Đại Bợm
Tác giả: Bồ Tùng Linh
I
Gia nhân nhà quan ngự sử nọ đang thơ thẩn đứng ở chợ. Một người áo mũ tốt đẹp ra dáng tới gần bắt chuyện, dần dà hỏi đến họ tên, quan chức chủ nhân. Anh gia nhân cứ thực thà mà nói hết.
Người ấy nói mình là họ Vương, là chân trong cho một quý chủ nọ. Chuyện trò đã dần dần cởi mở, anh ta nói bâng quơ:
- Thời buổi này con đường làm quan thực là quanh quẩn nhiều bề. Muốn thăng quan tiến chức thì phải nương tựa vào cửa một vị quý nào đấy. Ông chủ tôn quý nhà ta nhờ ở ai?
Anh gia nhân cười, nói không rõ. Vương bảo:
- Như thế đúng như người ta thường nói: Tiếc phí nhỏ mà quên họa lớn đây!
- Nhưng biết nương tựa cửa nào cho được?- Anh gia nhân hỏi lại.
- Công chú lấy lễ đãi người lại có thể nhón tay che chở. Qua thị lang tôi cũng tiến thân qua bậc thềm tôi tớ ấy. Nếu ông chủ anh không tiếc nghìn vàng trong việc ra mắt công chúa thì việc tiến thân cũng không khó lắm đâu.
Anh gia nhân cả mừng, hỏi địa chỉ người ấy. Người ấy chỉ nhà cửa, còn có ý trách:
- Cùng ngõ, qua lại hàng ngày mà chưa biết hay sao?
Gia nhân hí hửng về nhà báo ngay với quan ngự sư. Quan Ngự mừng không xiết kể, lập tức sai bày tiệc, cử người đi mời Vương, Vương hớn hở đến ngay. Trong khi ăn uống hắn kể tỉ mỉ tính tình công chúa ra sao, lại bàn soạn kỹ lưỡng đường đi nước bước mọi sự lặt vặt như thế nào, lại còn nói rằng: Nếu chẳng phải tình ngõ xóm thân cận thì cứ phải biện cho hắn một trăm đồng tiền thưởng chứ hắn không chịu làm thân trâu ngựa không công. Quan Ngự Sử càng tỏ ý hàm ơn, chịu nghĩa hắn. Trước khi về hắn hẹn:
- Xin ngài cứ chuẩn bị lễ vật. Gặp dịp tôi sẽ bẩm ngay với công chúa, sớm chiều là tôi báo tin cho tôn ông.
Vài ngày sau anh ta đến, cưỡi một con ngựa cực đẹp, bảo quan Ngự:
- Xin ngài mau chóng chỉnh tề khăn áo vào hầu. Công chúa bận nhiều việc lắm, người đến ra mắt nối nhau tự sáng bảnh đến chiều hôm. Nay may được một khoảng trống, phải đi ngay kẻo lỡ thì không còn dịp nào nữa.
Quan Ngự lật đật đem vàng ròng lụa là tốt đi theo ngay. Quanh co hơn mười dặm mới tới phủ đệ công chúa, xuống ngựa đứng chờ. Vương đem lễ vật vào trước, lúc lâu ra dõng dạc nói lớn:
- Công chúa triệu ngay quan Ngự mỗ vào.
Mấy người nối nhau xướng lời tuyên triệu.
Quan ngự sử lật đật vào phủ.
Ngồi cao cao giữa nội điện là một nữ nhân, dung mạo như tiên, trang phục rực rỡ. Bọn thị nữ mặc áo gấm dàn hàng la liệt.
Quan Ngự Sử phủ phục làm lễ bái kiến rất mực cung kính.
Công chúa truyền lệnh cho ngồi dưới thềm, ban trà bằng chén vàng và phủ dụ những lời ngon ngọt.
Qua ngự kính cẩn xin lui. Trong nội điện lại truyền ban cho mũ lông điêu, bít tất bằng đoạn.
Về đến nhà quan Ngự cứ ca ngợi công đức Vương mãi. Lại sai người cầm danh thiếp đến tạ ơn. Nhưng nhà cửa Vương đã vắng tanh vắng ngắt. Quan Ngự đồ rằng anh ta đi hầu Chúa chưa về. Ba ngày liền vẫn không gặp.
