VỤ TRỤC XUẤT BÍ MẬT
Tác giả: Bradley S. O'Leary & Edward Lee
Kẻ xấu trốn thoát khi không ai truy đuổi
- TỤC NGỮ
Hãy tưởng tượng điều này:
Một kẻ bị tình nghi sát nhân và là một tay khủng bố người nước ngoài có tiếng lại đang được tự do và đi đây đó tuỳ nghi. Y đang tìm cách trốn khỏi lãnh thổ Mỹ. Chúng ta biết rằng tay khủng bố này trước đây đã được huấn luyện kỹ lưỡng trong quân đội một nước khác, và là thành viên của một tổ chức bán quân sự trá hình đã từng sát hại hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm người và đã gây ra những vụ nổ bom nơi công cộng, tiến hành những chiến dịch tuyên truyền bài – Mỹ, tổ chức ám sát nhiều sĩ quan quân đội và cảnh sát, và đã là chính khách dân cử một cách hợp pháp.
Người này là ai? “Tay khủng bố” này là ai?
Chúng ta có thể ngờ rằng, theo những tít trên báo ngày nay, một người như thế có thể là thành viên của đủ thứ tổ chức khuynh hữu bán quân sự đang lan tràn hiện nay, vốn bị ám ảnh bởi cùng một loại tình cảm đã đẩy họ tới việc đánh bom toà nhà liên bang ở Oklahoma City chẳng hạn. Hoặc có thể là một ai đó có liên hệ với một giáo phái kiểu Gadhafi hay một bộ phận thân Saddam Hussein, hoặc gần đây hơn, có thể là một mật viên có liên hệ chặt với Osama bin Laden, kẻ bị nghi là đã hỗ trợ những vụ đánh bom vào toà đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania đã làm chết hàng trăm người và làm bị thương hàng ngàn người khác.
Nhưng, không, tay khủng bố đang được bàn tới đây không liên quan gì đến những mặt trận nói trên.
Hắn ta là người Pháp.
Bây giờ, hãy tượng tượng tiếp:
Tay khủng bố này, tay sát thủ lừng danh này, đã bị phát hiện bởi FBI và Sở Nhập cư và Nhập tịch Mỹ (INS), hai cơ quan của Bộ Tư Pháp Mỹ, và hai cơ quan này đã bắt giữ kẻ tình nghi ấy sau một cuộc săn lùng sâu rộng và phối hợp tốt. Tay khủng bố nguy hiểm này hiện đang được FBI và INS giữ tại một chỗ an toàn. Vấn đề thế là đã được giải quyết, đúng không?
Sai.
Tay khủng bố ấy chưa từng bị truy tố về bất cứ tội gì. Y chưa từng bị đem ra trước bất kỳ quan toà nào, mặc dù một nước đồng minh của chúng ta đã có lệnh truy nã y. Tay khủng bố ấy cũng không bị câu lưu, tống giam, hoặc thậm chí là thẩm vấn một cách chính thức. Thay vì thế, y lập tức được chuyển đi và trục xuất êm thắm ra khỏi nước Mỹ mà không làm ai ngạc nhiên.
Bộ Tư Pháp Mỹ có lệ tạo ra cái gọi là lối thoát an toàn, hay bất kỳ danh xưng nào khác, cho những tay khủng bố quốc tế từ hồi nào vậy? Tại sao tay khủng bố này không bị ít nhất là câu lưu để thẩm vấn, và tại sao cuộc thẩm vấn chính thức ấy không được ghi thành hồ sơ?
Những câu hỏi hay đấy, nhưng sau đây lại thêm một điều nữa cho bạn tưởng tượng.
Địa điểm tiến hành trục xuất là Dallas, Texas, và ngày tháng tiến hành là 24.11.1963, hai ngày sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy.
Bạn tưởng tượng được một kịch bản như thế không?
Chẳng ai cần phải tưởng tượng chuyện đó… bởi vì nó hoàn toàn là sự thật. Và các tài liệu trong sách này chứng tỏ điều đó.
Thực ra, vụ trục xuất này và cái kẻ xấu xa nằm trong ruột vụ đó đã là đối tượng của nhiều cuộc điều tra đi điều tra lại của Bộ Tư Pháp trong hơn ba thập niên, những cuộc điều tra được giấu kín và cố tình không cho công chúng và toàn thế giới biết. Hơn nữa, không chi tiết nào của vụ trục xuất đáng ngờ này từng được báo cáo cho Uỷ ban Warren.
