watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Vụ Ám Sát Ngô Đình Diệm Và J.F.Kennedy-NHỮNG ĐIỀU LỤN VỤT VÀ LẶT VẶT - tác giả Bradley S. O'Leary & Edward Lee Bradley S. O'Leary & Edward Lee

Bradley S. O'Leary & Edward Lee

NHỮNG ĐIỀU LỤN VỤT VÀ LẶT VẶT

Tác giả: Bradley S. O'Leary & Edward Lee

“Bộ não (Kennedy) đã được giao cho
Phó Đô đốc Burkley trong một cái xô …”
- BÁC SĨ THORNTON BOSWELL(172) [(Horne, Douglas ARRB MEMORANDUM FOR FILE: “Questions Regarding Supplementary Brain Examinations Following the Autopsy of President John F.Kennedy”, 28.8.1996 (trích bút lục cuộc phỏng vấn bác sĩ J. Thornton Boswell)]

Trong một lúc – hoặc một đoạn khá dài – ý nghĩ cuối cùng của chương trước và một số phần thuộc các chương khác đã quanh quẩn với những điều vốn không nhất thiết liên quan đến những yếu tố cốt tuỷ của cuốn sách này nhưng vẫn thú vị như thường – những điều mà bạn có lẽ không được biết, và những khía cạnh khác của cuộc tranh luận về việc sát hại JFK mà gần đây đã xuất hiện những tia sáng mới.
Nonsenko và KGB
Từ lâu đã có một lực lượng những người luôn tin rằng Kennedy bị giết trong một âm mưu do Liên Xô và Nikita Khruschev sắp đặt. Cơ sở bằng chứng cho giả thuyết này nằm trong lời tuyên bố rằng công dân Xô-viết vượt tuyến đầy tai tiếng Yuri Nonsenko chẳng phải là kẻ vượt tuyến sang hàng ngũ địch gì cả, mà y chỉ là nhân viên KGB được phái đi để gỡ mối nghi ngờ đối với Moscow quanh vụ ám sát JFK. Những người theo thuyết này cho rằng, Nonsenko trước đây đã tạo dựng uy tín với CIA bằng cách bán cho họ những tin tức tình báo trong khi đang giữ một chức vụ cao trong KGB. Hai tháng sau khi Kennedy bị giết, Nonsenko thông báo với CIA rằng anh ta muốn đảo ngũ và thời điểm đảo ngũ phải là ngay lúc đó vì thượng cấp của anh ta đang nghi ngờ anh ta.
Do đó, CIA chộp ngay lấy anh này.
Điều chủ yếu trong những thông tin mà Nosenko trao cho những người Mỹ đã cứu giúp mình là lời tuyên bố rằng anh ta chính là người giám sát hồ sơ KGB về Lee Harvey Oswald. Anh ta tuyên bố rằng, cho dù KGB có một hồ sơ Oswald, họ chưa hề tỏ ra quan tâm tới tay này khi cần tuyển nhân viên, chưa hề sử dụng tay này trong bất kỳ hoạt động dưới vỏ bọc hay những hoạt động khác, và đã lập tức loại bỏ ông ta ra như một mẫu giấy vụn. Tất cả những điều này khiến CIA suy ra rằng Oswald không liên hệ gì với KGB khi ông ta giết Kennedy và do đó Liên Xô không liên quan gì tới vụ ám sát này(173) [(Benson)].
Tất cả các thông tin trên chủ yếu là đúng sự thật , tuy nhóm theo giả thiết Liên Xô vẫn cho rằng đó là một trò lừa, và thông tin của Nosenko về Oswald thực ra chỉ là thông tin giả, một lời nói dối nhằm làm lạc hướng nghi ngờ đối với Liên Xô. Sau này người ta khám phá ra rằng Nosenko đã nói dối vài điều quanh vai trò của anh ta trong KGB, và nhóm theo giả thuyết Liên Xô tin rằng nếu anh ta đã nói dối về những điều đó thì anh ta cũng nói dối về chuyện KGB chẳng quan tâm gì tới Oswald, có nghĩa là Oswald đã giết Kennedy như một phần trong âm mưu của Khruschev/ Liên Xô.
Từ 1995, một số những hồ sơ của chính phủ Mỹ đã được giải mật và công bố toàn văn, và tài liệu nhiều tiết lộ nhất trong số đó cho chúng ta biết rằng Liên Xô đã trao toàn bộ hồ sơ KGB về Oswald cho chính phủ Mỹ hai ngày sau vụ ám sát – Đại sứ Liên Xô Anatoli Dobynin đã đích thân trao hồ sơ này cho Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk ngay sau đám tang của JFK. Và đoán thử coi có chuyện gì? Thông tin trong hồ sơ đó tiết lộ hầu như cùng những điều mà Nosenko đã nói với CIA mấy tháng trước đó. Như thế, khi Nosenko kể rằng KGB không hề quan tâm tới Oswald và đã loại bỏ ông này như một mẩu giấy vụn thì ông ta đã nói thật. Kể từ đó, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, nhiều quan chức cao cấp của KGB cũng đã xác định tương tự.
Đại tá Oleg Maximovich Nechphrenko, thành viên của Ban giám đốc thứ nhất của KGB, trong tác phẩm Passport to Assassination, trích dẫn một thông tin của chính Giám đốc KG Vladimir Semichastny, trong đó Giám đốc xác nhận KGB không quan tâm gì tới Oswald(174) [(Nechiphrenko, Oleg Maximovich, Passport to Assassination (Birch Lane Press, 1993)]. Vào tháng 10.1998, một nhân vật lớn khác của KGB, Oleg Kalugin đã xác nhận thêm về điều đó. Khi xảy ra vụ ám sát Kennedy, Kalugin đang làm việc cho KGB dưới vỏ bọc một sinh viên tại Đại học Columbia, và ông ta chứng thực rằng Nosenko đã nói dối một số điều quanh địa vị của anh ta nhưng quả thực anh ta có phụ trách hồ sơ của KGB về Oswald, và quả Oswald đã bị gạt qua một bên vì không sử dụng được cho bất kỳ lợi ích nào của KGB. Lý do chính để KGB theo dõi Oswald là nhằm xác định xem ông ta có phải điệp viên được cài qua phía địch hay không(175) [(Phỏng vấn Kalugin, từ phim video The Secret KGB/JFK Assassination Files (1998), Associated Television)]. Không ai tranh luận chuyện KGB theo dõi Oswald vì lý do muốn tìm khả năng chiêu mộ khi ông ta sang Liên Xô lần đầu, nhưng bây giờ chúng ta cũng biết rằng ông ta đã mau chóng bị KGB loại bỏ và xem như vô dụng khi KGB xem ông ta như một “tay loạn thần kinh không trung thành với tổ quốc của mình và mọi thứ khác…”(176) [(Tài liệu FBI 124-10144-10086, tài liệu CIA 62-109060-4321, ngày 1.12.1966; tr 4, giải mật ngày 15.8.1995)].
Trong tài liệu đặc biệt này (Hồ sơ lưu FBI số 124-10144-10086, nếu như bạn không thích lật tới phần chú thích ở cuối sách), chúng ta cũng biết tìm hiểu thêm được vài điều chứng tỏ rằng Liên Xô không dính dáng vào vụ ám sát JFK. Thực vậy, họ đã rất lo lắng Mỹ có thể nghi ngờ họ có thông đồng dự mưu (cả Mỹ lẫn Liên Xô đều đã đặt quân đội vào tình trạng báo động vài giờ sau khi JFK chết)(177) [(Tài liệu dẫn trên, tr 1; và Tài liệu Nhà Trắng, 4.12.1963, Memorandum For Bromely Smith, về: “Changes in defense Readiness Conditions as a Result of the Assassination of President Kennedy”; O.S.Hallet ký, giải mật ngày 7.4.1998 với số hiệu JFK 177-10001-10000)]. Quả là Liên Xô đã lo ngại một sự hiểu lầm có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân đến nỗi họ đã tiến hành một cuộc điều tra riêng(178) [(Tài liệu FBI 124-10144-10086, tài liệu CIA 62-109060-4321, ngày 1.12.1966)], thứ nhất, để bảo đảm rằng không có “tổ hành động” nào của KGB có dính dáng vào vụ này, và thứ nhì, để xác định, nếu có thể được, chính xác điều gì đã xảy ra tại Dallas vào ngày 22 tháng 11 đó.
Chúng ta đã nghe nói rất nhiều lần về tài liệu nói rằng sau cái chết của JFK, các tay súng FBI đã nhiều lần cố gắng tái hiện lại kỹ năng thao tác bắn mà Oswald phải có để làm được công việc ấy nếu ông ta là tay súng duy nhất – và những tay thiện xạ FBI đó đã không làm được. KGB và những quân nhân thiện xạ tại Liên Xô cũng thực hành bài kiểm tra ấy và cũng thất bại như vậy(179) [(The KGB/Oswald Files, phim tài liệu video (Associated Television) tháng 11.1998)]. Kết luận của họ là gì?
Nó cũng giống như kết luận của hầu hết mọi người ngày nay thôi.
Đại táBoris Ivanov, giám đốc văn phòng KGB tại New York – và là một trong những người đã ra lệnh tiến hành những điều tra ban đầu của KGB – kết luận rằng “cái chết của Kennedy hiển nhiên đã được dàn xếp bởi một nhóm có tổ chức lớn hơn là hành động giết người của một cá nhân đơn lẻ”(180) [(Tài liệu FBI 124-10144-10086, tài liệu CIA 62-109060-4321, ngày 1.12.1966)].
Chúng ta có hàm ý rằng KGB là một nhóm những tay cự phách không? Dĩ nhiên là không. Nhưng trong một ghi chú cuối cùng, hồ sơ này cho chúng ta thấy lý do đích thực cho “cú sốc” của Nga trước cái chết của Kennedy. “Liên Xô có lẽ thích có Kennedy đứng đầu chính phủ Mỹ hơn” bởi vì ông ta có “sự hiểu biết lẫn nhau với Liên Xô, và đã cố hết sức để cải thiện những quan hêcủa Kennedy. “Liên Xô có lẽ thích có Kennedy đứng đầu chính phủ Mỹ hơn” bởi vì ông ta có “sự hiểu biết lẫn nhau với Liên Xô, và đã cố hết sức để cải thiện những quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô”(181) [(Tài liệu dẫn trên)]. Nói cách khác, Liên Xô rất muốn JFK tiếp tục nắm quyền bởi vì ít nhất họ cũng biết JFK xuất phát từ quan điểm gì và thậm chí còn ký một hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân với Liên Xô. Người mà Liên Xô ưu tư nhất lại là vị kế nhiệm Kennedy, Lyndon Johnson. Nikolai Fedorenko, đại diện thường trực trong Phái bộ Liên Xô tại Liên hiệp quốc, có nói rằng “Chính phủ Liên Xô không biết hoặc biết rất ít về Tổng thống Lyndon Johnson và do đó, chính phủ Liên Xô không biết Tổng thống Johnson trong tương lai sẽ có chính sách nào đối với Liên Xô”(182) [(Tài liệu dẫn trên)].
Johnson, tân tổng thống, sau khi Kennedy chết, đã trở thành ưu tư lớn nhất của Liên Xô; Johnson là một ẩn số chính trị vì họ không biết chút gì về ông ta. Thực vậy, chính Ivanov là người sau này đã chỉ thị KGB làm một cuộc điều tra rốt ráo về Johnson!(183) [(Tài liệu dẫn trên)].
Dù sao đi nữa, chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ xoá được một số những luận điểm sai lầm hiện diện trong các giả thuyết qui kết về Liên Xô/ Khrushchev/ KGB.
Tấm Chắn Sáng Và Cây Vĩ Cầm: Tài Thiện Xạ
Của Oswald
Để so sánh, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn là những người như Michael Mertz và Jean Souetre là những tay sát nhân thiện nghệ, cả hai đều có tay nghề được hình thành và rèn luyện trong chiến đấu thực sự. Mertz từng được thưởng anh dũng bội tinh trong Thế chiến 2 khi phục vụ trong lực lượng Pháp kháng chiến, một lực lượng bán quân sự với những tay bắn tỉa xuất chúng thường ám sát các sĩ quan Đức và chính khách trong chính phủ Vichy. Và mặc dù chiến đấu vì một mục tiêu hoàn toàn khác hẳn, OAS về mặt hoạt động vẫn tương tự như lực lượng Pháp kháng chiến ở chỗ nó cũng hoạt động ngầm, và cũng thường sử dụng những tay bắn tỉa tầm xa để ám sát kẻ thù.
Nhưng còn Lee Harvey Oswald?
So với những người như Mertz và Souetre, Oswald chỉ là một thứ tay mơ. Y chưa từng tham dự cuộc chiến nào, chưa từng kinh nghiệm trận mạc, chưa từng xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào khi là lính thuỷ quân lục chiến, thường bị những bạn lính khác chế giễu, thường xuyên bị phạt và ra toà án binh vì bất cẩn hoặc sai phạm kỷ luật, và bị cho giải ngũ sớm hai năm vì một lý do không ai muốn có(184) [(Benson)]. Nói cách khác, Oswald hoàn toàn thất bại trong vai trò một thủy quân lục chiến Mỹ – đơn giản là y chẳng làm gì ra trò.
Tuy nhiên, nhiều tài liệu về vụ ám sát JFK đã khiến độc giả tin rằng Oswald là một tay súng trường thiện xạ. Gerald Posner chẳng hạn, nói với chúng ta rằng vào tháng 12.1956, Oswald bắn súng đạt “212 điểm, hai điểm cao hơn mức yêu cầu đối với loại ‘thiện xạ’, bậc xếp loại cao thứ nhì trong lực lượng Thuỷ quân lục chiến”. Và vào tháng 5.1959, Oswald “cố gắng đạt được 191 điểm, vừa đủ để được xếp loại ‘bắn giỏi’”(185) [(Posner, Case Closed)].
Thiện xạ! Bắn giỏi! Những tên gọi ấy rõ ràng được dùng để chỉ chuyên gia sử dụng vũ khí, đúng không?
Không, tuyệt đối không, nhất là trong chuyện Oswald được huấn luyện tác xạ trong quân đội.
Sự thật, Oswald chưa bao giờ vượt qua kiểm tra bắn súng trường với số điểm cao trong Thuỷ quân lục chiến; sự thực, mức chính xác của y giảm dần theo thời gian(186) [(Fetzer)]. Sự thực, trong lần bắn kiểm tra cuối cùng của Oswald trong Thuỷ quân lục chiến, kết quả bắn của y tệ đến độ chỉ cao hơn mức điểm liệt được một điểm(187) [(Warren Commisison Report (“Báo cáo Warren”)].
Ơû đây chúng ta gặp vấn đề về thuật ngữ chuyên môn, hoặc sự chỉ rõ và hàm ý. Nhiều nhà nghiên cứu về JFK biết điều này nhưng không bao giờ đề cập tới vì muốn bảo vệ những giả thiết đang hái ra tiền của mình. Có một sự khác biệt rất lớn giữa thuật ngữ “bắn giỏi” (marksman) trong quân đội với “bắn giỏi” trong ngôn ngữ thông thường. Những nhà nghiên cứu ủng hộ Uỷ ban Warren đã cố tình và nhất quán không cho độc giả biết rằng tuy Oswald đạt loại “bắn giỏi” theo thuật ngữ quân sự, nhưng thực ra “bắn giỏi” là tiêu chuẩn THẤP NHẤT trong quân đội. Trong quân đội Mỹ, nếu bạn không đạt loại “marksman” trong môn huấn luyện súng trường cơ bản, bạn sẽ bị rớt. Hoặc bạn sẽ bị đưa ra khỏi quân đội hoặc bạn phải học lại. Hãy xem một thí dụ khác cho rõ hơn. Khi đồng tác giả Lee của sách này còn trong quân đội, ông ta được chứng nhận đạt loại “chuyên gia” (expert) với súng M1911Á 12 ly (một đẳng cấp trên trung bình trong quân đội) và đạt loại “thiện xạ” với súng M-16 (một đẳng cấp trung bình theo tiêu chuẩn quân đội). Ông Lee nói, “Về mặt kỹ thuật, kết quả lần bắn súng trường tệ nhất của tôi thì cũng cao hơn lần bắn tốt nhất của Oswald tới vài ba điểm. Và đó là những mục tiêu cố định, chứ không phải di động. Nhưng tôi có thể nói với ông rằng với một vũ khí tốt hơn khẩu Mannlicher- Carcano, ngay cả với một khẩu súng trường bán tự động thay vì một khẩu bắn từng phát, thì cũng không có cách nào mà tôi bắn trúng đầu một người ngồi trên xe đang chạy ở cùng cự ly đó. Không một ai với tài bắn cỡ tôi hay Oswald lại làm được chuyện đó”.
