watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Năm cô gái trường bay-Chương 4 - tác giả Bernard Glemer Bernard Glemer

Bernard Glemer

Chương 4

Tác giả: Bernard Glemer

Chúng tôi được chia thành 2 nhóm, theo cách đơn giản nhất - thứ tự A B C. Những ai có tên từ chữ N trở lên thuộc nhóm thứ nhất, nghĩa là nhóm đó có Mary Ruth Jurgens, Annette Moris và Alma. Nhóm này rời khách sạn lúc 7h 45. Donna và tôi thuộc nhóm 2; rời khách sạn lúc 8h 15.
Jurgy rõ ràng là người dậy sớm nhất phòng. 6h nó đã dậy, đánh thức Annette rồi sau đó là Alma. Tiếng ồn ào làm tôi thức giấc, vì Alma bỗng hét lạc cả giọng, không chịu đi với Jurgy và Annette, mà chỉ đi với Carola, vì Carola là người bạn duy nhất, là chị em thân thiết của nó v...v... Thật khó chịu hết chỗ nói. Tôi buộc lòng phải nhảy khỏi giường, khuyên giải và cuối cùng, nước mắt đầm đìa, Alma đồng ý đi với nhóm 7h 45 một lần này thôi, và tôi phải thề sẽ nói với cô Pierce và cô Webley, và nếu cần, cả với Chủ tịch Hãng hàng không quốc tế Magna để sắp xếp hai đứa tôi vào một nhóm. Vào cái buổi sáng đầu tiên ấy, bên cạnh buồng tắm xảy ra cảnh lộn xộn kinh khủng. Jurgy nói với tôi: "Carol, sáng nào cũng thế này thì không ổn đâu". Với vẻ rất vô tư, tôi đáp: ''Tớ hoàn toàn đồng ý với cậu". Cô gái này có một cái gì đó làm tôi kính nể. Không phải thích, mà là kính nể. Nó có vẻ lạnh lùng, ít nói, nhưng mở mắt một cái là dậy liền, nhanh nhẹn, làm đâu ra đấy và hiểu đúng công việc của mình làm. Trái lại vào buổi sáng, Annette cứ như người mộng du. Bước chân xuống đất, nó chẳng hề biết mình đang ở đâu, ở bãi biển Miami bang Florida hay ở Bắc Kinh-Trung Quốc nữa. Phải dắt tay đưa nó vào buồng tắm, và sau khi cửa khép lại, từ bên trong vọng ra tiếng đổ vỡ loảng xoảng, tiếng càu nhàu bực tức. Vào cái giờ buổi sáng này, cái nó thực sự cần là con chó dẫn đường cho người mù. Alma càng tệ hại hơn, nó ở lỳ trong buồng tắm, doạ dẫm, nài nỉ van xin cũng không được và cuối cùng đành thúc thủ chờ khi cô nàng tự giác bước ra. Chỉ còn mỗi cách là đi gọi ông Courtenay và đám thợ sửa ống nước vui tính của ông ta, nhưng làm thế còn mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa. 5 cô gái phải ăn mặc tề chỉnh trước khi ra ngoài mà chỉ có một buồng tắm là cả một vấn đề nhỏ lý thú cho cái được gọi là khoa hậu cần xã hội.
Tôi nói với Jurgy: "Cứ tiếp tục kiểu này thì chúng ta ăn sáng sao đây?"
"Mình nghĩ để mọi chuyện ổn định một chút, chúng mình sẽ mua lấy đồ và nấu lấy bữa sáng".
"Tự lo bữa sáng trong cái cảnh địa ngục này ư?"
"Được quá đi chứ", nó nói rất tự tin. "Mình không ngại nấu nướng. Mình có khối kinh nghiệm nấu các món ăn nhanh".
"Thế cũng được. Ta thoả thuận với nhau nhé. Cậu nấu bữa sáng, tớ chuẩn bị bữa tối. Tớ cũng không sợ nấu nướng. Tối nay chúng mình sẽ bàn xem nấu cái gì".
Tôi thấy Jurgy mừng ra mặt, cười rất tươi. Đằng sau cái vẻ lạnh lùng của cô còn có một con người khác nữa.