Quan Ngự lại sai người đến hỏi ở cửa bà Chúa. Thì ở đây cũng kín cổng cao tường. Hỏi người xung quanh, họ đều nói đây không có bà chúa nào cả. Trước đây ít lâu chỉ có mấy người đến thuê tạm nhà ở, nay đã đi đâu từ ba ngày nay rồi.
Sai nhân về nói lại.
Cả chủ lẫn tớ chỉ còn tức uất lên thôi.
II
Viên phó tướng mỗ, mang tiền vào kinh đô để cầu đường thăng quan tiến chức, nhưng khỗ nỗi chưa tìm được chỗ đỡ đầu. Một hôm có một người mặc áo cừu, cưỡi ngựa béo đến chơi, tự nói anh ruột mình là người hầu cận với thiên tử.
Trà nước xong, tướng quân ngõ lời nhờ và. Anh ta nói:
- Trước mắt ở xứ ấy còn khuyết một tướng quân. Nếu ngài không ngại tốn thì tôi sẽ dặn anh tôi gợi khéo trước mặt thánh chúa. Việc ấy mà xong thì kẻ có thế lực mấy mà tranh được.
Viên phó tướng còn ngần ngại:
- Tôi e đường đột, không ăn thua gì.
Người ấy lại nói:
- Đã định làm thì chớ nên trù trừ. Tôi chẳng qua chỉ muốn bòn chút ít ở ông anh, còn đối với tướng quân thì tơ hào tôi không đòi hỏi. Bây giờ ta chỉ cần định số tiền bạc là bao nhiêu, viết giấy làm tin, đợi khi nào ngài được thiên tử triệu kiến rồi mới phải chồng tiền. Nếu không xong thì tiền của ngài còn đó chứ ai móc mất của ngài đâu.
Viên phó tướng hởi dạ, bằng lòng.
Ngày hôm sau, người ấy đến để dẫn ông Mỗ đi gặp người anh.
Người anh xưng họ Điền, hách dịch như bậc hầu gia, nhìn ông Mỗ mốt cách đặc biệt ngạo mạn, không lấy gì làm hợp lễ lắm. Người em đưa tờ giao kèo cho ông Mỗ, bảo:
- Tôi vừa bàn với ông anh, việc này không đủ vạn bạc không được, xin ngài ký xuống dưới này.
Ông Mỗ làm theo, Điền anh còn nói:
- Lòng dạ người ta khó lường, chỉ ngại việc xong rồi lại lật lọng.
Điền em cười mà rằng:
- Anh quá lo xa. Đã có thể cho rồi há không thể đoạt lại hay sao? Vả lại các bậc văn võ trong triều có người tình nguyện nộp tiền mà không được. Bước đường tiến thân sau này của tướng quân đây còn xa rộng lắm. Xin anh đứng để ý đến điều đó.
Ông Mỗ cũng thề thốt hết điều rồi mới đi. Điền em đưa tiễn dặn:
- Ba bữa nữa, xin trả lời ngài.
Mới hai ngày, trời vừa sẩm tối, có mấy người chạy đến phi báo:
- Thánh thượng đang ngồi đợi.
Ông Mỗ cả kinh vội tất tả vào chầu.
Thiên tử ngồi ở trên điện, quân nanh vuốt xúm quanh. Ông Mỗ phủ phục làm lễ bái kiến xong, hoàng thượng cho phép ngồi, hỏi thăm ân cần rồi nghoảnh bảo tả hữu:
- Trẫm nghe danh Mỗ vũ dũng phi thường, nay được thấy mặt, quả đúng là bậc chân tướng quân.
Rồi phán truyền cho ông Mỗ:
- Xứ ấy là đất hiểm yếu, nay ủy thác cho khanh, khanh chớ phụ ý trẫm, hãy đợi sắc phong chính thức.
Ông Mỗ bái tạ ơn mưa móc rồi lui ra. Lập tức đã có anh chàng mặc áo cừu cưỡi ngựa béo trước đây, đi theo đến nơi trọ, cứ đúng như giao kèo nhận tiền.