Vậy mà có nhiều tác giả tiếp tục bóp méo sự thực cho hợp với các giả thuyết của họ. Thực vậy, Oswald đạt loại thiện xạ theo thuật ngữ quân đội, rồi Posner nói với độc giả của ông ta rằng đây là “bậc xếp loại cao thứ nhì trong lực lượng Thuỷ quân lục chiến”. Bậc cao thứ nhì nghe cũng khá cao chứ, phải không? Nhưng chính điều Posner không nói với độc giả mới là điều làm phiền chúng ta. Trong quân đội Mỹ, chỉ có ba bậc xếp loại, marksman (bắn giỏi) là bậc thấp nhất, sharpshooter (thiện xạ) là bậc trung bình, và expert (chuyên gia) là bậc cao nhất. Phải, Posner nói với độc giả của ông ta rằng “sharpshooter” là bậc xếp loại hạng nhì trong thi bắn súng của Thuỷ quân lục chiến, như ông ta đã che dấu khi không nói với độc giả rằng đây chỉ là bậc nhì trong ba bậc. Nên “sharpshooter” ở đây chỉ có nghĩa là “trung bình”.
Rồi Posner cũng nói với chúng ta rằng việc đạt loại “sharpshooter” này “cho thấy ở tư thế đứng, ông ta {Oswald}có thể bắn trúng tâm điểm có đường kính 10 inch (cỡ 25cm) ở cự ly 200 thước, mười lần trúng tám”(188) [(Posner, Case Closed)], và ông ta nêu nhận định này dựa trên chứng thực của Uỷ ban Warren(189) [(Posner, Case Closed)], cái bộ phận điều tra đã bị nghi là nói dối suốt ba thập niên qua!
Sau cùng, lời chứng của Uỷ ban Warren chỉ là ý kiến của một người và chúng tôi không xác tín ý kiến đó. Để làm như thế, chúng tôi sẽ trưng dẫn một ý kiến không liên quan đến Uỷ ban Warren tai tiếng đó và ý kiến này gần đây hơn thông tin trên từ 1964. Trong một buổi phỏng vấn Randy Martin, cựu binh chiến tranh Việt Nam và là chuyên gia bắn tỉa, vào tháng 12.1998, ông này đã nói với chúng tôi rằng ông ta đã trải qua huấn luyện tác xạ căn bản y như Oswald trước khi vào trường huấn luyện bắn tỉa (là chuyên gia bắn tỉa trên mặt trận, ông ta đã mười lần hạ gọn mục tiêu ở tầm xa trên trận địa) “tám lần trong 10 lần bắn trúng một mục tiêu 25cm cố định ở cự ly tối thiểu 200 thước là vượt xa tiêu chuẩn của một sharpshooter, cho dù không bị giới hạn về thời gian. Trong huấn luyện tác xạ của quân đội, các điểm số của Oswald cho thấy đó là một tay không có khả năng chọi cây đàn violon trúng vào tấm chắn sáng trước cái đèn rọi sân khấu nữa”(190) [(Phỏng vấn “Randy Martin”, 1.12.1998. Người được phỏng vấn yêu cầu không nêu rõ tên thật vì anh ta làm lính bắn tỉa hồi ở Việt Nam)].
Dĩ nhiên, đến đây, rõ ràng ta phải thừa nhận chuyện phát súng giết chết Kennedy và làm bị thương John Connally không thể là công trình một xạ thủ loại “trung bình”.
Và cũng không cần phải nhắc lại rằng, vào năm 1964, những tay bắn tỉa của FBI cũng không thực hiện nỗi công trình tác xạ mà Posner và các tác giả khác cứ nói với chúng ta là Oswald đã làm được(191) [(Summers)]. Nếu một số tay bắn tỉa loại giỏi nhất của FBI còn không làm nổi, thì làm sao Oswald – tối đa cũng chỉ là xạ thủ trung bình – thực hiện được?
Hơn nữa, còn có khẩu súng trường hung khí mà người ta cho rằng Oswald đã dùng để thực hiện được một chiến công bắn tỉa vượt ngoài khả năng của y.
Khẩu Mannlicher – Carcano 6,5 là một khẩu carbine, không phải súng trường của dân bắn tỉa. Nó là thứ vũ khí nhẹ của bộ binh với nòng ngắn được thiết kế cho tầm bắn ngắn, dễ kiểm soát trên trận địa. Sự thực, khẩu súng trường cảnh sát thu hồi được từ tầng sáu của kho sách giáo khoa là một loại vũ khí đã bị rút khỏi sử dụng cho quân đội từ năm 1918 vì cỡ nòng 6,5 ly của nó được coi như không thoả đáp được những mụch đích chiến trận hiện đại(192) [(Hogg, Ian và Rob Adam, Jane’s Guns Recognition Guide (Harper & Collins, 1996)] (mà năm 1918 thì hiện đại cỡ nào?) Nói một cách đơn giản, thứ vũ khí này không được thiết kế để dùng làm súng bắn tỉa, giống như lý do khiến súng carbine M-1 không được thiết kế làm súng bắn tỉa. Nếu Lee Harvey Oswald muốn giết JFK thì y có thể dễ dàng kiếm được cả chục thứ vũ khí hữu hiệu khác. Chuyện Oswald dùng khẩu Mannlicher – Carcano để giết Kennedy thì cũng khác chi chuyện dùng cái muỗng để đào huyệt hoặc lợp mái nhà bằng những tấm bìa carton. Làm thế không được.
Oswald, vào năm 1963, hẳn có thể mua nhiều loại súng trường chính xác hơn tại các cửa hàng ở Dallas với giá cũng không đắt hơn. Thay vào đó, những người ủng hộ Uỷ ban Warren lại nói với chúng ta rằng Oswald đã đặt mua bằng thư một loại vũ khí xoàng cho công việc này trong khi y có thể đi bộ tới một tiệm bán súng gần nhất và mua một khẩu tốt hơn nhiều. Posner và Uỷ ban Warren hy vọng chúng ta sẽ tin rằng Oswald sẵn sàng chọn một cái xẻng để làm công việc của một xe xúc đất. Đó là chưa kể tới lời chứng khác cho rằng khẩu Mannlicher – Carcano tìm được trong kho sách đã bị lắp ráp sai, cơ bấm không đúng chỗ và không được thiết kế để dùng với ống ngắm. Sự thực, các chuyên gia trong quân đội khẳng định rằng sử dụng một ống ngắm với loại vũ khí này sẽ làm cho nó kém chính xác hơn trong điều kiện tác xạ tại quảng trường Dealey, bởi vì súng này sau khi bắn một phát, phải kéo cơ bẩm để chuẩn bị cho phát kế tiếp, và khi làm như thế thì ống nhắm không còn nhắm vào mục tiêu nữa(193) [(Summers)]. Điều này chỉ làm đổ thêm dầu cho một ngọn lữa đã cháy gần 40 năm nay rồi. Rõ ràng Lee Harvey Oswald không có tài thiện xạ cũng như vũ khí thích hợp để làm được điều mà Uỷ ban Warren và các tác giả theo thuyết tay súng đơn độc cố gắng chứng minh.
Bộ Não Của Tổng Thống Đã Thất Lạc
Trong bảng dẫn phương pháp luận trị giá 8 triệu đô la vốn chẳng xác định cụ thể hồ sơ nào, hay các mã hồ sơ mà công chúng cần biết, Tiểu ban tái thẩm các hồ sơ về vụ ám sát ít nhất cũng làm được chuyện công bố rất nhiều hồ sơ mới về vụ JFK – chính việc tìm ra những hồ sơ này mới là chuyện gay go. Tuy nhiên, Gerald Posner (tác giả cuốn Case Closed – “Vụ án đã khép lại” – gây nhiều tranh cãi) hiển nhiên cũng đã tìm ra một số hồ sơ, trong đó đặc biệt có một hồ sơ ghi bằng chứng liên quan đến vụ kỳ án đã làm nát óc công chúng suốt 35 năm qua. Khi các bác sĩ khám nghiệm thi thể JFK tại Phòng cấp cứu I của Bệnh viện Parkland ở Dallas, họ đã báo cáo rằng từ 1/5 đến 1/4 bộ não của Kennedy đã bị viên đạn bắn văng ra khỏi đầu ông ta. Do đó, phần lớn bộ não này vẫn còn nằm trong sọ ông ta khi thi thể ông được đem đi khỏi Dallas. Nhưng khi thi thể này tới bệnh viện Hải quân Bethesda, điều đầu tiên mà nhiều nhân chứng nhận thấy là bộ não của JFK đã biến mất. Cái sọ rỗng không trong khi vài giờ trước đó nó còn chứa ít nhất 75% bộ não của ông ta(194) [(Tuy vấn đề bộ não mất tích của JFK đã được nhiều tác phẩm xuất sắc tường thuật, nhưng chúng tôi thấy nó được trình bày rõ nhất là trong phim video của Nigel Turner: The Men Who Kill Kennedy)]. Nhưng bây giờ, nhờ nỗ lực tận tình của Tiểu ban tái thẩm các hồ sơ về vụ ám sát vốn nuốt sạch 8 triệu đô la tiền của dân đóng thuế, chúng ta sau cùng cũng biết được điều gì đã xảy ra cho bộ não Kennedy.
Chúng ta biết được không?
Trong bài báo trên Newsweek tháng 10.1998, Gerald Posner viết: “Tiểu ban có vẻ như đã giải quyết được một trong những bí ẩn kinh hoàng của vụ ám sát này”, rồi ông nói với chúng ta rằng Tiểu ban tái thẩm đã tìm được một bằng chứng cho thấy một trong những bác sĩ trong vụ này, Phó Đô đốc George Burkley, đã mang bộ não của Kennedy ra khỏi bệnh viện Bethesda trong một cái xô(195) [(Posner, “Cracks in the Wall of Silence”, Newsweek, 4.10.1998)]. Tại sao Đô đốc Burkley làm như thế?
Để giao bộ não đó cho Robert Kennedy, Posner nói như thế, nhưng sau đó ông ta nói rằng người ta chưa xác định được hiện bộ não đang ở đâu và “được coi như” là đã an táng chung với thi thể JFK. Thực tế, ông Posner hoàn toàn không chính xác khi nói rằng điều bí ẩn này đã được giải quyết. Tất cả những gì chúng ta biết hiện nay là người nào đã mang bộ não Kennedy đi, và chúng ta chỉ có thể “coi như” nó được chôn chung với thi hài. Thế này thì khó mà giải quyết được bất kỳ cái gì.
Phó Đô đốc Burkley bây giờ thì đã chết, nhưng nếu như ông ta còn sống, thì hoàn toàn có thể truy tố ông ta về tội cản trở công lý và giấu diếm bằng chứng quan trọng của một vụ sát nhân tày trời. Việc khám nghiệm đạn đạo và tế bào của bộ não có thể chứng minh viên đạn gây tử vong đã xuất phát từ hướng nào và hơn nữa còn làm sáng tỏ vấn đề vẫn còn tranh luận hiện nay là liệu Oswald có phải là tay súng duy nhất trong Kho sách giáo khoa Texas hay còn có những tay súng khác đã bắn vào Kennedy (hoặc chuyện phải chăng Oswald chẳng dính líu gì vào vụ này). Đây là bằng chứng khá quan trọng đáng để bỏ vào một cái xô và mang đi khơi khơi vào quên lãng bởi một tay đô đốc nào đó.
Một mô tả rõ hơn về các sự kiện quanh bộ não của JFK có thể tìm thấy trong cuốn Live by the Sword (“Sống nhờ lưỡi kiếm”) in năm 1998 của Gus Russo. Trong tác phẩm nghiên cứu kỹ lưỡng này, Russo đã truy xét việc lưu giữ bộ não của tổng thống cặn kẽ hơn bất cứ tác phẩm nào khác đã viết về đề tài này. Russo khẳng định rằng bộ não đã được giao cho Phó Đô đốc Burkley, ông này đem gởi vào một hầm của Cục mật vụ, giao cho Cục này chăm sóc. Bộ não, lúc đó được bảo quản trong một cái bình, nằm trong hầm ấy khoảng hai năm rưỡi cho đến khi Robert Kennedy chỉ thị cho Burkley giao nó cho thư ký của Kennedy là Evelyn Lincoln. Robert Kennedy nhất quyết đòi nắm được bộ não và những hồ sơ khám nghiệm tử thi “bước đầu”, không một thứ nào được công bố để nghiên cứu mà không có văn bản cho phép.
Từ đó, “tài liệu bước đầu” này được cất kỹ, và về mặt chính thức ta vẫn không biết cụ thể chuyện gì đã xảy ra với chúng sau đó. Nhiều người trực tiếp liên quan đến những tài liệu ấy đã không hở môi điều gì với Russo khi ông ta phỏng vấn họ(196) [(Russo, Guy, Live by the Sword (Bancroft Press, 1998)].
Thế bộ não ấy ở đâu?
Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ biết được, và hầu hết những người có biết (như Robert Kennedy, Evelyn Lincoln và Phó Đô đốc chôm não George Burkley) cũng sẽ không nói gì với chúng ta cả vì tất cả bọn họ đã chết.
Nhưng giống như vô số những câu hỏi khác liên quan đến vụ ám sát Kennedy, câu hỏi về chuyện gì đã xảy ra với bộ não của ông ta sẽ là một vấn đề luôn được nêu ra.
Và câu hỏi này, vào cuối thập niên 1990, đã phanh phui nhiều thông tin hơn về một trò dấu giếm của chính phủ. Sau đây là mấy điều có thể bạn chưa biết:
Không phải một, mà có hai bộ não đã được khám nghiệm…
Câu Chuyện Hai Bộ Não…
Và Hai Báo Cáo Khám Nghiệm Tử Thi
Các nhà phản bác hài lòng rằng không có ai quan tâm đến vụ ám sát Kennedy nữa. Oà, phải? Nếu vậy, tại sao lại có ồ ạt nhiều bài báo mang tính phát giác vào cuối năm 1998?
Ta hãy nêu một bài trên Washington Post số ra ngày 10.11.1998. Tựa đề bài báo là:
ẢNH CHỤP LƯU TRONG VĂN KHỐ KHÔNG PHẢI NÃO CỦA JFK
TRỢ LÝ CỦA UỶ BAN TÁI THẨM KẾT LUẬN
Rồi bài báo giải thích làm sao một trong những nhà nghiên cứu của Tiểu ban tái thẩm hồ sơ về vụ ám sát truy ra được bằng chứng cho thấy rằng đã có hai bộ não khác nhau được khám nghiệm trong vụ khám nghiệm tử thi JFK. Hai bộ não à? Làm sao có chuyện ấy được?
Sự thực, chuyên viên phân tích của Tiểu ban tái thẩm hồ sơ về vụ ám sát đã nói trong bài báo Washington Post này rằng, “Tôi chắc từ 90% đến 95% là các ảnh chụp lưu trong Văn khố không phải ảnh chụp bộ não của Tổng thống Kennedy”(197) [(Lardner, George Jr., The Washington Post, “Archive Photos Not of JFK’s Brain, Concludes Aide to Review Board”, 10.11.1998)].
Lời tuyên bố này, và thông tin gây chấn động trong bài báo, được dựa trên sự phân tích của chuyên viên này đối với lời chứng của mấy bác sĩ đã tham gia khám nghiệm bộ não (hay các bộ não) của JFK, một thợ chụp hình của hải quân, và cả một nhân viên FBI nữa, tất cả là từ những tàn dư bằng chứng đã bị giấu nhẹm hơn 35 năm qua.
Chúng tôi đã giải thích rằng Tiểu ban tái thẩm hồ sơ về vụ ám sát không có nhiệm vụ chuyên tìm kiếm những hồ sơ có liên quan đến JFK mà chúng có thể đem lại manh mối mới về vụ ám sát. Tiểu ban chỉ được giao việc xem xét công bố các hồ sơ có liên quan đến JFK trong một thời biểu cụ thể. Và các tác giả của sách này đã nhận định về đủ mặt của Tiểu ban đó rồi. Những nhận định phê phán đó không hề mang tính cá nhân; Tiểu ban không có lỗi khi khả năng truy tìm sự kiện của họ bị cản trở vì guồng máy quan liêu và một mớ bòng bong những chỉ thị.
Nhưng ít nhất cũng có một thành viên trong Tiểu ban cần được tuyên dương, đó là Douglas Horne, Phân tích trưởng về hồ sơ quân đội thuộc Tiểu ban này, và chính những phát hiện của ông ta đã được tường thuật trong bài báo Washington Post hồi cuối năm 1998 nói trên.
