Biên soạn chính: Trần Lê An
- 5 -
Tác giả: Biên soạn chính: Trần Lê An
Vượt sông
TRỊNH HOÀ BÌNH
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325
Tôi vượt sông Thạch Hãn để vào Thành cổ lúc 5 giờ chiều ngày 31/8/ 1972. Lúc ấy trời đã tối. Mưa đầy trời và những đám mây như bay sạt qua đầu. Phía trước có tiếng đạn pháo nổ vọng lại trong ánh chớp nhì nhằng, báo hiệu cho biết đó là chiến trường. Có tiếng lao xao: "Nhan Biều", "Bến vượt"... rồi có lệnh dừng lại để vượt sông.
Cả đơn vị dừng lại, tôi cố căng mắt nhìn quanh mà không nhận ra khuôn mặt nào quen thuộc. Chúng tôi là lính thuộc Tiểu đoàn 58 Trung đoàn 59 Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, cùng nhập ngũ tháng 4 năm 1972. Sau ba tháng huấn luyện, đầu tháng 8 chúng tôi lên đường vào chiến trường. Trước đó vài hôm, cả đơn vị vào đến Bãi Hà, nhận thêm quân trang và vũ khí đạn dược. Một ngày sau tôi được chọn cùng một số anh em lên đường đi trước. Cứ nghĩ là mình đi tiền trạm như bao chặng hành quân khác, bây giờ tôi mới biết, mình được chọn để vào trận ngay, chiến trường đang cần người.
Dùng tấm tăng để gói ba lô làm phao, tôi đặt khẩu AK lên trên đúng như những gì được dạy, có lệnh vượt sông. Hai tay bê chiếc ba lô và khẩu súng, tôi đi theo cái bóng trắng phía trước. Cả đoàn quân đang vượt sông. Mưa vẫn rơi, mỗi lúc một nặng hạt. Nước sông khá lạnh và có vẻ chảy xiết. Vượt sông mà nước xiết thế này thì mệt đây... Rồi lại có lệnh truyền từ trên xuống, mỗi tiểu đội lên một chiếc thuyền để vượt sông... Mà không phải thuyền. Đó là một chiếc xuồng cao su vá lỗ chỗ, tôi sờ thấy những miếng vá to gần bằng bàn tay. Từ chỗ tôi ngồi có bốn miếng vá, vậy chiếc xuồng này có khoảng bốn mươi miếng vá như thế ư? Chiếc xuồng này cũ quá rồi, sao người ta không thay đi nhỉ?
Tôi cứ ngồi nghĩ lan man mà chẳng dám hỏi ai. Hai người lính công binh đang ra sức đưa chúng tôi vượt sông. Có một sợi cáp thật to, có lẽ phải bằng cổ tay tôi được căng ngang sông. Tôi nhìn sợi cáp, nó như hút vào đêm tối. Tôi nắm lấy sợi cáp như để ước lượng, cũng muốn giúp hai anh lính công binh. Sợi cáp run bần bật trước sức nặng của con xuồng và dòng nước xiết. Đã ra được nửa sông chưa nhỉ? Tôi có cảm giác da tay mình bật ra và ứa máu. Anh bạn ngồi phía trước tôi bất giác ho khùng khục. Sau tôi mới biết anh chàng này là sinh viên khoa Toán của trường Đại học Sư phạm, quê ở Nam Hà, bị hen nhưng giấu bệnh và tình nguyện nhập ngũ, là lính của Tiểu đoàn 60. Đêm lạnh, mưa lại to đã khiến anh ho lên như thế. Người lính công binh có dáng người thấp đậm cúi sát vào tai người vừa ho, giọng đánh gằn: "Im cái mồm, An Tiêm kia kìa!". An Tiêm... An Tiêm... Một cái tên thật đẹp, sao anh ta lại mang ra gắt với đám chúng tôi.
Mặt trận có vẻ đã gần hơn. Tôi đã nghe rõ tiếng đạn pháo bay vi vu và nhìn thấy ánh đèn dù thấp thoáng trong bóng mây. ở phía bắc và hướng thượng nguồn có những dây chớp sáng xa xa. Đó là chớp của B.52 rải thảm. Mưa vẫn rơi và mây như bay sạt qua đầu. Mặt trận đây rồi. Đó sẽ là nơi mà tôi và những người lính trên chiếc xuồng này sẽ lao vào với tất cả tinh thần và sức lực của mình. Năm ấy tôi vừa tròn mười bảy tuổi, ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, có một gương mặt nhung nhớ khắc trong tim nhưng chưa phải là tình yêu.
Sau này, còn nhiều con sông nữa tôi đã cùng đồng đội vượt qua, lúc bằng xuồng, lúc bơi lội... Nhưng kỷ niệm về con sông Thạch Hãn ở Thành cổ Quảng Trị, của cái đêm vượt sông lần đầu tiên nếm trải mùi vị của chiến tranh là không thể quên, giống như con sông Hồng quê tôi đã cho tôi kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu; con sông Thạch Hãn khiến cho tôi lớn lên, từng trải, cùng tôi đi qua cuộc chiến tranh. Sau này tôi đã được ngắm con sông vào những ngày thanh bình. Đó là con sông trong xanh, hiền hòa như bao con sông khác trên quê hương tôi, quê hương Việt Nam!