Trước khi giải thích kỹ hơn, mời bạn đọc xem bản in lại đúng từng chữ của một tài liệu CIA mà cho đến gần đây vẫn được lưu trong văn khố của chính phủ Mỹ dưới nhãn phân loại MẬT. (Chúng tôi cho sắp chữ in lại tài liệu này để dễ đọc, bạn có thể thấy bản chụp tài liệu này trong phần Phụ lục)
MẬT
Vụ trục xuất Jean SOUETRE khỏi lãnh thổ Mỹ
CHƯƠNG TRÌNH CIA XÉT LẠI QUÁ KHỨ
CÔNG BỐ TRỌN VẸN NĂM 1955
Jean SOUETRE, còn gọi là Michel ROUX, còn gọi là Michel MERTZ – Ngày 5.3.1964, ông Papich khuyến cáo rằng người Pháp đã tìm tới Tuỳ viên Pháp lý tại Paris và đồng thời người của SCEDE đã truy hỏi văn phòng Cục ở New York City liên quan đến đối tượng tuyên bố rằng hắn ta đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ Mỹ tại Fort Worth hoặc Dallas 48 giờ sau vụ ám sát[*}. Hắn ta đã ở tại Fort Worth buổi sáng 22 tháng 11 và tại Dallas vào buổi chiều đó. Người Pháp tin rằng hắn ta bị trục xuất sang Mexico hoặc Canada. Tháng 1 hắn ta đã nhận được thư của một nha sĩ tên là Alderson sống tại 5803 Birmingham, Houston, Texas. Đối tượng được xác định là giống với một đại uý đã đào ngũ khỏi Quân đội Pháp và là tay hoạt động quá khích trong OAS. Người Pháp rất quan tâm chuyện này vì De Gaule đã dự định viếng thăm Mexico. Họ muốn biết lý do trục xuất hắn ta khỏi đất Mỹ và hắn được trục xuất sang nơi nào. Hồ sơ của Văn phòng Cục không xác minh được điều gì và họ đang thẩm tra lại ở Texas và với INS. Họ muốn xác minh hồ sơ của chúng ta về chi tiết cho thấy cái gì có thể đã được chuyển sang cho người Pháp. Ông Papich được trao một bản sao hồ sơ CSCI – 3/655,742 đã được cung cấp cho Văn phòng Cục trước đó và hồ sơ CSDB – 3/655,207 cùng với ảnh chụp của đại uý SOUETRE. WE/3Public; CI/SIG; CI/OPS/Evans.
Số hồ sơ 632-796
MẬT
(Xem thêm phụ lục A)
Bây giờ ta hãy khảo sát kỹ hơn tài liệu này (để ngắn gọn, từ đây về sau chúng tôi gọi tắt tài liệu này là 632-796) và tóm lược ý nghĩa cũng như mối liên quan tổng thể của nó.
Trong câu, “…Ông Papich khuyến cáo rằng người Pháp đã tìm tới Tuỳ viên Pháp lý tại Paris,” rõ ràng từ “người Pháp” ở đây ám chỉ một cơ quan nào đó của chính phủ Pháp, còn “Tuỳ viên Pháp lý” là văn phòng Tuỳ viên Pháp lý thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Pháp. Nó một cách đơn giản thì, khi Chính phủ nước A có điều cần hỏi Chính phủ B, cách thức đầu tiên và trực tiếp nhất là chính phủ A trao đổi bằng miệng hay văn bản về điều cần hỏi với Tuỳ viên Pháp lý tại toà đại sứ của nước B. Đó là điều đã xảy ra ở đây. Chính phủ Pháp hỏi người Mỹ, thông qua tuỳ viên pháp lý, về thông tin chung quanh một người có tên Jean Rene Souetre. Ta không rõ “Ông Papich” là ai, và điều này cũng không quan trọng (tuy nhiên có thể suy diễn rằng Papich có lẽ là nhân viên CIA hoạt động độc lập trong văn phòng Tuỳ viên Pháp lý, là một nhân viên giám sát, hay chỉ là một nhân viên thường giữ việc liên lạc cho đại sứ quán Mỹ). Nhưng 632-796 cũng nói rằng “người của SCEDE đã truy hỏi Văn phòng Cục {tức Cục điều tra Liên bang FBI} ở New York City.” Vậy là xuất hiện một cơ quan khác của Pháp, đó là SDECE, tức Service de Documentation Exterieure et Contre-Espionage (Cơ quan thu thập tình báo hải ngoại và phản gián). Đại khái đây là cơ quan của Pháp giống CIA ở Mỹ – đó là tổ chức tình báo quan trọng của Pháp thời đó (và cũng nhiều tai tiếng, chúng ta sẽ bàn sau về chuyện này). Dù thế nào thì những điều chúng ta đọc được trong 632-796 cũng cho thấy không chỉ Đại sứ quán Mỹ ở Paris được gạn hỏi về một người tên Souetre, mà ta còn thấy nhân viên SDECE cũng đã hỏi thăm về Souetre tại chi nhánh FBI tại New York City.