Horne, sau khi có được những phát hiện trong khi làm nhiệm vụ khảo sát với Tiểu ban, đã viết một tường trình 30 trang mô tả chi tiết khả năng có tới hai bộ não khác nhau đã được khám nghiệm bởi các bác sĩ sau khi JFK chết. Một trong hai bộ não ấy là của Kennedy.
Bộ còn lại là thứ đánh tráo.
Sau đây là một mẫu thú vị trong những điều mà Horne viết trong bản tường trình:
“Một cuộc tái thẩm các hồ sơ của Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát, cộng với các nỗ lực của Tiểu ban tái thẩm hồ sơ về vụ ám sát để làm sáng tỏ hồ sơ khám nghiệm tử thi JFK… đã phát hiện một kiểu bằng chứng giàu chi tiết cho thấy rằng có thể có hai bộ não đã được khám nghiệm sau khi kết thúc khám nghiệm tử thi JFK… Các hàm ý về hai sự kiện như vậy đã xảy ra (và đặc biệt, theo một cách thức mà một trong hai khám nghiệm hẳn là dành cho một bộ não không phải của Tổng thống Kennedy nhưng đã được cố tình đưa ra như là của ông ấy) là có tầm quan trọng hiển nhiên, và khó mà cường điệu được”.
Bạn không đùa chuyện nó khó mà cường điệu được. Những gì Horse đưa ra là khoảng một tuần sau khi chôn Kennedy, một cuộc khám nghiệm thứ nhì cho bộ não của ông ta đã được tiền hành.
Làm sao có thể như vậy được?
Qua nghiên cứu và điều tra cực nhọc, Horne xác quyết rằng bộ não của Kennedy ban đầu đã được các bác sĩ khám nghiệm ngay ngày JFK chết, rồi nó được khám nghiệm lại vào sáng thứ hai, 25.11.1963, sau đó bộ não lập tức được giao cho Phó Đô đốc Burkley, theo yêu cầu chính thức của Burkley.
Aùi chà, từ ngày 27 tháng 11 đến 2 tháng 12, một bộ não khác – được nói là của JFK – đã được khám nghiệm. Nhưng bộ não này, theo các nhân chứng, là cái khác. Bộ não thứ nhất bị cắt xẻ, còn bộ não thứ hai thì không. Và bộ não thứ hai – rõ ràng không phải của JFK – là bộ với các kết quả khám nghiệm được báo cáo cho Uỷ ban Warren!
Làm sao bộ não thứ nhất “có cắt xẻ” được khám nghiệm ngày 25 tháng 11 và rồi được khám nghiệm lại một tuần sau đó và trong tình trạng “không bị cắt xẻ”? (“Bị cắt xẻ”, trong trường hợp này, là nói về một bộ não đã bị phẫu thuật cắt lát ra như một tảng thịt)
Tại sao? Horne đã xuất sắc đưa ra câu trả lời hiển nhiên nhất:
“Động cơ có thể tin được nhất của việc tiến hành khám nghiệm não lần hai (“trễ”) hẳn là để ém nhẹm bản chất thực của vết thương trên đầu Tổng thống bằng cách ghi vào hồ sơ một kiểu vết thương khác (trên một mẫu khám nghiệm khác)…”
và hơn nữa, thông tin này:
“… hàm ý rõ ràng rằng các ảnh chụp bộ não trong Văn khố không phải là những ảnh chụp bộ não của Tổng thống John F.Kennedy(198) [(Horne, Douglas ARRB MEMORANDUM FOR FILE: “Questions Regarding Supplementary Brain Examinations Following the Autopsy of President John F.Kennedy”, 28.8.1996)]”.
Thế là đủ, phải không? Khả năng rõ ràng là bộ não của ai đó đã được xét nghiệm để dùng trong công bố chính thức của chính phủ về cái chết của Kennedy, và những ảnh chụp bộ não JFK lưu trong Văn khố là đồ ngụy tạo?
Bạn tin đó là âm mưu chưa?
Horne không phải một kẻ kỳ quái hay một nhà nghiên cứu JFK bình thường nào đó – ông ta là nhà phân tích chuyên nghiệp làm cho chính phủ. Và bản tường trình ông viết về những khám nghiệm “chính thức” hai bộ não khác nhau được dựa trên sự phân tích chuyên môn, khách quan và tập trung cao độ các lời khai, các phỏng vấn nhân chứng và những sự kiện rõ ràng.
Nhưng đây chưa phải thông tin duy nhất mà nghiên cứu của Horne mang lại. Trong một tờ trình khác ông ta viết dựa trên những phát hiện của mình gửi cho Tiểu ban tái thẩm những hồ sơ về vụ ám sát, Horne đã mô tả cái khả năng tương tự rằng không chỉ có hai bộ não được khám nghiệm, mà có thể đã có hai báo cáo khám nghiệm tử thi khác nhau đã được soạn ra. Nên ở đây, để tránh làm cho cuốn sách này bị sa lầy vào các chi tiết, chúng tôi sẽ làm một tham khảo nhanh như sau:
“Việc nghiên cứu hồ sơ kỹ hơn đã phát hiện nhiều dấu hiệu rõ rệt cho thấy có khả năng rằng biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu được chuyển đi bởi Burkley cùng các món khác… là một biên bản khác (sớm hơn) với biên bản khám nghiệm tử thi được Uỷ ban Warren công bố(199) [(Horne, Douglas ARRB MEMORANDUM: “Chain – of – Custody Discrepancy Re: Original Copy of President John F. Kdennedy’s Autopsy Protocol”, 2.8.1996)]”.
Và:
“Tuyên bố này… nếu không vướng nhầm lẫn, là bằng chứng giàu chi tiết về một báo cáo khám nghiệm tử thi khác ngoài báo cáo đang được giữ làm bằng chứng hiện nay(200) [(Tài liệu dẫn trên)]”.
Ông Horne phải được tuyên dương vì đã bỏ nhiều công phu hơn trong nhiệm vụ của mình với Tiểu ban tái thẩm các hồ sơ về vụ ám sát qua việc cung cấp những phân tích quan trọng và gây chấn động trong những phát hiện của mình.
Sau cùng, đối với hồ sơ khám nghiệm tử thi JFK nói chung, Tiểu ban tái thẩm đã viết đoạn dẫn nhập này vào ngày 31.7.1998:
“Những cuộc khám nghiệm pháp y là không thể thiếu trong những cuộc điều tra án sát nhân được tiến hành đúng cách thức. Một cách lý tưởng, một bác sĩ tiến hành khám nghiệm pháp y cho một nạn nhân bị bắn chết {như Tổng thống Kennedy} sẽ xem xét mọi bằng chứng về đạn đạo, trao đổi với các bác sĩ cứu chữa nạn nhân trước khi nạn nhân chết, khám nghiệm chu đáo y phục nạn nhân mặc lúc bị bắn, tiến hành việc khám nghiệm tử thi một cách chu đáo và có lương tâm, và lập báo cáo về nguyên nhân cái chết có kèm hồ sơ đầy đủ, chi tiết và cụ thể. Trong trường hợp có người tình nghi sau đó bị đưa ra toà vì vụ sát hại đó, người bác sĩ tiến hành khám nghiệm tử thi thường được khảo chứng và chất vấn trước toà đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất liên quan đến nguyên nhân cái chết. Việc khám nghiệm tử thi và các hồ sơ của toà trở thành bằng chứng có thể được khảo sát và thẩm tra tường tận bởi các chuyên gia pháp y(201) [(“Draft: Assassination Records Review Board, Staff Report to Accompany Release of Medical and Autopsy Records” của ARRB, 31.7.1998)]”.
Hấp dẫn chứ?
Và đây thêm một ít nữa:
“Một trong nhiều bi kịch của vụ ám sát Tổng thống Kennedy chính là sự thiếu chu toàn của hồ sơ khám nghiệm tử thi và mối nghi ngờ gây ra bởi màn bí mật bao quanh các hồ sơ hiện có. Tuy các nhà chuyên môn đã tham gia vào việc xác lập và xử lý bằng chứng y học có thể đã có thiện ý không công khai tiết lộ thông tin – nhằm bảo vệ sự riêng tư và các tình cảm của gia đình tổng thống – nhưng di sản của sự bí mật như vậy rốt cục đã gây hoài nghi và mất mát niềm tin. Những điều này hiện là những lý do nghiêm trọng và hợp pháp cho việc đặt dấu hỏi không những đối với sự thiếu chu toàn trong các hồ sơ khám nghiệm tử thi, mà còn đối với sự thiếu phân tích lập tức và thấu đáo các hồ sơ đó bởi Uỷ ban Warren nữa(202) [(Tài liệu dẫn trên)]”.
Hãy suy nghĩ về chuyện đó.
Những Điều Không Bao Giờ Thay Đổi:
Những Aûnh Chụp Khám Nghiệm Tử Thi
Thật lý thú – và phấn khởi nữa – khi sự quan tâm của công chúng đối với cái chết của John Kennedy không hề có vẻ tàn lụi đi; thực vậy, nó chưa hề có vẻ trở nên cũ đi. Nhiều năm qua, chúng ta đã nghe tranh cãi suy diễn quanh những ảnh chụp khám nghiệm tử thi JFK chẳng hạn. Chúng ta đã nghe rằng chúng đã bị thiêu huỷ, chúng ta nghe nói rằng chúng đã bị thay đổi, chúng ta nghe nói rằng chúng đã bị biến cải, chúng ta nghe nói chúng đã bị nguỵ tạo hoàn toàn. Và bây giờ, nhờ nghiên cứu chuyên môn của Douglas Horne, chúng ta có thêm bằng chứng để hậu thuẫn cho điều này: các ảnh chụp bộ não JFK thực ra là ảnh chụp bộ não người khác. (Thế thì chính xác đó có thể là bộ não của ai? Một gã ăn mày nào đó? Bộ não đánh cắp được từ một xác dùng để thực tập y khoa? Chính phủ sẽ đi đâu khi cần một bộ não thế chỗ cho bộ não của tổng thống?)
Sự thực, cuộc tranh cãi quanh các ảnh chụp khám nghiệm tử thi JFK là điều gì đó không đơn giản biến mất đi được (và chúng ta cho rằng nó có một lý do). Bản tổng kết nêu trên của Tiểu ban tái thẩm đã mạnh dạn nói đến mục đích nằm sau trò trí trá mà dân Mỹ đã phải chấp nhận hơn 35 năm qua. Phần tồi tệ duy nhất là ở chỗ người công dân bình thường muốn đọc được điều này và các báo cáo khác của Tiểu ban tái thẩm phải vượt qua cả một mê cung thủ tục hành chính thì mới tiếp cận được.
Chúng tôi đã nói về điều này nhiều lần và đã phê phán Tiểu ban tái thẩm đến hết sức, nhưng chúng tôi phải khen ngợi mục tiêu ban đầu của họ (xác định những hồ sơ liên quan đến JFK và xem xét để công bố cho dân chúng). Nhưng cho đến mùa thu 1998, có hay không có sự giúp đỡ của Tiểu ban tái thẩm, chúng ta vẫn thấy các bài báo về vụ JFK trên toàn quốc không tìm ra lối thoát.
Nếu không ai quan tâm về vụ ám sát JFK nữa, thì hãy xem bài báo sau của hãng tin AP vào cuối 1998 với tựa là “Những bức ảnh mới làm sống dậy cuộc tranh luận về vụ khám nghiệm tử thi JFK”:
“Lời chứng mới công bố hôm thứ sáu về vụ khám nghiệm tử thi Tổng thống John F.Kennedy nói rằng có một bộ ảnh chụp thứ nhì về những vết đạn của Kennedy nhưng chúng chưa từng được công bố cho dân chúng biết”(203) [(Associated Press, “Photos Renew Dispute About JFK Autopsy”, 1998)].
Lại như thế nữa. Ít nhà điều tra án sát nhân nào có thể phủ nhận rằng công cụ tốt nhất để nhận ra cơ chế một vụ sát nhân chính là khám nghiệm tử thi. Trong trường hợp bị chết vì súng bắn, các ảnh chụp khám nghiệm tử thi trở nên một bộ phận cực kỳ quan trọng của việc điều tra.
Và chúng ta có cái gì?
Ngay từ đầu, chúng ta có hết nhân chứng này đến nhân chứng khác, hết chuyên gia này đến chuyên gia khác, cứ nhất định rằng có một trò gian trá nào đó quanh các bức ảnh khám nghiệm tử thi JFK.
Tuy vậy, sau ba thập niên, những điểm phản đối ấy bắt đầu nghe như một đĩa nhạc rè; chúng tiếp thêm nhiên liệu cho những tác giả ủng hộ Uỷ ban Warren như Gerald Posner vốn có thái độ thản nhiên đối với một hoạt động có tính toán trước mà bất kỳ quan toà nào cũng coi như việc che giấu bằng chứng. Posner xác định rằng tất cả những ảnh chụp X – quang và ảnh khám nghiệm tử thi JFK đều không được công bố vì gia đình Kennedy “từ chối” không cho công bố(204) [(Posner, Case Closed)].
Nhưng trừ phi những ảnh đó được chụp bởi một thợ ảnh tự do gia đình Kennedy thuê mướn (mà chuyện này không có), nếu không thì gia đình Kennedy KHÔNG THỂ từ chối công bố chúng vì chúng KHÔNG thuộc quyền sở hữu của gia đình Kennedy.
Chúng thuộc quyền sở hữu của mọi người dân đóng thuế cho nước Mỹ, và không gia đình nào, dù hoàng gia quý tộc hay thứ dân, được quyền từ chối không bố chúng.
Nhưng 35 năm sau, cuối 1998, chúng ta biết rằng có “một bộ ảnh chụp thứ nhì” chụp lúc khám nghiệm tử thi, và những ảnh chụp ấy “chưa từng được công bố cho dân chúng biết”. Phải, bây giờ chúng ta biết rằng lại thêm những bằng chứng nữa về vụ ám sát JFK đã bị giấu nhẹm.
Saundra K. Spencer, một kỹ thuật viên làm việc tại Trung tâm nhiếp ảnh hải quân (NPC) vào thời điểm JFK chết, làm chứng rằng các ảnh chụp khám nghiệm tử thi JFK được lưu trong Văn khố là khác với những ảnh chụp mà cô đã góp phần phóng rửa(205) [(Associated Press, “Photos Renew Dispute About JFK Autopsy”, 1998)]. Điều này chứng minh rõ ràng rằng những bức ảnh bổ sung ấy đã bị cố ý giấu nhẹm không cho công chúng biết. Khi một người nào đó có thế lực – bất kỳ ai đó có thế lực – tìm cách ngăn cản không cho công chúng có được đánh giá toàn diện về một biến cố mà họ có quyền được biết, thì việc đó gọi là “che giấu trái phép”. Nhưng Posner thậm chí còn giở trò biện minh cho gia đình Kennedy để bỏ qua phát hiện mới này. Vì những bức ảnh mà bà Spencer góp phần phóng rửa cho thấy “không có máu hoặc các lỗ mở”, nên Posner đã viết trong bài báo trên Newsweek tháng 10.1998: “Điều này hàm ý rằng gia đình Kennedy chỉ muốn có những bức ảnh không gây chấn động để có thể công bố cho dân chúng”(206) [(Posner, “Cracks in the Wall of Silence”, Newsweek, 4.10.1998)].
Một lần nữa, xin lỗi ông Posner, nhưng những điều gia đình Kennedy “chỉ muốn” đều không thành vấn đề. Những quan sát của bà Spencer thực sự rất đáng báo động. Bà đã thấy những ảnh chụp “không có các lỗ mở”. Làm sao lại “không có các lỗ mở” trên một cái sọ đã bị trúng đạn súng trường trừ khi cái sọ đó đã bị thay đổi bằng phẩu thuật? Từ lâu người ta đã nghi rằng những vết đạn trên đầu JFK đã bị cố ý sửa đổi để hậu thuẫn cho điều khẳng định trong báo cáo Warren rằng chỉ có một người – Oswald – bắn vào JFK. Bây giờ chúng ta lại có thêm lời chứng chuyên môn để củng cố thêm mối nghi ngờ ấy, nhưng Posner đã gạt bỏ điều này đi như một trò tưởng tượng của “kẻ mê chuyện âm mưu”.
Posner cũng đối xử tương tự với thông tin còn quan trọng hơn mà ông ta nhắc tới trong bài báo nói trên: đó là chuyện Đô đốc Burkley biến đi với bộ não JFK trong một cái xô. Posner viết: “Sự thực, có lẽ cảm xúc của gia đình {Kennedy}, chứ không phải sai trái về phía viên chức, mới là các giải thích đáng tin hơn cho các câu hỏi quanh biến cố Dallas”.
