NHỮNG KẺ VÔ DANH
Tác giả: Bradley S. O'Leary & Edward Lee
Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu
- EXODUS 23:1
Đến đây có lẽ bạn đang nghĩ: “Chờ chút xem, tôi nghĩ cuốn sách này có liên quan đến chuyện chính quyền Nam Việt Nam dính líu vào vụ ám sát JFK chứ”.
Đúng vậy. Nhưng hãy cố một tí. Ta cần xây dựng thêm cơ sở sự kiện.
Chương vừa rồi có vẻ hơi ra bên lề, nhưng thật ra thì không. Chúng tôi nói ra thông tin này để trình bày chu đáo một luận điểm cho độc giả về điều sắp nói tới. Ơû trước, chúng tôi đã trình bày về Jean Rene Souetre, thành viên cao cấp của nhóm khủng bố Pháp có tên gọi OAS, và chúng tôi đã nói tới sự kiện rằng hắn ta đã có mặt ở Dallas, Texas, vào cùng buổi chiều mà JFK bị bắn chết, và chúng tôi còn trình bày làm sao mà Souetre không bị bắt và câu lưu, mà lại được mau chóng và lặng lẽ đưa ra khỏi đất Mỹ bởi phần tử nào đó trong chính quyền Mỹ trong vòng chưa đầy hai ngày sau vụ ám sát. Chúng tôi đã cho các bạn thấy các hồ sơ chính thức của chính quyền chứng minh điều này, và chúng tôi cũng trình bày những hồ sơ và các cuộc phỏng vấn chính thức khác chứng tỏ rằng Souetre đã bị FBI điều tra bảy tháng trước khi Kennedy bị giết.
Thông tin này – chùm sự kiện này – tiêu biểu cho một khác biệt nghiêm trọng với những gì mà chính phủ Mỹ, trong gần bốn thập niên qua, đã cố nhồi nhét vào đầu công chúng. Chùm những sự kiện được chính thức lưu trữ này (mà nó chưa từng được báo cáo cho Uỷ ban Warren và cũng chưa từng được Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát thừa nhận) cho chúng ta thấy rõ ràng một tay khủng bố trung thành với một nhóm sát nhân cánh hữu (một nhóm thường xuyên ám sát những đối thủ của họ) đã ở rất gần JFK khi ông ta bị ám sát. Chúng tôi cũng đã chứng minh, qua lịch sử của OAS, rằng nhóm võ trang này có mọi lý do chính trị để giết Kennedy (chính Kennedy đã thúc giục DeGaulle trả độc lập trọn vẹn cho quốc gia mà OAS đang chiến đấu để giữ nó trong vòng thuộc địa của Pháp: Algeria). OAS đã nhiều lần mưu ám sát DeGaulle, kẻ thù hàng đầu của họ. Kennedy là kẻ thù thứ nhì của họ… Nên tại sao lại không thể có chuyện OAS cũng mưu ám sát JFK luôn?
Bất kỳ ai có lý trí cũng có thể thấy rằng điều đó hoàn toàn có thể. Nó rất có thể. Và ai có khả năng trong việc hoàn tất một chiến công khủng bố như thế hơn OAS, một băng nhóm gồm những tên bạo loạn, sát nhân và bắn tỉa được huấn luyện kỹ? Chuyện đã quá rõ.
Nhưng bây giờ hãy nhìn lại dòng đầu của hồ sơ 632-796.
