ÂM MƯU
Tác giả: Bradley S. O'Leary & Edward Lee
“{Tổng thống Johnson} cho hay rằng
ông nghĩ âm mưu này có tính quốc tế…”
- WALTER CRONKITE(287) [(Tuyên bố của Cronkite với Associated Press năm 1992; Cronkite đang kể lại những gì Lyndon Johnson nói với ông ta trong cuộc phỏng vấn năm 1970 với hãng CBS, tuy rằng những ý kiến tham khảo đó phải được cắt khỏi nội dung được phát sóng; như tường thuật trong Benson.)]
Âm mưu .
Một từ nghe dữ dội và sặc mùi hội kín chính trị. Một từ sôi sục với sự bí ẩn và mờ ám. Một cách biểu trưng, nó được định nghĩa như một thoả thuận cùng nhau tiến hành một công việc phi pháp, xấu xa và phản trắc. Một sự kết hợp hoặc cùng nhau hành động, cứ như bởi những mưu đồ xấu xa.
Những mưu đồ xấu xa? Theo định nghĩa của đa số người, một nổ lực có tính toán trước bởi nhiều thành phần nhằm ám sát một nguyên thủ quốc gia có thể thích hợp với từ này. Thí dụ, ít có ai phản đối chuyện tội ác có tổ chức là một thực thể bao trùm của “cái xấu”. Kiếm lợi nhuận từ nỗi tuyệt vọng của người khác? Từ việc nghiện ma túy? Nghiện cờ bạc? Sách báo phim ảnh khiêu dâm và bán dâm nữ – và cả nam nữa – để thoả mãn những cơn nghiện của họ?
Chắc chắn rồi. Nếu trên đời này từng có một “mưu đồ xấu xa”, thì chính là đây. Nhưng ý định của chúng tôi không phải là thảo luận về những khái niệm đạo đức đó. Chúng ta đang bàn về một điều gì cụ thể hơn.
Công việc làm ăn.
Những giả thuyết phổ biến về vụ JFK có nói tới lợi nhuận kinh doanh – và nhất là thiệt hại lợi nhuận – như một động cơ sát hại Kennedy. Đó là một suy đoán rất thuyết phục: Kennedy bị giết do một âm mưu giữa CIA, thế giới ngầm và tập đoàn quân sự – công nghiệp, vì với ba thế lực này, việc Kennedy nắm quyền đã đe doạ quyền lợi kinh doanh của họ. Kennedy đe doạ CIA vì ông đã sa thải giám đốc CIA Allen Dulles và giám đốc kế hoạch Richard Bissell (người tham gia điều hành chiến dịch Vịnh Con Heo) cũng như nhiều nhân vật thế lực khác có quan hệ với CIA(288) [(Gorden, The Killing of a President.)]. (Và không kỳ lạ sao khi Dulles sau đó được bổ nhiệm vào Uỷ ban Warren?)
Nhưng các tác giả của sách này thấy khó mà tin được rằng có bất kỳ nhóm người nào của CIA – tổ chức có nhiệm vụ phục vụ tổng thống – lại thông đồng với nhau ở một mức nào đó để giết ông ta. Một “phần tử bất hảo”? một nhóm những nhân viên bất mãn toa rập với nhau? Có thể lắm. Những ý tưởng cho rằng những thành viên quan trọng của CIA cấu kết nhau để giết Kennedy thì không thuyết phục. Nếu có tổng thống nào đã khiến CIA trông như một tổ chức ô hợp của những thằng ngốc thì đó không phải Kennedy, mà đó là Johnson, người có sự tin cậy quá đáng vào tổ chức này đã góp phần dẫn đến những thất bại quân sự tồi tệ nhất và mức thương vong cao nhất cho quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nếu CIA là những bậc thầy về hoạt động bí mật trong cuộc chiến đó, thì cũng hợp lý khi vạch rõ rằng họ đã không làm tốt công việc của mình lắm. Cho dù các nhà nghiên cứu JFK có cần cù mở rộng các mối liên hệ và các động cơ có thể có thì CIA cũng không dính vào đó. Họ là những người yêu nước mạnh mẽ phục vụ cho quốc gia và tổng thống. Ít có bằng chứng nào gợi lên một điều ngược lại.