Nếu một quân nhân lấy đi bộ não của Tổng thống mà không được coi như một sai trái của viên chức, thì chúng ta phải nghiêm túc chất vấn những khái niệm của ông Posner về qui trình pháp định. Thực tế, Posner trong cuốn sách của mình và trong bài báo trên Newsweek, liên tục gọi những người nghiên cứu vụ JFK là “những người nhiệt tình” và “những người am hiểu” – chủ yếu là để cười cợt nỗ lực tìm biết điều gì đã thực sự xảy ra cho tổng thống Kennedy. Ông ta tiếp tục biện minh rằng ít nhiều thì các ý nguyện của gia đình Kennedy vẫn quan trọng hơn quyền được biết sự thật của công chúng.
Hãy nhìn thẳng vào điều đó, có lẽ ở đất nước này, số người tin rằng trái đất phẳng còn nhiều hơn số người tin rằng JFK bị một mình Lee Harvey Oswald bắn chết. Cuốn sách của Posner đầy những châm chích đối với những nhà nghiên cứu có các phát hiện không giống với của ông ta; thực vậy, Posner đã dành cả một chương trong tác phẩm vòng vo của mình cho việc bôi bác các nhà nghiên cứu với những người ông ta phản đối(207) [(Posner, Case Closed, tr 402-420; Posner còn có nhiều phê phán gay gắt với các tác giả khác trong những trang từ 460 đến 470; trong khi nhiều công kích khác rải khắp tác phẩm nhiều không đếm xuể và cũng chẳng đáng để đếm)]. Về cuốn Reasonable Doubt của Henry Hurt, Posner nói, “Hurt đã bày ra những chi tiết ly kỳ của một âm mưu dính dáng đến Oswald, CIA, những kiều dân Cuba chống Castro, chủ yếu dựa trên những lời không được kiểm chứng của Robert Easterling, một kẻ đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần”(208) [(Posner, Case Closed)].
Sự thực, tác phẩm được viết rất tốt của Hurt hoàn toàn không có chuyện “chủ yếu” dựa trên “những lời không được kiểm chứng” của Robert Easterling. Thay vì thế, nó dựa trên công phu nghiên cứu xuất sắc vốn chứng tỏ được những liên quan rất thú vị và trình bày một giả thuyết có sức thuyết phục và gợi nhiều suy nghĩ. Hurt nói rất thẳng thắn về sự không đáng tin cậy của Easterling: “Robert Wilfred Easterling là… một kẻ được chẩn đoán là bị bệnh thần kinh và chứng tâm thần phân liệt”(209) [(Hurt)]. Với những ai đã đọc sách của Hurt thì rõ ràng sự kỳ quái trong lời khai của Easterling được đưa vào vì những phần trong lời khai ấy chứng minh những sự kiện có liên quan – chứ không phải “những lời không được kiểm chứng” mà Posner đã nói một cách sai lầm với độc giả của mình. Hung hăng hơn, Posner còn công kích tác giả Mark Lane, kết tội Lane là “chỉ sử dụng bằng chứng hậu thuẫn cho luận điểm của mình…”
Posner còn viết nhiều đoạn thẳng thắn nói rằng các nỗ lực của Lane bị thúc đẩy bởi việc kiếm tiền và rước danh mình lên(210) [(Posner, Case Closed)].
Đây là một trò công kích phi chuyên môn và đáng xấu hổ đối với các tác giả khác trong lĩnh vực này. Ơû đất nước này có một thứ gọi là tự do diễn đạt. Các tác giả của sách này chẳng hạn, không đồng ý với một số ý kiến của các ông Lane và Hurt, và ý kiến của những tác giả khác, và chúng tôi cũng phản đối ý kiến của đạo diễn đoạt Oscar Oliver Stone. Đó chỉ là quyền bất đồng ý kiến của chúng tôi. Nhưng chúng tôi tôn trọng tất cả những tác giả đó, tài năng của họ và ý kiến của họ. Chúng tôi không bôi bác họ; chúng tôi chỉ bất đồng ý kiến với họ.
Nhưng ông Posner đã bôi bác nhiều nhà nghiên cứu như vậy. Được rồi, sau đây là một số phương thuốc cho chính Posner. “Posner liệt kê bất cứ gì có thể biến một lựa chọn ngốc nghếch thành đáng tin cậy hơn và bỏ qua hoặc bóp méo những bằng chứng bất lợi”.
Câu này là của Giáo sư James H. Fetzer, người biên tập cuốn Assassination Science (“Khoa học ám sát”) năm 1998(211) [(Fetzer, James H., Assassination Science (Catfeet Press – Chicago, 1998)]. Đây là cuốn sách bao hàm những dữ kiện khoa học cụ thể được viết bởi nhiều chuyên gia với năng lực không thể phủ nhận, tập trung vào các bằng chứng cụ thể về đạn đạo, nhiếp ảnh, và khoa học nói chung mà Posner đã khôn khéo bỏ qua hoặc bẻ cong để giữ vững giả thuyết của mình hơn.
Sự thực, cuốn sách của Posner thì đầy những lỗ hổng, những dữ kiện và lời chứng bị bỏ qua, và những diễn giải vô lý, đến nỗi bố già trong nghiên cứu về JFK, Barold Weisberg (cựu điều tra viên của thượng viện và tác giả cuốn sách đầu tiên chỉ ra được những sai sót trong báo cáo của Uỷ ban Warren) thấy rằng đáng để viết hẳn một cuốn sách khác – Case Open (“Vụ án còn mở ngỏ”) – để phản bác các dữ liệu đáng nghi trong cuốn Case Closed của Posner. Cuốn sách tuyệt vời của Weisberg nêu rõ những bằng chứng đã bị bóp méo, ém nhẹm và bỏ sót, những nguồn tư liệu bị bỏ sót, và những tuyên bố gây lầm lạc cho độc giả. Nếu các bạn đã đọc Case Closed của Posner thì xin hãy đọc Case Open của Weisberg. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết ra những thói quen nghề báo của Posner(212) [(Wiesberg, Harold, Case Open (Carol & Graf, 1994))].
Nên ý kiến của chúng tôi là, nếu có bất kỳ ai “chỉ sử dụng bằng chứng hậu thuẫn cho luận điểm của mình” thì đó chính là Posner. Posner vẽ ra bức tranh dễ dàng nhất về những nhận xét của Saundra Spencer về những ảnh chụp bổ sung việc khám nghiệm tử thi JFK, mà không hề khách quan thừa nhận ý nghĩa tiềm tàng của chúng trong một âm mưu che giấu sự thật. Posner vẽ ra bức tranh dễ dàng về chuyện Đô đốc Burkley chuyển bộ não của JFK, mà không khách quan thừa nhận ý nghĩa tiềm tàng của nó trong một âm mưu che giấu sự thật
Sự thực, trong cuốn sách 600 trang của mình, Posner hầu như không có một nhận xét đáng kể về hồ sơ 632-796. Điều này có thể so sánh với việc thuyền trưởng tàu Titanic nhún vai khi biết về tảng băng đang trôi lại gần tàu.
Bọn giang hồ
Mafia Mỹ đã luôn luôn xuất hiện trong những giả thuyết phổ biến nhất về vụ ám sát JFK, và những giả thuyết đó được hậu thuẫn bởi một khối bằng chứng quá hiển nhiên. Đi đầu trong số những kẻ tình nghi lớn là Jack Ruby, Sam Giancana, Santos Trafficante và đặc biệt là Carlos Marcello.
Về Ruby, kẻ giết Oswald, Uỷ ban Warren nhất định rằng không có bằng chứng nào nối kết Ruby với hoạt động tội phạm có tổ chức(213) [T(he Warren Commission Report)] trong khi rất nhiều nhà nghiên cứu uy tín về vụ JFK đã khám phá ra cả núi bằng chứng chứng tỏ điều ngược lại(214) [(Các độc giả quan tâm đến sự dính líu của Ruby với tội phạm có tổ chức nên xem những tài liệu tiêu biểu sau: Reasonable Doubt của Hurt (chương 8), Conspiracy của Summers (chương 23), Mafia Kingfish của Davis (chương 24)].
Mùa hè 1999, đồng tác giả Brad O’Leary của sách này đã gặp Bill Bonanno tại Santa Monica. Bonanno đã viết cuốn Bound by Honor (“Ràng buộc vì danh dự”), một tường thuật tiêu biểu về cuộc đời của ông ta trong giới giang hồ. Bonanno là con trai của Joe Bonanno, một trong những trùm mafia thế lực nhất của thập niên 1960. Bill kể với O’Leary những chuyện mà sau này được xuất bản thành Bound by Honor, rằng các gia đình băng đảng bên ngoài nhóm Marcello-Trafficante-Giancana lập tức biết giới giang hồ đã dính líu vào vụ JFK khi truyền hình quay được cảnh Jack Ruby giết chết Lee Harvey Oswald. “Trong giới chúng tôi ai cũng biết Jack Ruby”, Bonanno nói trong sách của mình như thế. Khi Bonanno gọi vài cú điện, ông ta đã có thể liên lạc được với một đồng sự của Santos Trafficante (ông trùm Florida), người này bảo với ông ta rằng đó là một “chuyện địa phương”, nghĩa là nó không dính đến những gia đình ngoài nhóm và những gia đình ngoài nhóm sẽ được cách ly khỏi các vấn đề có thể nẩy sinh. Về Ruby, Bonanno nói : “Anh ta là của Sam Giancana y như cái nhẫn trên tay lão vậy”. (Thú vị hơn, Bonanno nói với O’Leary rằng ông ta mong được biết về cuốn sách này của chúng tôi trước khi sách của ông ta được in bởi vì nó sẽ bổ sung vài khiếm khuyết trong sách của ông ấy). Cuốn sách của Bonanno cũng đã xác minh mấy điều mà các nhà nghiên cứu đã tin từ lâu, rằng một số thành viên trong Sở cảnh sát Dallas có nhận lương từ trùm Carlos Marcello, nhất là sĩ quan J.D. Tippit. “Cớm Tippit được dự trù là sẽ giết y {Oswald}, nhưng Oswald biết được. Do vậy nên họ xài tới Ruby”. Smitty D’Angelo, một đầu dây liên lạc của Trafficante đã nói như thế với Bonanno ngày 25.11.1963(215) [(Bonanno, Bill, Bound by Honor (St. Martin’s Press, 1999)].
Còn gì nữa về Ruby không?
Theo tác giả John H. Davis (người có những phát hiện về Carlos Marcello mà chúng ta sẽ bàn sau), một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Jack Ruby tại Dallas là tìm cách mua chuộc rồi chiêu mộ những sĩ quan cảnh sát Dallas tham nhũng để họ giúp đỡ giới giang hồ; hắn sẽ đưa tiền mặt cho các cảnh sát và cung cấp gái điếm cho họ. Sự thực, Ruby đã giao du thân mật được với cả chục cảnh sát Dallas. Cả nhóm sĩ quan cảnh sát chân chính đã đi lại với nhưng trung gian giang hồ như Ruby là gì? Trả lời: Họ không chân chính; họ nhận hối lộ từ một tay băng đảng làm việc dưới trướng Carlos Marcello. Điều ly kỳ nhất là vào cái đêm trước ngày xảy ra vụ ám sát, một số nhân viên Mật vụ Mỹ đi uống rượu ở một quán tại Dallas. Khi Ruby hay tin này, hắn lập tức phái một số vũ nữ thoát y tới quán đó nhằm lôi kéo các nhân viên đó ở lại chơi lâu hơn và phục rượu cho họ. Đặc biệt, những nhân viên Mật vụ ấy lại nằm trong nhóm bảo vệ cá nhân JFK(216) [(Benson)].
Bản thân Ruby cũng là trường hợp đáng nghiên cứu, nhưng đáng kể hơn lại là những người hắn quen biết và làm việc cho họ: Santos Trafficante, Sam Giancana và Carlos Marcello. Ba người này không chỉ dính líu đến tội phạm có tổ chức, họ chính là tội phạm có tổ chức, các “ông trùm” tại thành phố của họ, các “bố già”, và ba người hợp lại thành một hệ thống phân phối ma tuý toàn quốc, rửa tiền, tổ chức mại dâm, cờ bạc, và mọi hoạt động khác có thể đem tới bóp nặn tiền bạc. Trafficante là trùm băng đảng ở Florida, Giancana là ông chủ của Chicago, và Marcello là trùm ở New Orleans và Dallas. Họ có quan hệ với nhau, và từ lâu đã bị nghi là dính líu đến vụ ám sát Kennedy (Ở đây, Posner lại là người bất đồng với sự nhất trí hầu như trọn vẹn này… nhưng chúng ta cứ để như thế).
Sam Giancana chẳng hạn, cộng tác với CIA, sử dụng những đầu mối Cuba của hắn trong ít nhất một âm mưu ám sát Castro(217) [(Duffy)]. Một số họ hàng của Giancana khẳng định rằng Giancana là nhân vật chính trong vụ ám sát JFK(218) [(Benson)], và hắn ta có một số động cơ mạnh mẽ để muốn Kennedy bị chết, là động cơ thú vị nhất trong đó là điều khẳng định lâu nay rằng chính Giancana và mạng lưới Mafia Chicago đã giả mạo những phiếu bầu trễ ở Illinois có tác dụng đẩy phiếu của Kennedy lên cao trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1960(219) [(Roberts, Kill Zone)] trong đó ông ta chỉ thắng cách biệt 118.000 phiếu (một cách biệt rất mong manh trong quy mô bầu cử tổng thống trên toàn quốc). Cảm giác phản bội mà Giancana hẳn đã cảm thấy thì cũng dễ tưởng tượng: sau khi giúp Kennedy đắc cử, Giancana (và các trùm băng đảng khác) đã bị em trai của Kennedy, Bộ trưởng tư pháp Robert Kennedy, liên tục tấn công. Robert quyết biến cuộc sống của Giancana thành cơn ác mộng bằng cách chỉ thị cho FBI thường xuyên giám sát nhân vật này đến mức độ những bạn bè và nhân vật trong thế giới ngầm cảm thấy ngại không muốn đi đâu gần hắn ta nữa(220) [(Duffy)]. (Một phụ chú thú vị: Giancana bị hạ sát khi nằm dưới sự bảo vệ của cảnh sát ngay trước khi hắn ta được đề nigh ra làm chứng trước Uỷ ban tình báo Thượng viện năm 1975)(221) [(Benson)].
Người kế tiếp trong danh sách các trùm băng đảng bị nghi là có tham gia tích cực vào vụ ám sát Kennedy là trùm Miami Santos Trafficante. Trafficante cũng dính líu với CIA trong các âm mưu ám sát Castro(222) [(Benson)]. Trafficante được ghi nhận là đã nhiều lần nói miệng rằng hắn có dính vào âm mưu sát hại JFK(223) [(Benson)]. Lý thú hơn, sáu ngày sau khi JFK chết, một tờ trình được CIA chuyển đến cho Mac Bundy, trợ lý an ninh quốc gia cho Tổng thống Johnson, trong đó xác nhận rằng khi Trafficante bị Castro cầm tù năm 1959, hắn ta đã có người tới thăm và người đó không là ai khác hơn Jack Ruby(224) [(Benson)], điều này rõ ràng xác định mối liên hệ chặt chẽ giữa Jack Ruby với tội ác có tổ chức nói chung, và Trafficante nói riêng (một điều mà Uỷ ban Warren do Johnson thành lập tuyên bố là không tìm ra bằng chứng!). Trên giường bệnh lúc sắp chết, người ta nói Trafficante đã thừa nhận với luật sư của hắn – Frank Ragano – rằng hắn có dính líu vào vụ ám sát JFK cùng với Carlos Marcello(225) [(Benson)]. Điều này đem chúng ta tới điểm kế tiếp…
Lời Thú Tội Của Marcello
Có lẽ hơn hẳn mọi trùm Mafia khác, Marcello đã bị trực tiếp tình nghi là có dính líu tích cực vào vụ ám sát JFK ngay khi bi kịch này xảy ra. Giám đốc FBI J. Edgar Hoover, trong toàn bộ sự nghiệp, đã công khai phủ nhận sự tồn tại của Mafia, nhưng trong bí mật ông ta lại tiến hành một cuộc chiến lớn chống lại Mafia(226) [(Davis)]. Nhưng tại sao phải bí mật? Tại sao không công khai thừa nhận cuộc chiến chống Mafia của mình theo kiểu Robert Kennedy đã làm và được công chúng rất ủng hộ? Có lẽ vì chính Hoover cũng có liên hệ gì đó với giới băng đảng chăng? Có thể vì Mafia biết được chứng đồng tính luyến ái của Hoover và thậm chí chụp được nhiều hình về ông ta chăng? Một giám đốc FBI mà lại phủ nhận sự tồn tại của Mafia thì cũng phi thực tế như một sở cảnh sát phủ nhận sự tồn tại của tội phạm vậy. Tuy nhiên Hoover làm thế nhưng chưa từng bị sa thải, những đơn xin từ chức của ông ta đã bị Tổng thống Johnson bác bỏ, điều này cho phép Hoover giữ chức giám đốc cho đến cuối đời. Về mặt công khai, Hoover nhắc tới Marcello như chẳng là gì khác hơn một người buôn bán cà chua!
