Chương 21
Tác giả: Bernard Glemer
Chúng tôi đến phòng giao bao lúc 8h kém 5'' và đúng 8h đến gặp Kay và Janyce ở phòng của chiêu đãi viên. Kay bảo: "Các cô đúng giờ đấy. Khá lắm". Cô ta nhìn tôi soi mói: "Carol, cô bị cảm lạnh à?"
"Đâu có. Xổ mũi buổi sớm thôi"
"Chắc chứ?"
"Chắc trăm phần trăm".
"Thôi được. Nào, chúng ta phân việc như thế này. Lúc đi, tức là sáng hôm nay, tôi sẽ là chiêu đãi viên A. Carol, cô cùng làm với tôi, là chiêu đãi viên B. Ở khoang sau, Janyce sẽ là C và Mary Ruth là D. Lúc về, chúng ta sẽ đổi khoang để mọi người đều được thay đổi không khí. Các cô có hỏi gì không?"
Không ai hỏi gì.
"Được rồi. Nào, bây giờ đến việc phục vụ bữa ăn. Tôi đã hội ý với cơ trưởng. Đây là chuyến bay xuyên lục địa đặc biệt. Ông cho biết thời gian bay vào khoảng 7 tiếng. Sẽ không có bữa sáng, vì bọn họ đã ăn ở khách sạn Charleroi. 11h phục vụ cà-phê và đồ ăn nhẹ. Bữa trưa bắt đầu vào lúc 1h kém 15. 3h chiều lại phục vụ đồ ăn nhẹ. Như thế là gọn. Có ai hỏi gì không?"
Không ai hỏi gì. Lạy Chúa, cô ta thật thành thạo.
Cô ta quay sang tôi và Jurgy: "Hai cô chưa bay chuyến thuê bao lần nào phải không?"
"Chúng tôi chưa đi lần nào".
"Thôi được rồi".
Cô ta dừng lại, rồi nói tiếp: "Mary Ruth, cô đã đính hôn với một ông trong số này đúng không? Đừng để bụng những điều tôi nói nhé. Tôi chỉ muốn cô thấy được vấn đề chung thôi". Cô ta nói tiếp một cách vui vẻ: "Chuyến đi này sẽ là điều mới mẻ đối với hai cô. Đây là những người chăn nuôi gia súc, có nghĩa là họ sẽ rất bỗ bã. Tôi không có ý nói họ không đàng hoàng, hoặc họ xử sự không đàng hoàng. Song họ thuê bao cả chuyến, và họ sẽ hành động như thể máy bay này là của họ và trong suốt cuộc hành trình, họ sẽ làm những gì họ thích. Việc chúng ta là phải cho họ ăn, cho họ uống và cung cấp đá cho họ. Và đưa túi nôn cho họ khi cần".
Cô ta dừng lại và cười với Janyce: "Tôi nói vậy nghe được chứ?"
"Tuyệt, cô bạn ạ. Ngay cả tớ cũng có ấn tượng sâu sắc"
"Còn phải nói".
Cô ta quay sang phía chúng tôi: "Tôi ghét chuyện đóng vai mẹ già, nhưng tôi phải nói điều này. Mary Ruth, rồi cô sẽ hiểu điều tôi nói. Những người này sẽ tôn trọng cô chừng nào cô biết tôn trọng mình. Cô hiểu tôi muốn nói gì, tôi không cần phải giải thích. Họ có 70 người, đông đấy. Họ muốn xả láng một chút. Suốt năm họ làm việc vất vả, giờ họ cũng muốn vui chơi thoả thích. Tôi không trách họ. Nhưng trên máy bay thì không có chuyện vui chơi đập phá được. Khi đến Paris, họ muốn vui thế nào thì tuỳ. Đây là lúc ta phải thân mật với họ, nhưng đồng thời cũng cẩn thận, đừng tỏ ra quá xô bồ. Tôi nói đúng chứ, Janyce?"
"Đúng quá đi chứ. Và tớ hiểu điều đó từ những kinh nghiệm bản thân".
"Ở đâu vậy?"
"Trong chuyến bay tới Rio"
"Ôi, hay đấy", Kay bảo. "Lúc nào nhớ kể tớ nghe nhé". Cô ta hắng giọng. "Điều cuối cùng. Hôm nay chúng ta phải tỏ ra rất trịnh trọng. Chúng ta sẽ mặc đồng phục trong suốt chuyến bay, cài khuy lên tận cổ. Ngay cả khi làm việc trong khoang nhà bếp". Cô ta nhìn tôi cười: "Sao Carol, tôi làm cô sợ à?"
Chắc hẳn mắt tôi phải trố ra. "Ồ không", tôi đáp.
"Chúng ta cũng chớ coi thường. 70 ông cao to, bỗ bã trong chuyến bay 7 tiếng đồng hồ không phải là tình huống dễ xử trí đâu. Chúng ta may là có Frank Hoffer, một cơ trưởng rất giỏi. Ông ta sẽ không cho phép những chuyện vớ vẩn". Cô ta nhướn mắt nhìn chúng tôi. "Còn hỏi gì nữa không?"