Chúng tôi cũng nghĩ như thế đối với cái được gọi là “tập đoàn công nghiệp – quân sự”. Chúng ta có nên tin rằng quân đội âm mưu giết JFK vì họ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh Việt Nam không? Chúng tôi đã dẫn những hồ sơ cụ thể chống lại giả thuyết cho rằng JFK định rút lui khỏi cuộc chiến. Hay một nhóm quân nhân sẽ giết Kennedy để ngăn không cho những doanh nhân nào đó làm giàu nhờ những hợp đồng cung cấp quân dụng? Yù nghĩ này nghe vô lý khi bạn xét nó một cách khách quan. Các nền kinh tế dựa trên chiến tranh thường suy thoái dần; chúng là những lỗ rò làm thất thoát tiền đóng thuế của người dân và tăng thêm lạm phát và bất ổn xã hội. Suốt trong lịch sử, các nền kinh tế tiệm thoái đã dẫn đến cách mạng. Nước Mỹ chẳng thu được lợi lộc gì trong chiến tranh Việt Nam, mà chỉ tiêu phí ngày càng nhiều tiền thuế. Chắc chắn CIA và quân đội biết điều này, và lợi lộc duy nhât mà hai lực lượng này kiếm được là đảm bảo rằng cuộc chiến được chấm dứt càng nhanh càng tốt, nhưng hơn chục năm nay chúng ta cứ bị nhồi nhét ý tưởng rằng các lực lượng đó muốn tiếp tục một cuộc chiến vốn chỉ có thể dẫn đến – và thực sự đã dẫn đến – sự bất mãn của quần chúng, sự phẫn nộ và nổi loạn trên qui mô cả nước.
Nên với hai lực lượng này, nỗ lực muốn tiếp tục cuộc chiến tại Việt Nam quả là một mâu thuẫn của lý luận.
Tuy nhiên, bọn băng đảng Mỹ lại là chuyện khác. Chúng ta đã nghe rằng Mafia Mỹ giết Kennedy vì ông ta thất bại trong vụ Vịnh Con Heo, làm thiệt hại nhiều lợi nhuận từ cờ bạc của chúng. Chúng ta đã nghe Mafia Mỹ giết Kennedy để trả thù việc Robert Kennedy dùng Bộ Tư pháp để quấy rối chúng. Nhưng sự thực, việc Robert tấn công tội phạm chẳng đem lại được bao nhiêu án tù cho các đầu lĩnh Mafia. Chắc chắn, Mafia Mỹ ghét anh em Kennedy và chẳng thích trông thấy họ trên đời này. Họ xem anh em nhà Kennedy là những kẽ phản bội cùng cực, vì cha của họ – Joseph Kennedy – cũng từng là dân giang hồ, xây dựng sản nghiệp gia đình nhờ buôn rượu lậu. Và cũng quã là Mafia đã giúp JFK được đắc cử năm 1960 bằng cách can thiệp vào việc kiểm phiếu muộn ở Illinois. Nhưng một mình điều đó thì cũng chưa thành một lý do đủ mạnh để họ tiến hành một vụ ám sát rủi ro và phức tạp nhất trong lịch sử. Qua những yếu tố này, ta thấy khi mạo hiểm như vậy thì họ có nguy cơ là bị mất rất nhiều.
Anh em Kennedy là một con ruồi trâu đối với Mafia, một chuyện quấy rầy như bọn muỗi vo ve trong buổi picnic. Và còn thêm yếu tố nào tạo ra động cơ không? Chắc chắn là có rồi.
Nhưng chúng ta đồng ý rằng Mafia Mỹ có một lý do nặng ký hơn để góp phần trong âm mưu giết Kennedy.
Bạch phiến.
Hơn bất kỳ lý do nào liên quan đến Mafia, hơn bất kỳ lý do gì khiến Mafia muốn JFK chết, John Kennedy đã đe doạ mạnh mẽ con bò sữa lớn nhất của Mafia: sự an toàn cho việc buôn bán bạch phiến trị giá hàng tỉ tỉ đô la mỗi năm. Từ thập niên 1930, chuyện làm ăn với lợi nhuận phi mã nhất của Mafia là bạch phiến. Mỗi năm lợi nhuận lại càng tăng, theo đà tăng của số con nghiện tuyệt vọng sẵn sàng làm bất cứ gì để mua được món hàng đó. Và những lợi nhuận ấy đã khiến chuyện làm ăn ở Thị trường chứng khoán New York chỉ là trò vớ vẩn. Đến cuối thập niên 1950, việc phân phối bạch phiến là nguồn lợi lớn nhất của Mafia, và cũng là nguồn cội lớn nhất tạo ra quyền lực của thế giới ngầm. Cờ bạc, môi giới bán dâm, bảo kê ư? Tất cả những trò làm ăn luôn thắng lợi trước đây của Mafia này đã phải lui xuống hàng thứ yếu so với doanh số bạch phiến.