Nhưng thực sự, Carlos Marcello hoàn toàn khác xa điều đó. Hắn là đầu não của gia đình Mafia lâu đời nhất nước Mỹ. Hắn là một thiên tài bí hiểm và là tay có máu sát nhân. Cùng với Santos Trafficante và Sam Giancana, hắn cai trị thế giới ngầm đầy tiền của và tất cả nguồn lợi từ buôn bán bạch phiến và đủ trò làm tiền khác. Marcello, Trafficante và Giancana ngồi trên ngai vàng của thế giới tội phạm có tổ chức. Cả ba tên đều ghét Kennedy và đều có động cơ muốn ông ta chết: vì em trai Robert của ông này đã dùng Bộ tư pháp Mỹ (với FBI, Cục Ma tuý Mỹ và văn phòng Bộ trưởng Tư pháp) trong một nỗ lực kiên trì nhằm tiêu diệt Mafia và xoá sạch tàn dư của nó.
Nhiều độc giả đã biết điều này, nhưng với những người không am tường, chúng tôi sẽ tóm lược lại kịch bản. Robert Kennedy đã tấn công Mafia Mỹ mạnh mẽ y như Đức Quốc Xã tấn công Liên Xô… và kết quả phần lớn cũng tương tự như vậy. Đức Quốc Xã thua, Robert Kennedy cũng vậy. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là tại sao Robert phát động một chiến dịch không khoan nhượng chống lại tội phạm có tổ chức khi lẽ ra ông ta phải biết rằng tài sản – cũng như thế lực nảy sinh từ đó – của chính gia đình ông ta cũng rút từ những nguồn tương tự. Tài sản của gia đình Kennedy được xây dựng trên việc phân phối rượu lậu trong giai đoạn mà việc sở hữu, tiêu thụ và phân phối các thức uống có cồn là phi pháp trên toàn nước Mỹ theo qui định của Đạo luật Volstead 1919. Đây là sự nghiệp của Joseph Kennedy, cha của John và Robert. Ông này đã tạo dựng được tài sản từ nghề buôn rượu lậu bằng cách liên kết với những đồng sự có quan hệ trực tiếp với những nhân vật trong thế giới tội phạm có tổ chức như Meyer Lansky, Dutch Schultz và Lucky Luciano.
Do đó, Robert Kennedy hẳn phải biết rằng chính gia đình của ông ta cũng mang nợ nặng nề đối với những mạng lưới tội phạm đã từng biến gia đình ông thành một triều đại của tiền tài và xa hoa (cũng chính là những hệ thống tội phạm mà ông ta đang tấn công vào đầu thập niên 1960), và ít nhất ông ta hẳn phải biết chuyện Giancana xào nấu những thùng phiếu Illinois đến mức biến anh ông ta thành tổng thống kế đó của nước Mỹ và nhờ đó Robert mới trở thành Bộ trưởng Tư pháp kế đó. Hãy nói về chuyện ăn đâu “xả” đó. Chúng ta chỉ có thể giả định rằng cuộc tấn công trực diện của Robert vào chính lực lượng Mafia ấy (mà lợi nhuận của chúng đã giúp ông ta theo học trường luật) là kết quả của những quan điểm của một thanh niên lý tưởng gạt bỏ quá khứ và mưu tìm sự ủng hộ của quần chúng. Đừng lo chuyện trận tấn công này có thể làm tan rã “Hoàng Gia” Mỹ. Không, nó không đứng vững lắm về mặt lý luận, nhưng dứt khoát nó đã xảy ra, và các bạn có thể đọc thấy điều đó trong nhiều tác phẩm, như Mafia Kingfish (“Cá mặt trăng Mafia”) của John H. Davis, The Sins of the Father (“Những tội của người cha”) của Ronald Kessler, The Kennedy Men (“Những người trong nhà Kennedy”) của Nellie Bly, và nhiều cuốn khác. Robert Kennedy không những đã quá liều lĩnh cái mạng của chính mình mà cả mạng sống của toàn gia đình bằng cuộc tấn công hai mặt, tráo trở và mâu thuẫn nhắm vào giới giang hồ. Chúng tôi không phê phán ông ta về chuyện này; chúng tôi hoan hô bất kỳ bộ trưởng tư pháp nào tìm cách chống lại tội phạm. Nhưng thật là lạ vì tại sao Robert – không hẳn là một con người đạo đức (cứ xem các chuyện lăng nhăng của ông ta thì rõ) – lại quyết liệt tấn công giới băng đảng đến thế trong khi ông ta hẳn phải biết rằng có bao nhiêu đạn dược mà giới giang hồ đang nhắm vào ông ta và gia đình của ông ta.
Tuy thế, Robert đã tiến hành tấn công, và những ông trùm băng đảng bị ông ta tấn công quyết liệt hơn cả không phải là Giancana hay Trafficante, mà là Carlos Marcello.
Ra đời ở Bắc Phi trong một gia đình người Sicily, Marcello đã di cư sang Louisiana năm 1910 khi chưa thôi nôi. Gia đình hắn khai khẩn một nông trại gần New Orleans, và tay thanh niên Carlos (tên khai sinh của hắn là Calogero Minacore) được nuôi lớn lên trong môi trường lao động cực nhọc và những giá trị lương thiện. Khi đủ lớn, hắn giữ nhiệm vụ chuyên chở hàng hoá của gia đình – bằng ngựa và xe ngựa – đến những khu chợ đông đúc ở New Orleans. Tuy nhiên, những chợ này lại do Mafia kiểm soát, và cũng chẳng bao lâu sau anh chàng Carlos đã có tiếp xúc với bọn đầu gấu và tội phạm địa phương để hiểu ra rằng có nhiều cách kiếm tiền thú vị hơn làm ruộng.
Sau đó, chính hắn cũng trở thành du côn đường phố và khám phá ra thế giới mới rất hào hứng của những trò trộm cắp, trấn lột, cờ bạc, cảnh sát và thối nát chính trị. Đây là môi trường rèn luyện cho Carlos, và hắn học tập rất giỏi. Gần 20 tuổi, hắn đã trộm cắp nhà riêng và cửa hàng. Cướp ngân hàng; sau đó hắn lao vào những máy đánh bạc, buôn bán rượu lậu, cờ bạc, ma túy, và đến lúc 37 tuổi, Carlos Marcello đã nghiễm nhiên là ông trùm Mafia tại New Orleans.
Không ai dám thách thức Marcello vì lúc đó hắn nắm được cả lực lượng cảnh sát cần thiết và các chính khách, và bằng cách sử dụng khôn khéo lòng tham và nỗi sợ hãi bây giờ hắn trở thành ông trùm thế lực nhất của gia đình Mafia lâu đời nhất nước Mỹ.
Marcello là một người lạc quan – thấp, săn chắc, vạm vỡ – và cung cách hắn ta điều hành tội phạm có tổ chức rất hợp với bề ngoài của hắn. Bỏ học năm 14 tuổi, khả năng tiếng Anh của hắn chỉ vượt quá một chút so với trình độ đường phố và kho tiếng lóng. Nhưng bên dưới lớp vỏ du côn ấy, Marcello chứng tỏ một khả năng đáng ngạc nhiên về toán học và một tư duy kinh doanh ngang tầm Wall Street. Bây giờ quyền lực của hắn bao trùm không chỉ Louisiana mà còn lan sang Oklahoma, Arkansas và Texas và một số hoạt động còn lan tới tận California và Trung Mỹ. Marcello là Al Capone ở miền Nam; thực tế, hắn còn mướn đầu bếp riêng của Al Capone về nấu cho mình(231) [(Davis)].
Tổng hành dinh riêng của Marcello nằm trong một quán rượu hẻo lánh gần những đầm lầy – một phần của điền sản rộng hàng ngàn mẫu của ông ta – và mỗi chủ nhật, chính ở quán rượu này mà ông trùm Louisiana sắp xếp công việc với các đầu lĩnh địa phương coi sóc đủ thứ hoạt động cho ông ta. Tính sổ cá cược, mại dâm, số đề, cờ bạc và dĩ nhiên là có cả buôn bán bạch phiến nữa. Các chính khách tham nhũng cũng có mặt, bên cạnh những cảnh sát trưởng địa phương, và ngay cả những thị trưởng và các sĩ quan cảnh sát cao cấp nữa. Đây là một chính quyền khác của miền Nam, và Marcello là thủ trưởng ngành hành pháp.
Việc chọn xây dựng điền trang trong vùng đầm lầy phục vụ cho một mục đích hai mặt. Marcello yêu cảnh đẹp sâu thẳm của miền đất này: miền nam của những nhánh sông lờ lững, những cây bách cây du phủ rêu, những con sếu và hải âu bay vọt lên trong nắng. Nhưng miền đất này không chỉ phục vụ để thoả mãn lòng yêu tất cả những gì đẹp đẽ của Marcello, mà nó còn dùng làm bãi thủ tiêu xác lúc cần thiết. Khi những tay thu tiền bảo kê giấu diếm thu hoạch, hoặc các thủ xạ quên “thủ tục phải quấy”, Marcello chỉ đơn giản là ra lệnh cho siết cổ trong khi hắn chứng giám, sau đó xác của kẻ đắc tội sẽ được hoá giải trong những thùng cường toan và toàn bộ sẽ được tống xuống đầm lầy(232) [(Davis)]. Hiệu quả, không thể truy dấu vết, và lại ly kỳ nữa.
Nhưng chuyện ly kỳ nhất trong cuộc đời Marcello lại dính đến một trong những câu hắn đề cập tới John và Robert Kennedy. Nhiều độc giả đã quen thuộc với câu chuyện này nhưng một số thì chưa biết, nên chúng tôi kể sơ lược lại ở đây, nêu thêm những phát hiện trong cuốn Mafia Kingfish của John H. Davis, tác phẩm bao quát và hay nhất từng được viết về Carlos Marcello.
Năm 1962, trong một toà nhà thuộc điền trang, Marcello gặp gỡ một cặp thủ hạ, Edward Becker và Carlo Roppolo, về một vụ phân phối dầu nhờn. Backer lỡ vô ý nhắc tới Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, lập tức Marcello nổi cơn quát tháo một hồi. “Nhổ cái gai trước mắt giùm tao đi!” hắn gầm lên, dĩ nhiên là nói tới Robert, rồi kế đó hắn nói rằng cách duy nhất để nhổ cái gai Robert là giết người anh của ông ta đi, một ý niệm hợp lý. Giết Robert sẽ chỉ thúc đẩy JFK tấn công tội phạm mạnh hơn, nhưng nếu JFK bị chết, Robert sẽ lập tức bị Johnson đưa ra khỏi chức Bộ trưởng Tư pháp, vì Johnson vốn ghét Robert.
(Marcello cảm thấy chắc chắn về điều này vì nó là một kết luận khách quan hợp lý, nhưng chúng tôi cũng phải đưa ra mấy lý lẽ chủ quan nữa. Trong hơn một thập niên, Johnson đã nhận đóng góp vận động tranh cử từ một “nhà tài chính” tên là Jack Halfen, kẻ cũng từng làm việc thu tiền số đề cho Marcello, cho thấy rất có khả năng những khoản đóng góp đó xuất phát từ những nguồn thu phi pháp của Marcello. Sau đó ta có thể suy ra rằng mối liên hệ mờ ám này có thể giải thích tại sao Lyndon Johnson, khi còn là Thượng nigh sĩ, đã tích cực ủng hộ việc kết liễu các đạo luật chống các hình thức bóp nặn tiền bạc (bảo kê, số đề…) vốn có thể làm mất đi nguồn lợi của Marcello trong khu vực Texas của Mafia. Nhiều người sau này cũng suy ra rằng một mối nghi ngờ tương tự như vậy có thể đã ảnh hưởng đến Johnson theo một cách thức khiến ông ta quyết định cho điều tra vụ ám sát John F. Kennedy, cụ thể là một bộ phận tư pháp chuyên trách mà ông ta sẽ đích thân bổ nhiệm, một bộ phận sau này được gọi là Uỷ ban Warren)(233) [(Davis)].
Nhưng hãy trở lại với câu chuyện ly kỳ của Becker, trong đó Marcello cho rằng chiến lược hữu hiệu nhất để kết thúc cuộc chiến chống Mafia của Robert Kennedy là giết anh của ông này.
Nhất trí với điều này là một việc quá dễ dàng. Nhưng ngay cả Mafia, với tất cả quyền lực của nó, cũng không thể đơn độc hoàn thành một công việc như thế được. Giết một tổng thống à?
Cách duy nhất để làm việc đó, Marcello đã nói với Becker tối hôm đó, phải là đi thuê những tay ám sát không dính líu gì tới Mafia Mỹ, rồi kiếm ra một thằng “khùng” để tế thần. Theo đúng kiểu họ đã từng làm hồi xưa ở Sicily(234) [(Davis)].
Marcello rất quyết tâm trong chuyện này, thậm chí còn đến mức bệnh hoạn. Chỉ cần nhắc tới tên Kennedy thôi là đủ khiến hắn nổ thành một thứ như giận dữ điên khùng. Mọi khả năng lý trí đều biến mất, mọi tính thuần lý đều tan biến như hơi nước và biến ông trùm thế giới ngầm New Orleans sắc sảo, đầy tính toán ấy thành một tên khùng mặt đỏ gay, nắm tay đập bàn ầm ầm và chỉ chút xíu nữa là bị đột quị tim mạch. Mà không chỉ là chuyện Robert tấn công vào giới tội phạm; lòng thù ghét của Marcello đối với Robert Kennedy mang một dấu ấn cá nhân. Sự thực, dấu vết của Robert Kennedy luôn ám ảnh tâm trí Marcello, vì chính Robert là người đã gây phiền toái lớn nhất cho cuộc đời Marcello.
Tháng 4.1961, Robert cho bắt cóc Marcello, dưới chiêu bài trục xuất, và cho chở đến Guatemala City nơi một giấy khai sinh giả mang tên Marcello đã được “tìm ra” một cách rất tiện lợi. Marcello bị tước quyền gặp luật sư, bị bác bỏ yêu cầu được gọi điện về cho gia đình hoặc thậm chí lâý chút tiền bạc hoặc thay quần áo. Hắn ta đơn giản là bị các nhân viên INS còng tay, tống vào một máy bay không có hành khách nào khác, và sau khi vượt 1.200 dặm, hắn bị tống xuống một phi trường quân sự tại Guatemala City mà không có một xu dính túi(235) [(Davis)].
Nhiều tháng sau, với rất nhiều thời gian lần mò trong rừng rậm Marcello mới tìm được đường trở về Louisiana thông qua một phi công có dính tới giới giang hồ tên là David Ferrie(236) [(Benson)], hoá ra chỉ để đối mặt với một hoá đơn tính thuế 800.000 USD do Sở Thuế vụ nội địa dưới quyền Robert gửi tới.
Nên nỗi căm hờn sôi máu của Marcello đối với Robert Kennedy là quá dễ hiểu. Tuy Robert tấn công các ông trùm Mafia Mỹ, nhưng ông ta đã chọn riêng Marcello để quấy phá, điều này làm mất mặt Marcello ở qui mô toàn quốc. Nên có một điều đừng nên làm với một trùm Mafia, thì đó là quấy rầy hắn trước mặt các ông trùm khác.
