Tiên Ông Họ Thành
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chàng họ Chu, người Văn Đăng (1) cùng với chàng họ Thành, thuở nhỏ cùng theo đòi nghiên bút, do đó mà kết thành bạn thiết (2). Nhưng Thành nghèo, nên quanh năm nhờ vả vào Chu. So với tuổi tác thì Chu lớn hơn, nên gọi vợ Chu bằng chị dâu. Các dịp giỗ tết vẫn đi lại với nhau như một nhà. Vợ Chu sau sinh được đứa con trai thì bạo bệnh chết. Chu cưới vợ kế họ Vương; Thành lấy cớ cô còn ít tuổi nên chưa từng gặp mặt.
Một hôm em trai cô Vương đến nhà Chu thăm chị, yến tiệc mở ở ngay phòng ngủ. Thành cũng vừa đến chơi. Người nhà vào báo tin, Chu đang ngồi cho mời vào. Thành không vào từ tạ ra về. Chu phải dời bàn tiệc ra nhà ngoài, rồi chạy theo giữ, Thành mới quay lại. Vừa ngồi vào bàn thì có người vào báo, một người đầy tớ trai giữ trại cho nhà Chu bị quan huyện đánh rất đau. Nguyên trước đây, kẻ giữ trâu nhà quan lại bộ họ Hoàng để trâu xéo lên ruộng của Chu, vì thế mà đâm ra cãi nhau. Tên giữ trâu của họ Hoàng chạy về trình chủ. Chủ cho bắt đầy tớ của Chu giải lên quan, rồi bị quan phạt đòn.
Chu hỏi rõ tình đầu, nổi giận nói:
- Tên nặc nô chăn lợn (3) họ Hoàng kia sao dám làm vậy! Tổ tiên nó còn phải hầu hạ tổ phụ ta, thế mà nay mới gặp thời đác chí đã không coi ai ra gì nữa.
Giận tràn lên cổ, chàng phẫn chí vùng dậy, muốn chạy ngay đi tìm Hoàng. Thành kéo tay ngăn lại, nói:
- Giữa thời buổi bạo ngược này, làm gì phân rõ đen trắng. Huống chi quan lại ngày nay quá nửa cũng là lũ trộm cướp không cầm giáo cung đấy thôi!
Chu không nghe. Thành năn nỉ hai ba lần, đến chảy nước mắt, chàng mới chịu, nhưng uất ức vẫn không nguôi, trằn trọc suốt đêm. Sáng ra bảo gia nhân rằng:
- Họ Hoàng khinh ta quá, ta thù hận nó, nhưng hẵng để đấy đã. Còn quan huyện là quan của triều đình, chẳng phải là quan của quyền thế, nếu có chuyện tranh chấp thì cũng cần hỏi cả hai bên, chứ sao lại như con chó “suỵt” đâu chạy đấy được? Ta cũng phải làm đơn kiện đầy tớ nhà kia xem nó phân xử thế nào.
Đám gia nhân hết thảy đều vun vào, chàng bèn quyết kế, viết tờ cáo trạng gửi lên quan huyện. Quan huyện xé vứt đi. Chu uất, nói những lời xúc phạm đến quan. Quan vừa thẹn vừa căm, lấy cớ bắt chàng tống ngục.
Sáng hôm sau, Thành sang thăm Chu mới biết đã vào thành thưa kiện. Vội vàng chạy theo để ngăn lại, thì đã bị nhốt vào ngục rồi, chàng giậm chân than thở, không biết làm thế nào. Bây giờ vừa tóm được ba tên giặc biển; quan huyện và Hoàng đút lót tiền dặn chúng vu cho Chu là đồng đảng, rồi vịn vào lời khai đó mà lột bỏ mũ áo nhà nho, dùng roi tra khảo Chu một cách thảm khốc. Thành vào ngục nhìn nhau mà cay đắng. Bàn tính kêu lên tận cửa khuyết. Chu bảo:
- Nay thân đã bị xiềng trong cũi, giống như chim trong lồng; dẫu còn một chú em yếu hèn thì cũng chỉ làm được việc đưa cơm tu mà thôi.
Thành sốt sắng tự nhận lấy, nói rằng:
- Đây là phận sự của tôi. Khó khăn không giúp nhau thì còn gọi là bạn bè làm gì.
Rồi chàng lên đường ngay. Em trai Chu định đưa tiền lộ phí đi thì đã đi lâu rồi.