Trong hai chương trước, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian để định ra một số điểm quan trọng không trực tiếp liên quan đến giả thuyết của chúng tôi, và bàn về những điều tổng quát quanh JFK vốn đã trở nên chi tiết hơn nhờ có thông tin mới và những hồ sơ được công bố gần đây. Nhưng bây giờ ta hãy trở về với cốt lõi vấn đề…
Về trình tự thời gian, âm mưu giết Kennedy hẳn là có trước âm mưu của Kennedy nhằm lật đổ Ngô Đình Diệm ở Nam Việt Nam, và chúng ta thấy mầm mống của âm mưu này đã được gieo trồng cẩn thận bởi một loạt những chính khách hàng đầu trong chính phủ Kennedy. Với những độc giả vẫn chưa tin rằng chính phủ Mỹ hậu thuẫn việc lật đổ một quốc gia đồng minh, thì sau đây là một vài minh chứng đã được ghi thành hồ sơ:
“Trong giai đoạn từ tháng 8 đến ngày 1 tháng 11, chính phủ Mỹ đã phê chuẩn và khuyến khích âm mưu lật đổ chính quyền Nam Việt Nam. Nước Mỹ, qua một loạt những hành động công khai, đã cự tuyệt chế độ Diệm và, thông qua việc ngưng viện trợ, đã khuyến khích các lãnh tụ phe đảo chính hành động chống lại chính phủ này. Chính phủ Mỹ duy trì liên lạc mật với các tướng lĩnh suốt từ lúc lên kế hoạch đến khi tiến hành và tìm cách cố vấn cho họ về những phương án khác nhau. Ngay sau cuộc đảo chính, Mỹ cố vấn cho các tướng lĩnh về việc xây dựng một chính phủ mới và dành cho nó sự công nhận tức thời”(289) [(Thượng nghị sĩ J. W. Fullbright, Chủ tịch Tiểu ban đối ngoại, viết trong lời nói đầu cho “U. S. Invilvement in the Overthrow of Diem, 1963” được biên soạn bởi ban đối ngoại Thượng viện, 20.7.1972.)].
Đoạn văn đó là của Thượng nghi sĩ J.W.Fulbright, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện.
Và đây là một tài liệu khác:
“Về cuộc đảo chính quân sự lật đổ Ngô Đình Diệm, Mỹ phải chịu hết phần trách nhiệm của mình. Bắt đầu từ tháng 8.1963 chúng ta đã cho phép, phê duyệt và khuyến khích những âm mưu đảo chính của các tướng lĩnh Việt Nam và chỉ thị ủng hộ trọn vẹn cho chính phủ kế nhiệm. Tháng 10, chúng ta đã cắt viện trợ cho Diệm bằng một từ chối thẳng thừng, bật đèn xanh cho các tướng lĩnh. Chúng ta đã duy trì liên lạc mật với họ suốt từ lúc lập kế hoạch đến lúc tiến hành đảo chính và tìm cách xem xét lại các kế hoạch hành động của họ và đề nghi về thành phần chính phủ mới. Như thế, khi chín năm cầm quyền của Diệm đi đến một kết thúc đẫm máu, sự thông đồng của chúng ta trong cuộc lật đổ này đã làm tăng thêm phần trách nhiệm và sự dính líu của chúng ta với một Việt Nam không người lãnh đạo”(290) [(The Pentagon Paper, tập II (Boston; Beacon Press, 1972)]
Đoạn này là của Thượng nghi sĩ Mike Gravel, bình luận về một công trình nghiên cứu về chính sách ngoại giao Mỹ. Không nhằm nhấn mạnh luận điểm quá mức, nhưng ngày 24.11.1998, lại thêm minh chứng nữa về sự thông đồng của JFK đã được đem ra ánh sáng khi 37 cuộn băng ghi âm của tổng thống được giải mật và công bố, và trong một cuộn băng trong số ấy, chính Kennedy đã nói “Chúng ta phải chịu rất nhiều trách nhiệm cho vụ này {vụ đảo chính}”(291) [(Dodds, Paisley, “37 JFK Tapes Made Public” (Associated Press, 25.11.1998)]. Đó là chính miệng Kennedy nói, thừa nhận trách nhiệm của Mỹ.