Không hỏi gì thêm.
"Thế được rồi. Ta đi thôi".
Chúng tôi mang túi đồ bay đến phòng chờ bay, ký tên vào sổ theo thứ tự thâm niên: Kay Taylor, Janyce Hinds, Mary Ruth Jurgens và Carol Thompson. Có đến nửa giới chức cao cấp của Hãng Magna đang có mặt ở đó: giám đốc dịch vụ du lịch của khu, nhân viên phòng vận chuyển, ông Barker từ phòng vé, ông Casey của Ban cung ứng, cùng một ông to béo vui nhộn của phòng giao dịch, và tất nhiên là cả một phóng viên nhiếp ảnh. Tôi nghĩ chỉ đến khi nhìn thấy tay phóng viên nhiếp ảnh, tôi mới hiểu đây thực sự là chuyến bay toàn khách sộp. 70 ông kinh doanh gia súc! Lạy Chúa. Nếu họ cùng bỏ tiền ra, họ có thể mua đứt Fort Knox (không biết là cái gì ;-) mà vẫn còn đủ tiền đi xe tứ mã về nhà.
Kay đang đứng nói chuyện với ông của phòng vận chuyển và ông Barker, nhận một tệp giấy tờ của họ và kẹp vào cặp. Tôi biết danh sách hành khách nằm trong số đó. Duer! Kay, có ai là bác sĩ Duer trong số khách đó không? Duer: D-u-e-r; Ray: R-a-y. Tôi không đủ can đảm để hỏi cô ta.
Chúng tôi lên máy bay bằng cầu thang phía đuôi. Janyce và Jurgy ở lại khoang bếp phía sau, còn Kay và tôi đi về vị trí của mình ở tít mãi phía đầu. Máy bay hình như ngày càng dài ra hay sao ấy. Thỉnh thoảng Kay dừng lại xem xét một chiếc ghế, hoặc một bộ phận nào đó trên đầu - cô ta không đừng đưọc, nó như đã trở thành bản năng của cô. Song mọi thứ đều nghiêm chỉnh, các trang thiết bị trông rất mới, thậm chí đến một vết bẩn cũng không có.
Nhiệm vụ của tôi là theo dõi việc đưa đồ ăn, đồ uống, thìa đĩa và các thứ khác lên khoang bếp, sau đó bật đèn chuẩn bị cho hành khách lên máy bay và đóng cửa khoang bếp. Kay cùng làm những việc đó với tôi, và tiếp tục kiểm tra các trang thiết bị dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhà vệ sinh, các thứ dùng trong ca-bin và túi đồ dùng hàng ngày cho hành khách. Sau đó cô thử hệ thống loa và điện thoại nội bộ, trong khi ở khoang phía đuôi Janyce cũng làm như vậy. "Mọi việc ổn cả chứ?" Kay hỏi. "Ổn cả", Janyce trả lời. "Tốt rồi". Hai cô gác máy.
Các nhà chăn nuôi gia súc đến lúc 8h30. Qua cửa sổ, tôi thấy ông nào cũng đội mũ phớt Stetson. Nhưng tôi không thấy Ray Duer. 9h kém 20 chuẩn bị cho hành khách lên máy bay. Kay tới cửa lên phía trước, Janyce ở cửa phía đuôi. Jurgy và tôi đứng đợi ở khoang của mình. Các vị khách bắt đầu lên, chân nện thình thịch. Tôi đã gặp mấy người khi Luke đưa họ tới nhà chúng tôi, nhưng chưa thấy cả đoàn thế này bao giờ. Họ đều cao to, lực lưỡng, mặt sạm nâu vì dãi dầu mưa nắng, giọng trầm trầm rụt rè, cử chỉ chậm chạp. Một vài người nhỏ con hơn những người khác, song lại được bù một cách bí ẩn nên trong lại càng vạm vỡ và cường tráng hơn. Một số đi ủng cao gót, số khác đi giày da lộn. Một vài người mặc quần áo vải tuýt, số khác lại mặc complê chỉnh tề cứ như vừa từ văn phòng phố Wall đến. Vẫn không có Ray trong đó.
*
Trong vòng 10 phút, tất cả đã ngồi vào ghế. Tổ lái cũng đã lên máy bay; xe kéo đã móc dây vào máy bay và chúng tôi sẵn sàng cất cánh. Kay đếm số hành khách suốt từ hàng ghế đầu đến hàng ghế cuối và tôi thấy cô ta nói gì đó với Janyce, tay cầm bút chỉ chỉ vào danh sách hành khách đang cầm. Cô ta nhíu mày khi quay lại và tôi hỏi: "Có chuyện gì trục trặc à?"
"Thiếu 6 người".
"Những 6 người?"
"Thế nào họ cũng đến. Chúng ta vẫn còn thời gian".
Tôi thấy Jurgy vẫy tay và tôi vội vã đi xuống chỗ nó.