Đến kinh chưa biết cửa nào vào mà kêu thì nghe đồn xa giá sắp sửa đi săn. Thành dự tính nấp sẵn trong khu chợ gỗ. Chốt lát xa giá đi qua, chàng ra sụp lạy kêu van thảm thiết. Sớ bèn được chuẩn, giao cho các trạm chuyển về để bộ viện cứu xét và tâu lên. Bấy giờ đã trải qua hơn mười tháng, Chu đã bị ghép bừa vào tội hình. Pháp viện tiếp được ngự phê cả sợ, phải cho tra xét lại cả lời cung lẫn nghị án. Hoàng cũng sợ mưu giết Chu. Nhân đó hối lộ cho cai ngục, để chúng tuyệt hẵn đường cơm nước. Em Chu mang thức ăn vào thăm cũng bị cấm ngặt. Thành lại lên tận viện bày tỏ điều khuất khúc, Chu mới được gia ơn hỏi đến, thì đã đói lã không dậy được nữa. Quan pháp viện tức giận, cho đánh trượng cai ngục đến chết. Hoàng đâm hoảng phải dùng nghìn lạng vàng đút lót chạy vạy thoát thân, mới được bỏ qua đi một cách mập mờ. Còn quan huyện thì vì bẻ cong pháp luật phải khép tội đày.
Chu được thả về càng phục Thành can đảm. Riêng Thành từ sau khi trải qua kiện tụng, tình đời nguội lạnh như tro. Muốn rủ Chu cùng mình đi ẩn, nhưng Chu còn đắm đuối vợ trẻ, nên nghe nói thì cười chàng viễn vong. Thành tuy không đáp song y đã quyết. Sau khi chia tay, mấy ngày không thấy chàng trở lại, Chu cho người sang nhà Thành thám thính, thì người nhà cũng ngỡ chàng đang ở nhà Chu; hai nơi đều không thấy nên mới đâm ngờ. Chu biết có chuyện lạ, cho người đi tìm; chùa quán, hang hốc không đâu không dò hỏi. Thỉnh thoảng lại đem vàng lụa chu cấp cho con của bạn.
Được khoảng tám chín năm thì Thành bỗng tự tìm về. Khăn vàng áo lông, nghiễm nhiên đã có dáng dấp đạo sĩ. Chu mừng nắm tay bạn hỏi:
- Anh đi đâu để tôi tìm khắp?
Cười đáp:
- Mấy ngàn hạc nội, nào có nhất định ở đâu. Nhưng từ bấy đến nay may vẫn mạnh khỏe.
Chu sai bày tiệc rượu, kể sơ với bạn nổi niềm xa cách, có ý muốn Thành cởi bỏ áo đạo đổi lấy áo thuờng. Thành chỉ cười không nói,. Chu bảo:
- Ngu thật! Sao có thể bỏ vợ bỏ con như bỏ cái chổi cùn được.
Thành cười mà rằng:
- Không phải thế! Người định bỏ ta chứ ta nào có bỏ được người.
Hỏi đến chỗ ở thì chỉ trả lời là trên cung Thượng Thanh núi Lao Sơn.
Tiệc xong trở về giường nằm, Chu mơ thấy Thành trần truồng nằm đè lên ngực, ngạt muốn tức thở. Gặng hỏi làm gì vậy, tuyệt nhiên không đáp. Giật mình tỉnh dậy, gọi Thành không thấy thưa, nhổm lên nhìn thì đã bỏ đi đâu mất tăm. Định thần nhìn lại mới biết mình đang ở trên giường của Thành. Sợ hãi kêu lên:
- Tối qua không say, sao mà đảo điên đến thế?
Bèn gọi người nhà. Người nhà thắp đèn lên, thì người ngồi đấy là Thành. Chu vốn nhiều râu, lấy tay sờ thì cằm lơ thơ chẳng có mấy sợi. Vội tìm gương soi, lạ lẫm thốt lên:
- Thành sờ sờ ở đây, thế thì mình đi đâu rồi?
Nói xong vụt hiểu ra, Tành sùng ảo thuật để gọi mình đi ẩn. Muốn về thăm vợ (4) nhưng người em thấy dung mạo khác anh ngăn lại không nghe. Chu cũng không cớ cách gì biện bạch, liền sai sắp ngựa và đầy tớ để đi tìm Thành.
Mấy ngày sau, đến núi Lao Sơn. Ngựa chạy nhanh đầy tớ theo không kịp. Chu tạm nghỉ dưới gốc cây, thấy những người khách mặc áo lông chim (5) qua lại rất đông. Một đạo nhân trong số đó đưa mắt nhìn Chu. Chu nhân dịp hỏi thăm về Thành thì đạo sĩ cười đáp: Cũng có nghe anh. Hình như ở trên cung Thượng Thanh thì phải.