JFK còn nói gì nữa trong những cuộn băng ghi âm các buổi họp nội các ấy? Sau đây là một vài mẫu thông tin:
Ngày 29.10.1963 từ 4 giờ 25 đến 5 giờ 15 chiều, giám đốc phân cục CIA William Colby giải thích cho JFK rằng con số các lực lượng chống Diệm và thân Diệm thì tương đương nhau (mỗi bên khoảng 10.000 người). Robert Kennedy phản ứng trước thông tin này với sự nản lòng và nói “Diệm có đủ lực lượng để bảo vệ chính mình…”. Và Colby đồng ý. Nên điều chúng ta thu được ở đây thì không chỉ là chuyện một đầu não CIA khuyến cáo JFK hoãn cuộc đảo chính lại, mà cả em trai của JFK cũng có ý kiến như vậy. Và sau lần góp ý này, Tổng thống Kennedy đã trả lời ra sao?
Ông ta nói thế này: “Tôi chắc rằng cuộc đảo chính nào cũng có kiểu như vậy. Nó luôn luôn có vẻ cân bằng, cho đến khi có ai đó hành động”.
Thật khó mà tưởng tượng ra một câu trả lời vô trách nhiệm hơn của một tổng thống trước các ý kiến cố vấn. Sau đó, cũng trong phòng họp nội các, Robert Kennedy lại tiếp tục cố gắng và thuyết phục JFK huỷ bỏ hoặc tạm hoãn cuộc đảo chính ấy lại. “Tôi thấy chuyện này không có lý chút nào, nói thẳng là thế. Chúng ta đang đặt toàn bộ tương lai của đất nước đó – và cả Đông Nam Á nữa – vào bàn tay của một ai đó mà ta chưa hiểu rõ lắm {Dương Văn Minh}… Nếu vụ này thất bại, tôi nghĩ Diệm sẽ yêu cầu chúng ta rút khỏi đất nước của ông ta ngay… Ông ta sẽ có đủ, với guồng máy tình báo của mình, để biết rằng đã có những tiếp xúc này và những cuộc trao đổi này {giữa nhân viên CIA Lucien Conein và các tướng thuộc phe đảo chính} và ông ta sẽ bắt bớ nhiều người. Họ sẽ nói rằng Mỹ đứng sau vụ này. Tôi nghĩ mình sắp rơi tuột vào một thảm hoạ”.
Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk và tướng Maxwell Taylor cũng đồng ý. Nhưng sau khi được đại sứ Cabot Lodge bảo đảm rằng cuộc đảo chính có cơ may thành công rất lớn, JFK quyết định tiến tới đồng ý cuộc đảo chính. {Tất cả những thông tin trên, và nhiều hơn nữa, liên quan đến những băng ghi âm của Nhà Trắng mới được công bố đều có thể tìm thấy trong bài báo “The Tale of the Tapes: JFK and the Fall of Diem; Three Weeks Before His Own Assassination, President Kennedy Launched a Coverup in the Assassination of the President of South Vietnam”, của Ken Hughes trên tờ The Boston Globe, ngày 24.10.1999}
Được rồi, vậy ta hãy đi tiếp, dĩ nhiên mục tiêu chủ yếu của Kennedy trong vụ đảo chính này là anh em Diệm và Nhu – hai người có những hoạt động chống tín đồ Phật giáo một cách gay gắt đã đe doạ uy tín của JFK ở quốc nội cũng như quốc tế. Nhưng nếu có gì thì toàn gia đình Diệm có thể so sánh với một con bạch tuộc mà một cái vòi nhỏ nhất của nó cũng có thể làm hỏng hết kế hoạch.
Một trong những cái vòi đó là người em dâu của Diệm, thường được gọi là bà Nhu, theo ngôn ngữ bình dân thì gọi là “Bà Rồng cái” (Dragon Lady) và “Đệ nhất phu nhân Việt Nam”. Người phụ nữ này ăn nói phóng túng và gây nhiều tranh cãi đến độ các phóng viên thường nhầm lẫn nghĩ bà là vợ Ngô Đình Diệm, trong khi thực ra bà là vợ của Ngô Đình Nhu, em trai và cố vấn của Diệm, đồng thời là chỉ huy lực lượng phòng vệ dân sự {Thanh niên cộng hoà}, cảnh sát mật, và các mạng lưới tình báo và phản gián của Nam Việt Nam.
