Chương 2
Tác giả: Bernard Glemer
Bây giờ ngồi lại, tôi vẫn có thể dễ dàng nhớ lại từng giây phút của chuyến bay ngày ấy, nhưng chuyện đó chẳng hứng thú lắm, trừ đối với những người yêu thích nghề bay đến mức như tôi. Này Thompson, không hiểu những chiếc máy bay và những chuyến bay có cái gì mà lại khuấy động tâm hồn cô đến thế. Và câu trả lời là: tôi mà biết thì xin cứ vặn cổ tôi đi. Tôi đã từng là cô sinh viên ở Bryn Mawr và một năm học ở đó là quá đủ, nên hiểu được rằng máy bay là một biểu tượng không thể nói ra được mà tôi hằng để tâm tìm kiếm, còn bản thân việc bay ấy cũng mang đầy sắc thái tính dục, đến nỗi ta chỉ có thể ghi lại và lưu giữ trong một hòm kín thời gian cho ngàn năm sau. Nhưng chưa bao giờ có ai giải thích được cho tôi tại sao tôi cứ phải thèm khát những biểu tượng ấy, trong khi không cần phải tốn một chút sức lực nào tôi cũng có thể có được cái vật thực trong tay. Ý tôi muốn nói, lẽ ra ngay từ khi 16 tuổi, tôi đã có thể dễ dàng bắt đầu cuộc đời tình dục cuồng say với tất cả những khoái cảm mà nó đưa lại, chứ đâu đến nỗi bây giờ đã 22 tuổi mà vẫn còn trong trắng như bông tuyết đầu mùa, trừ cái lần Tom Ritchie đã lợi dụng sự yếu đuối của tôi khi đang bị nấc ở góc vườn làng Greenwich. Tôi không oán trách anh ta, cái đồ quỷ tha ma bắt ấy. Anh ta cũng chỉ làm cái việc tự nhiên của đàn ông từ cái ngày sự sống bắt đầu trên một vùng đầm lầy nào đó ở châu Á. Vả lại, sau đó anh ta nói với tôi nhiều lần là muốn cưới tôi ngay khi hoàn thành cái hợp đồng quảng cáo cho hãng cá ngừ đóng hộp ấy. Thế nhưng, nó vẫn chưa giải thích được lòng đam mê của tôi đối với những chiếc máy bay, cũng như việc tôi theo đuổi những biểu tượng về sức mãnh liệt của đàn ông. Thực tình, lần ấy cũng cho tôi những cảm giác mới lạ nhất của kẻ lạc vào mê cung tình ái khi còn đang bị nấc. Tôi thích Tom Ritchie, và cũng như các cô gái bình thường khác, tôi luôn quan tâm đến những gì diễn ra giữa đàn ông và đàn bà ở những giây phút thường được miêu tả ( không úp mở gì ) trong tiểu thuyết bằng những dấu chấm lửng; song sự chung đụng lần ấy không cho tôi câu trả lời rõ lắm, vì tôi còn mải để ý đến việc nửa người phía trên của tôi cứ rung lên theo tiếng nấc. Hẳn là đầu óc Thompson còn đang bấn lên vào cái lúc cô ta mất đi đời con gái. Tôi xin thề là cái giây phút lớn lao nhất đời tôi, theo như tôi đã đọc trong sách, vẫn chỉ là những dấu chấm lửng. Tôi cả quyết rằng giá lúc bình thường, hẳn là tôi đã chống trả quyết liệt như một phụ nữ đoan trang cần làm, nhưng vì đang bị nấc tôi đành bó tay bất lực. Khi mọi việc xong xuôi, tôi vẫn còn nằm trên cỏ mà nấc lấy nấc để như chiếc đồng hồ báo thức sắp hết dây cót, trong khi Tom Ritchie đang bực bội nhìn tôi, như thể anh ta đã hết sức chữa chạy cho tôi, nhưng vì tôi quá ngu dại nên thứ thuốc mà anh ta đã tiêm cho tôi không có tác dụng. Cứ cái kiểu này, người con gái có thể cho rằng người ta nói hơi quá về sự chung đụng xác thịt, nhất là người tiếp theo trong đời cô ta lại là người như Charlie Hộ Pháp. Nhưng không, tôi không để mất niềm hy vọng, tôi đâu có vứt bỏ những ý tưởng cũng như ảo tưởng của mình. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận rằng hai lần ấy với Tom và Hộ Pháp làm tôi hơi thất vọng, và nếu cần phải chọn, tôi thà ngồi nhai miếng thịt bò ngon hoặc tôm hùm nướng còn hơn.
Người đàn ông ngồi cạnh tôi bỗng nhè nhẹ thở dài, tháo dây an toàn, lấy ra bao thuốc cùng chiếc bật lửa Zippo mạ vàng. Ông ta khẽ liếc nhìn tôi, ngập ngừng nói: " Cô hút với tôi điếu thuốc nhé?"
Tôi cũng hơi do dự. Và điều kỳ lạ, trong cái tích tắc do dự ấy, con người tôi hoàn toàn thay đổi. "Ồ vâng, cám ơn ông, tôi cũng muốn hút một điếu ", tôi đáp, rồi nhìn ông ta mỉm cười rất tươi.
Từ lâu tôi đã biết không nên nhận thuốc lá của một người đàn ông lạ. Cho dù lời mời có vô tư đến đâu chăng nữa, nó vẫn là một cái bẫy. Chỉ một điếu thuốc nhỏ khốn khổ ấy, thế là bạn phải chịu ơn ông ta, phải trò chuyện và nghe ông ta kể lể về gia đình và công việc, và bạn sẽ không bao giờ biết làm thế nào kết thúc câu chuyện và kết thúc ở đâu. Nhất là khi thân gái dặm trường, chỉ một lời nói đơn giản cũng có thể dẫn đến những tình huống khó xử nhất. Chính vì vậy mà trước kia tôi luôn cố xử sự như một phụ nữ đoan trang, tránh không dính dáng đến những người đàn ông hoàn toàn xa lạ.
Nhưng trong cái giây phút ngắn ngủi ấy, biết bao ý nghĩ đã đến với tôi: tôi hình dung rõ nét cuộc gặp gỡ với người đàn ông của hãng hàng không quốc tế Magna trong văn phòng chính của hãng ở đại lộ Park trước đó vài tuần.
Người của hãng Magna là ông A.B. Garrison. A là chữ viết tắt của Arnold. Ông tiếp tôi trong một văn phòng rộng thênh thang đến hàng mẫu. Khi tôi bước vào, ông cất giọng vui vẻ: "Chào cô Thompson, rất vui mừng được gặp cô. Mời cô vào đây", rồi mỉm cười hồ hởi khi tôi đi cả một quãng dài hàng dặm đến chiếc ghế cạnh bàn ông. Tất nhiên tôi hiểu ông ta đang làm gì: ông ta đang xét đoán tôi để có những ấn tượng đầu tiên- mặt mũi tôi thế nào, đi đứng ra sao, tôi xử sự thế nào trước lời chào của ông và đáp ứng nụ cười của ông ra sao... Ông trạc 40, người béo tốt và có vẻ thoải mái. Tôi đoán ông cũng nhận thấy tôi biết ông đang xét đoán tôi, vì khi tôi ngồi xuống ghế, ông chặc lưỡi nói: "Đừng sợ, cô Thompson, chúng ta nói chuyện nhẹ nhàng thôi mà". Điều ông muốn làm tôi tin ngay từ giây phút đầu tiên là ông muốn giúp tôi. Ông có vẻ rất ranh ma, nên tôi biết cho dù có muốn đi nữa, tôi cũng chẳng trông mong gì được ở ông. Nhưng tôi cũng cảm thấy phấn khởi là ông đứng về phía tôi. Trong lúc chúng tôi trò chuyện, một bà trông rất khả ái tên là Montgomery bước vào. Bà đến ngồi cạnh ông ta sau khi ông giới thiệu chúng tôi, nhưng suốt buổi bà chỉ ngồi nghe chứ không bình luận gì.
Trên bàn làm việc của ông Garrison có tờ đơn xin việc mà trước đó mấy hôm tôi đã nộp, trong đó ít nhất cũng phải có đến 10 000 câu hỏi, từ kích cỡ người ( ngực, eo, hông, cỡ giầy, mũ, chiều cao, cân nặng) cho đến tình trạng hôn nhân hiện nay, răng nào bị nhổ, có vết sẹo rõ không, học ở đâu, có bằng cấp gì, trước nay làm gì, đã bàn với cha mẹ khi nộp đơn này hay không..... Bản câu hỏi dài cả sải này hình như là cái mốt hiện nay.