Tiếng ồn ào của mấy cô gái ra xe chẳng ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của Donna. Nó vẫn thản nhiên nằm ngủ dưới cửa sổ mở toang, cánh tay trần duỗi dài trên mặt chăn đắp, tay kia đặt trên má và thở nhè nhẹ như đứa trẻ. Cuối cùng tôi phải gọi. Nó mở choàng mắt, và cất giọng tỉnh như không: "Carol đấy à?". Chưa đầy nửa giây nó đã tỉnh ngủ, làm tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi không đến nỗi tệ hại như Annette, nhưng người cứ lơ mơ một lúc mới tỉnh hẳn.
Donna moi dưới gối ra bao thuốc và chiếc bật lửa. Đốt xong điếu thuốc, cô tung chăn ngồi dậy và nhìn ra cửa sổ. Nó là người duy nhất trong bọn tôi ngủ trần. Tôi cũng chẳng buồn để ý làm gì; tuy vậy, đêm qua Alma đã nói nhỏ với tôi về việc ấy. Tôi nghĩ Alma coi chuyện đàn ông ở truồng là chuyện tự nhiên, còn hình ảnh đàn bà khoả thân chỉ được dùng cho các bưu ảnh loại bậy bạ.
Thực ra Donna có cơ thể gần như trung tính. Tôi muốn nói rõ ràng nó là con gái rồi, song chẳng có chỗ nào phổng phao, lồi lõm cả. Ngực hơi lép, lườn dài và nhỏ, đặc biệt là không có mông. Nếu so sánh thì Alma có những đường cong đầy đặn, giống như cô gái đẹp trong tranh của Rubens. Annette cũng còn có đường cong thon thả của một cô gái nhỏ nhắn. Còn tôi và Jurgy thì giống nhau, thuộc loại trung bình. Khi Donna đánh bộ vào, như bộ màu rêu Tây Ban Nha tối hôm qua, nó ăn đứt mọi người. Nó sinh ra để diện quần áo, còn loại khoẻ mạnh như tôi và Jurgy chẳng đáng được Paris để mắt tới.
"Tuyệt thật", Donna bảo. ''Nhìn biển kìa"
"Đẹp đấy chứ!"
Nó cau mày: "Cậu biết không, chỉ có điên mới nằm trên giường thế này. Sáng nào thức dậy, chúng mình cũng nên đi bơi, cậu ạ".
"Nên quá đi chứ".
"Được rồi, bắt đầu từ sáng mai chúng mình sẽ dậy sớm nửa giờ để đi bơi".
Nó nhảy tót ra khỏi giường: "Ôi, mình thích Florida quá. Ngay khi yên ổn ở đây xong, mình sẽ càng thích Florida hơn".
"Cậu bảo yên ổn nghĩa là sao?"
"Sao cơ?", nó có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi. '' Tức là khi mình kiếm được bạn trai. Cậu có rồi, chẳng lẽ cậu nghĩ mình không đáng có hay sao?"
Tôi đáp: "Thì cậu chẳng đã có anh chàng dô kề Muirhead đó sao. Đấy là chưa kể ông Courtenay nữa".
Donna cười phá lên: "Cậu biết tớ phục cậu ở điểm nào không? Cậu bao giờ cũng đặt tớ vào đúng kích cỡ".
"Mặc quần áo vào kẻo nhỡ xe bây giờ".
Tôi muốn bảo Donna mặc cái gì cho kín đáo một chút trong ngày đầu tiên này, nhưng đến phút cuối cùng lại ngần ngại, và nghĩ đó không phải là việc của tôi. Tôi đứng ngắm nó diện cái áo blu màu xanh sẫm bóng mượt, chiếc váy đen có đường viền, cổ đeo dây chuyền vàng rất xinh, nhưng không bình phẩm gì. Tôi mặc bộ đồ đen của hiệu Lord và Taylor có tới hơn 30 khuy, cài đến mỏi cả tay và đeo sợi dây chuyền ngắn. Không hiểu sao tôi lại rồ dại mua bộ đồ này, song tôi hoàn toàn hiểu rõ lý do tại sao hôm nay tôi lại mặc nó: tôi sợ ông Garrison. Tôi luôn nơm nớp với ý nghĩ ông ta không hài lòng về tôi sau lần gặp ở phòng ăn Vua Mặt Trời tối hôm qua. Và tôi cảm thấy nếu sáng nay gặp lại ông, tôi cần ăn mặc kín đáo là tốt nhất. Không ngực, không mông, cổ áo không xẻ thấp - tức là chỉ như chiếc bóng đàn bà mà thôi.