Tên hồi con gái của bà Nhu là Trần Lệ Xuân; bà sinh ra trong một gia đình Phật giáo giàu có nhờ cộng tác với Pháp. Cha của bà, Trần Văn Chương, là một luật sư uy tín; mẹ của bà có dòng dõi hoàng tộc – một kiểu gia đình Kennedy ở châu Á. Tất cả những điều tốt đẹp của cuộc đời đều dư thừa cho bà Nhu ngay từ khi lọt lòng, và cũng như mẹ, bà bước vào đời trong cảnh đài các trong khi cả nước còn quằn quại trong nghèo đói và sự áp bức của Pháp. Được biết tới vì nhan sắc hơn là trí thông minh, Lệ Xuân chưa bao giờ học giỏi và sau cùng bị đánh rớt khỏi một trường trung học tư thục có học phí rất cao, thậm chí chưa từng học viết tiếng Việt, nhưng bà lại trở thành phần thưởng cho cả gia đình khi được cưới gả vào nơi giàu có và quyền thế. Sự thực, chính mẹ của Lệ Xuân, bà Chương, có lẽ đã đưa nỗ lực này đến những cực điểm đáng ngạc nhiên. Người ta đồn bà có nhiều quan hệ lăng nhăng với những đàn ông trẻ – tức là tầng lớp ưu tú của giới quí tộc. Phải chăng bà ta săn tìm chàng rể tương lai cho con gái mình? Có thể như vậy lắm vì một trong nhiều tình nhân qua đường của bà sẽ cưới con gái bà, một tay trí thức tây học con nhà giàu. Tên ông ta là Ngô Đình Nhu.
Năm 1943, Lệ Xuân cải theo đạo Thiên chúa và kết hôn với Nhu trong một đám cưới linh đình. Bây giờ Lệ Xuân chính thức trở thành bà Nhu. Bà mau chóng đẻ cho Nhu bốn đứa con trong khi vợ chồng bà đứng ngoài cuộc chiến Pháp – Việt Minh, sống trong cảnh xa hoa, kẻ hầu người hạ, tại biệt thự của gia đình họ Ngô ở Đà Lạt. Nhưng năm 1955, họ chuyển ngay về dinh Tổng thống khi Diệm trở thành nguyên thủ quốc gia qua cuộc bầu cử do CIA sắp đặt. Nhu lập tức đứng bên anh trai mình, giúp ông ta tạo hình một quốc gia mới qua việc áp bức dân Phật giáo, sử dụng viện trợ Mỹ sai mục đích, và sau cùng biến thị trường thuốc phiện địa phương thành một cỗ máy lợi nhuận khổng lồ khi bắt được mối làm ăn với tập đoàn bạch phiến Marseille.
Nhưng bà Nhu, với bản tính năng động, không chịu ngồi yên và ăn kẹo trong dinh Tổng thống trong khi Diệm và chồng mình đang điều hành một quốc gia. Nên bà ta quyết định tạo dựng chỗ đứng cho mình. Một mặt, bà thành lập lực lượng thanh nữ cộng hoà; mặt khác bà dựng đài tưởng niệm Hai Bà Trưng. Nhưng bức tượng lại có nét mặt tương tự bà Nhu. Thỉnh thoảng để phô trương thanh thế bà lại phát động những phong trào bảo vệ đạo đức kiểu Thiên chúa giáo như cấm mở những viện thẩm mỹ, đóng cửa các quán rượu (tuy chính bà cũng là tay uống rượu giỏi và tự hào về sắc đẹp của mình). Bà ủng hộ những cuộc trưng cầu dân ý để chống phá thai, ngừa thai, ngoại tình và li dị.Dân chúng Việt Nam quen phản ứng dữ dội trước những trò này của bà,vì chính anh bà, Trần Văn Khiêm, cũng là tay ăn chơi nổi tiếng Sài Gòn, cặp với các cô gái, hoang phí tiền bạc trong các sòng bài, và sử dụng thế lực gia đình để bắt các chủ tiệm lớn ở ở Sài Gòn nộp tiền bảo kê. Sự thực, bà Nhu được gán cho biệt danh bà Rồng cái, nhưng cũng là Bà hoàng nước đôi.