Ông Garrison đọc đơn của tôi với vẻ hờ hững, và tôi không hiểu ông định dẫn dắt tôi tới đâu. Ông không vội vã, chỉ tỏ ra thân ái, đôi lúc thậm chí còn vui vẻ nữa.
" Cô không có bệnh gì nghiêm trọng chứ?"
"Không, thưa ông"
"Cô là con một?"
"Dạ đúng thế, thưa ông"
"Theo chỗ tôi biết, cô học ở Bryn Mawr một năm. Sao lại chỉ học có một năm? Có phải vì bài vở quá khó đối với cô không?"
"Dạ không. Tôi bỏ học"
"Sao thế?"
"Tôi cảm thấy chán học, tôi muốn bước ra thế giới bên ngoài"
"Đi du lịch?'"
"Làm gì cũng được, miễn là được đi và được làm việc"
"Nhưng cô cũng đã từng đi nhiều nơi. Tôi hiểu là cô đã đến Canada, Mexico, Anh, Pháp, Ý... Cô tới những nơi này sau khi thôi học?"
"Thưa ông không. Trước đó chứ ạ. Trong các kỳ nghỉ"
"Cô đi một mình hay cùng gia đình và bạn bè?"
"Tôi đến Mexico một mình. Còn những nơi khác là do bố tôi đưa đi. Bố tôi thường đi rất nhiều"
"Ông Garrison đọc tờ khai của tôi một lát, rồi bảo:" Tôi thấy cô chưa khai nghề nghiệp của cha cô. Tất nhiên, nếu cô không muốn thì thôi. Chuyện đó cũng chẳng quan trọng, cốt là để vào hồ sơ thôi".
"Thưa ông, bố tôi đã mất. Vì thế tôi không trả lời câu hỏi ghi trong giấy"
"Ồ, tôi xin lỗi"
"Nghề của bố tôi là viết sách hướng dẫn du lịch. Do vậy tôi mới được đi nhiều đến thế. Bố tôi đôi khi cũng để tôi đi cùng".
"Sách du lịch ư." ông Garrison hỏi. "Hừm, có phải là ông Greg Thompson không?"
"Dạ phải"
Ông Garrison có vẻ hài lòng. Ông xoay qua nói với bà Montgomery: "Bà đã đọc cuốn sách nào của ông Gregg Thompson chưa?"
Bà nói, giọng dịu dàng của người có học thức: "Có chứ, tôi đọc nhiều cuốn và thấy rất thích thú".
"Tôi cũng vậy", ông Garrison nói. "Viết rất hay. Ông ấy thực sự có năng khiếu viết.
Nghe họ nói, tôi những muốn khóc
Ông G hỏi sang chuyện khác: "Cô nói tiếng Pháp, Ý và Tây Ban Nha thạo chứ?"
"Cũng tương đối ạ"
"Đã đủ để giao dịch chưa?"
"Dạ có, chừng nào chưa đến nỗi quá chuyên sâu ạ"
"Làm sao cô có thể học được ngần ấy thứ tiếng trong khi cô chỉ có một năm ở trường?"
"Tự nhiên thôi. Tôi thuộc loại mê học ngoại ngữ lắm. Tôi chỉ nghe rồi nhập tâm, cứ như nó thấm dần hay sao ấy".
"Cô học trong thời gian đi cùng cha cô à?"
"Dạ, phần nhiều là như vậy"
"À ra thế. Tiện tôi hỏi luôn. Cô đọc nhiều chứ?"
"Vâng thưa ông. Tôi đọc nhiều sách. Trước đây tôi thường đọc suốt ngày"
"Mọt sách, đúng không?"
Cách nói của ông làm tôi bật cười.
Ông ta lại hỏi tiếp:" Tôi thấy cô ghi đọc sách là một cách cô sử dụng thời gian rỗi. Cách thứ hai là bơi lội. Cô cũng đi bơi nhiều chứ?"
"Tương đối nhiều. Tôi thích đi bơi"
"Cô muốn nói là vẫy vùng trong bể bơi cùng đám bạn bè của cô chứ gì?"
"Ồ không phải vậy ạ, kiểu ấy thì thật chán. Tôi muốn nói là bơi thực sự cơ ạ. Bơi cự ly xa"
"Ấy, đừng cho tôi biết cô là một trong những người đã bơi qua eo biển Măngsơ đấy"
Tôi lại bật cười. "Không hẳn thế, nhưng ở Canada chúng tôi có một phòng nghỉ bên bờ hò, hồi bố tôi còn sống, tôi vẫn thường bơi qua hồ rồi trở lại, tổng cộng khoảng chừng ba dặm rưỡi"
"Cô bơi một mình à?"
"Phần nhiều là như vậy. Bơi thế mới thích, chỉ có một mình"
Lần đầu tiên, giọng ông ta có vẻ nghiêm nghị. "Co Thompson, trên máy bay cô ít khi được sống một mình"
Ôi lạy Chúa, tôi chột dạ. Mình hớ rồi. Ai lại đi nói những lời dại dột như vậy.Cái câu hỏi trong đơn mà tôi rất coi thường và trả lời lấy lệ ấy đã hại tôi, làm tôi mắc kẹt. Ông Garrison cần tìm loại con gái nào để phục vụ trên các tuyến bay của hãng Magna? Rõ ràng ông cần những cô khoẻ mạnh, vui vẻ, hay cười và cởi mở. Còn tôi, tôi đã chứng tỏ mình là người thế nào? một cô gái nhút nhát, yếu đuối, luôn lẩn vào những xó tối để ngồi đọc những cuốn sách đầy những chuyện buồn, hoặc vùng vẫy hàng giờ trên hồ để tránh mặt mọi người. Chính mồm tôi vừa nói ra với ông những điều như thế.
Ông Garrison không để ý đến tâm trạng hoang mang của tôi. Ông tiếp tục nói sang chuyện khác. Học bổng chẳng hạn. Ông nói rõ học sinh chỉ được nhận với điều kiện phải qua 4 tuần huấn luyện, mà ngay cả việc được nhận cũng có thể bị huỷ bỏ bất cứ lúc nào, và chỉ sau khi hoàn thành khoá học mới được nhận hợp đồng làm việc. Trong thời gian huấn luyện, mỗi tuần họ được cấp 45 đôla, trong đó sẽ trừ đi 15 đô tiền phòng, rồi trừ tiền quần áo, bảo hiểm xã hội... tôi có sẵn sàng chấp nhận không?
"Có ạ", tôi đáp.
"Tôi cũng phải nói để cô rõ", ông ta tiếp tục, "chương trình học của chúng tôi rất nặng, nặng hơn ở Bryn Mawr nữa cơ. Cô nào không đạt điểm bình quân là 90/100 sẽ bị gửi trả lại".
"Ôi! tôi thốt lên.
Ông ngả người nói tiếp:" Cô Thompson, tôi muốn nói với cô đôi điều. Thứ nhất, tôi có ấn tượng tốt về khả năng của cô, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ thông thạo. Nếu được nhận vào hãng, phải một thời gian sau cô mới được bay trên các tuyến quốc tế.
Chúng tôi có một quy định chung là các chiêu đãi viên phải qua 2 năm bay tuyến nội địa mới được chuyển sang tuyến quốc tế. Đồng thời chúng tôi cũng đang thiếu số chiêu đãi viên có trình độ cao. Cô hiểu chứ?"
"Dạ tôi hiểu"
"Nào", ông tiếp tục." Khi chúng tôi tuyển một cô vào làm cho hãng, chúng tôi không đặt những điều kiện ngặt nghèo về chuyện phải làm cho hãng bao lâu. Chúng tôi thừa hiểu các cô có quyền được chọn những công việc khác thích hơn, như xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái". Ông khoanh tay và ngừng một lát, rồi nói tiếp:"Nhưng cô Thompson ạ, tất nhiên chúng tôi cũng muốn có lời đảm bảo rằng các cô sẽ không bỏ đi ngay sau khi học xong được một hai tuần. Cô thấy thế nào?"
"Thưa ông G, tôi yêu thích nghề bay. Nếu được hãng tuyển dụng, tôi sẽ gắn bó với nghề mãi mãi, cho đến khi các ông phải đưa tôi ra máy bay trong chiếc xe đẩy mới thôi"
"Được lắm" ông nói. "thế nào, bà Montgomery?"