8. Jean SOUETRE còn gọi là Michel ROUX còn gọi là Michel MERTZ
Chúng ta có được hai tên giả của nhân vật này. Hai người với tên Michel, một người mang họ Roux và người kia họ Mertz. Chuyện những tên giả này làm sao xuất hiện được trong một hồ sơ CIA thì ta chỉ có thể ước đoán, nhưng cũng hợp lý luận khi cho rằng thông tin này là do nhân viên SDECE cung cấp, người đã tới hỏi thăm FBI về việc trục xuất Souetre. SDECE – cơ quan tình báo Pháp – hẳn biết rõ hơn ai hết về mọi bí danh hay tên giả của các thành viên OAS. Nên nhớ, trong quãng thời gian này, SDECE vừa đánh gục phong trào OAS nhờ những chiến dịch phản gián khôn ranh dựa vào đám giang hồ – những barbouze – xâm nhập vào cơ sở hạ tầng của OAS. OAS chẳng kịp hiểu ra sao, và kết quả là họ tan rã, chứng kiến chậm rãi nhưng chắc chắn các đầu lĩnh từng một thời rất hiệu năng của mình bị chính quyền Pháp bắt giữ và tống giam. Cách làm của SDECE là sử dụng một chiến thuật phổ biến của CIA và các cơ quan tình báo phương Tây khác, đánh đổi một số ưu đãi cho thế giới ngầm của bọn tội phạm để lấy tin tình báo về các phong trào cộng sản địa phương. Chuyện ở đây cũng vậy, có điều lần này SDECE không đối đầu với phong trào cộng sản mà là những tay cánh hữu cực đoan. Còn mấy điều nên nhớ khác đã nói trong chương về SDECE: OAS và chủ trương khủng bố của họ đã đe doạ nghiêm trọng sự tồn tại của chính phủ DeGaulle (chưa kể tới những âm mưu ám sát chính DeGaulle), nên khi DeGaulle ra lệnh cho Frey và Foccart giải quyết vấn đề OAS thì nó được coi như chuyện ưu tiên của quốc gia. Sử dụng SDECE, Frey, Foccart và thuộc hạ đã hoàn thành được nhiệm vụ (nhưng cũng chịu những hậu quả tai hại mà chúng ta sẽ bàn sau) và trong quá trình đó họ đã thu thập được một khối lượng tin tình báo đáng kể về các thành viên OAS mà sau này họ bắt giữ được. Và chúng ta biết rằng bản thân Souetre là một trong những kẻ đã bị bắt đó vì theo hồ sơ CSCI – 3/776.742 của CIA, “Các nguồn tin của Pháp cho thấy Souetre là tên của một cựu đại uý quân đội Pháp đã trốn khỏi một trại giam năm 1961”. Không những SDECE tiếp cận được kho hồ sơ quân nhân Pháp (điều này rất quan trọng, vì hầu hết thành viên OAS trước đó là lính Pháp) mà họ còn dần tích tụ được tin tình báo về những người đó sau khi họ đã đào ngũ và gia nhập OAS. SDECE làm được điều này thông qua các phương cách rất tiêu chuẩn: những mật báo viên đáng tin cậy, nghe lén, những tồ theo dõi, và những cách tương tự(139){( Porch)}. (Và cũng đừng quên biện pháp tra tấn, một trong những trò ưa thích của SDECE). Một chuyện rất đáng nhớ khác là chuyện bắt giữ một liên lạc viên của OAS vào tháng 9.1961 và việc tịch thu một cái cặp đựng đầy hồ sơ cá nhân của OAS(140){( Porch)}. Bên cạnh đó, chúng ta còn có bọn barbouze (xuất thân là dân giang hồ Marseille) đã xâm nhập vào OAS và thu nhặt nhiều tin tình báo và dữ liệu nhân sự cho SDECE.
Do đó, thật hợp lý khi SDECE hoàn toàn có khả năng nhận ra các tên giả của nhiều thành viên OAS, trong đó có các tên của Souetre.
Bây giờ ta hãy xem tên giả thứ nhất của Souetre ghi trong 632-796: Michel Roux.
Michel tương đương với tên Michael của người Mỹ, và Roux là một họ phổ biến của người Pháp. Bây giờ, như chúng ta đã xác định trước, rằng có một số phần tử trong FBI đã biết về Souetre trước khi hồ sơ 632-796 ra đời và trước cả cái chết của JFK, chúng ta có thể giả định rằng hầu hết những phần tử còn lại trong FBI không biết những chuyện này. Điều này cũng hợp lý vì ngay sau khi hồ sơ 632-796 ra đời – thậm chí là trong cùng ngày đó, 5.3.1964 – nhân viên FBI và INS ở Texas đã bắt đầu đi tìm dấu vết của một Jean Rene Souetre, Michel Roux, hoặc một Michel Mertz có mặt ở Dallas trong hoặc gần ngày xảy ra vụ ám sát, hoặc bất kỳ bằng chứng nào về bất kỳ ai có tên như thế đã bị trục xuất. Cả ba cái tên ấy đều không dẫn tới dấu vết gì. Kỳ lạ thay, người ta lại tìm thấy một cặp mang tên Roux (Dominique P. và Vivian H.) bay từ Houston, Texas, đi Mexico City ngày 22.11.1963 bằng máy bay của hãng Pan America. Ngoài ra, việc lục soát các hồ sơ còn cho thấy có ba người tên Mertz (John P., Irma Rio de, và Sara) cũng bay từ Houston đi Mexico City ngày 23 tháng 11(141){( Tài liệu FBI 105-128529, ngày 5.3.1964)}. Đây là sự trùng hợp kỳ lạ, nhưng mặc cho sự thất vọng của các nhà nghiên cứu tận tụy về JFK, người ta không tìm thêm được gì nữa. Những người có tên trên không hề bị trục xuất; họ chỉ là những hành khách bình thường, có mua vé tử tế.
Điều này có thể khiến chúng ta nghi rằng những tên giả của Souetre là do người ta bịa ra. Không có một bằng chứng từ hồ sơ nào cho thấy trong khoảng thời gian đó, cái tên Michel Mertz đã xuất hiện ở bất cứ đâu trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp.