Nên nhớ, chính người phụ nữ này đã gọi việc tự thiêu của tu sĩ Phật giáo là “nướng thịt” và gọi những cuộc phản đối của họ với chính phủ Diệm là hành động của đám dân bị “nhiễm độc” vì chủ nghĩa cộng sản, cũng người phụ nữ này đã phát biểu “Cứ để họ tự thiêu và chúng ta sẽ vỗ tay”.
Một người ngoại hạng, phải không?
Nhưng hơn bất cứ người khác, bà Nhu – vì nhất quyết can dự vào chuyện chính trị – đã xem đóng góp lớn nhất của bà ta cho đất nước là liên tục lên án chính phủ Mỹ, kẻ đã giúp chính phủ của bà ta chống lại Việt Cộng bằng tiền bạc, vật dụng và con người(292) [(Tóm lược cuộc đời, hôn nhân và hoạt động của bà Nhu được mô tả chi tiết rất tốt trong Vietnam: A History của Karnow.)].
Nên cũng không ngạc nhiên chuyện bà ta bị đánh rớt ở trường trung học.
Thực vậy, bà Nhu đã tiến hành một chiến dịch bôi bác nước Mỹ ngay từ ngày bà bước vào dinh Tổng thống. Nhưng chủ yếu, nhưng phê phán gay gắt của bà đối với Mỹ chẳng bao giờ vượt quá những tờ báo của chính quyền Nam Việt Nam.
Cho đến khi xảy ra sự đàn áp Phật giáo.
Mùa hè 1963, khi các tu sĩ Phật giáo bắt đầu tự thiêu để phản đối chế độ Diệm, sự phẫn nộ chung đã đánh động tới báo chí quốc tế, và cùng với nó là những tuyên bố bài Mỹ rất cay đắng của bà Nhu.
Đột nhiên Kennedy và Bộ ngoại giao của ông ta nhận ra bà Nhu cũng tai hại cho viễn tưởng tái đắc cử năm 1964 của Kennedy không kém gì Nhu và Diệm. Trong khi đó, để làm tình hình tồi tệ hơn, bà Nhu lại xin thông hành sang Mỹ để tiến hành một vòng diễn thuyết qua nhiều thành phố. Chuyện này cứ như trái bơm với Văn phòng bầu dục của Kennedy. Ban đầu chiến thuật là từ chối cấp chiếu khán... nhưng cái giá cao phải trả cho chuyện đó là những phê phán gay gắt hơn của bà Nhu trước các hãng tin quốc tế hoạt động tại Sài Gòn. Việc này lại càng gây khó cho Kennedy hơn nữa.
Rồi có ai đó nảy ra một ý nghĩa.
Vào tháng 6, nếu không nói là sớm hơn, Nhà trắng bắt đầu nghiêm túc xem xét về khả năng đảo chính Diệm, bắt nguồn từ thông tin về cuộc gặp gỡ giữa cố vấn Michael Forrestal trong Hội đồng an ninh quốc gia với Đại sứ Nam Việt Nam tại Mỹ, Trần Văn Chương (chính là bố của bà Nhu). Chương nói với Forrestal vào mùa xuân 1963 rằng chế độ áp bức của Diệm không thể thắng được cuộc chiến và đệ nghị rằng giải pháp duy nhất là dùng vũ trang lật đổ Diệm(293) [(FRUS, Vol. III)]. Điều này rõ ràng đã khiến Kennedy phải suy nghĩ, và sau đó, Nhà trắng bắt đầu lên kế hoạch với các tướng lĩnh chống Diệm nhằm đạt mục đích đó. Nhưng bà Nhu là một trở ngại hiển nhiên cho kế hoạch. Là kẻ lắm mồm nhất trong nhóm ba người nhà Diệm, cái chết của bà ta trong cuộc đảo chính có thể gây nghi ngờ cho những người chống đối Kennedy, nhất là những kẻ biết rõ ông ta có dính líu đến các âm mưu ámsát Castro sau vụ Vịnh Con Heo(294) [(Tài liệu của Hội đồng an ninh quốc gia (qua Ủy ban Rockefeller); Số lưu trữ 1781000210406; Hồ sơ CIA: ASSASSINATION MATERIAL MISC. ROCK/CIA.)]. Nhưng ở đâu đó trên đường dây, một bóng đèn tắt phụt và vấn đề được giải quyết.