Nói xong đi ngay. Chu đưa mắt nhìn theo thì thấy ông ta đi ước chừng ngoài một tầm tên bắn, dừng lại chuyện trò với một người nào đấy nhưng cũng chỉ dăm câu rồi đi luôn. Người vừa chuyện trò với đạo sĩ dần dần đi đến, thì ra là người học trò cùng làng. Thấy Chu, anh ta kinh ngạc kêu lên:
- Bao năm không gặp, nghe người ta nói anh lên non học đạo, thế mà nay còn dạo chơi cõi trần tục được ư?
Chu kể lại chuyện đổi lốt kỳ dị của mình; chàng kia hốt hoảng nói:
- Thế thì tôi vừa gặp anh ta kia mà cứ ngỡ là anh. Mới đi chưa được bao lâu, chắc cũng không xa đây lắm.
Chu kinh dị nói:
- Quái thật! Sao lại mặt mũi của mình mà mình vừa nhìn tận mặt cũng không nhận ra được?
Đầy tớ cũng vừa tìm tới, vội gấp gáp đuổi theo, nhưng rốt cuộc dấu vết vẫn mất hút. Nhìn lên phía trước chỉ thấy mịt mù xa tắp tiến thoái không còn biết đường nào mà tính. Tự nghĩ còn nhà đâu nữa mà về. Bèn quyết ý đuổi theo đến cùng. Mà đường thì quá cheo leo hiểm trở, không thể đi ngựa được nữa, đành giao ngựa cho đầy tớ dắt về, một mình thất thiểu đi tiếp.
Bỗng đâu xa xa nhác thấy một cậu tiểu đồng ngồi lẻ loi, vội đến gần hỏi đường, và nói rõ duyên cớ.Tiểu đồng tự nhận là đệ tử của Thành, thân mang giúp áo quần, lương thực dẫn chàng cùng đi. Nằm sương gối đất, vượt muôn dặm hành trình ba ngày mới tới, thì hóa ra Thượng Thanh lại chẳng phải như lời thế giam vẫn đồn. Bấy giờ đã là giữa tháng mười thế mà hoa rừng nở đầy lối đi, chẳng có vẻ gì là đầu mùa đông.
Tiểu đồng vào báo tin khách đến, Thành vội vàng chạy ra, chàng mới nhận ra được hình dáng của mình. Cầm tay dắt vào bày tiệc rượu chuyện trò yếm ẩm. Chu thấy nhiều giống chim sắc màu kỳ dị, dạn dĩ không sợ người, thường đến đậu ngay chỗ ngồi mà hót, tiếng nghe như đàn sáo, trong lòng rất lấy làm lạ. Nhưng lòng trần còn vấn vít, không có ý muốn lưu lại. Dưới đất trải hai tấm bồ đoàn, Thành kéo Chu cùng ngồi. Quá canh hai, muôn vàn lo nghĩ đều lắng xuống, vừa chợp mắt một cái, bỗng cảm thấy giữa mình và Thành thân hình lại có sự trao đổi. Ngờ vực, đưa tay sờ cằm, thì lại rậm râu như cũ.
Sáng ra, hăng hái muốn về ngay. Thành cố giữ lại, sau ba ngày mới bảo:
- Xin cứ ngủ một lúc, sáng mai sẽ đưa anh về.
Mới thiu thiu thì đã nghe tiếng Thành gọi: “Hành trang đã sẵn rồi!” Bèn trở dậy theo đi. Con đường lần này khác xa lối cũ. Chưa được bao lâu đã cảm thấy làng quê hiện ra trong tầm mắt. Thành ngồi lại bên đường đợi, bảo Chu cứ về. Chu cố nài không được, đành lầm lũi đi về. Đến trước cổng nhà, gõ không thấy thưa, đang định trèo tường vào thì cảm thấy thân nhẹ tựa như chiếc lá, nhảy một cái phóc qua tường ngay. Vượt qua mấy lớp tường thấp mới tới phòng ngủ. Bên trong đèn đuốc sáng trưng, vợ mình vẫn chưa ngủ, đang trò chuyện thì thầm với ngưòi nào đấy. Chàng dùng lưỡi nhấm giấy dán cửa sổ, khẽ nhòm vào, thì cô vợ đang ngồi cùng một tên đầy tớ vai u thịt bắp (6) chuốc rượu cho nhau, bộ dạng rất lả lơi. Lửa giận bốc lên, đã toan xông vào bắt, lại sợ thế cô thắng không nổi, bèn lẳng lặng nhảy ra khỏi cửa, chạy đến báo với Thành, nhờ giúp một tay, Thành khảng khái nhận lời, cùng đi thẳng tới buồng ngủ của vợ. Chu nhấc một hòn đá đập cửa. Bên trong hoảng sợ rối rít. Cửa càng đập gấp, trong càng cài chặt. Thành rút gươm đưa một nhát, cửa bậc tung ra. Chu ập vào, tên đầy tớ vùng chạy ra cửa. Thành đứng ngoài cửa dùng kiếm chém, đứt lìa cánh tay đến tận vai. Chu bắt vợ ra tra khảo, mới biết nàng tư thông với đứa ở từ hồi chàng còn trong ngục. Chu mượn gươm chặt đầu vợ, treo ruột lên cành cây trước sân, rồi theo Thành quay ra, tìm đường trở về núi. Thốt nhiên giật mình tỉnh dậy, thì thân thể vẫn đang nằm trên giường. Chàng kinh ngạc nói:
- Mộng mị quàng xiên, làm mình đâm hoảng.