Bà Montgomery chậm rãi trả lời" Tôi cũng có ấn tượng tốt về khả năng của cô, cô Thompson ạ. Trình độ ngoại ngữ, tính cách và nền tảng của cô đều tốt cả. Cô có nụ cười rất tươi, chắc chắn sẽ làm nhiều hành khách vừa lòng. Song tôi vẫn muốn lưu ý cô: cười thì ai cũng có thể làm được. Nhưng công việc không chỉ có thế. Không chỉ đi ngược xuôi trên máy bay với cái vẻ bề ngoài quyến rũ là được"
Tôi hơi hoảng trước vẻ long trọng ấy của bà. Bà nói tiếp:" Cô Thompson thân mến, tôi cảm phục lòng say mê đọc sách của cô, và tôi cũng hết sức thông cảm với sở thích xa lánh mọi người của cô. Tất nhiên nhiều khi chúng ta cũng cần những giây phút riêng tư. Nhưng..."
Tôi rùng mình.
"Nhưng cô Thompson ạ, chúng ta phải rèn luyện kỷ luật mới. Chúng ta trưởng thành cũng vì thế. Đó cũng là cách chúng ta phát triển và hoàn thiện bản thân. Nếu cô vào làm cho hãng, cô sẽ có rất ít cơ hội được sống một mình. Cô sẽ làm việc trên máy bay, với những hành khách mà trong nhiều trường hợp phải hoàn toàn trông dựa vào cô. Điều khó nhất mà cô phải rèn luyện là đáp ứng, đáp ứng thật nhiều, đáp ứng không mệt mỏi, không nghĩ gì đến bản thân. Phải tự quên mình và chỉ sống vì hành khách thôi."
Tôi không biết nói gì hơn
Bà đứng dậy, bước đến chỗ tôi, giơ tay ra và nói:" Tôi sẽ chăm chú theo dõi sự tiến bộ của cô"
"Cả tôi cũng thế", ông G nói thêm.
Vậy là, họ hẳn sẽ rất thích thú với tiến bộ của tôi khi tôi nhận điếu thuốc lá mà người đàn ông ngồi cạnh mời. Tôi nhớ lại toàn bộ, cả lời ông G nói lẫn những lời rất kêu của bà Montgomery. Và trong giây phút chở đầy ký ức ấy, tôi nghĩ: nào Thompson, đây là dịp may của cô. Hãy quên mình là cô gái tầm thường của Greenwich bang Connecticut đi, hãy sắm vai cô kỹ nữ phòng trà và cứ thử đi cho biết.
Trời đât! thật là cứ như có phép màu. Tôi bỗng trở thành cô gái phòng trà hoàn hảo đến mức tôi hầu như nói nhịu thật.
"Cám ơn ông", tôi nói, tay rút thuốc và khi ông ta châm lửa cho tôi bằng chiếc bật lửa Zippo mạ vàng.
"Có gì đâu cô", ông ta bảo.
Tôi chờ một lát xem ông ta khai mào thế nào, nhưng không thấy ông nói gì. Con mèo đã nuốt mất lưỡi của ông rồi. Vì vậy tôi mỉm cười khuyến khích và nói:"Ông tới Miami phải không?"
Thật là một câu hỏi ngốc nghếch. Máy bay này đi thẳng tới Miami, không dừng lai giữa đường. Song đó là cái cách mớm bóng của cánh kỹ nữ chúng tôi, một đường bóng rất ngon mà dù có bị bịt mắt, ông ta cũng không thể đỡ hụt được.
"Ồ", ông ta trả lời, vẻ tươi tỉnh. "Đúng thế, tôi tới Miami"
"Hay quá, tôi cũng tới Miami"
"Thế ư"
Đến đây ông ta bí, không biết nói gì thêm. Tôi cố gợi chuyện:"Tôi chưa từng đến Miami"
"Thật vậy sao?"
Chà, rời rạc như cơm nguội. Tôi lại tiếp:" Nghe nói nơi ấy tuyệt diệu lắm. Nào là những khách sạn tuyệt vời, nào là những hàng cọ và ánh nắng mặt trời".
"Ồ"
"Có thật là nó tuyệt diệu như người ta nói không?"
"À, ờ, cũng gần như thế." Con mèo đã nhả lưỡi trả ông ta ."Đến đấy cô ở đâu?"
"Xem nào''. Tôi mở ví xách tay, lục lọi trong cái mớ bòng bong tìm lá thư của ông Garrison xác nhận tôi đã được nhận vào học và chỉ dẫn nơi và thời gian tựu trường. "À đây rồi", tôi reo lên."Khách sạn Charleroi."
"Charleroi", ông ta nhắc lại. "Ồ, đó là một khách sạn khá đẹp và đông khách. Không mới lắm đâu, họ xây cách đây hai ba năm. Nhưng cô đừng lo, ở đấy dễ chịu lắm. Thực ra ông Maxwell Courtenay cũng là chỗ quen thuộc của tôi. Maxwell tính cũng hay lắm".
"Ông ấy là chủ khách sạn à?"
"Đúng thế". Ông ta ghé tai tôi, vẻ thân tình.'' Này cô, tên tôi là Nat Brangwyn. Khi vào khách sạn, nhớ nói với Maxwell là cô quen biết tôi. Ông ta sẽ cố gắng hết sức làm cho cuộc sống của cô ở đó dễ chịu''.
"Ôi, cám ơn ông"
Ông ta hơi đỏ mặt. ''Tôi ra vào Charleroi hàng ngày. Thế nào chẳng có lúc gặp cô, nhỉ?''.
"À vâng, hy vọng là thế, ông Brangwyn ạ''
"Ở đó có quầy rượu rất đẹp, gọi là quầy Souvenir. Rất yên tĩnh. Có thể chúng ta sẽ uống với nhau chút rượu ở đó"
"Ồ, cám ơn ông"
Đấy, nó chứng tỏ điều tôi muốn nói khi trước. Nếu không vì lý do nghề nghiệp, đừng bao giờ nhận điếu thuốc lá vô thưởng vô phạt của người đàn ông không quen biết. Tôi mới chỉ biết ông Brangwyn chưa được hai phút, vậy mà ông ta đã toan tính những kế hoạch lâu dài.
Mặt ông ta lại càng đỏ hơn:"Tối nay được không?"
"Tiếc quá, không thể được",và tôi giải thích rằng tôi đến trường huấn luyện chiêu đãi viên của hãng hàng không quốc tế Magna, tối nay tôi phải trình diện và sẽ bận xếp đặt nơi ăn chốn ở. Kể rõ với ông ta cũng được chứ sao. Bí mật chi chuyện đó nhỉ?"
Ông ta có vẻ ngạc nhiên."Cô theo lớp chiêu đãi viên thật à?"
"Dạ thật"
"Và cô sẽ ở khách sạn Charleroi?"
"Vâng"
Cặp mắt xanh rất đẹp của ông ta chớp chớp."Ồ lạ thật, sao lại là Charleroi?"
"Tôi được bảo đến đấy. Với tôi, miễn có chỗ trú chân là được"
"Chỗ trú chân ư?"
"Ông ngạc nhiên sao?Tôi nghĩ còn nhiều cô khác cũng dự lớp huấn luyện này".
"Thì ra là vậy"
Tôi không hiểu thái độ của ông ta. Tôi nói:" Ít nhất cũng có bốn cô nữa đi trên chuyến bay này."
Ông ta cười thoải mái:"Tôi nghĩ ra rồi"
"Ông nghĩ ra gì cơ ạ?"
"Maxwell. Tôi hiểu ý đồ của ông ta trong việc cho hãng hàng không thuê tầng 14"
"Ồ, chuyện ấy lạ lắm sao?"
"Thế này nhé", ông ta nhẹ nhàng giải thích. "Tầng 14 thực ra là tầng 13, tính từ dưới lên thì đúng là tầng 13. Nhưng không ai chịu ở cái tầng mang con số gở. Cô hiểu chứ?"
"Vâng". Nhưng thực ra tôi chỉ hiểu lơ mơ.
"Vì thế, đáng lẽ phải đánh số 13 thì họ lại kêu bằng 14, song không bịp nổi mọi người và có các vàng cũng không ai chịu ở tầng đó. Cô hiểu rồi chứ?"
"Vâng"
"Thế là Maxwell giải quyết vấn đề ấy bằng cách cho hãng hàng không thuê làm ký túc cho các cô chiêu đãi viên. Vậy là yên chí! Thật tài tình. Nhưng rồi ông ta sẽ mệt đấy"
"Với chúng tôi?"
"Không, với cánh đàn ông"
"Đàn ông nào?"
"Này cô..." ông ta nói với vẻ trách cứ, như thể tôi quá ư giữ kẽ.
"Tôi là Carol Thompson", tôi nói ngay. "Đàn ông nào?"
"À, cánh đàn ông độc thân ở Miam. Đấy là chưa kể những anh chàng đã có vợ nhưng vẫn muốn xả hơi chút đỉnh nhân lúc xa nhà.