Kennedy, Lodge, McNamara, các ông Bundy và những người còn lại của Bộ ngoại giao, đến cuối mùa hè 1963, đã biết rằng các tướng lĩnh Nam Việt Nam sắp tiến hành một cuộc đảo chính. Nhà trắng biết điều đó vì Nhà trắng tiếp tay khởi động chuyện này và phát tín hiệu đồng ý cho các tướng lĩnh. Nhưng một điều mà Nhà trắng không biết, đó là cuộc đảo chính sẽ nổ ra chính xác là vào ngày giờ nào. Lúc đó Kennedy và Bộ ngoại giao chỉ biết rằng nó sẽ xảy ra khoảng mùa thu 1963.
Phải chăng là sự tình cờ ngẫu nhiên khi chính phủ Mỹ, trước đó đã từ chối không cho bà Nhu nhập cảnh, đột nhiên lại cấp chiếu khán cho bà ta vào mùa thu 1963?
Ngày 7.10.1963 bà Nhu nổi tiếng bài Mỹ được nhập cảnh vào Mỹ và bắt đầu chuyến diễn thuyết ồn ào và gay gắt của mình, qua nhiều trường đại học lớn như georgetown, Princeton, Howard,... để vận động sự ủng hộ của ông chồng và ông Diệm (và tiếp tục chỉ trích chính phủ Kennedy); ngoài ra bà còn trả lời mấy cuộc phỏng vấn truyền thanh và thậm chí còn xuất hiện trong những chương trình truyền hình như Meet The Press, The Today Show, và chương trình của David Susskind. Nhà trắng biết rằng họ phải chịu đựng cảnh này một thời gian, nhưng họ biết rằng một khi cuộc đảo chính xảy ra, mọi chuyện bà Nhu nói sẽ hoàn toàn biến mất khỏi trang nhất các báo.
Chuyện xảy ra đúng như vậy.
Khi Diệm và Nhu chết trong cuộc đảo chính, bà Nhu làm rùm beng với báo chí Mỹ...nhưng lúc đó chẳng còn ai quan tâm nữa. Những lời đe doạ và khích bác của bà Rồng cái đối với Mỹ bị báo chí làm ngơ khi họ tập trung chú ý vào vụ đảo chính. Ít lâu sau, bà ta bị trục xuất khỏi Mỹ, để lại nhiều hoá đơn khổng lồ chưa thanh toán tại khách sạn Beverly Wilshire. Bà ta qua Paris, rồi sang Rome để sống với các con ở đó, và suốt từ đó, bà ta im lặng một cách kỳ lạ về cái chết của chồng và anh chồng, chỉ sống ẩn dật trong một biệt thự tối tăm mà người ta đồn là thuộc sở hữu của giáo hiệu Thiên chúa giáo.
Nhưng hồi 1963, nỗi e sợ của Kennedy đối với cái miệng tai hại của của bà Nhu đã được thu xếp ổn. Sau vụ đảo chính, bà ta không thốt ra một lời phản đối nào nữa.
Vậy là, Phần I của kế hoạch rất thành công, nhưng còn những phần khác cần thu xếp nốt, và một trong những phần đó là cha bà Nhu, ông Trần Văn Chương, Đại sứ Nam Việt Nam tại Mỹ. Kennedy rất cần sự ủng hộ của Chương cho cuộc đảo chính này (một điều Chương đã gợi ý hồi mùa xuân với cố vấn Michael Forrestal của Hội đồng an ninh quốc gia trong một cuộc họp được bảo mật). Không có bằng chứng tuyệt đối nhưng có thể nói rằng có rất nhiều lời đồn cho rằng Tổng thống Kennedy đã đích thân gặp Đại sứ Chương vào tháng 8 và yêu cầu ông ta từ nhiệm chức đại sứ, vì lợi ích quốc gia.
Đó là tin đồn.
Nhưng khônh kì lạ sao khi Đại sứ Chương đã từ chức ít lâu sau lần gặp mặt mà người ta đồn đại đó? Và kế đó, Chương cũng đi một vòng diễn thuyết, phản bác lại những phê phán của con gái mình đối với nước Mỹ.