Với Robert, chúng ta xem đó là công việc làm tốt; chúng ta hoan nghênh cuộc chiến toàn lực chống tội phạm có tổ chức. Nên sẽ ra sao nếu việc trục xuất Marcello là phi pháp về mặt chuyên môn? Chúng ta chẳng thương xót gì nếu như Robert trục xuất Marcello tới Nam Cực. Nhưng tất cả những tay Mafia đều tự xem mình là “những người đáng kính”; đó là một phần trong qui ước của chúng. Làm mất mặt một trong những ông trùm này có nghĩa là đùa với lửa, và khi làm thế, nhất là với Marcello, Robert lúc đó không hề hiểu rằng ngọn lữa sẽ bạt trở lại và đốt cháy ông ta thê thảm tới mức nào…
Trong những thập kỷ sắp tới, rất lâu sau khi cả John lẫn Robert Kennedy đều đã chết, Marcello sẽ còn bị nối kết, gắn liền, qui kết và thậm chí kết tội thẳng thừng là có trực tiếp dự mưu vào vụ ám sát JFK. Những người xuyên tác các mối liên hệ Mafia khẳng định rằng đó chỉ là bằng chứng nghe nói. Về việc Frank Rgano, luật sư của Trafficante, tuyên bố rằng trafficante đã thừa nhận với ông ta việc y và Marcello có dính líu sâu xa vào vụ ám sát, Gerald Posner cho rằng Ragano đã nói dối bởi vì ông này rất tức giận với Trafficante từ 1976(237) [(Posner, Case Closed)]. Oà có thể lắm; những tay giang hồ băng đảng không hề nổi tiếng nhờ sự lương thiện. Khái quát hơn, Posner còn nói với chúng ta rằng Trafficante và Marcello đã từ chối “đánh” ông trùm nghành vận tải Frank Fitsimmons bởi vì tay này được bảo vệ quá kỹ; rồi Posner khinh khỉnh: “Cũng chính những trùm Mafia từng tránh né một hợp đồng thanh toán một tay kiểm soát ngành vận tải nặng lại được tin là rất quan tâm tới một mục tiêu khó ăn nhất nước, một tổng thống”(238) [(Sđd)]. Aø, trước hết, rất ít giả thuyết khẳng định rằng chỉ một mình Mafia cho ám sát JFK. Thứ nhì, điều này dựa trên một lời kể khác của Frank Ragano, mà Posner dùng lời kể này để hậu thuẫn cho ý niệm rằng Mafia không dính líu vào vụ ám sát, trong khi ở cùng một trang sách Posner lại nói với chúng ta rằng Ragano là không đáng tin cậy. Thế là thế nào, ông Posner? Khi Ragano nói điều gì hậu thuẫn cho giả thuyết ‘không có âm mưu’ của ông, ông bèn sử dụng nó. Khi Ragano nói điều gì không hậu thuẫn cho giả thuyết của ông, ông liền nói y là không đáng tin cậy.
Dĩ nhiên, Posner nói với chúng ta rằng Edward Becker cũng không đáng tin cậy, và Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát đã không tin lời chứng của y(239) [(Posner, Case Closed)]. Tác giả Michael Benson, ngược lại, có một cách lý giải khác, nói rằng “Năm 1978, Becker đã lập lại câu chuyện với Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát, và họ thấy y đáng tin cậy”(240) [(Benson)] điều này xem ra có lý hơn nhiều so với những gì Posner nói, vì Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát kết luận rằng “…tội phạm có tổ chức, như một tập thể, đã không dính líu vào vụ ám sát Kennedy, nhưng bằng chứng có sẵn không loại trừ khả năng rằng các thành viên đơn lẽ có thể có dính líu”(241) [(Report on the House Select Committee On Assassinations)].
Điều đó hoàn toàn khác hẳn những gì Uỷ ban Warren nói với chúng ta. Và sau đây là mấy điều mà Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát nhận định riêng về Marcello: “Marcello có động cơ, phương tiện và cơ hội để thuê người ám sát John F. Kennedy…”(242) [(Benson)].
Điều đó hoàn toàn khác xa những gì Posner nói với chúng ta(243) [(Trong cước chú ở trang 459-460 của Case Closed, Posner nói rằng điều duy nhất khiến Chủ tịch Blakey của Uỷ ban Hạ viện về những vụ ám sát nghi ngờ Marcello là một cuộn băng theo dõi của FBI, trong đó Marcello có vẻ như e rằng phòng đã bị cài thiết bị nghe trộm. Ơû trang kế tiếp, Posner trích nội dung cuộc phỏng vấn một nhân viên FBI, người này nói rằng “Giancana và thuộc hạ hoàn toàn trong trắng nếu dựa theo kết quả theo dõi bằng điện tử”)].
Lý do khiến Marcello lúc đó không bị tích cực truy đuổi hơn là vì Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát lúc ấy không có bằng chứng để nối Oswald và Ruby với Marcello hoặc các đồng mưu của Marcello(244) [(Benson)]. Đó là chuyện năm 1978. Từ đó đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã xác lập được những mối dây liên kết ấy.
Ruby làm việc cho Joe Civello, đầu lĩnh của Marcello ở Dallas(245) [(Davis)]. Ruby cũng đã gặp mặt nhiều thuộc hạ không phủ nhận được của Marcello như Frank Caracci, Cleeve Dugas, Nick Giaffagnini và Harold Tannenbaum(246) [(Davis)].
Còn về mối quan hệ giữa Oswald với Marcello? Ông chú của Oswald, Dutz Murret đã làm nhân viên kế toán cho Marcello(247) [(Benson)], còn Oswald là kẻ buôn lậu và tiêu thụ hàng gian trong cùng khu vực với ông chú(248) [(Davis)]. Ngay cả mẹ của Oswald cũng có quan hệ với Marcello: bà ta hẹn hò với một số tay em của Marcello(249) [(Benson)]. (Có lẽ “hẹn hò” là một từ rất lịch sự so với những gì bà ta đã làm) Một tay em khác của Marcello là Nofio Pecora, thậm chí đã có lần đóng tiền tại ngoại cho Oswald(250) [(Davis)]!
Đến đây, nói cách khác, không thiếu gì những thông tin nối kết Ruby với Marcello và nối Oswald với Marcello. Chúng ta thảy đều nghe tới những cáo buộc cho rằng một số vũ nữ thoát y của Jack Ruby còn tận mắt thấy chính Ruby gặp gỡ Oswald. Nhưng ai mà tin được mấy cô vũ nữ thoát y, phải không, ông Posner?
Nhưng còn một tài liệu năm 1967 của FBI báo cáo về lời khai của những con người “bình thường” thì sao? Bà Dwight E. Baily báo cáo cho FBI rằng bà biết nhiều nhân viên của Khách sạn Adolphus – ngay đối diện một trong những câu lạc bộ của Ruby – họ đã nhiều lần thấy Jack Ruby và Lee Harvey Oswald đi chung với nhau. Sự thực, mẹ của bà Dailey đã từng phục vụ bàn cho cả Ruby lẫn Oswald tại quán cà phê của khách sạn(251) [(Hồ sơ FBI 62-109060-4391; Hồ sơ lưu trữ 124-10057-10273, ngày 9.1.1967)].
Khi nghiên cứu sâu hơn, ta nghĩ sao về một tài liệu của chính phủ ghi nhận rằng không những Marcello có quan hệ với Ruby và Oswald mà Marcello còn đích thân gặp cả hai tên đó nữa?
Tài liệu CR 137A-5467-69 của FBI, đề ngày 9.6.1988, đã bị biên tập rất nhiều (những phần chính bị bôi đen) và nó ghi chép lời khai của một mật báo viên với tên tuổi không được tiết lộ vì lý do giữ an toàn cho người đó. Mật viên này báo với FBI rằng:
“Marcello có nói chuyện về nhà Kennedy. Hắn ta bảo tôi và một người bạn nữa về cuộc gặp mặt với Oswald. Hắn ta biết được Oswald qua một người tên là Ferris, phi công của Marcello {rõ ràng chổ này muốn nói tới David Ferrie} Hắn ta nói rằng cuộc gặp gỡ đã xảy ra trong nhà hàng của người em trai… (Nhà hàng La Louisiana(252) [(Davis)]). Hắn nói rằng Ruby là một thằng chó đẻ đồng tính nhưng lại hữu dụng khi y ở gần bên để nói cho hắn biết đã có gì xảy ra trong thành phố. Hắn nổi cơn giận dữ dội, chửi rủa anh em Kennedy. Hắn nói ừ tao đã cho thịt một thằng chó rồi, và tao sẽ làm thêm một cú nữa…”(253) [(Hồ sơ FBI CR 137A-5467-69, 70, 72; Hồ sơ lưu trữ 124-10182-10430, ngày 9.6.1988; công bố một phần ngày 27.3.1998)].
Tay mật báo viên bí ẩn này là ai? Chúng ta sẽ không biết được, ít nhất là cho đến khi người đó chết. Nhưng rõ ràng đó không phải là Edward Becker vì câu chuyện của Becker xảy ra trước khi Kennedy bị giết, trong khi lời khai này rõ ràng đề cập tới một cuộc trao đổi của Marcello sau vụ ám sát. Nhưng vì mật báo viên hiển nhiên là một tay giang hồ cần được bảo vệ, nên những tay phản biện sẽ nhất quyết rằng người này là “không đáng tin cậy”.
Tốt lắm. Nhưng nếu người đó không đáng tin cậy, điều đó có nghĩa là lời khai của người đó là không xác thực, và nếu lời khai ấy là không xác thực, thì tại sao FBI giữ kín bảy trang tài liệu đó(254) [(FBI Postponement Information Sheet (JFK Materials); đây là tờ bìa thứ nhì của Hồ sơ CR 137A-5467-69, 70, 72)]? Và tại sao có ba trang đã được công bố trong tình trạng bị bôi đen? Ơû dòng cuối cùng không bị bôi đen, mật báo viên vô danh ấy đồng ý ngồi vào máy phát hiện nói dối. Đó là năm 1988 mà! Nếu mật báo viên không qua được máy phát hiện nói dối, thế thì đâu có lý do gì mà FBI cho bảo mật biên bản buổi xét nghiệm nói dối ấy!
Nhưng họ đã làm thế.
Tại sao?
Chúng tôi chỉ có thể suy đoán, và các bạn cũng vậy. Nhưng còn một lô tài liệu FBI khác còn thú vị hơn. Trong tập hồ sơ nói trên, một nguồn thứ nhì cho ta biết rằng Marcello đã thừa nhận hắn có dính líu đến vụ ám sát.
Nhưng trong một hồ sơ FBI khác, đích thân Marcello thú nhận sự dính líu của mình, mà không phải với những tay giang hồ hay mật báo viên để những tay phản bác có thể gắn cho cái nhãn hiệu “không đáng tin cậy”.
Không, ở đây Marcello thú nhận cùng hai sĩ quan cải huấn liên bang. Marcello chết năm 1993. Nhưng năm 1981, luật pháp sau cùng cũng tóm được hắn, và Marcello bị kết án vi phạm luật RICO và âm mưu hối lộ thẩm phán liên bang, lĩnh án tổng cộng 17 năm tù khi hắn đã 72 tuổi(255) [(Davis)]. Sau khi kháng cáo bị bác, Marcello cũng đành ôm ca thiếc mà gõ vào cửa xà lim. Marcello phải gác bỏ danh hiệu Trùm Mafia và trở thành tù nhân số 16225-034-A, và được cấp một chỗ ở miễn phí trong Viện cải huấn liên bang Texarkana, bang Texas. Không đến nỗi bị xích thành chuỗi nhưng ở đó cũng chẳng tốt lành hơn bất kỳ chỗ nào khác trong khuôn khổ của ngành tư pháp. Và ít lâu sau, tuổi tác, cộng thêm bao năm tháng ăn nhậu vô độ, bắt đầu đè nặng lên hắn.
Những cơn xây xẩm, suy sụp thể lực và thần kinh, và nhịp tim không ổn đã khiến các nhân viên y tế trại giam e rằng Marcello rồi sẽ bị một cơn đột quị hoặc đau tim (hội chứng tổn thương não thứ cấp, thiếu máu cục bộ hoặc tăng huyết áp trước đột quị, nếu bạn quan tâm tới tiểu tiết). Cuối tháng 2.1929, Marcello được chuyển từ bệnh viện trại giam đến Trung tâm y khoa Wadley gần đó để xét nghiệm. Và trong thời gian xét nghiệm ấy hắn được các nhân viên cải huấn giám sát chặt chẽ(256) [(FBI AIRTEL từ Dallas SAC gửi Giám đốc FBI; Hồ sơ CIA 175A-DL-109-7; Hồ sơ lưu trữ 124-10267-10456; ngày 11.4.1989)].
Vào khuya ngày 28.2.1989, James Cates và Vincent Brown, sĩ quan cải huấn liên bang, là hai người đang làm nhiệm vụ canh giữ Marcello. Hắn ta đang ngủ, được ràng vào giường bệnh với đủ thứ dây truyền nối với các máy móc theo dõi bệnh tình, và lát sau hắn ta bắt đầu co giật và nói lảm nhảm. Có lúc Marcello lại ngỡ Cates và Brown và các vệ sĩ của mình, và nói rằng đã đến lúc phải trở về New Orleans thôi. Nhưng có điều gì khác lạ trong những câu lảm nhảm của Marcello mà Cates ghi nhận là “…cực kỳ rối rắm và lộn xộn, nhưng có lúc lại rõ ràng và súc tích”. (chuyện này không có gì khác thường với những bệnh nhân bị suy kiệt thể lực theo kiểu nào đó: lúc này họ chẳng biết mình đang ở đâu nhưng liền đó trí óc họ trở lại hoàn toàn minh mẫn và có thể kể chi tiết những chuyện nhiều chục năm về trước không chút sai sót).
Trong phiên trực của họ, Cates và Brown nhận thấy Marcello tiếp tục lầm bầm và cứ lúc tỉnh lúc thiếp đi. Nhưng rồi, khoảng 2 giờ 30 sáng, Marcello tỉnh dậy và nói câu này:
“Thằng Kennedy – Đ. M nó chứ. Tụi tao sẽ xử lý nó ở Dallas”
Đây không phải chuyện nghe nói; nó đã được ghi vào một tờ trình chính thức của FBI(257) [(Tài liệu kèm FBI AIRTEL; hồ sơ CIA 175A-DL-109-7; Tờ trình gửi J.D.Swinson, Jr.,Giám đốc trại giam; ngày 28.2.1989; một văn bản tường trình của sĩ quan James Cates)].
Marcello còn nói với Cates và Brown rằng hắn ta mệt vì mới lái xe rồi người khác lại chở hắn quay ngược từ New York về New Orleans(258) [(Tài liệu kèm FBI AIRTEL; hồ sơ CIA 175A-DL-109-7; bút lục ngày 13.3.1989 của cuộc phỏng vấn Sĩ quan cải huấn Vincent Earl Brown do FBI tiến hành. Điều tra ngày 2.3.1989; ngày ghi chép: 2.3.1989; Hồ sơ số DALLAS 175-109)]. Có lúc Marcello nói bằng tiếng Pháp(259) [(Tài liệu dẫn trên)]. Sau đó, vào hai lúc khác nhau, Marcello đã nói “Tụi tao sẽ tính cái thằng Đ. M. Kennedy đó ở Dallas”.
Cates lập tức báo cáo chuyện này với giám đốc trại giam, ông này báo về cho FBI. Một hồ sơ chính thức khác của FBI còn cho ta biết rằng Marcello được đưa ra khỏi Trung tâm Wadley ở Texarkana ngay ngày hôm sau và tức tốc đem về Trung tâm y khoa liên bang ở Rochester, Minnesota(260) [(Tài liệu kèm FBI AIRTEL; hồ sơ CIA 175A-DL-109-7; bút lục ngày 13.3.1989 của cuộc phỏng vấn bác sĩ Jerry Stringfellow do FBI tiến hành. Điều tra ngày 2.3.1989; ngày ghi chép: 2.3.1989; Hồ sơ số DALLAS 175-109)], tại đây FBI lập tức điều một nhóm nhân viên tới với mục đích rõ ràng là giám sát Marcello và xác định cho được “phương cách hữu hiệu nhất để khai thác thông tin từ tù nhân này”(261) [(Bản viễn ký FBI; Hồ sơ CIA 175A-DL-109-3; Hồ sơ lưu số 124-10267-10460, ngày 10.3.1989)]
Vậy là đến đây chúng ta đã biết được năm người từng nghe thấy Marcello thừa nhận có dính líu tích cực vào vụ ám sát JFK. Hai trong số năm người đó, Frank Rogano và Edward Becker, có quan hệ với giới băng đảng giang hồ. Cả hai đều không có lý do hợp lý nào để nói dối tuy nhiên một số nhà nghiên cứu vẫn coi họ là không đáng tin cậy chỉ vì họ có dính líu tới giới giang hồ. Chuyện cũng tương tự như vậy cho nhân chứng thứ ba – một nhân chứng vô danh – được ghi trong hồ sơ FBI. Có lẽ hắn ta cũng có liên quan tới giới giang hồ, cũng không có lý do gì để nói dối nhưng vẫn bị các nhà phản bác cho là không đáng tin cậy – tuy rằng ba trang đầy lời chứng của ông ta vẫn còn được FBI giữ kín, và hầu hết lời khai của nhân chứng này khi được công bố đều bị bôi đen.
Nếu những điều tay mật báo viên này phát biểu là không đáng tin cậy, thế thì vì lý do gì mà FBI giữ kín nó và không công bố cho dân chúng?
Chúng tôi sẽ không nín thở chờ đợi bất kỳ ai trả lời câu hỏi này. Vấn đề là chúng tôi còn hai nhân chứng nữa – không phải dân giang hồ, không phải mật báo viên, mà là hai sĩ quan cải huấn liên bang với thành tích công tác trong sáng và không hề có lý do gì để nói dối.
Chúng tôi để phần còn lại cho độc giả tuỳ nghi suy luận.
Cuộc Tranh Cãi Quanh Phát Đạn Vào Đầu
Nhờ phó đô đốc Burkley chu đáo dời chỗ bộ não của Kennedy, nên thế giới sẽ chẳng bao giờ biêt được phát đạn gây tử vong đó được bắn ra từ đâu. Tuy nhiên, đứng đầu trong danh sách suy đoán là giả thuyết cho rằng viên đạn trúng đầu được bắn từ phía trước Kennedy khi đoàn xe di chuyển theo phố Elm. Cuốn The Killing of a President (“Vụ giết một tổng thống”) của Robert Groden khẳng định điều này mà không kèm những chữ như nếu, và hoặc nhưng gì cả; ông ta còn vẽ hẳn sơ đồ mô tả đường đạn bắt đầu từ hàng rào bảo vệ phía sau “Grassy Knoll” và kết thúc ở đầu Kennedy trong chiếc xe. Groden viết trong sách: “Phát đạn thứ năm, bắn từ phía sau hàng rào bảo vệ chân đồi, găm trúng thái dương phải của tổng thống… Viên đạn trổ ra phía sau đầu…”(262) [(Groden, The Killing of a President)]
Sách của Groden là loại bìa giấy khổ lớn, nó bao gồm chủ yếu là các bức ảnh chen lẫn những đoạn văn bản, và đó là cuốn sách, có lẽ hơn mọi cuốn khác, nói được cho độc giả phổ thông tất cả những rối rắm của vụ ám sát JFK. Với những bức ảnh, Groden đã chỉ cho độc giả thấy, chứ không chỉ là kể cho độc giả biết, và nỗ lực này rất đáng biểu dương. Groden cũng là một cố vấn kỹ thuật cho bộ phim JFK của Oliver Stone và trong phim đó ta thấy sự mô tả hành động y như khẳng định của Groden: một tay súng phía sau hàng rào Grassy Knoll bắn phát đạn trúng đầu gây tử vong đó(263) [(Stone, Oliver, JFK, phần II, cảnh xử án)].
Tuy nhiên, để điều này là sự thực, người ta phải chấp nhận một điều bất thường về mặt đạn đạo học. Nếu một viên đạn súng trường có tốc độ cao hoặc trung bình bắn trúng thái dương bên phải của một người và trổ ra phía sau đầu, thì viên đạn đó đã đi một đường hơi khác thường. Nó vào thái dương phải rồi rẽ một góc 90 độ trong cái đầu, rồi trổ ra đằng sau. Tức là rẽ trái rất gắt. Và đó là điều bất thường về mặt đạn đạo…
Nhưng không phải là không thể xảy ra.
Các viên đạn chạy lung tung. Các viên đạn chạy dọc theo xương. Người ta từng biết các viên đạn di chuyển trong những điều kiện không hạn chế. Hoàn toàn có thể có chuyện một viên đạn tốc độ cao chui vào khuỷu tay một người và trổ ra ở đầu anh ta. Những chuyện đó vẫn xảy ra. Thí dụ, một phần trong thiết kế cơ bản của loại súng M-16, là tạo một viên đạn bất định về mặt đạn đạo trong khi chiến đấu. Nó có một đầu đạn cực mảnh (đường kính chỉ có 5,56mm) đàng sau một khối thuốc nổ thông thường cho một viên đạn súng trường. Khi va chạm mục tiêu, thiết kế này sẽ làm tăng khả năng chạy lung tung của viên đạn bên trong mục tiêu thay vì đơn thuần vào rồi ra theo một đường thẳng, như kiểu ta thường gặp với các loại đạn cỡ lớn hơn (7,62mm) thường dùng hiện nay. Viên đạn càng lớn và khối thuốc đạn càng nhiều, sức công phá càng mạnh, và thường nó sẽ vào và ra theo một đạn đạo thẳng. Nhưng khi bạn có viên đạn mỏng hơn, nó có thể làm đủ chuyện kỳ quái sau khi vào trong cơ thể của mục tiêu.
Khẩu súng trường mà người ta nói Oswald đã sữ dụng là một khẩu Mannlicher – Carcano nòng 6,5mm không mỏng như đạn của khẩu M-16, nhưng dứt khoát mỏng hơn những loại đạn súng trường thông thường (Nhưng dĩ nhiên, Oswald, nếu có bắn, thì không bắn từ Grassy Knoll). Dù thế nào thì cũng hợp lý khi khẳng định tính khả dĩ tin được trong kịch bản của Groden. Nó có vẻ khó xảy ra nhưng vẫn có thể xảy ra như thường. Thêm vào đó là hơn một chục nhân chứng tuyên bố rằng đã nhìn thấy một lỗ đạn lớn trổ ra phía sau đầu của Kennedy(264) [(Groden, The Killing of a President)].
Nhưng bây giờ ta hãy suy luận chút đỉnh bằng cách quan sát vật chứng duy nhất đúng sự thật hiện có cho đến nay: một đoạn phim 8 ly dài 26 giây được quay vào ngày 22.11.1963 bởi một tay chơi phim nghiệp dư vốn làm nghề thợ may tên là Abraham Zapruder. Tờ báo Life, cơ quan đã mua được đoạn phim này, đã định nghĩa rõ tầm quan trọng của nó: “Trong tất cả nhân chứng về bi kịch này, cái mà ta hoàn toàn không thể hồ nghi đó là đoạn phim 8 ly của Abraham Zapruder”(265) [(Image of an Assassination, phim tài liệu video của MPI Teleproductions, H.D.Motyl đạo diễn và sản xuất, 1998)]
Nhân chứng con người có thể phạm vô số sai lầm của con người. Một số nhân chứng có thể quên, một số lẫn lộn, và một số khác; một cách vô thức; đã để cho lời chứng của họ bị ảnh hưởng bởi những gợi ý khéo léo. Một số nhân chứng có thể nói dối (và trong vụ ám sát JFK, một số nhân chứng đáng kể có vẻ đã chết một cách hơi sớm). Nhưng một ống kính thì không biết nói dối, cũng không thể phạm những lầm lẫn của con người. Khi được chĩa vào đúng chỗ, ống kính sẽ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc ghi nhận sự thật tuyệt đối, và trong ngày Kennedy bị giết, ống kính của Zapruder lại chĩa vào đúng chỗ. Nó ghi nhận ngay khoảnh khắc của cái có lẽ là biến cố gây tranh cãi nhất – và cũng kinh hoàng nhất – trong lịch sử nước Mỹ.
Bởi vì trong đoạn phim đó, người ta thấy đầu của Tổng thống John F. Kennedy nổ tung.
Nhưng trong vụ nổ đó, và trong nhiều thập niên sau biến cố đó, công chúng Mỹ đã bị chìm trong sự lẫn lộn. Hầu như rằng phát đạn thật sự giết chết Kennedy cũng chính là phát đạn bắt đầu cuộc chạy đua của những tay mê nghiên cứu vụ JFK để lao vào đủ thứ giả thuyết. Ngày nay, cho dù có những cuốn sách như Case Closed của Posner (vốn ủng hộ giả thuyết Oswald là tay súng đơn lẽ làm chuyện đó một mình) thì những đánh giá cá nhân phổ biến nhất có vẻ như ủng hộ lý thuyết chung cho rằng (1) JFK bị giết do một âm mưu; (2) Báo cáo của Uỷ ban Warren là một tập hợp những lời nói dối do chính phủ bịa ra; và (3) bằng chứng và những lời khai nhân chứng quan trọng mà chúng có thể dễ dàng bác bỏ Báo cáo Warren và những kết luận của các cuộc điều tra sau đó đều bị nguỵ tạo, biến cải, tiêu huỷ hoặc bỏ qua.
Các tác giả của sách này đồng ý với ba điểm nêu trên. Nhưng có lẽ còn một điểm thứ tư cũng còn được công chúng đánh giá cao: đó là chuyện phát đạn vào đầu gây tử vong đã được bắn từ Grassy Knoll.
Nhưng, chúng tôi không hoàn toàn tin vào điều đó.
Ta hãy trở lại những điều chúng tôi đã trình bày cách đây vài đoạn: ống kính không biết nói dối. Nếu sự thật có một con mắt, thì đó là ống kính và những gì nó ghi được vào phim, và trong đoạn phim của Zapruder, khung hình 313, chúng ta thật sự thấy cái đầu Kennedy nổ. Với những độc giả không được xem đoạn phim này, chúng tôi thành thực kêu gọi bạn hãy mua, mướn hay mượn một bản in thuộc loại tốt nhất, rõ nhất: đó là cuộn The Men Who Killed Kennedy (tập 1; “Người đã giết Kennedy”) của A&E Home Video sản xuất năm 1987, và bộ phim JFK của Oliver Stone năm 1991 (trong cảnh xử án ở gần cuối phim, Stone sử dụng một phần lớn của đoạn phim Zapruder), hoặc, gần đây hơn, vào tháng 6.1998, là phim Image of an Assassination (“Hình ảnh của một vụ ám sát”) của hãng MPI (ấn bản kỹ thuật số của đoạn phim nhựa gốc)
Hãy kiếm một bản và xem đi. Xem đi xem lại nhiều lần. Nếu trước đây bạn chưa từng xem, thì hãy chuẩn bị cho cú sốc của nó vì nó trông rất kinh, đoạn phim gây nhiều bối rối, và bạn sẽ thấy máu, những mớ não vung vãi, và những mẫu sọ bung ra từ thái dương bên phải của Kennedy.
Hãy xem hình ảnh thấp thoáng trong phim cho thật kỹ.
Với chúng tôi, những mẫu sọ từ thái dương bên phải của JFK trông giống một vết đạn trổ ra hơn, tuy những người theo giả thuyết phát đạn tử vong xuất phát từ Grassy Knoll vẫn cho rằng đây là vết thương đạn găm vào. Tuy quả thực rằng Grassy Knoll nằm ở phía trước – bên phải của chiếc xe chở JFK khi nó chạy dài gần hết phố Elm, vào thời điểm chiếc xe Lincoln mui trần vào đến vị trí ở đó đầu Kennedy bị nổ, một phát đạn từ Grassy Knoll hẳn đã gần như bắn thẳng góc vào đầu Kennedy. Giả thiết phổ biến nhất cho rằng một tay bắn tỉa đàng sau hàng rào gỗ quanh Grassy Knoll đã bắn gần như thẳng vào thái dương bên phải của Kennedy. Nhưng trong đoạn phim Zapruder, chúng ta lại thấy mẫu sọ rơi ra từ thái dương bên phải. Chúng ta thấy một vết đạn vào ở chổ hẳn phải là vết đạn ra nếu quả thực phát đạn tử vong được bắn từ phía Knoll. Nếu một tay bắn tỉa ở phía Knoll đã bắn trúng đầu JFK ở hướng xe chạy như vậy, viên đạn ắt phải đi vào thái dương phải của Kennedy, trong khi theo hầu hết những bài học đạn đạo, mẫu sọ rơi ra phải được thấy ở phía bên trái đầu Kennedy.
Chúng tôi không tranh luận về ý tưởng cho rằng không phải chỉ có một tay bắn tỉa tại quảng trường Dealey ngày hôm đó. Chúng tôi cũng không tranh luận chuyện có một tay bắn tỉa đứng sau hàng rào Grassy Knoll. Hàng chục nhân chứng, trong đó có cả cảnh sát(266) [(Duffy)] – thực tế, tám mươi phần trăm các nhân chứng tại quảng trường Dealey, theo nhà nghiên cứu Robert Groden(267) [(Groden, The Killing of a President)] – khai báo rằng các phát đạn được bắn ra từ khu Grassy Knoll. Gordon Arnold, vừa mới qua huấn luyện cơ bản, đã lao ngay xuống đất ở trước hàng rào Knoll khi ông ta nghe tiếng súng trường nổ sau lưng mình(268) [(Trong cuốn The Killing of a President của Robert Groden, những ảnh chụp thực cho thấy cảnh sát và ngừời dân chạy đổ về phía Knoll(269) [(Benson)] Groden, The Killing of a President)]. Chính Abraham Zapruder, khi quay những đoạn phim bất tử ấy, đang đứng trên một vỉa hè xi măng cạnh Grassy Knoll, và cho dù ông ta khai báo rằng những phát súng được bắn ra từ phía sau lưng ông ta, điều đó cũng đặt tiếng súng bắn từ phía sau hàng rào ở Knoll(270) [(Duffy)]. Các chuyên gia của quốc hội, qua phân tích bằng chứng âm học, đã xác định rằng có khả năng 95% là có ít nhất một phát đạn được bắn ra từ Grassy Knoll nhưng rồi chúng ta được nghe nói rằng một uỷ ban khác của chính phủ (Uỷ ban âm học đạn đạo) đã cho rằng các kết luận trước đó là không giá trị mà không giải thích tại sao(271) [(Hồ sơ FBI/Hồ sơ lưu sổ – 10006-10144/ Hồ sơ CIA 62-109060-2 ND NR 8235)]. Theo chúng tôi thì đó quả là một trò ngớ ngẩn; đó chỉ là một trò ma mãnh khác của chính phủ thôi. Làm thế nào mà “Uỷ ban âm học đạn đạo” (rồi tới gì nữa? Uỷ ban về dụng cụ giữ sống lưng của JFK chắc?) không chỉ phủ nhận một xác định về kỹ thuật của các chuyên viên thuộc quốc hội mà còn gạt bỏ lời khai của cả chục nhân chứng mà không thèm nói một lời để giải thích tại sao họ gạt bỏ lời chứng ấy. Cái gì đây? Không lẽ tất cả những người đó đã bịa đặt ra cùng một câu chuyện? Cả dân thường lẫn cảnh sát? Ngay cả thành viên của đội mô tô hộ tống cũng nói họ tin rằng những phát đạn là bắn ra từ Knoll(272) [(Duffy)].
Vậy đó, chúng tôi hy vọng độc giả thấy rõ rằng chúng tôi tin thật có những phát đạn được bắn ra từ sau hàng rào ở Grassy Knoll – nhưng không phải phát trúng đầu, và có thể thậm chí không có phát nào trúng ai cả. Thực vậy, nhiều người đã tuyên bố rằng phần đàng sau – bên phải của cái đầu Kennedy đã bị bắn tung(273) [(Groden, The Killing of a President)]. Nhưng đó không nhất thiết là điều chúng ta thấy trong đoạn phim Zapruder. Độ phân giải của mẫu phim cũ này, cho dù là bản dùng kỹ thuật số, không phải là toàn bích. Các chi tiết bị mất âm thanh, hình ảnh mờ, chuyển động, nên điều xảy ra trong tích tắc ghi được trong Khung hình 313 khiến ta hầu như không thể xác định điều đó một cách rõ ràng được. Do đó thật khó nói chắc rằng phần nào đó ở phía sau đầu JFK đã bị bắn tung hay không bắn tung. Với chúng tôi, có vẻ như thái dương bên phải bị bắn tung. Phải, Kennedy có vẻ như giật ra sau đúng lúc hoặc ngay sau khoảnh khắc trúng đạn nhưng điều này có thể giải thích dễ dàng là do lực quán tính khi xe tăng tốc. Từ quan điểm của chúng tôi, ít nhất, một phát đạn từ Grassy Knoll không thể tạo được cảnh mà chúng ta thấy trong đoạn phim Zapruder.
Để tạo được cảnh trên, viên đạn trúng đầu hẳn phải đến từ phía sau Kennedy, chứ không phải từ Knoll ở phía trước Kennedy. Hơn nữa, như cách chúng tôi lý giải đoạn phim này, phát đạn trúng đầu không những phải xuất phát từ phía sau Kennedy, và trong trường hợp này các vị trí khả thi nhất cho một tay bắn tỉa sẽ là toà nhà Kho sách giáo khoa Texas, Cao ốc Dal-Tex (cả hai đều ở lề trái phố của Elm), và Cao ốc Dallas Records hoặc Pháp đình hình sự (ở phía trái của phố Elm). (Ngay Robert Groden cũng thừa nhận khả năng có ít nhất một phát đạn được bắn từ nóc cao ốc Dallas Records)(274) [(Groden, The Killing of a President)]
Bây giờ, để thêm vào cuộc tranh luận, ta hãy bổ sung thêm vài nhân chứng nữa, ba người đã nhìn thấy xác Kennedy tại Bệnh viện Parkland.
Bác sĩ Marion Jenkins, bác sĩ Robert McClelland và cha cố Oscar Huber, người tiến hành những nghi lễ cho Kennedy. Cả ba người đều nhận thấy chỗ trông như vết đạn chui vào thái dương ở bên trái Kennedy(275) [(Duffy)] điều này sẽ xác định một vết đạn trổ ra ở thái dương bên phải, và khả năng này có vẽ có lý nhưng chỉ làm vấn đề thêm rắc rối khi nó mâu thuẫn với những nhân chứng khai rằng họ thấy một vết đạn trổ ra ở đàng sau bên phải của cái đầu Kennedy.
Như thế hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, nhóm nhân chứng này mâu thuẫn với nhóm khác. Bác sĩ Ronald F. White trong bài viết sôi nổi cho tập Assassination Science (“Khoa học ám sát”), mộ tả vụ sát hại JFK như là “khởi đầu của một thời Hậu hiện đại tại Mỹ”, và nó là một “tiếng lao xao lảm nhảm của đủ thứ giọng đã tạo nên ngành sử học về ám sát”(276) [(Fetzer)]. Trong một nghĩa rộng, điều này không thể nào đúng hơn: có quá nhiều cái miệng láp báp, quá nhiều nhân chứng, qúa nhiều “cuộc điều tra” của những cơ quan điều tra kém cỏi, đã biến mọi khía cạnh của vụ ám sát JFK thành một hiện tượng giống như một kiểu phim X-files. Cho đến gần đây mới thấy có các chuyên gia đích thực, không thiên vị, khởi sự mở một hướng đi khoa học vào vụ nghi án này. Một thí dụ đáng được trân trọng giới thiệu là cuốn Assassination Science nói trên (đây là một cuốn sách tuyệt vời và thuộc loại phải-đọc cho bất kỳ ai quan tâm tới vụ ám sát JFK; không may, độc giả trung bình cần có bằng tiến sĩ vật lý, tội phạm học và giải phẩu học thì mới khai thác được tác phẩm này!) Nhưng những nỗ lực như vậy, mặc cho chi tiết về thuật ngữ chuyên môn, v.v… chính là điều mà độc giả cần có để phân biệt vàng thau, tức là: một phân tích khoa học về các bằng chứng và cả những suy đoán nữa.
Một thí dụ “dễ cho độc giả hơn” về sự khảo sát của các chuyên gia không thiên vị là một điều đã xảy ra gần đây cuối mùa hè 1998, và nó không dính gì đến những nhà khoa học trong một phòng thí nghiệm.
Phòng thí nghiệm ở đây chính là quãng trường Dealey.
Các nhà quản trị Associated Television (một công ty truyền hình có trụ sở chính ở Los Angeles) đã chi một khoản tiền lớn để thuê quảng trường Dealey của chính quyền Dallas trong một khoảng thời gian đủ để các chuyên gia đạn đạo tới đó làm một số việc mà lẽ ra phải được làm từ lâu. Với những trang bị đo lường hiện đại và tinh vi nhất, các chuyên gia này tiến hành khảo sát vấn đề viên đạn trúng đầu một cách tỉ mỉ – và khoa học – hơn bất kỳ cuộc khảo sát nào từng được làm trước đây. Nỗ lực này đã soi rọi những ánh sáng chưa từng có vào vấn đề này, và kết quả có lẽ đã chứng tỏ chính xác nơi xuất phát của viên đạn trúng đầu đó.
Và với đa số những nhà giả thuyết, nó cũng là một kết quả đầy ngạc nhiên.
Yù tưởng này nảy sinh khi đồng tác giả Brad O’Leary của sách này thuyết phục Associated Television sang Nga để quay một phim tài liệu dựa trên những hồ sơ KGB mới tìm được có liên quan đến Oswald và vụ ám sát Kennedy. Bộ phim này đã phát sóng nhiều lần trong chương trình The Learning Channel. Trong những cuộc phỏng vấn rốt ráo với nhiều cấp thẩm quyền kỹ thuật hàng đầu của Nga (cũng như các cấp chỉ huy của KGB trước đây), trung tá Nikolai Martinnikov, một chuyên gia đạn đạo hàng đầu làm việc ở Phòng thí nghiệm tội phạm liên bang Nga, đề xuất kỹ thuật hiện đại sử dụng tia laser thử nghiệm – chính xác như một phương cách để khảo sát “các giả thuyết về viên đạn trúng đầu” khác nhau để xác định chính xác nơi nào tại quảng trường Dealey là nơi bắn ra phát đạn gây tử vong ấy. Điều này dẫn tới tiểu mục kế tiếp của chúng tôi:
Tái Dựng Hiện Trường Quảng Trường Dealey
Ba mươi lăm năm sau cái chết của Kennedy, quảng trường Dealey được phong toả cho một cuộc nghiên cứu chưa từng có, và những chuyên gia uy tín được mời tham gia, những con người với khả năng chuyên môn không thể phủ nhận:
Anthony Larry Paul: một chuyên gia đạn đạo hiện trường với hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc dựng lại hiện trường tội phạm; một giảng viên đạn đạo học cho FBI và sở cảnh sát của Los Angeles và Philadelphia.
Heinz Thummed: một chuyên gia về laser ứng dụng và một nhà tiền phong về vận hành laser; Thummed là nhà khoa học đầu tiên nghĩ ra cách nhìn bằng laser cho ngành chế tạo vũ khí trên ba thập niên qua.
Ronald L. Singer: Nhà tội phạm học hàng đầu của Phòng thí nghiệm tội phạm học Hat Tarrant.
Bác sĩ Vincent DiMaio: nhà bệnh lý học pháp y nổi danh toàn quốc với nhiều sách giáo khoa và bài viết kỹ thuật đã định ra một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực này. DiMaro là trưởng ban khám nghiệm y học ở San Antonio, Texas.
Robert Groden: có lẽ là nhà nghiên cứu JFK nổi tiếng nhất. Groden đã viết một số sách bán rất chạy và, nhờ kỹ năng của một chuyên viên nhiếp ảnh, có lẽ ông đã cho độc giả thấy được rất nhiều điều gây tranh luận chung quanh vụ ám sát JFK.
Paul định nghĩa các mục đích căn bản, những thiết kế và động cơ tối hậu của việc tái dựng hiện trường này bằng cách giải thích, “chúng ta sẽ tái tạo lại kịch bản cảnh nổ súng – càng nhiều kịch bản càng tốt – bằng cách dùng công nghệ laser để xác lập các đường bắn của đạn”. Singer tăng thêm mối quan tâm đặc biệt của nhóm vào việc trắc nghiệm “một số giả thuyết khác, một số vị trí khác, và xem đích xác những gì chúng ta có thể loại bỏ – và tôi nghĩ đây thực sự là con đường các bạn phải đi – với bất kỳ nghiên cứu nào thuộc loại này – bạn loại bỏ những giả thuyết bấp bênh bên lề và càng loại bỏ được nhiều giả thuyết thì ta càng tới gần sự thật. Giống như Sherlock Holmes nói, một khi bạn loại trừ được tất cả những điều không thể xảy ra, thì cái còn lại chính là sự thực”. Với việc sử dụng mắt nhìn laser, dự án này sẽ có thể xác định giả thuyết nào trình bày rõ nhất chuyện đã xảy ra vào ngày 22.11.1963. Sau cùng, DiMaio tổng kết các mục tiêu của nhóm là “trình bày bằng chứng khách quan trong vụ này là gì, loại bỏ một số huyền thoại về bản chất của các vết đạn trên người Kennedy và các vũ khí, rồi để cho mọi người tự phán xét. Tôi chỉ quan tâm khía cạnh khoa học”. Ngay lập tức, các nhà khảo sát chuyên nghiệp được mang tới hiện trường để trắc nghiệm phương tiện, một công việc cực kỳ quan trọng. Ba vị trí trắc nghiệm được xác định để đánh dấu sự di chuyển của JFK dọc theo phố Elm, một trước lúc Tổng thống bị bắn, điểm thứ nhì đánh dấu phát đạn thứ nhất, và điểm thứ ba ở nơi trúng đạn vào đầu. Điều tối quan trọng là những vị trí trắc nghiệm ấy được chọn một cách độc lập, không dựa vào báo cáo Warren, nên nhóm thí nghiệm này đi thẳng tới tận nguồn: đoạn phim Zapruder. Dùng một máy phóng ảnh cho từng khung hình, từ vị trí chính xác nơi Abraham Zapruder đã đứng khi quay đoạn phim đó, nhóm này có thể đánh dấu chính xác từng bối cảnh quay. (Và sau đó, nhóm này so sánh những hình dạng sắp đặt của họ với những sắp đặt của Uỷ ban Warren – chúng giống nhau)
Nhưng ngay chính chiếc xe cũng có những đòi hỏi về độ chính xác, nên một chiếc xe thử nghiệm được đem tới, không chỉ tương tự mà là y hệt như chiếc Lincoln mui trần chở JFK trong ngày định mệnh ấy, cùng với những đặc điểm về trục thứ cấp, dàn treo và các bánh xe. Điều tối quan trọng là chiếc xe vận hành theo đúng kiểu của chiếc xe chở Kennedy hôm đó.
Kế tiếp, những hình nộm chính xác được dùng để thay cho Kennedy và Thống đốc Connally, những bộ khung đắt tiền có thể được dựng vào đúng vị trí tư thế của Kennedy và Connally trên xe khi bị bắn. Những vấn đề khác cũng được xem xét tỉ mỉ: những nhánh cây nay đã ngăn đường đạn bắn từ một số cửa sổ nào đó, việc tu sửa mặt đường và ngay cả tổng trọng lượng của sáu người có mặt trên xe hôm đó. Và sau khi tất cả những điều kiện này được thoả mãn, cảnh được diễn lại trên con đường – đó là phố Elm tại Dallas, Texas.
Các mắt nhìn laser đã bố trí vào chỗ, chiếc xe trắc nghiệm được đặt đúng vị trí, nhóm khởi sự làm việc, và từ sáng đến tối những việc đo đạc, tính toán và những phát bắn trắc nghiệm bằng laser đã lần lượt được tiến hành.
Rồi đến những kết quả đầy ngạc nhiên
Nhiều giả thuyết đã mau chóng bị loại bỏ. Một số nhà nghiên cứu từ lâu đã nghi rằng phát đạn trúng đầu có thể đã được bắn ra từ điểm tiếp giáp nơi hàng rào của Grassy Knoll gặp chân đế bê tông của chiếc cầu vượt, nằm xa phía trước chiếc xe chở JFK. Một cách lý tưởng, vị trí này sẽ là một chỗ ngắm bắn rất tốt cho một tay bắn tỉa… nhưng đường bắn lại không thẳng. Một phát đạn bắn từ đó không chỉ làm vỡ tung kính chắn gió của chiếc xe, mà nó cũng không thể bắn trúng đầu JFK theo một kiểu phù hợp với vết thương mà ta thấy trong đoạn phim Zapruder. Do đó, giả thuyết về đường bắn này bị loại bỏ.
Một giả thuyết khác cũng bị loại bỏ là giả thuyết cho rằng phát đạn vào đầu được bắn từ một máng xối ở phía trước chiếc xe. (Theo năm tháng giả thuyết này mất đi sức thuyết phục cho đến khi một tập trong bộ phim The X-Files được chiều gần đây miêu tả lại giả thuyết này). Nhưng một lần nữa, các kết luận khoa học của nhóm lại cho rằng phát đạn trúng đầu xuất phát từ vị trí đó là không thể có được.
Thứ ba (và có lẽ gây thất vọng cho nhiều người say mê tìm hiểu vụ JFK), các thành viên trong nhóm nhất trí loại bỏ giả thuyết nổi tiếng nhất trong các giả thuyết – Giả thuyết Grassy Knoll, vốn được trình bày xuất sắc trong phim của Oliver Stone. Nhưng giả thuyết này dễ dàng bị loại bỏ vì nó không ở vị trí xác lập được những đường bắn cần thiết giải thích được không những các vết thương của Kennedy mà cả những vết thương của Connally nữa. Có thể rằng đã có tay bắn tỉa nấp sau hàng rào Knoll… nhưng những kết quả trắc nghiệm của nhóm chứng tỏ rõ ràng rằng không phát đạn nào từ vị trí đó trúng được Tổng thống.
Vậy thì phát đạn chết người ấy đến từ đâu?
Sự thực, điều mà nhóm trắc nghiệm xác định ban đầu là tất cả mọi phát đạn bắn trúng Kennedy và Connally đều xuất phát từ phía sau chiếc xe. Một số trục laser từ phía sau được thiết lập, và vị trí bắn tốt nhất được tìm thấy là cửa sổ ngoài bìa tầng thứ sáu của kho sách giáo khoa, điều đó không làm gì ngoài việc chứng thực những kết luận của Uỷ ban Warren, ngoại trừ…
Vị trí bắn tốt thứ nhì cũng được xác lập. Tầng hai của cao ốc Dal-Tex.
Trong tổng kết phân tích cuộc nghiên cứu toàn diện này, Ronald Singer kết luận, “Điều thứ nhất tôi muốn nói là tôi rất hài lòng với những gì chúng tôi đã làm được. Tôi thực sự biết được nhiều hơn tôi mong đợi…Tôi nghĩ điều tốt nhất mà chúng tôi đã làm dựa trên những đường đạn thiết lập bằng laser từ khu Grassy Knoll cũng như từ cầu vượt, tôi nghĩ chúng tôi đã cho thấy rõ ràng rằng với bằng chứng khoa học chắc chắn, thì không thể có một phát đạn trúng đầu Tổng thống Kennedy từ những nơi đó”. Và tuy hầu hết những kết quả trắc nghiệm cho thấy rằng tất cả những phát đạn trúng được vào người JFK cũng như Connally có lẽ đều xuất phát từ kho sách giáo khoa, nhưng giả thuyết cao ốc Dal-Tex cũng không thể bị loại bỏ. Groden đã nói rõ nhất về tầm quan trọng của sự đáng tin dựa trên khoa học này: “Một trong những điều có ý nghĩa nhất mà chúng ta lấy được từ cuộc trắc nghiệm này là việc tìm ra rằng có một khẳng định bổ sung cho một điểm bắn tình nghi mà nó đã bị nghi ngờ từ hơn 30 năm qua, và đó là vị trí trên tầng hai của cao ốc Dal-Tex”.
Tóm lại, điều này rõ ràng gợi ý tới bằng chứng là có ít nhất hai tay bắn tỉa.
Sau đó, các kết luận của nhóm được trình bày cho chính nhân vật đã ban đầu đề nigh trắc nghiệm bằng tia laser, chuyên gia đạn đạo của Nga, Trung tá Nikolai Martinnikov thuộc cảnh sát liên bang Nga và ý kiến của ông ta một lần nữa khẳng định những phát hiện của nhóm đạn đạo học Mỹ. “Tôi muốn các bạn chú ý tới sự kiện rằng, dựa trên nghiên cứu này, điều có thể nói chắc chắn đó là các phát đạn đều xuất phát từ phía sau”, Martinnikov kết luận. Và ông ta cũng đồng ý rằng Cao ốc Dal-Tex là một vị trí “không thể loại bỏ ra khỏi cuộc nghiên cứu”. Và bây giờ chúng ta biết rằng những vị trí bắn khả thi từ phía sau là tầng sáu của kho sách giáo khoa và tầng hai của Cao ốc Dal-Tex(277) [(Mọi thông tin và tài liệu phỏng vấn liên quan đến việc dàn dựng lại Quảng trường Dealey lấy từ phim tài liệu video The Secret KGB/JFK Assassination Files (Associated Television, 1998)].
Lại thêm một khẳng định khoa học nữa cho rằng không có chuyện một tay súng đơn lẻ đã giết John F.Kennedy, mà phải là một âm mưu toa rập nhiều người.
Vụ Ám Sát Ngô Đình Diệm Và J.F.Kennedy
LỜI TÁC GIẢ
NGUỒN GỐC CỦA HỖN LOẠN
CON BÙ NHÌN TỰ GIẬT DÂY
TAM ĐẦU CHẾ ĐẦY THÙ HẬN
THUỐC PHIỆN
ĐẢO CHÍNH KIỂU MỸ
NHỮNG MÂU THUẪN
NHỮNG ÂM MƯU
VỤ TRỤC XUẤT BÍ MẬT
TỔ CHỨC CỦA ĐỘI QUÂN NGẦM
SDECE
JEAN RENE SOUETRE
VŨNG LẦY GIẤY TỜ
NHỮNG KẺ VÔ DANH
MERTZ
KHỦNG HOẢNG
QI / WIN
NHỮNG ĐIỀU LỤN VỤT VÀ LẶT VẶT
NHỮNG QUAN HỆ QUÁ TẦM
ÂM MƯU
NHỮNG NGƯỜI TRONG BÓNG TỐI
CUỘC PHỎNG VẤN SOUETRE NĂM 1999
ĐỪNG NHÌN NHỮNG KẺ THÙ, HÃY NHÌN VÀO BÈ BẠN
SÀI GÒN
Ai đã giết Diệm và JFK?
PHẦN KẾT