Cô chiêu đãi viên cắt đứt câu chuyện của chúng tôi bằng một giọng dịu dàng:"Xin lỗi, chúng tôi sắp phục vụ đồ uống. Thưa ông Brangwyn, ông dùng gì ạ?''
"Rượu Bourbon, thêm một chút nước lạnh. Còn cô, cô Thompson?"
"Không, cám ơn ông"
"Ấy kìa, sao lại thế? Martini được chứ?"
"Không, thật mà"
Ông ta nói với cô chiêu đãi viên:"Mang cho cô đây một cốc Martini"
Cô ta nói rất nhỏ nhẹ: "Xin lỗi, thưa ông. Cô Thompson là hành khách đặc biệt và tôi không được phép mang rượu cho cô ấy".
Ông Brangwyn hỏi lại, vẻ cố kiềm chế:" Tại sao lại không? Cô ấy cũng là người như mọi người khác"
Tôi phải nói ngay:" Tôi nói thật lòng là không muốn uống. Mong ông hiểu cho".
Cô chiêu đãi viên rời khỏi chỗ chúng tôi. Thật là giây phút khó xử cho cô, và tôi lấy làm tiếc về chuyện đó. .
"Thật không hiểu nổi", ông Brangwyn làu bàu. "Mang cho cô một cốc nhỏ Martini thì có tổn hại gì đâu? Cô cho là cái hãng hàng không này sẽ phá sản chắc?"
Tôi đáp: "Đó là quy định, vậy thôi. Mà đã là quy định thì phải chấp hành đúng".
"Ồ, nhưng đã gọi là quy định thì cũng phải hợp lẽ phải chứ?"
Tôi thấy mến ông ta. Thực tình tôi không muốn mình mến ông ta, nhưng tôi thấy ông ta có cái gì đó hấp dẫn. Có thể là cái vẻ gầy gò, khôn ngoan, sắc sảo và sống động ở ông ta chăng?Tất nhiên, ông ta không phải là bác sĩ phẫu thuật, lại càng không phải là bác sĩ nha khoa. Có trời mà biết ông ta là gì, song rõ ràng ông ta là người dễ mến.
Tôi không muốn có mặt khi co chiêu đãi viên mang đồ uống đến cho ông ta. Vì thế tôi xin lỗi ông ta, rồi đi về phía cuối máy bay. Donna Steward ngồi sau tôi ba hàng ghế, ra hiệu bảo tôi cúi xuống. Ngồi cạnh cô ta là một người đàn ông nhỏ chưa từng thấy, mặc đồ lụa màu kem, thắt chiếc cravat sọc trắng với trâm cài bằng ngọc trai kiểu cổ to tướng.
Cô ta nói nhỏ vào tai tôi:"Cậu biết không? Anh chàng tán tỉnh mình. Thế mới ghê chứ?"
"Cậu nói về anh chàng bé như cái kẹo này à?"
"Dân đua ngựa đấy. Anh ta nói rằng anh ta thích những con ngựa to khoẻ và đàn bà cao lớn."
Tôi đi tiếp qua lô vé hạng ba. Annette và Mary Ruth Jurgens đang ngồi cạnh nhau. Tôi gật đầu chào hai đứa rồi tiếp tục đi cho tới khi đến chỗ cô gái Ý xinh đẹp Alma Di Lucca. "Chào cậu", tôi lên tiếng. Lần này tôi chẳng chơi dại. Tôi nói bằng tiếng mẹ đẻ của tôi.
Cô ta không trả lời. Cô ta ngồi ghế trong cùng, bên cạnh là một bà già to béo đang ngáy như sấm."Chào cậu, tôi nhắc lại"
Cô ta khụt khịt mũi với cái vẻ khinh khỉnh, cứ như thể có chết cũng không thèm nói chuyện với một đứa như tôi. Lạy Chúa, tính khí cô ta mới khó chịu làm sao."
Tôi hỏi:"Cậu làm sao thế?"
"Tớ đã bị làm nhục"
"Thật vậy sao? Ai làm nhục cậu nào?"
"Việc quái gì đến cậu"
"Thôi nào, cô bé. Có chuyện gì vậy?"
Cô ta bảo:"Cứ nhìn thì biết. Cậu ngồi đâu? Ở ghế hạng nhất. Còn mình ngồi đâu? Ngồi chung với lợn".
Tôi đâu có lại đây để tranh cãi với cô ta."Này, cậu phải thấy có được một chỗ mà đặt đít thế này là may mắn lắm rồi". Tôi nói, rồi đi luôn.
Tôi không trở lại chỗ ngồi, mà đi thẳng lên chỗ chuẩn bị đồ ăn thức uống phía đầu máy bay. Tôi muốn xin lỗi cô chiêu đãi viên đã bị rầy rà với ông Brangwyn về cái cốc rượu vớ vẩn ấy, và cũng nghĩ là có thể các cô sẽ cho tôi xem qua những dụng cụ đồ nghề ở đấy. Nếu không bận quá, biết đâu họ lại còn báo cho biết trước những gì tôi sắp phải trải qua.
Hai cô chiêu đãi viên đang rì rầm trò chuyện trong khoang nhà bếp. Thấy tôi đến, họ ngoảnh ra nhìn và ngừng nói chuyện. Cái cô đã va chạm với ông Brangwyn vừa nãy bảo:"Ồ, hoá ra là cô".
"Vâng. Tôi chỉ muốn nói với chị là tôi xin lỗi về...."
"Quên chuyện ấy đi", cô ta bảo
Mặt hai cô hơi tái đi và đầy vẻ căng thẳng. Nghĩ vậy, tôi bèn hỏi:" Có chuyện gì không hay phải không?"
Cô thực muốn biết à?", cô ta hỏi lại
Cô kia ngăn lại:" Lucille, hãy để cô ấy yên".
Tự nhiên có sự dồn nén giữa ba chúng tôi. Tôi ngơ ngác, không hiểu.
"Cô ta muốn biết, thì cứ để cho cô ta biết". Lucille nói."Đàng nào thì chuyện ấy cũng sẽ được đăng trên trang nhất của các báo ở Miami". Cô ta nhìn tôi, cười thiểu não:"Cơ trưởng vừa nhận được tin qua điện đài. Một máy bay của chúng ta vừa gặp nạn ở sân bay Tokyo".
"Ôi, thật không? Một máy bay của chúng ta ư?"
"Phải"
"Ôi lạy Chúa, khủng khiếp quá".
"Đúng thế, khủng khiếp quá. Trên máy bay có ba chiêu đãi viên, cùng phi hành đoàn"
Cô kia lại bảo:" Lucille, hãy tha cho cô bé".
"Sao cô ấy lại không được biết? Tại sao không để cô ấy thấy rằng nghề bay đâu phải chỉ toàn những chuyện hấp dẫn kia chứ?"
Cô kia bảo tôi:" Về chỗ ngồi đi em. Đừng nói chuyện này với ai vội nhé."
"Tất nhiên, nói làm gì", tôi trả lời rồi trở lại chỗ ngồi. Tuyệt. Thật là tuyệt. Vạn sự khởi đầu mới đẹp làm sao.
Như chú bồ câu trắng khổng lồ, máy bay chúng tôi nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Miami.
"Chúng ta đã tới nơi", ông Nat Brangwyn nói. "Cô Thompson, nói chuyện với cô rất thú vị, và nếu được gặp lại cô ở khách sạn...". Tự nhiên ông ta ngượng nghịu, giọng lạc hẳn đi.
"Sao cơ ạ?"
"Chúng ta có thể uống với nhau chút Martini, được chứ?"
"Tôi hy vọng thế"
"Thật không?"
"Thật ạ"
Tôi đã làm một cuộc chinh phục, và xem ra cũng hay, bởi lẽ tôi mến ông ta.
Tôi đứng đợi Donna ở chân cầu thang, thưởng thức cái hơi nóng thơm thơm của chiếc máy bay vừa kết thúc một cuộc hành trình dài. Ông Brangwyn nói: "Tôi có sẵn xe ở đây, tôi có thể đưa cô về khách sạn Charleroi được không?"
"Cám ơn ông, nhưng tôi phải đợi mấy cô bạn nữa".
Donna đến chỗ tôi cùng anh chàng cưỡi ngựa đua, kẻ bị co chinh phục. Đúng là anh ta bé như cái kẹo. Donna không giới thiệu anh ta, mà chỉ nói: "Ông Muirhead, đây là bạn tôi. Thôi, xin tạm biệt ông. Cám ơn ông đã làm cho chuyến đi hoàn toàn thích thú".