Thế tay Souetre này là ai?
Dựa trên thông tin ít ỏi từ 632-796, chúng ta chỉ biết được vài điều. Chúng ta biết rằng hắn nhận được thư của một nha sĩ tên Alderson ở Texas vào tháng 1.1964 (điều này cũng cho thấy SDECE hay một cơ quan nào đó của Pháp đang lùng kiếm Souetre, nếu không, tại sao lại có chuyện giám sát thư từ của hắn?), và chúng ta cũng biết rằng hắn “được xác định là giống với một đại uý đã đào ngũ khỏi Quân đội Pháp và là tay hoạt động qúa khích trong OAS.” (vì đây là tài liệu CIA, tại sao CIA lại nghi ngờ một điều như thế? Ta sẽ bàn thêm sau). Bây giờ chúng ta biết rằng Jean Rene Souetre là cựu sĩ quan quân đội Pháp đã đào ngũ và gia nhập một tổ chức qúa khích có tên là OAS. Ơû đây, trong một lượng dữ liệu có vẻ ít ỏi, tài liệu này đã nói với chúng ta rất nhiều về nhân vật bí ẩn có tên là Jean Rene Souetre. Với những độc giả trẻ tuổi ở cuối những năm 1990, và với những người không rành những tiểu tiết lịch sử, thì OAS (Organisation de I’Armee Secrete – Tổ chức quân đội bí mật) là một nhóm qúa khích cánh hữu gồm những người đã đào ngũ khỏi quân đội Pháp để phản đối việc Tổng thống Charles DeGaulle đột ngột có chủ trương trả tự do cho Algeria, một thuộc địa của Pháp. OAS thực tế là một đạo quân ngầm, bởi vì trước khi các thành viên của nó chính thức đào ngũ thì trong lúc thịnh thời, họ đã tham gia vào vô số những hoạt động khủng bố và ám sát.
Có một từ then chốt: ám sát.
Và đây là ý nghĩa quan trọng của 632-796. OAS đã tham gia vào việc ám sát chính trị, và một trong những thành viên của nó, Jean Rene Souetre, đã bị cơ quan công quyền Mỹ bắt giữ trong vòng chưa đầy 48 giờ sau vụ ám sát có tầm quan trọng chấn động: vụ ám sát John F.Kennedy
Ta hãy đọc lại các dòng chữ trong tài liệu: “Hắn ta [Souetre] đã ở tại Fort Worth buổi sáng 22 tháng 11 và tại Dallas vào buổi chiều đó.”
Có ai khác đã ở Fort Worth vào sáng ngày 22 tháng 11 và ở Dallas vào buổi chiều đó? Câu trả lời cho câu hỏi này có thể vượt thời gian và được khắc ghi mãi mãi vào lịch sử.
Vào sáng hôm đó, tại Forth Worth, Kennedy đã đọc một diễn văn trước Hotel Texas. Vào buổi chiều, tại Dallas, ông đã bị bắn chết.
Và bây giờ chúng ta lại có một tài liệu của CIA khẳng định rằng một tay khủng bố đã có mặt ở Forth Worth cùng lúc với Kennedy, và cũng tay khủng bố đó đã có mặt ở Dallas khi Kennedy bị ám sát.