Nhưng vài ngày sau thì cái tên Michel Roux xuất hiện.
Qua một báo cáo viễn ký của FBI từ Dallas gửi về Washington DC ngày 11.3.1964, chúng ta biết được rằng cuộc điều tra đã tìm thấy dấu vết của một người Pháp tên là Michel Roux có mặt ở Texas ngày 22.11.1963. Giống Souetre, ông này nói lưu loát cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh và Đức, và hơn nữa, Michel Roux có phát biểu rằng ông ta đã ở trong quân đội Pháp và phục vụ tại Algeria!
Vậy… liệu FBI có bắt người này không?
Rất tiếc là không. Cho dù trùng hợp như thế nhưng hoá ra Roux, một nhân viên khách sạn đang theo học nghề quản lý nhà hàng ở Paris, đang trong chuyến viếng thăm bạn bè Mỹ vào cuối tháng 11 năm 1963. Ơû đâu? Fort Worth, Texas – không xa Dallas lắm.
Một doanh nhân thành đạt và nghiêm túc, Leon Gachman, và gia đình của ông ta, đã đón tiếp Roux trong chuyến du lịch đến Fort Worth này. Họ trở thành bạn của nhau hồi tháng trước khi Gachman sang Paris vì công việc kinh doanh; và Roux làm hướng dẫn du lịch cho ông ta. Sau đó, Roux nhận lời mời của Gachman để đến Fort Worth chơi. Có lẽ Gachman còn thu xếp một công việc trong nghề nhà hàng cho Roux. Nói tóm lại, Roux đã sống gần trọn chuyến du lịch với vài người hay toàn gia đình Gachman. Ngày 22.11.1963, từ 10 giờ đến 12 giờ trưa, Roux ngồi cùng lớp học với con trai của Gachman là Arnold, cùng vô số người khác có thể làm chứng cho việc này, và 30 phút sau, khi JFK bị ám sát ở Dallas, Roux và Arnold đang ăn trưa tại một quán ở Fort Worth, chung quanh cũng có cả đống người làm chứng nữa. Chính tại quán này Roux và Arnold đã nghe được tin về vụ ám sát(142){( Tài liệu FBI 105-128529-3, ngày 11.3.1964)}.
Nhưng những điểm tương đồng giữa Roux và những điều ta đã biết về Souetre là gì?
1) Cả hai đều thạo nhiều thứ tiếng. Đúng vậy, nhưng có hàng triệu người Pháp như thế vì nền giáo dục Pháp khuyến khích học sinh học ngoại ngữ.
2) Cả hai đều từng đi lính và phục vụ tại Algeria. Đúng, nhưng cũng có hơn 500.000 người Pháp khác đã ở trong quân đội và phục vụ tại Algeria
3) Cả hai đều có tóc sẫm. Đúng thế.
Chỉ sự khác biệt thể chất thôi cũng đủ chứng tỏ Michel Roux không thể là Souetre cải trang. Năm 1963, Souetre đã 33 tuổi, trong khi theo mô tả của Gachman thì Roux mới khoảng 25. Souetre cao 1,90 mét và nặng khoảng 82kg vào năm 1953; mười nămsau đó, Roux chỉ cao khoảng 1,70 mét và nặng từ 70 đến 75kg. Cho dù Souetre có sụt hơn 20kg trong khoảng từ 1953 đến 1963, thì cũng khó tin rằng hắn sụt cả hai tấc chiều cao thân thể.
Sau cùng, tuy viễn tượng có vẻ hấp dẫn thế, nhưng chúng ta cũng biết ra rằng Michel Roux, nhờ Leon Gachman giới thiệu việc làm, đã rời Mỹ ngày 6.12.1963 “tại Laredo, Texas, để đi Mexico”(143){( Tài liệu FBI 105-128529-15, ngày 12.3.1964)}. Bây giờ chúng ta rõ được lý do thuyết phục nhất để tin rằng Roux không phải là Souetre: Michel Roux không bị trục xuất khỏi Mỹ trong vòng 48 tiếng sau cái chết của JFK; mà anh ta đã rời Mỹ hợp pháp và có thể chứng minh được vào ngày 6 tháng 12.
Do đó, Roux không phải là nhân vật của chúng ta. Hắn đã mất dấu, và ngày 13.3.1964, tám ngày sau khi hồ sơ 632-796 gióng tiếng chuông cảnh báo, FBI hài lòng thấy rằng Roux vô can, và đã thôi không điều tra về anh này nữa(144){( Tài liệu FBI 105-128529-12, ngày 13.3.1964)}. Chuyện Michel Roux chỉ có thế. Nên rất có thể Souetre đã chọn tên gọi này làm tên giả chỉ vì nó quá phổ biến.
Nhưng còn cái tên giả thứ nhì của hắn thì sao?