Ghen với nữ thần
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Song song tố tượng sự hoang đường.
Hồ quỷ bằng y tác tế hương.
Liệt phách chân hồn không thụ điếm.
Tiểu cô cư xứ bản vô lang.
Ðời vua Thần Tông triều Minh, huyện Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang, có thiếu nữ họ Mã, tên Thanh Mai, sanh năm bính tuất (1576).
Khi Thanh Mai tới tuổi cập kê, cha mẹ hứa gả cho nho sinh họ Hoa ở trong huyện. Sắp tới ngày cưới, Hoa sinh bị bệnh mà mất. Thanh Mai buồn lắm, quyết tâm ở vậy, chẳng chịu lấy chồng khác.
Năm bính ngọ (1606), Thanh Mai ba mươi tuổi, cũng bị bệnh mà mất. Hồn linh thiêng, thường hiện về báo mộng cho người trong họ biết nhiều việc sắp xảy ra nên họ quyên góp tiền bạc, xây cất một ngôi đền rồi đắp tượng mà thờ, gọi là đền Mai Cô.
Năm mươi năm sau.
Ở huyện Thượng Ngu, kế cận huyện Thiệu Hưng, có nho sinh họ Kim, ba mươi tuổi, có vợ họ Ngụy và hai con, một trai, một gái. Ngày 10 tháng 8 năm bính thân (1656), niên hiệu Thuận Trị thứ 13, Kim sinh lên đường tới tỉnh lỵ Triết Giang ứng thí. Dọc đường, tới huyện Thiệu Hưng, gặp lúc trời tối, sinh vào ngủ trọ trong quán Mai Hoa. Nửa đêm, nằm mộng thấy một tì nữ áo xanh mở cửa bước vào phòng, nói: "Mai Cô sai tiểu tì tới đây mời tú tài tới đền đàm đạo" Sinh bèn đi theo. Tới đền, thấy Thanh Mai đứng chờ ở hành lang, sinh vội chắp tay vái chào. Thanh Mai mỉm cười đáp lễ rồi hỏi: "Hiền lang còn nhớ thiếp không?" Sinh lắc đầu, đáp: "Thưa không" Thanh Mai nói: "Kiếp trước hiền lang họ Hoa, đã đính hôn với thiếp song vì hiền lang mất sớm nên chúng mình chưa nên duyên phu phụ. Vì cảm tấm lòng chiếu cố nên trong thâm tâm, thiếp vẫn mến mộ. Kiếp này, hiền lang họ Kim. Nếu hiền lang chẳng chê thiếp là người bỉ lậu thì thiếp xin được lấy thân mà báo đáp" Sinh kinh hãi quá, chẳng biết phải trả lời ra sao, chỉ thốt được hai tiếng: "Xin vâng" Thanh Mai nói: "Tạm thời, hiền lang cứ đi thi rồi về nhà mà chờ. Chừng nào thu xếp xong chỗ ở, thiếp sẽ xin báo để hiền lang biết" Sinh lại líu ríu vâng dạ. Thanh Mai bèn tiễn sinh ra khỏi cổng. Nằm mộng tới đây, sinh tỉnh giấc, cứ kinh hãi mãi, trằn trọc suốt đêm, chẳng sao ngủ lại được.
Ðêm ấy, có một thôn dân, cư ngụ cạnh đền, cũng nằm mộng thấy Thanh Mai hiện về, nói: "Từ nay, Kim sinh ở huyện Thượng Ngu, hiện trọ trong quán Mai Hoa, là lang quân của ta. Sáng mai, các ngươi phải tới quán, tìm gặp cho biết mặt rồi đắp một pho tượng, đặt cạnh pho tượng của ta trong đền mà thờ chung" Sáng ra, người ấy kể cho đồng hương nghe thì được biết trên mười người nữa trong làng cũng nằm mộng thấy như thế. Họ kinh hãi quá, bèn kéo nhau tới quán Mai Hoa để biết mặt Kim sinh rồi kéo nhau tới nhà trưởng tộc họ Mã trong làng, là Mã Thành, mà thuật chuyện. Họ nói: "Xin cho đắp tượng Kim sinh để thờ chung trong đền" Mã Thành phản đối, nói: "Làm như thế tức là làm điếm nhục tiết trinh của Mai Cô lúc sinh thời, mà cũng là làm điếm nhục cả dòng họ Mã chúng tôi nữa!" Người làng khuyên thế nào Mã Thành cũng chẳng nghe. Họ đành giải tán.
Tháng sau, cả nhà Mã Thành tự nhiên cùng bị bệnh. Một đêm, Mã Thành nằm mộng thấy Thanh Mai hiện về, nói:"Phải đắp tượng Kim sinh mà thờ chung với ta ngay!" Tỉnh giấc, Mã Thành kinh hãi quá, bèn mời mọi người trong họ tới nhà bàn bạc. Ai cũng khuyên nên đắp tượng Kim sinh, đặt ở bên trái tượng Thanh Mai mà thờ chung. Mã Thành đành theo lời.
Sinh lên đường tới Triết Giang ứng thí rồi trở về nhà, thuật chuyện giấc mộng cho vợ nghe. Nghe xong, Ngụy thị nổi cơn ghen, nói: "Thần gì mà lại đi cướp chồng của người khác?"
Một hôm, vào trung tuần tháng chín, sau bữa ăn trưa, tự nhiên sinh nói với vợ con: "Hôm nay Mai Cô tới rước ta đây!" Rồi đi tắm gội, mặc quần áo mới, đi giày mới, đội mũ mới, lên giường nằm mà chết. Ngụy thị đau khổ, tức giận Thanh Mai lắm.
Chôn cất cho chồng xong, Ngụy thị đi ngay sang huyện Thiệu Hưng, tới ngôi đền, lấy tay chỉ vào mặt pho tượng Thanh Mai mà thóa mạ. Rồi Ngụy thị bước lên tận bệ thờ, lấy tay tát vào mặt pho tượng bốn cái. Sau đó, Ngụy thị bỏ ra về.
Ngày nay, dân chúng huyện Thiệu Hưng không gọi ngôi đền ấy là đền Mai Cô nữa mà lại gọi là đền thờ vợ chàng Kim.