Khách sạn có một quầy ăn nhỏ gần hành lang chính, và dù có ngốc cũng đoán được nó có tên là Salon de Fragonard. Très chic! (rất sang trọng). Tường treo đầy những bức hoạ các cô gái chăn cừu phốp pháp, chẳng để ý gì đến chuyện vú vê thỗn thện đủ kiểu của mình. Các cô hầu bàn trông cũng giống các cô chăn cừu ấy, nhưng được cái có áo lót hẳn hoi. Lạy Chúa tôi! Nếu một cô chăn cừu hở hang ấy bưng cà-phê sáng đến tận giường cho ngài, thi ngài nghĩ thế nào?
Ông Courtenay tỏ ra có đầu óc thực tế tuyệt vời khi lo liệu bữa sáng đặc biệt có 70 xu cho đám học sinh chiêu đãi viên của hãng Magna, gồm nước đu đủ, trứng chưng xốp, còn cà-phê uống không phải trả thêm tiền. Chúng tôi chén sạch mọi thứ trên bàn rồi lục tục cùng 18 cô khác kéo ra chiếc xe buýt sơn hồng, sơn xanh thân yêu ấy. Xe chúng tôi lướt trên bãi biển Miami trong ánh nắng ban mai dìu dịu. Mọi người trố mắt nhìn, vẫy vẫy chúng tôi (song chúng tôi không vẫy lại); mấy gã vui tính còn huýt gió ầm ĩ, và mặc dù cố làm bộ nghiêm trang, chúng tôi vẫn cứ phải khúc khích cười, một phần vì chúng tôi đang trong tâm trạng phấn chấn, nhưng một phần cũng vì chúng tôi là cả một đám 20 cô, mà chỉ có mỗi chàng lái xe Harry đáng thương là đàn ông đi cùng.
Văn phòng hãng Magna nằm trên con đường nhỏ gần sân bay. Văn phòng này chỉ dùng cho bộ phận quản lý và huấn luyện, nằm trong một ngôi nhà hai tầng đồ sộ bằng bê-tông. Vẻ dung dị cả bên ngoài lẫn bên trong làm nó trông giống như một nhà máy hơn là văn phòng. Tôi cứ tưởng nó phải là một toà nhà vô cùng hiện đại, với đài điều khiển có thang xoáy trôn ốc, khung thép không gỉ, bốn bề là kính bóng lộn, lột tả được cái chất mạo hiểm của nghề bay và những thách thức của tương lai, v...v.. Nhưng không! Nó hoàn toàn mang tính chất tiện dụng.
Cô Webley đợi chúng tôi ở phòng tiếp đón. Trông thấy chúng tôi, cô mỉm cười nói: "Chào các cô! Tôi nghĩ tốt nhất là nên có mặt ở đây đón và chỉ lối, kẻo các cô sẽ bị lạc. Nào, đi sát nhau vào nhé". Nói xong, cô nhanh nhẹn dẫn chúng tôi qua những hành lang hẹp dài ơi là dài. Cuối cùng cô dẫn chúng tôi vào một lớp học rộng kiểu cũ, có bảng đen, bàn giáo viên ọp ẹp và mấy dãy bàn liền ghế nhỏ tý tẹo, trông như vừa chuyển từ lớp mẫu giáo thẳng tới đây vậy.