Nó hỏi nhỏ, vẻ bực bội: "Cậu thấy Luke ở trên ấy không?"
"Không. Chỗ cậu có Duer không?"
"Không"
Chúng tôi nhìn nhau.
Tôi bảo: "Còn thiếu 6 người nữa"
"Ừ, tớ biết. Bọn đốn mạt ấy chắc lại đàn đúm với mấy con gái gọi".
"Jurgy! Sao cậu lai nói thế?"
"Carol, cậu không biết tối qua bọn họ tiệc tùng thế nào đâu. Đúng là một cuộc truy hoan".
Hừ, nghe mà ớn cả người. Tôi trở lại khoang bếp, lòng nặng trĩu và bắt đầu kiểm tra các công tắc - chúng phải ở vị trí cắt khi máy bay cất cánh. Không thấy Kay đâu. Tôi đoán cô ta đang hội ý với cơ trưởng.
Mấy phút sau cô ta từ buồng lái ra và bảo: "Tôi sẽ nói chuyện với ông phụ trách vận chuyển về 6 người chưa tới này. Cô nên hướng dẫn họ sử dụng túi thở ôxy trước đi. Hướng dẫn từ đầu. Tôi sẽ hướng dẫn họ cách sử dụng phao cấp cứu sau".
"Được".
Cô ta xuống cẩu thang máy bay để tìm ông phụ trách vận chuyển, còn tôi bắt đầu bài diễn văn về ôxy. Sau mấy tháng, tôi đã thuộc kỹ và như thường lệ, mọi người lắng nghe theo phép lịch sự nhưng chẳng cần nhớ gì cả. Tuy nhiên lần này tôi chưa kịp nói hết thì một vài ông đã hét toáng lên: "Ồ, nhìn kìa" và thế là tất cả đám đàn ông cao to lừng lững chen chúc nhau bên cửa sổ máy bay, hò hét, la ó và cười vang như sấm. Tôi nghĩ: "Lạy Chúa, có chuyện gì thế không biết", và cũng chạy ra nhìn theo.
Thì ra 6 người kia đã đến. Họ cũng đều đội mũ phớt Stetson, cả bác sĩ Ray Duer yêu dấu của tôi cũng vậy. Tất cả trông cứ như đã nghỉ đêm ở ngoài rãnh. Luke dẫn đầu đám người, tay bê một bình đá to tướng có lẽ đầy rượu táo. Họ đang cãi nhau kịch liệt với ông giám đốc phó phòng dịch vụ hành khách, ông Casey của phòng cung ứng, ông Barker của phòng vé, ông phụ trách phòng vận chuyển và ông phụ trách phòng giao dịch, trong khi tay phóng viên nhiếp ảnh luôn tay bấm máy như điên ghi lại cảnh ấy cho hậu thế. Nguyên nhân của vụ cãi lộn đang lù lù ở đó, miệng rống lên ầm ầm vì nhớ mẹ - một chú bê non khốn khổ, quanh cổ cuốn vòng hoa dâm bụt, và một dây nhung đỏ to mà rõ ràng là lấy từ phòng Vua Mặt Trời ở khách sạn Charleroi chứ không ở đâu khác. Rõ ràng cái đám đội mũ Stetson ấy muốn đưa chú bê lên máy bay, để họ có thể dắt qua phố phường Paris cho dân bản xứ dốt nát ở đó biết thế nào là bê của Mỹ, trong khi người của Hãng Magna không cho phép bất cứ loại bê nào, dù của Mỹ hay không của Mỹ, được đặt chân hay đặt móng vào chiếc Boeing xinh đẹp màu huệ trắng của họ. "Chúng tôi đã trả tiền cho cả chuyến bay khốn kiếp cơ mà", Luke gầm lên, và ông giám đốc phòng dịch vụ hành khách, rõ ràng đã quyết định lành làm gáo, vỡ làm muôi, nên cũng gầm lại: "Ông đâu có trả tiền để cho cả đàn gia súc?". "Chúng tôi muốn chở đếch gì thì chở", Luke lại gầm lên, và ông giám đốc cũng gầm thẳng vào mặt ông ta: "Chở con vật khốn kiếp ấy thì không được. Chính phủ đã có quy định cấm việc đó hẳn hoi".
Kỳ lạ nhất là ở chỗ đó. Tôi cũng đã phát hiện ra điều đó. Không gì có thể chế ngự một người đàn ông Mỹ to lớn, cao 6 fut, nặng 250 pao đang nổi cơn thịnh nộ một cách có hiệu quả hơn việc bảo ông ta Chính phủ có quy định không cho phép làm việc đó. Chúng ta cần lấy làm tự hào là Chính phủ của chúng ta được kính trọng đến như vậy. Ngay đến Luke cũng như chết đứng, nhất là khi ông giám đốc phòng dịch vụ tiếp tục trích dẫn điều khoản quy định ấy: "Mục 10, đoạn 3", ông nói giọng am hiểu. "Không ai đi trên bất cứ máy bay chở khách nào ở Mỹ, hoặc ở các lãnh thổ thuộc quyền sở hữu của Mỹ như đã ghi trong luật của Quốc hội, được phép chuyên chở, ép người khác chuyên chở, hoặc lén lút chuyên chở gia cầm, gia súc gồm lợn, dê, cừu, bò hoặc bất cứ loài vật nào, dù sống hay đã chết, từ những loài vật có danh sách kèm theo duới đây trong mục 7 nhỏ. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền không vượt quá 25 000 đôla hoặc 5 năm tù giam, hoặc cả hai. Đấy, ông thấy chưa?".