Rồi sau đó, ông Mỗ cứ nằm khểnh đợi sắc phong, hàng ngày đã úp mở khoe khoang với bạn bè. Qua mấy bữa, ông ta dò hỏi mới biết chân tướng quân khuyết trước đây, đã có người được bổ rồi. Ông ta nổi cơn thịnh nộ, thốc thẳng tới bộ binh chất vấn:
- Mỗ đây đã nhận được lệnh của Hoàng đế, sao các ngài lại trao cho người khác?
Quan Tư Mã lấy làm lạ. Ông Mỗ kể lại những điều đã mắt thấy tai nghe, khi vào bái mệnh thánh chúa mơ mơ hồ hồ đến phân nửa như cảnh trong mộng. Quan Tư Mã nổi giận bắt đưa xuống quan Đình úy xét xử.Lúc ấy ông mỗ mới cung tên họ người dẫn tiến, tra xét lại thì trong triều không có ai như thế.
Ông Mỗ lại tổn phí bạc vạn nữa để chạy chọt may phúc mà chỉ bị cách chức đuổi về.
La thay! Hạng võ biền tuy mu mơ song lẽ nào chốn triều đình lại có thế đóng gỉa được sao? Như người ta thường nói: Loại trộm bậc thầy không cần đến dao thuổng khoét vách đào nghạch!
III
Lý sinh người Gia Tường, rất giỏi đàn kìm. Tình cờ ra xứ đông, Sinh mua rẻ được một cây đàn , kìm loại cổ do thợ thổ đào được. Lau chùi đi, thấy thân đàn có ánh sáng lạ; so dây gảy thứ nhất thì tiếng kêu trong và vang lạ thường. Sinh mừng quá như bắt được châu ngọc quý liền cất đàn luôn vào túi gấm, giấu biệt vào trong buồng kín, người thân thích mấy cũng không cho xem.
Quan huyện họ Trình vừa mới về nhận chức, đưa danh thiếp đến thăm Lý. Lý là người ít giao du song vì là lần đầu tiên nên nhận tiếp. Vài ngày sau ông ta mời đến uống rượu, cứ nài nẵng mãi cho nên Lý phải đến. Trình là người phong nhã khác đời, nghĩ luận sâu rộng cho nên Lý cũng ưa. Hôm sau Lý gửi mời lại, chuyện trò vui vẻ, ý hợp tâm đầu, từ đó sớm ngắm hoa đêm thưởng nguyệt, không mấy khi không có nhau.
Cứ thế được hơn năm, một hôm Lý tình cờ vào công thự Trình thấy có một cái túi gấm trong đựng đàn kìm đặt trên ghế, Lý tiện tay mở xem. Trình hỏi có am hiểu thứ này không? Lý trả lời không sành lắm nhưng thường ngày cũng thích. Trình xuýt xoa:
- Mối tri giao chẳng phải mới một ngày, sao lại không thể cho thưởng thức tài nghệ tuyệt vời?
Rồi vội vã đốt lò hương trầm, xin Lý dạo chơi vài khúc. Lý vâng theo, Trình khen:
- Thật là tay đàn tuyệt vời! Tôi cũn xin hiến chút tài mọn, mong đừng cười.
Nói rồi gảy khúc Ngự Phong, thanh âm lạnh lẽo đến gai người, thực là tuyệt trần đời, Lý phục sát đất xin tôn làm thầy.
Từ đó hai người trở thành bạn tri âm, tình thân càng gắn bó. Cứ như thế được hơn năm nữa, Trình truyền lại cho Lý hết mọi ngón đàn. Song mỗ khi Trình đến nhà, Lý chỉ đem cây đàn thường ra chơi, chưa từng đưa dùng cây đàn quý.
Tối đó khi đã say ngà ngà, Trình nói:
- Tôi mới soạn được một bản đàn, không biết anh có thích nghe không?
Rồi ông ta gảy khúc Tương Phi vừa soạn ấy, tiếng đàn sao mà ai oán sầu thương. Lý khen hết lời. Trình bảo:
- Chỉ tiếc không có cây đàn tốt. Nếu không thì âm điệu còn hay hơn gấp bội.