"Đây là lớp của chúng ta. Các cô cứ ngồi đi, chỗ nào cũng được. Hôm nay chưa phải buổi học chính thức vì các cô còn phải làm một số thủ tục giấy tờ như khám sức khoẻ, vào sổ báo danh, đo cỡ quần áo, và...." Cô phải bỏ dở câu nói, vì cô Pierce bước vào cùng với Alma. Ôi Alma thân yêu. Cô ta đứng đó, đôi mắt đáng yêu đẫm lệ, trong khi cô Webley và cô Pierce thầm thì trao đổi với nhau. Sau đó cô Webley gọi: "Carol Thompson!"
Tôi đứng dậy
Cô nói: "À, tôi nhớ ra rồi. Cô là người đang giúp đỡ Alma Di Lucca. Cô nói được tiếng Ý, đúng không?"
"Vâng, thưa cô Webley"
"Vậy thì được rồi. Tôi nghĩ có thể chuyển cô Di Lucca sang lớp này để cô tiếp tục giúp cô ấy". Cô liếc nhìn tờ giấy trên bàn, rồi nói tiếp: "Grace O'Malley, cô chuyển sang thay chỗ Di Lucca trong lớp cô Pierce''.
O'Maley buồn rầu ra khỏi lớp cùng cô Pierce. Alma ngồi vào chỗ ngồi phía bên trái tôi, Donna ngồi bên phải.
Cô Webley lại tiếp tục như không có gì xảy ra: "Nào các cô, như tôi vừa nói, chúng ta chưa thể bắt đầu bài học chính thức được, vì các cô còn phải làm một số việc khác. Nhưng tôi muốn các cô hiểu rằng đây là nhà của các cô. Sau khi khám sức khoẻ và làm các thủ tục giấy tờ, tôi muốn các cô trở lại đây, có thế ta mới theo dõi được nhau. Rõ chưa nào?"
"Rõ, thưa cô Webley'', chúng tôi đồng thanh trả lời như ở nhà trẻ.
"Bây giờ có một vài điều tôi muốn trao đổi..."
Cô phải ngừng lời. Một cô gái đeo kính bước tới gần bàn, đưa cho cô mảnh giấy gấp tư. Cô vừa đọc vừa cau mày rồi gọi to: "Carol Thompson, Donna Steward, Alma Di Lucca".
"Có, thưa cô Webley", chúng tôi đáp.
Cô nói, giọng khô khốc: "Cả ba cô lên gặp giám đốc nhà trường. Betty sẽ dẫn các cô tới văn phòng ông ấy".
Betty chính là cô gái đeo kính. Tôi hỏi cô ta khi tất cả đã ra hành lang: "Giám đốc trường là ai thế?"
Cô ta nhìn tôi như thể tôi là đứa ngớ ngẩn: "Ông Garrison mà các cô đã gặp".
"Ồ", tôi thốt lên.
"Thế này là thế nào, chuyện gì vậy Carola?" Alma hỏi.
"Không có gì đâu, cứ bình tĩnh", tôi đáp. Miệng tôi khô đắng, chân bắt đầu run, nhưng không hiểu sao lại thấy tự hào là đã nhìn xa trông rộng khi mặc bộ đồ đen giản dị này.

Chúng tôi đợi chừng 5 phút ở phòng nhỏ bên ngoài, trong khi Betty đánh máy chữ rào rào như súng liên thanh. Phòng chỉ có một ghế, nên tôi ấn Alma ngồi vào đó để khỏi vướng tầm nhìn của tôi. Mặt Donna hơi tái đi, nhưng vẫn cố giữ nụ cười trên môi, và khi nhìn tôi, mắt cô rất sáng.
Chuông điện thoại trên bàn Betty réo vang. Cô ta cầm máy, hờ hững nói: "Alô", rồi đặt xuống và bảo: "Carol Thompson, mời cô vào".
Donna lấy tay hẩy nhẹ tôi. Tôi không nhìn Alma. Tôi bước vào, thấy ông Garrison ngồi bên chiếc bàn to trong một phòng rất rộng. Cùng ngồi với ông còn có 2 người nữa: bà Montgomery mà tôi đã gặp trong lần kiểm tra ở New York, và người đàn ông đi cùng ông Garrison tối hôm qua, người đeo kính gọng sừng. Tôi để ý thấy mắt ông ta màu xám, còn lông mi lại màu đen.