Thành cười đáp:
- Mơ thì anh bảo là thực, thực anh lại bảo là mơ.
Chu ngạc nhiên hỏi lại, Thành đưa gươm cho xem thì thấy vết máu vẫn còn nguyên. Chu sợ đến thất thần, nhưng lại trộm ngờ Thành bày trò ảo thuật dối gạt. Thành biết ý, bèn sắp sửa hành trang đưa chàng về.
Thấm thoát đã đến đầu làng. Thành bảo:
- Đêm đó tôi chống kiếm đợi anh, chẳng phải ở đây là gì! Tôi đã chán nhìn trò đời vẩn đục, xin lại được đợi anh ở đây. Nếu quá giờ thân anh không ra, sẽ đi một mình.
Chu đến nhà, nhìn thấy cửa ngõ tiêu điều, dường như không có người ở, bèn vòng sang nhà người em. Vừa gặp anh, em đã giàn giụa nước mắt kể lể:
- Sau khi anh đi, đang đêm cướp vào giết chị, khoét ruột thảm thương không thể tả. Đến nay quan lùng bắt chưa được.
Chu như người trong mộng chợt tỉnh, bèn đem tình thực mà nói, lại dặn đừng truy cứu nữa làm gì. Người em đứng ngây ra một lúc lâu. Chu hỏi thăm con mình. Bèn gọi vú già bế tới. Chu bảo em:
- cái vật trong bọc tã này có quan hệ đến việc nối dõi tông đường, em hãy cố mà chăm sóc. Anh nay sắp từ giã việc đời rồi.
Thế rồi đứng dậy đi ngay. Người em nước mắt lã chã, chạy theo níu lại, chỉ cười mà đi thẳng. Ra đến ngoài làng gặp lại Thành, cùng nhau đi tiếp. Khi đã xa quay đầu lại dặn:
- Sự đới nhẫn nhục là hay nhất.
Người em muốn nói thì Thành đã khoát tay áo một cái, lập tức không còn nhìn thấy đâu nữa. Đành đứng sững hồi lâu, gào khóc rồi về.
Em Chu là ngưòi vụng về chất phác, không biết dạy bảo người nhà trông nom vườn ruộng. Sống được vài năm thì nhà càng nghèo. Con trai Chu dần lớn lên, không thể đón được thầy, phải tự mình dạy cháu học. Một hôm đến thư trai vào sáng sớm, thấy một phong thư để trên án, niêm rất kỹ ngoài đề: “Em trai mở”. Nhìn xem thì đúng là nét chữ của anh. Mở ra, trống rỗng chẳng có gì, chỉ thấy một cái móng dài chừng hai đốt tay. Bụng lấy làm kỳ quái. Đặt móng tay lên nghiên mực rồi bước ra, hỏi người nhà thư ở đâu gửi tới, song không ai biết cả. Quay trở lại nhìn thì thấy nghiên đá sáng chói, đã hóa thành vàng. Vô cùng kinh ngạc. Đem đặt thử lên đồng, sắt đều như thế cả. Từ đấy giàu to. Đem ngàn vàng giúp cho con Thành. Vì thế, thiên hạ đồn rằng hai nhà này có thuật điểm kim.
NGUYỄN HUỆ CHI dịch
Chú Thích
(1) Văn Đăng: một huyện thuộc tỉnh Sơn Đông.
(2) Nguyên văn “chữ cứu giao” là một điển cố chỉ sự kết thân không kể sang hèn. Chúng tôi dịch thoát. (là người dịch)
(3) Nguyên văn “mục trư nô” thường gọi thô tục cho dân cờ bạc.
(4) Vì phòng “trai” tức là nhà học, thường cất cách biệt với nhà ở, cho nên ở đây nói là về thăm vợ.
(5) Chỉ theo Đạo giáo. điển cố này bắt nguồn từ biệt hiệu Kim Môn Vũ Khách của đạo sĩ Đàm Từ Tiêu thời Nam Đường.
(6) Nguyên văn “ty bộc” là hạng đầy tớ dùng vào việc lạo động nặng nhọc như chặt củi, nuôi ngựa.