Đại để là như vậy. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu ông ta sáng tác tại chỗ - tôi muốn nói nghe nó chặt chẽ hơn cả luật pháp, nhưng nó làm đám đội mũ Stetson im lặng ngay, như buồm không gió. Ông Casey của phòng cung ứng cũng nói thêm vào cho họ yên lòng là ông sẽ chăm sóc chú bê non như của chính mình (tôi dám cuộc ông sẽ làm như vậy). Ông ở phòng giao dich nói lần sau ông sẽ cố gắng thu xếp để mọi chuyện sẽ khác bây giờ, còn tay thợ ảnh gom cả 6 người và chú bê nhỏ tội nghiệp lại và chụp 16 kiểu ảnh từ các góc độ khác nhau. Cuối cùng 6 vị theo Kay lên máy bay, gặp lại các chiến hữu đang gầm gừ của họ. Máy bay chúng tôi bị chậm, nên vội vã chuẩn bị cất cánh. Kay và tôi nhanh chóng đưa 6 ông về chỗ ngồi. Luke không chịu rời chiếc bình đá to ấy, không chịu bỏ ra để thắt dây an toàn. Tôi đã đoán đúng, thứ đựng trong bình là rượu táo tự làm. "Uống thử xem", ông ta bảo Kay. "Tôi tự làm đấy. Rượu ngon nhất trên đời, thử xem cô bé". Kay đáp: "Bây giờ chưa phải lúc, ông ạ. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm". 4 người kia cũng dễ giải quyết, song Ray Duer thì thật là quá thể. Lạy Chúa, anh trông thật thảm hại, thảm hại đến mức tôi nghĩ các quan chức chóp bu của Hãng Magna chắc gì đã nhận ra anh trong lúc cãi vã nhau về chuyện con bê, nếu không, họ đã không để anh lên máy bay, mà đã quản thúc anh vì đã hành động không xứng đáng với một người đàng hoàng, một quan chức của hãng, hoặc gì gì nữa. Anh đã rơi mất cặp kính gọng sừng. Râu ria không cạo. Mặt anh trông như được làm từ nút chai cháy nham nhở. Hai bàn tay đen sì, quần áo đầy bùn đất. Anh kiếm đâu được đôi ủng chăn bò cao gót mà rõ ràng đang tra tấn anh đến chết. Anh quả là hiện thân của vẻ đẹp và nhân phẩm của đấng trượng phu, đặc biệt là với vẻ xanh xao cùng chiếc mũ Stetson quá rộng đến nỗi trùm kín cả mắt.
Anh không thể, hoặc không dám nhìn tôi.
Tôi nói: "Tôi cất mũ của ông được không?"
"Mũ ư?"
Lạy Chúa, anh không cả biết mình đang đội nó nữa. Anh sờ tay thấy mũ trên đầu, lẳng lặng cầm đưa tôi.
"Thưa ông, đèn báo cài dây an toàn, xin ông thắt dây an toàn được không ạ?"
Anh sờ soạng xung quanh và cuối cùng cũng cài được.
"Ông có cần tôi giải thích cách dùng túi thở ôxy không ạ?"
Anh lắc đầu.
"Hành lý của ông thế nào? Ông gửi rồi chứ?"
Anh gật đầu.
Tôi bảo: "Ngay sau khi cất cánh, chúng tôi sẽ phục vụ cà-phê. Khi nào có, tôi xin báo ông".
"Cảm ơn".
Máy bay lăn bánh ra đường băng. Tôi đi quanh cabin, kiểm tra các dây an toàn trong khi Kay đang thông báo trên loa. Sau đó tôi bật đèn chuẩn bị cất cánh, rồi Kay và tôi tới ghế của chiêu đãi viên ở phía trước sát cạnh nhau. Chúng tôi khoác dây giữ vai, cài dây an toàn và đợi máy bay vút lên.
Kay nói với vẻ rầu rĩ: "Tớ rất lo về cái lão sếu vườn ấy, cái lão đang ôm chiếc bình bằng đá ấy. Thế nào lão cũng sinh chuyện rắc rối".
"Đừng lo về ông ấy, Kay ạ"
"Mặt lão trông rất dữ, làm tớ không thích"
"Ông ấy là chồng chưa cưới của Mary Ruth. Nếu ông ta giở quẻ, chúng ta sẽ gọi nó đến".
"Chồng chưa cưới của Mary Ruth!", cô ta thốt lên với vẻ ngạc nhiên. "Chà, lạ thật! À tôi nhớ ra rồi: Molly Duprez có nói, song tôi không nghĩ lại chính là ông ta". Cô ta vặn vẹo người, điều chỉnh lại dây đeo vai. "Dù sao cũng phải để mắt đến ông ta, Carol ạ".
"Yên chí".
"Cả Ray Duer nữa", cô ta nói thêm. "Để ý xem hành khách có biểu hiện khó thở không. Chúng ta sẽ bay ở độ cao 30 000 fut. Nếu thấy mặt mày họ xanh xám, nhớ cho họ thở ôxy ngay".
"Bác sĩ Duer trông đã hơi xanh rồi đấy".
"Tôi có thấy". Cô ta lắc đầu với vẻ không hiểu. "Tôi biết Ray từ khi anh ấy vào làm cho hãng cách đây 3 năm. Chúng tôi đã tiệc tùng, hò hẹn chơi bời, đã nói với nhau nhiều về nghề bay, tôi chưa thấy ai tận tâm với công việc như anh ấy. Thú thật nếu có ai bảo tôi sẽ sống đến ngày Ray Duer bước chân lên máy bay trong tình trạng như hôm nay, chắc tôi đã cười vào mũi họ". Cô ta có vẻ bí mật: "Anh bạn Ray đáng thương. Anh ta là con người tuyệt vời, nhưng rõ tội nghiệp, gần đây anh ta có chuyện không vui".
"Thế à".
"Ừ, cái anh chàng ngốc. Anh ta phải lòng một cô học sinh lớp chiêu đãi viên ở khách sạn Charleroi. Một con chó cái, cậu biết loại đó. Cô ta đã làm anh chàng nhảy cẫng lên, sau đó bỏ rơi anh ta. Theo các nguồn tin, cho đến giờ anh ta vẫn chưa gượng lại được".
"Ôi, khiếp thế".
"Thật đáng xấu hổ. Anh ta là người tử tế thế".
"Cô gái ấy là ai vậy?", tôi hỏi.
"À, một con bò cái nào đó tôi không biết tên. Tôi nghe cô ả là người Massachussetts".
Tiếng động cơ gầm lên và máy bay bắt đầu phóng về phía trước.
*
Chúng tôi phục vụ cà-phê và đồ ăn nhẹ lúc 11h. Ray đang ngủ, chẳng để ý gì đến xung quanh. Dây an toàn vẫn còn cài như vẫn thường xảy ra với những hành khách đang ngủ, và chúng tôi quyết định chẳng nên đánh thức anh dậy làm gì. Sắc mặt anh có vẻ khá hơn. Kay đến xem nhiều lần, không thấy có dấu hiệu gì đáng ngại.
Ở lô ghế đầu, Luke đang chơi bài với 4 người khác, la hét ầm ĩ. Sắc mặt ông hồng hào. Ông đã uống mấy cốc cà-phê, ngốn hết số bánh mì kẹp thịt ( thế cũng tốt), nhưng vẫn không chịu rời chiếc bình rượu táo bằng đá - ông ta ôm khư khư cứ như trong đó đầy hồng ngọc.
Nói chung họ yên lặng hơn tôi tưởng nhiều. Khoảng một nửa số người trong khoang của tôi uống chút rượu với nhau cho vui, những người khác thì ngủ. Janyce cho biết khoang sau cũng vậy, không có chuyện gì. Tôi thấy Jurgy mấy lần và nói hãy yên tâm về Luke, song nó không muốn đến gặp ông. Trông nó hơi buồn và có vẻ lo. Tôi bảo: "Jurgy, chúng tớ sẽ chăm sóc ông ấy cẩn thận".
Một giờ chiều bắt đầu phục vụ ăn trưa. Tôi xếp các khay trong khoang bếp, Kay bưng đến các ghế. Ray vẫn còn ngủ, nhưng Kay quyết định đánh thức anh dậy sau khi cô ta đã bưng cho những người khác. "Phải nhồi thức ăn vào bụng anh ta", cô bảo. "Đó là thứ anh ta cần". Khi trở lại khoang bếp, cô nói với vẻ hài lòng: "Anh ta khoẻ rồi, thức dậy như đứa trẻ, rồi ăn món thịt bò cứ như cả tuần chưa được ăn gì".
Chúng tôi không cần phải vội. Ý của Kay là chỉ cho uống đến mức tối thiểu. Sau khi đã dọn xong các khay, Kay mang đồ ăn tráng miệng lên cho họ, còn tôi phục vụ cà-phê và mọi việc đều ổn, trừ cái đám chơi bài đang ở giai đoạn say máu nhất. Luke uống rượu táo tự làm trong chiếc bình bằng đá, mấy người kia uống bourbon và bọn họ đều nói cười ầm ĩ.
Kay bảo: "Chà, giá tớ có cách nào đó giải tán cái đám đó".
"Có muốn tôi nói với Mary Ruth không?"
"Chưa cần. Đó là phương cách cuối cùng".
Chúng tôi tiếp tục phục vụ Ray Duer. Anh ăn hết món thịt bò cùng với các thứ kèm theo, khoai tây nướng, đậu quả và tai nấm, bánh mì vòng và bơ, và tôi thấy vui trong lòng. Anh ngả người buồn rầu nhìn những đám mây dưới cửa sổ cả hai ngàn fut.
Cả hai chúng tôi đều tỏ ra trịnh trọng.
Kay bảo: "Tôi hy vọng ông ăn ngon miệng".
"Rất ngon".
"Giờ ông có ăn tráng miệng không?"
"Không, cám ơn".
"Thật chứ? Một ít hoa quả và phomat được chứ?"
"Không, cảm ơn".
Đến lượt tôi: "Ông uống cà-phê?"
"Vâng". Anh nhìn tôi một lát rồi nói với Kay: "Cũng hay đấy chứ?"
"Cái gì hay hả ông?", cô ta ngây thơ hỏi.
"Người ngợm như thế này mà lên máy bay".
"Thưa, ông đang kỳ nghỉ. Sao ông không tổ chức liên hoan trước khi đi?"
Anh làu bàu.
Tôi hỏi: "Ông uống cà-phê sữa chứ ạ?"
"Không, cà-phê đen. Kay, trông tôi thế nào?"
Cô ta cười: "Cũng không đến nỗi. Này, chúng tôi có bàn cạo râu điện, ông có thể dùng".
"Cảm ơn. Cô Thompson này"
"Vâng, thưa ông?"
Anh nhăn mặt: "À không, xin lỗi. Không có gì đâu".
Tôi biết anh muốn nói gì với tôi. Không đích xác câu chữ, nhưng chủ đề chung thì biết. Và tất nhiên, anh không thể nói khi Kay ở đó. Tôi không nghĩ anh muốn giải thích tại sao anh đến nông nỗi này. Anh sẽ không đả động gì đến chuyện đó. Tôi nghĩ anh muốn biết tôi có hài lòng hay không. Anh ngồi đó, quần đúng là tụt trễ xuống và Iago (nhân vật nham hiểm trong bi kịch "Othello" của Shakespeare) cũng không thể nghĩ ra cách trả thù nào tế nhị hơn. Tôi thấy sao về chuyện ấy?
Chắc anh sẽ ngạc nhiên. Tôi chỉ thấy buồn và yêu anh hơn, muốn anh uống nhiều cà-phê đen hơn để anh có thể trở lại trạng thái bình thường. Tôi không nỡ nhìn anh áo quần lếch thếch, râu ria lởm chởm và lòng buồn tê tái. Tôi không muốn trả thù, tôi không muốn là kẻ chứng kiến nỗi nhục nhã của anh. Tôi muốn anh lại là anh, chứ không phải là bức biếm hoạ về anh.
Đàn bà thực sự là chìa khoá của vũ trụ. Tôi muốn nói lẽ ra Einstein (nhà bác học nổi tiếng, người tìm ra thuyết tương đối) phải bắt đầu từ đó, không phải từ những tia sáng bị cong đi khi qua gần một hành tinh, mà là bắt đầu từ chiếc rađa có sẵn trong đàn bà mà lại hoàn toàn không phải rađa. Bởi vì nói theo đúng nghĩa đen, giữa tôi và bác sĩ Duer không xảy ra chuyện gì, trừ việc tôi rót cà-phê cho anh và lúc đó anh nói với tôi đúng dăm từ, trong đó hai từ đã là tên tôi: cô Thompson. Vậy mà Kay Taylor lại bắt được tín hiệu đó. Hai tai cô ta như cánh sóng rađa các tín hiệu màu xanh hiện rõ trên màn hình rađa của cô ta và cô ta lập tức bám sát mục tiêu. Tôi không nói có tính chất ví von, đây chính là điều Einstein đã phải nghiên cứu. Bởi vì hai chúng tôi vừa quay về khoang bếp, dọn sạch những thứ khách ăn còn trên khay, cô ta bắt đầu nói chuyện về gia đình, rằng cô ta rất muốn gặp lại bố mẹ, vô cùng nhớ ông bố già nua là người thích làm mô hình tàu để trong chai, v...v.... Nhà cô ta ở bang Rhode Island. Tôi không ngạc nhiên về điều đó. Cô ta là loại con gái má hồng như táo chín, dáng to lớn khoẻ mạnh của người luôn dãi nắng. Và cũng rất tự nhiên, chuyện dẫn đến một câu hỏi tự nhiên nhất đời - giá nó mọc từ một thân cây ra chắc cũng chẳng tự nhiên bằng: "Carol, gia đình cậu ở đâu?"
"Greenwich".
"Greenwich, bang Connecticut à?"
"Không. Greenwich bang Massachussetts".