Bà Montgomery cất giọng nhẹ nhàng: "Chào cô Thompson"
"Chào bà".
Ông Garrison chìa tờ giấy ra và nói: "Cô Thompson", có ý bảo tôi cầm lấy. Tôi đưa tay cầm lấy tờ giấy ấy.
Ông ta bắt đầu ngay: "Đây là biên lai thay vé khứ hồi New York. Cô hãy đưa cho nhân viên của hãng tại sân bay, ông ta sẽ thu xếp cho cô chuyến bay sớm nhất".
Tôi nhìn tờ giấy. Hình như tôi chăm chú nhìn nó đến mấy giây. Tôi không đọc được vì không còn tâm trí nào nữa. Cầm một lúc, tôi đưa trả lại tờ giấy song ông ta không cầm, nên nó rơi xuống mặt bàn.
"Nếu ông không giận, thưa ông Garrison, tôi không cần đến tờ giấy này".
"Tại sao?", ông ta hỏi độp"
"Tôi muốn tự mình mua vé trở về New York".
"Cô không cần phải làm như vậy"
"Vả lại, lần này tôi thích đi máy bay của hãng Pan Am, hoặc National hay Eastern, chứ không phải của hãng Magna. Tạm biệt bà Montgomery, rất vui mừng được gặp bà". Đồng thời, tôi cảm thấy cũng nên giữ phép lịch sự với người đàn ông đeo kính, dù chúng tôi chưa được giới thiệu khi mới gặp. Tôi chào ông ta: "Xin tạm biệt ông". Ông ta nhìn tôi rất kỳ quặc, đến nỗi người tôi nổi hết gai ốc như thể chạm phải điện. Thật lý thú! Tôi ước ao được nán lại chút nữa để cảm nhận thêm mà không thể được.
Tôi quay gót bước ra.
"Cô Thompson", ông Garrison gọi giật lại.
Tôi dừng bước, nhưng không quay đầu lại.
Ông ta nói: "Cô Thompson, cô không có ý kiến gì về việc mình bị đuổi học, hoặc giải thích hành động của cô tối qua hay sao?"
Tôi từ từ quay lại: "Thưa ông Garrison, ông muốn hỏi ý kiến tôi bây giờ ư?"
"Phải, nếu cô có gì để nói".
Ôi, tôi có gì để nói. Tôi trả lời: "Ông đã đuổi tôi, ra lệnh cho tôi rời khỏi Miami trên chuyến bay sớm nhất. Bây giờ ông lại muốn biết tôi có ý kiến gì không. Bây giờ ư?"
Ông ta cự lại: "Cô với hai cô bạn cùng phòng, tối qua đã xuống phòng ăn chính của khách sạn Charleroi trong trang phục mà tôi chỉ có thể gọi là rất khêu gợi. Trong bữa ăn, các cô đã gọi rượu, rồi sau đó đã mời đến bàn một người có tiếng là cờ gian bạc bịp. Cô biết rõ nội quy của chúng tôi, cô Pierce đã đọc kỹ cho các cô nghe. Cô biết rõ điều chúng tôi yêu cầu trước hết là phải xử sự đoan trang. Các cô đã hành động một cách đáng hổ thẹn, và chỉ có một hình phạt duy nhất là đuổi ngay lập tức''.
Không hiểu sao, mỗi khi bị đối xử bất công là tôi lại nổi giận đùng đùng, không chỉ là giận dữ suông mà bật ra thành lời. Từ ngữ cứ tích tụ trong tôi như những đám mây giông và tôi bắt đầu nói năng rành rọt, khác hẳn ngày thường.Người cứ như mê đi, tôi trở thành loại con gái mà William Jennings Bryan đã mô tả, xả hết nỗi bực dọc bấy lâu nay chất chứa trong lòng, đến nỗi tôi không thể tin đấy là tôi nữa. Tôi nói: "Thưa ông Garrison, tôi không nghĩ tôi với ông đang cùng sống trong một nước, mà là ở hai quốc gia khác nhau. Ông vừa trừng phạt tôi về tội vi phạm nội quy nào đó. Được lắm! Rồi sau khi đã tuyên phạt, ông lại hỏi ý kiến của tôi. Tôi thấy lạ lùng quá. Ông biết đấy, trong cái đất nước mà tôi đang sống...'"
