Xấu Người Đẹp Nết
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Ông Kiều ở Bình Nguyên có cô con gái vừa đen vừa xấu, khuyết mũi thọt chân. Cho nên tuy cô đã hai lăm, hai sáu cái xuân xanh mà chưa ai đến hỏi. Trong huyện có chàng họ Mục hơn bốn mươi tuổi đầu, vợ chết mà nghèo quá không có tiền cưới vợ kế, mới chịu phép cưới chị ta. Ba năm sau chị ta sinh con trai. Sau đó ít lâu Mục chết. Gia cảnh túng quẫ, phải ngửa tay xin mẹ đẻ cưu mang, song mẹ cũng không cán đáng được. Chị ta đành ở lại nhà chồng, trông vào nghề canh cửi, lần hồi sinh sống.
Mạnh sinh cũng goá vợ, đứa con trai Ô Đầu mới tròn tuổi tôi. Thiếu người bú mớm cho con, chàng phải gấp nhờ người mối lái cho mấy đám nhưng chưa vừa ý. Bắt gặp Kiều thị chàng ta ưng lắm, nhờ người đánh tiếng. Kiều thị từ chối:
- Tôi đói rét thế này, nương bóng quan nhân sẽ được ăn no, sao lại chẳng muốn. Song tôi tàn tật xấu xí chẳng được bằng người. Điều còn đáng tin ở tôi là chữ đức, thế mà lại để mắc tiếng thờ hai chồng, vậy còn đi bước nữa làm gì?
Mạnh phục là hiền đức, càng đem lòng mến mộ, nhờ mối đem tiền bạc, vải lụa đến nói lót với bà mẹ. Bà mẹ thân đến nơi chị ta ở, cố khuyên nhủ nhưng không lay chuyển nổi. Bà mẹ xấu hổ vì trót nhận lời, định đem con gái út thế cho Mạnh. Người trong gia đình đều vừa ý, song Mạnh nhất quyết không chịu.
Chẳng bao lâu, Mạnh bị bệnh nặng chết. Kiều thị đến viếng tang, kêu khóc hết sức thảm thiết. Mạnh không có người thân thích gì đáng kể nên bọn vô lại trong thôn thừa gió bẻ măng, tìm cách lừa bịp lấy hết mọi vật dụng trong nhà và còn mưu tính chia nhau chiếm đoạt cả điền sản. Gia nhân cũng thừa cơ bỏ trốn. Trong nhà chỉ còn một bà vú ẳm đứa con nhỏ của Mạnh đang khóc ngằn ngặt trong màn.
Nghe chuyện đó, Kiều thị rất bất bình. Biết Lâm sinh bạn thân với Mạnh, chị ta tìm đến tận nhà mà bảo:
- Tình vợ chồng, nghĩa bạn bè là nhân luân lớn của con người. Tôi xấu xí bị người đời coi rẻ, chỉ có Mạnh sinh là hiểu biết tôi. Trước đât tuy bề ngoài tôi từ chối song bên trong đã có ý bằng lòng. Nay chẳng may anh ấy thiệt phận, con còn trứng nước tôi tự thấy phải đền đáp ơn tri kỷ. Song việc nuôi dưỡng con côi cút cho anh ấy thì dễ, chống chọi lại sự cướp đoạt mới là khó. Anh không có cha mẹ anh em, nếu chỉ ngồi đó mà nhìn con bạn chết, nhà bạn tan mà không ra tay cứu giúp thì trong ngũ luân hóa không còn tình nghĩa bạn bè. Về phía tôi, tôi không góp sức được gì nhiều nhặn với anh, song đầu một lá đơn tố cáo với quan huyện, chăm sóc đứa con côi thì tôi không dám ngại khó.
Lâm hứa làm theo. Lúc ấy chị ta mới về. Lâm đang tìm cách giúp nhà bạn thì bọn vô lại biết, tức lắm, định thí cho một nhát dao. Lâm sợ quá đóng chặt cửa không dám đi nữa. Kiều thị đợi mấy ngày rồi mà chẳng có tin tức gì. Hỏi ra, điền sản nhà Mạnh đã bị cướp sạch trơn.
Kiều phẫn uất quá, bọc dao nhọn trong người, tức tốc lên quan. Quan vặn hỏi chị ta là người thế nào với Mạnh? Đáp:
- Ngài là quan tể một huyện. Cái căn cứ của ngài là có lý. Nếu như nói càn thì kẻ chí thân cũng không trốn được tội. Nếu không phải là nói càn thì tiếng nói của người qua đường cũng cần phải nghe.