Cô ta ngạc nhiên: "Tớ không biết còn có Greenwich ở bang Massachussetts"
Sáng nay có thể là chưa có, nhưng bây giờ rõ ràng là đã có. Vậy là cô ta đã xác định được tôi là ai, từ đâu tới: con bò cái ngu ngốc vùng Massachussetts, kẻ đã làm Ray Duer nhảy cẫng lên và rồi bỏ rơi anh ta trong sầu não. Tôi tin là rađa của cô ta cũng bắt được điều đó, vì cô ta nhìn tôi chăm chú và không nói gì thêm. Khi một người hay nói như Kay mà im lặng không nói gì, thì đó là dấu hiệu chắc chắn cô ta đã nghe thấy bạn nói rất rõ.
Sau bữa trưa, không khí trong khoang có vẻ thay đổi. Tôi nhận thấy ở khoang sau cũng vậy, khi tôi tạt xuống với Jurgy một lát. Nó vẫn chưa chịu lên thăm Luke, nên tôi thấy cần qua nói cho nó biết tình hình.
"Ông ấy thế nào?", nó hỏi, chuẩn bị sẵn sàng nghe tin xấu nhất.
"Ông ấy đã ăn trưa".
"Hừm. Họ uống dữ lắm phải không?"
"À, cũng kha khá"
Miệng nó mím chặt: "Ông ấy có giở quẻ không?"
"Đám đánh bài hơi ầm ĩ một tý, thế thôi".
"Ông ấy vẫn uống nhiều rượu táo tự làm à?"
"Cũng vừa thôi".
"Tớ phải giết lão ấy. Mẹ kiếp, sao lão ấy cứ phải tọng vào người cái thứ ấy chứ?"
"Tớ đoán ông ta thích cái vị của nó. TÌnh hình chỗ cậu thế nào?"
"Họ có vẻ chồn chỗ, sốt ruột".
"Chỗ chúng tớ cũng thế. Chuyến đi khá dài".
"Ừ". Nó vẫn cười với giọng khô khốc. "Janyce buồn cười thật. Cô ta bảo tớ phải lượn lờ quanh họ, mồm lẩm bẩm hát. Cô ta bảo họ sẽ im khi thấy một cô gái trẻ bên cạnh".
Khi quay về tôi thấy rõ không khí đã thay đổi. Có đến mấy hội đang chơi bài, cười nói ầm ĩ. Họ gọi tôi mang rượu tới đến năm sáu lần. Tôi có thể hiểu điều đó: những người này đã bù khú với nhau suốt ba ngày trong cái gọi là đại hội, sau đó lại lao vào tiệc tùng suốt đêm hôm qua. Một vài người tỉnh táo sau giấc ngủ sáng, số khác lại sức sau bữa ăn trưa và bây giờ họ bắt đầu quấy phá. Một ông to như cót vựa, đôi mắt màu nâu rất lẳng nói khi gọi tôi mang rượu đến: "Này, sao cô không ngồi uống cùng bọn tôi chút rượu hả?". Tôi đáp: "Tiếc quá, thưa ông, tôi không được phép. Nếu ông cơ trưởng nhìn thấy, tôi sẽ nguy ngay". Mấy ông khác cười, nhưng ông ta thì không. Cặp mắt rất đĩ của ông nhìn dán vào khuy áo trên cùng của tôi - bước một, tôi nghĩ.
"Bậy nào", ông ta bảo. ''''Cô cứ ngồi xuống đây một lát, chúng tôi sẽ bảo vệ cô". Tôi nhìn ông ta cười cười, như thể ông là người hóm hỉnh nhất trên đời, và bước đi. Cái ý của Janyce là lẩm bẩm hát trong khi lượn lờ quanh họ nghe có vẻ hay. Mà có lẽ chúng tôi mang theo cả trống nữa thì tốt hơn.
Không thấy Ray ngồi ở ghế. Tôi đoán anh đi rửa ráy và sửa lại quần áo cho gọn gàng. Họ đang cãi vã nhau ầm ĩ từ lô ghế trước, tiếng Luke oang oang át tiếng người khác. Tôi lưỡng lự, rồi vội đến xem có chuyện gì. 5 người vẫn đang chơi bài, mấy người khác tụ tập xung quanh theo dõi. Không phải họ đập phá bàn ghế, song nghe cứ nhu họ đang làm chuyện đó. Họ đang cười ré lên trước những trò khôi hài của Luke. Ông cũng đang la hét ầm ĩ trong khi vẫn tu rượu từ chiếc bình đá. Rượu chảy tràn cả xuống quần áo.
Ông thấy tôi và gọi ầm lên: "Carol, cô bé. Lại đây nào, lại đây". Ông dùng khuỷ tay huých người ngồi bên cạnh: "Dẹp ra, Barney, để Carol ngồi. Này các bạn. Các bạn đã bao giờ thấy con bé nào dễ thương như Carol không hả. Đã bao giờ thấy cặp mắt nào ngây thơ như thế này chưa? Lại đây Carol. Lại ngồi gần chú Luke của cháu đi nào. Dẹp ra, Barney. Nghe tôi nói không?"