"Cô Thompson", ông ta nhắc nhở.
"Xin phép ông cho tôi nói nốt".
"Chỉ có điều đừng gay gắt thế".
Ông ta đã muốn nghe, thì đây, lạy Chúa, xin mời ông nghe. Không có gì trên đời này bắt tôi im lặng được. "Trong cái đất nước mà tôi đang sống", tôi nhắc lại, "có một nguyên tắc sơ đẳng của sự công bằng mà chúng tôi kế thừa từ các bậc tiền bối Anglô Saxon..."
"Cô Thompson!"
"...nguyên tắc ấy quy định rằng một người bị buộc là có tội, dù nặng hay nhẹ, vẫn được coi là vô tội cho tới khi có đủ mọi chứng cứ chứng minh là người đó có tội".
"Kìa cô Thompson", bà Montgomery nhẹ nhàng nói.
Nếu bà ta cũng muốn nhập cuộc, rất sẵn lòng, xin mời bà. Tôi quay lại nhìn bà ta và nói: "Thưa bà, ít ra ta cũng cần biết rõ điều này. Chúng ta đang sống ở nước Mỹ, đúng không? Hãng hàng không quốc tế Magna có phải là hãng của Mỹ hay không?"
Bà nhìn tôi buồn buồn: "Chúng tôi không phỏng chừng là cô có tội. Có điều, chứng cứ đã quá hiển nhiên. Các cô đã mặc váy dạ hội khi vào phòng ăn. Một chai vang đã được chuyển tới bàn các cô. Sau đó, một ông Brangwyn nào đó mà theo chỗ tôi hiểu là một con bạc khét tiếng đã tới nhập bọn với các cô. Rồi cô và ông ta cùng kéo ra sàn nhảy. Có đúng thế không?"
"Vâng", tôi trả lời.
Bà ta nói tiếp: "Còn nếu cô cảm thấy nội quy của chúng tôi khắt khe quá, trẻ con quá hoặc không hợp lý, thì đó lại là chuyện khác. Chắc chắn đã có nhiều người trong phòng ăn thấy cô và hai cô kia. Cô hình dung thử xem họ sẽ bình phẩm thế nào? Ba cô học sinh chiêu đãi viên, vừa chân ướt chân ráo tới Miami, đã la cà chè chén ở một nhà hàng đắt tiền và giao du với một con bạc khét tiếng. Cô Thompson, chẳng lẽ cô nghĩ hành động của các cô làm tăng danh tiếng của hãng chúng tôi sao? Hay cô nghĩ những bằng chứng vừa nêu không đủ để đuổi ngay lập tức?"
Tôi đã gặp phải người còn hùng biện hơn tôi nhiều, và hiểu rằng mình mắc lỡm. Vì thế, tôi trả lời: "Bà nói rất đúng, thưa bà Montgomery" và lại quay gót đi ra. "Thompson, quay lại!" ông Garrison quát, và một lần nữa tôi quay lại.
Ông ta trợn mắt nhìn tôi: "Cô không nói gì để bào chữa cho mình, ngoài việc đứng đó mà đọc luật quyền con người à? Cô không giải thích gì về hành động của cô sao?"
"Làm thế phỏng có ích gì? Ông đã đuổi tôi rồi cơ mà!"
Ông ta gần như nhảy cẫng lên: "Cô bị đuổi, đúng! và thề có thánh George, tôi sẽ lại đuổi cô, nếu cứ tiếp tục cái kiểu này. Các cô làm gì trong phòng ăn ấy?"
"Chúng tôi đói bụng, thưa ông Garrison. Suốt ngày chúng tôi chưa ăn uống gì. Chúng tôi xuống đó kiếm cái ăn. Tất cả chỉ có thế".
Ông ta có vẻ bối rối một chút, rồi gượng lại được ngay.
"Các cô phải mặc váy dạ hội xuống đó kiếm đồ ăn à?"
