao nó nhiều đến thế. Rõ ràng mãi đến tối nay, tôi mới nhận thấy mình là kẻ khốn khổ bao nhiêu, và sao cuộc đời lại bất công với tôi đến vậy. Dẫu có mình đồng da sắt cũng phải gục. Tôi viết được 19 trang thì đúng nửa đêm, và tôi xé vụn tất cả, lúc ấy cảm thấy người nhẹ nhõm hơn. Tôi đứng dậy, vặn vẹo người như con chó rũ bộ lông ướt, xé luôn cả mấy thư kia và tự nhủ thầm: Thế là qua được thứ Bảy, cô bé ạ. Bây giờ đi ngủ đi. Và đúng lúc tôi đang cởi áo, Jurgy mở cửa phòng bước vào, trông hệt như người mất hồn.
Tôi không dám lên tiếng. Nó chào tôi giọng yếu ớt, lần qua phía bên kia phòng, ngồi xuống ghế và nhìn tôi với vẻ thẫn thờ. Thật buồn cười: trông nó cứ như người bị cưỡng hiếp, nhưng chẳng có dấu vết gì cho thấy là như vậy. Chiếc áo nó mượn tôi không một vết nhàu.
Sớm muộn cũng phải có người lên tiếng trước. Tôi hỏi:
"Thế nào, cậu thích phòng Vua Mặt Trời chứ?"
"Ôi, đẹp tuyệt vời"
Tôi đâm bí. Lát sau tôi hỏi: "Đồ ăn thế nào?"
"Ôi, ngon tuyệt vời"
Tôi lại càng bí: "Cậu ăn món gì?"
"Bít-tết"
Tôi chịu không hiểu thế nào nữa. Vì vậy tôi đưa ra một câu hỏi có tính chất quyết định, cố gắng dò xem tại sao nó về phòng trong tình trạng đáng lo ngại này. Tôi bảo: "Cậu thích chứ, Jurgy?"
Nó trả lời với vẻ mơ màng: "Ừ, rất thích"
À, manh mối đây rồi, nhưng tôi lại càng khó hiểu hơn. Tôi bèn thử cách khác: "Sao cậu về sớm thế? Tớ muốn nói lẽ ra cậu có thể ở lại đến 2h sáng"
Nó vẫn trả lời với cái vẻ mơ mơ màng màng ấy: "Luke bảo tớ không nên ở quá nửa đêm"
"Nhưng tại sao lại thế?"
"Ông ấy muốn tớ dậy lúc 6h sáng mai"
"Gượm đã, Jurgy, kể đến đây đã. Để tớ tìm bao thuốc và ngồi lại cho thoải mái. Tớ muốn nghe cậu kể thật chi tiết"
"Thôi, tớ phải đi ngủ"
"Sao lại phải đi ngủ?"
"Vì 6h sáng tớ phải dậy"
"Ngày mai là chủ nhật, sao 6h sáng cậu đã phải dậy?"
"Luke muốn tớ đến xem đàn gia súc giống Brahman nào đó"
Nó không phải bị hiếp, lại càng không phải say rượu, mà là đang ngây ngất. Tôi bảo: "Luke là ông Lucas phải không?"
"Ừ, đó là tên ông ấy. Luke Lucas"
"Cậu nói là gia súc Brahman hả?"
"Ừ"
"Tại sao ông ta lại muốn xem chúng?"
"Công việc làm ăn của ông ấy mà lại"
"Này cậu, tớ chẳng hiểu cóc gì cả. Ông ta làm gì? Đồ tể ư? Ông ta muốn kiểm tra chúng trước khi giết hay sao?"
"Không. Ông ấy là người chăn nuôi gia súc"
"Mà Brahman là thế quái nào nhỉ? Tớ nghe cứ như tên Ấn Độ ấy"
"Đúng đấy. Họ đưa từ Ấn Độ về". Bỗng nhiên nó nói với vẻ am hiểu: "Họ đang nuôi loại Brahman này ở Florida, hiểu không? Và Luke muốn ra đó xem cụ thể thế nào, cậu hiểu chứ? Vậy nên ông ấy muốn mình cùng đi, và muốn khởi hành sớm, thế thôi.
Tôi vẫn còn thắc mắc, nên hỏi: "Nhưng mà cậu thích buổi tối nay chứ?"
"Cũng không đến nỗi"
Lúc tới cửa buồng, nó dừng lại bảo: "Thôi, chúc cậu ngủ ngon"
"Chúc cậu ngủ thật say"
Nó ngập ngừng, tay vẫn nắm quả đấm cửa: "Carol!"
"Gì?"
"Tối nay cậu đã giúp tớ, cả hôm trước nữa. Tớ sẽ giúp lại cậu vào dịp khác"
"Ôi dào, Jurgy..."
"Gượm để tớ nói hết đã. Về Luke ấy, Carol ạ. Tớ muốn cậu tin ông ấy là người tốt. Thế thôi. Và tớ chỉ xin cậu một điều: đừng chế nhạo ông ấy nữa".
Tôi ngẩn người nhìn cô ta: "Jurgy..."
"Carol, tớ nói với cậu ông ta là người đàng hoàng tử tế"
"Vì Chúa, cậu hãy tỉnh táo một chút, Jurgy. Ông ta phải gấp ba tuổi cậu..."
"Đúng thế. Ông ấy 56 tuổi, còn tớ 23. Và ông ấy ăn to nói lớn, nhưng tớ thấy cũng chẳng sao". Sau đó nó bảo tôi: "Cởi hộ tớ cái áo được không? Tớ thay luôn ở đây nhé".
Thật bất ngờ. Nó nhoai người hôn tôi đánh chụt một cái vào má. Môi chúm lại như mỏ chim, cứ như chưa bao giờ hôn vậy. Nó không nói gì thêm, vào buồng và đóng chặt cửa lại.
Tôi thầm nghĩ: "Ôi, lạy Chúa, chuyện gì đã xảy ra với Jurgy? "
Nằm trên giường, tôi cố nghĩ mà vẫn không ra, bởi vì tôi không thể hình dung được nó và cái ông già to xương ấy làm gì ở phòng Vua Mặt Trời. Sau đó tôi thiếp đi.