Song tôi không phải trả lời vì Kay từ trong buồng lái bước ra, theo sau là cơ trưởng. Họ tới chỗ mấy người chơi bài. Frank Hoffer len qua mấy người đang đứng và nói với Luke: "Ông Lucas!".
"Ồ, chào cơ trưởng. Thế nào con, làm một choác chứ?". Luke giơ cao chiếc bình.
"Ông Lucas..."
"Bay nhanh chứ con? Đã thấy đất liền chưa?"
"Ông Lucas, tôi không muốn can thiệp vào trò vui của ông. Tôi muốn ông cùng mọi người đều thấy thoải mái trong chuyến đi này. Song tôi muốn đề nghị ông vui lòng giữ trật tự một chút".
"Trật tự ư?", Luke vừa hỏi, vừa đứng dậy. Barney ngồi cạnh vội kéo ông ta xuống.
"Ông hiẻu tôi muốn nói gì, ông Lucas", Frank bảo. Ông quay sang phía mấy người kia, giọng ông lịch sự nhưng rất nghiêm khắc: "Nào các ông, xin các ông trở lại chỗ cho. Đứng lố nhố như thế này rất không an toàn, các ông sẽ gặp rắc rối khi máy bay bay vào chỗ xóc".
"Cơ trưởng này", một ông bắt đầu.
"Xin ông cho biết tên".
"Blythe. Jim Blythe..."
"Ông Blythe, đã có lần máy bay bỗng nhiên thụt hẫng 1000 fut. Một ông bị vỡ sọ trong trường hợp như vậy. Vì vậy xin ông cảm phiền ngồi vào ghế cho, tôi sẽ rất lấy làm biết ơn".
Mấy người tản về ghế của mình.
Luke điên tiết bảo: "Này cơ trưởng".
"Gì thế ông?"
"Sao ông lại ra đây, hạ lệnh cho mọi người thế là thế nào?"
"Ông Lucas, đó là nhiệm vụ của tôi".
"Thế à? Từ khi nào vậy?"
"Từ khi máy bay cất cánh. Tôi chỉ huy máy bay này. Tôi chịu trách nhiệm về sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn. Ông còn muốn biết them gì nữa không?"
Luke gườm gườm nhìn Frank.
"Thôi được", Frank nói. "Các ông cứ chơi, nhưng đừng ồn nhé. Chỗ bạn bè xin khuyên ông một điều, ông chớ phật ý. Tôi mà là ông, tôi sẽ đậy nắp bình và tạm cất nó đi".
"Ông cơ trưởng này!"
"Gì vậy?"
"Ông cơ trưởng, tôi muốn bàn với ông thế này. Ông chơi bài thay tôi, tôi sẽ lái máy bay thay ông. Thê nào? Được chứ?"
Frank cười và trở lại buồng lái. Song chắc ông ta đã làm đúng điều Kay yêu cầu: ông đã giải tán đuợc đám đánh bài ồn ào, khôi phục đuợc trật tự chỉ trong vài giây. Bằng cách nào một người có thể làm thế, chắc phải có phép màu.
Trở lại khoang bếp, Kay bảo: "Tớ phải làm thế. Tớ đã cố hết sức thuyết phục cái lão chó đẻ ấy, thế mà lão đâu có nghe. Tớ đành phải gọi Frank".
"Chắc chắn ông ta đã bảo được họ".
"Ồ tất nhiên. Ông ấy tài lắm".
Chuông gọi réo liên hồi. Đèn xanh nhấp nháy liên tục. Tôi bảo Kay: "Lạy Chúa, năm sáu ngưòi đã gọi rượu. Chắc họ cáu lắm".
"Cứ để họ đợi".
"Nhưng họ đã đợi rồi..."
"Thế thì tới trấn an họ".
"Tôi phải nói thế nào?"
"Nói với họ hệ thống điện trục trặc, thế thôi".
Lẽ ra tôi phải nghĩ ra được điều đó. Nó có tác dụng ngay, cứ như phép màu vậy. Tôi đi tới các hàng ghế, làm ra vẻ rất tiếc, nói thầm thì: "Ôi, thưa ông, rất tiếc chưa mang đồ uống cho ông được vì hệ thống điện trong khoang bếp đang bị trục trặc", và những người này tỏ ra thông cảm ngay. Họ hiểu. Ngay cả cái ông có cặp mắt nâu rất lẳng cũng lặng thinh, thôi không nghĩ ngợi xem dưới lần áo của tôi có món gì ngon miệng nữa. "Cháy cầu chì à?", ông ta hỏi và tôi đáp: "Không biết có phải không, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng sửa nhanh". Tôi cảm thấy ngượng ngùng vì không quen nói dối kiểu này. Mặt khác tôi lại thấy thích thú - chúng tôi thực sự đang ban ơn cho họ, họ có thể yên tâm nghĩ tới những trò tiêu khiển ở Folies Bergere hoặc bất cứ chỗ nào khi họ vừa tới Paris; chắc họ sẽ tận hưởng được nhiều hơn trong kỳ nghỉ này.