"Ông Garrison! Chúng ta đang ở một trong những khách sạn sang nhất của Miami, vì vậy bất cứ người phụ nữ nào ở đó cũng đều phải diện đồ để xuống ăn tối. Nội quy của các ông quy định dứt khoát là bất cứ lúc nào chúng tôi cũng phải ăn mặc phù hợp. Tôi không biết có phải ông cho rằng chúng tôi phải mặc quần thụng, áo thun hay không, nhưng là đàn bà đoan chính, chúng tôi cảm thấy mặc váy dạ hội là thích hợp nhất".
Ông ta chớp chớp mắt, chưa kịp nói gì thì tôi lại tiếp: "Vả lại chúng tôi không hề có ý định vào phòng ăn đó. Với số học bổng hãng Magna cấp, chúng tôi làm gì có tiền để trả. Song chúng tôi gặp ông Courtenay ở hành lang, ông ta cứ một mực cho rằng chúng tôi là tinh hoa của phụ nữ Hoa Kỳ nên coi chúng tôi là khách quý và dẫn vào phòng Vua Mặt Trời. Chúng tôi không phải trả xu nào cho bữa tối; còn tôi chỉ dùng một miếng bánh mì kẹp thịt chán ngắt, cùng một cốc cà-phê và phải để lại 5 đôla tiền puôcboa".
"Cô có uống vang chứ?"
"Thưa ông Garrison, đó là Alma Di Lucca, còn tôi và Donna không uống. Và rất có thể ông không thấy được điều này: không thể ngăn cô Alma Di Lucca uống vang được đâu, vì như thế trái với tín ngưỡng của cô ta. Cô ta là người Ý. Cô ta chỉ dùng đến nước lã khi tắm mà thôi'".
Ông Garrison nhìn bà Montgomery, bà ta cũng điềm tĩnh nhìn lại. Người đàn ông kia châm thuốc, mắt nhìn trần nhà. Tôi rất mừng vì cảm thấy đôi mắt màu tro ấy làm tôi rối trí.
Ông Garrison lên tiếng: "Lời giải thích của cô nghe cũng có lý, cô Thompson ạ. Hãy cho chúng tôi biết cô làm gì với cái gã Brangwyn, tay cờ bạc rẻ tiền ấy".
Tôi không thể kìm được ý nghĩ trả thù: "Thưa ông Garrison, xin ông tin rằng tôi không có ý giễu cợt gì đâu, nhưng khó có thể gọi ông ta là tay cờ bạc rẻ tiền được. Ông ta còn nợ chính phủ liên bang 150.000 đôla tiền thuế thu nhập, và với nhiều người, đó là cả một số tiền lớn.
Ông Garrison tỏ ra chẳng thích thú gì: "Cô cũng biết chuyện ấy?"
"Vâng, thưa ông".
"Biết vậy sao cô còn đi với ông ta?"
Một lần nữa tôi lại căng lên như quả bóng, với những lời lẽ gay gắt. Ông Garrison và bà Montgomery hoàn toàn có quyền bảo vệ danh dự và uy tín của Hãng, nhưng họ không có quyền hành động như một Toà án giáo hội Tây Ban Nha thời trung cổ. Tôi nói: "Thưa ông Garrison, giá ông thu xếp để FBI điều tra từng hành khách trước khi ông hoặc bà ta được phép mua vé, chắc chuyện này đã không xảy ra. Hôm qua, tôi ngồi cạnh ông Brangwyn trên máy bay. Tôi không chọn, mà bị ấn ngồi vào đó. Làm sao tôi biết được ông ta là con bạc khét tiếng? Ông ta không gạ tôi đánh bài, cũng không ép tôi cá cược. Trái lại ông ta cũng tử tế và ý tứ như những người khác. Ông ta chỉ nói chuyện phiếm về chuyến bay, và những chuyện tương tự như vậy. Tối qua khi tới bàn chúng tôi, ông ta xử sự như một bậc chính nhân quân tử. Thưa bà Montgomery, xin bà cho biết thế nào là cách cư xử đúng mực? Chẳng lẽ tôi phải làm om lên và ra lệnh cho ông ta đi chỗ khác ư?"