Dĩ nhiên nội điều này đã đủ chấn động rồi. Nhưng nó còn chấn động hơn khi chúng ta đọc toàn văn 632-796. Người Pháp có thông tin để chỉ ra rằng tay khủng bố Souetre này có liên quan đến đội quân ngầm cánh hữu, đã bị “trục xuất khỏi lãnh thổ Mỹ tại Fort Worth hoặc Dallas 48 giờ sau vụ ám sát”.
Mớ hệ quả rối rắm này thật tai hại. Điều chúng ta vừa đọc được chính là sự xác nhận rằng Souetre đã bị bắt và rồi “trục xuất” khỏi đất Mỹ. Lý do khiến người Pháp quan tâm được nói rõ là: “Người Pháp rất quan tâm chuyện này vì DeGaule đã dự định viếng thăm Mexico. Họ muốn biết lý do trục xuất hắn ta khỏi đất Mỹ và hắn được trục xuất sang nơi nào”. Chúng tôi sẽ giải thích tỉ mỉ về lịch sử và ý nghĩa của OAS sau, nhưng điều cần hiểu ngay tại đây là, OAS xem DeGaulle là kẻ thù hàng đầu của họ; thực vậy, họ đã nhiều lần mưu sát DeGaulle. Thông thường, những người bị Mỹ trục xuất thường bị tống qua Mexico hoặc Canada, và DeGaulle dự định viếng thăm Mexico vào mùa hè 1964. Do đó, chúng ta dễ dàng hiểu tại sao người Pháp phải cảnh giác. Bằng cách nào đó, họ được biết rằng Souetre đã bị trục xuất, và nếu hắn ta thực sự đã bị trục xuất sang Mexico thì người Pháp cần phải biết trước. Họ cần phải biết liệu một sát thủ OAS có thể có mặt ngay tại quốc gia mà DeGaulle dự định thăm viếng trong vài tháng tới không
Những ưu tư của người Pháp thì quá rõ ràng; họ muốn xác định xem chuyến viếng thăm Mexico của DeGaulle có là chuyện mạo hiểm về an ninh không: một cơ hội béo bở cho một cuộc mưu sát khác của OAS.
Nhưng còn những ưu tư của chúng ta là gì ?
Tài liệu 632-796 không chỉ cho ta biết Souetre đã bị trục xuất khỏi Texas ngay sau vụ ám sát JFK – một tình huống không hiểu nổi ngay từ đầu – mà còn cho ta biết rằng, xét theo mục đích thăm dò của người Pháp, chính một cơ quan công quyền nào đó của Mỹ đã trục xuất Souetre. Nó có thể là cơ quan nào khác đây? Chẳng lẽ Hội Phụ huynh học sinh Dallas sao? Mọi vụ trục xuất ở Mỹ đều được tiến hành bởi một cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, đó là INS.
Tại sao một cơ quan của Bộ Tư pháp Mỹ lại trục xuất một tay khủng bố có hạng? Người ta có thể tin rằng Souetre hẳn đã bị bắt giữ, cầm tù, hoặc ít nhất cũng bị gửi về Pháp nơi mà nghành tư pháp ở đó rõ ràng đã xem hắn như một kẻ thù của quốc gia. Nhưng đã không xảy ra chuyện nào như thế. Thực vậy, chẳng có bằng chứng nào cho thấy Souetre đã bị thẩm vấn về sự có mặt của hắn ở Dallas sau vụ ám sát JFK cả.
Không hề có, thay vào đó, Souetre đã được hộ tống và đưa ra khỏi nước Mỹ một cách mau lẹ và êm thắm. Hắn ta bị trục xuất trong vòng hoàn toàn bí mật, và chúng tôi đưa ra kết luận này dựa vào những dữ kiện hiển nhiên. Vụ trục xuất ấy chẳng bao giờ được báo cáo cho Uỷ ban Warren vốn được chính thức thành lập chỉ năm ngày sau biến cố ấy. Và vào tháng 4.1964 – ngày tháng của tài liệu 632-796 – cuộc điều tra về vụ ám sát Kennedy của Uỷ ban Warren đã ở giai đoạn sôi động nhất. Vậy mà không một ai trong CIA, FBI, INS hoặc văn phòng Tuỳ viên Pháp lý báo cáo về sự tồn tại của tài liệu quan trọng này cho Uỷ ban Warren hoặc cho công chúng biết.