Có vẻ hơi như...hơi kỳ quặc, phải không? Nhưng đó chính là chuyện đã xảy ra.
(Chuyện có lẽ còn kỳ lạ hơn là chuyện hai thập niên sau, Chương và vợ bị ám sát tại nhà riêng cua họ tại Washington DC,và kẻ sát nhân bị kết án là con trai của họ, em bà Nhu – Trần Văn Khiêm. Khiêm không hề bị chính thức xử hay kết án mà chỉ bị an trí vào bệnh viện tâm thần St. Elizabeth. Tuy nhiên,ông ta cứ nhất định mình vô tội, và tuyên bố rằng bố mẹ ông ta bị giết bởi vì họ biết được về “vụ ám sát Kennedy”(295) [(Howard, Alison, “Suspect in 2 Deaths Risist Drugs”, The Washington Post, 6.12.1991)]).
Hãy trở lại với năm 1963, hai trở ngại đối với kế hoạch lật đổ Diệm của Nhà trắng đã được giải quyết. Nhưng vẫn còn nhiều nữa, và trở ngại lớn là người anh trai lớn nhất và ảnh hưởng nhất của Diệm, Tổng giám mục Ngô Đình Thục, đại diện Vatican tại Nam Việt Nam.
Gọi ông Thục là người cấp tiến thì còn hơi nhẹ (cuối đời, ông ta bị Giáo hội Thiên chúa giáo cắt phép thông công không phải một mà tới hai lần, vì những hoạt động dị giáo(296) [(Associated Press, “Pope to Have Frist Meeting with Vietnamese Catholics”, 14.8.1993)], và gọi ông là kẻ tham nhũng thì hơi lịch sự (Thục bóp nặn tiền viện trợ quân sự Mỹ từ các tỉnh trưởng(297) [(FRUS, IV)].
Thục cũng là một khối cồng kệnh cản trở kế hoạch của Nhà trắng. Chuyện các bạo chúa chính trị bị giết trong lúc xảy ra đảo chính là một lẽ, nhưng Tổng giám mục Thục là nền tảng gia tộc của nhà họ Ngô, và ông cũng bị những kẻ chống đối thân Phật giáo thù ghét. Nói chính xác hơn, nếu Thục còn có mặt ở Nam Việt Nam khi đảo chính xảy ra, Kennedy sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi người ta khám phá rằng chính phủ của ông đã hỗ trợ cuộc đảo chính bằng tin tình báo, tiền bạc và vũ khí. Điều này sẽ gắn Kennedy – một Thiên chúa giáo – với một hành động chính trị đem lại cái chết cho một Tổng giám mục Thiên chúa giáo, một chuyện sẽ khó được dân Mỹ thiên chúa giáo chấp nhận.
Nên cũng không khó tưởng tưởng ra những gì Kennedy đã thảo luận với Giáo hoàng trong chuyến viếng thăm Vitican bất ngờ của ông vào đầu tháng 7. Đột nhiên người ta quyết định triệu tập Ngô Đình Thục đến Rome để dự một hội nghị giám mục trong quãng thời gian dự định nỗ ra cuộc đảo chính.
Thêm một vấn đề được giải quyết. Nói cách khác, Thục là một trở ngại cho kế hoạch lật đổ Diệm và Nhu, và vậy đó, tự nhiên trở ngại đó được dọn sạch. Tình cờ ngẫu nhiên chăng?
Dịêm có em trai thứ tư – một người em vô hại – đi xa giữ vị trí một sứ thần ngoại giao ở Anh. Kennedy không cần phải ưu tư về ông ta, và chúng tôi đã nói tới chuyện gì đã xảy ra với người em thứ năm, Cẩn, đại diện của chính phủ tại Trung phần: sau khi đảo chính nổ ra, Cẩn bị quân của Dương Văn Minh giết chết sau khi ông ta đã được Lodge hứa hẹn bảo vệ.
Trên đây, chúng tôi đã lược qua bằng chứng không thể phủ nhận về một âm mưu từ phía Nhà trắng của Kennedy nhằm lật đổ chính phủ Nam Việt Nam, hệ quả của nó là cái chết của tổng thống Diệm.
Chúng tôi ghi nhận rằng, hơn bất cứ gì khác, đây là mảnh đất màu mỡ trên đó âm mưu ngược lại đã được gieo hạt, đó là âm mưu đã dẫn đến cái chết của tổng thống Kennedy.