Lý hởn hở:
- Tôi có một cây đàn khác hẳn đàn thường. Nay đã gặp tri âm sao dám giữ kín mãi.
Nói đoạn, mở hòm xách túi đàn bằng gấm ra. Trình mở ra, lấy vạt áo lau bụi, đặt đàn lên ghế chơi lại khúc nhạc vừa soạn, tiếng trong tiếng đục theo điệu, chơi hay quá làm mê mẩn cả tâm thần người nghe. Lý vừa nghe mà tay bất giác cứ đánh nhịp theo. Đàn dứt, Lý nói:
- Vẻ chi một chút tài mọn mà phụ cả cây đàn quý. Nên chi để tiện nội tấu một khúc thì cũng có thể lọt tai bậc tri âm được vài ba tiếng.
Lý kinh ngạc:
- Ôi bậc khuê các bên bác cũng tin diệu đến thế ư?
Trình cười:
- Những ngón vừa rồi là do tiện nội truyền cho cả.
- Tiếc rằng trong chốn buồng khuê tiểu sinh chưa kịp được nghe.
- Bọn ta chơi bời với nhau hai mà như một, có gì cần phải giới hạn tránh né. Ngày mai xin cho mang cay đàn này đi, tôi có thể khiến để bác được thưởng thức qua bức rèm the.
Lý bằng lòng, hôm sau xách đàn sang nhà Trình. Trình sai sửa soạn cỗ bàn để cùng vui chén, rồi mang đàn vào trong nhà, lát sau lại ra ngồi vào bàn.
Sau màn thấp thoáng bóng giai nhân, mùi hương lan tỏa ngào ngạt ra ngoài. Tiếng đàn nổi lên thánh thót không hiểu là khúc gì, chỉ thấy thổn thức cả con tim, rung động cả xương cốt, hồn như bay, phách như lạc. Tiếng đàn ngưng, Lý liếc mắt qua rèm thấy một tuyệt thế giai nhân khoảng ngoài hai chục tuổi xuân xanh.
Trình rót rượu vào chén lớn chuốc cho Lý. Trong rèm tiếng đàn đổi thành tiếng ngâm bài phú Nhân tình, cả thần hồn thần xác đều rung động, ngả nghiêng nâng chén quá say, rời mâm lên tiếng xin lại cây đàn. Trình can:
- Anh say rồi sợ ngã. Ngày mai xin lại mời đến để tiện nội trổ hết tài nghệ.
Lý chịu phép trở về.
Mai đến thì chốn công thất vắng tanh, chỉ có người lệ già coi cổng. Hỏi thăm Trình, người lệ già cho biết: Canh năm quan huyện đã đưa hết gia quyến đi, không biết về việc gì, chỉ hẹn ba ngày quay lại.
Đến hẹn, Lý lại tới ngóng trông tối mịt vẫn không thấy âm hao. Các nhân viên trong viện đều ngờ, bẩm lên quan trên rồi phá cửa vào nhà. Nhà trống hoang chỉ còn lại có bàn ghế giường chiếu. Quan trên cũng không rõ ra sao.
Lý mất cây đàn quý, bỏ ăn quên ngủ. Hỏi thăm các nhà trong khoảng vài nghìn dặm thì được biết: Trình sinh ở đất Sở ba năm trước đây vì quyên tiền mà được nhận chức ở Gia Tường. Bằng vào tên họ, que hương thì đất Sở không có người ấy. Hoặc có người nói chỉ có một đạo sĩ họ Trình, giỏi đàn kìm lại nghe đâu biết thuật luyện đàn, ba năm trước đây bỗng đi đâu mất không thấy về, Lý ngờ đúng là người ấy. Lại so sánh tuổi tác hình dung thì quả đúng không sai. Lúc ấy mới biết, đạo sĩ quyên tiền làm quan đều là vì cây đàn quý; kết bạn hơn một năm không nói gì đến âm luật rồi dần dần đưa đàn ra, rồi dạy đánh đàn, rồi lại mê hoặc bằng người đẹp; dần dà như thế ba năm lấy được đàn là băng đi tuốt.
Cách lừa bịp trong thiên hạ thì vô kể nhưng như đạo sĩ thì là một tay phong nhã trong làng bợm.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch