NGUỒN GỐC CỦA HỖN LOẠN
Tác giả: Bradley S. O'Leary & Edward Lee
“Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Tạo hoá ban cho họ một số quyền bất khả nhượng”
- HỒ CHÍ MINH, 1945
Thực sự là có nhiều cuộc chiến tranh Việt Nam, và nếu từng có một nền văn minh nào đã sớm nếm trải xung đột bạo lực, thì đó là văn minh Việt Nam. Chiến tranh là một phần của cuộc sống cứ như việc sinh ra và chết đi vậy. Xuất xứ của người Việt có lẽ là ở gần Đồng bằng Sông Hồng, ngày nay gọi là miền bắc của quốc gia này, cách đây khoảng ba ngàn năm. Sự cố kết của nền văn hoá nguyên thuỷ của họ, theo nhiều nhà nhân chủng học, có thể nhận dạng được qua nghệ thuật sơ khai, tục xâm mình, và thói quen ăn trầu (một chất kích thích như cà phê), đến nay vẫn còn và để lại những vết ố trên răng. Tự điển Encyclopedia Britanica nêu rõ:
“Mặc dù văn minh Trung Quốc về sau trở thành một ảnh hưởng chính, nhưng việc người Trung Quốc đã không đồng hoá được người Việt Nam đã cho thấy những yếu tố mạnh mẽ của văn hoá bản địa xác thực đã xuất hiện ở thung lũng Sông Hồng từ rất lâu trước khi Trung Quốc thiết lập nền đô hộ một ngàn năm của họ ở Việt Nam”.
Thật vậy, chính Trung Quốc đã tiến hành những cuộc chiến tranh đầu tiên xâm lăng Việt Nam; Trung Quốc rất quan tâm đến đất đai màu mỡ của đồng bằng Sông Hồng và việc sử dụng nó như một thương cảng. Lúc ấy người Trung Quốc đã dại dột tìm cách nô lệ hoá người Việt Nam vì những mụch đích riêng của họ đồng thời tìm cách thay thế văn hoá và tín ngưỡng Việt Nam bằng văn hoá và tín ngưỡng riêng của họ. Nỗ lực này không thành, và vào năm 40 sau công nguyên, hai chị em người Việt – Trưng Trắc và Trưng Nhị – đã khởi binh đánh tan các đạo quân Trung Quốc chiếm đóng và giành độc lập trọn vẹn cho Việt Nam trong ba năm. Đó không phải là một thành tích tồi đối với một nền văn hoá nhỏ bé đương đầu với con rồng vĩ đại Trung Quốc.
Cuộc nổi dậy đầu tiên chống lại nền chuyên chế của một nước lớn đó chỉ là khởi đầu cho nhiều cuộc nổi dậy khác. Qua nhiều thế kỷ. Trên thực tế, sau này nhân dân Việt Nam sẽ bị Trung Quốc đô hộ…nhưng họ không bao giờ ngừng tranh đấu giữ gìn bản sắc riêng của mình, cũng không bao giờ chịu thống trị hoàn toàn trước nền thống trị của Trung Quốc. Sự yêu chuộng tinh thần Việt Nam đích thực đã bắt đầu như thế. Dù bị đàn áp nặng nề tới đâu, họ không bao giờ thôi chiến đấu chống lại những kẻ áp bức, họ không bao giờ đầu hàng. Gia đình và văn hoá của họ là những ưu tiên hàng đầu, và ngay cả khi bị người Trung Quốc cai trị hà khắc, họ vẫn trui rèn kỹ năng đề kháng của mình. Chính những kỹ năng này sẽ được mài sắc thêm mãi cho đến khi họ giành được độc lập hoàn toàn hai ngàn năm sau đó.
Họ không bao giờ đầu hàng.
Vào cuối những năm 1850, một thế lực đàn áp mới xuất hiện. Nước Pháp, với vũ khí tối tân và chiến lược quân sự tốt hơn, đã tuyên bố quyền cai trị của mình trên quốc gia này, họ dùng tới danh Chúa Trời để tìm kiếm thương trường cực kỳ cần thiết ở nước ngoài. Nước Pháp đã mất mười sáu năm để áp đặt thành công quyền lực đế quốc lên những vùng đất mà họ gọi là thuộc địa Đông Dương, ngày nay là Việt Nam, Campuchia và Lào. Tuy nhiên, Việt Nam là nơi người Pháp cai trị cứng rắn nhất, và họ đã cố tình chia cắt quốc gia này thành những vùng thuộc địa tách rời nhằm làm tiêu tan tính bản sắc văn hoá của dân chúng. Những toàn quyền người Pháp tàn bạo đến đây để Aâu hoá nền văn hoá “man rợ” và khai thác những tài nguyên của vùng đất này – tất cả vì “Nước Pháp Toàn Cầu”. Nơi đây là món nợ của người da trắng : nạn cưỡng dâm, cướp bóc, nô dịch, làm việc tới chết để tìm cao su và ngà voi. Bất cứ nơi nào có sự phản kháng, quân Pháp liền được phái tới để “bình định”, để lại những mặt đường đẫm máu. Người dân địa phương nào không chết vì súng đạn sẽ bị đối xử như những kẻ phản bội và bị xử trảm nơi công cộng. Không có gì là thành kiến khi nói rằng người Pháp rất đáng chê trách trong việc đối xử với người “Đông Dương”. Người Pháp đã tự cho thấy họ là những kẻ tra tấn ghê tởm đối với một dân tộc chỉ muốn sống và được tự do như những dân tộc khác, nhưng rồi dân tộc đó chỉ được nhồi nhét giáo lý Công giáo và chết đói vì không đạt được những chỉ tiêu xuất khẩu qua Pháp. Từ những năm 1860 đến những năm 1940, hàng ngàn người chết trong khi làm đường bộ, đường xe lửa, xưởng tàu, và kênh đào. Hàng ngàn người khác chết trong các hầm mỏ, những cánh đồng và kênh mương thuỷ lợi. Những người Việt Nam chết vì đói khát hay kiệt sức trên những đồn điền cao su thường được chôn gần các gốc cao su – một thứ phân bón không tốn tiền – và khi những người nông dân van xin giảm thuế trong lúc đói kém, người Pháp đã từ chối. Đau ốm trong các nhà máy xi măng và xưởng dệt, người công nhân thường bị bỏ mặc cho chết không thuốc men chữa trị, người ta sẽ thay họ bằng người làm công mới, và đó được coi là hiệu quả cao.
Những người Pháp bóc lột không ngừng quất ngọn roi của chủ nghĩa thực dân một cách tàn nhẫn lên lưng người dân Việt Nam… cho đến khi một kẻ mạnh hơn chen chân vào.
Quân đội Nhật.
Tháng 9. 1940, sau khi Pháp đầu hàng Phát xít Đức, vị toàn quyền Pháp ở Việt Nam cho phép Nhật đưa 30.000 quân vào tiếp quản các sân bay để sử dụng vào mục đích quân sự chống lại các nước Đồng minh (3) [(Encyclogpedia Britannica, Vietnam, History)]. Khi người nông dân van xin giảm thuế vì hạn hán, người Pháp đã từ chối, còn người Nhật thì nhún vai bởi vì hợp đồng cộng tác giữa họ với người Pháp không dính dáng đến bất cứ chuyện cai trị nào đối với dân bản xứ. “Hãy mang đơn kiện tới chỗ người Pháp,” họ nói vậy với nông dân. Cuối cùng thì hạn hán đã dẫn tới nạn đói làm chết gần hai triệu người Việt Nam trong lúc người Pháp và người Nhật vẫn ăn uống ngon lành. Lượng gạo dư thừa có thể cứu sống những người đang hấp hối đã được đem xuất khẩu sang Nhật, và người Pháp không phản đối. Chừng nào người Nhật còn được sung sướng, quyền cai trị của Pháp vẫn không bị sứt mẻ. Nói cách khác, bằng cách nhân nhượng người Nhật ở Việt Nam, người Pháp đã trực tiếp ủng hộ một cường quốc phe Trục có liên minh với Phát xít Đức, cũng chính là guồng máy quân sự đã diễu hành đắc thắng trên các đường phố Paris.
Nói rằng người Pháp khom mình liếm gót thì quả cũng không ngoa chút nào. Và họ sẽ tiếp tục liếm gót cho tới khi cuộc chiến tranh sắp sửa kết thúc, lúc ấy người Nhật, nhận ra tình thế khó khăn cuả mình, sẽ tống tất cả lính tráng Pháp vào tù để đề phòng một cuộc nổi dậy. Nhưng vào lúc này có nhiều người khởi nghĩa hơn – những người khởi nghĩa bản xứ – chống lại sự áp bức của cả Pháp lẫn Nhật. Việt Minh là tên gọi của một nhóm dân quân du kích được tổ chức tốt và lập tức được cả nước đứng sau lưng. Đứng đầu nhóm là người sau này trở thành vị lãnh tụ duy nhất từng giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh chống lại người Mỹ: Hồ Chí Minh.
Thế nhưng có một sự thật ít người biết rằng, vào cuối Thế chiến 2, Hồ Chí Minh là bạn đồng minh của nước Mỹ, hoặc ít nhất ông ta đã đi đến chỗ tin rằng như thế. Đầu tiên, Tổng thống Roosevelt tuyên bố mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa đế quốc và sự áp bức ở Châu Á, và Hồ Chí Minh tin ông ta. Hãy nhớ rằng, Hồ Chí Minh lúc bấy giờ chưa phải là một người cộng sản thực sự, nhiệt tình của ông là tinh thần ái quốc thuần tuý, là tìm cách lật đổ hoàn toàn nền thống trị đế quốc trên đất nước, giành lại Việt Nam cho người Việt Nam. Ngay cả khi chiến thắng của phe Đồng minh trong thế chiến 2 đã trở nên chắc chắn, thì sự hiện diện của quân Nhật tại Việt Nam cũng gây ra nhiều vấn đề, và các gián điệp Mỹ, Anh được gởi đến để giải quyết. Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh chủ động đánh cắp các kho lương thực của người Nhật đồng thời giải thoát các tù nhân và những phi công Đồng minh bị rớt máy bay. Ngày nước Nhật chính thức đầu hàng sau khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị thả bom nguyên tử, vẫn còn 100.000 quân Nhật tại Việt Nam, và chính Hồ Chí Minh là người đã hết lòng giúp đỡ người Mỹ bằng cách chỉ rõ những vị trí trú đóng của quân Nhật cho nhóm OSS của Mỹ, lập tức người Mỹ thông báo điều này cho người Anh là nước chịu trách nhiệm giải giới quân đội Nhật.
Tin tưởng là có sự giúp đỡ của chúng ta, Hồ Chí Minh chính thức tuyên bố đất nước độc lập – nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà – và thậm chí ông đã viết bản tuyên ngôn độc lập dựa trên tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Franklin Delano Roosevelt lúc ấy đã chết, Harry S. Truman thay ông làm tổng thống, nhưng khi Hồ Chí Minh yêu cầu Truman đưa ra sự ủng hộ chính thức của Mỹ, ông nhanh chóng nhận ra rằng những phát biểu ủng hộ Việt Nam của Franklin Delano Roosevelt mới đây bây giờ đã không còn được chính quyền mới ở Washington tôn trọng nữa. Truman phớt lờ những yêu cầu khẩn thiết của Hồ Chí Minh, và đã chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao Mỹ phải làm mọi cách trong quyền hạn của mình để giúp phục hồi nước Pháp hậu chiến càng hiệu quả càng tốt, kể cả việc cho phép nước Pháp giành lại quyền coi ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam là bộ phận của Đế Quốc Thuộc Địa Pháp.
Miệng chửi tay đấm, người Anh đã rất xảo trá tái vũ trang cho quân Nhật và sử dụng họ để lật đổ chính quyền dân chủ mới tuyên bố ở một nưả phía nam của quốc gia này. Đối với Hồ Chí Minh – cũng như đa số dân chúng ủng hộ ông – đây là kịch bản cuối cùng trong trò lật lọng của phương tây. Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta rất nhiều trước khi Thế chiến 2 kết thúc – ông đã cứu sống nhiều quân Đồng minh – vậy mà chúng ta đền đáp ông như thế. Chúng ta tái vũ trang chính những kẻ xâm lược mà ông đã giúp chúng ta tước vũ khí, và rồi chúng ta sử dụng vũ lực đó để tìm cách xoábỏ chính quyền hợp pháp của ông ta.
Campuchia và Lào nhượng bộ; họ chấp nhận độc lập “cục bộ” trong “Liên Hiệp Pháp”. Nhưng Hồ Chí Minh không nhượng bộ. Ông chống lại nước Pháp mới hồi phục, và người Pháp cười nhạo. Người Pháp khoác lác nói rằng đội quân của ông Hồ sẽ bị quét sạch trong tám ngày.
Nhưng sau thời gian tám năm, đến năm 1954, người Pháp đã không quét sạch được cái gì khác ngoài sự ngạo mạn của họ. Cho dù có hai tỉ rưỡi đô la do Mỹ viện trợ để tái lập “thuộc địa” ở Việt Nam, người Pháp cũng đành thu xếp đồ đạc trở về nước sau thất bại thảm khốc tại cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ. Quân Việt Minh nhanh trí hơn, giỏi chiến lược hơn, và thiện chiến hơn quân đội Pháp trên từng giai đoạn của cuộc chiến. Ông Hồ xẻo quân Pháp ra như xẻo một súc thịt. Đây là một tin chấn động, vì một trong những quốc gia chiến thắng trong Thế chiến 2 đã thất bại trước một đội quân được coi là nhỏ yếu lúc bấy giờ. Nhưng rõ ràng họ đã thất bại. Hồ Chí Minh đã phá huỷ hoàn toàn chủ nghĩa đế quốc của Pháp tại Việt Nam, thực vậy, sự kiện đó nghiêm trọng đến mức một hội nigh đa quốc gia đã được triệu tập dẫn đến Hiệp Định Geneva, theo đó nước Việt Nam sẽ tạm thời chia làm hai, lấy Vĩ tuyền 17 làm ranh giới, cho đến năm 1956 khi một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức để quyết định quyền lãnh đạo đất nước sẽ đặt vào tay ai; một uỷ ban kiểm soát quốc tế sẽ giám sát cuộc tổng tuyển cử này và đảm bảo rằng sự thống nhất hai miền Nam và Bắc Việt Nam sẽ diễn ra công bằng, hợp pháp, và trong sạch. Hồ Chí Minh, lúc bấy giờ được coi là người lãnh đạo miền Bắc, phải chấp nhận những điều khoản của hiệp định.
Bạn đoán được ai là người không chấp nhận?
Chính quyền miền Nam được Mỹ hậu thuẫn (4) [(Dữ kiện lịch sử trong chương 2 lấy từ Encyclogpedia Britannica, mục “Vietnam, History and War”; Vietnam: A Televison History (1996) xuất phẩm hỗn hợp của WGHB Boston, Central Independent Televison/ Anh và Antenne-2 / Pháp và LRE Productions (VHS), tập 1)].
Thời điểm lịch sử này của Việt Nam chính là gốc rễ mà từ đó sẽ sớm bùng phát sự hỗn loạn hoàn toàn, và hệ quả của sự bùng phát đó là một con người lập dị, độc thân, tự phụ và được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ: Ngô Đình Diệm.