Ngắn gọn, súc tích làm sao! Ông ta có vẻ hơi bối rối, mắt nhìn Donna đắm đuối. Cô trông cao hơn hẳn ông ta. Rồi ông ta nói, giọng cảm động:" Cám ơn cô, cám ơn cô. Tạm biệt. Sẽ sớm gặp nhau, được chứ?"
"Tôi hy vọng thế, thưa ông".
Ông ta nói, giọng đầy ý nghĩa: "Nhớ nhé, nhớ nhé!"
"Chắc chắn là tôi nhớ", Donna cười. Đợi cho ông ta đi thật xa, tôi mới hỏi: "nhớ cái gì thế?"
"Lời đề nghị của ông ta"
"Đề nghị thế nào?"
"À, ông ta có một phòng nhiều buồng ở khách sạn De Vinne. Ông ta bảo mình lúc nào muốn dôi chút riêng tư thì cứ đến đó, bất cứ lúc nào."
"Ban ngày hoặc ban đêm đều được?"
"Đúng thế".
Chúng tôi đi dọc nhà đón khách ở sân bay, và bất chợt nhận ra bầu trời xanh thẳm, bầu không khí thanh khiết và hương vị ngọt ngào dìu dịu của những trái cam đỏ. Tôi thốt lên:"Donna! Cậu đang ở Florida rồi đấy!"
"Mình cũng nhận thấy thế", cô ta hớn hở đáp. "Ôi Florida! thật là tuyệt!" Rồi cô ta hít mạnh: "Lạy Chúa, mùi gì ấy nhỉ?"
"Thật tuyệt vời"
"Mùi cam. Tớ ngửi thấy mùi cam"
"Tớ cũng thế". Tôi còn ngửi thấy mùi nắng, mùi cọ, mùi dừa, và cả mùi của con bướm to bay trên đầu; những hương vị chỉ phảng phất như lớp hồ mỏng loại mới mà người ta phết sẵn ở mặt sau con tem. Mùi hương kỳ dị, nhưng dễ chịu làm sao!
Donna nói: "Mà này, cậu cũng chài được ông Nat Brangwyn đúng không?"
"Làm sao cậu biết tên ông ta?"
"Ông Muirhead nói với mình. Mình nghĩ ở Miami ai cũng biết ông Brangwyn. Ông ta là con bạc nổi tiếng".
"Con gì?"
"Con bạc. Ông ta cá cược trong những cuộc đua ngựa, chơi bời, hoặc đại loại như vậy"
"Cậu nói thật đấy chứ?"
"Đấy là những gì ông Muirhead nói với mình. Bảo Brangwyn làm ăn cũng khá lắm. Các nhân viên ở sở thuế thu nhập đang tìm cách thu của ông ta 150 000 đôla, nhưng ông ta cũng rất ranh ma, nên vẫn thoát được nanh vuốt của họ"
"Ra thế đấy", tôi nói không chút vui vẻ". Dù sao tôi cũng đã đoán đúng. Ông ta không phải là nhà phẫu thuật, hoặc bác sĩ nha khoa, mà là một tay cờ bạc. Tôi chưa từng gặp một con bạc nào trước đó, vậy mà ở đây trong suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, tôi đã ngồi cạnh một người như thế mà không biết. Lẽ ra tôi đã có thể yêu cầu ông ta dạy tôi chơi bài Pinochle, một loại bài mà ngay cả tên,tôi cũng không đọc nổi.
*
Chiếc xe đón chúng tôi trông thật quái dị. Tôi không hay buồn cười về chuyện xe cộ, nhưng vừa trông thấy nó, tôi cứ đứng cười đến đau cả bụng. Nó chỉ nhỏ bằng nửa chiếc xe buýt thông thường, nhưng trông nó, bạn có cảm giác như nó vừa vào mỹ viện tỉa lông mày, sửa mặt và đánh móng tay. Thành xe sơn màu hồng và màu xanh rất tươi, một bên sườn xe có in dòng chữ vàng nắn nót:
HÃNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ MAGNA
TRƯỜNG HUẤN LUYỆN CHIÊU ĐÃI VIÊN
Để mọi người hiểu ngay tại sao nó lại xinh xắn và dáng dấp đàn bà đến thế. Cửa sổ xe rất rộng và sáng loáng, nhưng thật đáng ngạc nhiên tại sao hãng hàng không lại quên treo những tấm rèm in hoa, và cả rèm thưa mỏng cũng biến đâu mất.
"Trông nó giống cái nhà chứa lưu động quá các cậu ạ"; Donna thốt lên." Nếu được đi chơi trên chiếc xe này chắc thú vị lắm. Mình chưa thấy chiếc nào lại kích dục như cái của này"
Xe chạy, rời sân bay, và lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy bãi biển Miami.
Tôi phải thú nhận nó làm tôi bàng hoàng. Sau khi đã đi với cha tôi nhiều lần, tôi chẳng còn lạ gì những cảnh đất, cảnh người nữa. Tôi đã tới hầu hết những nơi nghỉ mát ở Địa Trung Hải, Saint Tropez, Cannes, Nice, rồi Monte Carlo và Portofino... Tất cả những nơi này đều làm tôi mê mẩn nhưng vì cha tôi chẳng coi chúng ra gì, nên đôi lúc tôi cũng làm ra vẻ coi thường chúng. Nhưng bãi biển Miami lại làm tôi mê say một cách khác hẳn, giống như niềm say mê mà tôi thường có mỗi khi nhìn trung tâm Rockefeller vào kỳ Thiên Chúa giáng sinh, chỉ khác một điều Miami là vùng bán nhiệt đới. Xe chúng tôi từ đường Venetian chạy qua bãi biển trong ánh chiều tà. Cảnh sắc nào cũng đầy hứng thú, màu vôi trắng lốp nổi bật trên nền nước biển xanh trong suốt và màu xanh thẳm của da trời. Phía dưới chúng tôi là những hòn đảo nhỏ cây cối tốt tươi, những con tàu lộng lẫy, những thuyền chạy chậm mang hình bồ nông, tất cả như điểm xuyết thêm ánh sáng, hình bóng và hoạt động vào cảnh sắc chung.
"Carola, nơi này giống hệt như Naples", Alma ngây ngất thốt lên.
"Cậu điên à? Nó chẳng giống Naples tý nào cả".
"Tớ muốn nói là màu sắc ấy, và tất cả đều có vẻ giàu có"
"Cậu nói giàu có là nghĩa làm sao?"
"Rất nhiều tiền"
Donna nói với cô ta:"Cậu hãy nhớ trong đầu điều này nhé. Ở Mỹ ai cũng là triệu phú cả. Cả người lái tắc-xi cũng vậy".
"Ồ, tớ biết", Alma sung sướng nói.
Xe bắt đầu chạy dọc đại lộ Collins, qua hết khách sạn đồ sộ này đến khách sạn đồ sộ khác. Chúng tôi tròn xoe cả mắt vì kinh ngạc. Những khách sạn này thật là tuyệt: chúng sáng bóng, không một tý vết, và cái nọ như thách thức cái kia. Trên vỉa hè chật ních những người, còn dưới lòng đường là cả một dòng xe cộ đủ loại: Cadillac, Lincoln, Continental và Jaguar.
"Nói thật là mình không thể tin được", Donna bảo"
"A", Alma tấm tắc.
Harry đột ngột cho xe lao thẳng vào con đường rộng, hai bên đường trồng toàn loại cọ Hoàng gia dáng thẳng đứng. Xe chúng tôi chạy quanh một bãi cỏ xanh phẳng lỳ, trên đó ba vòi nước đang phun rất cao lên trời, rồi dừng lại trước một cái cổng rất lớn, có những hàng cột, cửa lắp kính và treo rèm sa-tanh màu sáng, và những người gác mặc đồng phục màu xanh rất đẹp.
"Nào các cô, đến rồi đấy. Xuống thôi", Harry vui vẻ nói.
"Đây là khách sạn Charleroi à?" Alma hổn hển hỏi"
"Vâng nó đấy, thưa cô".
"Ôi đẹp quá", Alma thốt lên
"Tuyệt" Annette nói. Mary Ruth Jurgens lặng thinh.
Cửa thang máy nhẹ nhàng mở ra, và kìa... Sau mấy giây trong khoảng không lặng ngắt như tờ, tôi có cảm giác mình đang bước vào một nhà thương điên. Toàn con gái. Có đến hàng ngàn cô, chạy lăng xăng, mồm miệng cứ quang quác. Chỗ nào cũng thấy toàn con gái, cứ như trong hậu cung của vua Thổ. Họ đều rất trẻ, đều xinh đẹp, hình dáng của họ đều thật hoàn hảo, làm cái cảm giác tự ti dấy lên nhức nhối trong tôi. Lạy Chúa, cuộc thi thố ở đây sẽ quyết liệt lắm đây.
"Trời ơi! đúng là địa ngục". Donna kêu lên.
"Carola, ở lại với mình, đừng bỏ đi nhé", Alma bảo tôi.
Tôi thấu hiểu tâm trạng của cô ta. Annette và Mary Ruth Jurgens không nói gì, chỉ giương mắt nhìn.
Tôi nói: "mình hãy tới chỗ cô Pierce và Webley đi. Đó là việc đầu tiên phải làm".
Hai cô đang ngồi cạnh chiếc bàn nhỏ ngoài hành lang, người lấm tấm mồ hôi, nhưng vẫn giữ được vẻ trầm tĩnh. Một cô tóc nâu, khoảng 26 tuổi trông xinh xắn, ngước lên nhìn chúng tôi và nói: "Chào các cô, vừa đến phải không? Thôi được rồi. Tôi là Janet Pierce còn đây là Peg Webley".
Peg Webley là một phụ nữ tóc vàng óng, và đẹp như tranh vẽ. Mái tóc của cô mềm mại, lượn sóng chứ không cứng và thẳng như tóc của tôi; đôi mắt xanh quyến rũ, mặt hồng hào như trái đào tơ với hai lúm đồng tiền duyên dáng. Cô có vẻ dịu dàng hơn Pierce.
"Chào các cô", cô nói. "Ở đây lộn xộn, tôi biết, nhưng các cô đừng lo. Rồi đâu vào đấy ngay thôi. Hãy cho tôi biết tên họ, từ đâu đến, để tôi còn vào sổ".
"Nào, bây giờ xem bố trí các cô vào đâu nhé". Hai cô chụm đầu, nheo mắt nhìn xuống tờ giấy trải rộng được khung bằng những ô vuông. Tôi đoán chắc là sơ đồ các phòng trên tầng.
"Em muốn xin cô cho ở cùng phòng với Carola Thompson", Alma đề nghị.
"Tại sao?", cô Pierce hỏi ngay.
"Vì em còn lạ lẫm với nơi này. Carola Thompson hiểu em, em hiểu bạn ấy. Chúng em đã có tình cảm sâu sắc với nhau''.
Cô Pierce nhìn tôi ngờ vực. Tôi giải thích: "Alma muốn nói là em nói được chút tiếng Ý, tất cả chỉ là vậy. Em nghĩ em có thể giúp bạn ấy vượt qua được tình trạng ngôn ngữ bất đồng".
"Cô muốn ở cùng phòng với cô ấy chứ?", cô Pierce hỏi.
"Thế nào cũng được, cô Pierce ạ", tôi cố lấy giọng thờ ơ, nhưng không thể không cảm thấy cay đắng. Bao giờ cũng cứ thế. Tôi muốn nói là tôi chưa kịp mở miệng thì đã bị nghi là kẻ có khuynh hướng đồng tính luyến ái.
Cô Webley nói với giọng trong trẻo ngọt ngào: "Tôi nghĩ có thể thu xếp cho Carol và Alma ở cùng với nhau. Buồng 1412 mới chỉ có một cô, tức là có thể xếp thêm 4 cô vào đấy. Chúng tôi bố trí 5 cô một phòng. Alma, Carol, Annette, Mary Ruth sẽ ở phòng 1412. Donna sẽ ở phòng 1401".
"Cám ơn cô", Donna nói.
"Thế là xong rồi đấy. Các cô hãy về phòng mình đi. Tối nay các cô tập trung tại đây, 7h30. Các cô sẽ nhớ chứ. Đúng 7h30".
Chúng tôi uể oải giải tán. Tôi thấy buồn vì không được ở cùng Donna. Chúng tôi rất hợp tính nhau, và tôi nghĩ sắp tới đây, tôi sẽ cần có một người bạn. Cửa phòng 1412 đóng chặt. Tôi gõ cửa và bên trong có tiếng người hỏi: "Ai đấy?"
"Chúng tôi", tôi đáp và đẩy cửa bước vào. Một cô cao cao, tóc dài và đỏ quạch đang đứng cạnh giường mở vali. Cô ta ngạc nhiên nhìn chúng tôi, và chúng tôi cũng ngạc nhiên nhìn lại. Trên người cô ta có mỗi cái dây nịt tất màu đen.
Tôi nói: "Xin chào", và giải thích cho cô ta biết là hai cô Pierce và Webley bảo chúng tôi đến đây ở. Cô ta không tỏ ra hồ hởi. Có lẽ cô ta tưởng một mình được ở hết phòng này. Cô ta bảo: "À được thôi, các cậu cứ tự nhiên. Tên tớ là Marcia Matthews"
Tôi không ưa cô ta, tôi không thể làm gì khác được. Tận trong xương tuỷ, tôi đã cảm thấy như thế. Cô ta vẫn tiếp tục lấy đồ từ trong vali ra, cảm giác khó chịu lộ rõ trên nét mặt, và cô ta hình như cũng không có ý định mặc áo xống vào. Cái đó đối với tôi cũng chẳng sao, mặc dù thật tình tôi nghĩ cái hấp dẫn của cơ thể đàn bà cũng chẳng nên phơi bày ra làm gì. Theo tôi, chuyện đó đã quá ư nhàm tiếu. Tôi đã vui khi các nhà thơ, các hoạ sĩ, nhà điêu khắc và cánh đàn ông nói chung có thói quen say đắm da thịt của đàn bà con gái (mà họ có thể đam mê cái gì khác ở người đàn bà cơ chứ? Chả lẽ lại là tài nấu nướng của họ?), nhưng tôi lại hoàn toàn dửng dưng trước sự trần truồng của nữ giới. Nhưng Alma thì không thế. Mặt cô ta tím bầm lại. Các cô gái Ý nhìn chung được nuôi dưỡng hoàn toàn nghiêm ngặt - thường là ở các bà xơ. Họ đoan trang đến kinh khủng về điều này, nhưng lại trần tục một cách đáng ngạc nhiên về những điều khác. Alma khịt mũi đi quanh phòng, rồi cuối cùng tiến thẳng tới chỗ Matthews và bảo: "Này! Cô tưởng đây là nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ chắc?"
"Gì cơ?" Matthews cảnh giác lùi lại.
"Cô cứ thỗn thện như thế mà đi lại được hay sao?"
"Thì đã sao?"
Alma vươn người ra trước, ngửi ngửi người Matthews, rồi bịt mũi.
"Tởm lợm! Toàn mùi cá thối", cô ta nói to.
"Cô dám ăn nói thế à?" Matthews hét lên.
Ai cũng biết, chỉ một cô gái Ý cũng dư sức làm nhục mười cô gái nước khác. Matthews vội vã choàng áo vào, còn tôi lôi Alma đi. Vừa lúc đó thì Donna xộc vào, mặt hầm hầm. Cô ta chẳng thèm nhìn tôi, mà chỉ nói bằng một giọng đầy quyền lực:
"Có cô nào tên là Matthews ở đây không?"
"Có, tôi đây", Matthews đáp.
"Matthews", Donna cự. "Cô làm rối tung cả lên. Cô được bố trí ở phòng 1401 cơ mà. Cô làm trò khỉ gì ở đây thế?"
"Nhưng..." Matthews ấp úng.
"Cô Webley đang gắt um lên ở đằng kia", Donna nói. "Đấy là chưa kể đến cô Pierce. Cô đã vào nhầm cửa rồi đấy. Thôi nào, cô em. Hãy thu dọn đồ đạc và quay về cái ổ của cô đi".
"Nhưng tôi đã bỏ hết đồ ra mất rồi"; Matthews mếu máo.
"Ra", Donna quát.
Tôi bắt đầu thấy tội nghiệp cho Matthews. Chúng tôi đã làm khó dễ cho cuộc sống của cô ta. Nhưng tôi cũng không thể không thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ từ nay sẽ không còn phải nhìn thấy cái dây nịt tất ấy nữa. Ngay cả Alma hình như cũng thở phào.
Donna hỏi: "Thế nào, mình ở phòng này được không?"
"Được quá đi chứ", tôi đáp. "Nhưng này, làm sao cậu nghĩ ra cái trò ấy?"
"Mình đến xin cô Webley, cô ấy bảo sẽ không phản đối việc đổi phòng nếu mình thu xếp ổn thoả với Matthews".
Tôi rất mừng vì Donna đã về ở với chúng tôi. Thế là cả 5 đứa lại được bên nhau như lúc rời sân bay Idlewild trên chuyến bay 21A. Năm đứa, thoáng chốc chúng tôi đã thành bạn thân, mày tao chí tớ tha hồ.
*
Buồng của chúng tôi có một phòng khách rộng, cộng thêm một phòng ngủ nhỏ hơn đôi chút, một nhà bếp có đủ mọi trang bị và một nhà tắm ra nhà tắm. Nhưng hay hơn cả là cửa sổ phòng lại mở ra phía biển. Ngay phía dưới, chúng tôi nhìn thấy sân khách sạn, những hàng cọ (lủng lẳng những chiếc đèn lồng Trung Quốc), cái bể bơi hình bầu dục khá rộng, một dãy nhà nhỏ, và kế đó là bãi biển cát vàng trải rộng. Xa hơn một chút là mặt biển tít tắp đang chuyển từ màu ngọc bích ở gần bờ sang màu xanh bạc ở nơi dòng hải lưu Gulf Stream chảy qua. Và phía trên mặt biển vô tận ấy là bầu trời bao la, còn bao la hơn cả những vùng trời mà tôi đã được thấy trong đời.
Annette và Jurgy chọn cái phòng ngủ. Alma, Donna và tôi ở ngoài phòng khách. Tất nhiên những đồ đạc thông thường đã được dọn đi, và ban quản lý khách sạn cho mang vào 3 cái giường, và 3 cái tủ nhỏ gần giường, thành thử chỉ còn đủ chỗ kê một cái bàn và hai chiếc ghế bành nhỏ. Donna chiếm cái giường gần cửa sổ, vì nó là người vùng New Hampshire, nên cần phải hít thở không khí trong lành trước khi ăn sáng. Tôi nằm ở chính giữa, còn Alma nằm ngay gần cửa ra vào vì nằm thế nó cách biệt hẳn với Donna, và cũng còn vì nó rất sợ gió, chỉ lo mình bị ho lao. Lý do thứ ba là được gần nhà tắm nhất: nó rất mê nhà tắm. Chúng tôi phát hiện ra điều đó quá muộn. Nó thường ở trong đó mấy giờ liền, nhưng khi bước ra mặt cứ tỉnh bơ, tay cắp cái hộp đựng đồ trang điểm to tướng, nhưng lại không có tý son phấn nào trên mặt. Có Chúa mới biết nó đã làm gì trong ấy.
Chúng tôi thu xếp tạm ổn thì đã 7h30 bèn cùng đi ra chỗ hành lang tập trung như cô Pierce đã chỉ dẫn. Chỗ nào cũng thấy chỉ toàn là con gái. Phần lớn đều ăn mặc hơi diêm dúa một chút, và, thú thực, họ ăn đứt tôi. Tôi muốn nói là nếu xét trên phương diện cả đám, tức là một lô con gái dồn vào một chỗ. Trông họ hấp dẫn một cách kinh khủng. Nói là hấp dẫn vẫn chưa đủ: họ toát lên một vẻ đẹp tinh khiết, khoẻ khoắn và tươi mát . Tôi bỗng nghĩ ở Hollywood, nếu các minh tinh màn bạc ngồi lại với nhau sẽ làm ta ngây ngất, nhưng họ sẽ không bao giờ có được cái vẻ tươi mát, hồn nhiên và thanh khiết chưa vấy mùi trần tục như các cô gái này.
Cô Pierce và cô Webley đang đứng sau bàn. Cùng đứng với họ còn có 3 người đàn ông. Cả ba đều tỏ vẻ dè chừng như hầu hết cánh nam giới mỗi khi gặp phải tình thế bất lực trước số đông áp đảo của đám con gái như thế này. Tôi nhận ra ông Garrison, người đã tiếp tôi ở New York, hai người kia tôi chưa gặp bao giờ.
Cô Pierce gõ cây bút chì xuống bàn và cao giọng nói: "Các cô gái! Hãy im lặng nào''. Cô đợi cho tiếng ồn ào lắng hẳn, rôi gật đầu ra hiệu cho ông Garrison. Ông này đứng lên một cái ghế và bắt đầu nói. Ông mặc bộ đồ màu nâu sáng, và trong khi nói, tay chắp ra sau lưng áo. Khuôn mặt béo tốt của ông ửng đỏ.
"Thưa các cô, tôi không định nói dài". Vừa nghe câu đó, tôi đã chuẩn bị chờ đợi tình huống xấu nhất. Ông ta nhìn chúng tôi khắp lượt, rồi nói tiếp: "Từ trước tới nay, các khoá huấn luyện chiêu đãi viên đều được tổ chức ở Pensylvania. Chúng tôi đã cố gắng thu xếp chỗ ăn ở cho các cô ở bất cứ nơi nào chúng tôi có thể thu xếp được, như nhà riêng, nhà trọ .... Kể cũng không được thoải mái lắm, nhưng tôi phải nói thế này: nó có kết quả. Nhiều cô trong số những chiêu đãi viên xuất sắc nhất của hãng đã từ những khoá huấn luyện này mà ra". Ông lại nhìn khắp lượt: "Cho đến hôm này, nhờ sự hào phóng của ông Maxwell Courtenay mà lần đầu tiên chúng ta có được chỗ ăn ở, học tập hơn hẳn điều mà chúng ta mong ước. Tất cả các cô đều được bố trí trong cùng một tầng lầu của một trong những khách sạn sang nhất ở Miami!". Mắt ông nhìn xuống sàn: "Nếu tôi nói là sang nhất cũng được chứ, ông Courtenay?"
Ông Courtenay lên tiếng, giọng khiêm nhường: "Ông nói một trong những khách sạn sang nhất là tốt lắm rồi".
"Đúng", ông Garrison nói tiếp. "Các cô sẽ được sử dụng không phải tất cả, mà là gần như tất cả các phương tiện của khách sạn tráng lệ này. Các cô được phép sử dụng bể bơi bất cứ lúc nào, có thể bơi ngoài biển khi có lực lượng cứu trợ đang làm nhiệm vụ ở đó. Các cô có thể được sử dụng nhà tắm nắng.... Nhưng cũng có một số thứ không được phép sử dụng. Tôi nhắc lại: không được phép. Thí dụ, các cô không được phép đến các quầy rượu. Mà lát nữa cô Pierce và cô Webley sẽ phát cho các cô bản hướng dẫn chi tiết trong đó có ghi các quy định".
Ông ta lại chắp tay sau lưng. "Cuối cùng, tôi xin hỏi: tại sao các cô lại có mặt ở đây? Các cô sẽ làm gì ở đây? Vì sao các cô tới đây?" Ông ta mỉm cười thích thú. "Tôi xin trả lời giúp các cô, và câu trả lời cũng không dễ chịu lắm đâu. Các cô đến đây không phải để nhởn nhơ cả tháng ở khách sạn Charleroi bằng chi phí của Hãng hàng khong quốc tế Magna. Không đâu! Các cô đến đây là để làm việc. Tôi không có ý dọa nhưng xin nói là các cô sẽ phải làm việc cật lực trong suốt thời gian học ở đây. Vì sao thì cũng dễ hiểu: các cô tới đây để học, mà học là một việc gian khổ. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói, và xin chúc mỗi cô, tất cả các cô gặp nhiều may mắn."
Chúng tôi vỗ tay rào rào. Trước khi bước xuống, ông ta mời ông Courtenay nói một vài lời. Ông này trèo lên một cái ghế: một người thấp bé, mặt vuông vức và đẹp như mặt Caesar, mái tóc đẹp màu tro gợn sóng chải lật ra sau gáy và đôi tay thon thả trắng ngần. Ông mặc gilê đen, áo vét đen và chiếc quần kẻ sọc, trông chẳng khác gì những nhân vật nổi tiếng.
Ông nói: "Thưa các cô, được đón tiếp các cô tại khách sạn Charleroi là một ân huệ đối với tôi. Chúng tôi thật sự lấy làm hân hạnh, tự hào, vì hiểu rằng các cô chính là đại diện cho tinh hoa của giới phụ nữ Mỹ trẻ trung. Các cô là những gì tinh tuý nhất. Vì vậy, chúng tôi phục vụ các cô với lòng tận tuỵ và sung sướng. Hãy gọi chúng tôi bất cứ lúc nào các cô muốn. Cầu Chúa phù hộ cho tất cả các cô. Xin cám ơn."
Lại hoan hô nhiệt liệt. Mà còn có thể làm gì khác khi ta được gọi là tinh hoa của phụ nữ Hoa Kỳ? vì vậy, hãy vỗ tay!
Người đàn ông thứ 3 không được mời lên nói. Tiếc quá, ông ta trông cũng hay hay, mặc dù đeo đôi kính gọng sừng trên mắt. Người ta không giới thiệu ông ta với chúng tôi. Ông ta chỉ đứng đó với vẻ mặt thông minh, lãnh đạm, nên tôi không đoán được ông ta là ai.
Sau mấy bài nói hay ho, mấy người đàn ông vội vã rút ngay, để chúng tôi ở lại với cô Pierce và cô Webley. Với hai cô này thì đừng có lôi thôi. Không có chuyện "thưa các cô, thưa các bà", hay chuyện "tinh hoa của phụ nữ Hoa Kỳ". Không đâu, thưa các bạn. Phụ nữ phải thấy sao nói vậy, còn chuyện lãng mạn xin để cho cánh đàn ông. Cô Pierce chủ trì cuộc họp. Trông cô cũng xinh đẹp như bất cứ ai đang có mặt: mái tóc đen sáng, đôi mắt màu nâu lanh lợi và cái miệng rất xinh. Nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt ấy một giây thôi; bạn sẽ nhận ra ngay cô ấy đã nhìn thấu ruột gan bạn.
"Các cô", cô mở đầu. Khi cô nói, không còn nghe một tiếng động nhỏ, hành lang lặng như tờ. "Tôi muốn nói rõ thêm một số điểm. Thứ nhất: các cô, chứ không phải là nhân viên khách sạn phải chịu trách nhiệm về phòng ở của mình. Các cô phải dọn giường lấy, lau chùi phòng sạch sẽ. Hàng ngày, chúng tôi sẽ kiểm tra".
Đi thẳng vào vấn đề.Không thừa một chữ.
"Thứ hai: lớp học sẽ được tổ chức không phải ở đây, mà là ở văn phòng của Hãng ngoài sân bay. Các cô sẽ được chia thành hai tốp, hay gọi là hai lớp cũng được. Tốp thứ nhất sẽ rời khách sạn đúng 8h kém 15, tốp thứ 2 đúng 8h15. Lái xe đã được lệnh không chờ bất cứ người nào không có mặt đúng giờ. Được chứ?"
Đã nói thế thì còn gì mà không được.
"Cuối cùng", cô nói tiếp. "Như ông Garrison đã nói, chúng tôi sẽ phát bản nội quy học tập và sinh hoạt, nhưng ngay bây giờ tôi đọc cho các cô nghe trước. Như vậy sẽ không còn ai kêu là mình đánh mất bản nội quy trước khi đọc nó. Tôi bắt đầu".
Cô đọc bản nội quy trong nửa giờ. Nội dung của nó thực là một đòn chí mạng. Sau đó chúng tôi lết về phòng nằm liếm vết thương.
*
Donna đã nói ra điều đó thay cho cả bọn. Quay sang tôi, nó bảo: "Này, tinh hoa của phụ nữ Hoa Kỳ. Chẳng phải trong Hiến pháp đã nói mọi người có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc, hoặc đại loại như vậy đó sao?"
"Không phải là Hiến pháp, mà là Tuyên ngôn độc lập", tôi bảo.
"Thôi thôi, đừng bắt bẻ câu chữ nhau nữa. Mình chỉ muốn biết họ định hành hạ tụi mình kiểu gì thôi".
Theo tôi thì chẳng qua Hãng Magna cũng chỉ sao chép lại những quy định của trại giam tù nữ. Tất nhiên cũng có sửa đổi đôi chút. Thí dụ, đáng lẽ gọi là tù nhân thì họ gọi chệch là học sinh chiêu đãi viên, nhưng thực ra 2 từ này hoàn toàn có thể dùng lẫn cho nhau được. Bản nội quy in ronéo mở đầu với những câu chung chung. Không có gì rõ ràng, mà toàn những lời đe doạ mập mờ:
Chào các bạn. Chúng tôi vui mừng được đón các bạn ở đây, và hy vọng các bạn sẽ tận hưởng 4 tuần giam hãm tại khách sạn Charleroi. Điều đầu tiên các bạn cần ghi nhớ là chúng tôi đòi hỏi tất cả tù nhân, hay còn gọi là học sinh chiêu đãi viên phải ứng xử theo một chuẩn mực cao nhất. Bất cứ lúc nào, tù nhân hay học sinh chiêu đãi viên cũng phải xử sự như những phụ nữ đoan trang. Vi phạm cái quy định cơ bản này là một trọng tội.
"Tức là bị phạt ba ngày biệt giam", Donna bảo.
Sau phần mở đầu là đến những quy định cụ thể. Tù nhân ở khách sạn Charleroi phải tôn trọng tài sản của khách sạn. Ai làm hư hỏng gì, người đó phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi phải cư xử lịch thiệp với khách của khách sạn. Chúng tôi không được phép đến các quầy rượu của khách sạn này, hoặc của bất cứ khách sạn nào khác ở Miami. Chúng tôi không được dùng bất cứ thứ rượu nào ở khách sạn, và tù nhân nào bị phát hiện là say rượu trong thời gian huấn luyện sẽ bị đuổi ngay tức khắc.
Tiếp đó đến phục trang. Tù nhân phải ăn mặc tề chỉnh trong mọi lúc. Tù nhân không được phép xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong khách sạn nếu ăn mặc không đứng đắn. Tù nhân phải giữ cho hình thức bên ngoài luôn luôn đúng mực nhất, bao gồm gìn giữ nước da, sử dụng đồ trang điểm một cách trang nhã, giữ gìn bàn tay và móng tay, kiểu tóc, trọng lượng cơ thể và hình dáng. Ngoài ra, chỉ trừ ở khu vực bãi tắm, tù nhân phải có quần áo đầy đủ khi xuất hiện trước chỗ đông người. Quần áo đầy đủ ở đây được ghi rõ gồm cả tất và dây nịt tất.
"Tuyệt diệu", Donna cất giọng cay độc. "Tất và dây nịt tất! Ôi, cái cốc hạnh phúc của tôi đã tràn trề".
"Mà này", Annette nói. "Có nghĩa là chúng ta phải đeo tất và dây nịt khi đến lớp, cả khi ra ngoài..."
"Ngay cả khi cậu xuống hành lang gửi thư nữa", tôi bảo.
"Mình chẳng hiểu tại sao họ lại không bắt mình đi ngủ phải đeo tất và dây nịt", Donna bảo.
"Đừng khiếm nhã thế, Donna", tôi nói.
Tiếp theo là những quy định về sinh hoạt xã hội. Người ta giải thích, mà nghe cũng rất có lý, vì chương trình học khá căng, nên sinh hoạt xã hội của chúng tôi buộc phải hạn chế đôi chút, để dành nhiều thời gian cho học tập và nghỉ ngơi. Sau đó là những hàng chữ to, in rõ ràng:
CÁC BUỔI TỐI TRONG TUẦN (CHỦ NHẬT ĐẾN THỨ NĂM).
1. KHÔNG HÒ HẸN AI
2. PHẢI CÓ MẶT Ở PHÒNG LÚC 10H30 TỐI.
Không còn gì rõ ràng hơn. Không được hẹn hò, phải có mặt ở phòng lúc mười rưỡi tối, suốt từ chủ nhật đến thứ Năm.
"Chủ nhật", Donna hét lên. "Tôi phải có mặt lúc 10h30 tối chủ nhật ư?"
"Đúng thế", tôi bảo.
Nhưng tối thứ 6 và thứ 7, chúng tôi được tự do hơn. Chúng tôi được phép hẹn hò đi chơi, va mãi 2h sáng mới phải có mặt ở nhà. Hơn nữa, trong những trường hợp đặc biệt, chúng tôi có thể được phép rời thành phố đến ở chơi với bạn bè hoặc họ hàng vào cuối tuần. Tôi thấy chuyện đó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mình, nhưng Donna thì vồ ngay lấy: "Đội ơn Chúa, có thế chứ", cô ta nói. "Mình có bạn bè và người nhà ở khắp Florida mà hàng năm nay chưa gặp. Ít ra mình còn được phép đến thăm họ và cởi bỏ dây nịt tất trong 48 tiếng đồng hồ".
Cuối cùng đến luật của mọi luật lệ, được viết bằng câu chữ rất chặt chẽ mà ngay cả luật sư cũng chịu không tìm ra được kẽ hở. Bạn trai va người nhà không bao giờ được phép lên tầng 14 thăm học sinh chiêu đãi viên. Đồng thời học sinh chiêu đãi viên cũng không bao giờ được phép tới thăm bạn trai hay người nhà ở bất cứ phòng, buồng nào trong khách sạn Charleroi. Với sự ưu ái của ban quản lý khách sạn, học sinh chiêu đãi viên được tiếp bạn trai hoặc người nhà ở nơi tiếp khách chung của khách sạn và chỉ ở đó mà thôi.