Sự thật đã bị giấu khỏi tai mắt của chúng ta… bởi những phần tử nằm trong chính quyền của chúng ta. Chính quyền của chúng ta đã cố tình bưng bít điều này mãi mãi.
Đó là một sự thật đầy chấn động, nhưng vẫn là sự thực. Tuy nhiên, lịch sử của tài liệu này, có từ 20 năm về trước, và lịch sử này được trình bày sơ lược trong cuốn Reasonable Doubt (“Mối nghi ngờ hợp lý”) của Henry Hurt(100) [(Hurt, Henry, Reasonable Doubt (New York; Holt, Rinehart, and Winston, 1986)]. Sự tồn tại của 632-796 ban đầu bị khám phá gần như tình cờ bởi Merry Ferrell, nhà nghiên cứu ám sát ở Texas. Ferrell nổi tiếng trên thế giới nhờ khả năng nghiên cứu của bà (Ferrell chính là người đã cung cấp cuộn băng ghi âm của Sở Cảnh sát Dallas cho Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát. Những nội dung trong cuộn băng đã cho ta bằng chứng âm học rất quan trọng: những âm thanh thực sự của những phát súng đã bắn vào Kennedy(101). [(Benson, Michael, Who’s Who in the JFK Assassination (Citadl Press, 1993))]
Năm 1977, Ferrell thu thập được hàng ngàn tài liệu CIA đã giải mật bằng cách khai thác Đạo luật Tự do thông tin, đó quả là một kho tài liệu quí – hoặc như bà đã nghĩ vậy. Giống như đa số những tài liệu CIA được giải mật, hầu hết tài liệu trong gói này đọc không rõ – vô số bản chụp những tờ giấy than cũ, hoặc những tài liệu “đã bị biên tập” bởi nhân viên giải mật. (Nói cách khác, tài liệu ấy được sao chụp, rồi một số câu trong bản sao chụp âý bị bôi đen bằng bút Magic Marker. Nhưng Ferrell không nản chí; dù sao, bà vẩn là chuyên gia khảo sát tài liệu và bà biết một số phương pháp trong nghề. Với kính lúp cực tốt và đèn rọi ngược vào mặt lưng tài liệu, bà đã có thể đọc ra văn bản 632-796 đủ để phơi bày ý nghĩa thực của nó(102) [(Hurt)]. Nhờ đó cái tên Souetre đã đến tai giới nghiên cứu JFK. Ngay từ 1980 đã có người trích dẫn tham khảo tài liệu đã giải mật và giải mã này, đó là Anthony Summer với tác phẩm Conspiracy (“Aâm mưu”)(103) [(Summer, Anthony, Conspiracy (McGraw-Hill, 1980))]vốn được nhiều nhà phê bình xem như kẻ tiền hô cho các giả thuyết phổ biến nhất hiện nay về vụ ám sát này.
Tuy rằng việc giải mã tài liệu 632-796 rất cực nhọc của bà Ferrell có thể đã bỏ sót vài dòng vài chữ (xem Phụ lục A để thấy bản chụp tài liệu gốc chưa bị biên tập), nhưng nó cũng tiết lộ đủ cho chúng ta biết rằng một tay ám sát người Pháp đã được cơ quan công quyền Mỹ trục xuất khỏi Texas trong vòng 48 giờ sau khi JFK bị ám sát! Phát hiện này chỉ có thể diễn tả được bằng chữ khổng lồ trong lĩnh vực nghiên cứu về vụ ám sát, và chắc ai cũng nghĩ rằng tất cả những nhà nghiên cứu về JFK sẽ nhảy bổ vào sự kiện này, khảo sát nó đến mọi mức độ mà con người có thể với tới, và rồi đưa tầm quan trọng chấn động của nó vào công trình của họ.
Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Thực vậy, điều đó cực kỳ choáng váng đối với chúng ta. Nói thực, chúng tôi chưa đọc hết hàng trăm cuốn sách đã viết về vụ ám sát JFK nhưng chúng tôi đã đọc phần lớn trong đó, và không cuốn nào chú ý lắm tới sự tồn tại của 632-796 và nhân vật Jean Rene Souetre. Thực vậy, những tác giả lớn trong lĩnh vực này hình như đã gạt hẳn sự kiện này ra ngoài, hoặc nếu như họ có nhắc tới thì cũng xem như một ý tưởng muộn màng không liên quan lắm. Chẳng hạn, tác phẩm 640 trang của Summers chỉ nhắc tới vụ trục xuất Souetre và 632-796 trong một cước chú ngắn(104) [(Summer)]. Cuốn Reasonable Doubt của Henry Hurt có chưa tới 6 trang cho dữ kiện này, và tác giả không hề sử dụng tới nó trong giả thiết của mình trong 555 trang còn lại. Về những tác phẩm gần đây hơn, chúng tôi thấy trong Plausible Denial (“Lời phủ nhận đáng tin”) của Mark Lane, The Killing of a President (“Vụ giết một tổng thống”) của Robert Gordon và JFK của Đại tá Prouty không có gì đáng kể về 632-796; và trong phim JFK của Oliver Stone dựa theo sách của Prouty cũng không thấy nói gì tới những tiết lộ của 632-796. Trong tác phẩm xuất sắc The Search for Lee Harvey Oswald (“Cuộc truy tìm Lee Harvey Oswald”) của Groden, tác giả có đưa hai ảnh chụp và một câu về Souetre ở trang cuối của cuốn sách nhưng tuyệt không nói gì về tầm quan trọng của thông tin này.
Thật kỳ lạ. Rõ ràng là rất nhiều tác giả đã kiếm được nhiều triệu đô la bằng việc viết sách về vụ ám sát JFK, và cũng rõ ràng rằng rất nhiều nhà phê bình đã phê phán rằng nhiều tác giả trong cái gọi là “cộng đồng nghiên cứu JFK” đã bỏ hai chục năm qua để dựng nên những giả thiết của họ, và bỏ qua những giả thiết của người khác chỉ vì muốn duy trì sự nghiệp béo bở của mình. Chúng tôi không muốn đưa ra điều gì đại loại như vậy (chúng tôi thích tất cả những sách đó, và chúng tôi thấy những giả thiết của họ là những bộ phận quan trọng của đại kỳ án này). Còn bây giờ, đầu thiên niên kỷ mới, vụ ám sát Kennedy đã trở thành một đề tài bất tử, một cuộc trao đổi các ý nghĩ, ý kiến và cách diễn đạt, và chúng tôi chào đón sự minh chứng cho tự do ngôn luận này của chúng ta. Hơn nữa, chúng tôi rất phấn khởi trước sự đóng góp thêm thông tin mới của bất kỳ tác giả nào vào vụ kỳ án nhức nhối này.
Tuy nhiên, một cách đáng tiếc, hình như chẳng có điều gì thực sự mới mẻ về đề tài này được viết ra trong thời gian gần đây. Thay vào đó hình như lại có hàng chục hàng chục cuốn sách xuất bản trong mấy thập niên qua chỉ nói đi nói lại một chuyện, có điều bằng những lời lẽ khác nhau. Tác giả này sử dụng những công trình khác để chế biến giả thuyết căn bản thành một cái gì đó có thể gọi là giả thiết của mình. Nhưng với 632-796 – và cả dòng thông tin theo sau đó về nhân vật Souetre – một điều rất mới mẽ đã được tiêm vào cuộc nghiên cứu ở đề tài này, vậy mà có vẻ như nó đã bị bác bỏ.
Câu hỏi hiển nhiên nhất mà tất cả chúng ta có thể nêu lên là : Tại sao?
Một cách trả lời có thể là: các chuyên gia trong lĩnh vực này cảm thấy rằng 632-796 và những nội dung của nó thì chẳng có gì đặc biệt quan trọng. Câu trả lời của chúng tôi là: Làm sao mà chuyện một tay ám sát người ngoại quốc bị trục xuất bí mật ra khỏi Dallas hai ngày sau khi JFK chết lại Không quan trọng?!!!
Hoặc còn điều này thì sao? Có lẽ các chuyên gia đó đã không mường tượng ra tầm quan trọng trọn vẹn của 632-796. Có lẽ họ không tin “Souetre” lại có thể dính dáng vào vụ ám sát JFK bởi vì họ không tìm ra những mối liên hệ đáng tin tưởng nào để đề xuất những cách lý giải khác.
Nhưng chúng tôi đã khám phá ra những mối dây liên hệ đó, và bây giờ chúng tôi sẽ phơi bày chúng ra.