Lời nói cương trực ấy đã làm quan nổi giận thét đuổi Kiều thị ra ngoài. Không còn đâu giãi bày nỗi oan phẫn, Kiều thị tìm đến cửa quan một thân sĩ. Ông Mỗ nghe chuyện ấy, cảm tấm nghĩa khí của người đàn bà, giúp đỡ đề bạt lên quan trên. Quan trên tra cứu quả điều tố cáo của chị ta là đúng, liền bắt bọn vo lại trừng trị nghiêm khắc, bắt phải haòn lại tài sản cho khổ chủ.
Có người bàn là Kiều nên chuyển sang ở hẳn nhà Mạnh để chăm sóc con côi, nhưng Kiều không chịu. Chị ta khóa chặt cửa nhà Mạnh, bảo bà vú ẵm thằng bé Ô Đầu cùng về nhà mình, để cho ở một căn riêng. Phàm những vật dụng cần thiết hàng ngày cho Ô Đầu, Kiều cùng bà vú đến nhà Mạnh mở cửa lấy để chi dùng dần. Còn mẹ con thì vẫn giữ phận nghèo, rau cháo hàng ngày như xưa, chứ không mảy may đụng đến con của Mạnh.
Khi Ô Đầu lớn, Kiều tìm thầy cho học, còn con đẻ của mình phải tập nghề nhiệp tay chân. Bà vú khuyên cho cả hai trẻ cùng học với nhau cho vui. Nàng đáp:
- Mọi phí tổn học hành là của cậu ta. Nếu tôi hao phí của người mà để cho con tôi học, sự tình ấy làm sao có thể coi là sáng tỏ được.
Mấy năm sau, Kiều đã để dành cho Ô Đầu được mấy trăm thùng thóc. Liền hỏi con gái nhà dòng dõi cho nó, tu sửa nhà cửa, thu xếp cho nó trở về nhà cũ. Ô Đầu khóc lóc xin mẹ Kiều cùng về ở chung. Nể tình Kiều cũng nghe theo song vẫn giữ nghề dệt vải như trước. Hai vợ chồng Ô Đầu đem giấu hết đồ nghè canh cửi đi. Nàng bảo:
- Mẹ con tôi chỉ ngồi ăn thì sao yên tâm được?
Rồi sớm chiều Kiều chăm sóc việc trong nhà, lại sai con tuần hành đồng ruộng nhà Ô Đầu như kẻ làm thuê vậy. Vợ chồng Ô Đầu có làm sai điều gì dù nhỏ bé, nàng khiển trách luôn không nương nhẹ. Nếu có chút nào không có ý sửa lỗi, nàng lập tức thu xếp đòi đi. Hai vợ chồng phải quì xuống ăn năn xin lỗi lúc ấy nàng mới nguôi.
Ít lâu sau, Ô Đầu vào học trường quận, Kiều đòi trở về nhà mình. Ô Đầu nhất định không nghe. Chàng ta lại góp tiền cưới vợ cho chàng con họ Mục. Kiều cho con đẻ về ở nhà riêng cũ. Ô Đầu lưu thế nào cũng không được mới ngầm mua một trăm mẫu đất thôn để cho Mục làm phương tiện sinh sống.
Sau khi Kiều ốm lại đòi trở về nhà mình. Ô Đầu nhất định không nghe. Bệnh nguy kịch, bà trăng trối: thế nào cũng phải đưa về chôn nơi cũ. Ô Đầu nhận lời. Song đến khi bà mất, Ô Đầu đem vàng nói lót với con Mục, xin cho hợp táng với ông Mạnh. Đến khi đưa đám, cỗ quan tài tự nhiên quá nặng, ba chục người khiêng không nổi. Còn con Mục tự nhiên ngã lăn đùng ra đất, máu mũi hộc ra, tự miệng thốt lên:
- Đứa con bất hiếu! Sao được bán mẹ mày như thế.
Ô Đầu sợ quá, lễ lạy cầu khấn mãi hắn ta mới khỏi. Việc tống tánh phải đình lại mấy ngày để kịp sửa sang lại phần mộ ông Mục rồi hợp táng bà vào đó.
LỚI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Cảm ơn tri kỷ mà đem hi sinh thân mình đền đáp, đó là việc làm của trang nam nhi nghĩa liệt. Người đàn bà kia hỏi có hiểu biết gì nhiều lắm mà lại hành động cao cả lạ lùng đến thế? Nếu Phương Cửu Bình (1) còn sống mà gặp Kiều nữ ắt hẳn đánh giá ngay chị ta là “ngựa cự quý”
Truyện này ý nói: Phải coi trọng cái tinh thần bên trong và không nên chú ý đến những hình thức bên ngoài.
(1) Tức Cửu Phương Cao- một người xem tướng ngựa cực giỏi thời xuân thu- được Tần Mục Công sai đi tìm ngựa quý. Tìm được ngựa như ý ông ta về báo đó là ngựa cái màu vàng. Đến khi người khác đi lấy về thì đó là một con ngựa đực màu đen song rất cực tốt.