"Nhưng cô biết ông ta là tay cờ bạc", bà ta vặn lại.
"Tôi chỉ nghe người ta đồn, thế thôi. Bà không thể căn cứ vào lời đồn để trách cứ một con người, phải thế không thưa bà?"
"Cô Thompson thân mến, tôi không thể trả lời một câu hỏi theo kiểu ấy".
Ông Garrison đưa tay bóp má. Rồi ông ngồi ngay ngắn như người đàn ông đeo kính gọng sừng và nhìn lên trần nhà. Sau đó, ông ta nhìn tôi và hỏi: "Cô có định gặp lại ông ta nữa không?"
"Thưa ông, ông ta là bạn của ông Courtenay, ông ta thường xuyên ra vào khách sạn. Thật khó mà tránh mặt ông ta được trừ phi hễ thấy ông ta là tôi lại phải nấp sau các hàng cột".
Thái độ ông Garrison bỗng nhiên thay đổi. Ông ta lặng lẽ, có vẻ thân thiện và thẳn thắn. Bất ngờ ông ta gọi tôi bằng tên riêng: "Carol, chúng tôi không quy định các cô có thể gặp gỡ ai và không được gặp ai. Nhưng đồng thời, chúng tôi tin cô cũng hiểu những điều chúng tôi không muốn xảy ra ở đây. Dù quan hệ của cô với người này vô hại thế nào đi nữa, nó vẫn gây ra những lời đàm tiếu làm chúng tôi bẽ mặt. Và nếu phải lựa chọn giữa cô và Brangwyn, với thanh danh của Trường huấn luyện chiêu đãi viên, tôi sẽ không ngần ngại chọn cái thứ hai. Lúc đó cô sẽ phải đi, đơn giản là như vậy, cô hiểu chứ?"
"Vâng, thưa ông".
"Thế thì tốt. Nào, liệu tôi có thể cho rằng cô sẽ không gặp lại người này nữa chứ?"
Tôi những muốn gào lên. Thật là độc ác, thật là bất công! Tôi không có quan hệ yêu đương gì, cũng chẳng có tình cảm đặc biệt nào với ông Brangwyn. Ông ấy dễ gần, tử tế và bẽn lẽn; và tôi sẵn sàng thề ông ta không làm hại tôi bao giờ. Thế nhưng tôi hiểu rằng những lời ông Garrison nói là đúng. Những lời đồn đại, chê bai dè bỉu, làm bẽ mặt, hoàn toàn có thể như vậy thật.
Tôi không có ai để hỏi ý kiến. Bà Montgomery ngoảnh mặt nhìn đi; người đàn ông đeo kính kể như không có ở đấy. Tôi nói, mà cảm thấy như mình đã phản bội niềm tin của chính mình: "Tôi sẽ cố tránh không gặp ông Brangwyn".
Ông Garrison nói: "Thôi được, cô có thể trở lại lớp học. Nói cô Alma Di Lucca và cô Donna Steward cùng về luôn".
"Cám ơn ông".
Ông ta lại nói: "À này, tôi muốn cô là người đầu tiên biết việc này. Có một quy định mới, có hiệu lực bắt đầu từ hôm nay: không được mặc váy dạ hội, tôi nhắc lại, không được mặc, trừ những ngày cuối tuần và những dịp đặc biệt. Cô nói lại với các bạn cô được chứ?"
"Vâng, tôi sẽ nói lại. Còn chuyện uống rượu của cô Di Lucca thì thế nào ạ?"
Ông ta quăng cây bút chì xuống bàn: "Mẹ kiếp! Chúng tôi sẽ coi đó là một loại thuốc. Thế được chứ?" Ông ta nheo mắt nói tiếp: Nhưng nếu tôi bắt gặp cô ta chân nam đá chân chiêu ngoài hành lang, hoặc chỉ cần ngửi thấy mùi rượu ở miệng cô ta, thì hãy liệu hồn. Rõ chưa?"
"Thưa ông, rõ", tôi đáp và lui ra.
Năm cô gái trường bay
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23